(Kinh Tân Ước gồm 27 cuốn, thì chta cũng có 27 số cần nhớ sau đây):

Chú thích: Vì chúng ta chọn Tân-ước trước, nên có một số điều chung cho toàn bộ Kinh Thánh tất nhiên cho cả Cựu Ứơc).

1) Ý-nghĩa của Mạc Khải trong Kinh Thánh:  Cách duy nhất để tìm biết Thiên Chúa,  là tin vào sự mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Khải là mở ra; Mạc là màng bọc, hay màn che. Mạc Khải là mở tấm màn bao phủ những bí nhiệm, hay xé tấm màng bọc ra. Bản chất mạc khải của Thiên Chúa là việc Ngài tỏ mình ra cho chúng ta. “Thiên Chúa nhân từ và khôn ngoan đã mạc khải chính mình và cho biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha nhờ Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (Ep 2,18; 2Pr 1,4). Trong sự mặc khải nầy, Thiên Chúa vô hình (1Cr 1,15; 1Tm 1,17), bởi tình thương chan chứa ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (Ep 33,11; Ga 15,14-15) và đối thoại với họ (Bar 3,38) để mời gọi họ đến sự hiệp nhất với Người và đón nhận họ vào sự hiệp nhất đó. Nhiệm cục mạc khải này được thể hiện bằng các hành động và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau: Các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều mà lời nói diễn tả, còn lời nói thì công bố các sự việc và làm sáng tỏ mầu nhiệm chứa đựng trong đó. Nhờ mặc khải, chân lí thẳm sâu về Thiên Chúa và về cứu rỗi con người, được sáng tỏ cho chúng ta trong Đức Kitô, Đấng là trung gian và đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mặc khải” (Hiến chế Tín lí về mạc khải của Thiên Chúa số 2).  Qua sự tỏ lộ này, Thiên Chúa không những cho chúng ta thấy bản chất của Ngài, mà còn cho thấy tình yêu và kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta nữa.

2) Mạc khải Công & tư: Trong Cựu-ước Thiên Chúa tỏ lộ cho các Ngôn sứ, trong Tân-ước Đức Giêsu Kitô tỏ lộ cho các Tông đồ, nói chung sự tỏ lộ của Thiên Chúa gặp trong Kinh Thánh được gọi là mạc khải công và mang ý nghĩa của sự mạc khải trực tiếp, cũng gọi là những mạc khải nguyên thủy.
Suốt 2.000 năm qua, chúng ta còn biết thêm được nhiều điều khác nữa, cũng do Chúa mạc khải cho các thánh nhân, hay những bậc khả kính (mà không chứa đựng trong Kinh Thánh), thì đó gọi là mạc khải tư, và theo truyền thống những mạc khải tư không buộc phải tin. Tuy nhiên, khi lý trí hiểu biết thêm, thì niềm tin trong con người cũng được tăng trưởng.

3) Thánh Kinh & Thánh Truyền: Đức Tin CG được hoàn thành từ cảm nghiệm sống TM của các tông đồ, rồi đến các cộng đoàn đầu tiên, lúc đầu chỉ là những điều Chúa Giêsu rao giảng loan báo mà các tông đồ nghe được, rồi các ngài truyền lại cho các tín hữu đầu tiên, trong các buổi phụng tự, các tín hữu đó lại truyền cho người khác bằng lời, tức truyền khẩu. Như thế gọi là Thánh Truyền. Do đó ta có thể nói Hội Thánh trân trọng hai nguồn mạch: Thánh Kinh viết thành sách & Thánh truyền là những điều cũng thuộc về đức tin mà không được viết thành sách. Cả hai đều sống động trong lòng Hội Thánh qua truyền thống Phụng vụ.
Cũng vậy, Thánh Kinh là Thánh Truyền thành văn. Nhưng thuở ban đầu, một số lớn các đoạn Kinh Thánh đều khởi đi từ khẩu truyền. Nghĩa là truyền miệng cho nhau qua nhiều năm, nhiều thế hệ trước khi có chữ viết. Riêng trong Tân-ước, Thánh Gio-an kết thúc sách của ngài như sau: “Chúa Giê-su còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, nhưng không ghi chép hết trong sách này” (Ga 20, 30).
Điều đó chứng tỏ khẩu truyền về Đức Giê-su vẫn còn được tiếp tục trong Hội Thánh sau khi sách Tin Mừng được viết.

4) Ý nghĩa của linh hứng: trong thư thứ hai gửi Ti-mô-thê: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (2Tm 3,16). Đề cập đến vấn đề này, chính Đức Giê-su đã nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). sự thật toàn vẹn ấy chính là việc cứu rỗi, hay ơn Cứu độ. Vì vậy những gì trong Kinh Thánh mà không thuộc về Lịch sử ơn Cứu độ, mà phụ thuộc vào trí óc con người tức tác giả, thì có thể sai, tỷ dụ như khoa học, hay cả môn khoa học lịch sử.
th.dụ về khoa lịch sử học: Nói Ca-in & A-ben là con của Adam & Eva, rồi A-ben làm nghề chăn chiên, Ca-in cầy cấy … Sau khi Ca-in giết em, Chúa ghi dấu trên Ca-in để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông (St 4:1-15). Nếu chỉ mới có gia đình Adam & Eva, thì Ca-in còn gặp ai, mà lo bị giết? – Thưa, khi các mẩu chuyện truyền khẩu lâu đời được viết thành văn bản, thì các tác giả chỉ lấy ý mà thôi, chứ không quan tâm tới tiểu tiết. Khi nói con cái A-dam, thì ngay chúng ta bây giờ cũng nói được là con cháu A-dong, mà thực ra thời A-dam là thời tiền sử, thời đại con người ăn lông, ở lỗ, đã cách xa thời đại của Ca-in và A-ben (thời đại nông nghiệp: Lúc con người đã biết cày cấy & chăn nuôi) là cả hàng triệu năm. Nếu Ca-in ở đầu thời đại nông nghiệp thì cũng mới chỉ cách chúng ta 10 ngàn năm mà thôi! Lúc đó thì thế giới chung quanh Ca-in đã đông lắm rồi! Hoặc về khoa học thường thức khi ta thấy Sách Đệ Nhị Luật (Đnl 14,7) liệt kê loài thỏ rừng là một trong những thú vật nhai lại, đó là điều không đúng với môn Cách Trí; Hoặc về phương diện khác của lịch sử: sách 1Sm 31,4 ghi lại rằng vua Sau-lê tự vận, trong khi sách 2Sm 1,9-10 lại viết là một người khác đã giết nhà vua, thì sai lệch rõ ràng. Tất nhiên còn nhiều nữa … Đọc Kinh Thánh, chúng ta phải biết những điều sơ đẳng này.

5) Sách bán chạy nhất: Kinh Thánh là bộ sách bán chạy nhất mọi thời đại, ước tính mỗi năm  có thêm 100 triệu bản, và đã gây sức ảnh hưởng lớn về văn học và lịch sử, đặc biệt là ở phương Tây, nơi sách đầu tiên được in hàng loạt. Kinh Thánh là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người. Được dịch nhiều lần, sang nhiều ngôn ngữ hơn bất cứ sách nào khác. Kinh Thánh trọn bộ, hoặc một phần, đã được dịch sang hơn 2.100 ngôn ngữ của 90% dân số thế giới. Kể từ năm 1815, ước tính có khoảng hơn 5 tỉ ấn bản Kinh Thánh trọn bộ hoặc các phần quan trọng của Kinh Thánh được phân phối, trở nên sách bán chạy nhất trong mọi thời đại. Khi nói “sách bán chạy nhất”, chúng ta không nhằm mục tiêu quảng cáo, nhưng là quy về mục đích Lời Chúa đã được loan báo rộng cỡ nào và ảnh hưởng ra sao tới đời sống nhân loại.

6) Ngôn ngữ nào ? Trong khi Giáo hội Công giáo công nhận 46 sách (Cựu-ước) là Kinh Thánh, thì quy điển Thánh Kinh của Do Thái giáo (gọi là Tanakh) chỉ có 39 sách. Nguyên bản của Tanakh là tiếng Hebrew (Hip-ri), mặc dù có một vài phần được viết bằng tiếng Aram (Thời Chúa Giêsu ngta nói bằng ngôn ngữ Aram). Người Do Thái vẫn sử dụng bản Bảy mươi (bản dịch Kinh Thánh Hebrew sang tiếng Hy Lạp).
Kitô hữu thời kỳ sơ khai đã dịch Kinh Thánh Hebrew sang các ngôn ngữ khác; bản văn chính được sử dụng là Bản Bảy mươi để dịch sang tiếng Syria, Coptic, Latin và các ngôn ngữ khác. Các bản dịch tiếng Latin là có tầm quan trọng lịch sử đối với giáo hội phương Tây trong khi giáo hội phương Đông nói tiếng Hy Lạp tiếp tục sử dụng bản Bảy mươi (Cựu Ước) và không cần phải dịch Tân Ước (vì nguyên văn bằng tiếng Hy Lạp).

7) Bản Latin Phổ Thông: Bản Vulgata: Bản dịch tiếng Latin cổ xưa nhất là bản Vetus Latina, dựa trên bản Bảy mươi. vào năm 382 Đức Giáo Hoàng Damascus uỷ nhiệm thư ký của mình là Thánh Hiêronimô, xác lập một bản văn nhất quán và đáng tin cậy, dịch trực tiếp từ tiếng Hebrew (Hip-ri) của bản Kinh Thánh Tanakh (của Do Thái giáo). Bản dịch này là nền tảng cho bản dịch tiếng Latin, gọi là bản Vulgata. Bản Vulgata bao gồm cả các sách thứ kinh (7 sách được GHCG thêm vào là: Tôbia, Giuđitha, Macabê quyển 1, Macabê quyển 2, Khôn Ngoan, Huấn Ca, và Barúc) được Hiêronimô nhuận chính, và trở nên bản dịch chính thức của Giáo hội Công giáo từ nhiều t.kỷ nay.

8) Bộ Kinh Tân Ước: Trong Bộ Kinh Thánh của GHCG còn có phần (hay cũng gọi là Bộ Kinh) Tân Ước là một tuyển tập 27 cuốn, phần lớn được viết bằng tiếng Hy Lạp. Ngôn ngữ phổ thông đàm thoại trong thời Chúa Giêsu là tiếng Aram. Tuy nhiên nguyên bản của Tân -ước được viết bằng tiếng Hy-lạp cổ địa phương (Koine Greek) được dùng phổ biến trong đại chúng, tại các tỉnh thuộc đế quốc La-mã vào tk. I. Từ đó được dịch ra các ngôn ngữ khác, quan trọng nhất là tiếng La-tinh, rồi Syria và Coptic.

9) Đại cương về từ và sự hình thành “Tân Ước”. Danh từ Tân Ước (Novum Testamentum) trong văn chương Kitô giáo buổi sơ khai chỉ ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô đã lập thay thế cho Cựu Ước (2Cr 3,6 ; Gl 4,24; Dt 8,6 & 13; 9,15; 12,14). Danh từ đó chính Chúa Giêsu đã đặt ra trong Bữa Tiệc Ly khi Người nói đến máu của Người (Giá máu Cứu Chuộc) là giao ước mới (tức Tân-ước) giữa Thiên Chúa và loài người qua Chúa Giêsu Kitô. Tân Ước là giao ước mới và vĩnh cửu đã thành hình trong Máu Chúa Giêsu Kitô (1 Cr 11,25) đổ ra một lần là đủ. (Dt 9,23-26). Bắt đầu từ cuối thế kỉ II, Giáo Hội Công Giáo dùng danh từ Tân Ước để chỉ những sách của mình và danh từ Cựu Ước để chỉ những sách của Do Thái. Những sách Tân Ước được trước tác vào hậu bán thế kỉ thứ nhất, nhưng chỉ trong thế kỉ thứ hai, mới được liệt kê vào pho Sách Thánh, công khai với những Sách Thánh của Do Thái. Ban đầu số Sách Thánh không được nhất định; mãi đến thế kỉ thứ V, cả Giáo Hội Hy-lạp và Latinh đều công nhận 27 cuốn như đã nói trên.

10) Bộ Kinh Thánh Tân Ước: 27 quyển (cuốn) được chia thành 4 phần:
I. Bốn sách Phúc âm (trong đó 3 sách Phúc âm: Matthêu, Marco và Luca được gọi là Phúc âm Nhất Lãm)
a) Phúc âm Matthew (Mat-thêu – Người thu thuế được gọi làm tông đồ)
b) Phúc âm Marco (Mac-cô – Người môn đệ ở Giê-ru-sa-lem (Cv 12,12) của Phê-rô)
c) Phúc âm Luca (Môn đệ của Phao-lô, làm nghề thầy thuốc (C1 4,14), khi viết thì chịu ảnh hưởng Phaolô)
d) Phúc âm Gioan (Gio-an – vị tông đồ dưới chân Thánh giá)
II. Sách Công Vụ Tông Đồ (Thánh Lu-ca)
III. Các Thư tín + mục vụ (21 thư):
* 13 Thư Thánh Phao-lô:
– Những thư đầu tiên: 1, 2 Thê-xa-lô-ni-ca.
– Những thư viết trong tù: Phi-líp-phê. Cô-lô-xê.
Ê-phê-xô. Phi-lê-môn.
– Những thư lớn: Ga-lát. 1,2 Cô-rin-tô. Rô-ma.
– Những thư về mục vụ:  1,2 Ti-mô-thê. Ti-tô.
* Đặc biệt: Thư Do-thái (Trước kia được kể là thư thứ 14 của Phaolô, nhưng   nay ngta không tính vô đó nữa, vì xuất xứ của nó sau thời Phaolô,
có thể là bởi môn đệ của ngài viết (xin xem thêm số 24 về ý nghĩa các thư ở sau).
* Những thư khác : 1, 2, 3 Gio-an. 1, 2 Phê-rô.
Gia-cô-bê. Giu-đa.
IV. Sách Khải Huyền của thánh Gio-an.

11) Thời gian các sách xuất hiện: 3 cuốn TM. đầu tiên được gọi là TM Nhất Lãm: Mat-thêu, Marcô và Luca, xuất hiện vào khoảng những năm 70, khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá thành bình địa. Tuy nhiên có thể là các ngài đã viết trước. Nhiều tài liệu cho thấy:
* Thánh Mat-thêu viết năm 42, tại Pa-lét-ti-na, cho những người Kitô hữu trở lại từ đạo Do Thái : cuốn này, nguyên được sáng tác bằng tiếng A-ram, sau đó đã được dịch sang tiếng Hy-lạp.
* Thánh Marcô viết năm 48 bằng tiếng Hy-lạp, ông đã giúp đỡ thánh Phaolô trong sứ mạng tông đồ (Cv12,25;13,5.13; Plm 24; 2Tm 4,11), đã giúp đỡ thánh Ba-na-ba, chú của ông (Cv15,37-39; c14,10), đã giúp đỡ và truyền đạt giáo lý của Thánh Phêrô (1Pr 5, 13). Ông đã ghi tại Rô-ma lời rao giảng của Tông đồ Phêrô.)
* Thánh Luca viết năm 50 bằng tiếng Hy-lạp. người gốc dân ngoại chứ không phải là gốc Do Thái như hai thánh Mát-thêu và Mác-cô (C1 4,10 – 14), sinh tại An-ti-ô-ki-a (theo một số người), bạn đồng hành của Thánh Phao-lô trong các cuộc hành trình truyền giáo thứ hai (Cv16,19tt) và thứ ba (Cv 20,5tt), cũng như trong cả hai lần vị này bị cầm tù tại Rô-ma (Cv27,1tt ; 2 Tm 4,11), cuốn này đã được viết dưới ảnh hưởng của Thánh Phaolô (xem 2 Cr 8,18),. Thánh Luca còn viết một cuốn khác, cuốn “Công Vụ Tông Đồ”.
– Gọi là Phúc Ấm Nhất Lãm, vì có những điểm tương đồng, mà cũng có thể là các tác giả đã dựa vào những nguồn giống nhau mà diễn tả niềm tin của hội Thánh. Tuy nhiên nếu chta đọc kỹ, hoặc làm bảng so sánh của cả 3 tác giả, chta cũng sẽ thấy có những điểm khác biệt.
* Tác phẩm của Gioan thì viết sau vào khoảng năm 58 – 60, cũng bằng tiếng Hy-lạp, tại Epheso (ngày nay thuộc nước Thổ nhĩ Kỳ – Turkey) và Xuất hiện vào cuối thế kỷ I (90 – 100), đầy rẫy những bách hại. Tác giả không trình bày về một Chúa Giêsu lịch sử, mà trình bày về ý nghĩa thần học của ơn cứu độ, về giá trị Sứ điệp “Hạnh Phúc của Nước Trời”. Gioan còn viết sách Khải Huyền – một sách chứa đầy bí ẩn – và tác giả cấm không ai được thêm bớt điều gì vào sách này.

12) Vài nét về sự khác biệt giữa 4 Phúc Âm: Bốn bản Tin Mừng là bốn bản tường thuật khác nhau (dù Phúc Âm Nhất Lãm có những điểm chung, và cũng có những điểm khác biệt, như vừa nói trên), nhưng vẫn có chung một mục đích là các Thánh sử muốn cho chúng ta thấy những điều Chúa Giêsu khi sống ở trần gian đã giảng dạy, cùng những việc Chúa đã làm. Ở đây chta chỉ nêu ra vài nét khác nhau mà thôi, thí dụ: Trong cuộc đời công vụ, có sách chỉ ghi Chúa Giêsu lên Giêrusalem 1 lần, sách khác ghi 2; Chúa bị giết trong ngày lễ Vượt qua, trước ngày lễ Vượt qua; Những lời giảng dạy của Đức Giêsu trong sách TM/Gioan được ghi chép lại như những diễn từ, có đầu cuối và trang trọng. Ngôn ngữ Ngài dùng mang tính biểu tượng; Trong khi Tin Mừng Nhất Lãm ghi theo kiểu bình dân hơn, và Ngài thường dùng dụ ngôn để giảng dậy. Tuy nhiên, thay vì những bài diễn văn dài và đầy tính thần học, thì TM/Nhất Lãm thiên về các trình thuật, kể chuyện những hoạt động của Chúa nhiều hơn của TM/Gioan.
Chta cũng có thể trưng ra vài sự khác biệt trong 3 sách TM được gọi là “có chung một cái nhìn”, như: Viết về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu, hai tác giả Matthêu và Luca mỗi người trình bày một giai đoạn khác nhau; Rồi bên Luca thì viết chuyện Sứ thần Thiên Chúa báo tin cho Đức Mẹ việc sinh Con Trẻ, trong khi Matthêu lại kể chuyện Sứ thần gặp gỡ thánh Giuse và báo cho biết việc sinh con trẻ Giêsu. Ngay trong Kinh Lậy Cha Chúa dậy: Matthêu chép tới 7 lời xin, trong khi Luca chỉ ghi có 5. Còn đoạn kết thúc, thì mỗi sách đều chép khác nhau: Matthêu chỉ tường thuật những lời sau hết, và Chúa còn hứa “…ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, không kể việc Chúa được đưa lên trời như Mac-cô, hay Luca. Mac-cô và Luca tuy giống nhau ở điểm này, nhưng địa điểm (lên trời) không kể giống nhau. Còn sách của Gioan lại còn kết thúc sớm hơn, ngay lần Chúa hiện ra với các ông trên bờ biển Hồ, Ngài cùng ăn bánh và cá với các ông, rồi truyền chức Thủ lãnh cho Phê-rô, tức người cầm đầu Hội Thánh. Gioan chấm dứt ngay tại đây.
Kết luận: Tuy có những nét tương đồng, và rất nhiều khác biệt giữa 4 cuốn Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô do 4 tác giả viết, nhưng nhờ thế lại giúp cho chta biết được nhiều khía cạnh, nhiều nét, và những cách giảng dạy khi thế này, lúc cách khác của Đức Kitô. Còn những điểm tương đồng trong TM/Nhất Lãm thì lại làm cho người đọc cảm nhận được rằng các sự kiện đã thật sự xảy ra như thế! Chứ nếu hoàn toàn giống nhau, hoặc cái gì cũng khác biệt hết, thì lại thành vấn đề rất khó mà dung nạp cho trí óc của loài người, nhất là con người lại là một loài động vật tuy có trí khôn, nhưng thường hay đa nghi.

13) Sự tương đồng và duy nhất giữa Tân và Cựu:
a) Nét tương đồng của Tân-ước  và Cựu-ước là tiến trình hình thành với thời gian không ngắn, và bộ nào cũng do nhiều tác giả chứ không của một người. Trong khi Cựu ước phải mất ngàn năm, thì Tân ước dù ngắn hơn, cũng cả trăm năm.
b) Duy nhất vì nguồn gốc Thánh Kinh là Thiên Chúa. Toàn bộ từ Cựu Ước đến Tân Ước là lịch sử ơn cứu độ của nhân loại đi từ tiên báo (Cựu-ước) đến hoàn thành ơn cứu chuộc (Tân-ước). Những trang cuối cùng trình bày về một Giêrusalem Mới (Nước Trời), trong đó Đức Giêsu Kitô được trao quyền thống trị cả trên trời lẫn dưới đất và những kẻ được cứu chuộc nhờ cuộc Tử nạn của Người sẽ được ở cùng (Kh 5,9; 21,3).

14) Bộ sách Tân ước tuy đa dạng nhưng thống nhất:
a) Đa dạng vì gồm nhiều văn bản: Tin Mừng; Các thư; Một số các diễn từ và sách Khải huyền; Hình thành bởi nhiều tác giả. Các tác giả cũng thuộc nhiều dân tộc, nhiều đất nước khác nhau; Tiếp thu nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Các tác giả cũng thuộc nhiều cộng đoàn Kitô hữu khác nhau, cho nên tuy có sự dị biệt, nhưng trong dị biệt lại có sự đồng nhất (x. đọc thêm phần Sơ lược Tin Mừng ở những bài sau).
b) Thống nhất là vì các sách đều được viết ra để đáp ứng nhu cầu đức tin của cộng đoàn Kitô hữu cách đặc thù, cùng một mục đích là Loan Báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ trần gian, Đấng đã chết và Sống lại, cũng như loan báo cho hết thảy mọi người về Nước Trời. Cho nên Khi các thừa tác viên công bố TM, thì đều nói: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu, hoặc Marcô, hay Luca v.v…

15) Sự khác biệt giữa Giao Ước Mới & Giao Ước Cũ : Giao Ước Mới là giao ước Đức Giêsu Kitô trực tiếp ký kết với dân của Ngài, cũng như ký kết với nhân loại, mà không cần qua trung gian con người như Mô-se trong Cựu- ước.

16) Chất liệu để viết: Từ “Kinh Thánh” (Bible) trong tiếng Hy Lạp(1) là biblia, nghĩa là “sách” (tiếng Việt cũng vậy, chữ “Kinh” có nghĩa là cuốn sách quí, như Kinh Thi, Kinh Lễ của Khổng Tử, hay Kinh Việt của Nam Thiên), từ (biblia) này lại có nguồn gốc từ byblos có nghĩa “giấy cói” (papyrus.Tiếng Pháp Giấy là papier.), từ tên của thành phố Byblos xứ Phenicie (Phoenicia) cổ đại(2) , là nơi sản xuất giấy cói.
Ngay thế kỷ I, ở Trung đông, bộ sách Tân ước đã được ghi chép trên chất liệu bằng cọng papyrus (cọng cói đập dẹp. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có tác phẩm ghi trên da của xúc vật).

17) Sách hình thành như thế nào ?
– Trước hết các Tông đồ viết những sách này để gởi cho Giáo đoàn mà ngài đang coi sóc, (hay chăn dắt), cụ thể như các Thư của Thánh Phao-lô. Đó không phải là những bức thư gửi không không, hay khơi khơi, mà có địa chỉ nơi đến đàng hoàng, Thí dụ như “Thư gửi giáo đoàn Rô-ma; Thư gửi giáo đoàn Thê-sô-ni-ca, Galát, hay Cô-rin-tô v.v…
Rồi những lá thư lại được luân lưu để đọc chung trong các cộng đoàn khác và nhờ thế các lá thư được thu thập về, bảo quản trong cộng đồng Kitô giáo.

18) Sách được dùng trong Phụng vụ: Các Giáo đoàn tiên khởi dựa theo cách thức sinh hoạt thờ phượng ở các giáo đường Do-thái, đọc sứ điệp của các Tông đồ trong các cuộc Hội họp Phụng vụ của cộng đoàn.
Ngay ở tk.I các lá thư của các Tông đồ đã được trân trọng và coi như là Sách Thánh.
Bộ Tân ước cứ như vậy được thâu thập dần dần và đó chính là Lời của Chúa, vì các tông đồ được ơn soi sáng, được linh hứng, được mặc khải để viết ra và nuôi dưỡng cộng đoàn. Ngày nay mỗi lần Sách Thánh đọc trong phụng vụ, thì mới đầu được nêu xuất xứ lá thư, như: Thư của Thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Ga-lat. Rồi khi kết thúc thì có câu: “đó là Lời Chúa” đã biểu lộ lên việc Giáo Hội tuyên xưng đức tin, và công bố Lời của Chúa qua Thư của Thánh Tông đồ.

19) Việc trước tác Không theo thứ tự quy củ: Ngay từ đầu các Tđ mới chủ yếu viết loan báo Cuộc Tử Nạn & Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, rồi sau đó dần dần các ngài mới tìm tòi sưu khảo, nghiên cứu như lời thánh Luca viết gửi cho ông Thê-ô-phi-lô rằng: “Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra …”, và các ngài viết lại từ đầu, tức gia phả của Chúa Giêsu, như hai thánh: Mat-thêu và Luca đã làm. Thành ra những gì được đặt lên đầu, lại chỉ được viết sau.

20) Là chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô: Các tông đồ đã chấp nhận lấy máu của mình để làm chứng cho những điều mình rao giảng chính là sự thật. Nên các ngài đều được phúc Tử vì đạo, có lẽ chỉ ngoại trừ trường hợp Thánh Gio-an là chết già trên đảo Pat-mô khi bị đi đày.

21) Sự thật đó là gì ? – thưa, là Sự thật có sức giải thoát, và mang Ơn Cứu độ đến cho con người. Sự Thật đó là Chúa Giêsu bị kết án một cách bất công. Sự thật đó là Chúa Giêsu đã bị chết trần trụi như một tên cướp, nhưng Ngài đã trỗi dậy vào rạng đông của ngày Thứ Nhất trong tuần.
* Sự thật đó để làm gì ? Thưa, để tất cả những ai đang ngồi trong bóng tối, mà tin vào Chúa Kitô tử nạn và đã Phục sinh, thì sẽ được sống và sống viên mãn.

22) Danh từ Kitô Hữu: Bộ Sách Tân ước có tương quan mật thiết với đời sống và sự tăng trưởng của các cộng đoàn Kitô Hữu tiên khởi. Điều này đã phản ánh trong các tác phẩm Tân Ước, trong các Thư và nhất là trong sách Công vụ tông đồ. Danh từ Kitô Hữu đã có ngay từ trong các cộng đoàn Kitô Hữu thời tiên khởi. (CVTĐ 11, 26).

23) Sự Tác động của Chúa Thánh Thần:  Chúa Thánh Thần là Đấng chủ động trong việc rao giảng TM của các Thánh Tđ. Hội Thánh nhìn nhận các bút tích trên là công việc của Ch.Th.Th. (Chta sẽ có bài nói về ơn Linh hứng, các ơn do tác động của Ch.Th.Th cho người rao giảng, cũng như người nghe …). Sau 3 tác phẩm “Nhất lãm” thì xuất hiện sách Công Vụ Tông đồ. CVTĐ có thể gọi là TM của Ch.Th.Th vì ghi chép sự triển nở của GH sơ khai một cách mãnh liệt như là chính hoa trái của ơn Thánh Thần. Xét về phương diện lịch sử, thì sách CVTĐ có thể xem là cuốn “Lịch sử hội thánh tiên khởi, vì mang tính ký thuật. Các Thư của Thánh Phao-lô thì được viết sớm hơn ngay cả những tác phẩm TM (khoảng từ 51-67). Xin nhớ rằng thứ tự mà GH xếp là đặt theo tầm quan trọng, chứ không phải theo niên đại.

24) Ý nghĩa các Thư: Trước đây chta vẫn quen gọi là 14 thư của Th.Phao-lô, tức kể cả thư gửi cho Cđ Do-thái & Hip-ri. Ngày nay thì ko còn ai bảo thư gửi cho Do-thái & Hip-ri là của th. Phaolô nữa, mà có thể là do một đồ đệ của th. Phaolô viết. Các lá thư này không những chứa đựng những lời khuyên, giải thích cách sống đúng của người Kitô hữu, mà thành những văn bản về nguồn mạch giáo huấn của GH, không những vậy các lá thư còn chứa đựng những tư tưởng Thần Học nền tảng của Kitô giáo, phản ánh đời sống đức tin và những khó khăn các kitô hữu thời bấy giờ gặp phải.

25) Các Thư Chung: Sau các lá thư của th. Phaolô là các lá thư chung. Thư Giacôbê khoảng năm 50; Thư thứ I của th.Phêrô khoảng năm 64; Thư thứ II của Phêrô & của th. Giuđa khoảng những năm từ 70-80; sau đó là thư thứ 2 & 3 của th. Gio-an; Thư thứ I của Gio-an thì vào cuối thế kỷ thứ I. Vì những lá thư này không cụ thể cho một nơi nào, mà gởi cho các Hội Thánh (các Cộng đoàn Kitô hữu) nói chung, nên gọi là thư chung.

26) Sách Khải Huyền được viết khoảng năm 64 và được cho là trước tác bởi thánh Gio-an tông đồ. Như đã nói trong bài 9b, sách Khải Huyền được trích dẫn như là Lời Chúa trong thư của giáo đoàn thành Vienne và Lyon. Trong phần IV của bài 9 đã nói Sách này mang tính chất đặc biệt của thể văn khải huyền (tuyên sấm), sử dụng nhiều hình ảnh, con số, tên gọi và màu sắc mang ý nghĩa tượng trưng. Không nên hiểu theo nghĩa đen, chta nên đọc các sách khải huyền khác trong cựu ước để làm quen, hoặc lấy kinh nghiệm cho việc suy nghĩ và đọc Khải Huyền của thánh Gioan. Ở đây, tác giả phác họa một loạt các thị kiến có tính cách tượng trưng, để mô tả các cuộc giao tranh giữa thiện và ác, giữa Chúa Kitô và xa-tan trong vũ trụ. Nhưng rồi cuối cùng, Chúa Kitô sẽ toàn thắng (xem thêm số 27 mục “Thể văn Khải Huyền”).

27) Các loại thể văn của Tân Ước: Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh đã phân ra 4 loại thể văn của Tân-ước:
a- Thể văn Tin Mừng (cũng gọi là Phúc Âm) : Bốn sách đầu tiên của Tân Ước là Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an.
Bốn sách Tin Mừng chiếm một địa vị ưu việt trong Thánh Kinh, “bởi vì Tin Mừng là chứng tá chính yếu về đời sống và giáo lý của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Độ chúng ta.” (MK18)
Công đồng Vat. II đã coi các sách Tin Mừng là chứng từ đức tin mang hai đặc điểm sau:
• Chứng từ này được viết lại sau những biến cố nền tảng của Kitô giáo : phục sinh, lên trời và hiện xuống. Các biến cố này như những luồng sáng chiếu dọi vào toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu, khiến cho các tông đồ hiểu biết thâm trầm & sâu sắc hơn về các việc làm và lời nói của Ngài.
• Chứng từ này mang đậm nét đặc thù của từng tác giả. Khi soạn thảo các sách Tin Mừng, mỗi tác giả đã phải chọn lựa những yếu tố được truyền khẩu, hay được ghi lại thành văn, cộng thêm những hiểu biết riêng của mình mà làm nên một tác phẩm. Tác phẩm này được viết cho một giáo đoàn nhất định và với một mục đích nhất định.
Bốn sách Tin Mừng là bốn cái nhìn về cùng một thực tại là Chúa Giêsu, bốn cái nhìn     khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, để chúng ta có cái nhìn trọn vẹn về Con Thiên Chúa.
b- Thể văn  Lịch  sử Tôn giáo  :  Sách Công vụ Tông đồ.
Sách này kể lại buổi đầu của Hội Thánh và công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Tuy vậy, Sách này không phải là một tài liệu thuần túy lịch sử và cũng không phải là một sách giáo lý thuần túy. Có thể nói sách Công vụ Tông đồ là sách lịch sử nhằm giáo huấn.
Tác giả Luca đã viết sách này cho những tín hữu gốc dân ngoại, để nói lên sứ điệp cứu độ được gửi tới tất cả mọi người, trước là người Do thái, sau là dân ngoại.
c- Thể văn Thư Tôn giáo chính thức : Đây là những lá thư thật sự, vì được gửi tới những cá nhân, như : Ti-mô-tê, Ti-tô, Phi-lê-mon, hay gửi cho các giáo đoàn ở trong đế quốc Rô-ma.
Các thư phát xuất từ những hoàn cảnh cụ thể, nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể, như : Củng cố lòng tin, khích lệ trong cơn bách hại, xác định những điểm giáo lý, uốn nắn những lệch lạc, ngăn ngừa những sai lầm . . .
Các thư này thường được đọc công khai trong các buổi họp cộng đoàn tín hữu (1 Tx 5,27) và cũng có thể được trao đổi giữa các cộng đoàn (Cl 4,16).
Các thư phản ánh việc Sống Lời Chúa của các cộng đoàn dân Chúa ở thế kỷ đầu, với những khó khăn riêng. Nhưng ngày nay chúng ta cũng có thể khám phá thấy nơi các thư một sứ điệp luôn mới mẻ cho đức tin của chúng ta, miễn là biết thích ứng sứ điệp đó cho thời đại chúng ta đang sống.
d- Thể văn Khải Huyền : Sách Khải huyền của thánh Gio-an.
Đây là thể văn thịnh hành trong văn chương Do thái thời trước Chúa Giêsu 2 thế kỷ và sau Chúa Giêsu 1 thế kỷ. Thể văn này sử dụng nhiều hình ảnh, con số, tên gọi và mầu sắc mang ý nghĩa tượng trưng, như đã nói trong mục trên (26).
Chúng ta nên nhớ: Sách Khải Huyền vẫn có giá trị cho mọi thời, vì lịch sử vẫn còn là cuộc chiến đấu giữa Thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối cho tới khi Chúa Giêsu Kitô trở lại.

Tổng Kết: Các sách Tân Ước có sứ mệnh kiện toàn cho các sách trong Cựu Ước. Cựu Ước như âm bản trong khi Tân Ước là dương bản của một cuốn phim. C.Ư . mới chỉ thấy mờ mờ trong phim (âm), T.Ư là hình ảnh thật và rõ ràng (dương). C.Ư mang hình ảnh của sự báo trước, như Abraham mang sát tế Isaac, là hình ảnh của Chúa Cha sát tế chính con mình, làm giá máu cứu chuộc cho nhân loại. Một bên chỉ là chuẩn bị còn một bên là hiện thực. Giao ước trước chỉ là giao ước tạm, còn giao ước sau là giao ước vĩnh cửu.



GHI CHÚ:
(1). Tiếng Hy Lạp là một ngôn ngữ Ấn-Âu với một lịch sử hơn 3.000 năm. Tiếng Hy Lạp Cổ đại và tiếng Hy Lạp Phổ thông có nhiều dạng khác nhau từng là ngôn ngữ chính của nền văn minh Hy Lạp cổ đại và Thiên Chúa giáo, cũng từng là ngôn ngữ chính, hoặc thứ hai ở phần lớn khu vực các nước trong Đế quốc La Mã. Từng được nói ở bán đảo Balkan* từ thiên niên kỷ thứ 2 trước CN. Bằng chứng sớm nhất được tìm thấy trên các bản có từ năm 1500 TCN. Bảng chữ cái đã được phỏng theo bảng chữ cái Phoenicie vào khoảng năm 1000 TCN và thông qua nhiều lần thay đổi, vẫn còn được dùng cho đến ngày nay. Tiếng Hy Lạp được dạy trong các trường và đại học ở nhiều nước từ thời Phục hưng trở đi. Tiếng Hy Lạp Hiện đại, có khác nhiều so với tiếng Hy Lạp cổ đại, nhưng vẫn có thể nhận ra là giống nhau.
(*Các quốc gia vùng Balkan: Albania · Bosnia và Hercegovina · Bulgaria · Hy Lạp · Kosovo1 · Macedonia · Montenegro * Serbia · Croatia * Romania · Slovenia · Thổ Nhĩ Kỳ · Italia).
(2). Phoenicia là một nền văn minh cổ đại nằm ở miền bắc khu vực Canaan cổ đại, với trung tâm nằm dọc vùng eo biển Liban, Syria, và bắc Israel ngày nay. Nền văn minh Phoecinia là một nền văn minh dựa vào thương mại hàng hải trải khắp Địa Trung Hải trong suốt thời kỳ từ năm 1550 TCN tới năm 300 TCN.