Đứa nào tìm được Lá Diêu bông

Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy Lá

Chị chau mày

Đâu phải Lá Diêu bông

(Bài thơ “Lá Diêu bông” của Thi sĩ Hoàng Cầm* )

Vũ gật đầu, tỏ ra đồng tình với những luận điểm Vyvy đã đưa ra, nhưng rồi chàng cũng mỉm cười, quay sang Uyểnmy bảo:

– Anh không ngờ cái buổi ban đầu gặp gỡ ấy … chỉ riêng anh với chị Huyền, thế mà cũng lọt vào được trong cái “memory” – cái trí nhớ – nhỏ nhoi của em … Tài thực, thôi được rồi, em nói đi … Anh đang muốn nghe.

– Cái đó là bí mật giữa em và chị Huyền. Nhưng thôi, để Vyvy tiếp nối giòng tư duy của cậu đi!  Vyvy cười thành tiếng … nàng tiếp:

– Rousseau không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng: Tất cả các vấn đề thuộc phạm vi đạo đức đều phát xuất bởi tình yêu. Chính cái thứ “tình cảm mạnh mẽ” này, làm cho con người  phát xuất thành “ái lực” cứu giúp những kẻ khổ đau. Và đức tính này “càng có tính phổ biến” ở chỗ nó đi trước cả “mọi sự động não suy tư”. Rousseau còn nói người có tính nhạy cảm “không tơ hào lợi ích riêng tư” khi thấy sự việc đáng làm thì làm ngay.

Vũ đồng ý ngay, xen vào:

– Em nói rất đúng! Hôm đó, mình vừa ngoẹo xe vào trong cổng trường, thì bắt gặp ngay một cô gái trượt té, với một chồng sách vở học trò, đổ ào ra sân gạch còn loáng nước, vì trận mưa mới vừa dứt. Thế là bản năng tự nhiên, không phải suy nghĩ gì cả, như em vừa nói đó … “trước cả mọi sự động não suy tư”. Thú thật với các em … lúc ấy, mình cứ tự nhiên ra tay … (không ai bảo ai) mọi người đều “đồng thanh tương ứng”, phát ra cùng một khẩu ngữ: “Nghĩa hiệp” (có tiếng cười khúc khích), Vũ tiếp: Chứ nào mình có giờ để “check” xem cô nàng đẹp hay không đẹp … có quen không, gặp lần nào chưa ? (Mọi người phá lên cười, trừ Huyền) Thế mà các em biết cô nàng tỏ ra thế nào “mí” anh không ? Mọi người đua nhau hỏi:

– Sao … hả anh Vũ ? Chắc chị Huyền mừng rỡ … cám ơn rối rít ?

– Nếu được như thế, thì … nói gì nữa! Cô nàng cứ làm như … lần đầu tiên anh thấy đàn bà , con gái! Mọi người lại hùa nhau chọc Vũ:

– Thì đúng là anh Vũ “dê người ta” rồi … chứ còn gì nữa! Vũ khoát tay … rồi bảo mọi người:

– Thế thì thôi đi … khỏi nói nữa!

Mọi người thấy Vũ có vẻ … không vui, thì không ai nói nữa. vài cô gái cúi đầu, lén dấu nụ cười thầm … Uyểnmy tinh ý, nàng lên tiếng phá tan bầu khí im lặng:

– Em thì cũng đồng ý với đạo Công giáo mình bảo rằng  “Tình Yêu Thương” là một nhân đức nền tảng, hay là “Mẹ” của mọi nhân đức, cũng như Rousseau nói: “Tất cả các vấn đề thuộc phạm vi đạo đức đều phát xuất bởi tình yêu”. Nhưng ví như tình yêu trai gái … thì hà tất đã phụ thuộc chân lý ấy! Theo em, tình yêu

không lệ thuộc vào các vấn đề như là ý niệm, tôn giáo, giáo điều, huyền thoại, giáo dục và dĩ nhiên, ngay cả về phương diện đạo đức … Đây là sản phẩm trực tiếp của tự nhiên. Nó hiện hữu ở mọi xứ sở, trong mọi thời đại. Nhờ TY, mọi rào chắn giữa mình và người khác bị hủy bỏ. Nét đặc thù của tình yêu là sự tự do. Nói rõ hơn, TY là luồng của sự sống đi qua mọi người chúng ta, và làm chúng ta rung động. Cũng như vì “Thiên Chúa là Tình yêu”. Nên rào chắn giữa Ngài và chúng ta đã được hủy bỏ, để ta được thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa thuộc về ta. Tình yêu khiến con người trở nên điên rồ, như Thiên Chúa đã trở nên như vậy, vì yêu chúng ta, yêu nhân loại. Nhưng em xin đưa ra một thí dụ cụ thể hơn, nhân loại hơn, trước khi chúng ta tìm hiểu về tình yêu Thiên Chúa.

– Hay đấy, Uyểnmy … ạ! Duy Trân hưởng ứng ngay: Vì anh còn quá mới mẻ, không … phải nói thẳng ra là khúc đường anh vừa ngoẹo sang còn quá ngắn để mà hiểu, hay biết về tình yêu Thiên Chúa(1). Cho nên bằng vào những hình ảnh cụ thể, ai cũng sẽ dễ cảm nhận được hơn. Xin em tiếp tục cho.

Uyểnmy nhắm mắt đăm chiêu một chút, như để cho tâm hồn mình bước sang một thế giới xa xôi … khác, rồi mới lại từ từ mở rèm mi nhìn không gian như lơ đãng, như hợt hời. Nàng nhỏ nhẹ cất tiếng:

– Các anh chị chắc biết bài hát … Lá Diêu Bông chứ ạ ?

Có những tiếng xầm xì … Hầu như ai cũng biết có bài hát ấy, nhưng không ai thực sự nhớ lời của bản nhạc. Trần Luân đề nghị:

– Nếu Uyểnmy thuộc, thì em hát cho mọi người nghe một lần đi! Anh cũng biết chút ít về câu chuyện “Lá Diêu Bông” đấy! Chỉ không thuộc lời của bài hát thôi, vì anh không hát được.

Nàng “dạ” nhỏ một tiếng, rồi lại lắng đọng tâm tư. Một phút sau, tưởng như đã lâu lắm, nàng lại nhỏ nhẹ nói với Huyền:

– Chị cho em mượn tiếng  Tây Ban Cầm của chị một chút.

Huyền với tay lấy cây đàn, đưa cho Vũ, bảo nhỏ:

– Em không quen bài này, nhờ anh “dạo” giùm.

…Cung đàn mới cất lên đã nghe réo rắt, luyến láy … rất nhanh, rất nhanh, phá vỡ một khoảng không gian, cho thanh âm chui vào quá khứ, rồi những ngón tay Vũ chậm lại đổi sang gam La sầu, rải những cung đàn lưu luyến, rồi từng giọt … từng giọt … như đêm mưa. Đến Đúng lúc …âm thanh như dìu dặt, thì giọng hát liêu trai của Uyểnmy bình thản, đong đưa … đong đưa, như vỗ trong giấc ngủ của đêm dài nỗi xót xa vào đời:

“Lời ru buồn nghe mênh mông, mênh mông,

 sau lũy tre làng khiến lòng tôi xôn xao.
Ngày lấy chồng em đi qua con đê, con đê

mòn lối cỏ về, có chú bướm vàng bay theo em.
Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi,

lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn.
Ru em, thời thiếu nữ xa xôi;

 còn đâu bao đêm trăng thanh,

tát gàu sòng vui bên anh.
Ru em, thời con gái kiêu sa,

em đố ai tìm được lá diêu bông,

 em xin lấy làm chồng.
Ru em, thời thiếu nữ xa xôi,

mình tôi lang thang muôn nơi,

đi tìm lá cho em tôi.
Ru em, thời con gái hay quên,

 thương em tôi tìm được lá diêu bông,

sao em nỡ vội lấy chồng…

Diêu bông hỡi diêu bông, sao em nỡ vội lấy chồng”.

Giọng hát đã dứt. Tiếng đàn cũng đã tan loãng vào trong hư vô, mà cả bẩy con người vẫn còn ngồi yên trong thinh lặng như bẩy pho tượng đá. Vài phút sau, thấy Uyểnmy đưa tay gạt mấy giọt nước mắt lăn trên má, Diễmly mới lên tiếng phá vỡ bầu không khí nặng nề. Nàng vỗ về an ủi:

– Chỉ là một sáng tác hư cấu của mấy nhà nghệ sĩ thôi … mà! Cậu sao cứ hay “đập gương xưa tìm bóng cũ” … Nhưng mà phải công nhận cậu hát có hồn quá, làm cho người nghe, ai cũng phải cảm động. À mà cậu nói thật đi … Trước khi gặp bọn này, bộ …đã có chú bướm vàng … chập chờn … bay theo sau cậu … hả?

Câu hỏi của Diễmly không chỉ làm mọi người cười, mà ngay cả Uyểnmy …  Tâm hồn nàng lúc này như đã vào thu rồi … mà trên nhành môi, nụ hoa cũng phải nở.

– Bậy … nà! Cứ mỗi lần hát bài này, mình lại nhớ tới mẹ(2). Các cậu biết lý do mẹ mình … mất rồi đấy chứ! Suốt khoảng thời gian dài của ấu thơ, mình với bố … cứ y như những người đi trên con đê, mòn lối cỏ về. Hai bố con như hai chú bướm vàng, một lớn, một nhỏ … đi tìm hoài … một lá diêu bông.

– Đáng lẽ cậu nên an ủi bố … mới phải! Người đã chết rồi, làm sao mà tìm được! Diễmly an ủi bạn.

– Thì cũng là một thứ lá Diêu bông … em ạ! Trần Luân lên tiếng và chàng tiếp: Anh xin lỗi, bởi anh yêu cầu em hát, nên vô tình khơi lại nỗi buồn … trong em! Dầu vậy, cũng cám ơn em đã cho mọi người thưởng thức bài hát … rất hay.

Vyvy quay sang nói với người yêu:

– Hồi nãy, anh nói là … từng biết về câu chuyện “Lá Diêu Bông”, bây giờ anh kể cho mọi người nghe đi! Em, tuy nghe Uyểnmy hát cũng hiểu được phần nào câu chuyện tình buồn … của một đôi trai gái yêu nhau, từng có những kỷ niệm vui, buồn đầy thơ mộng bên trong lũy tre xanh. Nàng … một cô gái dễ thương, làm bộ kiêu sa, thách thức bạn mình – người con trai chung tình – đi tìm cho mình chiếc lá Diêu Bông. Phải chăng là một trò chơi tình yêu ?

Vyvy khựng lại chút xíu, rồi nhíu mày tự hỏi:

– Nhưng một cuộc tình đẹp như vậy … sao lại không có một kết thúc đẹp ? Ngày nàng đi lấy chồng, bỏ lại đôi mắt buồn … như chú bướm vàng bay theo ? Trần Luân đáp:

– Thực ra ngày xưa ở miền quê, chuyện đó cũng thường xảy ra thôi! Chuyện dựng vợ gả chồng là quyền của bố mẹ, không phải là chuyện của đám trẻ như chúng ta ngày nay. Nhưng câu “chuyện tình lá diêu bông” này … không có thực!

Mọi người cùng “ủa” lên một tiếng ngạc nhiên, ngoại trừ Uyểnmy. Trần Luân nhìn mọi người, mỉm cười tiếp:

– Đúng vậy! Năm 1990, nhạc sĩ Trần Tiến sau khi đọc bài thơ “Lá Diêu Bông” nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm, ông sáng tác ra bài hát này. Chuyện tình ông tưởng tượng ra không có chút nào giống với mối tình thực của nhà thơ. Uyểnmy gật đầu:

– Anh Trần Luân nói đúng! Nhưng xin anh kể tiếp cho các bạn! Nhiệm vụ của em “hát” … đã xong rồi!

– Được … em! Anh xin tiếp: Nếu đọc tiểu sử của Morzat, ta bắt gặp một thiên tài về âm nhạc ngay từ khi ông mới sáu tuổi, thì cũng có lý lẽ để chúng ta cảm thông được tâm hồn lãng mạn của thi sĩ Hoàng Cầm, khi ông mới chỉ là một cậu bé lên tám, mà “tiếng sét ái tình” (Coup de foudre) đã nổ tung trong lồng ngực, ngay giây phút đầu tiên gặp chị Hạnh – Người con gái mười sáu – tuổi trăng tròn, đẹp diễm lệ như một nàng tiên. Nàng trọ học từ tỉnh thành về thăm quê nhà, khi vừa bước vào cửa hàng tạp hóa của mẹ cậu. Kể từ hôm ấy, bóng hình chị Hạnh yêu kiều nằm ngủ trong trái tim của thi nhân, như một câu chuyện thần tiên viết về một nàng công chúa ngủ trong lâu đài. Suốt ba thập niên sau, mối tình đơn phương của cậu học trò nhỏ trường làng, yêu cô gái tuổi dậy thì nơi tỉnh lỵ, mới được trang trải  cho đời thành ngôn ngữ của thi ca, mang tên của một loài lá “ảo”, mà người con gái đã đặt cho cái  tên là “Lá Diêu Bông”. Đó là mùa đông năm 1959. Đến đây, Huyền cắt ngang bằng một câu hỏi:

– Thế nhân vật “chị Hạnh” có biết mình đã lọt vào trái tim của một cậu bé đa tình, mà sau này là thi sĩ Hoàng Cầm không ?

– Biết chứ chị! Người ta bảo phụ nữ có giác quan thứ sáu, chỉ liếc qua khuôn mặt là biết kẻ ấy… muốn gì ở  mình rồi! Chị thấy có đúng không ? Huyền và mấy cô gái cười rũ ra, nàng bảo:

– Liếc mắt một cái mà biết người ta muốn gì … thì chị thua! Vậy chắc giác quan thứ sáu của người đó có tương quan với điều răn thứ sáu … rồi! Cả đám cười … ha hả … Luân tiếp:

– Thật mà chị, tiếng sét đã vạch sâu trong trái tim cậu bé nỗi ẩn tình bi thương chất ngất, đến nỗi giữa nàng và cậu bé cứ như hình với bóng. Một hôm đi thăm đồng, biết chú bé lẽo đẽo theo sau mình một khoảng cũng đã gần. Nhìn chung quanh không thấy ai, nàng mới vờ vạch lá tìm sâu trên đồng chiều, cuống rạ, rồi bảo: “Đứa nào tìm được lá Diêu Bông, từ nay chị sẽ gọi bằng chồng”. Từ ngày ấy, chú bé đi khắp nơi tìm kiếm “lá Diêu Bông”. Gần Bẩy mươi năm sau, Hoàng Cầm tâm sự:

“Trước mắt tôi, chị hiện ra sáng rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi bị chị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị, chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên hết học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường số I, xê xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần của tôi ở. Phố nhỏ đìu hiu, tỉnh nhỏ … Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng” (Trích trong “Kiến Thức Ngày nay”). Kể đến đây, Trần Luân chợt hỏi:

– Không biết Uyểnmy có thuộc nguyên bài thơ của Thi sĩ Hoàng Cầm không hở ? Nàng trả lời : Em thuộc, rồi đọc cho mọi người nghe:

“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn thơ đi tìm

Đồng chiều

Cuống rạ

Chị bảo

Đứa nào tìm được Lá Diêu bông

Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy Lá

Chị chau mày

Đâu phải Lá Diêu bông

Mùa đông sau Em tìm thấy Lá

Chị lắc đầu

trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị

Em tìm thấy Lá

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con

Em tìm thấy Lá

Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn

***

Từ thuở ấy

Em cầm chiếc Lá

đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời…

…ới Diêu bông…!”

Tiếng khóc “Diêu Bông” suốt đời rên rỉ trong lòng cậu bé. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có phổ nhạc bài thơ này, và em nhớ cố nhạc sĩ còn viết thêm vào hai câu thơ kết thúc bản nhạc, để nói lên hiện thực bi đát cho một thiên tình sử. Hai câu thơ đó như thế này:

“Em đi trăm núi nghìn sông,

Nào tìm thấy Lá Diêu Bông bao giờ”.

Câu chuyện anh Trần Luân vừa kể và em cũng xin nhấn mạnh là một câu chuyện có thật, đã chứng minh định đề trước đây em đã đưa ra là: “Tình yêu có tính “Tự do”, không phụ thuộc bất cứ lãnh vực nào. Nó vượt “tường lửa” bước qua mọi rào chắn. Vượt cả không gian và thời gian, bất chấp phạm vi tuổi tác theo quan niệm chủ quan của cả con người và xã hội. Tuy nhiên, nó có thể nhượng bộ. (Còn tiếp)

Uyênly

GHI CHÚ: (*) Hoàng Cầm (22.2.1922 – 06.5.2010): Nhà thơ kiêm Kịch tác gia thời Tiền chiến. Tên thật là Bùi Tằng Việt (ghép bởi nơi sinh quán: Xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.Tuy nhiên quê gốc của ông ở Bắc Ninh). Ông sáng tác khoảng 300 bài thơ và nhiều vở kịch. Vì tham gia vào nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” nên bị rút tên ra khỏi hội nhà văn của Việt Cộng năm 1958, và bị về hưu non. Với “thiên tình sử” Lá Diêu Bông, Hoàng Cầm, người nghệ sĩ bị chôn vùi tâm hồn lãng mạn qua thời gian lâu dài trong vùng đất ngục tù, cay đắng, nhưng vẫn giữ được trái tim rực lửa như thuở học trò với người gái quê Kinh Bắc. Người CS cho ông là phản động vì dám ví thiên đường CS như chiếc Lá Diêu Bông –  thiên đường mộng ảo – không bao giờ có.

(1). Độc giả quen thuộc của Uly đều biết Duy Trân là bạn trai của Diễmly, còn đang trong thời kỳ học đạo để được rửa tội.

(2). Cái chết của mẹ nàng trong câu chuyện “Thuyền tình một lá ra khơi” (Chân Lý số 77, trang 16).