Tại sao chúng ta (các Huynh Đoàn) chọn việc học hỏi Tân Ước trước, Cựu Ước sau?
1. Lý do trước mắt:
a) Chúng ta đang cần Hành trình vào Nước Trời: Như trong đoạn tóm gọn của bài 4, chúng ta đã biết: Vì trình độ dân trí của những ngàn năm trong Cựu Ước còn thô thiển, nên Thiên Chúa chưa thể mặc khải đầy đủ như trong Tân Ước. Về luân lý còn là khoảng đường dài để Ngài giáo dục, dạy dỗ một cách tiệm tiến, chứ Thiên Chúa cũng chưa đòi hỏi mức độ hoàn thiện như trong Tân Ước. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Thầy đến để lề luật được kiện toàn” (Mt 5,17-18). Điều đó có nghĩa là luật cũ chưa hoàn hảo. Hành trình đức tin của Israel trong Cựu Ước mới chỉ là cuộc hành trình chuẩn bị để gặp gỡ Đức Kitô, còn hành trình đức tin của chúng ta là cuộc hành trình vào Nước Trời, mà Đức Kitô chính là đường (Ga 14,6), đường đưa ta vào nước Trời.
b) Bản chất lề luật (hay luật cũ) không xóa bỏ được tình trạng nô lệ của tội lỗi: Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và cũng là Đấng Cứu Độ của chúng ta, đã chọn Israel như dân riêng của Ngài, và đã mặc khải cho họ lề luật của Ngài, để chuẩn bị cho cuộc ngự đến của Đức Kitô. Luật Môi-sen diễn tả nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt tới một cách tự nhiên. Người ta cũng gặp được các chân lý này được công bố và được chứng thực trong Giao ước cứu độ (GLCG* số 1961). Luật cũ được tóm gọn trong “Thập điều giới luật của Thiên Chúa”, nhằm bảo vệ dân Chúa khỏi sự xấu, làm điều lành, tránh điều dữ, ngày nay chúng ta cũng vẫn tuân giữ chứ không bỏ, vì theo Thánh Phao-lô “Luật cũ có nhiệm vụ tố cáo và vạch trần tội lỗi, vì tội lỗi tạo ra thứ luật của dục vọng trong trái tim con người” (X. Rm 7). Mà con người ở thời nào lại chẳng lắm dục vọng, nhất là thời đại hôm nay. Dẫu vậy, như trên đã nói: luật cũ vẫn chưa phải là hoàn hảo, nó chỉ là sự chuẩn bị cách nào đó cho cuộc giáng lâm của Đức Giêsu Kitô, như Thánh Irênê đã viết: “Lề luật là môn sư phạm và lời tiên báo về các điều sẽ đến” (Adversus haereses). Luật lệ tuy có giúp cho con người bớt sai lầm, nhưng bản chất của luật lệ không phải là sức mạnh. Tự nó không xóa được tội lỗi, mà chỉ giúp cho người ta tránh bớt tội lỗi mà thôi! Bởi không xóa được tội lỗi thì tình trạng nô lệ vẫn còn. Chỉ khi Đức Kitô đến thế gian, Ngài mới kiện toàn bằng Giao Ước Mới. Những người Kitô hữu chúng ta được sinh lại trong Giao Ước Mới, nhờ tin vào Danh Đức Kitô, và cũng nhờ ơn Cứu Độ của Đức Kitô, chúng ta mới được xóa bỏ Tình trạng nô lệ cho tội lỗi, và cũng chính nhờ Đức Kitô, Đấng ban Thần Khí là sức mạnh, là ân sủng, chúng ta mới có thể chu toàn luật mới Ngài ban. Đêm trước ngày chịu nạn Chúa Giêsu đã ưu ái trao cho chúng ta qua các Thánh Tông đồ: “Thầy ban cho các con một giới răn mới là Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 15,12).
c) Thời đại cao điểm của Con Mãng Xà hoạt động: Tuy nhiên, “Dưới chế độ của Giao Ước Cũ, nhiều người đã có được đức mến và ân sủng của Chúa Thánh Thần, và mong chờ những lời hứa thiêng liêng và vĩnh cửu. Chính nhờ đó họ đã được liên kết với luật mới. Thì ngược lại, trong thời Giao Ước Mới, lại có những con người vẫn sống theo xác thịt, không đạt tới sự trọn hảo của luật mới” (Rm 5,5), nên không ít những con người tự đánh mất ơn Cứu Độ. Thời đại chúng ta đang sống lại là đỉnh cao thời gian Xa-tan hoành hành. Chính Con Mãng Xà trong sách Khải Huyền đã xuất đầu lộ diện. “Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỉ, hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ, nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó” (Kh 12,9). Nó đang lộng giả thành chân bằng chính nền văn minh hiện đại. Nó cung cấp cho loài người đầy đủ tiện nghi vật chất. Vô số người đã vì nền văn minh vật chất này cho họ thỏa mãn xác thịt, mà trở thành nô lệ cho Con Thú. “Bấy giờ tôi thấy một Con Thú từ dưới biển đi lên; nó có mười sừng và bảy đầu; trên mười sừng đều có vương miện, và trên đầu có danh hiệu xúc phạm tới Thiên Chúa (các tổ chức Anti-Christ bí mật có, công khai có, đều mang tầm vóc QT). Con Mãng Xà đã ban cho nó quyền năng và ngai báu của mình cũng như một quyền hành lớn lao. Bấy giờ toàn thể cõi đất thán phục đi theo Con Thú” (Kh 13,1-3).
2. Lý do Nội tại:
Phát xuất từ những yếu tố nêu trên, chúng ta chọn việc học hỏi Tin Mừng trước (phần cốt yếu trong bộ Tân Ước, nhưng rồi chúng ta cũng sẽ cùng nhau học hỏi những phần khác sau), như để đáp ứng khẩn thiết cho nhu cầu của thời đại hôm nay, mà Công Đồng Vaticanô II cũng như các vị Giáo Hoàng sau Công Đồng đã đặt lên hàng ưu tiên một. Đồng thời cũng đáp ứng cho việc chia sẻ Tin Mừng (của các Huynh đoàn) hàng tuần trong giờ kinh phụng vụ, Nhưng trọng yếu vẫn là vì chúng ta là những Kitô hữu, nên không thể không biết Luật của Đức Kitô làm ra. Nói cách khác: Người Kitô hữu không thể không biết Lời Đức Kitô nói, cũng không thể không thực thi những điều Đức Kitô dạy, vì thế Hội Thánh muốn chúng ta chuyên cần học hỏi Lời Chúa để biết:
a) Luật mới hay Luật Tin Mừng là sự trọn hảo nơi trần thế của Luật thần linh, tự nhiên và được mạc khải. Đây là công trình của Đức Kitô. Đặc biệt nhất là Bài giảng trên núi. Đây cũng là công trình của Chúa Thánh Thần, và nhờ Ngài, nó trở thành luật nội tâm của đức mến (GLCG số 1965). “Bài giảng trên núi (Tám Mối Phúc Mt 5,1-12), mà chúng ta sẽ gặp được ở đó những lời răn dạy tốt nhất, một quy luật trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Bài giảng này chứa đựng tất cả những mệnh lệnh mà nhờ đó đời sống Kitô hữu được nặn đúc nên” (Thánh Augustinô).
b) Luật Tin Mừng hoàn thành các lời hứa thần linh, tinh luyện, vượt qua và kiện toàn luật cũ (Mt 5,17-19), Luật Tin Mừng dành cho những ai sẵn sàng đón nhận niềm hy vọng mới này với lòng tin: Những người nghèo, người khiêm tốn, người đau khổ, người có trái tim trong sạch, người bị bách hại vì Đức Kitô, như vậy luật Tin Mừng phác họa những con đường chưa từng thấy của Nước Trời (GLCG số 1967).
c) Luật Tin Mừng bao hàm sự chọn lựa dứt khoát giữa hai con đường, không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của (Lc 16,13); “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ” (Mt 6,24). Chúa Giêsu cũng nói trước cho biết lý do tại sao những kẻ được gọi thì nhiều, nhưng được chọn thì ít, vì hoặc là người ta không đọc Lời Chúa, hoặc là đọc bằng môi, bằng miệng, rồi không mang ra thực hành, nên cứ tự dễ dài cho mình. Chẳng phải Chúa đã dạy “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13).
d) Luật mới là trái tim nơi con người chọn lựa giữa thanh sạch và ô uế: Điều gì cần nói ra, điều gì không nên nói. Luật mới như ánh sáng mặt trời phân biệt giữa ngày và đêm, để người ta biết đường mà xóa bỏ những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống … (theo Mt 15,18 & 19).
e) Luật mới giúp chúng ta hình thành Đức Tin, Cậy, Mến cùng các nhân đức khác. Như vậy Tin Mừng đưa lề luật tới sự viên mãn nhờ bắt chước sự trọn hảo của Cha trên trời (Mt 5,48), nhờ việc tha thứ cho kẻ thù, và cầu nguyện cho những kẻ bách hại, giống như lòng quảng đại của Thiên Chúa (GLCG số 1968).
f) Luật mới thực thi các hành vi tôn giáo: Bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, khi quy hướng các việc đó về “Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”, khác với những người muốn “được người ta thấy”. Lời cầu nguyện của luật mới là kinh “Lạy Cha” (GLCG số 1969).
g) Toàn bộ Luật Tin Mừng được chứa đựng trong Điều Răn Mới (Ga 13,14) của Chúa Giêsu, là chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (Ga 15,12). Và cuối cùng, sở dĩ chúng ta nên chọn việc học hỏi Tin Mừng (cũng như Tân Ước) trước, vì “Luật Mới được gọi là luật của Tình yêu, bởi vì dạy chúng ta hành động vì tình yêu mà Chúa Thánh Thần tuân đổ, hơn là vì sợ hãi; Luật mới được gọi là luật của ân sủng, bởi vì mang lại sức mạnh của ân sủng để hành động nhờ đức tin, và các bí tích; Luật mới được gọi là luật của sự tự do, bởi vì giải thoát chúng ta khỏi sự ràng buộc về nghi thức và pháp lý của luật cũ, khiến chúng ta sẵn sàng tự nguyện hành động theo sự thúc đẩy của đức mến, và sau hết là làm cho chúng ta chuyển từ thân phận của một tôi tớ ‘không biết việc chủ làm’, sang tình trạng là bạn hữu của Đức Kitô ‘vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết’ (Ga 15,15), hoặc còn tới địa vị là người con thừa tự nữa” (GLCG số 1972).
Ghi-chú: *GLCG: Giáo lý Công Giáo.
Bài đọc thêm (Sau 8 bài)
Tóm lược những vấn đề trong chương trình học tập chúng ta cần biết:
A- Kinh Thánh Trọn bộ bằng Việt ngữ:
Cho đến nay chúng ta mới chỉ có 2 bộ sách Kinh Thánh bằng tiếng Việt:
1) Bộ Kinh Thánh của LM. Nguyễn Thế Thuấn Dòng Chúa Cứu Thế.
2) Bộ Kinh Thánh của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1999).
B- Những dữ kiện và sử liệu nên nhớ về Cựu-ước:
1) Cựu-ước từ lời sang văn bản là một con đường dài. Đến khi các tác giả được linh hứng để viết thành văn bản, cũng phải mất cả ngàn (1.000) năm.
2) Chỉ được chọn thành kinh bộ (canon) gần cuối thế kỷ thứ Nhất sau Công nguyên, do Công Nghị họp tại Iamnia (nay là Jabne).
3) Năm 70 sau CN, Jerusalem bị tàn phá, từ đó không còn hàng tư tế, không còn tế tự. Không còn phụng vụ Do Thái Giáo nữa. Công nghị Jerusalem phải
rời về Iamnia. Công nghị này xác định những cuốn sách nào nằm trong Kinh bộ (tức Kinh Thánh), ngoài ra chỉ là các sách đạo đức – không buộc phải tin.
4) Công nghị này cố ý loại bỏ các sách mang tính khải huyền và nhất là các sách có dính dáng đến Kitô Giáo.
5) Vì lý do trên, suốt 3 thế kỷ đầu tiên, Chúa Thánh Thần đã linh hứng cho các Tông đồ và những đấng kế vị dần dần xác định lại những sách nào là
sách Thánh, để rồi vào thế kỷ thứ IV Hội Thánh Công Giáo đã có bảng liệt kê các sách thuộc Thánh Kinh cho tất cả các Kitô hữu (x. lại B.1).
6) Toàn bộ Kinh Thánh Cựu ước đều là những tác phẩm được thu thập nhờ truyền khẩu lâu đời trong dân gian.
7) Ngay trong một tác phẩm, việc nghiên cứu cho người ta thấy có nhiều đoạn đan xen bởi nhiều cây viết khác nhau (tức nhiều người viết mà những
mạch văn khác nhau). Điển hình là sách Ngũ Thư (truyền thống gán cho là của Môi-se. Sau này khi học về Cựu ước chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn).
8) Những câu chuyện truyền khẩu thường là từ những giai thoại độc lập, mới đầu chuyện nọ chẳng có gì liên kết với chuyện kia,
rồi trải qua nhiều thời gian, nhiều giai đoạn, người ta kết nối lại với nhau thành một câu chuyện liên tục.
9) Khi một bộ tộc bước vào đời sống văn minh có chữ viết, thì truyền khẩu cũng bước vào giai đoạn chuyển đạt thành văn bản
(song song với đời sống từ du mục chuyển sang định cư và định canh).
10) Cuối Thiên niên kỷ thứ IV trước CN (công nguyên), nhân loại mới bắt đầu có chữ tượng hình (hình nêm, hình đinh)
ở vùng Ai-cập và vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia).
11) Mẫu tự chữ viết mới có trong khoảng những năm từ 1.500 tới 1.000 năm trước CN ở vùng Syrie – Palestine.
12) Các câu chuyện truyền khẩu của con cháu Abraham chỉ có thể ghi nhận thành văn bản trong khoảng thời gian vừa nói trên (1.500 – 1.000).
13) Sự hình thành dân Do Thái: Từ chỉ “Dân Do Thái” ta quen gọi thực ra chỉ hình thành sau khi chiếm được nơi gọi là “Đất Hứa”.
14) Dân tộc Do Thái bao gồm một nhóm du mục từ bên ngoài vào ( nhóm được Môi-se lãnh đạo từ Ai-cập) chiếm mảnh đất mà họ gọi là “đất hứa”, với
những dân văn minh hơn đã định cư tại đó từ lâu đời. Sau 400 năm bình định, đám dân du mục với dân định cư mới họp thành dân Do Thái (dân Israel).
15) Vì thế, có những chi tộc biết thời lưu đày, lang thang trong sa mạc, hay sự kiện Si-nai v.v… còn dân định cư không biết gì cả! Chính vì lý do đó,
việc tổng hợp, hay thống nhất tư tưởng cũng như tư liệu, mới không dễ dàng, mà phải trải dài 1.000 năm để cắt xén và cấu trúc lại cho hợp lý.
16) Đa-vít và Salomon đã làm công việc đó, là xóa hết mọi địa danh, phong tục khác biệt, để chỉ quy về một mối là Giê-ru-sa-lem.
Nhưng sau cái chết của Salomon lại đâu hoàn đấy. Mỗi chi tộc trở lại với thánh địa cũ của mình.
17) Do đó chúng ta không lạ khi Ngũ Thư hình thành do một sự tổng hợp nhiều truyền thống (Elohim, Jahviste, Deutetonomium, Priesters-Chrift).
18) Cựu-ước hoàn thành trong vòng 1.000 năm, thì Ngũ Thư cũng được hình thành trong khoảng thời gian đó.
19) Cũng như Sử Thi, Cựu-ước bước từ truyền khẩu sang văn bản, nên khó tìm lại được nguồn gốc cũng như tác giả. Người chép chắc không ghi lại đúng
như truyền khẩu, mà thường sửa chữa lại cho phù hợp với cộng đoàn, hay hoàn cảnh người viết đang sống. Rồi mỗi lần viết hay chép lại, lại có sửa chữa.
20) Thánh Kinh không phải là ký sự. Dù những cuốn viết về lịch sử, cũng không phải là tài liệu lịch sử nhờ đó mà người ta tìm lại quá khứ – đan cử
như con tàu No-e, biết bao nhà khảo cổ bỏ công tìm kiếm … chưa ra dấu vết!
Trước hết, Thánh Kinh là cuốn sách nói lên Niềm Tin của người Do Thái, và tiếp tới tất cả những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
21) Nên khi quá khứ qua đi, người ta mới lấy đức tin mà nhìn lại, để thâm tín rằng: “Thiên Chúa luôn hiện diện với dân tộc mình (tức dân tộc Do Thái)”.
22) Chung cục và cốt lõi:
Kinh Thánh nói chung và “Sáng Thế” nói riêng là kết quả suy tư (tư tưởng) của các tiền nhân của một dân tộc bằng vào kinh nghiệm tôn giáo, nhằm diễn tả niềm tin về một Thiên Chúa Israel. Ngài chính là Đấng đã tạo thành vũ trụ và con người, mà con người được Thiên Chúa yêu thương và dành cho cuộc sống vượt trên tất cả (11 chương đầu của Sách Sáng Thế). Kế đến, nói lên nguyên ủy sự ác có mặt trong cuộc sống (nói chung là trên thế gian), là do con người gây ra bởi từ chối vâng phục Thiên Chúa, và từ chối nhau (Ca-in giết em).
Tuy nhiên, con người vẫn được Thiên Chúa hứa giải thoát. Thế là Lịch sử Cứu độ được bắt đầu với lịch sử nhân loại. Điều này cũng nói lên ý thức của Dân Chúa về lịch sử và Sứ Mạng làm chứng về Thiên Chúa và ơn Cứu độ của Người trước muôn dân. Để muôn dân được biết Thiên Chúa và được Cứu độ.
C- Kinh Thánh: Bộ Sách Khó Hiểu
1) Vì là cuốn sách của đức tin.
2) Cuốn sách Kinh Thánh hình thành qua nhiều thời gian, nhiều thế hệ.
3) Bằng nhiều thể loại văn chương: Thi ca, Lịch sử, Lề luật, Giáo huấn.
4) Xuyên qua phong tục các bộ tộc của nhiều thời kỳ. Do đó cần phải nghiên cứu để biết phong tục tập quán, văn hóa của từng thời kỳ.
5) Do nhiêu tác giả viết qua nhiều nhãn quan, nhiều khía cạnh với nhiều lăng kính khác nhau.
6) Nhất nữa là nằm dưới lịch sử chiến đấu của một dân tộc.
7) Nhiều người cứ tưởng cuốn sách được viết theo lối sử ký – tức là ghi chép sử, nên nghĩ rằng mở đầu là Sáng Thế và kết thúc là Khải Huyền, tức chung cục của nhân loại.
– Thưa không, Nó không tuân theo thời gian – tức các câu chuyện không nhất thiết tuần tự theo năm tháng, hay niên đại. Ngoại trừ một vài cuốn sử.
8) Như đã nhắc trên: Kinh Thánh là cuốn sách của đức tin, nên mặc dù các học giả về Kinh Thánh vẫn cố dùng các phương pháp khoa học để tìm hiểu, hoặc
nghiên cứu, nhưng cốt yếu vấn đề vẫn là: Niềm tin không phải là khoa học.
Một câu “Lời Chúa” có thể biến đổi cả cuộc đời của một con người. Tác động của Thánh Thần mới làm cho Lời Chúa sống động và nhập thể trong con
người, chứ không phải khoa học.
9) Kinh Thánh là Lời Chúa chứa đựng mặc khải, nhưng mặc khải của Thiên Chúa được rao giảng qua văn tự loài người, nên đã phải kinh qua đầu óc con
người, mà con người lại lệ thuộc vào văn hóa, chính trị, kinh tế …
VẬY mặc khải cắm rễ vào lịch sử nhân loại TẤT phải chịu sự hạn hẹp theo tâm trí người viết, và người viết thì lệ thuộc vào các môi trường, hoàn cảnh nói
trên để nói lên niềm tin của mình.
Do đó, để hiểu rõ mặc khải, ta phải biết đến các nền văn hóa các thời kỳ của con người, các phong tục tập quán, cùng nghi thức tôn giáo mỗi thời, các điều
kiện chính trị, kinh tế, các hoàn cảnh sống, hay môi trường địa dư v.v… như vừa nói trên.
10) Như điều 5 đã nói thì Kinh Thánh nói chung, mặc khải nói riêng lại còn bị trình bày tùy theo nhãn quan (cái nhìn) của mỗi tác giả.
Thí dụ: Cùng một biến cố, nhưng cái nhìn của vua khác dân, nhà chính trị khác với cái nhìn của một nhà xã hội học, hoặc một kinh tế gia, hay một nhà đạo
đức v.v… Đan cử như cuộc nổi dậy của anh em nhà Ma-ca-bê được năm cuốn sách mô tả là: Daniel; Et-te; Giu-đi- tha; Ma-ca-bê 1 và Ma-ca-bê 2.
Mỗi cuốn nhìn bằng một lăng kính riêng, không giống nhau. Nhưng tất cả đều nhằm mục đích củng cố đức tin.
Kết Luận:
Chúng ta phải thành thực mà công nhận rằng: Kinh Thánh là một bộ sách khó hiểu. Bởi vậy chúng ta mới phải chuyên tâm tìm kiếm các tài liệu, các phương pháp khả dĩ giúp chúng ta trong việc học hỏi Kinh Thánh. Bằng vào mục đích ấy, ban Huấn Đức Liên Huynh Uc châu cố gắng sao lục, tìm tòi nhiều tài liệu, nghiên cứu các phương pháp, san định rồi biên tập, để công cuộc phục vụ của chúng ta ngày một hữu hiệu hơn.