Em nè!
Em có cùng tâm trạng như anh không khi mà mỗi lần chúng mình nhìn thấy một hoàn cảnh khó nghèo trên đường đời thì trong lòng mình không khỏi chạnh lòng thương cảm!
Em có còn nhớ, chiều hôm trước khi chúng mình dừng xe đợi đèn đỏ ngay ngã tư đường, anh vô tình bắt gặp ánh mắt thương cảm của hai mẹ con bồng bế nhau đi xin ăn! Nhìn họ thật tội nghiệp, đứa bé chạc tuổi con chúng mình nằm vắt vẻo trên lưng mẹ bằng một sợi vải bó chéo ngang hông mẹ. Ấy vậy mà vẫn nhắm mắt nghiền, chắc là do mệt quá vì phải theo mẹ kiếm ăn cả ngày ngoài trời nắng chang chang của Sài Gòn. Khi ấy, anh cũng chợt thấy đôi mắt diễm lệ chưa thành dòng nhưng óng ánh như ánh trăng trên mặt hồ chuẩn bị trực chờ đợi đúng thời cơ để rơi xuống. Khi ấy anh trộm nghĩ sao mà chúng mình lại đồng cảm trước cảnh thương tâm như thế! Phải chăng vì cái cảnh cơ hàn mà hai mẹ con xin ăn làm cho con tìm mình rung động đến vậy hay là do cảm xúc mà mỗi con người tự bản chất đã có trong tâm hồn chỉ còn chờ đợi hoàn cảnh thuận lợi là trực trào tuôn ra?

Những hoàn cảnh ấy quả thật không bao giờ là hết trong xã hội vật chất và bon chen của Việt Nam chúng mình anh à! Xã hội mà ở đó con người bị bòn rút và bóp nghẹt đến cả hơi thở của tự do và bình đẳng thì những cảnh đói ăn thiếu mặc không có gì là lạ lẫm! Mỗi lần như thế em lại nghĩ đến hai đứa con của mình mà cảm thấy chạnh lòng thương cho những em bé chẳng may rơi vào hoàn cảnh túng bần cơ hàn!

– Em vẫn luôn tự hỏi sao mà Thiên Chúa lại nỡ lòng nào đưa con người mà Ngài vẫn hằng yêu thương vào trạng huống như thế?
– Phải chăng như thế là quá cay nghiệt đúng không anh?
– Phải chăng Ngài chẳng công bình tý nào khi ta nhìn thế giới vẫn còn đầy những bất công và đau khổ?
– Nhiều câu phải chăng như thế lắm trong tâm trí của em! Anh có thể giải thích cho em được không?

– Em thương mến!
– Điều em tự hỏi không chỉ một mình em thắc mắc mà là câu hỏi chung của rất nhiều người, người có đạo cũng như ngoại đạo, có những lúc chúng ta thấy Thiên Chúa thật uy thế, quyền năng và đầy lòng thương xót; cũng có khi chúng ta thấy Thiên Chúa lại như một người “vô tâm”, không nghe thấy tiếng ta cầu xin mà Người cứ “làm ngơ”
Sự thực thì không phải như thế đâu em!
Em có còn nhớ dụ ngôn 5 chiếc bánh và 2 con cá?

Mt 14, 13-21
“Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”.

Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.”

Mở đầu đoạn Tin Mừng đó Thánh Mat-thêu trình thuật lại là ” Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.” Cũng như cái xúc cảm mà anh với em bắt gặp hai mẹ con đi xin ăn ngòai đường chiều hôm trước! Chúa thấy đám đông đi theo Chúa không ngại vất vả gian nan từ sáng cho đến chiều tối quên cả ăn, quên cả đói mà họ vẫn đi theo Ngài nên Chúa chạnh lòng thương! Một hình ảnh như thế thôi thì cũng cho chúng ta thấy rằng Chúa không bao giờ vô cảm như chúng ta vẫn hay thường nghĩ về Chúa khi cầu xin điều gì đó mà xin hoài Chúa vẫn chưa nhận lời. Chúa tạo dựng nên ta, Chúa cho ta sự sống lại còn cho ta cái tự do lựa chọn chứ không hề ép buộc thì những nhu cầu cần thiết của ta lẽ nào Người không quan tâm đến? Có chăng là chúng ta thiếu lòng cậy trông và hy vọng. Cũng như đoàn người lũ lượt đi theo Chúa vất vả cả ngày, Chúa quan tâm đến cả bữa ăn cho họ là nhu cầu thấp nhất của con người. Một thái độ và lòng cảm thông cũng đủ khiến Chúa chạnh lòng thương khi thấy họ mệt mỏi lúc chiều đã dần tà sau một ngày dài.

Còn nữa, con người chúng ta hay suy đoán thiếu căn cứ và lòng kiên nhẫn thì lại kém cỏi. Hễ xin hoài không được thì quay sang oán trách và mất luôn cậy trông! Em cứ nghĩ đi, Chúa đâu phải trẻ con mà bày trò con nít đùa cợt, đợi con người cầu xin rồi dùng quyền năng của mình mà ban phát. Chúa cũng không có thời giờ mà cứ tạo đau khổ để rồi đợi con người van nài thì ra tay cứu giúp! Chúa không phải là vị anh hùng cái thế mà dân Israel năm xưa cứng lòng mong đợi, Chúa cũng không phải là ông tiên để đến dẹp trừ gian ác và đau thương; nhưng Chúa đến để làm người và mang lấy thân phận con người để cuối cùng là chịu nạn đau khổ như con người! Đích đến là chết trên Thập Tự cũng vì Yêu con người. Vậy mà con người lại hay phản bội và kém lòng cậy trông! Chính vì những lẽ đó, họ mới suy diễn và cho rằng Chúa là ông thần thiếu công bằng vì họ vẫn quen miệng hét lên rằng “Ông Trời thật bất công”! Bất công thế nào được khi tự bản thân họ không nhìn thấy rằng con người mình quá bất tín và bội tin! Con người là giống loại quá tham lam và ích kỷ, con người quá đam mê và dục vọng! Cái gì cũng muốn có được nhưng thực thi bác ái, yêu thương thì lại biếng nhác!
Mọi khổ đau của con người suy cho cùng là chính do con người gây nên cũng như nhà Phật họ vẫn hay nói rằng đó là tạo nghiệp thì phải phải lãnh lấy cái nghiệp do chính mình tạo ra. Mọi thứ trên đời này đều có Nhân – Quả. Hễ gieo bác ái thì sẽ gặt được yêu thương còn gây hận thù sẽ lãnh nhận chia rẽ. Mọi điều đều có nguyên nhân của nó, con người đau khổ, đớn đau, bệnh tật, nghèo đói về khách quan mà nói đều có nguyên nhân của nó, đó là từ ban đầu họ đã gây chia rẽ, họ biếng nhác, họ tham lam và họ không bao giờ bằng lòng với những cái mình đang có, lúc nào cũng muốn vươn cao và đứng trên luôn cả đấng tối cao là Thiên Chúa! Chính vì những tham vọng không cùng như thế mà con người lại chuốc lấy đau khổ vì sức con người thì có hạn và tài của con người thì chỉ như hạt cát trong sa mạc! Hễ muốn điều mình không thể có và tham vọng cái mình không thể đạt, chính khi ấy, con người tự chuốc lấy cái đau khổ vì cái mình muốn mà không đạt được. Mà cái đau khổ trước hết là mất bình an trong tâm hồn.

– Nhưng mà em cũng thấy có những người họ có làm gì đâu mà họ vẫn bị gặp những lúc đau khổ vài tai ương anh à?
– Em nè, thật ra mình cũng không thể phán đoán hết được như vậy vì tội lỗi con người thì chồng chất, cái chúng ta nhìn thấy cũng chỉ là bề ngoài. Chỉ có chính họ và Thiên Chúa mới nhìn thấy được cái tội của họ. Hễ khi họ nhìn thấy mình yếu đuối và tội hèn thì khi đó họ sẽ được Thiên Chúa đỡ nâng để vượt qua những gian lao thử thách! Mà khi đó chính họ sẽ phải thầm cảm ơn vì có những lúc như thế, họ mới là chính mình. Chính những khi như thế, con người mới tìm về lại với bản ngã của mình để nhận ra và cuối đầu xin ơn!
Nếu họ nhận ra được điều đó sớm thì họ sẽ mau chữa lành vết thương tâm hồn, họ sẽ tìm được suối nguồn bình an trong cuộc sống và càng thực thi bác ái yêu thương thì họ sẽ thoát được mọi khổ đau và vất vả!

– Anh nè, em cảm ơn anh nhé! Bây giờ thì em đã hiểu thêm nhiều! Nhưng em cứ hằng mong rằng thế giới này sẽ không còn những cảnh như anh và em thấy hôm trước nữa, em ước mong rằng con cái chúng mình và cả những người mình không hề quên biết được sống trong một môi trường thật ấm no và hạnh phúc và được Chúa phù trợ trên mọi nẻo đường!
– Điều em ước mong thật đẹp và chắc chắn Chúa sẽ rất vui lòng khi nghe được như thế! Nhưng để được như em ước mong thì con người trước hết phải biết Yêu Thương và thực thi Bác Ái.

Tg. Uy Bảo