I. GIÁ TRỊ ĐỨC TIN & LỊCH SỬ CỦA TIN MỪNG
– Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Hội Thánh xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh hứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời.
– Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch Lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các tiên tri cùng các tông đồ, bởi vậy mọi lời giảng dạy trong Hội Thánh cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực tế trong các sách thánh Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ Lời với họ.
– Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin cho con cái Hội Thánh là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng tinh tuyền và trường cửu cho con cái Hội Thánh. Bởi thế, Lời nói sau đây thực xứng hợp cho Thánh Kinh : “Thực vậy Lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12), “Có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hóa.” (Cv 20,32; 1 Tx 2,13) (MK 21).
Cũng trong Hiến Chế Mạc Khải số 19 của CĐ. V. II, Hội thánh luôn luôn khẳng định giá trị lịch sử của bốn sách Tin Mừng, cũng như đã mạnh mẽ và liên lỉ xác nhận bốn sách Tin Mừng ghi lại cách trung thành những gì Chúa Giêsu Con Thiên Chúa khi sống giữa loài người, thực sự đã làm và đã dậy vì phần rỗi của họ cho tới ngày Người lên Trời (Cv 1,1-2) … Các tác giả đã viết sách TM dựa trên trí nhớ hay kỷ niệm riêng tư, hoặc dựa trên chứng tá của những người đã chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa. Các ngài viết ra với mục đích giúp chúng ta nhận biết rằng các lời chúng ta đã nghe dạy dỗ đều là chân thật (Lc 1,2-4). Lẽ chân thật đó là: “Chỉ có một Tin Mừng về Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã làm người để cứu độ chúng ta. Ngài đã sống giữa loài người, đã hành động, đã giảng dạy, đã chết, đã phục sinh, đã được tôn vinh “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Và cuối cùng, cứu cánh của vấn đề như Thánh Gio-an đã dạy là: “Khi anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa thì nhờ danh Người anh em được sự sống” (Ga 20,30-31).
II. LÀ ĐỐI TƯỢNG CẦN THIẾT VỚI TẤT CẢ MỌI GIỚI
Vì vậy Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã đặt tầm quan trọng của vấn đề là: “ Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu”; “Phải đem lời Chúa đến cho mọi thời đại”. Hiền thê của Ngôi Lời Nhập Thể (tức Hội Thánh) được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, hằng cố gắng hiểu biết Thánh Kinh ngày càng sâu rộng hơn, hầu không ngừng lấy Lời Chúa nuôi dưỡng con cái mình. Do đó, Hội Thánh khuyến khích việc học hỏi các thánh giáo phụ Đông phương và Tây phương cũng như các Phụng Vụ thánh.”
1. Phần các nhà chú giải Thánh Kinh Công giáo và những người chuyên về thần học thánh “phải ân cần lo lắng, dưới sự trông nom của quyền giáo huấn thánh và dùng những phương thế thích hợp để nghiên cứu và trình bày Thánh Kinh, để cung ứng nhiều thừa tác viên Lời Chúa hết sức có thể, hầu lương thực Thánh Kinh được dồi dào ban bố cho dân Chúa, để soi sáng trí khôn, kiên trì ý chí và nung đúc lòng người yêu Chúa. Thánh Công đồng khuyến khích con cái Hội Thánh đang chuyên cần học hỏi những khoa học Thánh Kinh, hãy tiếp tục công trình đã khởi sự cách tốt đẹp với những năng lực ngày càng đổi mới và tất cả hăng say hợp với cảm thức của Hội Thánh.” (MK 23)
2. Nhiêm vụ của các nhà thần học:
Hội Thánh khẳng định rằng: “Khoa thần học dựa trên Thánh Kinh và Thánh truyền như dựa vào một nền tảng vĩnh viễn. Trên nền tảng này, thần học được củng cố hết sức chắc chắn và mãi mãi được trẻ trung trong khi tìm kiếm, dưới ánh sáng đức tin, mọi chân lý tiềm ẩn trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa và thực sự là Lời của Chúa vì được linh hứng. Nên nghiên cứu Thánh Kinh phải là linh hồn của khoa thần học thánh.” (MK 24)
3. Nhiệm vụ của Giám mục:
“Các Giám mục là những người “gìn giữ giáo lý tông truyền” có phận sự tùy nghi dạy các tín hữu đã được ủy thác cho các ngài, cho biết sử dụng đúng đắn Sách Thánh, nhất là Tân Ước và trước tiên các sách Tin Mừng (Phúc Âm), nhờ các bản dịch, và các bản dịch này phải được kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ để con cái Hội Thánh có thể sử dụng Thánh Kinh cách bảo đảm và ích lợi, và được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh.” (MK 25)
4. Nhiệm vụ của hàng giáo sĩ:
“Thừa tác vụ Lời Chúa (nghĩa là việc rao giảng thuộc mục vụ, dạy giáo lý và huấn dụ Kitô giáo, trong đó bài giảng Phụng vụ phải chiếm vị trí quan trọng) phải được nuôi dưỡng cách an lành và gia tăng sinh lực cách thánh thiện, nhờ lời Thánh Kinh.” (MK 24). “Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là những linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành “kẻ huênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi miệng, bởi không lắng nghe Lời Thiên Chúa trong lòng.” (MK 25). “Phải hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với nghi lễ. Trước tiên bài giảng phải được múc lấy từ nguồn mạch Thánh Kinh và Phụng Vu, vì như là việc rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ hay trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Chính mầu nhiệm này hằng hiện diện thiết thực và tác động trong chúng ta, nhất là trong các cử hành Phụng Vụ.” (PV 35; 52)
5. Nhiệm vụ của các Kitô hữu:
Hội Thánh kêu gọi các tín hữu: “Thánh Công Đồng cũng tha thiết và đặc biệt khưyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ phải năng đọc Thánh Kinh để học biết” khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) ”Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.”. “Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ Phụng Vụ Thánh dồi dào Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các chủ chăn trong Hội Thánh chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi.”
“Mỗi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh.” (MK 25)
6. Phổ biến Thánh Kinh cho những người ngoài Kitô giáo:
Hội Thánh kêu gọi và mong ước: “Hơn nữa cũng cần thực hiện những ấn bản Thánh Kinh với lời chú giải thích hợp cho cả những người ngoài Kitô giáo và thích hợp với hoàn cảnh của họ. Các vị chủ chăn linh hồn cũng như các Kitô hữu dù trong bậc sống nào cũng phải ân cần lo lắng phổ biến các ấn bản ấy.” (MK 25)
*Ước gì nhờ việc đọc và học hỏi Sách Thánh “Lời Thiên Chúa được trôi chảy và sáng sủa” (2 Tx 3,1), và ước gì kho tàng mạc khải, đã được ủy thác cho Hội Thánh ngày một tràn ngập tâm hồn con người. Nếu đời sống Hội Thánh được tăng triển nhờ năng nhận lãnh bí tích Thánh Thể, cũng thế, cũng có thể hy vọng đời sống thiêng liêng được đổi mới nhờ thêm lòng sùng kính Lời Chúa, là lời “hằng tồn tại muôn đời. (Is 40,8; 1 Pr 1,23-25). (MK 26)