(Con Người & Ước Mơ)

Người anh rất yêu quí của em!
Hồi còn nhỏ, em hay khóc. Anh cứ thường gọi em là “Cô bé mắt ướt”. Mỗi lần dỗ “người em mắt ướt”, anh lại phải kể cho em nghe một câu chuyện. Nào là: Cô bé lọ lem; Aladin với cây đèn thần; Nàng bạch tuyết bảy chú lùn; Bày dê và con chó sói; Chử đồng Tử và công chúa Tiên Dung v.v… Khi chập chững tuổi “ô-mai” (Tuổi 13), em vẫn còn thích ngồi nghe anh kể chuyện. Bấy giờ, anh đã đổi thể truyện. Để tập tành cho em suy nghĩ, anh kể những chuyện: Người vợ trẻ của vua Ulysse (gương trung trinh); Truyện đạo thì có Maria Goretti (Vị Thánh nữ tiết hạnh); Lịch sử thì có những tấm gương: Bà Lê Chân; Công Chúa Thánh Thiên; Nữ Chúa Phật Nguyệt. Tất nhiên là không thể thiếu Trưng-Nữ Vương… Những vị “Liễu yếu đào tơ” yêu dân tộc, yêu Tổ Quốc. Rồi có khoảng thời gian anh xa nhà, cứ mỗi kỳ nghỉ hè về, anh kể cho nghe những huyền thoại Đông Tây như: Jeus, vị thần cai quản; Helios, thần mặt trời; Thémis thần công lý; Tiên nữ Climéné; Gaie thần mẹ đất; Héra thần hôn nhân và hạnh phúc (Thần thoại Hy lạp). Bố Rồng, Mẹ Tiên (huyền thoại V.N). v.v… Đó là những chuyện người xưa dựng Thuyết. Trong số những huyền thoại, có chuyện nàng Aphrodite (Thần thoại Hy-Lạp). Tuy là chuyện xưa, anh kể cho em, nhưng thiết nghĩ cũng nên nhắc lại cho anh nhớ (anh có quyền tưởng tượng em đang cười thầm).
Aphrodite là vị Nữ thần Tình yêu và nhan sắc. Nàng đẹp cỡ nào, thì ngày xưa chính miệng anh kể: nào là sinh ra bởi bọt biển của sóng, với tiếng ca dìu dặt của gió Nam. Là sự mềm mại, uyển chuyển của đường nét, là sự cân đối của nghệ thuật. Là nhan sắc của trời xanh lồng lộng, pha lẫn ánh sáng trong trẻo, ngời ngợi tràn lên những áng mây trắng muốt. Với khuôn mặt diễm kiều, dáng đi khoan thai, mái tóc vàng óng ả, búi gọn, ngự trị trên chiếc cổ cao cao, đầy đặn, tỏa ra hương thơm ngạt ngào … Nàng đi tới đâu, bầu trời rạng rỡ tới đó; đất nở ra muôn hồng, nghìn tía. Đi theo là các nữ thần duyên sắc (Kharit), nữ thần Thời-gian (Hor) – lo về trang sức, hộ tống. Vừa rời khỏi vùng biển của đảo Chyprie (quê hương của Aphrodite), là nàng đã được đưa ngay lên cung điện Olympia, thế giới vĩnh hằng của các vị thần thánh (dĩ nhiên chỉ là thế giới thần thoại Hy lạp). Vì nàng là nữ thần của sắc đẹp kỳ diệu, nên cả thế giới thần thánh và loài người đều phải khuất phục trước quyền lực của Aphrodite. Thần thoại Hy lạp kể: Quyền lực của Aphrodite được biểu hiện ở chiếc thắt lưng của nàng. Nó giúp cho người ta đạt được những ước mơ tình yêu  trên đường tình duyên, hay hạnh phúc lứa đôi. Nhắc tới đây, em lại nhớ, dạo ấy anh đã ba mươi tuổi, mà duyên tình vẫn còn trắc trở (em không dám đùa, chỉ cười tí thôi). Lúc đó em nghĩ, biết đâu trong đầu anh cũng “mơ ước” có được chiếc giấy thông hành đi Đen-phơ (Delphie), hay Corinto (Những đền thờ Aphrodite ở Hy Lạp), hoặc ra đảo Síp (Chyprie), để được sờ vào cái giây lưng của nàng Aphrodite… hầu được nàng chiếu cố ước mơ vợ chồng cho anh.
Chuyện đã xa rồi, rút cuộc thì anh cũng lấy được đúng người mình yêu (thỏa lòng mơ ước nhé!). Thế mà bây giờ không những kể xấu em (Em chỉ nói lên sự thực thôi, chứ dám xỏ xiên anh bao giờ), anh lại còn nói xấu chị, rồi bảo là “tự do cũng mất mát nhiều” (đọc “Rượu Trang Hạnh Phúc”). Trong cõi Tâm Linh, không còn ai nói xấu ai, cũng không còn ai giận hờn ai, chỉ có tình yêu và  tha thứ. Bởi vậy, anh cứ yên trí là em sẽ không hờn mát anh chút nào cả. Cái thời để mà hờn mát xa xưa, bây giờ cũng đã qua rồi. Mục đích hôm nay, em kể lại câu chuyện thần thoại trên, cũng chỉ là để góp ý thêm với anh, về hai chữ “ước mơ” hay là “mơ ước”. Nhưng trước khi bàn, em xin được có ý kiến về hai chữ “tự do”, mà anh bảo là “đã bị mất mát nhiều”. Thực ra thì em cũng biết là anh chỉ đùa thôi, nhưng trong dương gian, người ta cứ phao ra rằng: Hôn nhân làm cho sự “tự do” của cả hai không nhiều thì ít, đã không còn được như xưa. Dĩ nhiên không có lửa làm sao có khói. Vấn đề là tuổi trẻ hôm nay, có nhiều người vin vào đó để khước từ đời sống hôn nhân. Họ chỉ thích sống chung với nhau cho thoải mái. Đến lúc không còn thích hợp, thì chia tay, mà không phải chịu sự ràng buộc nào của tôn giáo hay luật pháp. Em muốn nhân dịp này, qua anh để nhắn nhủ với họ rằng:  Bí tích hôn nhân, là một Hồng Ân Thiên Chúa vì yêu thương mà ban cho nhân loại. Hễ ai khước từ mà chọn một lối sống chung ngoài hôn nhân, thì ở đây, bên Người, em thấy: Chúa buồn rầu và đau khổ nhiều. Dĩ nhiên hậu quả của việc không được Chúa chúc phúc, và làm Chúa buồn, thì cả đời này lẫn đời sau, sẽ ảnh hưởng không ít! Trong mặc khải tư của Chúa Giêsu cho Madeleine Aumont tại Dozulé, có lần Chúa nói: “Các con hãy cầu nguyện cho giới trẻ, họ thường bị thúc đẩy bởi ý muốn sống chung, mà bỏ quên lề luật Thiên Chúa, nhất là điều răn thứ sáu”*. Trong những lần Đ.Mẹ hiện ra tại Mễ-Du (Medjugorje), Đ.Mẹ từng quan tâm đến tính chất khủng hoảng trong các gia đình. Đời sống gia đình trong thời đại văn minh vật chất này, đang bị đe dọa trầm trọng, do sự tấn kích của Satan và bè lũ tay sai của chúng, núp dưới các hình thức của “văn hóa sự chết”, như phim ảnh đồi trụy, mạng lưới vi tính, quảng bá và hướng dẫn tuổi trẻ, sống đời tự do phóng túng, và bị mê hoặc vào con đường tội lỗi. Em xin phép anh, được lặp lại ý tưởng “Chúng ta thường không biết việc chúng ta làm”, trong đề tài “Gặp em từ muôn kiếp trước”. Cũng vậy, nhiều người trong chúng ta ưa hiểu lầm, hay nhũng lạm hai chữ “Tự Do”. Em lại xin dùng ngôn ngữ thế trần để nói với người trần thế: Theo những nhà tư tưởng như Spinoza, Epictetus thì: “Một người biết sống đời sống  tựdo là một người có đủ phẩm hạnh, biết ý thức để có thể sẵn sàng làm điều mình phải làm, tuôn theo qui luật đạo đức, sống phù hợp với lý tưởng thích hợp theo bản chất con người. Khi tình huống bên ngoài cho phép, người ý thức được sự tự do sẽ thích hành động theo ý muốn của mình về những điều tốt đẹp, mang lại lợi ích không chỉ cho mình, mà cho gia đình hay xã hội. Ngược lại, một người nói là mình thích Tựdo, nhưng lại sống nếp sống sa đọa, thì không phải là con người của Tựdo, mà là một tên nô lệ cho những đam mê của riêng mình.” Thánh Phao-Lô cũng đã viết: “Hãy nhận biết sự thật và nó sẽ khiến cho anh em trở nên Tựdo.” (Chúa là sự thật. Một sự thật đã được kiện toàn, ngay cả với lề luật của Moi-se).
Hiểu như vậy thì tự do không phải là không có hàng rào giới hạn. Nhưng giới hạn hay không giới hạn, lại là do ý thức của mỗi con người. Trong nếp sống gia đình (hay bất cứ sinh hoạt tập thể, hoặc cộng đồng nào cũng vậy), khi mỗi người ý thức được giới hạn của mình, thì gia đình trở nên hạnh phúc. Tự do và hạnh phúc gắn liền với nhau. Một gia đình không có hạnh phúc, thì sống chung trong đó, chẳng ai cảm nhận được sự tự do cả.
Nơi thế giới Tâm Linh cũng thế. Tự do trong giới hạn, hay là tự do không giới hạn cũng là ở mình. Ngày đó, khi em nhìn thấy được những gì mình đã làm ở cõi trần, và đồng thời  được biết một Thiên Chúa “Tốt lành vô cùng”: Người đã phải chịu đau khổ, và chết về những tội lỗi của mình thế nào (có thể tìm thấy trong nhật ký của Vassula Rydén**), thì không cần phải một áp lực bên ngoài nào cả. Chính sự tự do trong “Tâm-ý” mình, thúc đẩy mình đi vào trong “thanh luyện”. Vì chính mình cảm nhận được sự khao khát, cần thiết phải được thanh luyện, để trở nên thánh thiện. Thì mới xứng đáng được ở gần Đấng “Chí Thiện, Chí Thánh”. Chứ Thượng Đế không phải là ông cai ngục, chỉ nhè tống cổ tội nhân vào  nơi khổ ải. Em cũng được phép tiết lộ với anh điều này: Sự đau khổ các linh hồn chịu trong “thanh luyện”, cũng có niềm vui, niềm “Mơ ước” và  “Niềm Hy-Vọng” là sẽ có một ngày rất gần, mình được hưởng dung nhan “tuyệt vời”, nhân lành và cao đẹp “khôn ví”, lung linh, trong ánh sáng “diệu vợi”… đến đây thì ngôn ngữ loài người, không có cách nào để diễn tả được “Khuôn Mặt Tình Yêu” Thiên Chúa. Ngay cả sau thời kỳ thanh luyện cũng vậy. Linh hồn được vui bên Chúa, lại cũng muốn làm tất cả những gì mình có thể, để đem lại lợi ích đời sau, cho những người còn “miệt mài” trên dương thế. Anh cứ nghĩ đi! Con người còn được Chúa ban cho tự do, thì Chúa đâu cần phải giới hạn đối với những Linh hồn thánh thiện (được Chúa dấu yêu), trong cõi Tâm Linh. Tuy vậy, không một linh hồn nào muốn làm điều gì mà lại không được phép của Chúa hay Đức Mẹ. Em lại xin mượn hình ảnh thế gian để diễn tả: Có người con ngoan nào, lại thích làm những điều khiến buồn lòng cha mẹ? Bởi thế họ luôn luôn hỏi ý kiến, hoặc xin phép cha mẹ mình trước những việc làm, không như thông lệ. Nhưng như vậy, không phải là “Tự do bị giới hạn”. Ở đâu cũng có những quy luật tự nhiên, mà Thượng đế đã an bài. Cõi Tâm Linh cũng vậy. Hàng ngày anh thường cầu nguyện, và lặp đi lặp lại biết bao nhiêu lần câu: “… Ý Cha thể hiện dưới đất, cũng như trên Trời…”. Ở đâu có qui luật ở đó, đúng như Thánh Têrêsa tiết lộ trong cuốn “Một Tâm Hồn”: “… Các Thiên thần hàng hưởng phúc Thiên đàng,  mà cũng vẫn làm công việc trông nom, coi sóc loài người.”
Anh yêu quí,
Người ta dựng nên những chuyện thần thoại, theo những vấn nạn, những bất toàn, sinh ra những khát vọng, và những ước mơ của con người. Thần Vệ-nữ (Vénus của văn hóa La Mã, là Aphrodite của văn hóa Hy Lạp) là một ngẫu tượng, là hình ảnh trong mơ của văn hóa, đáp ứng dục vọng của con người. Con người si mê sắc đẹp, và thích được ban bố tình yêu. Những nàng Tiên trong “Cô gái lọ lem”, hay trong truyện “Tấm Cám” cũng cùng một kiểu: Tiên bao giờ cũng đẹp – Đẹp theo cung cách Á-đông – Tiên cũng đầy quyền lực: Biến các cô gái lọ lem thành người “nhan sắc”, và biết cách sắp đặt cho người “nhan sắc” ấy, lấy được Hoàng tử. Đời sống thực con người thường không dừng lại ở kết cấu của một câu truyện. Không mấy ai chịu dừng chân “ước muốn” của mình, ngay cái chỗ vừa đạt được mức “Hàng ngày dùng đủ”. Những ước mơ của con người càng ngày càng đi xa, và đi nhanh. Xa và nhanh đến đỗi, gía như có “tháp” được cánh, con người cũng vẫn không bao giờ đuổi kịp những “mơ ước” của mình. Và chính những hụt hững do sự đuổi theo những ước mơ, tạo ra những cái vấp ngã. Không mấy ai nhìn trước được “trạng huống Bi-đát”, hay những đau khổ, ẩn tàng phía sau của những “ước mơ”. Thường nó hấp dẫn người ta, dưới sự ngụy trang của những màu sắc lung linh giả tạo hạnh phúc – Những loại “Hạnh phúc thế gian” – Khi người ta đặt ra danh từ “Thế gian”, thì thực ra chính nó là thế! Thánh Yoan không dùng từ “ước mơ”, vì thực ra ước mơ có xấu, mà cũng có tốt. Ngài gọi thẳng tên thực, bộ mặt xấu của nó ra là đam mê, như khi người ta tôn thờ ngẫu tượng, mà xây cất các đền thờ cho thần vệ-nữ. Những loại đam mê khác cũng thế. Vị Thánh viết: “Anh em đừng yêu mến thế gian, và các điều có trong thế gian… Vì bộ dạng thế gian này đang qua đi với những đam mê của nó. Còn những kẻ khao khát làm theo Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại” (Thư 1 Yoan 2.15,17). Cùng một cách thức, Thánh Phaolo viết: “Anh em hãy tìm kiếm những sự trên cao nơi Đức Kitô … đừng về những điều dưới đất” (Côloxê 3.1-2).
Anh thân mến! Có một lá thư em viết cho anh, lá thư mang tên “ Gặp em từ muôn kiếp trước”. Kết thúc lá thư, hôm ấy em viết: chúng ta cầu xin bàn tay Chúa đi xoay lại trái tim nhân loại. Thực ra bàn tay Chúa chính là Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Chúa đã mời gọi Mẹ làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Mẹ đã hiện ra rất nhiều lần với con cái loài người, dậy dỗ và chỉ đường để thế gian trở nên tốt  đẹp, trong con mắt của Thiên Chúa. Hầu mọi người sẽ được hưởng hạnh phúc thật. Sứ điệp Mễ Du ngày 25-4-2005, Mẹ đã kêu gọi: “Các con hãy canh tân lại việc cầu nguyện trong các gia đình. Cầu nguyện và đọc Kinh Thánh… Các con sẽ trở nên người dạy dỗ đức tin trong gia đình mình. Mọi người cùng cầu nguyện và sống tình thương, thế gian sẽ bắt đầu tiến đến một con đường tốt đẹp hơn, và tình yêu thương sẽ khởi sự cai trị thế gian.” Còn chúng ta, chúng ta sẽ là cánh tay nối dài của Đ.Mẹ. Cứ thế, Mẹ con cùng nhau đi xoay lại trái tim nhân loại. Đó là cách thực hiện “Lòng mong muốn” của Thiên Chúa, và cũng là “ước mơ chính đáng” của chúng ta. Khi ước mơ đã thật sự chính đáng, liệu chúng ta có bắt tay vào việc thực hiện ước mơ hay không? Có nhiều người cũng mơ ước một sự gì đó, nhưng chỉ nhìn nó như ánh trăng treo giữa trời, chứ chẳng bao giờ nghĩ phải thực hiện niềm mơ ước ấy!

Tg. Uyên Ly



Ghi chú:
* Sự kiện Chúa Giêsu hiện ra với bà Madeleine Aumont tại Dozulé (50 lần, trong suốt 10 năm kể từ 1972.  Một địa danh gần Lisieux, thuộc nước Pháp). Được Suzanne Avoyne viết thành cuốn sách mang tên: “Jésus est apparu à Dozulé. Journal d’un Témoin” (Chúa Giêsu hiện ra tại Dozulé. Nhật ký của một nhân chứng). Được phép xuất bản (Corlet Imprimeur, Agence de Caen. Sept. 2000). Đây là một trong nhiều mặc khải tư, tuy chưa được Giáo quyền công nhận, nhưng cũng không cấm xuất bản, và không cấm đọc, vì lợi ích thiêng liêng, miễn phù hợp Đức tin, và tục lệ Hội Thánh. Tác gỉa cũng đã gởi cuốn sách này lên Đ.T.C. Gioan Phaolo II , và được triệu tập đến Vatican, với sự quan tâm và ân cần. Những sứ điệp “Đ. Mẹ ở Mễ Du” cũng vậy.
** Vassula Redean (đương thời), là người được Chúa Giêsu chọn để mặc khải cho công việc vận động “Hiệp nhất Kitô giáo”. Trước khi được Chúa huấn luyện, và dạy dỗ, Vassula đã được cho thấy tất cả những tội lỗi mình phạm (Cô từng là người mẫu), làm Chúa đau đớn như thế nào. Trong cuốn nhật ký của chị viết “Lúc ấy tôi thấy mình dù có phải chết trăm, ngàn lần, và mỗi lần dù có bị băm vằm cho thân xác nát tan, thì cũng vẫn chưa đáng gì… so với nỗi đau khổ Chúa phải chịu vì tội lỗi của chính mình).