1. LỜI MỜI GỌI:

Lời Chúa trong Thánh Kinh là của ăn tinh thần rất cần thiết cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu. Chính Chúa Giêsu đã nói : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4)
Nhưng ngày nay nhiều người vẫn chưa hiểu biết tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống cá nhân cũng như tập thể, vì thế, Công Đồng Vaticanô II đã dành hẳn một Hiến Chế để trình bày tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa và đã khảng định : ”Hội Thánh luôn tôn kính Thánh Kinh như chính thân thể Chúa.” (MK số 21)
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã kêu gọi các tín hữu hãy Sống Lời Chúa. Các ngài viết trong thư mục vụ năm 2005 như sau :
-”Ngoài bàn tiệc Thánh Thể, người Kitô còn được mời gọi tham dự bàn tiệc thứ hai là bàn tiệc Lời Chúa. Thật ra cả hai bàn tiệc đều diễn tả cùng một mầu nhiệm, mầu nhiệm Sự Sống. Vì thế chúng tôi mời gọi anh chị em đào sâu ý nghĩa và vai trò của Lời Chúa”.
Năm 2015 kỷ niệm 50 năm Hiến Chế Tín Lý của Công Đồng Vaticanô II về Mạc Khải của Thiên Chúa, một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công Đồng về giáo lý cũng như về mục vụ, chính là lời mời gọi toàn thể giáo dân tha thiết đến việc học hỏi Lời Chúa. Nhất là Hội Thánh Chúa đang sống trong thời đại của nền văn minh vật chất dâng cao, mà chủ của vật chất đang được nhân loại tôn thờ như là thần đối lập chống lại Thiên Chúa, chống lại Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh của Người. Danh hiệu thời đại của chúng là “Anti-Christ” nhan nhản khắp nơi, và hoạt động của chúng không ngừng trên khắp thế giới. Chúng ta (các Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh VN Úc Châu) đã mau mắn đáp ứng Lời mời gọi của chính Chúa Giêsu Kitô, của Giáo Hội, cũng như của Hội Đồng các Giám Mục. Hơn nữa cũng là để thực hiện Linh đạo Đa Minh trong tinh thần thực thi Lời Chúa để cứu rỗi các linh hồn. Chúng ta đã dốc tâm cùng nhau HỌC HỎI KINH THÁNH. Năm nay (2016) chúng ta lại được may mắn sống năm Thánh của Lòng Chúa Thương Xót, và lại cũng là Năm Thánh của Dòng nhân kỷ niệm 800 năm. Y như hai giòng sông cá biệt, nhưng lại phát xuất từ một nguồn. Thế nên, trong lá thư đầu năm chúng ta đã biết: “Lòng Thương Xót của Chúa chính là Trái Tim đang đập của Tin Mừng”. Học hỏi và sống Tin Mừng chính là ngụp lặn trong Trái Tim đang đập của Đức Giêsu Kitô vậy.

​2. KHỞI DẪN:

Như chúng ta đã biết Thánh Kinh là sách ghi chép Lời Thiên Chúa phán dạy, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, và được ghi chép một lần cho muôn đời, để dẫn đưa loài người tiến vào Nước Trời.
Thánh Phaolô đã trình bày nhiều lần như sau :
-”Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử Giêsu.” (Dt 1,1-2)
-”Tất cả những gì viết trong Thánh Kinh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.”  (2 Tm 16-17)
Thánh Phêrô cũng đã dạy :
-”Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng. Vậy anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương, cùng mọi lời nói xấu gièm pha”. Nếu như tất cả mọi người (anh, chị, em) giáo dân Đa-minh chúng ta cùng chịu học hỏi và thi hành Lời Chúa như Thánh Phê-rô dạy, thì những hạt giống xấu xa Sa-tăng đã không có chỗ để gieo vãi trong quá khứ nơi khu vườn Đa-minh nhà chúng ta(1). Tuy nhiên, trên Đường Hy Vọng, mỗi người chúng ta còn có hiện tại và tương lai. Chúng ta sẽ trở nên như những đứa trẻ trong Thánh Kinh vươn vai đứng dậy: “Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưỏng ơn cứu độ, nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành.” (1 Pr 1,25 – 2,3).

3. NHẬP ĐỊNH:

Lời Chúa được trình bày cách tuyệt diệu trong các sách Tân Ước. Lời Chúa chính là sự sống vĩnh cửu được ban cho chúng ta (Ga 6,68), nên Lời Chúa Kitô thực là mầu nhiệm chưa bao giờ được tỏ cho các thế hệ khác biết, nay đã được mạc khải trong Thánh Thần cho các Thánh Tông Đồ của Người và cho các ngôn sứ (Ep 3, 4-6) để họ rao giảng Tin Mừng, cổ võ lòng tin vào Chúa Kitô Giêsu là Đấng được xức dầu và là Chúa, để quy tụ Hội Thánh. Những việc này, các sách Tân Ước đã làm sáng tỏ với một bằng chứng có giá trị vĩnh viễn và thần linh (MK 17). Trước hết Tân Ước xuất hiện dưới hình thức một bộ sách gồm 27 cuốn có tên như sau: 1. Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu; 2. Tin Mừng theo Thánh Mác-cô; 3. Tin Mừng theo Thánh Luca; 4. Tin Mừng theo Thánh Gio-an; 5. Sách Công vụ Tông Đồ; 6. Thư gửi tín hữu Rô-ma; 7. Thư 1 gửi tín hữu Cô-rin-tô; 8. Thư 2 gửi tín hữu Cô-rin-tô; 9. Thư gửi tín hữu Ga-lát; 10. Thư gửi tín hữu Ê-phê-xô; 11. Thư gửi tín hữu Phi-lip-phê; 12. Thư gửi tín hữu Cô-lô-xê; 13. Thư 1 gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca; 14. Thư 2 gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca; 15. Thư 1 gửi ông Ti-mô-thê; 16. Thư 2 gửi ông Ti-mô-thê; 17. Thư gửi ông Ti-tô; 18. Thư gửi ông Phi-lê-môn; 19. Thư gửi tín hữu Do-thái; 20. Thư của Thánh Gia-cô-bê; 21. Thư 1 của Thánh Phê-rô; 22. Thư 2 của Thánh Phê-rô; 23. Thư 1 của Thánh Gio-an; 24. Thư 2 của Thánh Gio-an; 25. Thư 3 của Thánh Gio-an; 26. Thư của Thánh Giu-đa; 27. Sách Khải huyền.

4. VĂN LOẠI (Các thể văn trong Tân Ước):

27 cuốn đều được viết bằng tiếng Hy lạp phổ thông thời bấy giờ. Tuy gọi là sách, nhưng thực ra có những thư chỉ đài khoảng 1, 2 trang (như : thư 1 Gioan, thư 3 Gioan, thư gửi Phi-lê-mon).
Về văn loại, chúng ta có thể chia các sách Tân Ước làm 4 loại, dựa trên bốn thể văn khác nhau:
I- Thể văn Tin Mừng (cũng gọi là Phúc Âm): Bốn sách đầu tiên của Tân Ước là Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an.
Bốn sách Tin Mừng chiếm một địa vị ưu việt trong tất cả Thánh Kinh, “bởi vì Tin Mừng là chứng tá chính yếu về đời sống và giáo lý của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Độ chúng ta.” (MK18)
Công đồng Vat. II đã coi các sách Tin Mừng như những chứng từ thành văn của các tông đồ, hay của những vị đã sống bên các tông đồ ghi chép lại, do ơn Chúa Thánh Thần linh hứng. Đó là chứng từ đức tin mang hai đặc điểm sau đây :
a) Chứng từ này được viết lại sau những biến cố nền tảng của Kitô giáo: phục sinh, lên trời và hiện xuống. Các biến cố này như những luồng sáng chiếu dọi vào toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu, khiến cho các tông đồ hiểu biết thâm trầm hơn về các việc làm và lời nói của Ngài.
b) Chứng từ này mang đậm nét đặc thù của từng tác giả. Khi soạn thảo các sách Tin Mừng, mỗi tác giả đã phải chọn lựa những yếu tố được truyền khẩu, hay được ghi lại thành văn, cộng thêm những hiểu biết riêng của mình mà làm nên một tác phẩm. Tác phẩm này được viết cho một giáo đoàn nhất định và với một mục đích nhất định.
Bốn sách Tin Mừng là bốn cái nhìn về cùng một thực tại là Chúa Giêsu, bốn cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, để chúng ta có cái nhìn trọn vẹn về Con Thiên Chúa.
II- Thể văn Lịch sử Tôn giáo: Sách Công vụ Tông đồ.
Sách này kể lại buổi đầu của Hội Thánh và công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Sách này không phải là một tài liệu thuần túy lịch sử và cũng không phải là một sách giáo lý thuần túy. Có thể nói sách Công vụ Tông đồ là sách lịch sử nhằm giáo huấn.
Tác giả Luca đã viết sách này cho những tín hữu gốc dân ngoại, để nói lên sứ điệp cứu độ được gửi tới tất cả mọi người, trước là người Do thái, sau là dân ngoại.
III- Thể văn Thư Tôn giáo chính thức: Gồm có 21 thư chia ra : 14 thư của thánh Phaolô; 1 thư của thánh Gia-cô-bê; 2 thư của thánh Phê-rô; 3 thư của thánh Gio-an và 1 thư của thánh Giu-đa.
Đây là những lá thư thật sự, vì được gửi tới những cá nhân, như: Ti-mô-tê, Ti-tô, Phi-lê-mon, hay gửi cho các giáo đoàn ở trong đế quốc Rô-ma.
Các thư phát xuất từ những hoàn cảnh cụ thể, nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể, như: Củng cố lòng tin, khích lệ trong cơn bách hại, xác định những điểm giáo lý, uốn nắn những lệch lạc, ngăn ngừa những sai lầm . . .
Các thư này thường được đọc công khai trong các buổi họp cộng đoàn tín hữu (1 Tx 5,27) và cũng có thể được trao đổi giữa các cộng đoàn (Cl 4,16).
Các thư phản ánh việc Sống Lời Chúa của các cộng đoàn dân Chúa ở thế kỷ đầu, với những khó khăn riêng. Nhưng ngày nay chúng ta cũng có thể khám phá thấy nơi các thư một sứ điệp luôn mới mẻ cho đức tin của chúng ta, miễn là biết thích ứng sứ điệp đó cho thời đại chúng ta đang sống.
IV- Thể văn Khải Huyền: Sách Khải huyền của thánh Gio-an.
Đây là thể văn thịnh hành trong văn chương Do thái thời trước Chúa Giêsu 2 thế kỷ và sau Chúa Giêsu 1 thế kỷ. Thể văn này sử dụng nhiều hình ảnh, con số, tên gọi và mầu sắc mang ý nghĩa tượng trưng.
Để hiểu được ý nghĩa của chúng, chúng ta cần quy chiếu về Cựu Ước và các sách khải huyền khác, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen.
Sách Khải Huyền được viết để củng cố niềm hy vọng cho các tín hữu đang bị bách hại vì đức tin. Tác giả Gio-an đã phác họa một loạt những thị kiến có tính tượng trưng để mô tả cuộc giao tranh trong vũ trụ : Giữa sự thiện và sự ác, giữa Chúa Kitô và Sa-tan; cuối cùng Chúa Kitô và các thánh sẽ toàn thắng. Đó là động lực giúp người tín hữu vững tâm đợi chờ sự can thiệp của Thiên Chúa.
Như thế, sách Khải Huyền vẫn có giá trị cho mọi thời, vì lịch sử vẫn còn là cuộc tranh chấp cho tới khi Chúa Giêsu Kitô trở lại.

5. NGUỒN GỐC:

Toàn bộ Tân Ước viết bằng tiếng Hi Lạp và mỗi cuốn dài vắn khác nhau rất nhiều. Vì các sách trong bộ này, dần dần đã được uy tín rất cao, nên trong thực hành, người ta coi ngang hàng với các bản văn Cựu Ước, mà từ lâu, Kitô hữu vốn coi là bộ Thánh Kinh duy nhất của họ và đặt tên cho là “Lề Luật và Ngôn Sứ” theo thói quen Do Thái đương thời. Sở dĩ gọi chung bộ sách này là Tân Ước, cốt yếu là vì các nhà thần học Kitô Giáo đầu tiên, theo chân Thánh Phaolô (2C3, 14), đã nhận xét rằng: các bản văn ấy bao hàm những qui định của một Giao Ước Mới, phải chỉ huy mọi tương quan giữa Thiên Chúa và dân của Ngài, trong giai đoạn cuối cùng của lịch sử Cứu Ðộ. Vì chữ “Giao Ước” chỉ là dịch ở chữ dùng trong tiếng Hi Bá, để chỉ Giao Ước đã ký kết giữa Thiên Chúa và dân Israel. Vì nói tới một Giao Ước Mới, nên phải gọi là Cựu Ước – Bộ sách trước đây đã đặt tên cho là “Lề Luật và Ngôn Sứ” – Gọi như thế, là muốn nhận định rằng: Giao Ước cũ, ký kết với ông Môi Sen, bây giờ Chúa Giêsu đã vừa đổi mới, vừa kiện toàn lề luật, và cũng đã kết thúc một giai đoạn lịch sử. Nhưng phải mãi tới cuối thế kỷ thứ hai người ta mới quen gọi bộ sách ấy là “Tân Ước”.
Việc soạn thảo và thu thập 27 cuốn này thành một bộ duy nhất, là cả một quá trình lâu dài và phức tạp. Ðàng khác, việc lưu truyền những cuốn ấy từ thời cổ cho đến ngày nay, trải qua nhiều may rủi, khiến cho bản văn không còn nguyên vẹn. Sau hết khoảng cách về lịch sử, địa lý, cũng như văn hóa, giữa chúng ta và thế giới của Tân Ước làm cho ta khó hiểu đúng loại văn chương này. Bởi đó, ngày nay ta cần đặt Tân Ước vào lại trong môi trường đã thấy Tân Ước phát sinh và truyền bá lúc đầu. Đó là mấy vấn đề quan trọng chúng ta cần tìm hiểu thêm trong bài tới (Bài Đọc Thêm: Bài 9b).
Dẫu vậy, “Trong mọi trường hợp và ở khắp mọi nơi, Hội Thánh đã và đang quả quyết rằng bốn sách Tin Mừng bắt nguồn từ các Tông Đồ. Thực vậy, những gì các Tông Đồ rao giảng theo lệnh Chúa Kitô, sau này nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, chính các ngài và những người sống bên các ngài viết lại và lưu truyền cho chúng ta như nền tảng đức tin: Đó là Tin Mừng trình bày dưới bốn hình thức: Theo thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô, thánh Lu-ca và thánh Gio-an” (MK 18).
“Phần các tác giả đã viết bốn sách Tin Mừng: Các ngài đã chọn một ít trong số chất liệu được truyền lại bằng miệng hay bằng sách vở, tóm tắt một số khác hay tùy hoàn cảnh của các Hội Thánh mà giải thích thêm, nhưng vẫn giữ hình thức của bài giảng thuyết. Các ngài làm như vậy để luôn trung thành truyền đạt cho chúng ta những điều chân thật về Chúa Giêsu (MK 19)(2).

GHI-CHÚ:
(1). Một hiện tượng đã được nói trong “Lá thư đầu năm của Ban HĐ”.
(2). MK: Hiến chế mặc khải của Công đồng Vaticanô II.

BÀI ĐỌC THÊM VỀ NGUỒN GỐC
SÁCH TÂN ƯỚC
(Phụ Thuộc Bài. 9)
Nguồn: Theo Lm. J. Trịnh Hưng Kỷ (Đ.C.V. Thánh Giuse)
Chỉ có Giáo Hội được Chúa Thánh Thần phù trợ có quyền tuyên bố một cách bất khả ngộ những sách nào là chính lục (hay Kinh bộ). Nói thế không có nghĩa là sự can thiệp của Giáo Hội làm cuốn sách trở nên chính lục. Điều nầy đã được Công đông Vaticanô I nói rõ trong phần dạy về tín lý Công giáo (24.4.1870): Giáo hội coi là đáng kính và chính lục những sách Cựu Ước và Tân Ước mà Công đồng Trentô đã ấn định, không phải vì các sách đó đã được trước tác do trí năng nhân loại rồi sau đó được Giáo Hội công nhận; cũng không phải vì sách đó chứa đựng mạc khải không sai lầm, nhưng vì các sách đó đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, nên tác giả là Thiên Chúa và đã được truyền lại cho Giáo Hội như thế (DB 77).

1. Tài liệu về lịch sử Kinh bộ
là số các sách Kinh Thánh thời xưa, những quyết định của các Công đồng miền, những cảo bản Kinh Thánh và tác phẩm các Giáo phụ. Sistô da Sienna O.P. (Bibliotheca sancta, Venezia 1566, Lib. I, sect. I ) đã dùng danh từ đệ nhất lục (proto-canonique) để chỉ những sách đã được coi là chính lục sớm hơn và danh từ đệ nhị lục (deutero-canonique) để chỉ những sách được coi là chính lục muộn hơn.
Thuộc đệ nhất lục : 4 Phúc âm; Công vụ Tông đồ; 13 thư Thánh Phaolô: Rm, 1 và 2Cr, Ga, Ep, Phi, Col, 1 và 2Tx, 1 và 2Tm, Tit, Plm, 1Pr, 1Gc.
Thuộc đệ nhị lục : Thư gửi tín hữu Do-thái ; thư Thánh Giacôbê; thư thứ hai Thánh Phêrô; thư  Thánh Giuđa; thư  thứ hai và thứ ba Thánh Gioan và sách Khải Huyền. Mc16,9-20; Lc 22,43-44; Ga 7,53-8,11 cũng thường được kể là thuộc đệ nhị lục.

2. Kinh bộ Tân Ước thành hình.
Về Kinh bộ Tân Ước: những bước đầu không được biết rõ ràng lắm, ta phải phân biệt ba pho sách khác nhau: Phúc Âm, thư Thánh Phao lô và các tác phẩm của các Tông đồ khác.
Theo Thánh Irênêô (202) thì chắc chắn bộ Phúc Âm đã được thành hình rất sớm. Papias (70 –160) thành Hierapolis thuộc Tiểu-Á có nói tới nguyên bản Phúc Âm Thánh Matthêu, Thánh Marcô và Thánh Gioan. Thánh Justinô (170) biết và có trích bốn Phúc Âm tuy không trích tên tác giả, mà chỉ để dưới một danh từ chung là ký ức các Tông Đồ. Theo A. Harnack, bộ Phúc Âm đã được thành hình ở Tiểu-Á dưới thời Hoàng đế Ađrianô (117-138).
Tập thư Thánh Phaolô mà thư thứ hai Thánh Phêrô có nói tới (2Pr 3,15) được thành hình sớm hơn. Theo E.J. Gôdspeed, tập thư Thánh Phaolô đã thành hình vào cuối thế kỷ I. G. Zuntz cũng nghĩ tập thư Thánh Phaolô đã thành hình vào khoảng năm 90 và 100 do công trình của giáo đoàn Alexandria. Thư gửi tín hữu Do-thái chưa được kể vào số đó.
Về pho sách thứ ba: các tác phẩm của các Tông đồ khác, chúng ta không có tài liệu gì trong tiền bán thế kỷ thứ II, nhưng Thánh Clêmentê (88-97) thành Rôma (1Cr 36,2) có biết và trích thư gửi người Do thái; Pôlycapô (69-155) (Ep. ad Philip 7,1; 10,2) và Papias (Hist. Eccl. 3,39.17) nhắc tới thư thứ nhất Thánh Phêrô, thư thứ nhất Thánh Gioan và Papias cũng nhắc tới sách Khải Huyền . Công vụ Tông đồ và các thư khác trong thế kỷ II rất được quý trọng và đọc trong các buổi họp phụng vụ.
Tuy được thành hình sau tập thư  Thánh Phaolô, nhưng pho bốn Phúc Âm được đặt ngang hàng với Cựu Ước trước các thư của Thánh Phaolô. Các Giáo phụ đầu tiên thường trích lời Chúa Giêsu tuy đôi khi không trích đúng nguyên văn với công thức “Chúa phán (đã dạy, đã truyền) trong Phúc Âm của Người”, dù nhiều khi không nói đến một câu nào rõ ràng.
Cách trích dẫn đó cho ta biết trong thời gian mà lời truyền khẩu còn đặc biệt sống động và có hiệu lực, Lời Chúa dạy được tôn trọng tột bậc, nên cả khi trích Phúc Âm biên tập cũng không nói đến tên Phúc Âm đó (tức không nói như sau này: Phúc Âm theo thánh ….), chỉ dùng những công thức như Chúa đã dạy, đã truyền.
Về tập thư Thánh Phaolô, tuy thư thứ II Thánh Phêrô (2Pr 3,15t) có nói tới và đặt các thư Thánh Phaolô vào sổ các Sách Thánh và hoàn toàn ngang hàng với Cựu Ước, nhưng các Giáo phụ thời các Tông đồ (Patres Apostolici ) mặc dầu có trích thư Thánh Phaolô trong các tác phẩm của mình đã không dùng công thức thường dùng để chỉ các Sách Thánh. các thư Thánh Phaolô nơi giáo đoàn nhỏ miền bắc Phi châu được coi có giá trị ngang hàng với Phúc Âm và Cựu Ước. Nhưng hậu bán thế kỷ II, tập thư Thánh Phaolô, cùng với Công vụ Tông đồ, thư  I Thánh Phêrô, thư I Thánh Gioan được coi là chính lục. Sách Khải Huyền được trích dẫn như là Lời Chúa trong thư của giáo đoàn thành Vienne và Lyon.

3. Kinh bộ Tân Ước của Giáo hội Tây Phương thế kỷ III
Bốn tác giả: Thánh Irênêô (202), Thánh Hippôlitô 235), Tertulianô (sau năm 225), Thánh Syprianô và một văn kiện Fragmentum Muratorianum1 cho chúng ta một ý tưởng minh xác về Kinh bộ của Giáo hội Tây phương vào cuối thế kỷ thứ II sang tiền bán thế kỷ thứ III.
Vào thời kỳ này có một số Sách Thánh từ đời các Tông đồ vẫn được đọc trong các buổi hội họp phụng vụ và được coi ngang hàng với các sách Cựu Ước. Pho sách này là nền tảng Kinh bộ Tân Ước của chúng ta bây giờ. Pho sách đó gồm có 4 Phúc Âm, Tông đồ Công vụ, 13 thư Thánh Phaolo, 2 thư Công giáo (thư I Thánh Phêrô và thư Thánh Gioan) và sách Khải Huyền  của Thánh Gioan, tất cả là 21 quyển. Bấy giờ người ta chưa đồng ý kiến về số các thư gọi là thư Công giáo. Thư I Thánh Phêrô và thư I Thánh Gioan được toàn thể công nhận. Thánh Irênêô và Fragmentum Muratorianum nói tới thư thứ  2 Gioan; chúng ta không được biết gì về thư 3 Gioan. Thư Thánh Giuđa được Tertullianô và Fragmentum Muratorianum nhắc tới. Hypôlytô trích thư thứ 2 Phêrô. Thư Thánh Giacôbê được luân chuyển vào khoảng 90 tới 150 sau đó ta ít được biết đến thư đó, nhưng chắc đã được nhiều người biết vì trong Codex Corbeiensis, một  bản dịch La ngữ cổ có thư đó, nhưng thư đó chưa được nhận vào sổ các danh sách chính lục cho tới năm 350.
(ở đây chúng tôi bớt đi phần tham khảo, hoặc nghiên cứu về Kinh bộ Tân Ước của Giáo Hội Đông Phương)

4. Kinh bộ Tân Ước từ Công đồng Trentô về sau
Kinh bộ Tân Ước gồm 27 quyển, vào thế kỷ V, được Giáo hội Đông Phương cũng như Tây phương công nhận. Thời kỳ Trung cổ cũng không bàn cãi gì nữa. Cùng lắm người ta chỉ nhắc lại rằng trong quá khứ đã có những hoài nghi về giá trị các sách thuộc đệ nhị lục. Thánh Isiđôrô thành Sevilla (636) nói tới tư  tưởng của Thánh Hiêrônymô về thư gửi người Do thái, thư Giuđa, thư 2 Phêrô, 2 và 3 Gioan nhưng thánh nhân coi những sách đó là chính lục.
Erasmô thành Rotterdam (1536) khảo cứu tác phẩm của thánh Hiêrônymô, hồ nghi về tác giả thư gửi người Do-thái, Giacôbê, 2 Phêrô, Giuđa, 2 và 3 Gioan và Khải Huyền tuy vẫn coi những sách đó là chính lục. Táo bạo hơn là Đức hồng y Thomas de Vio da Gaeta cũng gọi là Cajêtanô (1534). Chú thích một cách độc đoán tư tưởng Thánh Hiêrônymô, Cajêtanô không những hồ nghi về tác giả các sách trên nhưng còn chủ trương rằng các sách đó có một giá trị kém hơn về tín lý và phong hoá. Theo Cajêtanô, một vấn đề về tín ký không thể dựa trên giá trị của thư gửi người Do-thái mà quyết định. Theo M.Luthêrô (1546), tiêu chuẩn để xác định tích cách chính lục của các sách không phải là tiêu chuẩn lịch sử nhưng là tôn giáo, hoàn toàn tuỳ ở lời dạy của sách đó về Chúa Giêsu và sự công chính hoá. Dựa trên tôn chỉ đó, Luthêrô chia các sách ra làm 3 hạng : hạng thứ nhất gồm các thư gửi Rôma, Galata và sách Phúc Âm Thánh Gioan; hạng thứ hai : Phúc Âm Nhất Lãm vì các Phúc Âm nầy ghi ít Lời Chúa đã dạy; hạng thứ ba : thư gửi người Do-thái, thư Giuđa, 2 Phêrô, Giacôbê và Khải Huyền .
Công đồng Trentô “để cất bỏ những sai lầm và gìn giữ trong Giáo hội  tính cách thuần tuý của Phúc Âm” (EB. 57-60) ngày 8.4.1546 đã ấn định những nguồn mạc khải làm nền tảng cho những quyết định khác. Các nguồn mạc khải theo nghị định “De Sacris Scripturis” là những sách thuộc Kinh bộ Kinh Thánh và Thánh truyền. Giáo Hội công nhận và kính trọng các sách đó
và Thánh truyền như nhau. Công nhận Thánh truyền vì những lời đó đã do các Tông đồ nghe chính Chúa dạy hay được Chúa Thánh Thần dạy bảo và được giữ gìn liên tục trong Giáo hội đã lưu truyền tới chúng ta “Quasi per manus traditae”. Công nhận các sách Cựu Ước và Tân Ước vì tác giả sách đó là Thiên Chúa.
Công đồng đã liệt kê tên các sách Cựu Ước và Tân Ước. các sách thuộc Kinh bộ Tân Ước gồm 27 quyển: 4 Phúc Âm: Theo Thánh Matthêô, Marcô, Gioan và Luca; Công vụ Tông đồ do Thánh Luca chép; 14 thư Thánh Phaolô Tông đồ: thư gửi người Rôma, hai thư gửi người Corinthô, thư gửi người Galata, Êphêsô, Philipphê, Colossê, 2 thư gửi người Thêssalo-nica, 2 thư gửi Timôthêô, thư gửi Titô, Philêmon, thư gửi người Do-thái; 2 thư Thánh Phêrô Tông đồ ; 3 thư Thánh Gioan Tông đồ ; 1 thư Thánh Giacôbê; 1 thư Thánh Giuđa Tông đồ và sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tiếp theo số các sách đó, Công đồng thêm : “Ai không nhận các sách đó toàn vẹn, cùng với mọi phần các sách đó là đáng kính và chính lục, như vẫn được đọc trong Giáo hội Công giáo và gồm trong bản ‘PHỔ THÔNG’ La ngữ, nếu biết rõ và cố tình khinh  thị những tập truyền trên đây sẽ bị mắc vạ tuyệt thông”.
Để chứng tỏ giá trị 7 quyển sách thuộc đệ nhị lục ngang hàng với các sách đệ nhất lục, Công đồng đã không liệt kê các sách thuộc Đệ nhị lục vào phần Phụ lục, nhưng xen vào các sách thuộc đệ nhất lục theo một thứ tự hợp lý. Hơn nữa, để xác định tính cách chính lục (canonique) của những đoạn sách thường bị hoài nghi về tính cách chính xác (authenticité), Công đồng đã thêm vào đó nghị định câu : “cùng với mọi phần các sách đó”.
Khi tuyên bố 27 cuốn sách bộ Tân Ước là chính lục, nghị định của Công đồng Trentô không có ý nói tới tác giả nhân loại của mỗi cuốn sách.

 GHI CHÚ:
(1). Fragmentum Muratorianum là một tài liệu về Kinh bộ Tân Ước trước tác vào khoảng giữa thế kỷ II (140 –155) do L.A. Muratori tìm thấy tại thư viện Ambrôsianô ở Milanô, và công bố năm 1740.
E.B: Enchiridion Biblicum