(CON NGƯỜI  & ƯỚC MƠ)

Anh thân mến,
Hôm trước , gởi những tâm tư về Anh, em đã suy nghĩ: Một đời người, không thể không có ít nhiều “ước mơ”. Nhưng mỗi “ước mơ” trong đời, cho đến khi có thể trở thành hiện thực, thì không phải là dễ dàng! Em cũng đã đi khắp nẻo chân trời, để tìm xem, có ai sống mà không một “mơ ước”. Hầu hết câu trả lời là “có”! Nhưng không phải là tất cả. Cũng có câu trả lời: “Suốt cả một đời, tôi không ước mơ gì cả! Chỉ một niềm phó thác”. Câu trả lời rất hay! Phải không anh? Em đang tập sống theo cái kiểu này, vì nếu sống được như vậy, em sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn! Bây giờ em hãy nói chuyện “đang tập sống không mơ ước”. Điều đó có nghĩa rằng: Mình tự xác định với mình, khoảng đời về trước “ta” đã từng ước mơ. Khoảng đời tương lai thì “ta” chưa biết! Về phương diện vật lý thì từ hiện tại đến tương lai, có hai khoảng cách: Khoảng cách thời gian, và khoảng cách không gian. Cả hai khoảng cách này có thể biến cái “sẽ là”, trở thành “không là”. Các nhà tâm lý học còn chỉ ra một khoảng cách  nữa, đó là khoảng cách tâm lý. Điều này ai cũng biết. Thí dụ: khoảnh khắc của những niềm vui, thích thú, yêu đương… bao giờ cũng mau hoặc ngắn. Cũng chỉ bằng vào khoảnh khắc đó, của sự chán chường, đau khổ, hay đợi chờ, thì dài ghê. Đó là về thời gian. Về không gian, mỗi khi hai người giận nhau, cho dù đang ở sát bên nhau, mà hai tâm hồn thì lại xa nhau vời vợi, có khi đã trở thành cách biệt. Đó anh thấy không, chỉ ba cái khoảng cách này, cũng đã đủ làm “rắc rối” sự đời rồi. Lại còn cái chuyện tập tành. Khi mình “tập tành” để đạt được sự gì đó, có phải là mình đang “ước mơ” làm cái chuyện đó không? Chỉ khác có một điều là, cái niềm “mơ ước” này, mang tên là “không mơ ước”, hay là “đừng ước mơ”. Vậy thì vấn đề lại y nguyên như vậy! Các vị “thiền gia” ngồi hàng giờ, hàng tháng, hàng năm, Thậm chí nghe nói Đạt Ma sư tổ ngồi “diện bích” tới mười năm đặng. Để thực hiện cái việc thả lỏng tâm tư, không suy nghĩ sự gì, không để bất cứ ngoại tại nào có thể xâm nhập vào nội tại. Khi tâm trí không còn quan chiêm tới sự gì bên ngoài nữa, thì diệt được ước mơ. Nhưng mà rốt cuộc thì cũng chỉ là chuyện ước mơ cái điều “không mơ ước”.
“Ước mơ” phải chăng là hiện thân một phần “Cái Tôi” trong  “bản ngã” con người. Nó hiện hữu trong tư duy, trong trí tưởng và lèo lái hay hướng bản ngã theo “cái tôi mơ ước” hành trình vào tương lai. Là phóng ảnh của tâm trí qua lòng khát khao, hay ước muốn nơi mỗi con người. Mấy ngàn năm trước, Đường Minh Hoàng đã từng ước ao lên cung Hằng. Câu chuyện chú Cuội lên chơi chị Hằng, cũng là một phóng ảnh tâm trí các cụ ta thời xưa, vì quá mơ ước, mà không thể thực hiện được, nên mới cho xuất hiện nhân vật giả tưởng là “chú Cuội”. Bên trời tây có Jules Verne (*), mơ lên cung trăng trong truyện giả tưởng. Ngày nay, khoa học kỹ thuật đưa người lên cung trăng được, là việc thực hiện ước muốn con người, có thể coi là từ muôn năm trước.
“Ước mơ”chính là quà tặng, Thượng đế ban cho con người, để nhờ đó con người phát triển tiềm năng và tiến bộ.
Như vậy, trong ước mơ, có sự tìm kiếm. Trong tìm kiếm, có sáng tạo. Tỷ như một tâm hồn có lòng khao khát, hằng mơ ước sự trên trời, tức là tìm kiếm Thiên Chúa. Sách Giáo lý Công Giáo, số 31 đã chép: “…Con người khi tìm kiếm Thiên Chúa, đã khám phá ra một số “con đường” để đi tới sự nhận biết Ngài. Người ta gọi đó là những “chứng minh về sự hiện hữu của Thiên Chúa”, không theo nghĩa những chứng minh của các khoa học tự nhiên, nhưng theo nghĩa “những luận cứ đồng quy và có sức thuyết phục”, giúp cho người ta đạt được những sự chắc chắn thật sự…”.
Đành rằng óc sáng tạo khởi nguyên từ một niềm mơ ước, nhưng không phải công việc sáng tạo nào cũng tốt. Ví như ước mơ chinh phục của con người qua các thời đại. Xét ra có nhiều công cuộc chinh phục đã đem đến những hậu quả không hay, như việc tạo tác ra các loại vũ khí giết người v.v… Điều này anh đã đề cập với em trong tâm tư “Rượu Trang Hạnh Phúc”. Hôm ấy mình gọi nó là lưỡng đao luận.
Anh thân mến! Thường thì một “ước mơ” hình thành trong tâm trí qua hai giai đoạn: Giai đoạn ƯỚC muốn, và giai đoạn vẽ ra trong tâm trí những hình ảnh của ước muốn – tức là MƠ – Hai giai đoạn này không nhất thiết phải đi theo thứ tự nhất định. Có thể “ước” trước “mơ” sau. Cũng có thể “mơ” trước “ước” sau.
1.ƯỚC TRƯỚC MƠ SAU: Thuở xa xưa, người ta sống quanh quẩn ở trong làng, phương tiện đi lại không có. Khả năng hạn hẹp theo phương tiện! Mỗi làng chỉ biết sống bằng nghề của mình. Ngoài những vật dụng đáp ứng cho nghề, cha truyền con nối, dân làng dạy bảo nhau mà làm, thì không còn gì khác hơn nữa. Con người có muốn đánh đổi cuộc sống của mình, cho khá hơn cũng không biết làm sao được! Đời sống chật vật, khốn khó. Con người thời đó đã đẻ ra thành ngữ “Cái khó bó cái khôn”, để nói lên “cái điều ước muốn”, cái sự nghĩ, suy thì có đấy (chứ không phải cứ an phận cơ cực), nhưng không cách nào xoay xở. Nhất là những nhà nghèo hơn ai hết, lại càng không cách nào vùng vẫy ra được. Họ chỉ còn có một niềm hy vọng để mơ – Mơ được bà Tiên đầy quyền phép hiện ra giúp mình – Tiên là hình ảnh “Người nhà Trời”, vừa dịu dàng, khả ái, lại vừa giàu lòng xót thương. Thời đó, nhiều mẩu chuyện tương tự “Tấm Cám” được hình thành trong nhân gian. Những câu chuyện này phản ảnh cái điều người ta mơ sẽ có một ngày, ngón tay huyền diệu của tiên, nhấc mình ra khỏi vũng lầy tăm tối. Nhìn sâu vào câu chuyện, chúng ta còn tìm ra được triết lý “sống” của người xưa. Dù cực khổ, nghèo nàn, nhưng “tiên không trách Trời, hậu không trách người”, chỉ một mực sống ngay, sống lành, sống thiện (90% dân quê V.N sống như vậy, chỉ 5% là thành phần phú hộ, Và khoảng 5% không chấp nhận đời sống lương thiện, cơ cực mà đi vào con đường lừa đảo, trộm, cướp. Chuyện đĩ, điếm chỉ có ở nơi Kinh đô,tỉnh lỵ mà thời đó tập trung ở chốn Lầu xanh). Cho dù kiếp này không thoát được cảnh khó nghèo, thì kiếp sau, cũng được hưởng phước nơi “tiên cảnh”. Quan niệm sống ấy của tiền nhân, cũng rất gần gũi với “Hiến chương nước Trời” – Bài Giảng Trên Núi – của Chúa Giêsu về Tám Mối Phúc, trong đó Chúa đã nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước Trời là của họ” (Mt 5,3), mặc dù thời đó Tổ tiên chúng ta chưa nhận biết Tin Mừng của Chúa. Khi người chết được về sống nơi Tiên Cảnh thì là Tiên, và sẽ phù hộ cho con cháu. Nên nhất định là “Không ai giầu ba họ. Không ai khó ba đời”. Dĩ nhiên cũng có phần nào ảnh hưởng tư tưởng của Lão Tử(1) truyền sang nước ta.
2.MƠ TRƯỚC ƯỚC SAU: Chúng ta nhớ lại câu truyện hồi đầu lịch sử dân tộc. Cách nay khoảng 5.000 năm, đời Hùng Vương 18, Thần núi Tản Viên tức Sơn Tinh(2), sau khi thắng Thủy Tinh (Thần sông Đà), lấy được Mỵ Nương(3). Hai người – Công Chúa và Phò Mã –  MƠ thực hiện một xã hội, trong đó mọi người dân đều được sống hạnh phúc, ấm no. Tản Viên mới xuống Long cung yết kiến Bố Rồng (Lạc Long Quân) vấn ý. Ngài được  Bố Rồng ban cho cuốn SÁCH ƯỚC BA TRANG(4) (mơ trước ước sau). Trong đó dạy cách dụng KIM tức biến chế sắt thành vật gia dụng. Dạy cách làm MỘC tức dựng nhà. Dạy cách dụng THỦY tức nghề chài lưới, săn tôm, bắt cá… Dạy cách dụng HỎA tức dùng lửa để nấu ăn. Dạy cách dụng THỔ tức khai khẩn đất đai để có ngũ cốc. Nhờ thế mà đời sống dân Việt trở nên sung túc. Sau khi Ngài mất, dân nhớ công ơn, lập đền thờ Ngài, và phong Ngài là Thánh. Đền thờ Thánh Tản-Viên đến nay vẫn còn ở Sơn Tây.
Anh yêu quí,
Thuở thiếu thời sống bên nhau, hầu như không có vấn đề gì, em lại không đưa ra để tranh luận với anh. Không có bữa cơm nào, hai đứa không ồn ào, “cãi lộn”. Mẹ thì bực mình, lắm hôm bảo: “Hai đứa không ăn, cứ lo cãi đi, hễ bố mày ăn xong, là tao dọn sạch sẽ. Đứa nào đói ráng chịu”. Bố thì lúc nào cũng ra vẻ “triết nhân”, người chỉ tủm tỉm cười, nhìn anh em mình “đấu khẩu”. Một hôm thấy mẹ lớn tiếng, bố chỉ nhẩn nha đưa bàn tay lên bấm số rồi từ tốn nói mẹ: “Cũng tại mình hết! Ai bảo sanh chúng nó ra, không biết chọn tuổi. Đây nhé! Đứa tuổi Tỵ, đứa tuổi Dần … “Dần, Thân, Tỵ, Hợi” tứ hành xung. Hỏi sao chúng nó không khắc nhau được! Thế mình đã lỡ rồi thì phải chịu chứ, cứ để anh em nó tranh luận chán rồi thì hết, chứ có sao! … mình cho rằng hai cái miệng tụi nó ồn ào, vậy thêm cái miệng thứ ba vào nữa, thì  nhỏ lại hay sao? … Lão-Tử chẳng nói rằng: Cái ly nước đang đục, thì đừng có cho cái gì vào mà khuấy lên! Cứ để tự nhiên, nó sẽ lắng xuống”. Hôm ấy, em còn nhớ. Chính bố mới là “chiếc đũa” thọc vào cái ly, khiến cho nước thêm đục, mà bố không ngờ. Bao nhiêu cái nóng của mẹ, đáng lẽ thiêu sống tụi mình, thế là “tạt” sang bố hết. Mẹ “sùng” bố: “Từ nay đi tôi không dậy dỗ gì nữa! Mai mốt, đừng có ai đổ thừa “con hư tại mẹ”. Thiên hạ có cười, cũng đừng  bảo “con dại cái mang”. Sinh chúng nó ra lúc nào. Tại ai. Không lẽ, không còn có ai biết nữa! …”. không khí đang căng thẳng, cũng may lúc đó em nhanh trí, biết xoay trở thời vận. Bây giờ nhớ lại, nghĩ cũng vui. Em cứ tỉnh bơ, làm như mình ngây thơ lắm. Đôi mắt tròn xoe, hai làn nhỡn tuyến cứ hết chiếu bố, lại sang mẹ:
– Uả … vậy là sao?… Hồi nào tới giờ, con cứ tưởng sanh tụi con ra là mẹ chứ ? … Vậy chứ ai? Không phải mẹ! … Chẳng lẽ lại là bố? Mẹ! … Mẹ nói đi! … Bố! … Sao không ai nói gì hết vậy? Hôm nay nếu không bố thì mẹ, nhất định con phải được biết là tại ai! …  Không ngờ câu hỏi của em đã dồn hai người vào ngõ bí. Không ai dám nói cái điều đó ra. Làm anh phá ra cười (nhớ không):
– Thôi đi cô ơi! Đừng có “ngây thơ cụ”! Mẹ nói như vậy … đã kể như là mẹ không thừa nhận rồi! Chẳng lẽ còn ép bố phải nói ra là “tại” bố… mới có tụi mình. Thôi thì cứ kể như … chúng mình là con hàng xóm đi! … Cũng đâu có sao! … Miễn là cứ có người nuôi cho ăn, đi học … là được rồi!
Cả nhà cùng phá ra cười. May quá … thế là hòa cả làng! Nhớ có lần bố ôn tồn bảo: “Trong nhà có cả trai lẫn gái, đến tuổi trí khôn vừa mở thì bao giờ cũng vậy. Con trai nó phải nói chuyện trên trời, con gái thì chỉ nói chuyện dưới đất. Con người sống dưới đất, chứ không sống trên trời, cho nên khách quan mà nghe, thì cứ cho rằng con gái có lý hơn. Chính mấy đứa con gái có lý lẽ, bao giờ nó cũng cho là mấy thằng con trai nói chuyện viển vông, không  thực tế. Nhưng mà thực ra, nhìn trời mới là nhìn xa, trông rộng. Nhìn dưới đất, tuy rằng thực tế, nhưng chỉ là cái nhìn gần, đôi khi có hơi thiển cận. Nói thì nói vậy thôi, không thể chê cái này, hay khinh cái kia được! Có trời cũng phải có đất, hay ngược lại. Chẳng khác nào như có ngày, cũng phải có đêm, có mưa rồi lại phải có nắng. Nguyên lý của vũ trụ nằm ở đó! Cái đó Á-đông mình gọi là đạo lý “Âm dương”. Tây phương kêu bằng:  “Nhị nguyên”thuyết. Cho nên thấy “đối”, nhưng lại là hợp. Vì vậy bố thích trong nhà có cả trai lẫn gái. Mẹ không muốn thấy anh em cãi nhau . Đó cũng là cái lý của mẹ. Trúng, chứ không phải không trúng! Còn bố, bố quan niệm: Chúng con có tranh luận thì kiến thức mới mở ra. Miễn là trong nhà, mỗi người đều tế nhị, thì không những không phải là xung khắc, mà lại là “vui cửa, vui nhà”. Thực ra chẳng có tuổi nào khắc, mà cũng chẳng có tuổi nào không khắc. Hễ biết ý thức mà cư xử với nhau, thì chuyện gì cũng tốt đẹp. Trái lại, người ta thiếu kiến thức về sự sống chung, thì dù tuổi “hạp”, cũng sẽ chẳng có cái gì ra cái gì!”
Sở dĩ em nhắc lại chuyện xưa, là vì biết anh thế nào cũng sẽ tham gia tranh luận cùng. Vấn đề bây giờ lại bắt đầu đi vào ngã rẽ. Như trên, em đã nói: Ước và mơ là hai giai đoạn, hay là hai yếu tố của một vấn đề. Ước muốn, ngầm chứa phần nào sự thôi thúc hay khát vọng. Nó dễ tiến tới hành động, và mang tính tích cực. Ngạn ngữ Pháp đã có câu: “Vouloir c’est Pouloir”, Muốn là Được. Trong khi mơ, chỉ mới là giai đoạn tưởng tượng. Chưa phác họa, chưa kế hoạch, và thiên về tiêu cực. Nhưng cũng không hẳn là không thể hiện thực. Vậy, em xin mời anh đóng góp.
Lậy Chúa, trước khi sinh ra làm người, không ai biết trước việc mình sẽ là. Cũng  vậy, chẳng ai có quyền được ước muốn, để mà chọn lựa cách vào đời. Nhưng khi đã vào đời rồi, ai cũng biết rằng mình sẽ phải chết. Nhờ Chúa, con người, đã biết “chết” chính là ngưỡng cửa   bước vào thế giới Tâm linh. Chúa lại xuống đời gánh lấy tội lỗi nhân gian, để con người được sống. Chúa cũng lại đã vén màn bí mật, để cho con người, thấy và hiểu biết về thế giới ấy(5). Lần này, thì con người đã có quyền mơ ước, và được tự do chọn lựa nơi mình sẽ đến, trong một thế giới vĩnh hằng.
Nhưng lậy Chúa, tâm trí con người còn nhiều mê muội. Xin ban cho lòng trí con hằng sáng suốt, để sau này không phải hối hận về những điều con ước mơ trên đời. Cũng không phải tự dằn vặt mình về quyền tự do lựa chọn, mà chính mình đã không biết xử dụng cho chính đáng.

Tg. Uyên Ly



GHI-CHÚ:
(*) – Jules Verne Tiểu thuyết gia (Khoa học giả tưởng) Pháp hậu bán thế kỷ XIX, ông được xem là cha đẻ của hỏa tiễn, tầu ngầm ngày nay. Những tác phẩm ăn khách nhất: Năm tuần bằng khinh khí cầu (1863); Du hành vào trung tâm địa cầu (1864); Từ địa cầu tới mặt trăng; Hai mươi ngàn dặm dưới biển cả (1870); Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (1873); Ngôi sao phương nam … Ảnh hưởng những tác phẩm của ông rất sâu rộng, nên những nhà phê bình, những ký giả thường dùng danh từ: Thời đại Jules Verne để chỉ định thế kỷ XIX, XX.
(1) – Lão Tử: (Laozi), (không ai biết năm sanh, tử), triết gia Trung Hoa đầu nhà Tần. Sáng lập phái “Đạo gia”. Lão tử tên Lý Đam, người nước Sở, làm quan giữ việc sổ sách (lịch sử Tư mã Thiên). Ông chủ trương đời sống tự nhiên, bằng lòng với những nhu cầu tối thiểu, thì sẽ có hạnh phúc.
(2) – Sơn Tinh: Nhân vật thời tiền sử của dân tộc V.N. Ông là vị Thần của núi Tản Viên (là một ngọn của núi Ba Vì. Vì đỉnh của ngọn này tròn như cái tán, nên tổ tiên ta gọi là Tản viên). Thời vua Hùng thứ 18 có hai người con gái xinh đẹp tên là Ngọc Hoa và Tiên Dung. Khi Ngọc Hoa tới tuổi lấy chồng, nhà vua kén chọn phò mã, vì thế mới xẩy việc tranh tài giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh (Thủy Tinh: Thần sông Đà. Núi Tản, sông Đà đều thuộc tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt).
(3) – Mỵ Nương: Tên gọi của Công Chúa nước ta thời xưa. Tên đích thực của nàng là Ngọc Hoa. Còn Tiên Dung về sau lấy Chử đồng Tử (một anh chàng mồ côi Cha lẫn Mẹ, nghèo đến nỗi không có cái khố để đeo). Cả hai cặp vợ chồng này đều yêu người, thương dân như con đẻ. Giúp dân vô số kể.
(4) – Sách ước ba trang: Theo Linh mục triết gia Kim Định (1014 – 1997) : Huyền thoại kể “sách chỉ có 3 tờ làm bằng da cá, bìa bọc vỏ rùa”. Theo ông, sách ước chỉ nói về Kim, Mộc, Hỏa. Mất trang nói về Thủy vàThổ. (độc gỉa thích nghiên cứu có thể tìm đọc bộ Triết lý An vi của tác giả Kim Định, gồm trên 40 cuốn sách. Một công trình đào xới, truy nguyên, và thâu hồi văn hóa Việt, đã bị tản mát, và chứng minh Việt nho có trước Hán nho).
​(5) – Thiên Chúa mặc Khải đời sau: Chỉ  Chúa Giêsu mới vén màn bí mật cho nhân loại biết về đời sau (Thiên đàng, Hỏa ngục, nơi thanh luyện. Không những thế, qua Ngài nhân loại mới được tỏ lộ về  mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa). Vì Chúa Giêsu từ trời mà xuống. Các Giáo chủ các tôn giáo, các nhà lập thuyết, các nhà tư tưởng, các triết gia … cũng chỉ là con người, Tất cả đều bế tắc trước ba vấn đề: Con người từ đâu đến? Có mặt trên cõi đời để làm gì? Chết rồi thì đi đâu?  – Tất cả các “giới” như cõi Tiên, Niết bàn, Địa ngục … được nói tới không do người chết sống lại, thì hết thẩy đều do trí tưởng tượng con người vẽ ra. Chúng ta có thể tìm thấy những “Mặc Khải” của Thiên Chúa trong Phúc Am. Sách Giáo Lý Công Giáo số 51: “… Nhờ Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, con người có thể đến gần Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính thần linh của Ngài” (Vat. 2, DS 3015).