A. Linh hứng cho người viết.

Trải qua bao thế kỷ, hơn bao giờ hết Kinh Thánh là một cuốn sách có số in hàng đầu, được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất, chưa bao giờ bị lỗi thời, không bị xếp vào hàng cổ thư, hoặc cất vào bảo tàng viện vì lý do luân lý hay văn hóa, trái lại ngày càng được xuất bản nhiều hơn trong sự trân trọng và tôn kính của loài người. Có thể nói là hàng tỷ ấn bản cho đến nay. Nhờ đâu mà bộ Kinh Thánh lại có một giá trị tuyệt đối đến như thế ?
– Chúng ta nghe câu trả lời (hay giải thích) của Công đồng Va-ti-ca-nô II, trong Hiến chế Dei Verbum: “Để soạn các sách Thánh đó, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ với đầy đủ khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực, tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết những điều đó thôi” (DV11) & (GLHTCG 105-108). Cũng thế, Giáo lý của Hội Thánh Công giáo khẳng định: “Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng(1) của Chúa Thánh Thần” (GLHTCG 81).

B. Cũng linh hứng cho những ai chịu khó học hỏi Thánh Kinh.

Trong suốt quá trình học hỏi, chúng ta đã biết rằng: Kinh Thánh là bộ sách khó hiểu. Chính Kinh Thánh cũng xác nhận điều này (xin đọc lại bài 6, đoạn 1a). Và cũng chính vì khó hiểu nên Chúa Thánh Thần cũng sẽ linh hứng cho người đọc hiểu được Lời Chúa. Tuy nhiên, sự hoạt động của Thánh Thần còn tùy thuộc vào khả năng và nỗ lực của con người. Nếu như con người không hăng say, tích cực học hỏi và tìm hiểu Lời Chúa một cách thích thú, thì ơn Chúa Thánh Thần không tác động vào họ một cách sâu sắc.
Sau đây là những chức năng Chúa Thánh Thần trực tiếp tác động cho những ai tha thiết với sự học hỏi Kinh Thánh tức Lời Chúa:
1. Biết điều nhiệm màu: Chúa Thánh Thần làm chứng để chúng ta hiểu và biết Ngôi Thứ Nhất là Chúa Cha và Ngôi Thứ Hai là Đức Giêsu Kitô: “Vì thế, tôi nói cho anh em biết: Chẳng có ai ở trong Thần Khí mà lại nói: “Giêsu là đồ khốn kiếp!”; cũng không ai có thể nói rằng: “Đức Giêsu là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12,3). Vậy khi ta biết được những điều siêu phàm trên đây, cùng những điều khác nữa, mà dù trong ta cảm nghiệm chưa thức tỉnh, thì cũng là được bởi Thần khí, chứ không do bởi nhục thể như Chúa Giêsu đã từng nói với Tông đồ Phêrô.
2. Ơn Phi Thường: Chúng ta lại biết rằng: Chính Chúa Thánh Thần đã hà “thần khí” tức sinh lực đức tin làm cho các tông đồ đang từ sợ sệt, yếu đuối, trở nên mạnh mẽ, khôn ngoan, thông minh … Vậy Ngài chính là Đấng sẽ gầy dựng (gieo giống và tưới bón) các hạt giống tâm linh cho mỗi học viên (những ai nhờ cậy Ngài): “Anh em cũng vậy: Vì khao khát những ơn của Thần Khí, anh em hãy tìm kiếm để được dồi dào những ân huệ đó, nhằm xây dựng Hội Thánh”(1Cr 14,12). Bởi khi hạt giống “Lời Chúa” được gieo trong tâm khảm anh em, lại được tưới bón bởi Thần Linh thì anh em sẽ làm được những việc anh em không ngờ, là đã trở nên khí cụ của Chúa để đi xây dựng Hội Thánh, để cứu rỗi các linh hồn, nối tiếp việc các tông đồ, cũng là việc của Chúa Giêsu Kitô đã làm lúc còn ở trần gian.
3. Có được Hoa Trái của Thần Khí: Trong thư Thứ nhất gửi Tín hữu Ga-lát, thánh Phao-Lô viết: “Hoa trái của Thánh Linh sẽ được ban cho anh em chính là: Niềm vui (hoan lạc), Tình thương yêu (bác ái), sự Bình an tâm hồn, Tính dịu dàng, lòng nhẫn nại (nhân hậu & từ tâm), trung tín, hiền hòa và tiết độ” (Gl 5, 22-23), và được tràn trề Hy vọng như trong Thư gửi Tín hữu Rôma (Rm 15,13). Nhưng mỗi khi chúng ta sống ngược lại với những điều trên, như: “Hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, thờ quấy, phù phép”(Gl 5, 20) thì coi chừng, không những chúng ta không có Chúa Thánh Thần ở trong lòng, không lãnh nhận được hoa trái của Chúa Thánh Thần, mà còn mất linh hồn như thư thánh Phao-Lô viết: “Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: Những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5, 21). Nhưng đừng lo, khi chúng ta thành tâm, chịu khó học hỏi Lời Chúa (tức Thánh Kinh), thì ơn Chúa Thánh Thần sẽ không để chúng ta làm những điều khiến có thể đánh mất Nước Trời. Bởi kẻ có lòng trung tín thì chẳng bao giờ làm điều ngỗ nghịch, bội phản!
4. Ơn Giảng Thuyết: Chúng ta đã thấy điều này được chứng minh tỏ tường, sau khi Chúa Giêsu về Trời, và ngày Chúa Thánh Thần Hiện xuống trên các tông đồ. Vậy nếu chúng ta chuyên cần Học Hỏi Thánh Kinh, và lại xin ơn Thánh Thần giúp, thì Thánh Thần Chúa sẽ làm cho chúng ta có thể ăn nói cách bạo dạn. Ngài sẽ ban cho chúng ta phép lạ là Bẻ bánh Lời Chúa cho anh em … mãi mà không hết.
5. Ơn hiểu biết chân lý mỗi khi đọc Lời Chúa: Nếu chúng ta chịu khó học hỏi Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần sẽ tạo cho chúng ta cơ hội để tiếp cận các tài liệu cần thiết và đứng đắn, như là Ngài đang dẫn đưa chúng ta đến với các lẽ trung thực của các vấn đề Giáo lý của Hội Thánh, đặc biệt là các nguyên tắc Phúc Ấm. Vì Ngài là Đấng truyền đạt chân lý (lẽ thật); Kiến thức; Sự Hiểu biết và ngoài những điều đó ra, Ngài còn đặc biệt ban ơn soi sáng “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,13), (1 Cr 2,9-11, 14). Lẽ tất nhiên, Ngài làm cho các giảng viên, cũng như các học viên ghi nhớ những ý kiến, những khái niệm, các nguyên tắc (xin đọc: Ga 14,26 – chính điều này mới khiến cho các thánh Tông đồ nhớ lại được hết những gì Chúa Giêsu đã rao giảng, cũng như đã nói với các ngài lúc Đức Giêsu ở trần gian); Ngài đặt lẽ thật vào tâm trí chúng ta.
Chính Chúa Giêsu đã nói với các thánh tông đồ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật (tức chân lý) phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy”(Ga 15, 26), tức làm chứng về những điều Chúa đã giảng dạy (về Nước Trời) – cũng là các nguyên tắc cho những ai muốn làm công dân nước Trời, gọi chung là Nguyên tắc Phúc Ấm.
6. Ơn Khôn Ngoan: Biết điều nên nói, hoặc không nên nói: Chúa Thánh Thần sẽ soi dẫn cho chúng ta biết điều nên nói, hay không nên nói, nếu bạn vì lòng yêu thích sự học hỏi Kinh Thánh mà xin Ngài, vì đó là ơn khôn ngoan. Ngay cả khi khó khăn nhất trong việc loan báo Tin Mừng, vì này: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những gì phải nói” (Lc 11,11-12).
7. Chúa Thánh Thần sẽ làm mềm lòng các đối tượng: Khi chúng ta trung tín trong việc học hỏi Lời Chúa, Thánh Thần Chúa sẽ giúp chúng ta làm mềm lòng đối tượng mỗi khi chúng ta mở lời. Điều này được chứng minh ngay trong ngày đầu tiên khi các thánh tông đồ được ơn Chúa Thánh Thần, các ông tung cửa ra ngoài nói về Đức Giêsu mà người ta đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô (Cvtđ 2,36), thì ngay ngày hôm ấy, đã có khoảng ba ngàn người chịu phép rửa và theo đạo (Cvtđ 2,41).
8. Chúa Thánh Thần cũng sẽ không để chúng ta cô đơn: Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc cô đơn, và sợ cô đơn, nhưng là bạn với Thánh Kinh, chúng ta sẽ thoát khỏi trạng huống này và luôn được ủi an, vì Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha cho anh em Đấng Bảo Trợ. Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14,16-18).
9. Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới: Người thánh hóa, biến đổi tâm hồn người ta – cụ thể là cho những ai siêng năng học hỏi Lời Chúa – để thành con người mới. Từ bỏ được các tật xấu cũ, hay những khuyết điểm, cùng những lỗi lầm … cách chẳng ngờ. Vậy không chỉ các học viên Thánh Kinh, mà ngay những khi anh em chia sẻ Lời Chúa cho ai, thì họ cũng được ơn đổi mới, nếu họ thật lòng biết lắng nghe.
Chung luận: Vai trò của Ch.Th.Th. trong việc học hỏi (cũng như người giảng dạy) phải lấy làm quan trọng. Các giảng viên phải tập tành các nhân đức, đồng thời với việc xin ơn thánh hóa bản thân, để có đời sống cá nhân cách xứng đáng  hòng luôn tiếp nhận được sự yểm trợ và soi sáng của Ch.Th.Thần (ở đây ta cần hiểu là nhiệm vụ của các anh chị em trong vai trò Huấn đức).
Trước giờ soạn bài, tức thời gian chuẩn bị đề tài, phải giục lòng tin mạnh mẽ và cầu nguyện với Chúa Thánh Linh. Từ “giảng dậy” là cách nói theo khoa sư phạm, chứ trong Huynh đoàn GDĐM. chúng ta có từ rất hay, đó là “Chia sẻ Lời Chúa”. Làm sao lời nói và chánh tâm phải nên một, tức là phải có lòng khiêm tốn thật, không bao giờ để cho một chút hư danh hão huyền làm thương tổn đến sự giúp đỡ của Ch.Th.Thần. Chta phải thâm tín rằng Thiên Chúa luôn hạ kẻ kiêu căng.
*Các Huấn đức viên có bài đọc thêm ngay sau bài này: “Cách Chúa Giêsu Giảng dạy”
– Các học viên cũng thế, chúng ta phải học hỏi trong tinh thần đầy khiêm hạ. Trước mỗi lần khởi sự, các học viên phải được khích lệ mời Ch.Th.Th. đến, để Ngài đặt Thánh linh vào trong kinh nghiệm học hỏi của mình. Phải dành thời gian để suy ngẫm cách thấu đáo trong những giây phút thinh lặng đầy soi dẫn. Chúa sẽ chỉ nói những gì cần thiết với chta trong những giây phút thinh lặng ấy.
Các giảng viên cần chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân phù hợp với đề tài, để dẫn chứng về các nguyên lý tiềm ẩn (chta cũng có thể xử dụng âm nhạc, phim ảnh để dẫn chứng khi có thể). Sau hết, luôn bầy tỏ tình yêu thương với nhau trong Th.Chúa, thay cho cách thức người đời biết ơn! Tại nhiều giáo xứ ở quê nhà, các giáo lý viên thường hay bị làm cho hư hỏng bởi những quà cáp, những ân tình vật chất của các học viên lớn tuổi.
Còn một vấn đề đáng phải lưu ý nữa là: Chta không nên dùng nhóm từ: “Ch.Th.Th. đã soi sáng cho tôi nói …”; hoặc “Tôi vừa được Ch.Th.Th. đánh động, linh hứng cho tôi chia sẻ … với các anh chị …”; hay: “Thánh Linh thúc giục tôi nói điều này …” v.v… Dù bạn vô tình hay hữu ý khi xử dụng những cách nói trên, có khác nào như bạn đang tự đánh bóng chính mình, và như thế sẽ khiến cho người nghe cảm thấy diễn viên đang tự tô vẽ và phóng đại cho mình về tính cách thuộc linh. Người thực sự có cảm nhận được sự rung động của thánh linh, sẽ không nói ra bề ngoài như vậy, hãy noi gương Đức Mẹ – Đấng được Chúa Thánh Thần Rợp Bóng trên Người và là Bạn Chí ái – Nhưng Mẹ chỉ giữ kín nhiệm trong tâm hồn. Người có được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đích thực trong tâm hồn không nói lời thừa, hoặc ảo mị (mị người và mị mình), vì Thánh Linh có đầy đủ sự khôn ngoan để soi sáng cho biết cái nên nói và không nên nói. Cũng như Ngài sẽ dạy ta luôn biết giữ lại trong tâm một niềm cảm tạ Thiên Chúa cách kín nhiệm, mà không để bộc lộ ra bên ngoài.
Các giảng viên cũng phải tránh việc điều khiển cảm xúc của người nghe bằng mọi hình thức có tính cách giả tạo, không do tự nhiên. Đừng cố gắng làm cho người nghe phải rơi nước mắt, để làm ra trong quần chúng sự giả tạo về sự hiện hữu của Ch.Th.Thần. Hãy thận trọng vì có thể chta đang cố gắng giả mạo ảnh hưởng của Ch.Th.Thần bằng những phương tiện không xứng đáng và gạt gẫm! Giáo hội thật sự dè dặt, không muốn và cũng rất lo âu trước những hiện tượng xem như mất cảm xúc, hay ngược lại là những cảm xúc quá mãnh liệt, ngay cả việc nước mắt tuông ra ào ạt của một sự tạo phong trào, nhưng lại được cho rằng đó là sự hiện hữu của Thánh Linh. Chắc chắn Chúa Thánh Thần có thể làm được những việc đó, kể cả những giọt nước mắt, nhưng cách biểu hiện bên ngoài đó không được nhầm lẫn với sự hiện diện của Ch. Th. Thần.
Các giảng viên luôn phải nhớ rằng: Việc giảng dạy bởi Ch. Th.Thần không loại bỏ trách nhiệm của mình trong việc chuẩn bị bài học cách thấu đáo./.

Ghi-chú:
(1) Linh Hứng: Từ xưa tới giờ, chúng tôi đọc và thấy trong số nhiều tác giả, trong nhiều sách, hoặc nhiều bài viết đã viết, hoặc phiên dịch sang việt ngữ thì có hai phái: Phần lớn người xưa dùng chữ “Linh ứng”, đa phần sau này dùng chữ “Linh hứng”. Nếu chiết tự theo các từ điển hán việt thì “linh” có nghĩa là linh thiêng; “ứng” có nghĩa là  đáp, ứng theo như thường gặp: ứng đáp; ứng nghiệm, ứng khẩu (T.điển: Thiều Chửu; Đào Duy Anh); Linh ứng: Như chữ linh nghiệm, nghĩa là ứng nghiệm với lời đoán trước (Đào Duy Anh); ứng nghiệm rõ ràng, ví dụ: Quẻ xâm này thật linh ứng. Còn “Hứng” là đón nhận từ trên; Linh hứng: (Đấng thiêng liêng) ban cho và (con người) đón nhận … để thi hành. Có lẽ nghĩa sau này thích hợp với câu giải thích của Công đồng Vtc II trong Hiến chế Dei Verbum ở trên hơn.