Thần Thoại và Nhiệm màu

Cuộc chiến thành Troie: Tình yêu và Hận thù

Huyền tiếp lời Uyểnmy:

– Chị đồng ý với em là tình yêu không phụ thuộc bất cứ lãnh vực nào, vì nó hoàn toàn tự do,và vượt qua mọi rào chắn. Nhưng nó vẫn đứng đầu các nhân đức, vì nó phát xuất từ Thiên Chúa. Một khi em công nhận định nghĩa của Thánh Gioan “Thiên Chúa là Tình yêu”, thì tình yêu của con người chị ví như những tia sáng chiếu xuống địa cầu, dù mang đủ mọi màu sắc “đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím, hoặc ngay cả sự mờ mờ, ảo ảo, hay thấp thoáng bóng mây che … thì nó vẫn phát xuất từ mặt trời … em thấy có đúng không ? Cũng như Vyvy đã gợi ra câu nói của Rousseau là khi con người có tình yêu thương, thì cũng sẽ có mọi tính tốt phụng sự xã hội … Có phải thế không Vyvy ?

– Dạ, Rousseau chỉ ra rằng: Người có lòng yêu thương, cũng sẽ có tất cả các đức tính tốt đối với xã hội như lòng độ lượng, lòng khoan dung, sự khoan hồng, tâm tha thứ. Tình yêu thương của họ luôn mở ra cho những người yếu đuối, kẻ phạm tội hay lỗi lầm … Nói tóm lại, nó là tổng hợp, hay thâu tóm của đạo đức.

– Anh đồng ý với Vyvy, Vũ phát biểu: Chính Schopenhauer cũng chấp nhận tư tưởng này của Rousseau, và ông gọi Tình yêu là hiện tượng thứ nhất của các vấn đề đạo đức. Nhưng chúng ta nên để ý tới khía cạnh đưa ra của Uyểnmy là Tình yêu nam nữ, nó không bị ràng buộc bởi các vấn đề của xã hội, cũng như tôn giáo, như trong câu chuyện “Lá Diêu bông” chẳng hạn. Nghĩa là khi chưa có tôn giáo, thì tình yêu đã có mặt. Chàng quay về phía Uyểnmy hỏi: Có phải ý em muốn nói lên cái quan điểm đó không ? Uyểnmy trả lời:

– Dạ, và vì thế, em muốn lật ngược lại câu hỏi: Khi ta yêu, là tình yêu tự nó phát xuất ngay từ đáy trái tim, hay từ sự hiện hữu của đối tượng ? Mọi người xầm xì:

– Ái chà! … vấn đề này gay à nha! Người thì nói: Tình yêu thì phải có chủ thể và đối tượng chứ! Nếu không có cái này, sẽ không có cái kia. Người khác bảo: Chính đối tượng làm nảy nở tình yêu. Vyvy đưa tay ngăn lại, nàng phát biểu:

– Xin mọi người im lặng giùm! Vyvy nhớ Rousseau có lần nói: “Nó là sự tự phát của trái tim khi ta xúc động trước nỗi đau khổ của kẻ khác”. Nhưng Duy Trân cãi lại:

– Nếu cho là con tim có sức tự phát, vậy tại sao cùng thấy một cảnh khổ, có người xúc động, có kẻ không ?

– Ông có đưa ra biện chứng cho cái lý đó, là một “cảnh giới trung gian” tức trí tưởng tượng của mỗi người. Dĩ nhiên, đứng trước một con người đang quằn quại, thần kinh ta không thể cung cấp cho ta cái đau đớn của nạn nhân, nhưng nó đòi hỏi nơi trí tưởng tượng. Khi cái “cảnh giới trung gian” này không còn hoạt động nữa, người ta sẽ mất đi sự nhạy cảm, hoặc thường khi trở nên “vô cảm”. Vyvy tiếp: Bởi thế, sống trong những môi trường nghèo khổ … quá nghèo khổ, người  ta có nguy cơ mất dần cảm xúc. Khi cảnh tượng khốn cùng trở nên thông thường, thì trí tưởng tượng không còn bay cao!

– Khi đó người ta trở thành ích kỷ … sao ? Duy Trân đặt câu hỏi tiếp: Vyvy à, chẳng lẽ tính vị tha, tình yêu thương hóa ra lại lệ thuộc vào cái tôi trải nghiệm … sao ? Có thể nào một trái tim yêu thương, vị tha lại chuyển biến một cách “lô-gich” thành vị kỷ ?

– Dạ, đúng vậy! … Rousseau giải thích: “Nếu tôi quan tâm đến … Nàng, cũng có nghĩa là tôi “chăm lo” cho chính tình yêu của tôi. Cũng thế, khi nói đến “sự dễ chịu đặc thù” của tình thương, ông viết: “Tình thương thật là dễ chịu, bởi vì khi đặt mình vào trạng huống của người đau khổ, ta vô tình cảm nhận được sự dễ chịu của sự ban bố, mà trước hết là ta không bị đau khổ như họ”. Uyểnmy mỉm cười, nàng hắng giọng rồi phát biểu tiếp quan điểm của mình:

– Đây chính là điều em muốn đề cập tới: Tình yêu trong sự tự do của nó, nó có thể là thế này, cũng có thể là thế khác. Nó có thể đem lại sự bảo bọc cho người khác, thì nó cũng có thể là đầu mối của sự ích kỷ – sự thỏa mãn chính con tim mình – Đi xa hơn nữa, tình yêu sinh lòng bác ái, thì chính nó cũng lại gây ra hận thù, ganh tương, ghen ghét … Ở đây có anh Trần Luân là kho tàng những câu chuyện thần thoại Hy Lạp, những câu chuyện chuyên chở triết lý nhân sinh. Hôm nay anh làm ơn kể cho mọi người nghe một câu chuyện về tình yêu được không ?

Mọi người đều nhao nhao, thích thú, và khuyến khích. Trần Luân hỏi:

– Được! …nhưng em muốn anh kể chuyện gì … cho các anh chị em đây?

– Cám ơn anh! Uyểnmy tiếp: Xin anh kể câu chuyện về “Cuộc chiến thành Troie” anh … nhé! Mọi người vỗ tay, thật tình cổ võ, vì đề tài đã làm khô khan bầu không khí trong căn phòng … lắm rồi! Trần Luân với tay lấy bình nước rót chầm chậm đầy các ly, để tập trung tư tưởng … rồi chàng tiếp:

Hầu như ai cũng cho rằng những câu chuyện trong Thần Thoại Hy-Lạp là không có thực. Thế nhưng, rất nhiều người tin rằng thiên Sử-Thi Iliad của Homer viết về “Cuộc chiến Thành Troie” là thực, và còn cho Homer là một sử gia, trong số đó có một người Đức tên là Heinrich Schliemann – Một thương gia giàu có và say mê khảo cổ – Ông quả quyết cuộc chiến thành Troie không thể coi là truyền thuyết được! Năm 1871 Schliemann bắt đầu công cuộc tìm kiếm và sau nhiều năm gian khổ, ông đã tìm ra thành Troie (tiếng Anh: Troy) trên một khu đồi ở Canakkale, thuộc miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Những sử gia Hy-lạp, nhất là Herodotus và Thucydides đều nhất trí với chuyện kể của Homer, nghĩa là Thành Troie là một thành phố có thực như sự mô tả trong sử thi Iliad là nằm gần Hellespont – Một eo biển hẹp mà ngày nay gọi là Dardanelles – Và cuộc chiến thành Troie với người Hy-lạp, liên minh dưới thời vua Agamemnon xứ Mycenaea là một thực tế lịch sử (# 1250 BC). Về phương diện lịch sử của trường thi Iliad thì đa số những nhà phê bình cho rằng: Mặc dù thế giới Địa Trung Hải thế kỷ 13 trước CN, rất xa cách với thời  Homer sống (8th – 7th BC), nhưng đa số các địa danh cũng như những sự kiện Homer mô tả trong sử thi hoàn toàn chính xác. Chẳng hạn trong quyển nhì của trường ca có bảng liệt kê địa danh, và mô tả từng phần về 164 thành phố đã liên minh quân sự với nhau, hỗ trợ cuộc chiến bao vây thành Troie. Riêng Michael Wood trong cuốn “In Search of  The Trojan War” cho biết có một số địa danh không còn có trong thời đại của Homer nữa, nhưng chỉ là một số thôi! Sau Schliemann, nhiều nhà khảo cổ và nghiên cứu đã tiếp tục đào xới và tìm thấy một cổ thành nhiều lớp chồng lên nhau bởi nhiều niên đại khác nhau, và lạ lùng thay thành Troie có thực! Ngày nay, địa danh thành Troie đã trở nên một nơi cho các khách du lịch lui tới để tưởng lại một thời oanh liệt với những anh hùng nửa nhân, nửa thần của một thủa hồng hoang … thời xa xưa ấy. Trần Luân chiêu một hớp nước, lấy giọng, rồi kể tiếp:

– Câu chuyện bắt đầu trong một tiệc cưới ở Tessali. Có tới dự bữa tiệc mới thấy lời đồn không ngoa chút nào. Thật khó mà tưởng tượng trên thế gian lại có một tiệc cưới lộng lẫy, linh đình và nguy nga tráng lệ, vô tiền khoáng hậu như vậy. Prométer, vị thần vừa là tiên tri, vừa là ân thần ưu ái đặc biệt với loài người. Chính Prométer đã tới thẳng cỗ xe của thần Mặt Trời Héliot, mang lửa xuống cho nhân loại, thuở ông ta ngồi trên đỉnh núi Olympus nhìn xuống còn có thể đếm được bao nhiêu con người. Ông tiên đoán thế nào nhỉ? Một nàng Muses lên tiếng hỏi, nàng Muses khác trả lời: “Sẽ không bao giờ có một đám cưới lớn hơn nữa! Nhưng coi chừng … trong cõi hồng trần này có cái gì được xem là tuyệt hảo chứ ? Cho nên thế nào cũng có chuyện xảy ra”. Thần Apollo nheo mắt, mỉm cười, nhìn hai nàng, hất hàm ra hiệu bảo các nàng chú ý kẻo lại sai nhịp. Các anh chị em có còn nhớ vị thần đẹp trai, tài hoa và duyên dáng này không nhỉ ? Mọi người lắc đầu, nên Trần Luân cũng không biết mình đã kể cho họ nghe chưa, nên chàng đành phải khui lại lý lịch của mấy vị thần này. Nguyên Apollo, vị thần có mái tóc vàng (cũng gọi là Apollon) và chín nàng Muses đều là con của vị thần đứng đầu các thần, danh vang khắp thiên cung cũng như Hạ giới. Đó là Thần Zeus. Apollo là con của Zeus với nữ thần Léthor. Zeus rất hài lòng khi sinh ra Apollo, vì chàng đúng là vị thần của thi ca, nghệ thuật và âm nhạc, không chỉ thế Apllo còn là thần tri thức và ánh sáng, dự báo tương lai và tài chữa bịnh. Bất cứ người nào được chàng ghé mắt, hoặc chiếu cố tới, thì cảm hứng thơ, văn, nghệ thuật ào ào, tuông chảy như suối, như mây … Các nữ thần trên đỉnh Olympus những lúc rảnh rỗi, cứ nháy nhau, lén đi nghe tiếng đàn Lia (Lyre) của chàng, thì ôi thôi, các nàng cứ lim dim cặp mắt, lắc đầu, lắc vai, như “phê” tiếng nhạc, thì đủ biết tài hoa, ngón đàn của Apollon là thế nào, đến nỗi thần Hermes nổi danh là thần của tinh hoa, vị thần của Hoàng hôn, Khoa học và sáng chế. Chính ông đã sáng tạo ra cho chàng một cây đàn Lia hết sức đặc biệt. Hermes cũng là con của thần Zeus, nhưng mẹ là nữ thần Maia, chị cả trong một gia đình bảy người con gái, mà sau này là chòm sao Thất Tinh Bắc đẩu, bố của bẩy chị em cũng là vị thần đặc biệt – Nguời khổng lồ Atlas – giang rộng hai vai, chống đỡ bầu trời. Trở lại với chín nàng Muses, cũng con của Zeus, nhưng mẹ các nàng thì lại là nữ thần Ký ức Mnémorine (Memory). Hồi đó các vị thần kể lại với nhau là: Khi Zeus vừa gặp Mnémorine thì như tiếng sét ái tình nổ, khiến chàng ngất ngây, say đắm trước nhan sắc của nàng, bèn đóng cửa trời suốt chín ngày, chín đêm liền. Sau đó thì Mnémorine sinh ra chín quả trứng, nở ra chín người con gái vô cùng xinh đẹp, tài hoa, duyên dáng. Zeus âu yếm đặt cho chín nàng chung một tên là Muses, nghĩa là “Thi Thần”, hay “Nữ thần Thi Ca”. Thế là anh chàng “Từ Thức” Apollo với chín nàng Tiên Nữ hồn nhiên bay lượn hết đỉnh núi Parnas đẹp như tranh vẽ, lại rủ nhau xuống bên giòng suối Hipocrène thơ mộng, có liễu chiều thả bóng, có tiếng chim hót, oanh ca ríu rít. Họ đàn ca, hát xướng. Giọng hát êm ái, ngọt ngào, hoà trong tiếng nhạc du dương, thánh thót, cùng với những sợi mây tơ hồng trong những vũ khúc nghê thường. Zeus nhìn không chán mắt, nên đã trao cho họ nhiệm vụ làm thăng hoa đời sống tinh thần của thế giới thần tiên Olympus và thế giới loài người. Bởi thế bữa tiệc linh đình ở lưng chừng thiên đường và hạ giới này, làm sao không có họ. Tiếng đàn nhạc, lẫn trong tiếng ca hát và nhảy múa của các nữ thần cứ dào dạt triền miên, không dứt. Chẳng có vị thần nào lại không nhận được thiệp mời tới dự tiệc cưới của cặp thần nhân Péles và Thétis. Nhà tổ chức phải khéo léo lắm mới mượn được cái động khổng lồ, mà các bức trướng thạch nhũ đủ mọi hình thể và màu sắc lung linh kỳ ảo,

diễm tuyệt, như một cung điện của Tạo Hóa trong lúc xuất thần làm nên.  Nghe nói cái động ấy của thần Santor Kiron ở Tessali phải không ? Đó là thắc mắc của thần Charon, vị này tối ngày làm nghề chở người chết qua sông Stys xuống âm phủ, nên ít biết chuyện, là con của Erebus và Nyx. Nữ thần Hy vọng Elpis (cũng con của nữ thần Nyx) mỉm cười bảo: Santor Kiron thương Péles như con, chính ông đã cứu chàng trên ngọn núi Pélicon, nếu không đã chẳng có đám cưới ngày hôm nay.

Trên cung nội điện, người ta thấy xuất hiện nữ thần Hera – Một vị nữ thần quyền uy, đường bệ, cao sang – Nữ Hoàng của các nữ thần – Bà là chị và cũng là vợ của thần Zeus và là thần bảo vệ những cặp hôn nhân có làm lễ cưới đàng hoàng. Bà có toàn quyền của một nữ hoàng trên đỉnh Olympus. Vì là chị, bà đã cự tuyệt Zeus nhiều lần đến nỗi phải trốn khỏi Olympus đi xa sống một mình, thế mà ba trăm năm sau Zeus tìm được nàng, Zeus phải nhân cơn mưa bão, hoá thân thành con chim, gãy cánh sa vào lòng nàng, khiến nàng thương xót nó, ôm nó vào ngực. Đúng lúc đó Zeus hiện nguyên hình, cưỡng bức nàng làm vợ. Sau đó thì đám cưới diễn ra long trọng. Hera luôn chống lại những đam mê của chồng, nhưng Zeus vẫn nhiều vợ. Đi bên cạnh có nữ thần Athéna – vị thần có sắc đẹp của thông minh, mẫn tiệp – Nàng là con gái của thần Zeus, nhưng mẹ là nữ thần Metis (giòng Hải tinh Okeanos) cũng là một nữ thần khôn ngoan. Khi Metis mang thai, các nữ thần Vận mệnh đã báo cho Zeus biết rằng đứa con sinh ra từ Metis sau này sẽ lật đổ ông cũng như ông đã từng đoạt ngai vàng của bố mình là Cronos. Vì thế Zeus đã nuốt cả Metis với cái bào thai của nàng vào trong bụng. Nhưng Zeus đau đớn và nhức đầu đến nỗi phải gọi thần Hephaestus tới chẻ trán của Zeus ra thì ngay lúc đó, Athena nhảy vọt ra với đầy đủ vũ khí và y phục Metis đã chuẩn bị sẵn cho nàng. Trong thần thoại Hy Lạp, Athena là Nữ thần của “Chiến tranh & Hòa bình”. Khác với người anh cùng cha khác mẹ (Hera) của nàng là Thần Ares (Mars) chuyên đi gây chiến tranh. Athena chủ hòa, nhưng nàng khuyến khích tinh thần chiến đấu cho các anh hùng và dũng sĩ, vì Hòa bình chỉ có  thể đạt được sau khi chiến thắng. Sau này ta sẽ thấy khi liên minh Hy Lạp sau mười năm không công nổi thành Trois, nản chí tính quay về thì chính nữ thần Athena đã giúp họ tạo ra con ngựa gỗ khổng lồ và mang lại chiến thắng. Athena rất có công với người dân thành Athikes, nên người ta đã lấy tên của nàng mà đổi tên thành Athikes là Thành Athène.

Uyênly