“Em tan trường về

Mưa bay mờ mờ.

Anh trao vội vàng

Chùm hoa mới nở.

Ép vào cuối vở

Muôn thuở còn thương, Còn thương”

(“Ngày xưa Hoàng Thị” của Phạm Duy)

Duy Trân vừa trả lời cho Uyểnmy xong, thì chàng lắc đầu bảo: Không phải! chàng hắng giọng tiếp:

– Đó là anh diễn dịch ý của cả câu (xin đọc bài trước). Anh xin khoanh tròn lại hai chữ “nhiệm mầu” là “những điều kín, mật và khó hiểu” chẳng hạn như về “nước Trời”, hay là về “Thiên Chúa”.

Nói như vậy, nhưng rồi Duy trân lại nhíu mày, dường như không hài lòng về câu giải thích của mình, chàng lắc đầu, buông giọng trầm buồn:

– Có cái gì không ổn rồi! … Diễmly ạ! Em phải cứu anh đấy! Anh vừa nói cái gì nhỉ … Có phải là những cái gì đó … đã kín, lại mật, và còn khó hiểu … thế thì làm sao mà hiểu được! Cũng chẳng hạn như “nước trời”, hay “Thiên Chúa” ? Nếu như những vấn đề ấy không là huyền thoại, thì biết đâu chính mình lại đang “đi” trong huyền thoại ?

Diễmly choàng tay và tựa vào vai chàng, âu yếm bảo:

– Bình tĩnh đi anh! Em có một thí dụ này hay lắm! Em cũng vừa nhớ tới … đấy thôi! Nhưng xin tất cả các anh chị … nhắm mắt lại giùm cho!

Có tiếng xì xèo lẫn trong âm thanh ồn ào, rộn rã: “cấm hôn à … nha!” , “Đừng có lạm dụng à … nghe! lại có tiếng phì cười, làm Diễmly … mắc cở:

– Đã vậy thôi, không hát nữa!

Mọi người “ồ” lên! : “được rồi! được rồi! Tụi này nhắm mắt … Hát đi Diễmly!” … “Diễm ly hát hay lắm đó nha!”, Diễmly đáp lại:

– Em hát không có hay bằng Uyểnmy đâu! Nhưng mà em cũng cố gắng “rót” từng lời trong lúc các anh chị nhắm mắt, để hết tâm trí vào xem, có cái gì … nhiệm màu không … nhé?

Diễmly cũng nhắm mắt lại đưa hồn vào tiếng ca. đang sắp sửa hát, thì giọng nàng thỏ thẻ như một lời giới thiệu:

– Đây là bài “Ngày xưa Hoàng Thị” của nhạc sĩ Phạm Duy. Ai trong chúng ta không ít thì nhiều … cũng có chút kỷ niệm nào đó tương tựa…

Rồi từng chữ, từng chữ … như chất ngọt của viên đường tan dần, tan dần vào tâm hồn mọi người … “Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ … Ôm nghiêng tập vở. Tóc dài tà áo … vờn bay …” Giọng hát thanh thoát, từng nốt nhạc như gót chân người con gái tung tăng trên hè phố … cho đến lúc, tiếng ca tựa hồ cơn gió bay bay, vươn lên, vươn lên rõ nét từng lời:

“Em tan trường về Mưa bay mờ mờ.

Anh trao vội vàng Chùm hoa mới nở.

Ép vào cuối vở Muôn thuở còn thương,

Còn thương …”

Diễmly ngừng lại, nàng mở mắt nhìn mọi người và lên tiếng:

– Trong mấy câu chót, các anh chị, cũng như anh Duy Trân, có cảm nhận được sự gì “Mầu nhiệm” xảy ra không ?

Mọi người còn đang thinh lặng, nhẩm lại từng lời … Uyểnmy thì cô nàng lại đọc lên se-sẽ …

– Anh trao vội vàng chùm hoa mới nở … Ép vào cuối vở … Trao vội vàng, ép vào cuối vở …

Diễmly vội đưa ngón tay, trỏ thẳng vào Uyểnmy:

– Đó! Nó đó! … mọi người thấy chưa … Anh chàng trao vội vàng … có phải là một hành động, một cử chỉ “kín đáo” không? … cô nàng “Ép vào cuối vở” … coi như bí mật, không cho ai biết!

Mọi người cười “ồ” … lên: “Đúng rồi! Đúng rồi! … Thế mà  Muôn thuở còn thương, còn thương …”. Diễmly tiếp:

– Nếu có con người nào trên cõi đời này “không biết yêu” … thì bảo là huyền thoại chứ còn gì nữa! Chỉ một cử chỉ “kín đáo”, chỉ một chút “bí, mật” riêng tư của một người … Nàng nhấn mạnh:

– Thế là “mầu nhiệm của tình yêu” xuất hiện! Nhưng không là huyền thoại! Không phải là chuyện không thực, trái lại đây là chuyện rất thực! Một hiện thực không ai có thể phủ nhận!

Huyền cũng xen vào, và nhấn mạnh:

– mà cũng không ai có thể cắt nghĩa được! … có phải không tất cả quí vị ? Huyền tiếp: Do đó, “mầu nhiệm” khác với “huyền thoại, hay thần thoại” ở chỗ có thực! Mặc dù lý trí con người không hiểu nổi!

Vũ thêm vô:

– Bởi dzậy … người ta mới có câu: “Đố ai giải nghĩa được tình yêu, dù yêu là cho đi, hay nhận được rất nhiều”.

Vyvy giơ bàn tay lên, làm một cử chỉ vừa muốn mọi người cho mình một chút yên lặng, vừa muốn phát biểu một điều gì đó chợt phát hiện:

– Vyvy thấy “tình yêu” nó đang thấp thoáng đâu đây, tựa như “một cái gì đó” sống động và rất gần gũi với mình, tại sao chúng mình lại không “túm” lấy nó, mà đưa lên bàn mổ được nhỉ ?

Uyểnmy phì cười:

– Mình thì chịu thua cậu rồi đó, Vyvy ạ! Đối với mình nó chẳng khác nào “Một xe trong cõi hồng trần như bay” (Nguyễn Du). Nhưng mà đối với cậu … mình nghĩ là được đấy! Cậu hãy là một “chiến lược gia Tình yêu” đi! Bắt chước người xưa, chẻ sợi tóc làm tám đi! Ồ, không, trong ngành sinh vật học hôm nay, người ta đã chẻ sợi tóc làm tỷ lần (nano), nhờ thế mà khám phá được nhiều sinh vật xuất hiện từ mấy triệu năm trước, và cũng phát minh được nhiều điều mới lạ.

– Uyểnmy cũng có lý lắm chứ! Trần Luân bỗng thấy trực giác trong mắt mình lóe sáng lên, chàng tiếp: Cứ cho “Yêu” như là một con vật hết sức sống động “dễ thương nhưng khó hiểu” của thế giới tâm lý đi! Nhưng không phải là không có! Chính cái “thực tại” đó, nó lôi cuốn chúng ta ngồi lại như một “think-tank”, một nhóm ưu tư về nó, nghiên cứu nó như những nhà chiến lược theo cách nói của Uyểnmy, biết đâu sau này, mình lại chẳng “cưỡi lên lưng nó” phóng vào thế giới “Tâm linh”, y như các nhà khoa học đi vào không gian, hoặc lên sao Hỏa ?

Duy Trân gật đầu dăm bảy lượt, bảo:

– Phải đấy! hai người đang yêu nhau, nếu cùng nhau “nghiên cứu” chẳng lẽ “bí”, không biết chút gì … về “yêu” sao ?

Uyểnmy nhìn Duy Trân phải bật cười:

– Chẳng lẽ anh Duy Trân với chị Diễmly không phải là đang yêu … sao? Hay là em phải đổi từ là đang … “tình tứ” với nhau vậy nhé!

Diễmly liếc xéo Uyểnmy một cái rồi quay qua Huyền Vũ:

– Còn chị Huyền với anh Vũ nữa kìa!

– Chị thì không phủ nhận! chỉ là không biết gì để nói thôi! Huyền tiếp: Biết là mình đã từng “yêu” và đang “yêu” đó! Nhưng không biết làm sao mà nói … Vũ nhỉ. Mình không biết tại sao mình “yêu” nữa! Tại anh Vũ đẹp trai, hay xấu? Giàu, hay nghèo ? hay tại anh Vũ tài giỏi, hay không ? hoặc vì Vũ khéo nói, hay vụng về ? Hay là anh ấy có duyên ? Cái gì cũng có thể, nhưng cái gì cũng chưa hẳn là! Còn em thì sao … Vyvy ? Em làm ơn “túm” nó lên bàn mổ, đặt nó nằm giữa chúng ta, cho mọi người quan sát xem nào ?

Vyvy gật đầu phắt một cái và nói:

– Uhm! …Một lần kia, em bắt gặp được tư tưởng của Rousseau, mà ông không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng: “Chính cái ban đầu của tình yêu là một hành động không nghĩ ngợi suy tư gì cả, phát xuất từ một thứ tình cảm nhẹ nhàng, do cái tâm muốn giúp đỡ mà ra” … Rồi thì đức tính này “càng có tính phổ biến” ở chỗ nó đi trước cả “mọi sự động não suy tư”. Rousseau còn nói: “Con người sinh ra đã sẵn có tính nhạy cảm trước những việc cần mình giúp đỡ, và nhất là đối với những sự việc thương tâm xảy ra”.

Diễmly tủm tỉm cười thầm, trong khi Duy Trân liếc mắt, bắt gặp, hỏi:

– Em có chuyện đáng nói … phải không?

– Vyvy thảy cái mớ “bòng bong” của ông Rousseau lên. Từ từ mà nghĩ thì cũng thấy hay hay. Diễmly trả lời người yêu, rồi quay qua kể lại với mọi người: Nhớ cái lần đầu tiên gặp Uyểnmy trong thư viện, mình chỉ vô sau cái anh chàng kia một chút xíu thôi, mà không giành được cuốn sách để làm bài thi bán niên, mình gục đầu trên bàn, tính ngủ cho quên thời gian, thì Uyểnmy tới, cô nàng tưởng mình bịnh, muốn giúp đưa về nhà, nhưng mình chỉ cần cuốn sách kia thôi. Rút cuộc cô nàng cũng lập mưu cho mình lấy được cuốn sách trong tay anh chàng kia. Thế là hai đứa quen nhau(1) ! Mình nghĩ tình yêu cũng giống vậy!

Uyểnmy đưa mắt nhìn Chị Huyền, anh Vũ, rồi mỉm cười hỏi mọi người:

– Các bạn có biết khởi đầu mối tình của anh Vũ, chị Huyền không … ha ?

Hai cặp Diễmly – Duy Trân và Trần Luân – Vyvy nhao nhao lên đòi kể, trong khi Vũ nhướng mắt nhìn Uyểnmy kinh ngạc, còn Huyền thì nhìn nàng lắc đầu. Uyểnmy nhũng nhẽo, năn nỉ:

– Em chỉ muốn chứng minh cái điều ông Rousseau nói là đúng thôi mà chị! Khi thấy Huyền mỉm cười, Uyểnmy mới tiếp tục:

– Một dạo hai người dậy học cùng trường. Một buổi trưa định mệnh, khi chàng vừa cho xe chạy vào trong sân trường, thì đúng lúc nàng đi ra và trượt té, chồng tập vở học trò trên tay đổ ào xuống sân gạch. Thế là chàng liền vội vã dựng chiếc vespa một bên, đỡ nàng dậy và lượm từng cuốn tập trao lại cho nàng(2).

Duy Trân tươi cười hớn hở:

– Chỉ có thế thôi! … mà tình yêu bùng nổ ?

– Xin lỗi! còn lâu ạ! Huyền vừa lườm Trân, vừa “thanh minh thanh nga” … Tình yêu đâu có dễ như vậy …em ? Vyvy biện luận:

– Nhưng dù sao thì cũng là lớp sương sớm của ban mai phủ trên thảm cỏ xanh non của cuộc đời. Rousseau(3) còn nói rõ: “Ở thời dậy thì, các giác quan trở nên nhậy bén, nên rất “lô-gích” để cắt nghĩa về tình yêu, và đương nhiên nó bất cập đối với thời gian tuổi chưa tới”. Nhưng dù sao, cái tình cảm “phổ biến”, cái hiện tượng “nhạy cảm, mau chóng phản ứng” trước sự bịn rịn, hay cái nghĩa cử hào hiệp của một bé trai trước những giòng nước mắt trên gò má của một bé gái, vẫn là kinh nghiệm chung của con người thuộc tính “bản lai” (originaire).

– Vyvy nói đúng đấy! Anh đồng ý với em, Vũ tiếp: Tình yêu chính là “nguồn” không bao giờ cạn của đời sống đạo đức. Mạnh Tử(4) chiêm ngưỡng “cái phản ứng không nỡ” bỏ mặc, và ông gọi là cơ sở của lòng nhân (chữ Nhân trong Khổng giáo). Schopenhauer(5) cũng chấp nhận tư tưởng của Rousseau, khi ông nói “Tình yêu là ngọn nguồn của cả chính nghĩa với lòng nhân từ”. Còn Đạo Công giáo chúng ta bảo đức “mến yêu” là nhân đức nền tảng, hay là nhân đức “mẹ” của tất cả mọi nhân đức. (còn tiếp)

Uyênly

GHI-CHÚ:

(1). Câu chuyện Diễmly, Uyểnmy đã được kể trong Chânlý số 72, trang 30 dưới tựa đề “Đổi mới”.

(2). Câu chuyện Huyền, Vũ đã kể trong: Tâm Linh & Đời Sống I: “Trò chơi của quỷ” (đã phát hành), trang 312, Tâm Tư 28 “Như một bóng mây”.

(3). Jean Jacques Rousseau (1712-1778) Triết gia, Đại văn hào Pháp thế kỷ XVIII. Ông sinh tại Genève, sống bằng nghề viết văn. Năm 1750 tác phẩm Discours sur les Sciences et les Arts (Luận về khoa học và nghệ thuật) đột nhiên nâng tên tuổi ông lên hàng danh tiếng lẫy lừng. Ông viết nhiều tác phẩm trong đó có Cuốn “Nàng Héloise mới” làm tất cả đàn bà Pháp mê Rousseau. Khi sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, thì hầu hết đàn bà trên thế giới đều mê tiên sinh, xuyên qua văn chương của tiên sinh. Rousseau tạ thế ngày 2.7. 1778, lúc đó 66 tuổi.

Rousseau đề xướng một xã hội trong đó mọi người đều bình đẳng. Ông đã phác họa ra một nền Dân Chủ cho quốc gia, để trong đó, mọi người dân được thực sự tự do, dân chủ, và công bằng trước pháp luật. Chính tư tưởng này đã đưa đến cuộc cách mạng Pháp năm 1789.

(4). Mạnh Tử (372-289 BC) một trong những triết gia danh tiếng nhất của nước Trung Hoa, ông chống lại Dương Chu và Mặc Địch, sống vào thời Chiến Quốc, là môn đệ giỏi nhất của Đức Khổng Tử, mặc dầu sống sau thầy đến gần 200 năm. Ông tên Mạnh Kha, chữ là Tử Dư người nước Lỗ. Lúc đầu học với thầy Tử Tư, cháu nội Đức Khổng Tử, sau đọc và phát huy tinh ý và tư tưởng của đức thầy Khổng Tử. Tự tay biên soạn những câu giá trị trong Kinh Thi, Kinh Thư. Sách của Tiên sinh để lại đến ngày nay gồm 7 Thiên. Học vấn uyên thâm và đạo đức, được người Trung Hoa tôn sùng như vị Á Thánh, chỉ sau Đức Thánh Khổng một bậc.

(5). Schopenhauer (1788-1860), Triết gia Đức nổi tiếng tiền bán thế kỷ XIX. Tuy dạy triết nhưng sớm từ chức để lui về lãnh vực chuyên nghiên cứu và viết sách triết học. Một số tác phẩm tiêu biểu sau đây: Uber die viergache Wurzel des satzes vom Zureichenden Grande (1830 Chứng minh bốn nguyên tắc về túc lý: Khi là một vật thể; Vật thể ấy biến hành; Tiến tới hành động; và Biết hành động. Hiện tượng thuyết và Duy chí thuyết (Phénoménisme et Volontarisme); Thế giới như là một ý chí và như là một biểu tượng (Le Monde comme Volonté et comme Représentation); Hai cuốn Parerga và Parali pomena (1851) bàn về luận lý học, siêu hình học, luân lý học, mỹ thuật học, chính trị học, luật học, tâm lý học, thần thoại học. Hai cuốn này rất được đại chúng hoan nghênh…