“Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.” (Lc 12,59)
Anh nè!
– Sao em cứ thắc mắc là bên Công Giáo mình cứ đến Mùa Phục Sinh hay Giáng Sinh thì các tín hữu đi xưng tội. Trước đó, mọi người cứ tha hồ lỗi phạm xong đi xưng tội cái là hết hả anh?
– Em lại cũng có nghe là bên Công Giáo mình có cái nơi để con chiên đến để xưng tội là toà giải tội, để rồi con người cứ tha hồ sống buông thả, tội lỗi xong cứ chạy đến xin Chúa, vin vào lòng thương xót của Chúa để xưng tội là xong hết mọi việc. Như vậy, xem ra có vẻ giống như là một cuộc mặc cả trao đổi mua bán giữa việc tội của con người với Thiên Chúa. Như thế, con người cứ sống theo ý mình, bất chấp luân lý, lẽ sống và đạo đức. Chạy theo những đam mê trước cái đã rồi xong xuôi mọi việc, đến gần cuối đời chạy đến Chúa, xin Chúa thứ tha có phải vậy là Chúa thương xoá tội không anh?
Vì như trên đồi Calve năm nao, tên trộm lành đã thưa với Chúa trước khi chết: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi khi ông vào nước của ông (Lc 23,42) và Chúa đã đã đáp lại ngay tức thì: “Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng (Lc 23,43). Như thế, xem ra có vẻ thiếu công bằng với những người cả đời sống ăn ngay ở lành, làm việc bác ái, chịu biết bao sự hy sinh thiệt thòi như hôm trước anh vẫn bảo em phải chọn đường hẹp đi mà vào Nước Trời!
– Cảm ơn em, hôm nay em nêu lên đề tài hay quá! Sự tội và việc này nhiều người nhìn hời hợt bên ngoài sẽ có cái nhìn như thế. Anh sẽ phân tách và giải thích để em hiểu rõ hơn về sự tội, việc giải tội và các bước để mình được xoá tội mà hoà hợp trở lại làm con cái Thiên Chúa! Hơi dài dòng một tý nhưng trên nguyên tắc cơ bản của giáo lý Công Giáo là muốn được hết tội thì chúng ta phải thực hiện các bước cơ bản sau, em có còn nhớ khi mình học giáo lý không?
– Có phải là: Xét mình; Ăn năn dốc lòng chừa; Xưng tội và cuối cùng là làm việc đền tội đúng không anh?
– Giỏi quá! Những điều cơ bản của giáo lý là thế, vậy thì khi áp dụng trong cuộc sống chúng ta cũng phải dựa theo nguyên tắc ấy!
– Thứ nhất: mình phải xét mình xem mình làm những việc ấy có đáng tội không? Tội ấy nặng hay nhẹ, có phải là tội trọng không? Khi mình xét lại như thế là quá trình mình nhìn nhận những tội lỗi của mình để sau này khi gặp phải trường hợp tương tự mình sẽ không làm nữa hoặc trong tình huống đó, mình có thể tìm cách giải quyết khác để tránh đi cái tội mình đã phạm. Anh mở ngoặc ở đây tý là để xét mình cho kỹ thì nên dựa vào 10 điều răn và 7 mối tội đầu, căn cứ trên đó mà xét mình. Ngoài ra, lúc nào mình cũng phải nhờ ơn và cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để mình nhìn nhận ra tội lỗi của mình vì về bản chất con người mình yếu đuối và dễ sai phạm.
Sau khi nhìn lại vấn đề, xét thấy mình có tội rồi thì chạy đến Lòng Thương Xót Chúa, khẩn khoản cầu xin Chúa thứ tha qua việc mình đi đến toà giải tội nơi các Nhà Thờ để thông qua vị Linh Mục, mình được Chúa tha thứ và nhận được những lời khuyên bảo mà tránh không làm việc tội nữa. Thường thì mọi người nhìn bên ngoài cứ nghĩ như em nêu vấn đề là cứ đến các toà giải tội xưng tội là xong và mình hết tội. Đến đây thì thực sự mới chỉ được nửa đoạn đường và tội vẫn chưa được tha.
– Em có nhớ là mỗi lần xưng tội xong thì các Cha hay bảo mình điều gì không?
– Thì hầu hết các Cha khuyên mình đọc kinh sám hối và làm việc đền tội phải không anh?
– Các Cha nhiều khi làm theo công thức là bắt con chiên mình đọc kinh để bù lại cho những lỗi phạm của mình nếu đó là tội nhẹ! Còn nếu là tội trọng thì các Cha sẽ hỏi kỹ càng hơn về việc làm nên sự tội của mình rồi có lời khuyên giải, răn đe và hướng dẫn kỹ càng hơn tuỳ vào việc tội mà mình làm. Nhưng phải dẫn đến việc là đền bù lại cho xứng đáng việc mình gây nên tội. Anh ví dụ đơn giản như là nếu việc tội ấy gây thiệt hại cho ai đó thì mình phải bù đắp lại những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu cho thật xứng đáng và công bằng cả vật chất lẫn tinh thần vì Chúa đã từng nói trong Thánh Kinh rằng: “Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.” (Lc 12, 58-59). Xong 4 bước đó thì chúng ta sẽ được tha tội nhưng Chúa còn muốn chúng ta trở nên hoàn hảo hơn đó là phải tránh không tái phạm mặc dù hầu hết chúng ta dễ tái phạm nếu chúng ta không cầu xin ơn Chúa cho chúng ta tránh xa tội lỗi. Rồi khắc phục hậu quả mà chúng ta đã gây ra.
Anh trở lại việc tên trộm lành mà em có nhắc đến lúc đầu. Sự việc ấy, cho chúng ta một cách nhìn về lòng thương xót, chậm giận và giàu tình thương của Thiên Chúa đối với con người dù con người là giống loài hay phản nghịch và đầy rẫy tội lỗi! Thực ra anh trộm trên đồi Calve chiều hôm ấy hội đủ 4 bước để được Chúa tha thứ nên Chúa mới cho anh vào Nước Trời ngay và luôn!
Thứ nhất là anh ta biết mình tội lỗi chính là xét mình khi mắng tên trộm dữ: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23, 40-41); Thứ hai là cầu xin lòng thương xót và ăn năn dốc lòng chừa, đó là bước thứ 2 và thứ 3 “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi khi ông vào nước của ông (Lc 23,42). Cuối cùng là đền tội bởi chính cái chết của mình trên thập giá, ngay hôm ấy anh đã bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Đó là bản án đền tội cao nhất thời bấy giờ cho những lỗi phạm mà anh ấy gây ra trong đời mình với bao người.
Đấy! Toàn bộ sự việc mà anh diễn giải nãy giờ thì em có thấy là không phải đơn giản cứ làm tội thoải mái rồi chạy đến nhà thờ xưng tội là hết chuyện, xong rồi đâu vào lại đó. Con người cứ tiếp tục nuông chiều theo những thói hư tật xấu, cứ vô tư đến độ vô số tội mà không hề hay biết rồi cứ nghĩ đơn giản chạy đến xưng tội là xong, cứ nghĩ rằng Chúa sẽ thứ tha! Thiên Chúa rất giàu lòng thương xót vì Ngài yêu chúng ta đến độ hy sinh mạng sống mình. Ngài cũng rất chậm giận không nóng nảy như chúng ta nhưng Ngài rất công bằng và chính trực. Ngài chẳng thể nào để người ngay kẻ lành, sống chịu bao hy sinh và yêu thương vào Thiên Quốc cùng lúc với một người tội lỗi cứ xin Ngài rồi Ngài cho không chỉ phán một lời, thế thì còn gì là đấng công chính và giàu lòng thương! Trong khi đó, Ngài tạo đủ mọi điều kiện cho chúng ta sống tốt đẹp, dù chúng ta có làm lỗi nhưng Ngài cũng chưa phạt ngay mà cho ta cơ hội sửa đổi và sẵn sàng giúp ta hoán cải để mà đón ta vào lòng của Ngài. Đó mới chính là Thiên Chủa của Tình Yêu!
– Bây giờ thì Em đã hiểu ngọn ngành và nếu có ai hỏi em thì em sẽ giải thích như anh hen!
– Đúng đấy! Điều quan trọng là chúng ta biết và tránh làm việc tội trước khi chúng ta phải đến xưng tội. Để những mùa Giáng Sinh hay Phục Sinh, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên tinh tuyền và trong trắng để đón Chúa đến trong niềm vui và lòng yêu thương vô biên!
Anh ước mong là chúng mình luôn biết rằng Chúa bao dung nhưng Chúa hết sức công minh để chúng ta luôn là con cái sống đẹp lòng Chúa. Để tình thương của Chúa luôn ở trong Em, trong Anh mà lan toả đến những người chung quanh chúng ta!
Tg. Uy Bảo