“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”
(Huyện-thanh-Quan)

Một buổi sáng trên bãi biển, nhìn những dấu chân in trên cát, tôi đã biết ngay đêm qua, hoặc sáng sớm hôm nay, trước khi tôi có mặt, đã có những bước chân đi ngoài biển. Người đi đã đi mất, chỉ còn lại dấu chân. Nếu là dấu chân của những người không có chút liên hệ gì với tôi, thì chẳng đáng làm tôi quan tâm. Nhưng nếu là dấu chân của người thân, và nhất là của người tôi thương mến, bỏ đi trong lúc không có sự hiện diện của tôi, thì nó sẽ trở nên quan trọng trong đời sống tâm tư của mình.
Có những bước đi còn để lại dấu chân, có những bước đi không còn lại dấu vết gì! Những dấu chân trên cát, sẽ bị sóng biển xóa nhòa. Những bước chân trên hè phố, vốn dĩ đã mờ, lại còn bị vùi lấp lên nhau. Dấu chân nếu chỉ bằng vào vết tích tạo nên hình, thì chẳng có dấu chân nào tồn tại với thời gian, ngoại trừ là thánh tích. Chỉ có những dấu chân đi trong tâm hồn, là những dấu chân vượt thời gian. Dấu chân đi trong tâm hồn là những dấu chân từng gây nên ấn tượng trong đầu, thí dụ: Trong đêm chịu nạn (của Chúa), những dấu chân Giuda dẫn người đi bắt Thầy. Hành trình của những dấu chân này rất dài: Nếu kể những bước chân cụ thể, không kể những bước chân đi bằng tâm hồn. Vì sự phản bội không phải bỗng nhiên có một ngày. Nó phải âm ỉ từ lâu, và phát xuất bởi nhiều nguyên do. Những nguyên do thầm kín trong tâm hồn khiến con người phạm tội thì không ai có thể biết được. Vả lại không ai có quyền luận đoán về người khác (Gc.4:11-12). Vậy thì những bước chân cụ thể, có thể bắt đầu từ những bước chân đi liên lạc. Chắc một việc trọng đại như vậy, người ta phải liên lạc với nhau nhiều lần, để sắp đặt kế hoạch cho vẹn toàn. Nhất là để bắt một người có tài làm cho kẻ chết sống lại. Đó là đỉnh tính tài năng , mà không cần phải tính đến những tài năng khác của Đức Giêsu, theo cách nhìn con người. Sau khi kế hoạch đã chu đáo. Địa điểm và thời gian đã được xác định rõ ràng, mới đến những dấu chân đến gần “cái hôn giả nghĩa”. Phía sau bước chân “gỉa nghĩa”, còn tiếp nối những dấu chân đi nhận thù lao hợp đồng nộp Thầy. Dấu chân theo dõi người bị nộp…, cũng  có dấu chân của nuối tiếc, ăn năn khi Giuda hối hả đem trả lại ba mươi đồng bạc, cho kẻ đã mướn mình. Hành trình càng lâu, dấu chân càng dài, thì ấn tượng trong tâm hồn càng sâu đậm.  Chính những dấu chân đi nặng nề trong tâm hồn Giuda, đã gieo ông xuống vực thẳm, tự kết liễu đời mình.
Dấu chân đi trong tâm hồn, cũng là những dấu vết của tình yêu. Biến cố tình yêu trong đời cũng là một loại biến cố mãnh liệt nhất, không dễ gì quên được. Tình yêu cũng như bất cứ sự gì trên đời, đều có hai mặt. Mặt phải ví như tình yêu của Adam, Eva dành cho nhau trước giây phút sờ vào trái cấm. Tình yêu trước lúc đụng vào trái cấm là tình yêu tuyệt vời. Ta có thể đặt tên cho tình yêu ấy là “Tình yêu trong địa đàng”. Một tình yêu đã được Thiên Chúa – Đấng là tình yêu – tạo thành, và chúc phúc. Vậy thì ngược lại, tình yêu không được chúc phúc – Tình yêu ngoài địa đàng – chính là bề trái của Tình yêu. Tình yêu có kèm theo trái cấm là tình yêu đã bị tội lỗi xen vào. Lúc ấy con người đã đánh mất thần linh. Y như Adam, Eva chiều theo lời mời mọc của con rắn, là chọn lựa con đường quyến rũ, đam mê của tội lỗi. Có chọn lựa là có cân nhắc một trong hai. Lấy cái này tức là bỏ cái khác. Chấp nhận đi đường tội lỗi là quay lưng lại Thiên Chúa, là tự ý đánh mất thần linh. Chắc chắn trong quãng đời về sau của Adam, Eva – Khoảng đời  tình yêu đi trong bóng tối của sự chết – Thế nào chả nhiều lúc mơ về những dấu chân “tình yêu” đi trong địa đàng. Khi nhìn về tình yêu thời nguyên thủy, bóng dáng vườn địa đàng đã mất. Có thể tội lỗi đã xây thành, ngăn mất nẻo về.  Hai người chỉ còn có thể tìm lại được trong hồn, những dấu chân kỷ niệm thời xa xưa, mà thời gian khó xóa nhòa.
Trên bước đường tha hương, ở một lớp tuổi nào đó, người ta vẫn muốn nhớ về Sài Gòn, với những con đường hai hàng lá me xanh, nghiêng bóng đổ. Trong số những người ấy, thế nào chẳng có những người, đã từng trở về quê hương, đi lại những con đường xưa em đi. Tìm lại những dấu chân của ngày xưa thân ái… Cho dù hai bên đường phố đã thay màu. Hè phố vương đầy bụi mới. Nắng đã lên mùi ẩm ướt hơn xưa. Không gian đã thay hình đổi dạng. Chiều không còn dáng êm đềm, tha thướt của người thiếu nữ tuổi thanh xuân, mà là ảnh hình của một sự vội vã không ngừng. Ngày xưa chiều thong thả đợi chờ bóng đêm. Bây giờ chiều đi không ngoảnh mặt, chạy đua với tốc độ trên mặt đường, như sợ màn đêm buông lẹ… Chiều đi không đợi người, chỉ có người đi tìm quá khứ là muốn níu gót chân chiều. Cho hay ở thời nào cũng vậy, con người vẫn thích đi tìm dấu vết xưa.

“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”

Cho dù hồn hoang cỏ dại đã che lấp, không còn tìm lại được vết bánh xe, dấu chân ngựa. Lâu đài xưa đã hoang phế, chỉ còn trơ lại một nếp nền cũ rêu phong trong chiều tàn. Cho dù tất cả đã thay hình, đổi dạng. Bước chân dẫm trên hè phố mới, nhưng lòng vẫn sống dậy những kỷ niệm đã đi xa. Vì trong tâm hồn của mỗi người, bất chợt vẫn hằn lên những dấu chân  xưa – Những dấu chân mang về hình ảnh cũ.
Lậy Chúa, xưa xuống thế gian, Chúa đã mang theo tình yêu của Chúa vào đời – Tình Yêu làm nên địa đàng – Xin cho mọi người chúng con, đừng bao giờ đánh mất địa đàng. Vì mất địa đàng là mất tình yêu của Chúa. Mất  tình yêu Chúa là chúng con mất nẻo đường về. Không ai trong chúng con lại muốn ngồi trong bóng tối sự chết, với những nuối tiếc tìm về những dấu chân. Những dấu chân kỷ niệm dù đẹp đến mấy, cũng là những dấu chân thực sự đã mất. Xin cho những bước chân chúng con đi trên đường đời, đừng bao giờ lạc vào những nẻo đường phản bội Chúa, để linh hồn chúng con sẽ không phải mang nặng những dấu chân đi vào vực thẳm./.

Tg. Uyên Ly