SỰ THẬT VỀ PHÉP LÀNH CHO CÁC CẶP ĐỒNG TÍNH – FIDUCIA SUPPLICANS

——–oOo——-

1. Trái với Sự Thật là dối trá mà dối trá chính là ma quỷ.

Một lần nọ, Chúa Giêsu nói với đám người Do Thái: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8:44).

Thật vậy, không ai có thể làm lu mờ chân lý, không ai có thể bóp méo Sự Thật. Thế mà, trong cuộc sống (cả đời lẫn đạo), người ta vẫn ngang nhiên bóp méo, ngấm ngầm xuyên tạc Sự thật, tương đối hóa Sự thật, dám làm cho Lời dạy của Thiên Chúa trở nên không rõ ràng bằng sự ngụy biện của con người.

Trong thời đại thông tin nhiễu nhương ngày nay, nhất là các phương tiện truyền thông lại nằm trong tay của các thế lực hắc ám (ám chỉ các big media là tay sai của tam điểm). Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô chương 6 trong Cuộc chiến thiêng liêng, Ngài quả quyết “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep, 6:12) Do đó, tất cả những gì là xấu xa, độc ác đều do Kẻ Thù của chúng ta gây ra, hắn là tên vua của những thứ dối trá, tên cám dỗ, kẻ tố cáo, kẻ thù của Thiên Chúa và cũng là kẻ thù ghê tởm nhất của loài người chúng ta.

Để tránh rơi vào những mưu ma chước quỉ chúng ta hãy nghiêm chỉnh xem xét những lời của Chúa Giêsu dạy: “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”(Mt 5,37). Kinh Thánh dạy cho chúng ta một ví dụ về một lời nói rõ ràng, sắc bén và can đảm như vậy. Bất kỳ những sự diễn giải nào khác theo sự dễ dãi của thế gian chắc chắn sẽ bị cắt ngắn, mơ hồ và gây lầm lạc. Ngày nay, chúng ta thường nghe thấy nhiều bài giảng, diễn giải xuyên tạc, bóp méo Lời Chúa một cách tinh vi đến mức cuối cùng chúng rơi vào lời nguyền rủa do Chúa Giêsu tuyên bố: “Thêm thắt điều gì là do ma quỷ”.

Ví dụ: những “điều mới mẻ” được phát minh ra dưới hình thức sáng tạo mục vụ, hay như là cố tình sử dụng các bản dịch theo nghĩa khác nhau giữa ngôn ngữ chính thức (Tiếng Ý) và ngôn ngữ thông dụng (tiếng Anh) để gây lầm lẫn (*)….

Mặc dù hơn chục lần trong tuyên ngôn Fiducia Supplicans (F.S), HY Fernández nêu ra rằng những phước lành như vậy không nên bắt chước hoặc nhầm lẫn với phước lành hôn nhân, và giáo lý về hôn nhân của Giáo hội là không thay đổi …. Nhưng như Đức HY Muler nói: “Nếu người ta “Chúc lành” cho một CẶP ĐÔI như một cặp vợ chồng, nghĩa là được kết hợp bởi một mối quan hệ tình dục khác ngoài hôn nhân, thì người ta chấp thuận sự KẾT HỢP đó, vì chính sự kết hợp đó đã tạo nên họ như một cặp đôi [vợ-chồng] như vậy”.

Một khi Kinh thánh bị mâu thuẫn và xuyên tạc, mặc dù ta vẫn tuyên bố là trung thành với Chân lý thì cuối cùng chúng ta không còn phục vụ Sự Thật nữa. Đó cũng là khi con người chúng ta dần CHỐI-BỎ Sự-Thật trong Kinh-Thánh một cách tinh vi.

Chú thích (*):

Trong Tuyên ngôn “Lời tín thác khẩn cầu” Fiducia Supplicans: Ký giả chuyên viết về Vatican là bà Diane Montagna đã khám phá sự mâu thuẫn sai biệt giữa phiên bản tiếng Anh so với bản gốc tiếng Ý cũng như các ngôn ngữ khác. Điểm mấu chốt của Tuyên ngôn FS nằm ở đoạn 38 giải thích về hình thức mới mẻ của “phép lành mục vụ”. Cụ thể:

Bản dịch tiếng Anh vẫn dùng thuật ngữ “couples – các cặp phối ngẫu” nhiều lần trong suốt cả văn bản (thí dụ như đoạn 31, câu đầu đoạn 38 và đoạn 41). Nhưng đến khi giải thích hình thức mới mẻ của “phép lành mục vụ” (câu thứ 2 đoạn 38) lại chuyển sang sử dụng thuật ngữ “individuals – các cá nhân riêng rẽ”.

Tuy nhiên, vấn đề là trong văn bản gốc tiếng Ý (và các ngôn ngữ khác) lại không dùng từ mang ý nghĩa cá nhân riêng rẽ (individuals) như thế mà lại dùng đại danh từ biểu trưng “per costoro” có nghĩa là “cho họ/cho bọn họ”, tức là chỉ rõ ràng, rành mạch đến danh từ “couples – cặp đôi/cặp phối ngẫu” dùng ngay ở câu phía trước (câu đầu đoạn 38). Cấu trúc câu y hệt như vậy cũng được sử dụng trong tất cả các phiên bản ngôn ngữ khác ngoại trừ phiên bản tiếng Anh (xem link bên dưới).  Bản gốc tiếng Ý: “per costoro “; tiếng Pháp: “pour eux”; tiếng Đức: “für sie”; tiếng Tây Ban Nha “para ellos,” đều là đại từ số nhiều = for them có nghĩa là “cho họ”.

Cho nên nếu quý vị vào link trên đọc tuyên ngôn F.S bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha… và dùng Google dịch, đoạn 38 Google nó sẽ dịch là như vầy:

“38. Vì lý do này, nghi thức chúc lành cho CÁC CẶP vợ chồng trong một hoàn cảnh trái luật không được cổ vũ hay dự kiến, nhưng sự gần gũi của Giáo hội với bất kỳ hoàn cảnh nào trong đó cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa trong một hoàn cảnh trái luật cũng không được ngăn cản hoặc ngăn cấm. Trong lời cầu nguyện ngắn có thể diễn ra trước phép lành tự phát này, thừa tác viên thụ phong có thể cầu xin bình an, sức khỏe, tinh thần kiên nhẫn, đối thoại và giúp đỡ lẫn nhau CHO HỌ, cũng như ánh sáng và sức mạnh của Thiên Chúa để có thể thực hiện trọn vẹn ý muốn của Ngài” (hết trích).

 

Đây chính là một trong những điểm mấu-chốt “gây mơ hồ và chia rẽ” và là một sự  gây nhầm lẫn có chủ đích. Vậy ra, ngay từ đầu làm gì có ý định chúc lành cho cá nhân riêng rẽ bao giờ. Đó có phải là sự “THÊM THẮT” lập lờ đánh lận con đen không? Quý vị và các bạn trẻ hãy tự trả lời cho chính mình. Cho nên Quý vị nào có ý biện minh cho F.S và nói đó là chúc lành cho từng cá nhân riêng rẽ là SAI ngay từ trong câu chữ của tuyên ngôn cho đến thực tế áp dụng. Vì trên thực tế, dựa vào F.S nhiều nơi đã chúc lành ngoài phụng vụ này cho các cặp đồng tính (mà không phải là chúc lành riêng rẽ từng người). Mới nhất là tại Uruguay Nam Mỹ tình trạng mà người ta gọi là buôn bán phước lành (dạng FS) cho một cặp đôi đồng tính giàu có và nổi tiếng (được “ban phước” trong 1 lễ cưới đồng tính tại Nhà nguyện tư gia được sự chấp thuận bởi GM địa phương sau khi đã tham khảo ý kiến của vị Sứ thần tòa thánh và được trả lời rằng “Phải ban phép lành, vì đã có một văn kiện được Đức Giáo Hoàng ký, và chúng ta nên tiến hành theo đó”.)

Các GM Phi Châu và phần lớn GM trên thế giới phản đối tuyên ngôn F.S và cho là báng bổ, còn số ít những người biện minh cho FS lại cho rằng: Đây chỉ là chúc lành cho từng cá nhân riêng rẽ chứ không phải chúc lành cho “cặp đôi” hay là “Chúc lành cho con người chứ không phải chúc lành cho hành vi tội (chúc tội)”. Nếu chỉ là chúc lành cho từng cá nhân thì cần gì đến Tuyên ngôn F.S này, làm mất biết bao nhiêu thời gian và công sức của các vị “nghị phụ” trong Thượng Hội đồng

Vì F.S nằm trong âm mưu phá hoại BT Hôn phối, cho nên số tới sẽ làm sáng tỏ cho phát biểu: “Chúc lành cho người , chứ không chúc lành cho tội lỗi”.

 

2. Chúc lành cho con người hay chúc lành cho tội lỗi?

Sự phản đối rộng rãi đối với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans (F.S) đã lan rộng khắp Giáo hội đến mọi nơi trên thế giới, khi các giáo sĩ thuộc mọi cấp bậc từ chối thực hiện phép lành cho các cặp đồng tính luyến ái được đề xuất trong văn bản mà Đức Giáo hoàng đã phê duyệt. Thêm vào đó, vì F.S mà Chính thống giáo Đông phương cắt đứt đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo. Giáo hội Coptic cho rằng bất cứ phép lành nào, bất kể loại nào, đối với những mối quan hệ như vậy đều là chúc phúc cho tội lỗi, và điều này là không thể chấp nhận được.

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ từ khắp nơi về Tuyên ngôn F.S, vào ngày 13/1/2024 trong cuộc gặp gỡ kín theo truyền thống với hàng giáo sĩ Rôma được tổ chức tại Vương cung thánh đường Latêranô. Đức Giáo Hoàng Francis tuyên bố: “Chúc lành cho con người, chứ không chúc lành cho tội lỗi”.

Bất chấp những phản đối – cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội Công Giáo – Đức Phanxicô vẫn bảo vệ tài liệu này: “Mục đích của ‘các phép lành mục vụ và tự phát’ là thể hiện một cách cụ thể sự gần gũi của Chúa và của Giáo hội đối với TẤT CẢ những ai, khi thấy mình ở trong những hoàn cảnh khác nhau, xin được giúp đỡ để tiến bước – đôi khi là bắt đầu – một con đường đức tin…” Ngài nói vào ngày 26 tháng 1 năm 2024. “Tôi muốn nhấn mạnh ngắn gọn hai điều: Thứ nhất là những phép lành này, ngoài bất cứ bối cảnh hay hình thức phụng vụ nào, không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt đạo đức để được lãnh nhận; thứ hai, khi MỘT CẶP vợ chồng tự nhiên tiến tới yêu cầu [những phước lành này], thì không phải sự kết hợp được ban phước, mà chỉ là những-người-cùng-đưa ra yêu-cầu,” ngài nói tiếp như thế.

Vậy thử hỏi, Điều gì đã khiến cho Hai-người hay MỘT CẶP “vợ chồng” tự nhiên tiến tới cùng đưa ra yêu cầu? Không lẽ tôi và bạn, hai người đồng giới chẳng biết gì về nhau, mới gặp nhau lần đầu trong thánh lễ hoặc là một cuộc hành hương nào đó, xong rồi “hai đứa” nắm tay nhau đến gặp Cha xứ và nài xin Cha “chúc lành” cho chúng con???….v.v….. Viễn cảnh đó (nếu có) chỉ có thấy trong phim ảnh chứ không bao giờ có thể xảy ra trong đời thực!

  • Sự thực chỉ có thể là nam diễn viên người Uruguay Carlos Perciavalle, 82 tuổi và Jimmy Castilhos, 47 tuổi (cộng sự và nhà sản xuất lâu năm của ông) đã kết hôn trong một buổi lễ dân sự mà họ tổ chức vào ngày 21/2/2024 với một bữa tiệc hoành tráng có sự tham dự của khoảng 400 khách. Bữa tiệc được giới truyền thông mô tả là một “đám cưới tôn giáo” do cha sở của nhà thờ, là cha Francisco Gordalina, chủ trì. Điều này đã gây ra phản ứng dữ dội khiến Giáo phận Maldonado-Punta del Este-Minas phải đưa ra tuyên bố cho biết địa điểm tổ chức là một nhà nguyện tư nhân chứ không phải một giáo xứ và Phước lành sau đó được chuyển đến trang trại của “cặp đôi” ở Laguna del Sauce.
  • Một sự thực khác nữa đó là: trong một khung cảnh đám cưới như vậy, liệu “cặp đôi” đồng tính này có thực sự muốn xin “bình an, sức khỏe, tinh thần kiên nhẫn, đối thoại và giúp đỡ lẫn nhau cho họ” như trong F.S đoạn 38 mô tả không? Hay là họ muốn minh chứng cho thế giới thấy điều gì? Không lẽ họ đang muốn xin con rắn mà ta lại đi cho họ con cá (hoặc là ngược lại) sao?

Cho nên Đức TGM Hilarion Alfeyev của Budapest, cho biết tài liệu này là “một loại gây sốc” và Ngài nói: “Bây giờ mọi người sẽ tin rằng việc Giáo hội chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái là lừa dối những người nhận được phép lành đó và cả những người chứng kiến điều đó”, quả thực là chính xác.

Sự Thật thực mà lẽ ra chúng ta phải nói với những người đang sống trong một kết hợp tội lỗi đó là: Chúng ta có nhiệm vụ phải trung thành với Đấng đã phán với chúng ta: “Tôi đã đến thế gian nhằm mục đích làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37). Đức HY Robert Sarah nhấn mạnh: “Chúng ta đến lượt mình, với tư cách là giám mục, linh mục, là người đã được rửa tội, có trách nhiệm làm chứng cho Sự thật. Nếu chúng ta không dám trung thành với lời Chúa, chúng ta không những phản bội Ngài mà còn phản bội những người mà chúng ta hướng về. Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các kết hợp đồng giới nằm trong SỰ THẬT của Lời Chúa. Làm sao chúng ta lại dám làm cho họ tin rằng việc họ ở lại trong ngục tù tội lỗi là điều tốt lành và theo thánh ý của Thiên Chúa? “Nếu anh em ở lại trong lời của Ta, thì anh em thật là môn đệ Ta; anh em sẽ biết sự thật, và SỰ THẬT sẽ giải phóng anh em” (Ga 8:32).

Cho nên, Quý vị và các bạn trẻ đừng để bị ru ngủ trước những lời DỐI TRÁ ĐẸP ĐẼ như kiểu “phép lành mục vụ” này: là “chúc lành cho con người chứ không chúc cho tội lỗi” [sic]. Chúc lành cho một sự kết hợp (union) như vậy mà không phải là “chúc tội” ư? Thử hỏi Điều gì đã liên-kết Hai-người đó lại với nhau, để “Họ” sống cùng nhau, ăn ở cùng nhau và rồi giờ còn muốn chúc-phúc cùng nhau? Nếu đối tượng của phép lành là hai người đang sống trong sự kết hợp (union) như vậy thì không phải là ta đang chúc lành cho “sự kết hợp” tội lỗi đó sao?. Nếu không phải là “chúc tội” thì tại sao năm xưa Chúa không phạt “cái Tội” mà lại phạt cả “cái thành Sodom” (tức là phạt toàn bộ con người trong thành đó). Thành Sodom nổi tiếng đến nỗi từ ngữ “Sodomie”, trong tiếng Pháp/Latin mang nghĩa là “sự kê gian” hay còn gọi là hành vi quan hệ đồng tính.

Đức HY Robert Sarah nói thêm: “Cũng cho phép tôi không rơi vào những lời ngụy biện vu vơ về ý nghĩa của từ phước lành. Rõ ràng là chúng ta có thể cầu nguyện cho tội nhân, rõ ràng là chúng ta có thể cầu xin Chúa cho họ hoán cải. Rõ ràng là chúng ta có thể chúc phúc cho từng người, từng chút một quay về với Thiên Chúa để khiêm tốn cầu xin ân sủng có được một sự thay đổi thực sự và triệt để trong cuộc đời mình. Lời cầu nguyện của Giáo Hội không bị từ chối với bất cứ ai. Nhưng nó không bao giờ có thể bị chuyển hướng sang việc hợp-pháp-hóa tội-lỗi, cơ-cấu tội-lỗi, hoặc thậm chí cơ hội gần nhất của tội lỗi. Tấm lòng thống hối và sám hối, dù còn xa mới nên thánh, cũng phải được chúc phúc. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng, trước sự từ-chối hoán-cải và sự cứng nhắc, không có lời chúc phúc nào phát ra từ miệng Thánh Phaolô mà đúng hơn là lời cảnh báo này: “Lòng chai dạ đá không chịu hối cải, anh em càng làm cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chồng chất trên đầu anh em, trong ngày Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và biểu lộ phán quyết công minh. Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm.” (Rm 2:5-6).

Thật vậy, thưa quý vị và các bạn trẻ, nếu chúng ta dễ dàng để cho sự nhầm lẫn và mơ hồ có chủ đích này mê hoặc, thì hãy hình dung cái thành “Sodom” năm xưa bây giờ nó lớn lên và phình ra thành “cái thế giới phẳng” mà ta đang sống ngày nay. Quả thực là, chúng ta giờ cũng vướng nhiều tội lỗi y như dân thành Sodom xưa, nhưng điều làm Đức Mẹ buồn nhất đó là con người chúng ta ngày nay ngang nhiên sống trong các mối quan hệ tội lỗi và từ chối hoán-cải. Giờ đây các đấng bậc thay vì kêu gọi con người ta hoán cải thì lại đi làm một cái việc ngược lại: Đó là chúc lành cho họ. Có nghĩa là gián tiếp để cho họ nghĩ rằng điều họ đang làm là không sai. Từ đó, càng đẩy họ ra xa Chúa (cho nên Mẹ mới khóc nhiều là thế). Còn đối với những người ủng hộ và biện minh cho F.S, thật đáng tiếc là bất chấp những phản đối của các nhà thần học khắp nơi thì họ lại đi ủng hộ cho một sự sai trái. Khi ủng hộ và biện minh cho sự sai trái là ta đang đứng về phía Dối trá. Khi đứng về phía Dối trá là chúng ta đang Khước từ Sự Thật và như vậy cũng đồng nghĩa với việc khước từ Sự sống đời đời. Bởi vậy, Đức Mẹ đã đau buồn biết bao trước bao LH bị lầm lạc và rơi vào hố sâu vì nghe theo sự thật dễ dãi của thế gian, y như Eva năm xưa nghe theo lời dụ dỗ của “Con rắn già” mà đánh mất thứ quý giá nhất là Sự sống đời đời, nên Mẹ khóc hết nước mắt là vậy.

Chúng tôi, cũng chỉ là những khí cụ cùn và hoen gỉ trong tay Đức Mẹ. Chỉ mong Mẹ sử dụng như là “cái loa rè”, góp chút sức tàn để kêu gọi mọi người hoán cải trở về với Thánh Tâm Chúa, trung thành với Kho tàng Đức Tin là Sự Thật đã được mặc khải trong Kinh Thánh. Đừng nghe theo những lời đường mật của thế gian mà dần chối bỏ SỰ THẬT, vì thời khắc “Thiên-Chúa nổi CƠN THỊNH NỘ và biểu lộ PHÁN QUYẾT CÔNG MINH” đã đến RẤT GẦN

 

3. Chúc lành cho “Hôn nhân đồng tính” hay Chúc lành cho “Hai người yêu nhau”?

Đầu tháng 02/2024, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Credere của Ý (*) để nhằm biện hộ cho F.S. Khi được hỏi về tài liệu gây tranh cãi của HY Fernadez, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố rằng sự phẫn nộ đối với Fiducia Supplicans là “đạo đức giả”, đồng thời Ngài nói thêm rằng: “Tôi không chúc lành cho một ‘hôn nhân đồng tính’, tôi chúc lành cho “hai người yêu nhau” và tôi cũng xin họ cầu nguyện cho tôi…. những người đồng tính luyến ái, những người tái hôn, tôi luôn cầu nguyện và chúc lành. Phước lành không nên bị từ chối đối với bất cứ ai. Mọi người, mọi người, mọi người”.

Trước làn sóng phản đối và mong muốn Đức Giáo Hoàng thu hồi lại tuyên ngôn sai trái F.S này. Tòa Thánh đã sắp xếp cuộc phỏng vấn nói trên giữa Đức Giáo Hoàng và Cha Vincenzo Vitale, Biên tập viên tạp chí Credere (Ý). Đức Thánh Cha đã đưa ra suy nghĩ của mình về một số chủ đề bao gồm Fiducia Supplicans và phép lành cho các cặp đồng tính luyến ái, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và một Giáo hội “gần gũi” với mọi người. Trong phần xem trước các câu trả lời của mình sẽ được cung cấp cho báo chí, Đức Thánh Cha trình bày một kịch bản ban phước lành cho cá nhân, cho tất cả mọi người (như chúng ta thấy ở trên). Trong khi tuyên ngôn F.S nói rõ ràng về sự chúc phúc hướng đối tượng là các “cặp đôi” (couples) được ghi rõ trong đoạn 31 “Trong chân trời được vạch ra như thế, có thể chúc lành cho các “cặp đôi” trong hoàn cảnh bất quy tắc và các cặp đồng giới….” và đoạn 38 (như đã nói ở trên). Cũng như được lập lại trong đoạn 41:  Những gì được nói trong Tuyên ngôn này về việc chúc lành cho “các cặp” đồng giới….

Lời phàn nàn của Đức Thánh Cha đối với những người chỉ trích F.S (cho rằng là họ “đạo đức giả”) đã nhanh chóng bị các nhà thần học và nhà bình luận giáo dân phản biện lại và gọi đó là lập luận “người rơm” (**) hay là một kiểu “đánh tráo khái niệm”. Vì trong lời phát biểu và lập luận của Ngài đang đề cập và bảo vệ cho một hình thức ban phước lành cho MỘT CÁ NHÂN và cho TẤT CẢ MỌI NGƯỜI – đây là điều mà không ai phản đối.

Chú thích(**): Lập luận “người rơm” (“straw man” argument) là một dạng ngụy biện phi hình thức, nó tạo nên ấn tượng rằng đã bác bỏ một lập luận, trong khi trọng tâm thực sự của lập luận đó không được giải quyết mà được thay thế bằng một lập luận khác. Người đưa ra lập luận kiểu này được gọi là “tấn công người rơm”.

Hơn nữa, việc Đức Giáo hoàng miêu tả các “cặp đôi” đồng tính là “hai người yêu nhau” là lời khẳng định mới nhất của ngài về hành vi quan hệ đồng tính luyến ái trái ngược với giáo lý Công giáo. Trước đó Ngài cũng tạo ra scandal rất lớn với phát biểu “Tôi là ai mà phán xét?”. Và thực tế là Ngài luôn ra sức bảo vệ cho giới LGBT với tuyên bố khẳng định “ủng hộ một kết hợp dân sự” giữa hai người đồng giới.

Quý vị và các bạn trẻ chúng ta hãy cùng nhau suy tư xem có được phép “ủng-hộ” một mối quan hệ tội lỗi như là một kết hợp dân sự giữa hai người đồng giới không? Thưa KHÔNG, chúng ta không được phép dù chỉ là “ủng hộ tinh thần” đi chăng nữa? chứ đừng nói đến là công khai ủng hộ. Có một ví dụ để quý vị dễ hình dung. Đó là các Cha cố đạo ngày xưa thường dạy con chiên như vầy: Ai mà đi dự Đám cưới của một đôi “Rối Hôn phối” thì sẽ không được Rước Lễ và lời dạy này vẫn còn hiệu lực đến hôm nay. (Xin mở ngoặc để giải thích thêm cho các bạn trẻ là kể cả đám cưới lần đầu tiên giữa người nam và nữ nhưng chưa hoặc không cử hành BT Hôn Phối trước đó (nghĩa là sống chung mà không Hôn phối). Quý vị nào lớn tuổi chắc sẽ biết điều này. Cho nên dù là người thân trong gia đình thì người CG cũng phải từ chối tham dự đám cưới đó. Vì sao các cụ ngày xưa khó khăn như vậy? Thưa là vì, nếu ta tham dự Tiệc cưới “rối” đó, nghĩa là ta cũng đồng thời chấp nhận sự kết hợp của họ trong đời sống vợ chồng. Đấy! sự kết hợp giữa hai người Nam và nữ trong một cuộc hôn nhân “rối” còn không được ủng hộ nữa là. Vậy thì “Tôi là ai?” mà dám đi ủng hộ một kết hợp dù là dân sự giữa hai người đồng giới tính? Tôi không còn biết Kính sợ Thiên Chúa nữa sao mà dám đi làm ngược lại với Lời dạy và Giáo huấn của Người.

Để phản bác lập luận cho rằng “Chúc lành cho hai người yêu nhau”, Đức GM Escudero – Peru đã có nhận xét “Chúc lành một CẶP ĐÔI thì cũng giống như chúc lành SỰ KẾT HỢP của cặp đôi ấy. Về lý luận cũng như trong thực tế, không có cách nào để tách biệt điều này với điều kia. Tại sao họ lại cùng nhau đến xin phép lành chứ không đến riêng lẻ từng người?”

Đức Hồng Y Müller nói thêm: “Giờ đây, việc chúc phúc cho hai người ở bên nhau chính xác là do mối quan hệ đồng tính đã gắn kết họ với nhau, do đó không khác gì việc chúc phúc cho sự kết hợp”. “Cho dù người ta có nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần rằng người ta không chúc phúc cho sự kết hợp, thì đó chính xác là điều người ta đang làm bởi tính khách quan của nghi thức đang được thực hiện.” Đức Hồng y Müller nhấn mạnh rằng: “Chúc lành cho hai-người yêu nhau như những cặp đồng phái có nghĩa là phê chuẩn sự kết hiệp của họ, cho dù không coi sự kết hiệp này như hôn phối. Vì thế, đó là một đạo lý trái ngược với giáo huấn của Giáo hội Công giáo, vì sự chấp nhận việc chúc lành này, cho dù không trực tiếp là rối đạo, nhưng theo đúng lý luận, thì nó dẫn đến lạc giáo”. Ngài còn nói thêm: “Thực vậy, có những kỷ luật Công giáo không thể bị thay đổi mà không loại bỏ đạo lý Công giáo”. Như nguyên tắc thần học của thánh Tôma Aquinô, theo đó đáng tiếc có thể xảy ra là người ta du nhập sự giả dối trong các dấu hiệu bí tích, cho dù trên lý thuyết người ta chấp nhận đạo lý.

Trong trường hợp HAI-NGƯỜI sống trong một hoàn cảnh bất hợp lệ, có lý do mục vụ nào để chúc phúc cho những người đó cùng nhau chứ không phải với tư cách cá nhân từng người? Tại sao Hai-người yêu-nhau này lại nằng nặc đòi cho bằng được chúc phúc cùng nhau, nếu không phải vì họ muốn được Chúa chấp thuận cho sự kết hợp của họ? Do đó, khi chúc phúc cho sự kết hợp tội lỗi là chấp thuận lối sống/hành vi đó và khiến họ ngày càng rời xa Thiên Chúa. Khi chấp nhận việc chúc phúc cho “hai người” trong một sự kết hợp tội lỗi tức là ta đang CHỐI BỎ SỰ THẬT vì nó ngược lại với Giáo lý và truyền thống Đức tin.

Thật vậy, cái ẩn ý của Hai-người yêu-nhau khi đến cầu xin phước lành cùng lúc đã nói rõ cái ước muốn thầm kín và ý đồ sâu xa của họ (như chúng tôi đã trình bày trong Sự thật số 10 trước đó).

Ghi chú:

https://www.vatican.va/…/rc_ddf_doc_20231218_fiducia…

http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/288743.htm

https://tgpsaigon.net/…/duc-thanh-cha-phanxico-chuc…

https://tgpsaigon.net/…/duc-thanh-cha-phanxico-tai…

——–oOo——-

ACE trong các chương trình TGTL, SVTT và các DCTĐ Kính chúc quý thính giả và các bạn trẻ một tuần bình an và được tràn đầy hồng ân cũng như được đổi mới tâm hồn nhờ Chúa Phục Sinh.