Những giọt nắng ban chiều xuyên qua kẽ lá rọi xuống loang lỗ trên mặt đường. Từng dòng xe cộ lướt qua ào ào hối hả, mọi người như có vẻ rất nhiều việc ở cái thành phố tất bật này. Ai cũng vội, ai cũng nhanh nhanh như sợ lỡ việc.

– Em nè!
– Sao mọi người cứ phải vội vội vàng vàng thế nhỉ? Có khi nào họ tự hỏi sao mình lại phải vội như thế? Chuyện gì rồi cũng sẽ đến thôi, đâu việc gì phải cố vội lên! Họ không biết tận hưởng cái không gian đang trôi qua êm đẹp như hai chúng mình ngồi đây em hen!
– Anh lại mơ mộng rồi đấy! Anh đang thả hồn vào phương trời nào vậy? Anh không biết hay giả vờ không biết là mình đang sống tại thành phố thuộc dạng sôi nổi nhất nước Việt Nam à? Ai cũng đua chen lên Sài Gòn để kiếm sống, người từ tứ phương tám hướng đua nhau lên mảnh đất bé nhỏ này chỉ vì nó năng động và dễ kiếm ăn. Họ không có nhiều thời gian mà suy tư và mơ mộng như anh với em ngồi đây đâu!
– Thì biết là thế nhưng mà thời gian, không gian là của mình, anh nghĩ nhanh hay chậm là do mình hết! Mình làm chủ được thì mình sẽ biến nó nhanh hay chậm, vội vã hay từ từ thôi!
– Thôi…anh lại vòng vèo rồi đấy ông cụ non à! Ý anh muốn nói gì đây mà hôm nay tư lự chậm rãi thế?
– À thì anh đang nghĩ đến sự tự do trong tư tưởng của con người, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Thiên Chúa ban cho sự tự do ngay từ thưở ban đầu vậy mà con người lại không biết trân trọng điều ấy! Nhiều người lại lạm dụng một cách quá đáng và không biết sử dụng sự tự do ấy để tạo nên những điều tốt đẹp!
Em có thấy là Thiên Chúa tạo dựng nên muôn loài và cuối cùng Ngài tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài đồng thời ban cho con người làm chủ muôn loài trong sự tự do, vậy mà lúc nào chúng ta cũng không biết điều đó, cứ đổ lỗi ngược lại cho Thiên Chúa, sao lại đem đến cho con người những điều tai ương và bất hạnh?.

“Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St 1,26)

– Em nghĩ xem có ngộ không? Con người một mặt cứ nói Thiên Chúa là Tình Yêu trong khi đó hễ khi gặp điều gì bất hạnh thì đổ thừa cho Chúa là không công bằng cứ than là “Ông Trời không có mắt”, rồi tự cho đó là Thánh Giá Chúa trao. Chỉ có trẻ con mới nghĩ Thiên Chúa như thế! Nghĩ Thiên Chúa nắng mưa thất thường, có khi là thần hiền cũng có khi là ông thần giữ gieo hoạ cho con người. Chịu khó suy nghĩ tý thì Chúa đâu có rảnh mà hết gieo cái này tới cái khác. Chịu khó suy luận thì mọi tội lỗi, tai ương, đau khổ là do chính con người tạo nên. Mình cứ nghĩ đơn giản đó là luật nhân quả cho dễ hiểu, hễ gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Cũng như mỗi khi chúng ta mắc một chứng bệnh nào đó cứ nghĩ là Chúa phạt mình này kia mà không chịu nghĩ mọi thứ bệnh là do cái miệng chúng ta ăn vào; ăn uống không điều độ, không kiểm soát, ăn toàn thứ đồ độc hại thì tích luỹ lâu ngày tự khắc sinh bệnh. Đó là về thể xác. Cũng như thế về phần tâm hồn, chúng ta không rèn luyện nhân đức mà cứ nuông chiều theo thói hư tật xấu thì một ngày nào đó, cái xấu nó bộc phát và nảy ra thành hành vi lúc nào khiến chúng ta không hay biết. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu : “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chúng ta được rèn luyện trong môi trường tốt thì chắc chắn sẽ thành con người đạo đức và nhân nghĩa, còn khi mà sống trong những tội lỗi hoang đàng thì dễ bị nhiễm với thói hư đó nếu chúng ta không đủ vững vàng mà vượt qua.
Hết thảy những điều đó đều do ý chí tự do của con người chọn lựa ngay từ lúc ban đầu. Câu chuyện Ông Adam và bà Eva là điển hình cho sự tội nó quyến rũ con người và con người tự nguyện theo sự tội ấy mà đánh mất đi những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa ban cho con người.

(St 3, 1-7)
Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Ðức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.
Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.

Con người vì đam mê, vì ham quyền lợi và danh vọng nên dễ bị dụ dỗ vào con đường tội lỗi, mà một khi dấn chân vào những đam mê đó thì khó mà rút ra được. Cũng như anh nói ban đầu, tại sao mọi người cứ vội vã đua chen nhau thế là vậy, họ không biết tận hưởng cái mà họ đang có và cảm thấy được niềm hạnh phúc khi mình yêu thương nhau, sống trong bầu không khí chan hoà mà Chúa đã trao ban. Đàng này họ chọn cách sống vội vàng và bon chen, thậm chí dẫm đạp lên cả nhau mà sống để rồi từ đó phát sinh ra những hệ luỵ không lường được.
– Em đồng ý là con người hoàn toàn được tự do lựa chọn nhưng đôi khi cũng vì hoàn cảnh mà họ bị cuốn theo, chứ thật ra họ cũng không muốn như thế!
– Anh lại không nghĩ tại hoàn cảnh, hoàn cảnh cũng là do chúng ta chọn mà tạo ra. Hễ mà khi bí thì chúng ta thường vin vào hoàn cảnh, tại cái này, vì cái kia, do bởi thế nọ…anh nghĩ hoàn cảnh cũng là nguyên nhân do con người lựa chọn. Họ chọn điều tốt thì hoàn cảnh sẽ đến với họ một cách tốt lành, còn họ chọn sự xấu thì tạo nên hoàn cảnh xấu! Ví như thế này nhé, anh sẽ dẫn chứng là không có chuyện tại hoàn cảnh mà con người trở nên xấu.

Một người được rèn luyện nhân đức tốt thì cho dù đặt họ vào những môi trường xấu thì họ cũng sẽ dùng những chuẩn mực mà họ được dạy để làm mọi việc theo đúng quy tắc. Hoàn toàn là do ý chí tự do của họ. Một người nước ngoài đến Việt Nam khi đi trên đường thì họ tuân thủ theo những quy tắc giao thông chứ không có chuyện họ vượt đèn đỏ hay lấn làn như một số người Việt vẫn làm! Vậy hoàn cảnh dù có thế nào thì họ vẫn tuân thủ quy tắc giao thông vì mọi hành xử là do ý chí tự do con người hướng dẫn. Họ chọn điều đúng, điều tốt thì sẽ hành xử chuẩn mực và tạo nên hoàn cảnh tốt thôi! Khi đó, hoàn cảnh chỉ là kết quả của những hành xử đúng mực thước!
– Em chào thua anh đấy! Hôm nay lý luận quá, không thèm tranh luận với anh nữa! Hôm nay trời nắng đẹp thế này mà bây giờ được chở đi ăn kem thì thích nhất!
– Ơ, sao lãng xẹt vậy! Anh đang say sưa thế mà lại nhớ tới kem là thế nào?
– Thì em thích sao thì nói vậy! Hoàn toàn là ý chí tự do của em! Em đâu có đổ thừa hoàn cảnh đâu!
– Cô bé lém lỉnh của anh ơi! Lại đá xéo anh nữa đó! Thôi, lên xe anh đưa em đi ăn kem nhãn nhé!
– Hu-ra!!! Ý chí hợp lý tạo ra hoàn cảnh tươi đẹp anh hen!
– Thua em luôn…
Ánh nắng chiều đã tắt và những con gió thoảng thổi nhẹ qua làn tóc của nàng, mùi hương tóc còn thoang thoảng lan tỏa trên sóng mũi, những sợi tóc như những sợi hương tơ bay bay trong gió khiến tôi dễ chịu một cách khó tả! Dù tôi có lý luận thế nào cũng chào thua cô bé tinh khôi này…

Tg. Uy Bảo