Trong bài này, chúng tôi trình bày 3 phương pháp học hỏi Lời Chúa:
A- Lắng Nghe Lời Chúa (Nguồn: The Catholic Vision – Mark Link S.J).
B- Cách suy niệm và chiêm ngắm Lời Chúa (Nguồn: “Bộ K.Thánh” và theo Đ.H.Y Carlo Maria Martini)
C- Tiến trình Học hỏi Lời Chúa (Nguồn: “Oletta Wald” LM. Giuse Nguyễn Văn Thịnh dịch).


A – LẮNG NGHE LỜI CHÚA  (Chúng ta hãy đọc bằng: thể xác, trí khôn, con tim và linh hồn).

1. Làm sao nghe được lời Chúa? Một vở kịch lâu đời của Broadway có tựa đề The Royal Hunt of the Sun kể lại việc Tây-ban-nha chinh phục thổ dân tại Pê-ru vào thế kỷ 16. Có một cảnh người Tây-ban-nha đưa cho người tù trưởng Da Đỏ một cuốn Kinh Thánh và nói với ông ta đây là lời Chúa. Vị tù trưởng giơ cao cuốn Kinh Thánh, cung kính áp vào tai ông và lắng nghe một phút. Ông ta chẳng nghe thấy gì hết nên liệng cuốn Kinh Thánh xuống sàn nhà.
Cảnh này nêu lên một câu hỏi quan trọng: Làm sao chúng ta nghe được lời Chúa, nhất là khi chúng ta nghe đọc và cắt nghĩa trong những cuộc hội họp Ki-tô hữu?
Chúng ta lắng nghe lời Chúa giống như hai môn đệ lắng nghe Đức Giê-su … Chúng ta lắng nghe với tất cả con người của mình: thể xác, trí khôn, con tim và linh hồn.
a) Trước hết, chúng ta nghe bằng thể xác:
Lắng nghe bằng thể xác có nghĩa là chúng ta lắng nghe với thái độ cung kính và chú ý. Lối lắng nghe này không phải là dễ. Nó đòi chúng ta phải rất cố gắng. O-ri-gien, một nhà giảng thuyết thời xưa, thường nói với cộng đoàn của ngài:
“Anh chị em lãnh nhận Mình Thánh Chúa với sự thận trọng và cung kính, đến độ ngay cả mụn bánh thánh nhỏ cũng không để rơi xuống sàn nhà. Anh chị em cũng phải lãnh nhận Lời Chúa với lòng thận trọng và cung kính như vậy, đừng để một lời nào lọt mất đi.”
b) Thứ hai, chúng ta lắng nghe bằng trí khôn:
Các nhà tâm lý học thường nói câu này: “Bạn hãy đặt tên cho nó, hãy nhận lấy nó và hãy biến nó thành cái gì của riêng bạn.” Ý nghĩa câu nói này thật sâu sắc nếu áp dụng vào Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, việc đặt tên có nghĩa là làm chủ được. Thí dụ khi A-đam đặt tên cho các sinh vật có nghĩa là ông làm chủ được các sinh vật.
Áp dụng ý nghĩa ấy vào việc lắng nghe lời Chúa: nếu chỉ lắng nghe với sự chú ý thôi thì chưa đủ, mà còn phải đặt tên cho các biến cố Kinh Thánh, nhận lấy chúng và biến chúng thành những biến cố của chính chúng ta. Thí dụ: Đoạn Kinh Thánh nói về “Người Cha nhân lành”; “Phép lạ hóa bánh”; “Tiệc cưới Cana” v.v… Thường Giáo Hội đặt sẵn cho chúng ta, nhưng do sự cảm nghiệm riêng ta có thể đặt cho bài đó một cái tên cho riêng mình. Thí dụ: Tôi thích gọi “Tiệc cưới Ca-na” là “Đức Mẹ phù hộ các Giáo hữu”, hay: “Mẹ Hằng Cứu Giúp”, hay “Mẹ hằng lo liệu cho con cái mình” … Cũng vậy, chẳng hạn khi nghe câu truyện Đức Giê-su giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ về làng Em-mau, chúng ta phải làm công việc khác hơn cả lắng nghe nữa. Đó là chính chúng ta phải trở thành những môn đệ ấy. Chúng ta phải cố gắng cảm nghiệm qua óc tưởng tượng những gì họ đã cảm nghiệm. Chúng ta phải cố gắng cảm thấy được lòng hứng khởi mà chính các môn đệ đã cảm thấy khi họ lắng nghe Đức Giê-ssu giải thích Kinh Thánh cho họ.
c) Thứ ba, chúng ta lắng nghe bằng con tim:
Lắng nghe bằng con tim nghĩa là chúng ta đem lời Chúa “ấp ủ trong tâm hồn” chúng ta. Nghĩa là chúng ta lắng nghe với con tim đầy yêu mến.
Hai môn đệ Em-mau là một thí dụ điển hình về việc lắng nghe lời Chúa bằng con tim. Sau khi gặp Chúa, họ nói với nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24:32). Một thí dụ khác trong Thánh Vịnh về việc lắng nghe bằng con tim. Tác giả Thánh Vịnh nói:
“Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao,
Suốt ngày cứ suy đi gẫm lại!…
Thánh ý Chúa, trọn bề tuân giữ,
Hồn mến yêu hâm mộ chẳng rời.” (Tv 119:97,167)
Nói cách khác, lắng nghe lời Chúa cách yêu mến cũng giống như một người tình lắng nghe người mình yêu. Quả đúng như vậy, lắng nghe lời Chúa bằng con tim vì Kinh Thánh thực là bức thư tình của Chúa gửi cho chúng ta.
d) Sau hết, chúng ta lắng nghe bằng linh hồn:
Lắng nghe bằng linh hồn nghĩa là chúng ta lắng nghe với lòng tin, tin rằng lời Chúa có uy lực đánh động và biến đổi chúng ta. Phận vụ chúng ta là mở lòng đón nhận lời Chúa. Ngoài ra chúng ta không làm được gì hơn. Chính Chúa, Ngài sẽ cho lời Ngài có sức mạnh để thấm nhập vào tâm can chúng ta và tái tạo chúng ta.
Như vậy, chúng ta lắng nghe lời Chúa bằng tất cả con người chúng ta: thể xác, trí khôn, con tim và linh hồn.

2- Cách suy niệm và chiêm ngắm lời chúa: Trong các văn kiện trước đây, Ðức Thánh GH. Gio-an Phao-lô II đã đề cao việc suy niệm, chiêm ngắm Lời Chúa (xem Tông huấn về “đào tạo linh mục” số 47; “Ðời sống thánh hiến” số 94; Sứ điệp nhân “Ngày quốc tế giới trẻ” 1997 tại Paris, số 6). Chúng tôi xin giới thiệu với độc giả vài nét về cách suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa dựa theo cách giải thích của Ðức Hồng Y Carlo Maria Martini. Có thể phân biệt ba bước trong tiến trình suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa :
a) Ðọc
Bắt lấy những yếu tố quan trọng của bản văn bằng cách chú ý đến các động từ, các chủ từ, các tình cảm, tính cách của hành động, các sự việc nối tiếp nhau vì lý do nào. Nếu chịu khó đọc đi đọc lại, sẽ luôn thấy mới mẻ. Liên tưởng đến những đoạn tương tự trong Sách Thánh giúp ta chuyển từ mạch văn trước mắt đến những viễn tượng rộng lớn hơn, vì toàn Sách Thánh là một cuốn sách duy nhất. Ðây là việc khảo sát bản văn, ai cũng có thể làm được. Có thể nói đọc là tra vấn bản văn.

B – Suy niệm

Khi đọc ta mới chỉ chú ý đến ý nghĩa của các từ ngữ. Suy niệm là nghiền ngẫm về những tình cảm, những hành động, những thái độ do kết cấu của các từ ngữ gợi lên: có thể là thái độ của Thiên Chúa đối với con người: lòng thương xót, sự thành tín, sự công chính; hoặc thái độ của con người đối với Thiên Chúa và với nhau: ngợi khen, cảm tạ, thống hối – phản bội, dối trá, hèn nhát?.
Nghiền ngẫm giúp ta nhận ra những giá trị thường hằng hàm chứa trong bản văn. Sau đó ta đối chiếu với tình trạng bản thân: tôi cảm nhận những giá trị thường hằng đó như thế nào? Ðó là để cho Lời Chúa tra vấn, dạy dỗ, an ủi, mời gọi ta.
Việc suy niệm như thế khơi dậy trong chúng ta những tâm tình, những ước nguyện để thân thưa với Thiên Chúa: ngợi khen, cảm tạ, thống hối, cầu xin, dâng hiến? Lời Chúa đưa ta đến chỗ đáp lại, đối thoại với Người. Ðó là cầu nguyện, như Công Ðồng nói: “Cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Sách Thánh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa khi cầu nguyện và chúng ta nghe Người nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn của Chúa” (MK 25).
c) Chiêm ngắm
Việc nghiền ngẫm và cầu nguyện dần dần tập trung lại trong việc chiêm ngắm chính mầu nhiệm Chúa Giê-su hiện diện trong mọi trang Sách Thánh và nhất là trong sách Tin Mừng. Thánh Thần đưa chúng ta vượt qua bản văn để cảm nghiệm và sống với sự hiện diện của Thiên Chúa đang hành động trong mọi biến cố Sách Thánh kể lại.

** Như vậy chúng ta đi từ bản văn đến những giá trị bản văn nêu lên và cuối cùng đến với chính Ðấng hành động trong các biến cố và đang nói với ta.
Bước thứ nhất (đọc) có thể nhờ người giải thích, giúp đỡ. Bước thứ hai (suy niệm chiêm ngắm) mỗi người phải đích thân đi vào với ơn Chúa giúp. Bước thứ ba hoàn toàn do Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta.
*** Kết Luận: Nhờ suy niệm chiêm ngắm Lời Chúa, mỗi người sẽ được Thiên Chúa đưa vào một kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta cốt để đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Người, chia sẻ cho chúng ta sự sống của Người.

C – Tiến trình học hỏi lời chúa:

Bạn ước muốn phát triển một kiểu mẫu có phương pháp trong việc học hỏi Kinh Thánh, thì có những trình tự nhất định cần tuân theo và tốt nhất là nó được thực hiện theo một cách thức như sau:
1) Quan Sát (Chính xác điều tác giả nói)
Đoạn văn nói gì?
Đây là bước quan trọng nhất trong việc học hỏi Kinh Thánh và phải là bước đầu tiên. Bạn càng quan sát cẩn thận và thấu đáo thì giải thích của bạn càng đầy ý nghĩa, việc lượng giá càng đúng đắn và việc áp dụng càng phong phú hơn.
2) Giải Thích Khách quan (điều tác giả đã viết).
Tác giả muốn nói gì?
Sau khi quan sát cẩn thận điều tác giả nói, bạn hãy xác định điều tác giả thực sự muốn nói. Bạn hãy cố gắng khám phá tư tưởng, thái độ, cảm xúc và mục đích của tác giả.
3) Tóm Kết (Ngắn gọn những ý tưởng chính của đoạn văn)
Ý chính là gì?
Mặc dầu tóm kết được xếp vào bước thứ ba, nó quả thực là một tiến trình cần thực hiện trong mối liên kết với bước quan sát và giải thích. Hãy cố gắng tóm kết các dữ kiện bạn đã quan sát và sau đó là ý nghĩa của chúng.
4) Lượng Giá (Đúng điều tác giả viết)
Có giá trị gì cho ngày hôm nay?
Chỉ khi nào bạn có khái niệm rõ ràng về việc tác giả đã viết và điều tác giả muốn nói qua câu văn ấy, bạn mới có thể phán đoán cách trung thực giá trị của đoạn văn. Do đó lượng giá phải đi sau bước quan sát và giải thích.
5) Áp Dụng (Cho chính mình sứ điệp mạc khải)
Áp dụng cho tôi thế nào?
Mặc dầu áp dụng được xếp vào bước thứ năm trong tiến trình, điều đó không có nghĩa là tầm quan trọng của nó được xếp vào hàng thứ năm đâu. Áp dụng là hoa quả phát xuất từ các bước khác. Áp dụng là một tiến trình tăng trưởng, không thể áp đặt cách giả tạo, nhưng nảy sinh từ tất cả các bước khác.
6) Thể Hiện hay thực hành (Xác tín của bạn)
Tôi phải làm gì?
Có người đã nói:” Đừng chỉ học Kinh Thánh mà thôi, hãy làm một điều gì đó”. Nhiều khi việc học hỏi Kinh Thánh chỉ là nhận thức những chân lý bằng trí óc và tình cảm, chứ không biến chúng thành hiện thực – Không, phải thực hiện ngay lúc này điều Chúa mạc khải cho ta.
Tại sao phải nhấn mạnh đến những bước lôgic như thế?
Bạn là sinh viên học Kinh Thánh bạn phải làm như thế. Trước tiên, hãy quan sát! Không giải thích, không áp dụng vào đời sống- cho đến khi bạn đã quan sát cẩn thận điều tác giả đã viết, quan sát tất cả những gì tác giả đã viết.
Việc nhấn mạnh nối tiếp cận lôgic này không giảm thiểu tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần là Đấng mạc khải chân lý. Chúng ta cần sự hướng dẫn của Ngài khi quan sát, giải thích, lượng giá, áp dụng vào hiện thực. Ngài là một phần của toàn thể tiến trình, phát huy khả năng của ta để chăm chú khi quan sát, nhận thức rõ khi giải thích, trung thực khi lượng giá và áp dụng, và can đảm khi thực hiện các chân lý vào đời sống chúng ta. (Nguồn: Oletta Wald)
Góp ý: Thế nào cũng có bạn học thắc mắc với Hướng dẫn viên: Áp dụng (e) với thực hành (f) chẳng phải là một sao ? Tại sao lại phải chia làm hai mục ? – Thưa, Rất nhiều bản văn Tin Mừng, hay một câu chuyện (trong Cựu Ước, hoặc Tân Ước) Trong đó có nhiều vai, mỗi vai nêu ra một điểm sáng, hay trình bày một nết xấu cần bỏ, hay sửa đổi. Mỗi nguời đọc lại có một tâm trạng, hay đang sống trong những hoàn cảnh khác nhau, do đó ta sẽ chọn ra một nhân vật nào đó trong chuyện phù hợp với tâm trạng hay hoàn cảnh của mình mà đem ra áp dụng vào đời sống. Thí dụ: Cũng câu chuyện Người cha nhân lành trong Tin Mừng (Lc 15,1-32) có người đã cảm nhận được cách cư xử của mình với con cái quá khó khăn với chúng, khiến chúng bị ngăn cách vì mình, nên chọn nhân vật người cha làm mẫu (tiêu chuẩn) để áp dụng vào đời sống; Có người đang trong hoàn cảnh người con hoang, hoặc trong đời sống Kitô hữu của mình, lâu nay mình chỉ sợ Chúa vì mình quá sống theo vật chất, đến nỗi thành xa với Chúa. nên chọn nhân vật đứa con hoang làm mẫu mực, để quyết tâm trở về; Lại cũng có người đọc xong câu chuyện thì cảm nhận được mình sao giống như người anh hai, lâu nay, mình nhỏ nhen, tị hiềm, hay ganh tị với các anh chị em trong nhà (hay ACE trong hội đoàn, đoàn thể), thì người anh hai trong chuyện đã trở thành tấm gương phản chiếu chính mình, bấy giờ chọn nhân vật này để đọc kỹ, rồi xét mình, thấy được tánh xấu của mình, thì quyết tâm sửa đổi và sửa đổi như thế nào, những điểm nào … cố gắng soi rọi để tìm ra từng bước để đem vào thực hành là phần mục sau. Do đó hai mục tưởng như một, nhưng quả thực là hai vậy. Mục (e): Chọn mẫu thích hợp để áp dụng cho chính mình. Nói bằng giải pháp “tâm linh” là: Sau khi đọc kỹ bản văn, Chúa Thánh Thần đang “Mặc Khải” cho tôi điều gì đây ? Chừng thấy được điểm này, tức là Thần Linh Chúa soi sáng cho tôi biết: TÔI ĐÃ NGHE THẤY TIẾNG CHÚA NÓI VỚI TÔI, bảo tôi”. Mục (f): Bạn xin với Chúa ban cho mình ơn can đảm để thực hành điều Chúa vừa mặc khải cho mình biết. Có nhiều điều biết là một chuyện, nhưng nếu không có ơn Chúa mình không làm được, như việc “làm hòa với một đối tượng mình quá ghét; mình vô cùng ác cảm; Hoặc với một đối tượng rất ghét mình; rất thành kiến với mình; Hoặc giữa hai người có quá nhiều ngăn cách: Không gian, thời gian, cách vật, vì mình từng lừa gạt họ hay họ lường gạt mình về nhiều phương diện như: Tiền bạc, nhà cửa, đất đai, tình yêu, có con hoang, vết đau thể xác, vết cắt tinh thần v.v… mà không thể thanh toán với nhau cách sòng phẳng được. Trong thành tâm và kiên trì, bạn sẽ nhận ra Chúa giúp bạn đặt ra các bước giải quyết vấn đề của bạn, để bạn bắt đầu can đảm thực hiện.

Dụng cụ để học hỏi Kinh Thánh (nếu cần, hay có thể được)
– Sách Kinh Thánh cơ bản để học hỏi.
– Từ điển: Từ điển là công cụ rất quan trọng trong việc học hỏi Kinh Thánh. Việc tra cứu định nghĩa các từ chủ chốt sẽ gợi lên cho bạn những soi sáng nhằm hiểu biết ý nghĩa.
– Sách chú giải – từ điển Kinh Thánh
– bản đồ Kinh Thánh.
Những sách này rất ích lợi để ta biết địa lý, bối cảnh và văn hóa các thời kỳ Kinh Thánh, cũng như giúp hiểu một số đoạn văn khó. Các sách này được xếp cuối cùng và được sử dụng sau cùng trong bước giải thích.

ĐÚC – KẾT:
Tùy theo cách mỗi người lựa chọn, Chúng ta có thể chọn một trong ba cách trình bày trên; Hoặc phối hợp giữa cách này với cách kia; Bạn đọc cũng có thể sau khi nghiên cứu cả ba, rồi tự đề ra cho mình một phương pháp mới, thích hợp với tâm tư, tình cảm của riêng mình, sao cho mình cảm nhận được nhờ đó, mà mình thấy thích đọc Kinh Thánh hơn ./.