Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi…”
(Lưu trọng Lư)

Trong một quán vắng nằm sát bờ sông, hốm ấy có hai thanh niên nam nữ, dường như đã hẹn nhau về đây. Họ không phải là tình nhân với nhau, họ là anh em. Nếu là Quán vắng, bờ sông, với một cặp tình nhân, thì sẽ hứa hẹn cho chúng ta một câu chuyện tình thật đẹp! Thật thơ mộng. Tiếc rằng họ không phải là tình nhân! Mặc dù vẫn là quán vắng, vẫn là bờ sông. Nên “quán vắng” và “bờ sông” trong hoàn cảnh này, nó trở nên tiêu điều và ảm đạm!
Bờ sông thường là chỗ đông người tụ tập. Nhưng nếu đông người tụ họp, quán đã không vắng! Thì biết nơi đây, đã không còn sinh hoạt, không còn “nếp sống con người”. Quán vắng chỉ còn là một vết tích của quá khứ.  Một thứ “Dấu chân kỷ niệm”. Hai anh em nhà kia hẹn hò về đây, là để đi tìm những dấu chân kỷ niệm.
Sau những giây phút “thu hình”. Ai đã có dịp trở về quê cũ, đều có những giây phút này. Giây phút đầu tiên là thâu gom tất cả những ảnh hình, những ngoại cảnh chất đầy vào trong tiềm thức, ngay cả máy quay phim, hay chụp hình. Khi đã có đầy đủ những hình ảnh rồi, hình ảnh mới lôi tiềm thức dậy. Hình như Xuân Diệu đã có kinh nghiệm này:

“Anh nhớ bóng, nhớ hình, anh nhớ ảnh,
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi!”

Người con gái trong truyện này cũng vậy! Sau những giây phút nhìn lại nhà xưa, cảnh cũ. Bây giờ nàng mới đưa tay chỉ về phía trước:
– Cũng những bờ đá bên ngoài hàng rào kia, ngày xưa chúng mình ngồi ngắm quang cảnh đổi thay bên giòng sông: Tứ thời, bát tiết, rõ ràng là một cuốn phim sống động!
Người thanh niên giọng đầy cảm xúc:
– Anh cũng vừa nhìn thấy bóng cha, hình ảnh mẹ từ những bậc thềm kia đi xuống. Bây giờ căn nhà mẹ cha, chỉ còn là những bức tường vôi loang lổ. Ngay cả ít lớp vữa hồ đã ly tan theo năm tháng, để trồi ra những hàng gạch xứt sẹo cong queo. Trông giống như một tấm áo rách cũ, phủ lên chiếc lưng giơ xương, nghèo xơ xác. Thời gian đã tô đen lên mái ngói, thềm hoang, chồng chất những lớp rêu phong mục nát!
– Sao anh giống em quá vậy! Em vừa nhớ tới bài học thuộc lòng hồi nhỏ, thì cũng đồng thời nhìn thấy hình ảnh mẹ cắp chậu quần áo ra phơi ngoài kia.
Rồi nàng ngâm se sẽ, mấy vần thơ “đẹp” của Lưu trọng Lư:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng.
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không(1)
Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi…”

Thuở ấy, em nào biết gì! Miệng đọc cả trăm lần, mà tâm hồn không chút cảm giác được tấm “lòng rượi buồn” của thi nhân. Bây giờ thì em đã!… Cũng màu áo đỏ, mà Lưu trọng Lư hình dung ra được… Em còn nhớ dạo đó, mẹ mua mấy thước nhiễu điều, may một áo cho mẹ, hai cái cho em. Khi nắng mới chiếu qua vạt áo đỏ mẹ phơi, là ánh lên khuôn mặt mẹ màu nắng hồng. Cho em thấy mặt mẹ đẹp và “yêu yêu”!
– Còn anh thì không bao giờ quên được mùi áo mẹ. Ngày xưa mỗi lần về quê xa, xe chạy qua những cánh đồng lúa  chín. Anh thích hít vào lồng ngực cái mùi thơm thiêng liêng và tinh khiết của hương lúa mới. Áo mẹ phơi, mang vào cũng rực lên mùi nắng mới. Một thứ hương thơm cũng tựa như linh thiêng và tinh khiết. Nên bao giờ cũng vậy, thuở ấu thơ anh đã thích dụi mặt mình vào áo mẹ.
Người con gái khẽ chép miệng, thở dài:
– Bây giờ chúng mình đã thành loài chim không tổ!
…Thế rồi suốt một buổi chiều … Họ đã ngồi bên nhau, gỡ từng lớp bụi thời gian, moi trong đó những kỷ niệm, tìm lại từng dấu chân… Kỷ niệm cuối cùng như một di chúc tình cờ, khi tiếng nói của mẹ nhẹ nhàng rung lên ở phía bên kia đầu giây điện thoại: “Mẹ lúc nào cũng nhớ đứa ở xa, thương đứa ở gần!”
Bạn thân mến!
Có ai trong đời lại không có mẹ? hoặc giả như có người nào được gọi là mẹ, lại không có con? Có con tất có mẹ, hoặc có mẹ, tất phải có con! Thế nhưng thực tế trong đời, không phải không có những người con không mẹ! Và cũng không thiếu những bà mẹ không con. Tiếc lắm thay!
Có những đứa con ngay từ khi mở mắt chào đời, đã không được nhìn thấy mẹ. Có những đứa con chỉ có mẹ trong khoảng đời ngắn nhất của tuổi ấu thơ. Có những người con đã lớn khôn rồi, mới mất mẹ. Có những người con tuy không còn được nhìn thấy mẹ nữa! nhưng biết mẹ hằng hiện hữu trong cuộc đời của mình. Lại có những người con biết mẹ mình còn đó, nhưng lòng họ đối với mẹ, đã từ lâu hầu như xa vắng!

•Khi biết mẹ hằng hiện hữu trong cuộc đời của con, là biết mẹ lê gót cùng con trong cuộc đời.
•Khi biết mẹ hằng hiện hữu trong cuộc đời, là biết mẹ cùng cười với con trong những nỗi sướng vui, hạnh phúc trong cuộc đời của con.
•Khi biết mẹ hằng hiện hữu trong cuộc đời, là biết mẹ hằng dõi mắt theo con, nâng đỡ con những khi con vấp ngã.
•Khi biết mẹ hằng hiện hữu trong cuộc đời, là biết mẹ hằng ủi an, vỗ về, những lúc con cô đơn, hiu quạnh, những lúc con thất bại, ê chề và nhục nhã.
Những lúc con bị người đời khinh chê và hắt hủi.
•Khi biết mẹ hằng hiện hữu trong cuộc đời, là những lúc biết đời không còn ai, con chỉ còn có mẹ. Con vẫn còn có mẹ!

Và sở dĩ con chắc có mẹ trong đời, vì con hằng nghe được lời mẹ, cũng như tin rằng, mẹ hằng lắng nghe tiếng con.
Người thiếu nữ kể lại với anh mình, và chắc người thanh niên cũng bảo với em gái rằng mình cũng nghe cùng một cung điệu như vậy, tiếng mẹ bên đầu giây điện thoại: “Mẹ lúc nào cũng nhớ đứa ở xa, thương đứa ở gần”.
Bạn thân mến!
“Nhớ” và “thương” là hai cung đàn trầm, bổng. Hai nốt nhạc cao nhất, và cũng thâm sâu tận cùng trong bản nhạc “lòng mẹ”. “Nhớ” và “Thương” cũng là một hoà điệu, bởi hai nốt nhạc cho một lời. Tuy hai bè trầm bổng khác nhau, nhưng ý nghĩa của nó cùng chung trong một dòng nhạc. Trong tiếng nói ngọt ngào của mẹ, nhớ tức là thương, thương tức là nhớ. Mẹ không thể chẳng thương mà nhớ. Mẹ không thể không nhớ mà thương! Người đời có thể nhớ vì ghét, hay ghét mà nhớ. Mẹ chỉ nhớ vì thương, cho dù đứa con có ngỗ nghịch.
Lạy Mẹ Maria,
Con hằng biết Mẹ không chỉ yêu thương những linh hồn thánh thiện đang gần bên Mẹ trong thế giới Tâm linh. Con đã biết Mẹ hằng nhớ chúng con, những đứa con ngỗ nghịch nơi trần thế. Nước mắt Mẹ cứ chảy hoài vì thương nhớ chúng con, những đứa con đau khổ lần mò trong tội lỗi. Con càng dại dột, thì mắt Mẹ càng đoái hoài. Con càng vấp ngã, thì càng thấy bàn tay Mẹ nâng đỡ  và dìu dắt con. Con càng mê muội, thì lời Mẹ càng lắm bảo ban. Con càng lánh xa Mẹ, thì Mẹ càng tìm tới. Những đứa con không biết Mẹ, thì Mẹ lại càng quan tâm, không những ở đời này, mà ngay cả đời sau.
Bạn thân mến!
Có một dạo, tôi đã tôn sùng Đức Mẹ, như Giáo hội cũng đã từng phát động. Nhưng tôi đã tôn sùng theo kiểu cách của riêng tôi. Tôi đã đi thật nhiều nơi, vào rất nhiều chỗ. Bất cứ nơi nào bán ảnh tượng, tôi đều ghé qua, chiêm ngưỡng hết tượng này, ngắm nghía đến tượng khác. So sánh từng nếp áo, lựa chọn từng khuôn mặt, sao cho mình có thể tìm mua được một bức tượng Đức Mẹ ưng ý nhất! Mang về nhà, tôi cũng lại đặt người ta làm một tượng đài bằng cẩm thạch. Lấy mẫu theo một nghệ thuật ở Ý. Trước tượng đài là một trụ đồng, trên là một cái đĩa lư hương theo kiểu Hy lạp. Một ngọn đèn điện chiếu thẳng lên mặt tượng, nhưng cả căn phòng lại mang vẻ âm u, thần bí. Tôi cũng đặt chạy một hàng chữ bằng đồng, sáng loáng trên bức tường làm phông cho tượng đài Đức Mẹ. Hàng chữ “Mẹ hãy nhớ, xưa nay chưa từng có ai đến khẩn cầu cùng Mẹ, mà Mẹ chẳng nhận lời” (Trích lời Kinh). Dĩ nhiên, sáng tối tôi đều đứng hoặc ngồi trước tượng Đ. Mẹ (cũng đã được làm phép) để đọc kinh, cầu nguyện. Trước khi cầu nguyện, tôi đốt trầm hương cho khói lên nghi ngút. Tôi bảo đảm với bạn, nếu bạn hiện diện ở đấy với tôi, bạn sẽ không thể phủ nhận bầu khí linh thiêng chìm ngợp trong lời kinh nguyện cầu. Nói tóm lại, không phải là Mẹ, trong lòng tôi, Người đã trở thành một vị “THẦN NỮ”! Nếu bảo rằng ngoại cảnh đắm say lòng người. Thì rõ ràng khung cảnh linh thiêng huyền bí, là khung cảnh cho thần linh ngự trị. Vậy thì trong cung cách ấy, trong hoàn cảnh đó, cầu gì mà Đức Mẹ chẳng nghe! Hơn nữa, tôi tin vào lời kinh như đã khắc ghi trên tường.
Nhưng phép lạ đã không diễn ra như tôi tưởng. Tôi cầu thì nhiều, mà phép lạ chẳng thấy được bao nhiêu! Tôi mở kinh thánh, thấy Chúa chữa bệnh khá nhiều, nhưng hóa bánh thì chỉ hai lần(2). Không thấy Chúa làm phép lạ ra những bữa ăn nuôi các Tông đồ mỗi ngày. Thậm chí Thánh cả Giuse vẫn phải vất vả với cái cưa, cái đục cho đến chết, mặc dù Ngài là Bố của Chúa! Nhìn lại mình, tôi bất quá chỉ là một tín đồ của một “Nữ Thần phúc lộc” trong tư duy. Kiểu tín đồ như tôi quá dễ, mua một pho tượng cho dù đẹp cũng chẳng tốn là bao. Tìm một Linh mục làm phép lại càng quá dễ! Thế là tôi đã có một vị thần hộ mệnh ở trong nhà. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi đã thấy việc tôn sùng của tôi, hao hao giống như một thứ “Tín ngưỡng” trong nhiều nền văn hóa các dân tộc. Văn hóa nhân loại đã từng sản sinh ra các vị thần thánh. Trong các thời kỳ Hy-La, Isis là nữ thần được tôn vinh hơn hết, là hiện thân cho nhiều khía cạnh của văn hóa Ai cập. Hathor nữ thần tình yêu và sinh sản, được xem là “mẹ” của các Pharaon. Vẫn còn đó hình ảnh đền thờ nổi tiếng ở Delphes, được coi là linh thiêng bậc nhất ở khắp mọi nơi trong thời cổ đại. Đây là đền thờ Apollon, vị thần của ánh sáng, âm nhạc, thi ca, mỹ nghệ, y học và tiên tri. Ai đã tới Ephèse (vùng Tiểu Á), phía Đông Địa trung Hải và các hòn đảo của biển Égéne, lại không biết đền thờ nữ thần Artémis, được xem là một trong bảy kỳ quan thời cổ đại. Đền thờ này trải qua nhiều thế kỷ là một trung tâm tôn giáo quan trọng, đến nỗi đã gây trở ngại rất nhiều cho Thánh Phaolô khi ngài đem Tin Mừng tới cho dân thành Ephèse. Rồi như đại nữ thần Aphrodite mà người Lamã nhận là có họ hàng, để được coi là dòng dõi chính thống, trực hệ với các vị thần ở Olympias. Ở La Mã, vị thần này có tên là Vénus – vị thần đáng yêu và cao quí – Nữ hoàng của nụ cười, của nhục dục và cuộc sống xã hội – Tất cả những gì mà người La Mã mong muốn tận hưởng –  Hàng ngàn, và hàng ngàn những vị thần khác kể không xiết…
Các nền văn hóa các dân tộc đã thai nghén ra các vị thần, để bù lỗ vào sự yếu đuối, sự bất toàn, sự đau khổ, lòng ham muốn cùng cực trong cuộc sống nhân loại. Ngày nay, sự quái thai của nền văn hóa mang đặc tính “toàn cầu”, lại không còn là những thần linh của thời kỳ duy trí, duy tâm, mà là duy vật. Chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa duy vật đang lan tràn khắp nơi trên thế giới. Nhân loại hôm nay, tôn sùng tiền bạc, của cải vật chất là trên hết. Người ta tin rằng chỉ có tiền bạc, của cải mới mang lại hạnh phúc. Chỉ có tiền của mới mong giải quyết mọi khó khăn, chữa lành các bệnh tật, làm được nhiều phép lạ. Sáu mươi năm trước, Jean Paul Sartre (Hiện sinh chủ nghĩa) đã tuyên bố: “Không cần phải tìm kiếm thiên đàng đâu xa! Thiên đàng ngay tại trần thế”. Nên “Thần tài”, cũng là “thần tiền”, đang ngự trị trong lòng nhân loại hôm nay. Thay thế tất cả các vị thần bất đắc dĩ trong quá khứ do các nền văn hóa duy này, duy kia mà ra.
Từ sự nhận định về một lối tôn sùng, theo kiểu “tín ngưỡng cầu lộc, cầu lợi” do các nền văn hóa đẻ ra. Tôi thấy có cái gì lấn cấn trong lương tri. Tôi bắt đầu tìm đọc những sách về Đức Mẹ, để làm tăng sự hiểu biết của mình về Đức Maria. Giáo hội gọi Người là “Mẹ”, vậy Mẹ Maria có khác nữ thần Hathor “mẹ” của các Pharaon (vua chúa Ai cập thời xưa) không? Nếu là vậy thì cái gì Người ban phát, cái gì không ban phát ?  Đức Maria được sinh ra là một Nữ Tử rất yêu quí, và trong ý muốn của một Thiên Chúa toàn năng, Chí Thánh và Chí Thiện. Không như các nữ thần, con rơi, con rớt của các dữ thần, hay bởi các thần hoang dâm vô độ. Hoặc như Aphrodite, có người bảo nàng là kết quả của một mối tình vụng trộm giữa thần Zeus (thần của các thần) với một nữ sơn thần. Lại có người kể rằng tinh khí của thần Ouranos hòa lẫn vào sóng biển mà thành nàng, rồi người ta cứ gọi nàng là “Đứa con của biển cả”. Vì sự bất toàn của các nền văn hóa lệch lạc, nên các “linh thần” được sinh ra để đáp ứng các nhu cầu vật chất, hay thỏa mãn các dục vọng nơi con người.
Đức Maria được sinh ra không phải để đáp ứng các nhu cầu hay thỏa mãn “bù lỗ” cho sự bất toàn nơi con người. Người được sinh ra để “làm Mẹ”, và cùng Thiên Chúa ban phát sự sống vĩnh cửu cho nhân loại đáng phải chết. Nên dù rằng Mẹ được Thiên Chúa cho “đầy ơn phúc”, và Mẹ không từ chối ai đến kêu cầu cùng Mẹ, nhưng “Ơn” Mẹ ban phải nên “Phúc”. Mẹ không cho con những gì con xin, mà lại không thành Phúc cho con. Mẹ không phải như những vị thần, nhân loại từng tôn thờ! Bạn hẳn không quên cuộc chiến thành Troie. Aphrodite vì hứa hẹn bừa bãi là ban cho anh chàng Pâris một người đàn bà đẹp nhất trần gian, nên mới dẫn đến vụ bắt cóc Hélène, vợ của Ménélas, khiến Ménélas tập họp tất cả các đạo quân Hy lạp vượt biển tiến vào chân bờ thành Troie, gây nên cuộc chiến mười năm. Đức Maria “đầy ơn phúc” nhưng không bao giờ Người ban ơn theo kiểu đó! Người là Mẹ đích thực của con cái loài người, chứ không phải là một thứ thần thánh vẫn thấy trong các nền văn hóa nhân loại. Nên tôi không thể tôn sùng Mẹ tôi, như người ta đã tôn sùng các vị thần nữ. Tôi cũng không thể mong cứu cánh phụ thuộc nhu cầu là níu kéo ân Phúc chạy theo ý muốn của tôi. Sự tôn sùng đức Mẹ như thế, thật khác nào Mẹ tôi chỉ còn là chiếc áo tơi cho tôi những ngày mưa gió bão bùng! Có ngày chiếc áo tơi sẽ bị loại bỏ. Các vị linh thần ngày xưa cũng đã bị loại bỏ vì thế! Vì là Mẹ đích thực nên những khi tôi xin dao, đòi kéo, Mẹ đã không cho, y như thuở xưa còn ngồi trong lòng mẹ.
Phải mất một thời, tôi mới hiểu rằng: Dạo ấy, niềm tin của tôi về Mẹ thì có, nhưng não trạng về một sự tôn sùng thì sai! Nó phát xuất từ sự thiếu hiểu biết, làm cho niềm tin trở thành ấu trĩ! Tôi cần phải thay đổi não trạng. Chính Chúa Giêsu con Mẹ, đêm hấp hối trong vườn cây dầu, Ngài cũng cầu xin với Chúa Cha theo kiểu này: “Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha.” (Mc 14,36) .
Bạn thân mến!
Tháng năm về, đây là điểm hẹn thời gian của tất cả những con cái Mẹ. Bên giòng sông, vẫn thường hay có những quán vắng. Quán vắng là nơi yên tịnh, người đời không thường lui tới! Giòng nước cũng như giòng đời. Quán vắng trong lòng mỗi người, là lúc ta gạt bỏ chuyện đời, không gì vướng bận, không bạn tri âm, không khách lữ hành. Cứ chầm chậm và lặng lẽ, ta ngồi lặng thinh, gỡ từng lớp bụi thời gian, cho hồn ta nâng niu từng kỷ niệm. Ta sẽ lắng nghe thấy từng dấu chân đi về. Ngay cả những tiếng cười nói trong cơn vui, ngay cả những âm thanh tức tưởi trong cuộc đời. Bạn cũng như tôi, chúng ta sẽ bắt gặp hình bóng Mẹ đi trong đời mình.
Dừng chân trong quán vắng, người anh trai đã nhìn thấy bóng dáng mẹ đi trên thềm cũ. Cô em gái nhìn thấy rõ khuôn mặt mẹ ửng hồng, trong nắng mới của những ngày ấu thơ. Cũng như Lưu trọng Lư suốt đời nhìn thấy mẹ mình

“Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi.”

Tất cả những hình ảnh đẹp đó, đều lồng trong cung trầm  tưởng của hai chữ “nhớ thương”, mà “Mẹ” đã nói với con trong suốt cả cuộc đời.

“Linh hồn con ngợi khen Thiên Chúa,
Lòng trí con  mừng vui trong Chúa, Đấng cứu chuộc con” (Magnificat)

Vì dưới chân Thánh Gía, Chúa đã ban cho chúng con một người Mẹ vô cùng hiền từ, yêu thương và cao quí: Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con./.

Tg. Uyên Ly


GHI CHÚ:
(1) Những ngày không: Những ngày còn vô tư.
(2) Hai lần Chúa hóa bánh ra nhiều: Lần thứ Nhất (Mt 14, 13-21) chỉ 5 cái bánh và 2 con cá cho 5000 đàn ông, không kể đàn bà con nít, thu về 12 giỏ đầy. Lần Thứ Nhì (Mt 15, 32-38) với 7 bánh và một ít cá nhỏ, cho 4000 đàn ông cũng không kể đàn bà con nít, thu về 7 thúng đầy.