RƯỚC LỄ BẰNG TAY – NÊN HAY KHÔNG?

Linh mục Giuse Phạm Đức Hậu

——–oOo——-

Đặt câu hỏi như vậy hẳn nhiều người sẽ kêu lên “biết rồi, khổ lắm nói mãi”! Mặc dầu vậy, trước việc các hội kín như Tam Điểm và các giáo phái thờ Satan ngày càng công khai cử hành “lễ đen – black mass” để tôn thờ Satan với Mình Thánh Chúa được đánh cắp từ các nhà thờ Công Giáo, như ở đại học Harvard và Oklahoma city, Hoa Kỳ gần đây, có thể coi là tiếng chuông cảnh tỉnh những người có trách nhiệm quản lý các màu nhiệm của Thiên Chúa. Việc cần làm không phải chỉ là hô hào cầu nguyện và biểu tình phản đối những hành vi phạm thánh này, nhưng quan trọng hơn là phải thành tâm nghiêm túc đánh giá và nhìn nhận lại vấn đề rước lễ bằng tay. Nên hay không? Vì hàng ngày, nào ai biết bao nhiêu lễ đen của các giáo phái giáo tôn thờ Satan vẫn diễn ra trên thế giới?

Câu hỏi này không chỉ đã làm hao tổn nhiều giấy mực, mà đôi khi còn gây ra chia rẽ giữa phe ủng hộ và phe chống. Vậy chân lý nằm ở đâu? Trước khi đưa ra ý kiến phò hay chống việc rước lễ bằng tay, người ta cần phải làm sáng tỏ các câu hỏi sau: Đâu là nguồn gốc của việc rước lễ bằng miệng và bằng tay? Ý nghĩa của chúng là gì? Và tại sao lại có việc rước lễ bằng tay phổ biến như hiện nay?

  1. Nguồn gốc của việc rước lễ bằng miệng và bằng tay?

Đáng ngạc nhiên là, cách thức rước lễ cổ xưa nhất có lẽ là cách rước lễ bằng tay chứ không phải bằng miệng! Tuy nhiên, kể từ thời các Giáo Phụ, cách thức rước lễ bằng tay dần bị bãi bỏ vì 2 lý do chính: một là để tránh làm rơi Mình Thánh Chúa, và hai là để diễn tả đức tin và lòng sùng kính của người tín hữu vào sự hiện diện đích thực của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể[1]. Vậy là đã rõ, hình thức rước lễ bằng tay tuy có vẻ có trước nhưng đã sớm bị khai tử và nhường chỗ cho cách thức rước lễ bằng miệng kể từ thời các Giáo Phụ.

  1. Ý nghĩa của việc rước lễ bằng miệng và bằng tay?

Ý nghĩa việc rước lễ bằng miệng là gì?

Trước hết, ý nghĩa của việc rước lễ bằng miệng, như vừa nói ở trên, là diễn tả đức tin và lòng sùng kính của người tín hữu vào sự hiện diện đích thực của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Và để thể hiện lòng sùng kính đối với Mình Thánh Chúa, Truyền Thống Giáo Hội Tây Phương đã ấn định việc quỳ gối như là một trong những dấu hiệu xứng hợp đối với người rước lễ. Đức Benedictô XVI đã trích câu nói của St. Augustino để dạy rằng: “không ai ăn thịt đó mà lại không tôn thờ trước; chúng ta có thể phạm tội khi chúng ta không tôn thờ – nemo autem illam carnem manducat, nisi prius adoraverit; peccemus non adorando.”[2] Đức HY. Joshep Ratzinger tin rằng, việc rước lễ chỉ có thể đạt được chiều sâu thực sự khi nó được hỗ trợ và bao trùm bởi lòng tôn sùng. Ngài nói: “việc quỳ gối rước lễ đã được nuôi dưỡng qua truyền thống nhiều thế kỷ và đó là một dấu hiệu độc đáo diễn tả lòng tôn sùng, hoàn toàn xứng hợp trước ánh sáng của sự hiện hiện bản thể và đích thực của Chúa Giêsu dưới hình bánh rượu đã được thánh hiến.[3]

Tiếp đến, việc rước lễ bằng miệng cũng diễn tả sự khác biệt căn bản giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế chung của giáo dân. Chỉ linh mục với tư cách tư tế thừa tác và đôi tay được thánh hiến mới được đụng chạm đến Mình Thánh Chúa. Còn giáo dân thì không. Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần Tô-ma A-qui-nô đã giải thích rằng: “ …vì niềm tôn kính đối với Bí Tích này (Bí Tích Thánh Thể), không gì có thể đụng chạm đến Thánh Thể ngoài cái đã được thánh hiến; vì thế, khăn và chén phải được thánh hiến; cũng vậy, đôi tay linh mục cũng phải được thánh hiến cho việc đụng chạm đến Bí Tích này. Vì vậy, bất cứ ai khác đụng chạm vào sẽ là bất hợp luật ngoại trừ khi tối cần, thí dụ như khi Mình Thánh Chúa bị rơi xuống đất, hoặc trong trường hợp khẩn cấp.”[4]

Vì thế mà theo Bộ Giáo Luật Cũ 1917, chỉ linh mục mới là thừa tác viên thông thường (ordinary minister) cho rước lễ. Còn ngay cả phó tế cũng chỉ được coi là thừa tác viện ngoại thường (extraordinary minister) và chỉ được Bản Quyền địa phương hoặc cha sở cho phép vì lý do hệ trọng hoặc trong trường hợp thật sự cần thiết mà thôi (điều 845).

Ý nghĩa việc rước lễ bằng tay là gì?

Như vừa nói ở trên, kiểu rước lễ bằng tay đã bị kết liễu kể từ thời các Giáo Phụ. Nên nếu có thể gán cho việc rước lễ bằng tay có môt ý nghĩa nào đó, người ta phải chờ đến khi nổ ra phong trào cải cách của người Thệ Phản (Protestants) và Anh Giáo (Anglican) vào nửa đầu thế kỷ 16. Khi ly khai khỏi Giáo Hội, họ lập tức cho áp dụng kiểu rước lễ bằng tay. Như đã nói trong bài 10, các giáo phái ly giáo và lạc giáo này dùng cách rước lễ bằng tay vì họ không tin thánh lễ là hy tế thập giá của Đức Giêsu Kitô mà chỉ coi đó là một bữa ăn – super hay một sự tưởng niệm Chúa (the memorial of the Lord) mà thôi. Họ không tin Đức Kitô hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu. Họ phủ nhận tính cách tư tế của thừa tác viên và dạy rằng giữa thừa tác viên và giáo dân không có sự khác biệt nào về bản chất. Nói tóm lại, việc rước lễ bằng tay đối với các giáo phái Tin Lành và Anh Giáo là bằng chứng cho việc họ chối bỏ Bí Tích Thánh Thể, Chức Linh Mục Thừa Tác và Bí Tích Truyền Chức nói chung.

Như vậy có thể nói, việc rước lễ bằng miệng và bằng tay chuyển tải một ý nghĩa khách quan và hoàn toàn đối nghịch nhau. Người Công Giáo rước lễ bằng miệng nhằm diễn tả niềm tin và lòng sùng kính vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, niềm tin vào Thánh Lễ là hy tế thập giá của Chúa Giêsu, và niềm tin vào chức linh mục mà Chúa đã thiết lập. Còn những nhóm lạc giáo và ly giáo dùng cách rước lễ bằng tay như là dấu chỉ họ chối bỏ những chân lý đức tin vừa nói. Do vậy có thể nói, rước lễ bằng miệng là dấu chỉ đặc thù của người Công Giáo, và rước lễ bằng tay là sản phẩm đặc thù của những người bội giáo và ly giáo.

Trái với nhận định cẩu thả của một vài “chuyên gia” giải đáp phụng vụ cho rằng, việc rước lễ bằng miệng và bằng tay về bản chất là không có gì khác nhau, điều quan trọng là tâm tình, thái độ, và tình trạng linh hồn bên trong của người rước lễ. Nói thế là họ đang nhầm lẫn với khái niệm về hiệu quả của việc rước lễ đấy. Hiệu quả của việc rước lễ mới phụ thuộc vào những điều kiện bên trong của người rước. Còn cách thức rước lễ bằng miệng và bằng tay, tự nó là một dấu hiệu và mang một ý nghĩa khách quan và đối nghịch nhau như vừa nói trên.

  1. Tại sao lại có việc rước lễ bằng tay phổ biến như hiện nay?

Trả lời câu hỏi này không đơn giản như người ta tưởng. Cách nói chung chung rằng, kể từ sau Vatican II, Toà Thánh đã cho phép. Quả thật, Huấn Thị Redemptionis Sacramentum của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích ngày 25/3/2004, hướng dẫn rằng, nơi nào muốn áp dụng việc rước lễ bằng tay thì HĐGM địa phương đó phải xin phép Toà Thánh, và khi được Toà Thánh chấp thuận, việc rước lễ bằng tay sẽ được thực hiện đồng thời phải tránh mọi nguy cơ phạm thánh. Nếu có nguy cơ phạm thánh thì phải dừng ngay việc rước lễ bằng tay.[5] Cho nên, xét theo phương diện kỷ luật, việc rước lễ bằng tay hiện nay là hợp pháp. Miễn bàn cãi!

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là vì ý gì mà Toà Thánh lại cho phép rước lễ  bằng tay? Toà Thánh cho áp dụng mà không giải thích lý do tại sao? Vì thế mà nhiều lý do được người ta suy ra để củng cố cho tính đúng đắn và hợp thời của việc rước lễ bằng tay.

Có người trích dẫn lời Chúa để biện minh cho cách rước lễ bằng tay. Họ lý luận rằng, chính Chúa Giêsu đã nói trong bữa tiệc vượt qua: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26, 26; 1 Cr 11, 24). Đó, Chúa nói là hãy cầm lấy mà ăn chứ có bảo là đưa miệng ra nhận đâu! Vậy rước lễ bằng tay là đúng. Chúa đã phán. Giáo Hội cho phép. Vậy ai còn cãi nữa!?

Tuy nhiên, lý luận như trên có vẻ không ổn, bởi vì mệnh lệnh “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26, 26; 1 Cr 11, 24), được nói trong khung cảnh Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể và Chức Linh Mục, nên nó chỉ nhắm đến đối tượng là các tông đồ mà thôi chứ không phải là nhắm đến hết mọi người. Do đó, chỉ các tông đồ, những người có chức linh mục đầu tiên, mới được “cầm lấy mà ăn”, còn những người khác thì không được như vậy. Còn nếu hiểu mệnh lệnh trên là có ý nhắm đến hết mọi người, thì câu mệnh lệnh mà Chúa nói ngay sau đó “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19; 1 Cr 11, 24) cũng phải được hiểu là dành cho hết mọi người chứ? Hơn nữa, chính nhờ mệnh lệnh này mà chức linh mục được thông ban cho các tông đồ. Ai chối bỏ điều này thì bị vạ tuyệt thông như Công Đồng Trento phán: “nếu bất cứ ai nói rằng qua những lời “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19; 1 Cr 11, 24) Đức Kitô đã không thiết lập các tông đồ như là những linh mục đầu tiên hoặc Ngài đã không truyền lệnh cho họ và các linh mục khác tiến dâng mình và máu Ngài, thì bị vạ tuyệt thông.[6]  Do vậy, nếu mệnh lệnh này được hiểu dành cho hết mọi người, thì có nghĩa là mọi người đều có chức linh mục và có thể cử hành thánh lễ sao? Điều này là vô lý! Cho nên, có thể kết luận rằng, chứng cứ dựa vào lời Chúa nói để biện minh cho việc rước lễ bằng tay là không có cơ sở.

Ngoài việc viện dẫn lời Chúa, người ta con nại đến cả lý do có vẻ thực tế là để tránh lây bệnh! Rước lễ bằng miệng có thể dẫn đến nguy cơ người này nếm phải nước bọt của người kia từ ngón tay của thừa tác viên cho rước lễ. Lý do này không những không chính đáng mà còn có phần xúc phạm bởi đã coi việc rước lễ thánh thiêng như là nguồn lây lan bệnh tật. Hơn nữa, nếu ai dựa vào lý do lây bệnh để cho rước lễ bằng tay, thì phải giải thích thế nào việc cho mọi người rước Máu Thánh chung một chén. Chuyện này rất thịnh hành ở Hoa Kỳ, và nhiều nơi khác nữa. Hầu như mọi thánh lễ, giáo dân đều được rước lễ dưới hai hình bánh và rượu. Khi mọi người rước Máu Thánh chung một chén, thì chuyện lây lan nước  bọt cho nhau là đương nhiên, không thể tránh được, và khủng khiếp hơn việc rước Mình Thánh bằng miệng nhiều lần. Vậy mà không mấy ai thắc mắc nguy cơ lây bệnh ở việc rước Máu Thánh chung một chén này. Một lần nữa, ta phải kết luận rằng, lây bệnh không phải là lý do đáng kể để biện minh cho việc rước lễ bằng tay.

Và đây nữa, chính người viết đã được nghe tận tai một linh mục bênh vực việc rước lễ bằng tay với một lý luận trần trụi thế này: Chúa bảo “anh em hãy cầm lấy mà ăn” mà mình lại đưa miệng và thè lưỡi ra để nhận thì quả là kỳ cục, có khi còn mất lịch sự nữa! Không thể tin là có một kiểu lý luận thô thiển như vậy! Tại sao họ không liên tưởng trong đời sống con người, khi một ông vua ban quà cho một người, dù là tể tướng triều đình hay thảo dân quên mùa, thì người đó có được hiên ngang đứng thẳng mà nhận quà không? Hay lại không phải quỳ gối xuống, đầu cúi xuống đất, hai tay giơ lên để nhận quà, miệng tung hô vạn tuế, rồi đứng dậy, giật lùi mà tiến ra sao? Nếu nhận quà của một ông vua trần thế mà cử chỉ điệu bộ còn phải như vậy, thì khi nhận quà tặng là chính Thân Mình của Đấng là vua các vua, chúa các chúa, thì cử chỉ điệu bộ phải thế nào mới xứng hợp đây? Vậy mà hàng ngày nhiều người vẫn đi lên rước Mình Thánh Chúa với một cử chỉ điệu bộ hờ hững, nghênh ngang và với một nét mặt vô hồn, không cảm xúc!

Đó là một vài lý luận mà người ta thường tự suy ra để biện minh cho việc rước lễ bằng tay. Và như ta thấy, các lý do đó đều không thoả đáng.

Trở lại với vấn đề, tại sao Toà Thánh lại cho phép rước lễ trên tay? Tìm hiểu kỹ, người viết thấy rằng, hành trình ra đời của việc rước lễ bằng tay có nhiều uẩn khúc khó hiểu và đáng ngờ, chứ không đơn giản như người ta nghĩ. Có điều gì đó khó hiểu trong quyết định này của Toà Thánh. Dường như quyết định cho rước lễ bằng tay là kết quả của một sự nhượng bộ, nếu không muốn nói là một thất bại, của Toà Thánh trước một thế lực nào đó đang tấn công Thánh Lễ và Giáo Hội! Xin tóm tắt sự việc thế này:

Theo Huấn Thị Memorale Domini [7], hướng dẫn về việc rước lễ, của Bộ Phụng Tự ban hành ngày 29/5/1969, do Đức HY. Benno Walter Gut, bộ trưởng và thư ký Anibale Bugnini (nhân vật đã được nhắc đến trong bài 10), đồng ký tên, thì ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ 20, việc rước lễ bằng tay không hiểu sao đã trở nên phổ ở một số quốc gia Âu Châu, nhất là Hà Lan, Bỉ, Đức, và Pháp. Chuyện này đến tai Toà Thánh và có những đề nghị muốn Toà Thánh phải hợp thức hoá việc rước lễ bằng tay.

Vì thế, Đức Phaolô VI đã phải cho tiến hành thăm dò ý kiến các giám mục khắp nơi trên thế giới bằng 3 câu hỏi như sau:

  1. Ngoài cách thức truyền thống (quỳ rước lễ bằng miệng), có nên chấp nhận đề xuất cho rước lễ bằng tay không?
  2. Có nên thí điểm việc rước lễ bằng tay trong các cộng đồng nhỏ trước, với sự chấp thuận của Bản Quyền địa phương không?
  3. Hiền đệ có nghĩ rằng, các tín hữu sẽ sẵn lòng đón nhận cách thức mới này sau khi đã được chuẩn bị giáo lý kỹ càng không?      

Kết quả thăm dò cho thấy đại đa số các giám mục phản đối bằng việc nói không với những câu hỏi trên. Vì thế, Huấn Thị Memorale Domini viết: “từ những ý kiến hồi đáp cho thấy, đa số các giám mục cho rằng kỷ luật hiện thời (rước lễ bằng miệng) không nên thay đổi chi hết, và nếu thay đổi, đó sẽ là một sự xúc phạm đến ý nguyện và tình cảm thiêng liêng liêng của các giám trên thế giới cũng như của hầu hết tín hữu.” Và sau khi đã cân nhắc và tham khảo ý kiến các giám mục, Đức Giáo Hoàng kết luận rằng, cách thức rước lễ truyền thống lâu đời sẽ không thay đổi. Do vậy, Tông Toà khẩn thiết kêu gọi các giám mục, linh mục và giáo dân nhiệt thành tuân giữ kỷ luật này vì lợi ích chung của Giáo Hội!

Bất chấp chỉ dẫn trên của Toà Thánh, dường như có một làn sóng bất tuân vẫn tiếp tục gây sức ép, muốn Toà Thánh phải hợp pháp hoá việc rước lễ bằng tay. Năm 1969, Đức Phaolô VI đã làm kinh ngạc mọi người bằng một sự nhượng bộ đối với các giám mục bất tuân. Trước sự trầm trọng của vấn đề, Đức Phaolô VI nhất quyết sẽ không hợp pháp hoá việc rước lễ bằng tay. Thay vào đó, ngài sẽ cho phép điều này dưới dạng một đặc ân (indult) – một miễn trừ ngoại lệ – với 2 điều kiện: thứ nhất là, đặc ân chỉ được xem xét và ban cho một quốc gia mà trong đó đã thực hành việc rước lễ bằng tay. Thứ hai là, hàng giám mục quốc gia đó phải chứng minh điều này bằng hình thức bỏ phiếu kín với 2/3 đa số ủng hộ. Ngoài 2 điều kiện này, Toà Thánh còn đưa ra 7 qui định khác liên quân đến việc thực thi việc rước lễ bằng tay, và nếu làm trái với những quy định này đặc ân rước lễ bằng tay sẽ bị mất. Những quy định này được kèm trong thư gửi cho Hàng Giáo Phẩm Pháp khi họ xin được thực hành việc rước lễ bằng tay. Xin tóm lược 7 quy định ấy như sau:[8]

  1. Cách mới (rước lễ bằng tay) không được thực thi theo cách sẽ loại bỏ cách truyền thống (rước lễ bằng miệng).
  2. Giáo dân phải được đào tạo giáo lý bài bản để hiểu ý nghĩa của việc rước lễ bằng tay và thực hành với niềm kính trọng xứng hợp dành cho Bí Tích Thánh. Canh chừng nguy cơ làm dao động đức tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể  và tránh nguy cơ phạm thánh.
  3. Huấn luyện người rước lễ để giúp họ tăng cường đức tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.
  4. Thừa tác viên cho rước lễ, linh mục hoặc phó tế, đặt Mình Thánh vào tay người lãnh nhận và họ phải rước Mình Thánh trước mặt thừa tác viên rồi mới trở về chỗ. Khi thừa tác viên cho rước lễ nói “Mình Thánh Chúa Kitô”, người rước phải đáp ‘Amen”.
  5. Tránh làm rơi các mảnh vụn xuống đất.
  6. Khi rước lễ dưới 2 hình bằng cách chấm Mình Thánh vào Máu Thánh thì buộc phải rước bằng miệng.
  7. Sau 6 tháng áp dụng , các giám mục áp dụng việc rước lễ bằng tay phải gửi tường trình kết quả về cho Bộ Phụng Tự.

Sau khi Hàng Giáo Phẩm Pháp xin thực hành việc rước lễ bằng tay, đến lượt Giáo Hội tại Canada cũng gửi thỉnh nguyện lên Toà Thánh để xin đặc ân này vào năm 1969.

Theo Paul Kokoski, thời điểm đó tại Canada chưa hề có việc rước lễ bằng tay (một trong 2 điều kiện cần phải có để được Toà Thánh xét như nói trên). Vậy mà Hàng Giáo Phẩm Canada dùng mánh mung gì để qua mắt Toà Thánh, để cuối cùng họ cũng đạt được điều họ muốn. Khi đem ra thực thi, các Giám Mục Canada đã bất chấp 7 quy định của Toà Thánh hướng dẫn việc rước lễ bằng tay vừa nói ở trên. Họ áp dụng theo cách làm cho việc rước lễ bằng tay trở thành cách thức thông thường và thay thế cho cách rước lễ bằng miệng truyền thống. Họ phế bỏ các ghế quỳ rước lễ bằng miệng (communion rails) trong các nhà thờ. Giáo dân bị buộc phải đứng để rước lễ bằng tay. Từ việc đứng rước lễ bằng tay, giáo dân được cho phép tiến lên bàn thờ và phân phát Mình Thánh cho người khác. Và tất cả những điều này, nay đã trở nên bình thường![9]

Theo bài viết “Sự thật về việc đứng rước lễ bằng tay” của Ben Yanke[10], chiến dịch vận động dành quyền được rước lễ bằng tay cũng được bắt đầu tại Hoa Kỳ năm 1975, dưới sự dẫn dắt của TGM. Joshep Bernardin, chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ khi đó. Như đã nói ở trên, một quốc gia muốn được Toà Thánh xét cấp đặc ân, 2 điều kiện cần phải có là: việc rước lễ trên tay đã đang được thực hành và 2/3 đa số giám mục ủng hộ. Chiến dịch của TGM Bernardin đã thất bại 2 lần liên tiếp trong hai năm 1975 và 1976  bởi không dành được sự ủng hộ của 2/3 đa số giám mục và nhất là thời điểm đó, việc rước lễ bằng tay chưa phải là một thực hành ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, TGM. Bernardin không chịu thua cuộc. Năm sau đó, tức năm 1977, cũng là năm cuối của nhiệm kỳ chủ tịch HĐGM, TGM. Bernardin quyết định đánh ván chót bằng cách đi thu gom bất hợp pháp những lá phiếu của các cử tri vắng mặt và của cả các giám mục nghỉ hưu nữa! Cuối cùng, TGM Bernardin cũng gom đủ số phiếu 2/3 đa số ủng hộ! Thỉnh nguyện thư sau đó được gửi sang Toà Thánh và rồi Giáo Hội tại Hoa Kỳ cũng đạt được nguyện vọng!

Tuy nhiên, cũng theo bài viết của Yanke, khi áp dụng vào thực tế, những điều kiện mà Toà Thánh yêu cầu phải được đáp ứng để khỏi mất đặc ân rước lễ bằng tay như nêu ở trên đã không được tuân giữ. Nhất là ba quy định đầu tiên. Một là, Giáo Hội địa phương đã không còn duy trì được cách rước lễ truyền thống và nó đã gần như hoàn toàn bị thay thay thế bởi cách rước lễ bằng tay. Cái ngoại lệ đã chiếm mất chỗ của cái thông thường. Cái phụ nay trở thành cái chính. Nhiều giáo dân thậm chí còn bị từ chối cho rước lễ nếu họ quỳ và rước lễ bằng miệng. Hai là, cách rước lễ bằng tay không làm tăng thêm lòng tôn kính dành cho Thánh Thể nơi người tín hữu. Nhiều người rước lễ rồi đưa Mình Thánh về chỗ ngồi chia cho con nhỏ của mình như chia bánh cookies! Có người đem đi rồi đánh rơi Mình Thánh trên ghế ngồi, trong toillet, nơi đậu xe. Nhiều người trẻ đút vào túi áo rồi đem đi đâu không ai biết! Thứ ba, cách rước lễ bằng tay không tăng cường niềm tin của người tín hữu vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Trong những năm 1950, 87% tín hữu tin vào sự hiện diện đích thực. Ngày nay, con số này chỉ còn khoảng 34%.!

Như vậy, Giáo Hội địa phương đã thất bại trong việc tuân giữ những điều kiện cần thiết để duy trì đặc ân rước lễ bằng tay. Tuy vậy, đặc ân rước lễ bằng tay đã không bị Toà Thánh rút lại ở bất cứ đâu. Trái lại, đến ngày 25/3/2004, qua Huấn Thị Redemptionis Sacramentum, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã bật đèn xanh cho toàn cả các giáo hội địa phương có thể áp dụng việc rước lễ bằng tay (số 92). Như thế, việc rước lễ bằng tay từ chỗ chỉ là một đặc ân ngoại lệ đã trở thành một hiện tượng toàn cầu hoá!

Với những gì vừa trình bày ở trên, có thể tóm lại rằng, việc rước lễ bằng tay đã bùng phát một cách tự nhiên hay có chủ ý ở một số quốc gia trước khi có sự cho phép của Toà Thánh. Có những thế lực nào đó gây sức ép muốn Toà Thánh phải chấp nhận một sự việc đã rồi. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến các giám mục trên thế giới, Toà Thánh quyết định vẫn giữ nguyên cách rước lễ truyền thống bằng miệng và truyền khắp nơi phải nhiệt thành tuân giữ. Cách giải quyết này của Toà Thánh không làm hài lòng các giám mục cứng đầu cứng cổ. Họ vẫn gây sức ép khiến Đức Phaolô VI phải chọn giải pháp mang tính cứu vãn và chữa trị, đó là cấp đặc ân rước lễ bằng tay cho những quốc gia với điều kiện đã để xảy ra thói rước lễ bằng tay này và 2/3 đa số giám mục quốc gia đó ủng hộ.  Canada và Hoa Kỳ như nói ở trên, dù không đáp ứng được 2 điều kiện để được cấp đặc ân, họ đã dùng các mánh khoé để đạt cho bằng được. Như vậy đủ thấy, việc rước lễ bằng tay đã xuất hiện trong Giáo Hội một cách không bình thường, trái với ý muốn của Đức Phaolô VI và đa số giám mục trên thế giới thời điểm đó. Cách rước lễ bằng tay đã bị cưỡng ép để sinh ra!

Việc rước lễ bằng tay có thể được ví như là một “đứa con” rơi mà ngay chính các Giáo Hoàng cũng không muốn thừa nhận!

Đức Phaolô VI, như trình bày ở trên, rõ ràng là  ban đầu đã không muốn nhìn nhận cách rước lễ bằng tay. Không hiểu sao, sau ngài lại nhượng bộ và nhìn nhận nó như một đặc ân ngoại lệ dành cho các giám mục cứng đầu cứng cổ.

Đức Gioan Phaolô II cũng đã công khai bài bác cách rước lễ bằng tay. Trong lần trả lời phỏng vấn của tờ tạp chí Đức Stimme des Glaubens, tháng 11 năm 1980, và khi được hỏi về quan điểm của ngài liên quan đến việc rước lễ bằng tay, ngài đã nói: “đã có cả một tông thư nói về cái phép đặc biệt này. Nhưng tôi nói với bạn rằng, tôi không ủng hộ cũng chẳng khuyến khích việc này. Cái phép này đã được ban cấp là do sự nài nỉ của một số giám mục.”[11] Phải chăng vì quan điểm này của Đức Gioan Phaolô II, mà phe cải cách phải chờ cho đến lúc chiều tà của triều đại giáo hoàng của ngài, khi sức khoẻ của ngài đã suy sụp nhiều, mới làm cho cách rước lễ bằng tay đến được với toàn thể Giáo Hội qua Huấn Thị Redemtionis Sacrametum? Huấn Thị này ra đời vào tháng 3 năm 2004, tức khoảng 13 tháng trước khi Đức Gioan Phaolô II qua đời!?

Đến lượt Đức Benedictô XVI cũng chứng tỏ là không hứng thú gì với cách rước lễ bằng tay. Bằng chứng là ngài yêu cầu người phụ trách nghi lễ loan tin rằng, tất cả những ai đến rước lễ với ngài đều phải quỳ và rước lễ bằng miệng. Rước lễ bằng miệng là cách thế truyền thống của Giáo Hội. Động tác quỳ và rước lễ bằng miệng diễn tả sự khiêm tốn và lòng tôn kính mến yêu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đồng thời nó giúp củng cố niềm tin và sự hiện diện đích thực và mang lại một ý nghĩa cao siêu của màu nhiệm, điều mà chúng ta cần phải nhấn mạnh và khôi phục trong thời đại hôm nay.[12]

Khi còn là HY, Đức Benedictô XVI cũng viết trong cuốn sách “The Spirit of Liturgy – Tinh Thần Phụng Vụ” của ngài rằng, quỳ gối là cách thể hiện giúp chúng ta có một sự hiểu biết và cảm nghiệm mới mẻ và sâu xa hơn về Thiên Chúa. Theo ngài cho biết, từ “proskynein” nghĩa là “phủ phục” đã xuất hiện 24 lần trong Sách Khải Huyền, cuốn sách về phụng vụ trên trời và là mẫu mực cho phụng vụ của Giáo Hội. Rồi ngài cũng kể giai thoại của các Giáo Phụ Sa Mạc rằng, một ngày kia, ma quỷ được Chúa thôi thúc cũng muốn nên giống cha Apollo. Nó thấy mình đen đủi và xấu xí với đôi chân khẳng khiu ghê rợn, và điều kinh ngạc hơn cả là nó không có đầu gối. Cho nên, không có khả năng quỳ bị coi là chính bản chất của ma quỷ![13]

Chính Đức TGM. Albert Malcolm Ranjith, thư ký Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích (2005-2009) và nay là Hồng Y, TGM của Colombo, Srilanka, đã xác nhận sự ra đời khó hiểu của việc rước lễ bằng tay rằng: Công Đồng Vatican II đã không bao giờ cổ võ và hợp pháp hoá thực hành này. Theo đánh giá của ngài, cách rước lễ bằng tay đang ngày càng làm suy giảm lòng sùng kính dành cho Bí Tích Cực Thánh. Thánh Thể phải được nhận lãnh với lòng tôn kính và tâm tình sùng mộ. Ngài cũng khẳng định rằng, một số nơi đã áp dụng cách rước lễ bằng tay một cách đầy vội vàng và lạm dụng. Do đó, Đức TGM. Albert quả quyết rằng, đã đến lúc phải đánh giá và xét lại thực hành này và nếu cần phải dứt khoát dẹp bỏ nó.[14]

Mẹ Teresa đã nói: “đến bất cứ nơi đâu trên thế giới, điều làm tôi đau buồn nhất là thấy người ta rước lễ bằng tay![15]

Còn linh mục John Harden S.J. cũng tuyên bố: “tôi muốn kêu lên rằng, việc rước lễ bằng tay là một sự làm suy yếu đức tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa trong Phép Thánh Thể một cách có ý thức và chủ ý. Bất cứ điều gì bạn có thể làm để chấm dứt việc này đều được Thiên Chúa chúc phúc.[16]

Và còn rất nhiều những tiếng kêu than nữa về việc rước lễ bằng tay, nhưng có lẽ người ta không muốn nghe!

KẾT LUẬN

  1. Như trình bày ở trên, quỳ gối – rước lễ bằng miệng là cách thức truyền thống và là dấu hiệu đặc thù của người Công Giáo. Cách rước lễ này nhằm diễn tả đức tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, lòng khiêm nhường và sùng kính mến yêu dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể, sự khác biệt giữa chức tư tế thừa tác của linh mục và chức tư tế chung của người tín hữu. Còn rước lễ bằng tay là cách thức và dấu hiệu đặc thù của những người bội giáo và ly giáo. Họ áp dụng cách rước lễ bằng tay vì họ không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, không tin có chức linh mục thừa tác. Nói cách khác họ phủ nhận màu nhiệm hy lễ, phủ nhận Bí Tích Thánh Thể và phủ nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh. Vậy thử nghĩ xem, dầu luật cho phép, chúng ta có nên hồ hởi chạy theo cách rước lễ đặc thù của những người bội giáo và ly giáo không? Hay chúng ta cũng muốn giống như họ?
  2. Dầu được cho phép, có thể nói việc áp dụng cách rước lễ bằng tay đã không được thực thi cho đúng tinh thần của 7 quy định mà Toà Thánh đòi buộc. Cách rước lễ bằng tay chỉ được coi là một ngoại lệ thêm vào, vậy mà nó đã chiếm mất chỗ của cách rước lễ bằng miệng truyền thống. Cách rước lễ bằng miệng dường như đang trở nên một dấu hiệu xa lạ, kỳ koặc, và dở hơi cho những ai còn thực hành nó. Trái lại, cách rước lễ bằng tay có khi còn được hiểu như một dấu hiệu của văn minh tiến bộ, dấu hiệu của việc theo kịp với thời đại! Chính người viết đã được chứng kiến mối ưu tư mục vụ của một giám mục khi chuẩn bị về nhận nhiệm sở ở một địa phận kia rằng, ngài cảm thấy thiệt thòi cho giáo dân ở đó vì họ vẫn chưa được rước lễ bằng tay!
  3. Tác hại của cách rước lễ bằng tay đối với đức tin là khủng khiếp, và nguy cơ phạm thánh là không thể phủ nhận. Do vậy, các giáo hoàng không khuyến khích và ủng hộ, nhiều giám mục, linh mục và giáo dân, kêu gào, đòi xét lại thực hành này, và nếu cần hãy dẹp bỏ ngay. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các giám mục, những người có quyền cho áp dụng và bãi bỏ việc rước lễ bằng tay trong địa bàn của mình, họ cần lắng nghe, suy xét và đưa ra quyết định trước khi quá muộn. Các linh mục, dầu không có quyền ngăn cản việc rước lễ bằng tay, nhưng hoàn toàn có quyền và có bổn phận khuyên bảo giáo dân nên trung thành với cách rước lễ truyền thống.
  4. Cần phải bác bỏ những cáo buộc bất công và thiếu hiểu biết của một số “chuyên gia giải đáp” vốn mắc bệnh hoang tưởng và vâng lời mù quáng rằng, những tiếng kêu đòi chấm dứt việc rước lễ bằng tay là tiếng của những người gây chia rẽ và chống lại Toà Thánh! Họ đâu biết rằng, chính việc quảng bá và áp dụng tràn lan cách rước lễ bằng tay mới đúng là chống lại ý muốn của Toà Thánh. Toà Thánh chỉ coi rước lễ bằng tay là một ngoại lệ có thể được áp dụng mà thôi, chứ không coi đó là cách bắt buộc và thay thế cho cách rước lễ bằng miệng. Do vậy, dẹp bỏ việc rước lễ bằng tay không những không chống lại Toà Thánh mà còn là hành động được Chúa chúc phúc, như linh mục Harden đã nói ở trên. Nguy cơ duy nhất mà những người dẹp bỏ việc rước lễ bằng tay phải đối mặt, đó là sẽ bị những đầu óc hiện đại quy kết là “lạc hậu bảo thủ”. Nhưng ta có thể mượn cách diễn đạt của Chúa Giêsu mà đáp lại rằng, thà bị tiếng là lạc hậu  bảo thủ mà trung thành với đức tin truyền thống của Giáo Hội thì còn hơn là được tiếng “văn minh tiến bộ” mà bất trung với truyền thống đức tin ấy!
  5. Hành trình tái sinh ra cách rước lễ bằng tay có nhiều uẩn khúc mờ ám, và có thể là kết quả của một âm mưu phá hoại đức tin Công Giáo? Cụ thể là phá hoại thánh lễ.

——–oOo——-

ACE/TGTL/SVTT&DCTĐ Kính chúc Quý thính giả và các bạn trẻ Một Tuần Lễ Bình An trong Thiên Chúa và Mẹ Maria.