(CON NGƯỜI  &  ƯỚC MƠ)

“Tôi muốn có một quả tim bao la
để yêu mến Thiên Chúa, để ôm ấp
tất cả nhu cầu của Giáo hội …Tôi
muốn hy sinh cả cuộc đời tôi để cầu
nguyện cho công việc truyền giáo”
(Thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu)
Em thương mến,
Nhìn thấy cái tựa đề, chắc em đang thầm cười anh. Anh nghĩ là em cũng đã biết mấy tối nay, anh dùng thời gian rảnh rỗi, dán mắt vào bộ phim tập Hàn quốc, có tiêu đề “Chân trời tím”. Em thừa biết, anh là một con người dễ đam mê. Cái gì cũng có thể mê được! Ở vào thời kỳ báo chí bán chạy nhờ những trang tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, hay tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình Trung hoa. Anh cũng là một độc gỉa trung tín. Không có bữa cơm nào mà không bị mẹ mắng về cái tội vừa ăn, vừa chúi mũi vào trang tiểu thuyết kiếm hiệp. Nhớ có lần em “xỏ” anh: “Thì mẹ cứ để mặc cho anh ấy “luyện kiếm” đi, biết đâu sau này nhà ta lại chả có được một võ tướng … hay ít ra thì cũng có được một anh chàng “cái bang” đi hành hiệp giang hồ.” Cô bé vừa nói vừa tủm tỉm cười:
– À… nhưng mà này, “Cái bang” là cái … gì, hả anh ? Em cứ nghe lũ bạn nói, mà chẳng biết nó là cái gì!
Hôm ấy anh thật sự muốn cười, nhưng không cười lên được, vì biết là mình sinh ra phải cái gia đình, Từ mẹ cho đến các em, người nào cũng có tài châm biếm. Biết vậy nên cứ “phớt tỉnh” đi mà trả lời.
– Cái bang là cái … bọn ăn mày, chứ còn là cái gì nữa! … Nhưng mà, bộ anh có cái tướng này sao?
Nói xong, anh ngước nhìn lên, bắt gặp đôi mắt mẹ tròn xoe, miệng há “hốc”:
– Trời đất ơi! Đi ăn xin mà cũng cần phải có tướng nữa ư? Mẹ tưởng, nếu mà học hành không ra gì. Làm thày không được, làm thợ cũng không xong, thì xách cái bị đi ăn xin, thế nào chả có người cho!
Biết là mây đen kéo tới rồi, không khéo lại có bão, thế là hai anh em nháy nhau, phá lên cười, rồi mạnh ai nấy “lủi”. Thời gian qua mau! … Em mất chẳng được bao lâu, là đến tang mẹ, rồi tang ba. Rút cuộc lại, những gì quí hóa nhất trên đời, anh đều đã mất sạch! … Nhưng thôi, mình lạc đề quá xa rồi! Anh muốn “thông tin” cho em biết: Thế gian bây giờ, nhất là sống ở các nước Tây phương, người ta không còn thời giờ để mà đọc sách, đọc báo nữa. Nói chi đến tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết kiếm hiệp. Bây giờ, ở dưới này, người ta gọi là “Thời đại tin học”, hay là “Thời đại vi tính”. Cái gì cũng đều có ở máy vi tính hết, kể cả các môn giải trí. Anh nghĩ báo chí Việt ngữ cũng chỉ “ngoi ngóp” khoảng mươi, mười lăm năm nữa là cùng thôi! Song song với vi tính, là trào lưu điện ảnh. Người Á-châu mình, đa số “ghiền” phim tập. Trước đây thì phim Hồng Kông, sau các hãng phim Đài loan, Hàn quốc nổi lên cạnh tranh. Bây giờ cũng có nhiều người thích phim Hàn quốc. Anh đã nói với em, anh thuộc loại người đam mê, hễ cái gì người ta thích được, thì mình cũng phải thích. Nhưng anh không giám được thích nhiều, cũng như ngày xưa “có mẹ”, bây giờ anh “có chị”. Anh biết ngày xưa mẹ đúng, thì bây giờ anh cũng phải nghe chị. Cuộc đời anh, lúc nào cũng đam mê, nên bao giờ mình cũng đứng ở phía “sai và trái”. Em nghĩ xem, có ai đam mê mà đúng bao giờ? Chính vì cứ “sai và trái”, nên “Tự do” cũng mất mát nhiều! Em thì tốt phúc rồi. Chẳng phải người đam mê, mà số cũng chưa phải lập gia đình, về bên thế giới ấy … thì tha hồ mà tự do (?)… Lại nói về “cái mà” mình không giám được thích nhiều … Hôm rồi coi bộ phim “Chân trời tím”. Cốt lõi của cuốn phim chỉ là: có hai nhân vật chính “mơ ước” làm thế nào, chế tạo được loại rượu nho, mà người uống vào sẽ cảm nhận được hương vị của hạnh phúc. Cuốn phim dẫn dắt người xem, đi từ những năm tháng của một cậu bé tên Giang-Tổ, có cơ duyên sống cạnh một cô bé xinh đẹp, thông minh, kháu khỉnh, và dễ thương, tên Kiều. Tuổi ấu thơ của họ lớn lên trong một trang trại vừa trồng nho, vừa sản xuất rượu nho. Trang trại này có tên là: “Rượu trang Hạnh-Phúc”. Cùng với những thú vui đùa giỡn bên nhau, Họ học được cách trồng nho, lựa giống, làm rượu và thử rượu. Kiều là một cô gái có năng khiếu trời cho đặc biệt. Nàng chỉ hớp một ngụm rượu là có thể phân hạng, gọi tên từng loại rượu nho, và biết được sản xuất từ xứ nào. Tuy vậy, rượu nho khắp nơi trên thế giới, và ngay cả những loại rượu được chế tạo trong trang trại nàng đang ở, chưa có loại rượu đỏ nào, thực sự xứng đáng với cái tên đề ở ngoài cổng của trang trại. Từ đó, nàng khao khát, “Ứơc Mơ”, sẽ có một ngày … Chính bàn tay nàng, sẽ tìm ra được một loại nho, và làm ra một thứ rượu, mà bất cứ ai, khi nâng ly rượu nho lên miệng, trước khi uống, nó sẽ bốc mùi thơm ngon tuyệt vời, nhẹ nhàng, đi vào khứu giác. Người ta se-sẽ, khẽ lắc ly rượu, rồi hớp một ngụm nhỏ vào miệng, từ từ nhắm mắt lại. Một cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng, đi vào tâm tư, rồi biến thành cảm xúc, “vỡ òa”, tràn ngập tâm hồn. Trong sự tràn ngập ấy, người uống sẽ cảm nhận được niềm say đắm của hạnh phúc. Có như vậy mới gọi được là “Rượu Trang Hạnh Phúc”. Nhưng “ƯỚC MƠ” trong đời không dễ dàng như người ta tưởng. Hơn nữa lại là ước mơ thời thơ ấu. Tuổi ấu thơ qua đi, như giòng sông, con nước chảy, trôi qua những ngã rẽ của cuộc đời. Hai đứa bé, như hai cánh bèo, nổi trôi trên vạn nẻo phương trời cách biệt. Trong mỗi đời người, lại gặp biết bao nhiêu người đời. Kẻ tốt, người xấu, trộn lộn vào nhau. Cùng những hoàn cảnh trớ trêu, những sóng gió, bão táp của cuộc đời, tạo nên biết bao nhiêu bi-kịch trong cuộc sống… Hầu hết mọi cuốn phim, đều được xây dựng theo cái kiểu như thế. Chỉ khác nhau là ở những tình tiết. Nhưng ở đây, nhà làm phim muốn xây dựng một triết lý sống ở đời, rập theo khuôn mẫu con người trong triết lý KiTô Giáo. Nói một cách giản đơn là: “Đem đạo vào đời”. Cuốn phim “Chân trời tím” đã xây dựng những nhân vật điển hình có “Một tình yêu thương bao la, một tấm lòng tha thứ vô bờ”. Chính tình yêu thương, và lòng vị tha đó, đã cải hóa địch thù, biến những người xấu, trở nên tốt, và hoàn cảnh tồi tệ của những nhân vật chính, nhờ đó mà ngày càng sáng sủa hơn. Còn một điểm nữa: Trong bất cứ tình huống bi đát nào, khi con người, tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa, thì ngay cả một “Chân trời tím” đang ở trước mắt, chẳng mấy chốc cũng biến thành “RƯỢU TRANG HẠNH PHÚC”, và cũng là điểm kết cấu của cuốn phim.
Em thân mến, người đời có những ước mơ của người đời, Thánh cũng có những ước mơ của Thánh. Đọc “Một Tâm hồn” của Thánh nữ Têrêsa, anh cũng từng gặp những ước mơ của vị Thánh nữ này, chẳng hạn: “Tôi muốn có một trái tim bao la để yêu mến Thiên Chúa, để ôm ấp tất cả nhu cầu của Giáo Hội… Tôi muốn hy sinh cả cuộc đời tôi, để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo”. Nơi khác, khi biết Chúa Giêsu: “Ta là bông hoa nở ngoài đồng, bông Huệ mọc dưới thung lũng” (Cant.II ,1), thì Thánh nữ đã mơ ước mình là một giọt sương đọng trong cánh Huệ: “Giọt sương trong đêm khuya, khuất mắt thế gian. Nhưng khi bóng tối dần dà tan hết, thì Bông hoa nở ngoài đồng sẽ trở thành Mặt Trời Công Chính (Malach IV,2), và cái giọt sương tri âm của Bông Hoa, cũng tiến tới Mặt Trời, như một mùi thơm của Tình ái. Mặt trời giãi vào mùi thơm đó một tia sáng, thì trước mặt Thiên triều, mùi thơm ấy sẽ muôn đời rực rỡ, sáng láng tựa hồ hạt kim cương, như tấm gương trong của Mặt Trời Thiên Chúa”. Thật là một ƯỚC MƠ vừa lãng mạn, vừa tuyệt vời cao quí.
Xem ra như thế thì ước mơ cũng là một món quà, Thượng Đế tặng cho con người, ai ai cũng được quyền mơ ước. Nhưng mơ ước thế nào, mơ ước những gì, thì lại còn tùy. Một nhà tư tưởng có viết điều này: “Bàn về ước mơ của con người, cũng như bàn về một con dao hai lưỡi.” Ngôn từ triết học gọi là Lưỡng đao Luận”. Kẻ biết xử dụng thành tốt, ngược lại có thể lại là oan nghiệt (Y như cây Thiên Tử kiếm của nàng Ngu-cơ tặng cho Sở Bá Vương trong Hán sở tranh hùng).
Em thân mến, có những ước mơ, những khát vọng nâng con người lên cao, ngang hàng với các bậc Thần thánh, thì lại cũng có những mơ ước, những khát vọng làm cho con người sa vào vực thẳm, biến con người thành hung thần, hay ác quỉ.
Nhân loại ngày nay, nhiều phiền sầu, đau khổ, có phải phần lớn phát xuất từ những mơ ước của chính mình, hoặc do tác động của những ước mơ lớn trong nhân loại, một khi những ước mơ ấy không chính đáng?
Lậy Chúa, sống giữa đời, con có biết bao nhiêu là mơ ước, con làm sao biết phân biệt thế nào là chính đáng hay không chính đáng? Nhưng con lại nhớ, Chúa đã chỉ dạy con: “…Của Séza trả lại  cho Séza, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Bây giờ con chỉ cần “sàng, lọc” lại, xem những ước mơ nào lôi kéo con về với thế gian, những ước mơ nào đem con về bên Chúa ./.
Tg. Uyên Ly