Anh thương mến,
Trong đề tài GIỌT NƯỚC MẮT NGÀ, anh có viết một khúc về chuyện chúng mình hồi còn nhỏ. Lần ấy em khóc, vì bị bố rầy. Anh nắm tay, kéo em ra ngồi ở bên giòng sông Hạ. Nhân đó, em lại nhớ đến cuốn “Yêu” của Chu Tử, sau này có lần anh mua tặng em. Trong đó có một đoạn hết sức lãng mạn là khi Diễm bị mẹ đánh, chú Đạt dắt Diễm ra sông. Trong lúc dỗ Diễm nín, hai chú cháu đùa với nhau trong giòng nước, chú Đạt hỏi Diễm: “Sau này lớn lên, Diễm làm gì?” Diễm trả lời tỉnh queo: “Sau này lớn lên, cháu lấy chú Đạt”. Trong tâm hồn Diễm khi nói câu đó, không biết có phải là một ước mơ lãng mạn hay không, hay chỉ là một câu nói hồn nhiên, không suy nghĩ? Nhưng đối với chú Đạt, trái tim Đạt đã bị ảnh hình Diễm chiếm cứ ngay từ ngày ấy, sau câu nói này.
Đạt không phải là chú thực, chỉ là thầy “kèm” Diễm tại tư gia, bạn của bố. Câu chuyện đưa đẩy đến một mối tình éo le, đầy sóng gió. Nhìn qua lăng kính “Tình yêu”, bất cứ một mối tình lãng mạn nào, cũng nhiều sức quyến rũ, nếu không muốn nói là “đẹp”. Các nhân vật trong cuộc tình, chỉ nhìn vào một khía cạnh cần phải vượt thắng, để tiến tới cùng đích, là tình yêu lý tưởng của họ. Trong cuốn “Yêu” của Chu Tử, Diễm cũng muốn cố gắng hết sức để đạt tới cùng đích của tình yêu. Nàng đã phải phấn đấu với mẹ mình, đấu tranh với những hoàn cảnh đột biến trong gia đình, mà nguyên nhân cũng vì mối tình “thầy trò”, bất phân tuổi tác, bất phân thứ bậc giữa mình với Đạt mà ra. Bố, vì cũng là giáo sư dậy triết với Đạt, nên đứng về phía bạn và con gái. Diễm tự cho cái chết của bố có liên quan với cuộc chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, lâu dài trong gia đình, mà tất cả chỉ vì hai chữ “Tình yêu”. Từ đó, nàng rơi vào vực thẳm của một cuộc chiến nội tâm. Trong vực thẳm khốn cùng, Diễm đuối sức, không còn nghị lực nào để đeo đuổi cuộc tình. Lá thư cuối cùng viết cho Đạt, Diễm đã nhắc lại một câu tiếng Pháp của Héraclite, mà trước đây Đạt đã dạy mình: “On ne se baigne pas deux fois dans le même fleur” (Không ai tắm hai lần trong cùng một giòng nước). Diễm muốn bảo cho Đạt biết, chúng ta không còn có thể nào trở lại giòng nước ngày xưa, nơi hai đứa đã ngụp lặn một cách hồn nhiên như vậy nữa!…
Anh thương mến,
Cùng lúc với trang sách cuối cùng được đóng lại, thì tâm hồn em lại bắt đầu mở ra, với rất nhiều ưu tư và sầu muộn về cuộc đời, về tình yêu, về thân phận con người, về phận hèn nhi nữ, và nhất là về những gì mà người đời cho là lý tưởng. Cái gì làm cho đời người bị đóng băng, giữa những cuộn sóng thản nhiên của người đời đang lững lờ bỏ mặc trôi ? Cái gì gọi là tứ đức, tam tòng; công dung ngôn hạnh ? Xin anh hãy khoan kết tội. Vào thời kỳ đó, em mới chỉ là một  đứa con gái mới lớn, đang tập tễnh mở to đôi mắt nhìn đời. Y như  cặp mắt nai vàng vừa chỗi dậy, xao xác nhìn đồi thông trong ánh quang minh, của một ngày vừa thức giấc. Chứ chưa đến nỗi là một cô gái “đoạn trường”, mang tâm trạng “bứt xúc”, muốn phá tung cái gọi là “ngục tù tư tưởng”. Em cũng không đến nỗi là một người có tâm hồn nổi loạn, vin vào hai chữ “lý tưởng”, mà đòi làm một cuộc “cách mạng”, san bằng tất cả, để bắt đầu làm lại!. Không, em chỉ muốn tìm xem trong những cái cũ, có thể nào còn có một ý-nghĩa mới thích hợp hơn cho đời sống con người của từng thời đại mới. Nếu không, con người sẽ không thể nào tránh khỏi sự xung đột miên viễn, kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bà Thúc – Mẹ của Diễm – đau khổ, vì đã một thời lớn lên và sống trong một nền luân lý, đạo đức, được coi là khuôn mẫu. Chính cái khuôn mẫu ấy đã đóng gông trong tâm hồn và não trạng, khiến những người mẹ như mẹ của Diễm, không thể nào chấp nhận được tầm kích mới của thế hệ tiếp nối. Diễm, đại diện cho một giòng tư duy mới hay một trào lưu mới, như cơn gió lạ, thổi vào túp lều tranh cũ, làm bật tung cả nóc, và nàng đau khổ, vì vừa là nạn nhân, vừa là “hiện chứng” thời đại, mà chính mình cũng ngỡ ngàng, không biết tại sao lại như vậy ? Ông Thúc, bố của Diễm, và Đạt (thầy dậy triết, những nhà giáo dục đương thời), trong sứ vụ những “kỹ sư tâm hồn”, thiết kế và xây dựng những công trình mới trong tâm hồn thế hệ mới. Họ chính là những cây cầu bác nối-tiếp hai thế hệ, nhưng lại lúng túng trong công trình tạo nền móng, khiến cho cây cầu chưa xây xong, đã bị xập! Vì vậy, họ trở thành những kẻ chết đuối giữa giòng! Em đang nghĩ, thời đại nào chúng ta cũng sẽ bắt gặp ba lớp người như vậy, cùng với những trạng huống bi đát của hiện tượng “lăn vào vết xe cũ”. Nếu người ta không tìm ra được những ý nghĩa mới, những sắp xếp trật tự mới trên nền tảng cũ.
Anh thương mến! Dạo ấy, trong lũ bạn của em, một hôm, có một đứa vui vẻ khoe với em rằng, cô ta đã gặp được người yêu rồi! Em mỉm cười hỏi, cho cô ta nói tiếp: “Gặp được người yêu thì sao?” Cô nàng bảo:
– Anh ta nói với tao rằng: “Anh có cảm tưởng như… đã gặp em từ muôn kiếp trước.”
– Rồi mày nghĩ sao? Mày tưởng là anh ta nói thật hả?
– Nhìn khuôn mặt của anh ta thì… không có vẻ gì là nói dối hết. Nhưng tao cũng cảm thấy có một cái gì khác lạ là, anh ấy không phải là người thứ nhất mà tao gặp. Thế nhưng, khi hai đứa vừa gặp nhau, thì tình yêu đã đến liền. Mày đừng nói là “tiếng sét ái tình” nha!.. Tao không phải là đứa mà “sét ái tình” có thể đánh gục một cách dễ dàng được!
Em nhìn cô bạn một thoáng, rồi bật cười, nói với cô ta:
– Thôi đi cô ơi! Chỉ cần cách nhau một thế hệ, đã không thể chấp nhận nhau được rồi! Nếu cô lại là người của muôn kiếp trước, thì tôi e rằng… chỉ thoáng nhìn thấy là chàng đã lủi đi thật xa rồi! Anh chàng không thuộc về… hàng “đồ cổ” chứ?
– Tao không cần phải khoe khoang, hôm nào mày gặp thì sẽ biết.
– Nếu thế thì dù hiểu theo bất cứ nghĩa nào, tao nói cho mày biết: “Rượu mới không thể đổ vào bình cũ được!” Họa chăng, mày không phải là “người em từ muôn kiếp”. Hễ chấp nhận như vậy, thì biết là anh ta đã nói sai!
Anh thương mến, từ hình ảnh đến nội dung của mấy câu truyện em vừa kể, đến nay đã quá xa vời rồi! Nhưng em lại thấy, dường như lịch sử xã hội đang tái diễn trong thế giới của anh đang sống bây giờ. Những nhân vật cũ, lại tái sinh. Những vấn nạn xưa, y như những cơn mưa, chợt tạnh, rồi lại trút xuống theo mùa. Con người vẫn tiếp tục đau khổ về những chứng bệnh xưa tái phát. Khi bệnh cũ tái phát, thì sự độc hại của nó gia tăng, vì thuốc và sự đề kháng trong cơ thể, đã lì đi mất rồi. Còn  nữa: Những sai trái trong nhân loại, vẫn cứ “tái hồi kim-Trọng”, là vì không có nhân vật nào biết mình đang sai. Ngay như chàng thanh niên trong mẩu chuyện thứ hai, anh ta đã không biết anh ta đang nói cái gì, và cô bạn gái cũng không biết cái gì mình đang nghe.
Lậy Chúa, Bẩy di ngôn trên Thánh giá xưa – Bài giảng cuối cùng – Chúa dậy cho nhân loại trên đồi Gôn-gô-tha. Đến nay, loài người chúng con vẫn không hiểu hết được. Đừng nói bảy lời(a), chỉ một lời này: “Lạy Cha, xin Cha tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Nếu chúng con chỉ học kỹ điều này, và tâm niệm suốt đời. Chúng con đã không chấp nhất lẫn nhau. Chúng con đã không hờn, giận nhau. Chúng con đã không thù ghét nhau. Chúng con đã không khinh khi nhau. Chúng con đã sẵn sàng tha thứ, cảm thông và yêu thương nhau. Vì trong chúng con, nào có ai biết việc mình làm, lại càng không hiểu việc người khác, nên thường khi ngộ nhận về nhau.
Bất cứ trên nền tảng luân lý, đạo đức nào, ngay cả bất cứ nền văn hóa nào, cho dù là thăng hoa, hay đã lỗi thời, đều kinh qua những vấn nạn thời đại. Sự bi-đát (b) của cuộc sống, phát sinh từ các nền văn hóa không kiện toàn. Chính vì thế Chúa mới phải “xuống thế làm người”- Không phải chỉ để kiện toàn lề luật Mai-sen – mà là để kiện toàn “Văn Hóa Nhân loại”. Ngày nay, Đức Gioan Phao-Lồ II gọi tên nó là “văn hóa sự chết”. Muốn biến đổi từ “văn hóa sự chết” thành “văn hóa sự sống”, chỉ có một “con đường”(The way of life) mà Đức KiTô vạch ra là: Nhân loại phải thi hành luật “Yêu thương”. Duy chỉ có luật này, mới làm cho “căn nhà văn hóa nhân loại” trở thành “Căn nhà văn hóa tình thương”.
Lậy Chúa, Chúa chỉ dạy cho chúng con một bài học, một bài học duy nhất, dễ nhất  là “Yêu thương”. Ở đâu có yêu thương, ở đó san bằng mọi tranh chấp, đố kỵ và bất công. Tình yêu, cũng chính là chìa khóa mở cửa các “ngục tù tư tưởng”(c), để hết  mọi nguyên lý, đạo lý, luân lý từ các nền văn hóa khác nhau, hoặc khác thời, có thể hòa nhập được với nhau, mà vẫn tồn tại những nét đặc trưng, được coi là biểu tượng của những nền văn hóa cá biệt. Cũng nhờ đó, mọi con người của từng thế hệ, đang sống chung trong một căn nhà (cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng), sẽ không còn ai bị tổn thương, và mọi trạng huống bi đát sẽ không còn tồn tại nữa. Nhưng lậy chúa, bài học thì không khó, nhưng tại sao, nhân loại chúng con vẫn không thể thực hiện được? Chúng con thật sự cần Chúa, cần bàn tay xoay lại trái tim nhân loại, trong đó có trái tim của  chúng con.
Tg. Uyên Ly


GHI-CHÚ:
(a).7 Di ngôn của Chúa trên Thánh giá:
1- Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm.
2- Quả thực hôm nay Ta sẽ cho anh lên Thiên đàng cùng Ta.
3- Thưa Bà, đây là con Bà, Gio-an, này là Mẹ con.
4- Lạy Cha, sao Cha bỏ con ?
5- Ta khát.
6- Mọi việc đã hoàn tất.
7- Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.
(b).Bi-đát: Phylosophie de tragique (triết lý Bi-đát) thực ra không phải đợi đến hậu bán thế kỷ xix, xx  mới có mặt. Hiểu theo một nghĩa rộng, nó là một tính chất của cuộc sống con người, thì thực ra nó đã xuất hiện trong các tác phẩm thuộc loại kinh điển thời cổ đại, như nhân vật Oedipus trong huyền thoại Hy lạp, rồi đến Aristotle khi ông định nghĩa bi kịch. Các nhân vật như: Hamlet, Vua Lear của Shakespeare. Được tuyên bố bởi các triết gia hiện đại như: Nietzsche (Đức), Miguel de Unamuno (T.B.Nha), Karl Jaspers (Đức). Hiện thực trong nhiều tác phẩm của Saint exupéri, Colètte,  J.P.Sartre, Albert Camus v.v…
(c).Ngục tù tư tưởng: Đã gặp trong Tâm-Tư 4 “ Kỷ niệm…”, rải rác trong đó một vài điểm, nêu lên những hiện tượng phản ảnh “văn hóa sự chết”.