Bài đọc thêm 1

CÁC BẢN VĂN CỦA GIÁO HỘI VỀ VIỆC RƯỚC LỄ

——-oOo——-

Mẹ Teresa Calcutta đã từng nói: “Đến bất cứ nơi đâu trên thế giới, điều làm tôi đau buồn nhất là thấy người ta rước lễ bằng tay!”

——-oOo——-

Kể từ bức thư của Thánh Bộ Phụng Tự gửi chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục năm 1969, Giáo hội bắt đầu cho phép về việc rước lễ trên tay. Cũng kể từ đây, Giáo hội đã có những bản văn nói về việc rước lễ trên tay và trên miệng. Chúng ta cùng đọc qua các bản văn xem Giáo hội dạy gì về việc rước lễ? Hình thức rước lễ nào là chính thức của Giáo hội: rước lễ trên miệng hay trên tay?

  1. Thư của Thánh Bộ Phụng Tự gửi cho các chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục ngày 29-5-1969: AAS 61 (1969) 546-547; Notitiae 5 (1969) 351-353[1]

“Để trả lời cho câu hỏi của Hội Đồng Giám mục của quý vị về sự cho phép tín hữu rước lễ trên miệng hay trên tay, tôi muốn truyền đạt điều sau đây. Đức Giáo Hoàng Phaolô Vl kêu gọi chú ý đến mục đích của Huấn thị Memoriale Domini (Kỷ niệm Chúa) ngày 29-5-1969, về việc giữ lại sự thực hành truyền thống đang sử dụng. Đồng thời, Ngài lưu tâm đến các lý do đưa ra, để hỗ trợ yêu cầu của quý vị và kết quả của cuộc bỏ phiếu được đưa ra về vấn đề này. Đức Giáo Hoàng cho phép rằng, trên khắp lãnh thổ của Hội Đồng Giám mục của quý vị, mỗi Giám mục có thể, theo phán đoán và lương tâm thận trọng của mình, cho phép trong giáo phận của mình sự ra đời của nghi thức mới cho việc rước lễ. Điều kiện là sự tránh hoàn toàn bất kỳ nguyên nhân nào làm cho các tín hữu bị sốc, và bất kỳ nguy cơ bất kính nào đối với Thánh Thể. Do đó, các quy định sau đây phải được tôn trọng: 

  1. Cách thức mới của việc cho rước lễ không được áp đặt theo cách thức sẽ loại trừ việc rước lễ truyền thống. Đây là vấn đề nghiêm trọng đặc biệt ở những nơi, mà sự thực hành mới được cho phép hợp pháp, mỗi người trong số các tín hữu đều có quyền chọn rước lễ trên miệng, ngay cả khi các người khác rước lễ trên tay. Hai cách rước lễ có thể diễn ra trong cùng một buổi phụng vụ mà không có vấn đề gì. Có một mục đích đôi ở đây: rằng không ai sẽ tìm thấy trong nghi thức mới bất cứ điều gì đáng lo ngại cho lòng đạo của mình đối với phép Thánh Thể; rằng bí tích này, nguồn gốc, và nguyên nhân của sự hiệp nhất bởi chính bản chất của nó, sẽ không trở thành một dịp bất hòa giữa các thành phần tín hữu.
  2. Nghi thức rước lễ trên tay không được đưa vào thực hành một cách bừa bãi. Bởi vì vấn đề liên quan đến thái độ của con người, phương thức rước lễ này được gắn liền với sự cảm nhận và chuẩn bị của mỗi người đi rước lễ. Do đó, nghi thức cần được thực hành dần dần và bắt đầu từ các nhóm nhỏ được chuẩn bị tốt hơn, và trong khung cảnh thuận lợi. Trên hết, thật là cần thiết để có sự giới thiệu nghi thức trước bởi một bài học giáo lý hiệu quả, để cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa của sự rước lễ trên tay, và sẽ thực hành nó với sự tôn kính đối với bí tích. Bài giáo lý này phải thành công trong việc loại trừ bất kỳ gợi ý nào, vốn trong tâm tưởng của Hội Thánh có sự giảm lòng tin vào sự hiện diện Thánh Thể, và trong việc loại trừ bất kỳ mối nguy hiểm nào hoặc dấu hiệu nguy hiểm nào của việc tục hóa phép Thánh Thể.
  3. Việc tín hữu chọn tiếp nhận Mình Thánh trên tay mình rồi đưa vào miệng mình, không phải là cơ hội để nhìn Mình Thánh như bánh mì thông thường, hay như một vật phẩm tôn giáo khác. Thay vào đó, sự lựa chọn này phải gia tăng trong họ ý thức về phẩm giá của các thành viên của Nhiệm Thể của Chúa Kitô, mà trong đó họ được sáp nhập bởi phép Rửa tội và bởi ân sủng của phép Thánh Thể. Sự lựa chọn này cũng phải gia tăng đức tin của họ vào thực tại siêu phàm của Mình Máu Chúa Kitô, mà họ chạm vào trên tay của họ. Thái độ tôn kính của họ phải được đo lường cho những gì họ đang làm.
  4. Cách thực hiện nghi thức mới: một mô hình có thể là sự thực hành truyền thống, vốn thể hiện các chức năng thừa tác, bằng việc có linh mục hay phó tế đặt Mình Thánh vào tay người rước lễ….
  5. Bất kể thủ tục nào được chọn lựa, cần chú ý để không một mảnh vụn nào của Mình Thánh rơi xuống hoặc bị phân tán. Cũng cần lưu ý cho các người rước lễ có bàn tay sạch, và rằng cử chỉ điệu bộ của họ phải trở thành và hòa hợp với sự thực hành của các người khác.
  6. Trong trường hợp rước lễ dưới hai hình bằng cách chấm bánh, không bao giờ được phép đặt trên bàn tay của người rước lễ Bánh Thánh đã nhúng vào Máu Thánh”.

Một Vài nhận xét

– Đây là bức thư khởi đầu việc Giáo hội cho phép rước lễ trên tay. Bởi vì, truyền thống của Giáo hội trước khi lá thư này xuất hiện là thực hành rước lễ trên miệng. Cho dù thời Giáo hội sơ khai, có thể có thực hành rước lễ trên tay. Tuy nhiên, kể từ thời các Giáo Phụ, cách thức rước lễ trên tay dần bị bãi bỏ.[2]

– Hành trình ra đời của việc rước lễ trên tay qua bức thư này có nhiều uẩn khúc khó hiểu và đáng ngờ. Có điều gì đó khó hiểu trong quyết định này của Toà Thánh. Dường như quyết định cho rước lễ trên tay là kết quả của một sự nhượng bộ, nếu không muốn nói là một thất bại của Toà Thánh trước một thế lực nào đó đang tấn công Thánh Lễ và Giáo hội?.[3]

– Dù bức thư này ra đời vì lí do gì thì qua đó việc rước lễ trên tay được Giáo hội cho phép và kể từ đó việc rước lễ trên tay lan rộng ra khắp nơi. Tuy nhiên, việc rước lễ trên tay không phải là một nghi thức tự nhiên, nhưng luôn có điều kiện đi kèm theo để tránh sự bất kính, có nghĩa đây là một đặc ân ngoại lệ.

– Bộ phụng tự đã nhắc đến nguy cơ bất kính đối với Thánh Thể khi rước lễ theo nghi thức mới này: rước lễ trên tay. Vậy rước lễ trên miệng truyền thống chính là cách rước lễ xứng hợp và tránh được nguy cơ bất kính. Còn rước lễ trên tay là một ngoại lệ, một sự nhượng bộ trước sự thỉnh cầu của Hội Đồng Giám Mục ở một số quốc gia?[4]

– “Cách thức mới của việc cho rước lễ không được áp đặt theo cách thức sẽ loại trừ việc rước lễ truyền thống”. Bộ phụng tự dạy không được loại trừ việc rước lễ trên miệng truyền thống.

“Mỗi người trong số các tín hữu đều có quyền chọn rước lễ trên miệng”Lời dạy này của bộ phụng tự muốn nói rằng: việc rước lễ trên miệng là quyền tự nhiên của người tín hữu.

“Nghi thức rước lễ trên tay không được đưa vào thực hành một cách bừa bãi”. Phải chăng đã có nhiều nơi đang áp dụng rước lễ trên tay một cách tràn lan, bừa bãi như là sự tiến bộ, hợp vệ sinh, hợp thời đại?

– Kể từ khi Giáo hội cho phép rước lễ trên tay như một đặc ân ngoại lệ, Giáo hội qua lời dạy của các Đức Giáo Hoàng có cổ võ cho việc rước lễ trên tay hay không? Có cảnh báo gì về cách rước lễ trên tay không? Chúng ta cùng xem các văn kiện tiếp theo của Giáo hội và các Đức Giáo Hoàng dưới đây.

  1. Huấn thị Immensae Caritatis, ngày 29-1-1973: AAS 65 (1973) 264-271; Notitiae 9 (1973) 157-164: “Phần 4. Lòng sùng mộ và sự tôn kính đối với Thánh Thể trong trường hợp rước lễ trên tay” của ĐGH Phaolô VI[5]

“Từ khi huấn thị Memoriale Domini được công bố cách đây ba năm, một số Hội Đồng Giám Mục đã xin Tòa Thánh cho họ ban phép cho các thừa tác viên cho rước lễ được đặt Mình Thánh trên tay người rước lễ. Huấn thị này cũng có lời nhắc nhở rằng ‘luật của Hội Thánh và các tác phẩm của các Giáo Phụ cung cấp một chứng tá đầy đủ về sự tôn kính tối cao, và sự thận trọng hết sức đối với phép Thánh Thể, và điều này phải được tiếp tục. Đặc biệt về việc rước lễ trên tay, kinh nghiệm gợi ý cần chú trọng cẩn thận một số vấn đề:

– Về phía cả thừa tác viên và người rước lễ, bất cứ khi nào Bánh Thánh được đặt trên tay của người rước lễ, cần phải có sự quan tâm và chú trọng cẩn thận, đặc biệt đừng để mảnh vụn nào bị rơi ra khỏi Bánh Thánh.

– Việc thực hành rước lễ trên tay phải được đi kèm bài dạy giáo lý về sự hiện diện thật sự và thường xuyên của Chúa Kitô trong Mình Máu, dưới hình bánh rượu, và có sự tôn kính phải lẽ đối với Bí Tích này.

– Các tín hữu phải được dạy rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi chúng ta, và do đó việc thờ phượng hoặc tôn thờ Chúa phải được thực hiện đối với Chúa Kitô hiện diện trong bí tích này. Họ cũng được dạy rằng, sau khi rước lễ phải cảm tạ Chúa cách chân thành và xứng hợp, phù hợp với năng lực cá nhân, bậc sống và nghề nghiệp của họ.

– Cuối cùng, để cho việc họ sẽ đến bàn thánh thiên đàng thật là hoàn toàn xứng đáng và hiệu quả, các tín hữu phải được dạy về các lợi ích và hiệu quả của nó, cho cả cá nhân và xã hội, để cho mối quan hệ gia đình của họ với Chúa Cha, Đấng ban cho ta ‘lương thực hàng ngày’, có thể phản ánh sự kính trọng cao nhất đối với Chúa, nuôi dưỡng tình yêu, và dẫn đến một mối liên kết sống động với Chúa Kitô, mà trong Ngài chúng ta chia sẻ Máu Thịt”.

  • Vài nhận xét

– Sau 3 năm ra đời của bức thư của bộ phụng tự cho phép đặc ân ngoại lệ rước lễ trên tay, đã có sự thiếu tôn kính bí tích Thánh Thể. Vì thế, để tránh sự bất kính với Thánh Thể, ĐGH Phaolô VI đã viết huấn thị nhắc nhở người tín hữu về “sự hiện diện thật sự và thường xuyên của Chúa Kitô trong Mình Máu”. Thánh Thể Chúa không phải là một tấm bánh thông thường, nhưng chính Chúa hiện diện, cần phải tôn kính.

– Huấn thị cũng lưu ý về một số điều cần “cẩn thận” khi rước lễ trên tay. Qua những lưu ý này cho chúng ta thấy, việc rước lễ trên miệng luôn luôn là hợp pháp và xứng đáng. Rước lễ trên tay dù đã được cho phép nhưng luôn tiềm ẩn sự bất kính đối với chính Thân Mình Chúa Kitô.

  1. Tông Thư “Dominicae Cenae” (Bữa Tiệc Của Chúa) của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Ngày 24-02-1980) (số 11) [6]

(Bản dịch của HĐGM Việt Nam)

Tại một số quốc gia đã thực hành việc rước lễ trên tay. Thực hành này đã được nhiều Hội Đồng Giám Mục thỉnh cầu và được Tòa Thánh chấp thuận. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi được nghe nói đến những trường hợp đáng tiếc do thiếu tôn kính đối với các hình thái Thánh Thể, những thiếu sót này không những thuộc trách nhiệm của những ai có hành vi bất xứng, nhưng cũng là trách nhiệm của các chủ chăn Giáo Hội, vì thiếu cảnh giác về thái độ của tín hữu đối với Thánh Thể.

Đôi khi cũng xảy ra cả trường hợp người ta không tôn trọng sự lựa chọn và ý muốn tự do của những tín hữu muốn tiếp tục rước lễ nơi miệng, tại những nơi người ta được ĐẶC ÂN rước lễ trên tay.

Như vậy, trong khung cảnh của lá thư này, phải nhắc tới những hiện tượng đau lòng đã nói trên đây. Khi viết những dòng này, tuyệt nhiên tôi không muốn ám chỉ những người đón nhận Chúa Giêsu trong tay, với tinh thần đạo đức và kính trọng sâu xa, tại những quốc gia đã được phép thực hành.

Nhưng không vì thế mà quên đi chức năng đầu tiên của các linh mục là những người, do bí tích truyền chức, được hiến thánh để biểu thị Chúa Kitô thượng tế: đôi tay, cũng như lời nói và ý muốn của họ, đã trở thành khí cụ trực tiếp của Chúa Kitô. Vì lý do này, như các thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể, họ có một trách nhiệm hàng đầu vì toàn thể (responsabilit primordiale parce que totale) về Mình Máu Thánh: họ dâng bánh và rượu, hiến thánh, và phân phát của những ai tham dự cộng đoàn phụng vụ và ước muốn rước lễ. Các phó tế chỉ có thể đưa lên bàn thờ lễ vật của các tín hữu và phân phát, khi các lễ vật này đã được vị linh mục thánh hiến. Vì vậy, nghi thức xức dầu đôi tay trong lễ truyền chức của Giáo Hội Latin thật đầy ý nghĩa, mặc dù không xuất hiện trong thời nguyên thủy, nhưng cho thấy bàn tay linh mục cần một ân sủng và sức mạnh đặc biệt của Thánh Thần.

Chạm tới Mình Máu Thánh, dùng tay để phân phát, là một đặc quyền của những con người đã chịu chức thánh, đặc quyền này nói lên sự tham dự sinh động vào thừa tác vụ Thánh Thể. Chắc chắn Giáo Hội có thể chuyển nhượng đặc ân này cho những người không phải là linh mục hay phó tế, ví dụ các thầy giúp lễ trong khi thi hành thừa tác vụ của mình, đặc biệt nếu họ sẽ được chịu chức thánh, hay các giáo dân khác có đủ điều kiện cần thiết, nhưng luôn luôn phải chuẩn bị cho họ cách xứng đáng.

  • Vài nhận xét

-Sau 2 năm làm Giáo Hoàng, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết tông thư nhắc nhở về sự lạm dụng và thiếu tôn kính đang diễn ra ở những nơi được cho phép rước lễ trên tay.

-“Những thiếu sót này không những thuộc trách nhiệm của những ai có hành vi bất xứng, nhưng cũng là trách nhiệm của các chủ chăn Giáo hội, vì thiếu cảnh giác về thái độ của tín hữu đối với Thánh Thể”. ĐGH nhắc nhở các mục tử về trách nhiệm của mình khi trao Mình Thánh Chúa trên tay của người tín hữu. Như thế nếu có người tín hữu nào rước lễ trên tay cách bất xứng thì chính chủ chăn phải chịu trách nhiệm khi để cho tình trạng này xảy ra.

-“Đôi khi cũng xảy ra cả trường hợp người ta không tôn trọng sự lựa chọn và ý muốn tự do của những tín hữu muốn tiếp tục rước lễ nơi miệng, tại những nơi người ta được ĐẶC ÂN rước lễ trên tay. Như vậy, trong khung cảnh của lá thư này, phải nhắc tới những hiện tượng đau lòng đã nói trên đây”. Hiện tượng mà ĐGH gọi là “đau lòng” cho bản thân ngài chính là hiện tượng các vị chủ chăn không tôn trọng ý muốn tự do của những người muốn được rước lễ trên miệng. Nếu hình thức rước lễ trên miệng hay trên tay là có giá trị ngang bằng nhau và thay thế lẫn nhau thì việc gì ngài phải “đau lòng”? Phải chăng ngài “đau lòng” chính vì hai hình thức rước lễ mà Giáo hội cho phép không có giá trị ngang bằng nhau. Hình thức rước lễ thông thường, truyền thống và xứng hợp đó là rước lễ trên miệng. Còn rước lễ trên tay chỉ là “đặc ân” là ngoại lệ và có nguy cơ bất kính.

-“Chạm tới Mình Máu Thánh, dùng tay để phân phát, là một đặc quyền của những con người đã chịu chức thánh”. Lời này của ĐGH muốn nói rằng chỉ có bàn tay được thánh hiến mới có thể đụng chạm đến Mình Thánh Chúa. Vậy tại sao giáo dân với bàn tay chưa thánh hiến lại tiếp xúc trực tiếp đến Mình Thánh Chúa? Vậy rước lễ trên tay có thật sự xứng hợp hay không?

  1. Quy Chế Tổng Quát – Sách Lễ Rôma (số 160-161) [7]

(Phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô – năm 2002. Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009)

  1. Ðoạn linh mục cầm đĩa thánh hoặc bình thánh, tiến đến chỗ những người rước lễ, những người này sắp hàng tiến lên như thường lệ. Không được để các tín hữu tự tay mình cầm lấy bánh đã được truyền phép hoặc chén thánh, lại cũng không được để cho họ chuyền tay nhau.Các tín hữu quỳ gối hoặc đứng khi rước lễ, tùy theo Hội đồng Giám mục quy định. Khi rước lễ đứng, khuyên họ nên tỏ sự cung kính xứng hợp trước khi rước lễ theo cách thức Hội đồng Giám mục đã quy định.

Tại Việt Nam, các tín hữu đứng rước lễ, vì thế, nên cúi mình thờ lạy Chúa Kitô trước khi rước lễ. Tuy nhiên, để khỏi mất giờ, nên cúi mình khi người đi liền trước đang rước lễ.

  1. Nếu chỉ cho rước lễ dưới hình bánh, thì linh mục cầm Bánh Thánh giơ cao lên một chút trước mặt từng người, và nói:Mình Thánh Chúa Kitô, người rước lễ thưa: Amen, và lãnh nhận Mình Thánh trên miệng hoặc nơi nào cho phép, thì trên tay tùy ý. Người rước lễ vừa nhận Bánh Thánh thì phải nuốt hết ngay.

Tại Việt Nam, được rước lễ trên tay.

Còn nếu rước lễ dưới hai hình, thì theo nghi thức quy định tại chỗ dành cho nghi thức này (số 284-287).

  • Vài nhận xét

-“Không được để các tín hữu tự tay mình cầm lấy bánh đã được truyền phép hoặc chén thánh, lại cũng không được để cho họ chuyền tay nhau”. Bánh đã truyền phép phải được chính linh mục hoặc thừa tác viên trao, người tín hữu không được tự tay cầm lấy. Phải chăng những lời này gián tiếp nói rằng: chỉ có bàn tay thánh hiến của linh mục mới xứng đáng đụng chạm vào Mình Thánh Chúa?

 “Nếu chỉ cho rước lễ dưới hình bánh, thì linh mục cầm Bánh Thánh giơ cao lên một chút trước mặt từng người, và nói: Mình Thánh Chúa Kitô, người rước lễ thưa: Amen, và lãnh nhận Mình Thánh trên miệng hoặc nơi nào cho phép, thì trên tay tùy ý”Luật phổ quát vẫn là rước lễ trên miệng. Rước lễ trên tay là một ngoại lệ, đặc ân được cho phép. Dù Giáo hội cho phép rước lễ trên tay, nhưng chúng ta có được phép lạm dụng không? Chẳng hạn như Giáo hội cho phép việc chuẩn hôn nhân khác đạo, liệu các gia đình Công Giáo và các cha xứ có dám dùng phép chuẩn này luôn luôn và thường xuyên không? Đó là những câu hỏi một lần nữa được đặt ra cho các mục tử suy nghĩ!

  1. Huấn thị – Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu Độ) (Số 91-94) [8]

(Về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh – 25/3/2004)

  1. Về việc cho rước lễ, phải nhớ rằng “các thừa tác viên thánh không được từ chối ban các bí tích khi có người xin một cách chính đáng, đã được chuẩn bị một cách hợp lệ và không bị giáo luật cấm nhận lãnh bí tích”. Như vậy, tất cả các người công giáo đã chịu phép rửa, mà không bị ngăn trở bởi giáo luật, thì phải được cho rước lễ. Do đó không được phép từ chối không cho một tín hữu rước lễ, chỉ vì, như ví dụ, người ấy muốn rước lễ quỳ gối hay đứng.
  2. Mọi tín hữu, theo họ chọn, luôn luôn có quyền rước lễ trên miệng. Nếu người rước lễ muốn nhận Thánh Thể trên tay, trong những miền mà Hội Đồng Giám Mục cho phép, với sự xác nhận của Tông Toà, có thể ban Mình Thánh cho họ. Nhưng, trong trường hợp này, phải chăm chú theo dõi Mình Thánh Chúa được người rước lễ rước bánh thánh ngay trước mặt thừa tác viên, tránh không để một ai cầm Mình Thánh trong tay mà đi ra khỏi đó. Nếu có nguy cơ xúc phạm, không được cho các tín hữu rước lễ trên tay.
  3. Phải duy trì việc dùng dĩa hứng khi cho các tín hữu rước lễ, để tránh bánh thánh, hay một mảnh bánh thánh, rơi xuống đất.
  4. Các tín hữu không cho phép “tự tay cầm lấy bánh đã được truyền phép hay chén thánh, lại cũng không được để họ chuyền tay nhau”. Vả lại, về vấn đề này, phải chấm dứt sự lạm dụng sau đây: trong Thánh Lễ hôn phối, đã xảy ra trường hợp đôi tân hôn cho nhau rước lễ.
  • Vài nhận xét

 Đây là bản văn cuối cùng (tính cho tới hiện nay) nói về việc rước lễ trên tay và trên miệng.

– “Mọi tín hữu, theo họ chọn, luôn luôn có quyền rước lễ trên miệng”. Huấn thị dạy việc rước lễ trên miệng luôn là cách rước lễ chính thức của Giáo hội, là quyền đương nhiên của người tín hữu, linh mục không được phép từ chối nếu người tín hữu muốn rước lễ trên miệng.

 “Nếu người rước lễ muốn nhận Thánh Thể trên tay, trong những miền mà Hội Đồng Giám Mục cho phép, với sự xác nhận của Tông Toà, có thể ban Mình Thánh cho họ… Nếu có nguy cơ xúc phạm, không được cho các tín hữu rước lễ trên tay”. Vậy theo lời dạy của Huấn thị: Thứ nhất, người tín hữu nếu muốn rước lễ trên tay, linh mục có quyền từ chối nếu thấy có nguy cơ xúc phạm. Thứ hai, người tín hữu muốn rước lễ trên miệng thì linh mục không có quyền từ chối. Từ hai điều này ta có thể thấy rước lễ trên miệng và trên tay không có giá trị ngang nhau như nhiều người lầm tưởng.

Phải duy trì việc dùng dĩa hứng khi cho các tín hữu rước lễ, để tránh bánh thánh, hay một mảnh bánh thánh, rơi xuống đất”Việc rước lễ trên miệng mới cần đến dĩa hứng. Như thế một cách gián tiếp, Huấn thị cho chúng ta thấy việc rước lễ trên miệng là cách rước lễ phổ biến và chính thức của Giáo hội.

KẾT

Qua các bản văn của Giáo hội về việc rước lễ chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau:

  1. Truyền thống lâu đời của Giáo hội là rước lễ trên miệng. Một nghi thức mới là rước lễ trên tay đã được Giáo hội cho phép vào năm 1969 như là một đặc ân, ngoại lệ.
  2. Tuy nhiên, hai sự cho phép này không giống nhau, không có giá trị ngang bằng nhau như lâu nay nhiều người vẫn hiểu nhầm. Rước lễ trên miệng là hình thức rước lễ thông thường, xứng hợp. Rước lễ trên tay là ngoại thường, đặc ân ngoại lệ và có nhiều nguy cơ bất kính. Vì hai hình thức rước lễ không có giá trị ngang nhau (dù cả hai đều được phép) nên người tín hữu và các Mục Tử cần cân nhắc cẩn thận khi rước lễ trên tay.
  3. Các văn bản về việc rước lễ cho chúng ta thấy ưu tiên của Giáo hội và của các Đức Giáo Hoàng về việc rước lễ trên miệng, và luôn nhắc nhở về nguy cơ bất kính khi rước lễ trên tay. Vậy tại sao chúng ta lại đánh liều làm điều có nguy cơ bất kính này? Tại sao chúng ta lại chọn thực hành điều ngoại lệ, bất thường? Tại sao chúng ta không chọn rước lễ trên miệng luôn luôn là tôn kính?

Quan sát thực tế hiện nay đa số tín hữu đều rước lễ trên tay. Tuy nhiên, không phải số đông là đúng, nhưng chính lời dạy của Giáo hội và của các Đức Giáo Hoàng mới đáng cho chúng ta lưu tâm. Mong rằng các Mục Tử giải thích rõ ràng các văn kiện hiện hành của Giáo hội về việc rước lễ cho người tín hữu hiểu về luật rước lễ để từ đó họ đưa ra chọn lựa cách rước lễ xứng hợp nhất đối với Mình Thánh Chúa cực trọng.

  1. Các văn kiện này chỉ giới hạn về hình thức (dấu hiệu bên ngoài) về việc rước lễ (rước lễ trên miệng hoặc trên tay) không nói đến đời sống thánh thiện (dấu hiệu bên trong) của người tín hữu (tâm hồn thanh sạch hay không thanh sạch). Chúng ta cần phân biệt hình thức bên ngoài và đời sống bên trong là hai phạm trù khác nhau. Chúng ta chỉ có thể so sánh trong cùng một phạm trù với nhau. Nghĩa là chúng ta chỉ có thể so sánh giữa các hình thức rước lễ với nhau, chứ không thể so sánh giữa hình thức rước lễ và tâm hồn bên trong được.
  2. Một câu hỏi được đặt ra. Nếu việc rước lễ trên tay là bất xứng hay có nguy cơ thiếu tôn kính mà thì tại sao Giáo hội lại cho phép? Đây là câu hỏi khá phức tạp, có liên quan đến yếu tố lịch sử. Tuy nhiên, có thể trả lời cho câu hỏi này dựa trên TỰ DO của con người và PHÉP THỬ của Thiên Chúa (Chúa cho phép xảy ra để thử thách con người).

Có những điều Thiên Chúa muốn con người dùng trí hiểu của mình để TỰ DO chọn lựa, như Chúa Giêsu vẫn thường nói “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”, nghĩa là ai muốn nghe thì nghe, ai không muốn nghe thì là quyền tự do của con người. Vì thế, dù Thiên Chúa và Giáo hội không mong muốn việc rước lễ trên tay, nhưng Thiên Chúa vẫn cho phép xảy ra, cũng là để thử thách con người. Vì vậy, cho tới hiện nay, trong các bản văn về việc rước lễ, Giáo hội chỉ nêu ra các nguy cơ bất kính khi rước lễ trên tay chứ không hoàn toàn cấm rước lễ trên tay. Phần còn lại là tự do chọn lựa của các tín hữu và của các vị chủ chăn.

  1. Bài viết này không gì khác hơn là mời gọi người tín hữu và các vị chủ chăn hãy đọc lại lời kêu gọi của các Đức Giáo Hoàng qua các bản văn về việc rước lễ. Hãy suy nghĩ và cầu nguyện. Chúa ban cho con người tự do, trí khôn, vậy chúng ta hãy sáng suốt quyết định cách rước lễ nào xứng đáng nhất. Hãy tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể cách xứng hợp nhất, vì Ngài là Chúa trời đất.

Xin Thiên Chúa soi sáng và chúc lành cho quý vị.

————

Ghi chú:

[1] Lm Edward McNamara. Giải đáp phụng vụ: Linh mục được phép từ chối cho rước lễ trên tay không?

<https://dcvxuanloc.net/hoi-dap/giai-dap-phung-vu-linh-muc-duoc-phep-tu-choi-cho-ruoc-le-tren-tay-khong.html>ap-phung-vu-duoc-cu-hanh-nghi-thuc-lam-phep-xe-trong-thanh-le-khong.html

[2] Xem Lm Giuse Phạm Đức Hậu. Bài 14: Rước lễ bằng tay nên hay không? <http://thoigiodaman.blogspot.com/2014/11/bai-14-ruoc-le-bang-tay-nen-hay-khong>

[3] Xem Sđd

[4] Xem Sđd

[5] Lm Edward McNamara. Giải đáp phụng vụ: Linh mục được phép từ chối cho rước lễ trên tay không?

<https://dcvxuanloc.net/hoi-dap/giai-dap-phung-vu-linh-muc-duoc-phep-tu-choi-cho-ruoc-le-tren-tay-khong.html>ap-phung-vu-duoc-cu-hanh-nghi-thuc-lam-phep-xe-trong-thanh-le-khong.html

[6] ĐGH Gioan Phaolô II. Tông Thư “Dominicae Cenae” (Bữa Tiệc Của Chúa), ngày 24-02-1980, <https://catechesis.net/tong-thu-dominicae-cenae-bua-tiec-cua-chua-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-24-02-1980&gt;

[7] Quy Chế Tổng Quát – Sách Lễ Rôma

<https://vntaiwan.catholic.org.tw/sachle/romachg04.htm&gt;

[8] Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích, 2004. Huấn thị Redemptionis Sacramentum,

<http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/HuanThi/RedemptionisSacramentum.htm&gt;

——-oOo——-

ACE/TGTL/SVTT&DCTĐ Kính chúc Quý thính giả và các bạn trẻ Một Tuần Lễ Bình An trong Thiên Chúa và Mẹ Maria.