Ước mơ đã nhiều,
Trời cho không được mấy,
Đến khi lấy chồng,
Còn một mối tình mang theo…”
(Nhạc & Lời: Vũ thành An)
Anh thân mến!
Đọc thư anh, có đoạn: “Trong ước mơ có sự tìm kiếm. Trong tìm kiếm, có sáng tạo…” (Trong Lá thư “Ba trang sách ước”). Em lại muốn đóng góp thêm với anh cho vui là, hễ nói đến tìm kiếm, thì phải nói đến khoảng cách – Khoảng cách giữa hai đối tượng – Khi hai đối tượng ngồi sát bên nhau, thì không có chuyện phải tìm kiếm, phải không anh? Đây là em chỉ nói cách tương đối thôi! Chứ chưa phải là tuyệt đối (Ở đời đâu có cái gì tuyệt đối). Nếu không anh lại cãi em là: Có hai người kia ngồi sát bên nhau, người nọ muốn tìm nụ hôn nơi người kia, mà tìm mãi không được! Chuyện đó lại là chuyện khác: Chuyện hai thực thể tuy gần nhau, nhưng hai tâm hồn vẫn còn xa nhau, hay vẫn còn một khoảng cách, để cho nụ hôn kia phải đợi chờ. Em xin đan cử một thí dụ cũng giống như vậy. Ở trong Thánh Đường tức là ở ngay bên Chúa rồi, có phải không anh? Thế nhưng có khi nào, Chúa vẫn còn cảm thấy là anh đang còn ở quá xa Ngài không? … Đó chỉ là em nói cho vui thôi! Anh vốn biết em hay đùa mà! … Trở lại vấn đề: Có khoảng cách, mới có kiếm tìm. Khoảng cách ngắn nhất, cứ kể như là khoảng không gian của một nụ hôn, như vừa nói ở trên. Đoạn đường dài nhất, có thể như là đoạn đường đi kiếm người yêu. Có người đi tìm cả cuộc đời, vẫn chưa đi hết đoạn đường tìm.
Vậy khoảng cách của ước mơ chính là đoạn đường ngắn, dài, mà ước mơ tìm về. Nhạc sĩ Vũ thành An viết trong một sáng tác: “…Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều. Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng, còn một mối tình mang theo…”. Anh có nghĩ người con gái này đi trên con đường dài vô tận không? Mang theo một mối tình, là nhận được hay không nhận được? Có một mối tình trong đời, là ước mơ đã đoạn, hay ước mơ còn dang dở? Ước mơ còn dang dở có phải là ước mơ đẹp, như nhà thơ Thế-Lữ (?)* đã thốt:
“Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở,
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề”(?)
Có lẽ vì là con gái, nên em không đồng ý với hai câu thơ trên. Cho dù thơ và nhạc, phần nào phản ảnh đời sống. Tuy vậy nó cũng chỉ là một trong những phiến diện cuộc đời. Có thể đứng về khía cạnh lãng mạn trong thi ca và tiểu thuyết, người ta ca tụng những mối tình dang dở, thì tiểu thuyết mới có người đọc. Thi, nhạc mới có vùng đất hồi sinh. Còn như đi vào thực tế, khi người con gái, đã đi lấy chồng mà còn tôn thờ, hay ấp ủ một mối tình trong tâm hồn, muốn biết ra sao, xin hỏi TTKH (*):
“Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết.
Vẫn dấu trong tâm bóng một người.”
Chỉ ba dòng chữ, đã nói lên cái não nề, cái bi đát cuộc đời của một người con gái. Cái nỗi cô đơn của một kẻ đi lấy chồng. Những đêm lạt lẽo, hững hờ và chán mứa, của một cặp vợ chồng không tình yêu. Cái tâm héo hắt (thu chết) và mặc cảm tội lỗi với bóng hình… của người thiếu phụ ngoại tình trong tâm tưởng. Ngoại tình trong tâm tưởng, là ước mơ còn thả lỏng, còn nhiều khát vọng. Là con đường ước mơ vẫn còn dài, và cứ thế đến cuối cuộc đời cũng chẳng được gì cả! Em thực không thể hiểu người con gái trong nhạc Vũ thành An, khi cô than thân trách phận “Trời cho không được mấy”! Không được mấy có nghĩa là “cũng có được chút ít”. Đố ai biết được chút ít là được thế nào, được cái gì? Hay cũng như người thiếu phụ trong thơ TTKH “Ái ân lạt lẽo của chồng tôi”. Khi biết ái ân với người này lạt lẽo, là biết đâu đã chẳng ái ân với kẻ khác mặn nồng. Chính cái mặn nồng với cái lạt lẽo, đã cấu xé nhau suốt đời, trong tâm hồn người đàn bà ấy!
“Lạy Cha, xin Cha tha tội cho họ, vì họ đã không biết việc họ làm” (Lc 23.34).
Anh thân mến!
Đành rằng ước mơ là món quà Thượng đế ban cho nhân loại như trong lá thư mang tên “Rượu trang hạnh phúc”, anh đã viết cho em. Nhưng thiết tưởng ước mơ cũng giống như “vườn địa đàng” Thiên Chúa ban cho Nguyên tổ. Trong “địa đàng”, Chúa cũng đã dặn Adam, Eva đừng lại gần cây “Trái cấm”. Trong khu vườn “mơ ước”, cũng có những “ước mơ” con người phải biết dừng lại, đừng nói là nuôi dưỡng. Phải có những lúc nhìn lại những ước mơ đời mình. Nhìn lại ước mơ đời mình, cũng là tính sổ đời mình. Có tính sổ đời mình, mới có hy vọng thanh toán nợ nần, vay trả. Madalena có tính sổ đời mình, mới có giây phút quì dưới chân Chúa. (Mc.14, 3-9)
“Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn dấu trong tâm bóng một người”
“Vẫn dấu trong tâm bóng một người” là chưa tính sổ đời mình. Đời mình không tính, thì Thần Linh cũng sẽ tính! Không gì đáng sợ bằng để Thần Linh tính! Trường hợp cô gái trong nhạc Vũ thành An cũng vậy. Cũng may mà “Trời cho không được mấy”, chứ “ứớc mơ nhiều” mà Trời cho hết, thì khi lấy chồng, cô có bao nhiêu mối tình mang theo? Trường hợp cô gái này cũng chưa tính sổ đời mình! ( Hy vọng chỉ là những cô gái trong thơ, trong nhạc, cũng như trong tiểu thuyết, cho dù bảo là phản ảnh cuộc sống).
Nhớ có một dạo, anh cứ hay nghêu ngao bài hát: “Em ơi! Nếu mộng không thành thì sao …”. Hình như “mộng” ở đây là “mộng mơ” phải không anh? Chứ không phải là “giấc mộng”, như trong đề tài “Giấc mơ của đá”, anh đã viết. Cũng vậy, khoảng 50 năm về trước, có một bài hát, mở đầu bằng hai câu thơ:
“Đêm qua nằm ngủ mà mơ
Sáng nay thức dậy viết thư thăm chàng”.
(hát)“Vài hàng gởi anh trìu mến,
vừa rồi làng có truyền tin …”
“Mơ” này là nằm ngủ mà mơ, thì là “Giấc mơ”, chứ không phải “mơ mộng” hay “mộng mơ”. Con gái thì thường hay mơ mộng, anh vẫn bảo vậy mà! Kể cả trái mơ cũng thích nữa. Do đó em xin chia xẻ một chút về “Mơ”.
“Mơ” là phóng ảnh của tâm trí đến bất cứ điều gì đem lại cho mình sự thỏa mãn. Mộc mạc hơn: “Mơ” là sự vẽ ra trong tâm trí điều mình thích thú.
Em có một số bạn gái, trong đó có một cô, cứ mỗi lần nói đến chuyện lấy chồng, thì nàng lại ca lên điệp khúc: “Đời con gái lấy chồng chỉ một lần, không tội gì lấy chồng nghèo. Anh chàng nào không giầu, đừng hòng tao để mắt tới.” Bạn bè chọc nàng: “Vậy thôi mày cứ chờ chừng nào có ông Hoàng tử đăng báo kén vợ, thì mày nạp đơn! Bảo đảm Hoàng tử là phải giầu, mày không sợ bị lừa!” Vì thế bạn bè tặng nàng biệt hiệu “Công Chúa ngày mai”. Vì ngày mai, cứ ngày mai mãi, không có “ngày mai” trong thực tại của ngày hôm nay, y như câu chuyện “Ngày mai ăn khỏi trả tiền”. Một cô khác bị chúng bạn chọc ghẹo, đặt cho cái biệt danh chết cứng luôn là “Ái tố Nam”*. Vì cô nàng chủ trương lấy chồng đẹp trai: “Phi mỹ nam tử, bất thành phu phụ”*. Một số chị em có quan niệm phải lấy cho được người mình yêu, bất kể giàu nghèo, đẹp trai, hay không đẹp trai. Nhưng cũng có vài người bày tỏ quan điểm: Cho dù thế nào, hễ ai tỏ ra “yêu mình nhất” thì mình lấy.
Kể hết mấy cô bạn gái của mình, trong đầu anh, em nghĩ , thế nào anh cũng hỏi: “Còn em thì sao?” – Em ghét nhất là bị bó buộc phải nói về mình! Nhưng biết trước là không thoát được cái “đầu” của anh. Trong lá thư mới đây “Ba trang sách ước”, trước khi kết thúc, anh đã gài em vào cái thế “chẳng đặng đừng”: chẳng viết chẳng được! Không trả lời thì không xong. Được! Em cứ coi như trả nợ “quỉ thần”: Thời con gái không có người nào không mơ mộng nhiều (Nhiều thứ lắm!). Nhưng nhiều quá, thành ra không biết mình nên chọn cái gì (trong số những cái mình mơ). Bỗng một hôm, nghe theo bạn bè đi tham dự “Tĩnh tâm giới trẻ”, hôm ấy vị L.M. thuyết giảng có đặt với giới trẻ một câu hỏi như sau: “Cha thấy tuổi trẻ chúng con có nhiều mộng mơ lắm! Nhưng phải ráng tìm cho mình một ước mơ chính đáng để theo đuổi. Nếu không thì người ta bảo “Ôm lắm thì rặm bụng”, hay là cứ hết đuổi theo bóng với hình, thì cuối cùng chả được gì cả, mà lại thêm mệt! Vậy trong số những người “TRẺ” đang ngồi đây, mỗi người chúng con đã tìm cho mình một ước mơ thật chính đáng, giữa những mộng mơ của đời mình chưa?” Vấn đề vị L.M. đặt ra, đúng ngay vào “khu cỏ dại” trong mảnh vườn tâm tư nhà mình. Mình cũng đang tính “khai hoang” cỏ dại, nhưng mà chưa chọn được cây bông nào ưng ý để trồng vào.
Để kết thúc bài giảng, vị L.M. có vẻ hết sức tha thiết, và làm cho mọi người thấy có cái gì rất quan trọng, trong một giọng nói rất ôn tồn: “Các con ạ! Mỗi người chúng con phải cố gắng làm sao… chiếm đoạt cho kỳ được trái tim của một người thật sự hiền lành. Người ấy phải đã từng biểu lộ ra cho thấy họ có tình yêu thương tha thiết thật, trong đáy trái tim”. Ông ngưng lại thật lâu … rồi mới lại tiếp: “Người thật sự hiền lành, và có tình yêu tha thiết, không ai hơn Chúa Giêsu … Chính là Chúa Giêsu! Hễ được Ngài rồi, là chúng con có tất cả! Đừng lo thiếu thốn sự gì!”
Anh thương mến!
Thế là em đã tìm được cây bông để khai hoang đám cỏ dại. Sau kỳ tĩnh tâm, Tâm hồn mình có trưởng thành lên chút ít. Em nói chút ít, là vì ít nhiều gì mình cũng đã định hướng được cho ước mơ đời mình. Nhưng cũng vẫn còn mông lung và bao quát lắm! Đã là người có đạo, ai lại chẳng đặt Chúa làm cùng đích. Mình đã chẳng tin Chúa ngay từ thủa đầu đời đấy ư ? Nhưng quả thực, Chúa trong thực tại cuộc sống đối với mình, còn quá nhiều khoảng cách. Đường thì còn dài. Bóng tối cô đơn mịt mùng, bất tận. Từ trong nhận thức ấy, đôi lúc mình cảm thấy lo lắng về một con đường đi không đến, bởi biết bao nhiêu đắm đuối vây quanh. Thế rồi một buổi chiều … em tình cờ đọc được một mẩu chuyện về Thánh Hiêrônimô, một học giả về Thánh Kinh đứng đầu Hội thánh. Thuở trước Ngài nổi tiếng là một văn hào. Ngài say mê đọc các tác phẩm của Cicêron. Một hôm Ngài nghe tiếng Chúa hỏi:
-“Hiêrônimô, con là môn đệ của ai?
-Thưa con là môn đệ của Chúa.
-Không phải, con là môn đệ của Cicêrôn!
Từ đó Ngài bỏ hết thời gian vào việc nghiên cứu Thánh Kinh.
Lạy Chúa, chỉ biết có Chúa trong cuộc đời không thì chưa đủ. Đời con vẫn mập mờ! Có vị Linh mục chỉ con phải chiếm đoạt cho bằng được trái tim của Chúa, để được Chúa tha thiết yêu con. Biết thì biết vậy, nhưng giống như “tưởng gần mà vẫn thật xa!” vì con không thể yêu Chúa, khi mà con thật sự chưa biết rõ về Chúa. Hình như con vẫn còn là đệ tử, hay học trò của sự khôn ngoan thế gian. Bây giờ thì con đã học được bài học Chúa đã dạy Thánh Hiêrônimô, cái cách thế nào, để được biết rõ về Chúa./.
Tg. Uyên Ly
(CÁC HOA THỊ TRONG BÀI): Trước hết, có một vài tên nhà thơ có thể một số ít bạn trẻ chưa biết, ngoài ra cũng trong bài, có một vài từ Hán Việt tuy không khó, nhưng đối với một ít bạn trẻ VN hải ngoại, có thể còn xa lạ.
– Thế Lữ (1907-1989): Tên thật là Nguyễn thứ-Lễ. Nổi tiếng là nhà thơ, nhà văn ngay từ thời “tiền chiến” (trước 1945). Thế Lữ mơ tưởng những vẻ đẹp thần tiên, và ca tụng tình yêu cách nồng nàn. Ở vào thời kỳ đó, ông chịu ảnh hưởng của trường phái “Lãng mạn” tràn vào từ văn chương Tây phương. Thế Lữ có tên trong nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” nhóm những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ cho đến vài thập niên sau, có thể kể là hậu bán thế kỷ XX. Sở dĩ có dấu (?), là vì nhất thời, Uly không nhớ rõ hai câu thơ trích dẫn trong bài, có thật sự của Thế Lữ hay của Hồ-Dzếnh. Nếu có sự lầm lẫn, mong độc giả niệm tình.
- TTKH: Cho tới ngày nay, trong giới Văn Học, không ai biết TTKH thật sự là ai, cuộc sống thế nào. Một vài giai thoại trong giới văn học VN, cho rằng tác giả thuộc nữ giới tên : Trần thị Khánh viết tắt. Giả thuyết khác cho bút hiệu tắt của “Thâm Tâm Khánh”, người yêu của nhà thơ Thâm Tâm. Thâm Tâm là một nhà thơ độc lập cũng nổi tiếng thời Tiền chiến, và ông cũng sáng tác rất ít như TTKH. Trong số những bài nổi tiếng có: “Sang sông”, chẳng hạn như mấy vần: “ Đưa người ta không đưa qua sông, sao nghe có tiếng sóng ở trong lòng …”. Thơ có một âm điệu rất đặc biệt!. TTKH là tác giả của năm bài thơ đăng trên tuần san “Tiểu thuyết Thứ Bẩy” mà thôi, nhưng đã thành nổi tiếng. Theo nhà văn Phạm cao Củng kể lại, thì vào một buổi chiều, năm 1937, lúc bấy giờ ông đang là Chủ nhiệm của tuần báo này. Có một người con gái dáng vóc gầy gầy, bận áo dài đen, quần cũng màu đen, tạt vội vào Tòa soạn, đưa một phong thư cho người thư ký bảo gởi cho ông Chủ nhiệm, nói xong người ấy vội vã đi ngay. Ít ngày sau mở thư ra thấy có vỏn vẹn 5 bài thơ, nhưng rất hay. Sau khi đăng 5 bài thơ lên, TTKH trở thành nổi tiếng khắp Bắc Hà thời bấy giờ. Rất nhiều thư từ gởi về toà soạn hỏi thân thế tác giả. “Tiểu thuyết thứ Bẩy” đã nhắn tin trên báo mời và xin gặp mặt tác giả nhiều lần, nhưng “Người ấy” đã bặt vô âm tín từ dạo đó. Tuyệt nhiên không trả lời, và cũng không xuất hiện. TTKH muôn đời rơi vào bí mật trong làng thơ! Mấy câu thơ trên trích trong bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn”.
– Ái tố nam: Ái = yêu; tố = đẹp; nam = đàn ông, con trai; Phi = Bác bỏ,chẳng phải, không là; Mỹ = đẹp; Tử = người; bất = chẳng; Phu phụ = chồng vợ.