Cơn mưa bất chợt giữa phố thị Sài Gòn xua tan cái nóng bức của buổi trưa hè oi ả. Sài Gòn quả thật như người ta hay ví von nắng mưa thất thường như tính tình cô gái tuổi đôi mươi! Mới nắng đó, phút chốc bỗng mây đen ùn ùn kéo tới, mưa ào ào như trút nước rồi lại hanh nắng. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại có dịp ngửi được cái mùi đất quen thuộc nồng lên đến tận sóng mũi. Tôi quay qua hỏi nàng:
– Em nè! Em có nắng mưa như cô gái Sài Gòn không?
– Hong…nàng phồng đôi má phụng phịu trả lời ngọt sớt!
– Anh lại định ghẹo em đúng không? Đừng có mà tinh ranh nhé! Em không phải là cô gái Sài Gòn sáng nắng chiều mưa như anh nghi đâu nhé!
– Em là con gái Mỹ Tho chính cống! Không có nắng mưa thất thường như cô gái Sài Gòn mà anh đang mơ mộng thơ thẩn đâu nha!
– Tôi cười mỉm…đanh đá gớm! Mới hỏi tý mà đã rào trước rào sau cứ như là hàng phòng thủ dàn hàng trước cầu môn làm nản lòng chàng tiền đạo đang hăm hở sút bóng!
– Chứ sao! Anh là chúa đi đường vòng, nó vu vơ đâu đó xong cái xoay vào chủ đề lúc nào không ai hay nên em phải đề phòng chứ!
Anh nè!
– Hôm rồi anh bảo có 3 mức độ thể hiện sự hy sinh, anh nói cho em xem 3 mức độ đó là thế nào?
– Vậy anh không đi vòng vèo, ỏng ẹo như cô gái Sài Gòn nữa mà đi thẳng tuột như cô gái Mỹ Tho nha!
– Nàng ngoẹo vào hông tôi một cái rõ đau, liếc đôi mắt sắc cạnh còn chớp chớp đôi bờ mi cong!
– Úi…mới chọc tý mà đã bị ăn đòn rồi! Em này…
– Thì ai biểu vẫn còn chọc em. Cho đáng đời!
– Em nè! 3 mức độ thể hiện sự hy sinh đó là:
1. Hy Sinh cho người làm ơn với mình
2. Hy Sinh cho người không biết mình
3. Hy Sinh cho người ghét mình
Trong 3 mức độ này thì mức độ cao nhất như em đã biết là hy sinh cho người ghét mình. Còn 2 mức độ bên trên thì anh nghĩ là em cũng đã biết nhưng có thể là em chợt quên vì anh đang nói đến chuyện Chúa hy sinh cho nhân loại nên em đã nghĩ đến mức độ cao nhất!
Thông thường thì chúng ta chỉ hy sinh ở mức độ đầu vì cảm thấy có nghĩa vụ phải trả ơn nên mình phải hy sinh cho người có ơn với mình. Cao hơn chút là là minh đôi khi cũng hy sinh cho người không biết mình và chằng làm gì cho mình như là thỉnh thoảng con người chúng ta vẫn hay giúp những nghèo khó, những người có hoàn cảnh bất hạnh mà chúng ta gặp thì chúng ta động lòng trắc ẩn và làm những việc hy sinh cho họ như giúp đỡ họ hoặc chúng ta hay đi làm từ thiện đến những vùng bị bão lũ, thiên tai để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Tuy nhiên, đỉnh cao nhất của sự hy sinh vẫn là hy sinh cho người không thương yêu mình. Đơn cử như việc có những chuyện trong gia đình mà chúng ta thường thấy đó là chuyện mẹ chồng và nàng dâu! Cái định kiến đó anh không biết là nó có từ lúc nào nhưng anh nghĩ và theo quan điểm của anh thì chuyện đó xuất phát từ việc chúng ta thiếu tình thương cho dành cho nhau!
Câu chuyện đó giống như là mức độ của sự hy sinh cao nhất là hy sinh cho người ghét mình hay không đồng quan điểm với mình. Về cơ bản mẹ chồng và nàng dâu là 2 người không hề biết nhau tự ban đầu, vô tình sau này mới gặp nhau và trở thành người thân của nhau. Vậy, ban đầu họ là những người không biết nhau, dựa trên mức độ của hy sinh thì nếu chúng ta thực hành thì chúng ta có thể thực hành ở mức độ thứ 2. Như thế, vẫn là mức độ trung bình. Còn khi đã trở thành người thân của nhau mà không hy sinh cho nhau thì chúng ta bị tụt xuống mức thấp nhất đó là không có hy sinh gì cả mà còn làm việc mà Chúa không muốn là ghanh ghét nhau. Khi đã là người thân của nhau mà không yêu thương nhau, đàng này còn ghét nhau thì khi đó chúng ta không học được bài học mà Chúa dạy đó là hy sinh cho người mình thương yêu. Chúng ta quên đi việc Chúa hy sinh chết vì loài người chúng ta. Vậy anh muốn nhấn mạnh với em điểm này, dù có những mâu thuẫn, dù có những bất đồng hay thành kiến. Nếu sự hy sinh của chúng ta đủ lớn thì tình yêu trong ta củng triển nở. Khi đó, tình yêu sẽ xóa bỏ những ngăn cách, dẹp qua được những bất đồng và quên đi luôn cả những thành kiến khiến hai người có thể tiến đến một mức độ cao nhất của hy sinh là yêu thương nhau. Đó mới là đỉnh cao của sự hy sinh, nghĩa là biến sự hận thù, ghanh ghét và định kiến thành yêu thương!
Anh mong rằng, sau này nếu mà chúng mình đến với nhau thì tất cả mọi việc, dù cho nó như thế nào, dù đó là đúng hay sai, thành kiến hay bất đồng về quan điểm thì chúng ta nên nhớ bài học này đó là Hy Sinh và Yêu Thương! Hễ mà chúng ta nhớ bài học này thì anh tin rằng chúng ta sẽ hóa giải được mọi thứ cho dù điều đó có khó khăn đến đâu! Em có nghĩ như vậy không?
Em đồng ý với anh nhưng mà khó anh nhỉ!
Khó lắm đó em! Ngay cả anh nhiều khi còn chưa làm được vì bản chất con người là yếu hèn và hay ghanh đua lại còn hay kiêu ngạo! Cho nên, để học được bài học này chúng ta phải rèn luyện ngay từ bây giờ.
Nhưng mà tất cả mọi việc trên đời này dù có khó đến đâu nếu chúng ta tin tưởng và nuôi dưỡng tình yêu đủ lớn, chúng ta sẽ vượt qua được hết!
Thôi…hôm nay chúng minh bàn hy sinh thế là Mẹ vui lắm đó! Chúng mình hát tạ ơn Mẹ rồi về nhé!
Hồi nãy, tượng Mẹ còn ướt sũng vì cơn mưa bất chợt, nghe chúng mình kể lể chuyện hy sinh Mẹ khô luôn kìa! Anh nghĩ Mẹ bảo: “có hai đứa nãy giờ nói chuyện cứ cù cưa qua lại hoài làm mẹ nóng ruột khô hết mình.”
Anh lại tưởng tượng tưởng voi! Làm gì có chuyện Mẹ nghĩ như thế! Có anh đang nghĩ em cù cưa thì có!
…
“Xin Vâng! Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng”. Tiếng hát của đôi câu trẻ véo von còn vang trong đầu tôi. Hai tiếng Hy Sinh đã khó, hai tiếng Xin Vâng còn khó hơn Mẹ à! Vậy mà Mẹ trả lời Chúa gọn ơ không đắn đo! Xin Mẹ dạy chúng con nhé!
Tg. Uy Bảo