A. Phụ bản ngắn gọn về Chính trị thời Chúa Giêsu

Trong thời gian công khai của Chúa Giêsu (Khoảng trước và đầu thập niên 30 sau CN), xứ Palestina thuộc quyền đế quốc Rôma và chia làm 5 miền:
1/ Mạn Nam là tỉnh Giuđêa thuộc đế quốc Rôma, gồm xứ Giuđêa và Samaria.
2/ Vương quốc vua Hêrôđê Antipa gồm xứ Galilêa và Pêrêa ở mạn đông sông Jordan. Chúa Giêsu người xứ Galilêa. Ở đây tuy có vua, nhưng thuộc quyền bảo hộ của đế quốc La Mã, nên mới có viên Toàn quyền là Philatô, (giống như Huế & ngoài Bắc thời Pháp đô hộ, vua không có thực quyền, làm gì cũng phải trông quan Toàn quyền của nước bảo hộ là Pháp). Những miền không vua thì không theo chế độ bảo hộ, nhưng là thuộc địa của đế quốc (Ngày xưa miền Nam VN là thuộc địa của Pháp).
3/ Vương quốc của Philipphê ở mạn Đông Bắc hồ Tibêria, cũng gọi là hồ Genezareth.
4/  Miền Thập tỉnh ở phía Nam hồ Genezareth (Tibêria).
Trước thời đại Hy-Á (từ thế kỉ IV TCN đến thế kỉ I TCN), có nhiều bộ lạc Aram ở mạn bắc; sau cuộc chinh phục của Alexandrô Đại Đế, nhiều người Hy-lạp đã đến cư ngụ tại đó, thời Chúa Giêsu, họ lập thành miền Thập tỉnh.
Đó là một nhóm các tỉnh thuộc văn minh Hy-Á, con số không nhất định nhưng vào khoảng trên giới 10 tỉnh, có lẽ có liên lạc với nhau như một kiểu liên minh, vì thế mới có tên gọi là Thập tỉnh. Trong số các thành nầy, chỉ có thành Scitopolis  (Beysan) là ở bên này sông Jordan, còn các thành khác đều ở bên kia sông Jordan. Những thành có tiếng hơn là Đamas ở phía Bắc, Hippos ở bên biển hồ Tibêria, Gađara, Gêrasa, Pella, Philadelphia…Một số các thành này đã chịu phục quyền Alexandrô (107-76 TCN), nhưng sau lại được Pompêa giải phóng vào năm 63 TCN. Mỗi thành đều có một khoảng đất tự trị làm thành những đảo văn minh Hy-Á giữa một miền mà đa số là dân Do-thái và thuộc vương quyền Do Thái.
5/  Xứ Phênicia ở mạn Tây xứ Galilêa thuộc tỉnh Syria, thuộc địa của đế quốc Rôma.
(Sau bài này xin xem “Bài Đọc Thêm: Sơ lược 2.000 năm Lịch Sử chính trị DT. Do Thái”)
B. Phụ bản ngắn gọn về Địa lý Phúc Âm (hay Tin Mừng)

1- Địa hình: Cuộc đời Chúa Cứu Thế đã diễn ra trên mảnh đất nối liền Syria với Ai-cập dọc bờ biển Địa Trung Hải. Ngày nay ngta gọi mảnh đất ấy là Palestina. Đông giáp sa mạc Syria và Ả-rập, Tây giáp Địa Trung Hải; Bắc lấy thung lũng chạy ngang núi Liban tới núi Hermon làm ranh giới. Phía nam là một miền hoang vu sau Bersabêa và Biển Chết. Chiều dài tính từ chân núi Liban tới Bersabêa là 230 km; Chiều rộng tính từ Địa Trung Hải tới sông Jordan, nơi hẹp nhất là 37 km, chỗ dài nhất là 150 km (phía nam Biển Chết). Diện tích: 25.124 km2 (vì sông Jordan chạy dọc lãnh thổ nên diện tích phía tây Jordan là 15.643 km2 , mạn đông là 9.481km2). Sông Jordan phát xuất từ núi Hermon chảy qua hồ Tibêria, rồi đổ vào Biển Chết. Hồ Tibêria còn gọi là Genezareth dài 21 km, rộng tối đa là 12Km, sâu 45m, nước trong xanh và có nhiều cá. Biển chết có  nhiều muối và chất bitume, nên không sinh vật nào có thể sống trong đó.

​Bình nguyên Esdrelon từ mạn bắc núi Carmêlô chạy theo hướng đông Nam chia phần đất phía Tây sông Jordan làm hai phần: phía Bắc là xứ Galilêa, phía Nam là xứ Samaria và Giuđêa. Xứ Galilêa về phía Bắc có nhiều núi (quê hương Chúa Giêsu thuộc Galilêa, làng Nazareth, nhưng nơi Chúa sinh ra thuộc Bethlem ở miền nam. Giêrusalem cũng miền nam. Khoảng cách từ Giêrusalem tới Bethlem là 8 km), phía Nam vẫn là bình nguyên Esdrelon nối dài. Miền duyên hải xứ Samaria và Giuđêa là đồng bằng, miền giữa là đồi núi thấp dần về phía sông Jordan.
Miền bên kia sông Jordan là một miền đồi núi, thời Chúa Giêsu chia làm ba miền : Trachonitide ở mạn Đông Bắc Tibêria, Thập tỉnh ở mạn Đông Nam hồ Tibêria (các tỉnh này thuộc văn minh Hy- Á); Pêrêa bên Đông sông Jordan và Biển Chết, đối diện với xứ Samaria và Giuđêa.
2- Khí Hậu
Palestina có hai mùa : mùa mưa hay mùa đông từ tháng 11-4 và mùa nắng từ tháng 5-10. Mùa hạ mưa rất ít, mùa đông mực nước mưa trung bình khắp nơi là 600 ly.
Khí hậu thay đổi tùy miền. Thung lũng sông Jordan nóng hơn các miền khác có khi tới 50 độ; dọc bờ biển Địa Trung Hải, trung bình mùa xuân là 18 độ, mùa hạ 25 độ, mùa thu 22 độ, mùa đông 12 độ, miền đồi núi nhiệt độ thấp hơn một chút.
Giêrusalem, cao 740m có nhiệt độ trung bình 16 độ, nhiệt độ trung bình tháng giêng là 10 độ, tháng tám 26 độ, nhiệt độ tối đa là 40 độ, tối thiểu có khi xuống dưới 0 độ.
Nazareth cao 300m, có nhiệt độ trung bình là 18 độ, nhiệt độ trung bình tháng giêng là 11 độ, tháng tám là 27 độ, nhiệt độ tối đa là 40 độ, ít khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ.
Ở Palestina, ít khi có tuyết, thường thường nếu có là vào tháng giêng.
Mùa xuân và mùa thu thường có gió nóng thổi từ phía đông gọi là “Xeckide” và từ phía Đông nam gọi là “khamsin hay simun”, hai thứ gió này làm hại mùa màng và sức khỏe. Người Assyri coi hai thứ gió này như những con quái vật.
Palestina ngày nay so sánh với cổ thời có lẽ không khác nhau là bao, nhưng về phương diện phì nhiêu thì kém xa cổ thời. Lí do sự sa sút này là vì dưới thời thống trị của người Hồi Giáo dân cư phá rừng và bỏ việc canh tác. Tuy vậy đó đây vẫn còn dấu vết sự phì nhiêu thời xưa, tỷ dụ chung quanh Capharnaum và dọc theo phía Tây bắc bồ Tibêria. Còn những miền khác, những nơi nào người ta bắt đầu canh tác với những phương tiện hợp lý và trồng cây lại thì đất đai lại trở nên phì nhiêu.
3- Dân cư: Chúa Giêsu và các tông đồ đều là người Galilêa, nhưng nơi đây dân số không nhiều, vì xa miền nam, nơi có Giêrusalem xứ Giuđêa – Giêrusalem là thủ đô – là trung tâm sinh hoạt của cả chính trị lẫn tôn giáo, và người Do Thái chỉ thờ Đức Giavê là Thiên Chúa.
Trong Kinh Thánh hễ nói tới Samaria (xem như miền trung) là ngta nghĩ ngay đến dân ngoại, vì đa phần là con cháu của những người thuộc chủng tộc Mesopotamia (các tộc dân của vùng Lưỡng Hà, tổ tiên họ là những người Su-mê, hay A-cat, rồi Babylone. Quê hương của Tổ phụ Abraham khi chưa đặt chân tới Canaan (tức Palestina tên về sau) là thành Ur cũng thuộc Mesopotamia). Cùng những người Assyria đã di dân đến đó vào thế kỉ VIII trước CN. Nhưng cũng có một số người Do-thái sinh sống ở đây. Về phương diện tôn giáo, ban đầu họ sùng bái thần tượng (Idolatria) rồi dần dần họ tiến đến tôn giáo thờ Đức Giavê. Vào đầu thế kỉ VI tr.CN, họ xây một Đền thờ trên núi Garizim. Những người Samaritanô cho rằng : núi Garizim là nơi chính thức phụng tự Đức Giavê, đối lập với Đền thờ Giêrusalem và họ cho rằng chỉ mình họ là con cháu các Tổ phụ Do-thái xưa. Họ tự cho mình là những người chính gốc Híp-ri (Do thái cổ), còn dân ở Giêrusalem là loại dân du mục từ Ai Cập qua xâm chiếm đất đai. Do đó, giữa những người Samaritanô và dân du mục (Do-thái trở về từ Ai Cập) có một mối thù truyền kiếp. Mối thù đó ta gặp thấy trong các tài liệu thời xưa và nay cũng chưa chấm dứt (Ga 4,9). Ta cũng nhận ra sự kỳ thị này trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu đến xin nước người phụ nữ bên thành giếng. Nhưng Ngài đã trở thành “Sứ giả Hòa bình”, khi cả dân thành kéo tới nghe Ngài giảng dạy về Nước Trời. Và có lẽ chỉ sau Đức Mẹ, người phụ nữ (có bảy đời chồng) này đã là người phụ nữ đầu tiên trực tiếp mang Chúa tới với tha nhân là những người dân thành chị đang sống (T.g. chỉ dùng chữ “có lẽ” mà thôi).
​C . Các nhóm trong xã hội Do Thái Thời Chúa Giêsu:

1- Kinh Sư: Là những chuyên gia về Thánh Kinh. Một số ít người là Tư tế, còn phần đông là giáo dân, nhưng là những giáo dân rất rành Thánh Kinh. Họ ủng hộ lập trường những người Biệt phái (Pharisiêu).
2- Biệt Phái: (Pharisiêu) là những người rất có uy tín đối với người dân đương thời. Không những họ thông thạo Thánh Kinh, còn sống lề luật kỹ càng. Họ là những người có công làm cho đời sống tôn giáo được lưu truyền qua các thế hệ, các thời đại.
Kinh sư & Biệt phái là những người có công giảng dạy Kinh Thánh Do Thái giáo, ngay cả thời lưu đầy ở Babylon. Họ thiết lập các hội đường giảng dạy Kinh Thánh trong những ngày Sabat. Năm 70 khi Roma chiếm Palestine và san bằng Giêrusalem, khiến người Do Thái phải tản mát, thì họ vẫn tụ tập giáo đồ, giảng dậy Kinh Thánh cho tới ngày nay. (giữ truyền thống).
3- Kỳ Mục: Là những người có địa vị trong xã hội, hoặc là cao niên hay giàu có và có chân trong Thượng hội đồng, cùng với những vị Trưởng giáo, kiểm soát đời sống tôn giáo của người dân. Họ gắn bó khá gần gũi với những người trong chính quyền Rôma. Ðịa vị của họ trong xã hội rất quan trọng, nhất là về chính trị.
Chính họ cũng thấy việc rao giảng của Chúa Giêsu rất nguy hiểm cho địa vị của họ. Chính những Kinh sư, Tư tế, Biệt phái, Kỳ mục đã quyết định xử tử Chúa Giêsu.

D. Các giáo phái chính Thời Chúa Giêsu:

1- Phái Sađốc: Ðây là thành phần giáo sĩ cao cấp, họ là những Tư tế, là những Kỳ mục có chức sắc trong đời sống xã hội, tôn giáo, của người Do Thái. Nhóm này phủ nhận sự phục sinh. Không tin có đời sau. Họ chỉ tin vào những giáo huấn cổ truyền của đạo Do Thái. Họ trung thành theo nghĩa đen của Kinh Thánh.
2- Phái Pharisiêu: Họ sống tách biệt, nên thường gọi là biệt phái. Họ thuộc thành phần giai cấp trung lưu. Họ rành Kinh Thánh cả tô-ra (lề luật) thành văn, lẫn tô-ra truyền khẩu và những lời giải thích của những Rap-bi. Họ giữ lề luật cách chi ly về thanh tẩy, đời sống luân lý, phụng tự. Họ công khai công kích Chúa Giêsu.
3- Phái Et-se-nô (Essenes): Nhóm này không được nói tới trong Kinh Thánh, vì họ không có đời sống công khai trong xã hội, và họ cũng không chú ý, hoặc không biết đến hoạt động của Chúa Giêsu. Thậm chí mãi sau này (1947) người ta mới khám phá ra nhóm này qua “Các Cuộn Biển Chết”, tìm được trong các tu viện đá trong núi ở gần biển chết (phía Ðông-Nam Giê-ru-sa-lem). Họ sống thành nhóm và có đời sống cộng đoàn như các tu sĩ đời nay. Họ sống độc thân và giữ luật lệ chi ly và tin Ðấng Mêsia sắp đến. Họ có nghi thức thanh tẩy rất đặc biệt. Họ tham gia vào chính trị tranh đấu giành độc lập cho dân tộc của họ. Nhóm này bị người Roma tiêu diệt hoàn toàn. Đa số những nhà nghiên cứu cho họ là “dòng tu” (vì có đời sống cộng đoàn) của Do Thái Giáo.
4- Phái Samari: Bị coi là lạc giáo, họ pha tạp về chủng tộc. Về tôn giáo tuy họ vẫn nhận họ là người Do Thái, vì họ vẫn tin vào ngũ kinh: Sáng Thế Ký, Xuất Hành, Lêvi, Dân số, và Ðệ-nhị Luật. Nhưng họ thờ phượng Thiên Chúa trên núi Ga-ri-zin, không về Giê-ru-sa-lem, nên họ bị khinh khi và bị xem là lạc giáo (xin đọc phụ bản về Địa lý Phúc Ấm, mục Dân cư).