-“Thánh Công đồng khuyến khích con cái Hội Thánh chuyên cần học hỏi những khoa học Thánh Kinh, hãy tiếp tục công trình đã khởi sự cách tốt đẹp với những năng lực ngày càng đổi mới và tất cả hăng say hợp với cảm thức của Hội Thánh.” (MK 23) (MK: Hiến chế Mặc Khải của Công Đồng Vaticano II)
1. Nhiệm vụ của người Kitô hữu:
Hội Thánh kêu gọi các tín hữu :
-“Thánh Công Đồng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, phải năng đọc Thánh Kinh để học biết khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) ”Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.” (Pl: Philipphê)
-“Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ Phụng Vụ Thánh dồi dào Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh, hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các chủ chăn trong Hội Thánh chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi.”
2. kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh “Mỗi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh.” (MK 25)
3. việc đọc hiểu Kinh Thánh không phải là điều dễ dàng Trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh, một thực tế cho thấy việc đọc hiểu Kinh Thánh không phải là điều dễ dàng. Chính Kinh Thánh chứng nhận điều này. Khi đọc một số bản văn sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia, ông Đanien đã phải suy nghĩ lâu để xem ý nghĩa của những sấm ngôn đó là gì (x. Đn 9,2). Sách Công vụ Tông đồ (Cv 8:30-35) ghi lại lần kia Philip nghe một viên quan người Êthióp đang ngồi trên xe trở về nhà và đọc sách ngôn sứ Isaia, Philip hỏi viên quan đó, “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” Viên quan trả lời Philip, “Làm sao tôi hiểu được nếu không có người dẫn giải”.
Ngày nay, phong trào học hỏi Kinh Thánh được Giáo Hội phát động khắp các dân tộc, trong sinh hoạt các hội đoàn. Đó là thể hiện sự đáp ứng nhu cầu thiết thực của Công Đồng Vaticano II. Nhưng lại thiếu Linh Mục để giúp đỡ cho việc học hỏi của giáo dân, Nên nhu cầu học hỏi KT cần nhiều cán bộ chuyên về KT, cũng như là nhu cầu đào tạo các giáo lý viên về KT là cần thiết.
4. hoạt động của Chúa Thánh Thần: Chúng ta vẫn tin vào sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Thánh Thần hoạt động tùy vào khả năng và nỗ lực của con người. Nếu như con người không hăng say, tích cực học hỏi và tìm hiểu Lời Chúa một cách thích thú, thì ơn Chúa Thánh Thần không tác động vào họ một cách sâu sắc! Chúng ta hãy nhớ lại thư của Thánh Luca gởi cho một người bạn trong hàng vọng tộc là ông Thêôphilô, để chúng ta chiêm nghiệm rằng: Giáo hội dạy cho chúng ta biết các thánh sử tuy được Chúa Thánh Thần linh hứng để làm công việc ghi chép lại Lời Chúa, nhưng thánh Luca tiết lộ cho thấy dầu vậy, mình cũng phải vận dụng hết khả năng để làm công việc Chúa trao phó, Luca viết: “Thưa Ngài Thêôphilô đáng kính … Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài” (Lc 1,1-4). Điều đó nói lên rằng: Dù được Thánh Thần Chúa linh hứng, Thánh Luca vẫn phải làm với hết khả năng mình, hết sức mình, là điều nghiên, tra cứu, tham khảo … mọi sự, rồi ngài mới viết. Nhưng nhờ thần linh giúp thì ra như mọi sự: Mọi phương tiện để sưu tầm, mọi gốc tích cần tra cứu, mọi ngõ ngách cần qua lại … sẽ rất thuận lợi cho người viết.
5. Chia sẻ Lời Chúa giống như Bẻ Bánh: Giáo hội cũng dạy chúng ta “Chia sẻ Lời Chúa” có nghĩa rằng “Mầu nhiệm Lời Chúa” cũng giống như “Mầu nhiệm Thánh Thể”. Khi chúng ta chia sẻ Lời Chúa là chúng ta “Bẻ Bánh Lời Chúa” chia cho anh chị em của chúng ta. Vậy việc đầu tiên là “Có bánh không, để mà chia”. Lời Chúa trên trang sách thì lúc nào cũng có. Nhưng làm sao cho Lời Chúa thấm nhập vào trong tâm hồn, đó là điều chúng ta phải học hỏi. Một người đọc một đoạn văn mà không hiểu, cũng như ngắm một bức họa, nếu không hiểu thì làm sao tâm hồn có được sự rung động, mà chúng ta thường gọi đó là “cảm nghiệm”, để mà chia sẻ cho kẻ khác ? Rung động, hay cảm nghiệm luôn đến sau sự hiểu biết. Do đó, buổi chia sẻ Lời Chúa, chính là một phương thức học hỏi Lời Chúa có tính phổ quát trong cộng đồng dân Chúa của thời đại hôm nay. Qua sự học hỏi, chúng ta hiểu Lời Chúa, nghe được điều Chúa nói với chúng ta (sẽ rõ hơn trong Bài 7) và do đó chúng ta mới cảm nghiệm được, để mà chia sẻ.
6. học hỏi thì cần đến việc cắt nghĩa hay giải thích: Nếu đã là một sự học hỏi, thì từ cổ chí kim, có sự học hỏi nào mà lại không cần đến việc cắt nghĩa hay giải thích ? Miễn là không được cắt nghĩa theo ý riêng như tinh thần câu nói của Thánh Phêrô trong thư gởi các tín hữu (2Pr 1:20-21). Thời đó, những kẻ lạc giáo đã cố tình cắt nghĩa theo ý của họ, để chống lại giáo hội tiên khởi. Câu chuyện của Philip và viên quan (kể trên) cũng như thực tế đối với các tín hữu nói chung là chúng ta cần đến việc cắt nghĩa, giải thích. Đức Nguyên GH Bênêđichtô, thúc bách chúng ta suy nghĩ về sự cần thiết phải học cách để đọc, hiểu Kinh Thánh. Nhiều người than thở là không thể, vì một ngàn lẻ một lý do. LM Juse Nguyễn Văn Thịnh (có một phương pháp do ngài dịch đã được chọn) có viết: “Tôi nghĩ lý do chính, đó là thiếu lòng khao khát. Nếu càng không hiểu Kinh Thánh thì chúng ta hãy càng khao khát muốn tìm hiểu. Thánh Augustinô giải thích lòng khao khát này như sau: Vì tâm hồn và trí óc chúng ta quá hạn hẹp cho những điều vĩ đại Chúa dành cho chúng ta, đặc biệt là chính Chúa hiện diện nơi Lời của Ngài trong từng trang Kinh Thánh. Nên lòng khao khát là cách Thiên Chúa nới rộng tâm hồn và trí óc chúng ta, để chúng ta dễ dàng đón nhận được Chúa. Ai càng khao khát thì càng dễ được những ơn vĩ đại! Ai không khao khát thì sẽ chẳng được gì! Chúa có muốn ban ơn như mưa từ trời xuống thì cũng chỉ gặp một tâm hồn đóng kín, hoặc một chiếc bình đã đậy kín nắp”. Cha Daniel J. Harringtons, SJ. Nhà nghiên cứu Kinh Thánh nổi tiếng cũng có nói: “Nếu chúng ta có lòng khao khát và quyết tâm muốn học hiểu Kinh Thánh thì Chúa sẽ ban những ơn trợ giúp cần thiết cho chúng ta”.
Một lần nữa, trước khi đi tìm các phương pháp để chọn, chúng ta lắng nghe lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư mục vụ năm 2005 đoạn viết sau đây: “Ngoài bàn tiệc Thánh Thể, người Kitô còn được mời gọi tham dự bàn tiệc thứ hai là bàn tiệc Lời Chúa. Thật ra cả hai bàn tiệc đều diễn tả cùng một mầu nhiệm, mầu nhiệm Sự Sống. Vì thế chúng tôi mời gọi anh chị em hãy đào sâu ý nghĩa và vai trò của Lời Chúa” (HĐGMVN/MV/GLKT). (X.tiếp bài 7)