Kinh Thánh (Lời ghi trong sách): Khi đọc Kinh Thánh cả Tân-ước lẫn Cựu-ước, ngày nay chúng ta không còn được nghe Chúa nói bằng tai, như dân Do Thái xưa, như các Tiên tri, các Ngôn sứ, và ngay cả như các Tông đồ của thời Tân ước nữa. Một số các Lời của Thiên Chúa được kết tinh thành văn bản, do sự biên chép của nhiều tác giả. Nói cách khác: Những mạc khải của Thiên Chúa ban nơi sa mạc, cũng như những Lời dạy dỗ của Chúa Giêsu trên khắp núi đồi, trong thành thánh, hay nơi công đường … nay được tìm thấy nơi kệ sách, nghĩa là Lời Chúa được trao tận tay mỗi người chúng ta.

1) Việc ghi lại diễn tiến từ lúc nào ?
Các công trình nghiên cứu cho biết là trong khoảng thời hoạt động của Đavít và trải dài suốt lịch sử Israel – Khoảng từ năm 1000 trước C.N. – Cựu Ước là một bộ sưu tập gồm nhiều tập sách nhỏ dàn trải trong một ngàn năm, và thông thường các cuốn sách không do nỗ lực của cá nhân. Một số chỉ được thành hình dần dần. tiêu biểu như sách Xuất Hành. Ngay như Thánh vịnh đã phải trải qua nhiều thế kỷ mới phát triển đầy đủ. Có một khoảng cách 800 năm giữa các thánh vịnh xưa nhất đến thánh vịnh cuối cùng. Cựu Ước phản ảnh cuộc sinh tồn lâu dài của một dân tộc.

2) Nguồn gốc: Nhờ khoa nghiên cứu và bút pháp trên các bản văn, chúng ta biết được ngày càng chính xác và liên tục các thời kỳ khác nhau của Kinh Thánh.
– Thời kỳ đầu tiên: Đây là thời của các tác giả được xem như là người Gia-vít và Ê-lô-hit (những người tôn thờ Gia-vê, cũng gọi là Ê-lô-him). Các tác giả này đưa ra một số trình thuật lịch sử đương thời, như sách 2 Samuen 9; sách 1 Các vua 2. Một số được coi là kiệt tác trong thể loại này. Họ cũng ghi lại những truyền khẩu từ xa xưa, như Mười Giới Răn; Thánh vịnh 29, và bài ca Đê-bô-rat trong sách thủ lãnh 5; Câu chuyện Vườn Địa Đàng và Cuộc Sa Ngã; Sáng Thế 2 và 3. Nói cách tổng quát: Các yếu tố căn bản của Ngũ Kinh thành hình trong thời kỳ này.
– Thời kỳ thứ hai: Các bản văn liên hệ tới hoạt động các Tiên tri, có thể xác định thời gian từ 750 – 500 trước CN. Cũng cùng với sách Gio-suê, Thủ lãnh (Thẩm phán); Sa-mu-en 1 & 2. Các Vua 1 & 2. Còn nữa, các tài liệu đã nói ở phần trên (Ngũ Kinh) được kết tập và làm lại từ đầu. Tiêu biểu nhất là việc viết lại lề luật theo ngôn ngữ tiên tri: Sách Đệ Nhị Luật. Vì thế người ta gọi văn học thời kỳ này là Trường phái Đệ Nhị Luật (hay Thứ Luật).
– Sau cùng là văn học tôn giáo thời gian sau cuộc lưu đầy. Hầu hết là các tác phẩm hợp soạn của các nhóm tư tế. Người ta gọi tên “Các Văn bản Tư tế”. Văn bản về lịch sử của quốc gia Do Thái được tiếp tục (sách Sử Biên 1 & 2, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a). Trường phái này còn đưa ra các quyết định về các sách khác đã có từ trước (câu chuyện sáng thế trong sách Sáng Thế 1). Cũng trong thời kỳ này, nhiều lề luật, thánh vịnh, châm ngôn đều được ghi chép lại.
– Đặc biệt: Khoảng năm 200 trước CN, ấn bản Hy Lạp của Kinh Thánh được hình thành trong cộng đoàn “Những người Do Thái chân chính”. Qui điển này gọi là “Bản Bảy Mươi”, là bản Kinh Thánh được các Tông đồ thường dùng.
Kết luận: Để nói lên bút pháp đặc biệt của các trường phái khác nhau, người ta kết luận: Bản Gia-vít và Hê-lô-hit thì nguyên chất và tươi mới. Bản Đệ – Nhị – Luật thì đầy nhiệt tình, và Bản Tư Tế thì rõ ràng. Như vậy, Kinh Thánh biểu lộ một cuộc sống trọn vẹn của một dân tộc (Sau này khi đi vào nghiên cứu, chúng ta sẽ có những bài đọc thêm).

3) Thời Sau Hết: Ngược dòng về trước là công trình ghi chép của các thời kỳ Lời Thiên Chúa nói với loài người qua các Ngôn sứ (Thời Cựu Ước); Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử Giêsu (Dt 1,1-12), Lời của Chúa đã được truyền lại cho chúng ta nhờ sứ vụ của các Tông đồ (Thời Tân Ước): “Qua lời giảng dạy, gương lành và các thể chế, các ngài đã truyền lại những gì đã lãnh nhận từ miệng Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng; Một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại Tin Mừng cứu rỗi dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần” (MK 7).

4) Đức Tin được tuyên xưng mỗi khi đọc Sách Thánh: Như mỗi người chúng ta, ai nấy đều biết tác giả các sách có thể được quy chiếu vào trong bộ Kinh Thánh rất nhiều, nhưng Thánh Thần đã soi sáng cho các Tông đồ và những đấng kế vị giúp cộng đoàn Hội Thánh dần dần xác định những sách nào là sách Thánh. Vào thế kỷ thứ IV Hội Thánh Công Giáo đã có những bản kê khai các sách được nhìn nhận là Sách Thánh. Sự nhìn nhận được gọi là quy điển, tức là những sách được Thánh Thần linh hứng để hội Thánh quy chiếu những gì phải tin và những gì phải thực hành trong đời sống Kitô hữu. Ngày nay, Lời Chúa trong bộ Sách Thánh (Từ thường dùng là Kinh Thánh, chúng ta sẽ bàn tới sau) gồm phần Cựu Ước (46 cuốn) và Tân Ước (27 cuốn). Mỗi khi đọc bất cứ đoạn sách nào trong đó trước cộng đoàn, người đọc đều hô lên: “Đó là Lời Chúa”, và cộng đoàn luôn đáp lại: “Tạ ơn Chúa”. Đó chính là lời tuyên xưng đức tin. Trong âm thầm, đọc trong phòng riêng, hay nơi thanh vắng, mỗi lần đọc, chúng ta đều có trong tâm tư, tình cảm một ý nghĩa tuyên tín đó.

5) Giáo hội nói gì về Cựu Ước trong Kinh Thánh ?
Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy chúng ta về sách Cựu Ước như sau: “Lý do sự hiện hữu của nhiệm cục cứu rỗi thời Cựu Ước, là để chuẩn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng Cứu chuộc muôn loài (x.Lc 24,44; Ga 5,39; 1 Pr 1,10) và ngày khai nguyên Vương quốc của Đấng Mêssia, đồng thời biểu thị các biến cố ấy dưới nhiều hình bóng khác nhau (x.1 Cr 10,11) (Sẽ nói rõ hơn về câu này ở bài 3). Thích ứng với hoàn cảnh nhân loại sống trước thời cứu độ do Chúa Kitô thiết lập, các sách Cựu Ước trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai và con người là gì, đồng thời trình bày Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người như thế nào, tuy chưa phải là hoàn hảo, nhưng các sách ấy minh chứng khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa. Do đó, các kitô hữu phải thành kính đón nhận các sách này, vì chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Người, những tư tưởng khôn ngoan và hữu ích về đời sống con người, những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu, và sau cùng ẩn chứa mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta” (Dei Verbum 15).

(GHI CHÚ: MK: Hiến chế Mạc khải của Công Đồng Vaticanô II)