(Bài đọc thêm) dành cho các Ủy viên Huấn Đức
1) Vì Yêu: Chúa Giêsu giảng dạy hoàn toàn vì lòng yêu thương người ta. Việc làm của Chúa hoàn toàn bất vụ lợi và cũng không cầu danh.
2) Cầu Nguyện: Chúa Giêsu không chỉ biết có việc giảng dạy như một nhà chuyên môn. Ngài không coi đó là một nghiệp vụ. hoàn toàn vì yêu thương nên song song với việc giảng dạy, Ngài luôn cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện cho họ trước cũng như sau khi dạy dỗ người ta.
3) Quan tâm & Phục vụ: Không chỉ là nhà mô phạm, đến thuyết giảng xong thì ra đi. Chúa Giêsu quan tâm và chăm sóc mọi người. Ngài thường xuyên phục vụ họ. Săn sóc từ những vết thương tâm hồn lẫn thể xác.
4) Thích gần gũi: Ngài tìm cơ hội để ở với họ, gần gũi để bày tỏ tình yêu thương của Ngài. Các Tông đồ lại càng đặc biệt hơn nữa là được sống cùng với Ngài, đi với Ngài, cùng ăn, cùng uống với Chúa Giêsu, và được Chúa dạy dỗ trong suốt mọi thời gian ở với Ngài. Đó là tánh thích gần gũi người ta của Chúa. Ngày nay, trong bí tích Thánh Thể, cũng như bí tích Lời Chúa (vì cả hai là một trong cách hiện diện của Chúa) Chúa vẫn thích gần gũi chúng ta. Và khi chúng ta gần gũi, chúng ta sẽ được Chúa dạy dỗ như các tông đồ xưa.
5) Như một nhà tâm lý học, nhưng không nhượng bộ những sai trái: Ngài biết họ là ai, và biết con người mà họ trở thành. Ngài biết rõ người đàn bà ngoại tình, theo lề luật và xã hội thời đó, thì tội ấy đáng phải ném đá, nhưng Ngài biết người phụ nữ ấy đáng được tha, và chị ta sẽ trở thành người tốt. Nhưng Chúa Giêsu không phá luật (luật Môi-se), là tự ý tuyên bố theo cách quan tòa. Ngài đã khôn ngoan đặt câu hỏi “Ai nghĩ mình là mgười không có tội, thì hãy ném đá trước đi!”. Rồi Ngài ngồi xuống dùng ngón tay mình viết trên cát. Ai cũng chú ý xem Ngài viết gì, rồi ai cũng đọc thấy chính tội của mình, nên mọi người đều âm thầm rút lui không nói được một lời. Còn chuyện về một người thanh niên kia, đã thông biết và giữ hết mọi lề luật, ai cũng tưởng anh ta xứng đáng được theo Chúa, nhưng Chúa biết. Ngài không cần phải nói câu từ chối, mà chỉ bảo: “Anh hãy về bán hết tài sản mình có, cho người nghèo, rồi tới đây theo tôi”, quả nhiên anh ta đã buồn rầu bỏ đi, vì hai đường đi khác nhau. Người giàu dù xem ra đạo đức mà vẫn khó như con lạc đà chui qua lỗ kim. Chúa đã chẳng nói lời này sao ?
– Nếu nhận định theo nhãn quan khoa học, thì Chúa Giêsu quả là một nhà đại tâm lý trong cách thức người giảng dạy. Tất cả những nhà giảng thuyết thành công đều học biết khoa tâm lý quần chúng. Tuy nhiên, cần phân biệt khoa này với lối mị dân của các “ngôn sứ thời đại”, là lấy lòng quần chúng bằng nói những lời làm giảm nhẹ luật lệ và soi mòn luân lý, né tránh những vấn đề nhạy cảm vì sợ mất quần chúng, như những ứng cử viên trong thời kỳ tranh cử. Chúa không như vậy! Ngài từng nghiêm khắc với những kỳ mục, kinh sư, những người Biệt phái (Pha-ri-siêu), và Ngài chỉ trích thẳng thừng, không nhượng bộ rằng “… Họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai kẻ khác … việc gì họ làm cũng cốt để cho người ta thấy … Chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi công cộng và được thiên hạ gọi là rap-bi” tức là thầy (Mt 23,1-7). Tóm lại: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,29).
6) Áp dụng nhiều phương pháp trong việc giảng dạy: Khi lý thuyết, khi kể chuyện. Khi từ tốn, lúc nghiêm minh trách mắng. Chúa Giêsu luôn đưa ra những phương pháp tốt nhất giúp họ học hỏi để tăng tiến:
a) Cao đẳng: Chúng ta gặp trong Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an những bài Diễn văn cao siêu, tiềm ẩn trong luận thuyết tính thần học về Thượng Đế – Thiên Chúa và nhiệm mầu – Những bài học, những đề tài lớn dành cho các học sĩ, những khán, thính giả vào bậc uyên thâm.
b) Trung cấp: Bên cạnh đó lại có những bài giảng thích hợp cho đại đa số thuộc tầng lớp phổ quát, chúng ta gặp trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Với lớp người này: người yêu và hâm mộ Chúa có, kẻ ghen tị tới nghe để phản bác, hay đặt ra những câu hỏi, hoặc những vấn đề nhằm mục đích thử thách, hay để bắt lỗi Chúa cũng có. Trong những tình huống này, Ngài thường nói chuyện bằng dụ ngôn, một là những ý tưởng phản hồi trong các dụ ngôn làm cho họ khó hiểu, để hạ tánh ghen tương và kiêu ngạo nơi họ. Hai là: “để họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu” (Lc 8,10). Nhưng đàng khác nơi những người muốn và thích nghe Lời Chúa, thì Thần Khí của Chúa tác động nơi những người này, làm cho họ không những lãnh nhận các bài học cách thấu đáo, mà còn giúp họ tăng tiến trong đời sống tâm linh. Cho nên Chúa Giêsu đã từng ngửa mặt lên Trời nói lời “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải cho những kẻ bé mọn này, trong khi giấu kín không cho bậc khôn ngoan, thông thái biết những điều ấy” (Lc 10,21).
c) và sơ cấp: Khi nói chuyện với những người bình dân, chất phác, Chúa đem vô bài học những hình ảnh đời sống thực dụng và cụ thể hàng ngày, khiến ai cũng có thể hiểu và lãnh nhận được cách dễ dàng. Từ những bông hoa đồng nội, đời sống những con chim bé bỏng bay trong bầu trời, đến công việc đồng áng, thợ làm vườn nho v.v… Chúa dạy dỗ họ có lớp nang thứ tự: Đi từ dễ lên khó. Từ lúc nhận biết và hiểu về Thiên Chúa như một người Cha nhân hiền, đến sự đặt hết tin tưởng vào Đấng Quan Phòng … để rồi khi đã thăng tiến về mặt tâm linh, Ngài nâng cấp cái nhìn của họ về một tương lai sán lạn: Mặc khải cho họ thấy Nước Trời. Khi thấy được rồi thì phải làm sao để tìm kiếm: Ngài đem đến cho họ hình ảnh “viên ngọc quí tiềm ẩn trong mảnh vườn” để tự hiểu rằng: Mình nên bán hết tài sản mình có, để mua lấy Nước Trời. Hoặc suy gẫm, chiêm niệm về hình ảnh “những cô trinh nữ khôn ngoan. biết trữ dầu chờ chàng rể”, để được cùng chàng bước vào “tiệc cưới” là Nước Thiên Chúa, nơi mà chàng rể chính là Đức Kitô v.v…
7) Cho họ thời gian đặt câu hỏi: Chúa cũng để cho người ta có cơ hội đặt câu hỏi, và chia sẻ thêm để làm tăng sự hiểu biết của họ. Một lần kia, trước khi chữa cho một người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ hỏi Chúa: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến cho người này sinh ra đã bị mù ? Đức Giêsu trả lời: Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy khi trời còn sáng; Đêm đến không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,2-5). Sự tăng trưởng về kiến thức cũng như sự lớn mạnh về tâm linh, không phải là những câu trả lời có sẵn đáp số, mà đòi hỏi người nghe trên đường đi, lúc trở về nhà phải có sự cộng tác bằng tinh thần chiêm niệm và suy nghĩ sâu sắc. Ai không có tinh thần học hỏi này, thì y như hạt giống tuy gieo vào đất tốt, nhưng kết quả hoa trái của nó không phải được trăm, hay sáu mươi, mà chỉ có ba mươi mà thôi (Mt 13,23).
8) a. Chân thành lắng nghe: Chúa rất chân thành quan tâm đến những câu người ta trả lời, như lần kia ở vùng Xê-da-rê, dọc đường Người hỏi các môn đệ “người ta bảo Thầy là ai ?”, Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác thì cho là một ngôn sứ nào đó.”, thì Người liền hỏi các ông: “ Thế còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (Mc 8,27-29).
b. Đặt ra những câu hỏi, đáp – khiến người nghe phải động não: Chúa cũng cho người ta những câu hỏi để họ phải suy nghĩ, như sau khi kể dụ ngôn “những tá điền sát nhân”, giết những người được sai đến, kể cả người con của chủ, rồi Người hỏi họ: “Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì chúng ? Hay: … Câu Kinh Thánh này có nghĩa gì: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường?”. Và những câu trả lời mang tính cảnh báo cũng khiến cho người ta suy nghĩ nhiều: “Phàm ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xưong; đá này rơi trúng ai, sẽ làm kẻ ấy tan xương nát thịt” (Lc 20,9-18). v.v…
9) Không Từ bỏ, không Xa lánh trong bất kỳ trạng huống tồi tệ, hẩm hiu của kiếp người: Khi người ta gặp khó khăn, Chúa Giêsu không từ bỏ, hoặc xa lánh, trái lại Ngài tận tình giúp đỡ trong tình yêu và lòng xót thương, như những khi có người phong hủi tìm đến Ngài (Mt 8,1-4); hoặc đến tận nhà chữa lành cho người đầy tớ của một viên đại đội trưởng bị bệnh gần chết (Lc 7,1-10); Hay xót thương tình cảnh con trai một bà góa thành Na-in, mà Chúa đã cho kẻ ấy sống lại (Lc 7,11-15) v.v…
10) Cách Chúa chuẩn bị cho việc giảng dậy:
a. Chuẩn bị: Hàng ngày Chúa Giêsu để thời gian tham vấn ý thân phụ Ngài là Chúa Cha – Đấng ngự Trên Trời – Ngoài việc cầu nguyện, Ngài còn nhịn ăn. Như thế mới biết rằng Chúa chuẩn bị cho việc giảng dạy của Người hơn người trần gian gấp bội, mặc dù không có sự gì mà Chúa lại chẳng biết!
– Không ỷ tài, không cậy giỏi là bài học lớn cho các nhà giáo dục, những người giảng dậy và là đầu của khoa sư phạm.
b. Thực tập & cũng là sai đi: Sau khi đã chuẩn bị cho các môn đệ kỹ càng, Chúa tin cậy và trao trọng trách “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như con rắn, đơn sơ như bồ câu”, nghe thế thì biết Chúa tin tưởng các môn đệ thế nào. Xin xem kỹ (Mt 10,1-16) để biết việc Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ kỹ càng làm sao.
11) Chúa cũng thường dùng Sách Thánh trong việc giảng dạy: Ngài dùng Sách Thánh (tức Cựu Ước) để giảng dạy và làm chứng cho sứ vụ của mình. Tức Ngài không hủy bỏ lề luật cũ, chương sách cũ, nhưng làm cho kiện toàn: Ngay từ khi khởi đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã dùng lời tiên tri I-sai-a viết về Người rằng: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”, Rồi Người nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-21).
12) Vừa là Thầy, vừa là Ngôn sứ Thật:
a. Là Thầy: Không chỉ là một giảng viên, Chúa Giêsu là Thầy đúng nghĩa, là trong hết mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, Chúa không chỉ nói xuông, mà đời sống của Người là tấm gương soi. Khi dạy yêu thương và phục vụ, thì chính Ngài yêu thương và phục vụ họ trước.
b. Là Ngôn sứ thật: Không như những ngôn sứ giả là chỉ biết “bó những gánh nặng mà chất lên vai kẻ khác” (Mt 23,4); Họ vì ham hố quyền hành, hư vị cùng lợi lộc trần gian, mà đồng tình với bạo quyền, là những kẻ bẻ cong công lý, giả điếc, làm ngơ trước những nỗi thống khổ, oan ức, bất công của người dân thấp cổ, bé miệng. Họ sẵn sàng “bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23). Đức Giêsu Kitô hoàn toàn khác họ: Ngài không nhắm mắt, vô cảm, bước qua bất kỳ nhân tai, thiên tai, hay những ngang trái của cuộc đời, mà không dừng bước chữa lành, băng bó, hoặc bênh vực người yếm thế, đấu tranh cho công lý, cho lẽ phải và tình người … Đến như các phe quyền lực đương thời như Hê-rô-đê, những người Biệt Phái cũng phải công nhận sự thực nơi Đức Kitô rằng “… chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá …” (Mc 12,13-14). Làm gương mẫu cho sứ vụ của các Ngôn sứ thật, Chúa Giêsu thẳng thắn nghiêm phán, không chút sợ sệt những kẻ nắm quyền hành trong tay: “Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phắc-na-um (nơi Người đi lại và giảng dậy nhiều, nhưng cũng đối đầu với những bọn quyền lực nhiều) ngươi tưởng được nâng lên đến tận trời ư ?Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!” (Lc 10,15). Ngôn sứ thật không bao giờ sợ chết. Trong những giờ phút quyết liệt nhất, Người vẫn đứng thẳng người, khẳng khái trả lẽ: “…ông là Con Thiên Chúa sao ? Người đáp: Đúng như các ông nói, chính tôi đây” (Lc 22,70). Trước mặt Phi-la-tô – người có thẩm quyền kết tội & lên án – Chúa Giêsu vẫn điềm nhiên không nao núng: “Vậy ông là vua sao ? Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: Làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37). Ngày nay có rất nhiều ngôn sứ lặng thinh trước những sự dối trá mà họ biết đang xảy ra từng ngày, từng giờ.
Kết Luận:
Rõ ràng cách giảng dạy của Đức Giêsu Kitô khác hẳn với cách của người thế gian. Trong vai trò & nhiệm vụ một ủy viên Huấn đức, chúng ta chỉ là một con người bất toàn, nhưng chính vì vậy, chúng ta mới cần phải cố gắng học hỏi nơi Chúa Giêsu, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, qua Mẹ Maria – Trường dạy các nhân đức – Chúng ta mới Hy Vọng lãnh nhận được ơn mưa móc trong Mầu nhiệm Tin Mừng, cũng như gặt hái được cách thức chia sẻ Lời Chúa cho tha nhân theo cung cách của Thầy Chí Thánh. Ơn Trời giống như Cơn Mưa Đầu Mùa xuống cho hết thảy mọi người, không phân biệt, nhưng Hứng được ít, hay nhiều, còn tùy dung tích của vật chứa nơi mỗi người chuẩn bị cho mình, y hệt như chiếc bình đựng dầu của mấy cô trinh nữ trong dụ ngôn Nước Trời.