“Anh em cứ lấy thí dụ cây vả* mà học hỏi.
Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nẩy lộc,
Thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.” (Mc 13,28)

Lê Văn nóng lòng nhìn đồng hồ. Đã mười lăm phút trôi qua, nhưng Mỹ Lan vẫn chưa tới. Suốt hai, ba tuần nay, lần nào phôn cho nàng cũng không được. Cánh cửa hàng rào sắt nhà nàng, cũng đã khóa kỹ. Lê Văn đành phải viết giấy hẹn, bỏ vào thùng thư …
Hôm nay Thành phố mới lên đèn. Hai bên đầu cầu, đường xá tấp nập xe cộ. Nhưng đứng trên thành cầu, đưa mắt nhìn giòng sông, Lê văn thấy thời gian nặng nề trôi. Con nước đen ngòm như cõi lòng chàng lúc này nhuốm màu ảm đạm. Càng đợi lâu, lòng càng tím lạnh! Chàng nhớ lại câu Mỹ Lan nói tối hôm đó: “Chúng mình nên chia tay đi!” (1a).

– Không thể nào! Mình đã giải thích rõ rồi kia mà! … Tình yêu đâu phải một sớm, một chiều mà có thể kết thúc đơn giản … như vậy được!
Chàng cảm thấy trái tim ngộp thở, như bị ép bởi một khối đá nặng ngàn cân. Lê Văn bỗng “hét” lên. Hết ngửa mặt lên trời, chàng lại cúi gập xuống thành cầu, gào xuống giòng sông:

– Mỹ Lan! … Mỹ Lan! … Anh không mất em đâu! Anh nhất định không mất em! … Cho dù em không tới, anh cũng sẽ đứng đây chờ em … suốt đêm nay! Mỹ Lan! … Em có nghe anh nói không ? Tiếng gào càng lúc càng lớn hơn … Bỗng sau lưng chàng, giọng của một người thiếu nữ:
– Tôi xin ông hãy bình tĩnh … thưa ông … Nàng lấy trong bóp ra, và trao cho Lê Văn mảnh giấy, lại tiếp: Nếu tôi không lầm, thì mảnh giấy này là của ông… đúng vậy không ạ ?
– Không mắc mớ gì tới cô … cô đi đi! … Tôi không tự tử đâu … Cô đừng can thiệp…
Mới nói tới đó, chàng chợt nhìn thấy những giòng chữ viết trên mảnh giấy đúng là của mình! Tại sao mảnh giấy hẹn hò với Mỹ Lan lại ở trong tay cô gái này ? Hết nhìn tờ giấy cô gái vừa đưa cho mình, Lê Văn lại đưa mắt nhìn nàng, với tất cả sự ngạc nhiên, lẫn thất vọng.
– Mảnh giấy này tôi đã viết cho Mỹ Lan đây mà! Nhưng sao nó lại nằm trong tay cô ?
– Vậy tôi đã có thể xác định một cách rõ ràng: Anh chính là … Lê Văn. Tôi xin tự giới thiệu mình là: Thiên Nga, bạn của Mỹ Lan. Mỹ Lan đã đi Perth hơn tuần nay, vì cha mẹ của cô ấy có chuyện gấp, nên đã không kịp báo cho anh biết! Vả lại, Mỹ Lan đã kể cho tôi nghe hết mọi chuyện xẩy ra giữa anh với cô ấy. Thực ra ngày đi … Nó vẫn còn rất giận anh, nên đã không nói với anh tiếng nào. Nó cũng đã “cúp” phôn, để anh không có cơ hội “làm hòa” với nó! Chỉ mới đây thôi, sau khi điều tra rõ trắng đen, nó mới gọi cho tôi, và nhờ tôi đi “phó hội” với anh giùm nó! Tôi là người cứ vài ngày, lại “check” thùng thư cho nó, và chính tôi đã báo cho nó “cái hẹn” của anh … Thế mà xui cho tôi quá! Vừa gặp mặt đã bị anh đuổi đi. Bây giờ thì … những gì tôi muốn nói, tôi đã nói xong! … Chào anh … tôi đi trước!
– Khoan, khoan đã! … Tôi rất có lỗi với cô! Mong cô tha thứ ! Xin cô thông cảm cho … Vắng Mỹ-Lan … Một ngày không gặp, dài bằng ba năm … Thế mà đã mấy tuần nay rồi! Tôi không hề biết Mỹ Lan “biến” đi đâu mất!
Người con gái mỉm cười gật đầu mấy cái:
– “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!” … Thôi được! Tôi thông cảm anh. Mỹ-Lan muốn anh hãy yên tâm! Nàng không còn giận anh nữa!
Vừa nói tới đó, thì điện thoại cầm tay của nàng “rung”. Thiên Nga lắng nghe một chút, rồi chuyển cho Lê Văn:
– Đây, hai người nói chuyện với nhau đi!
…Cuộc điện đàm vừa dứt, cũng là lúc khuôn mặt Lê Văn đang từ băn khoăn, lo lắng, giận hờn. Sầu dâng ngút trời! Thế mà chỉ trong phút chốc, bỗng đổi thành tươi vui … rất vui!
Chàng “cám ơn”, trả điện thoại lại cho nàng và nói:
– Bây giờ thì tới phiên Mỹ Lan nhờ tôi phải “ân cần” tiếp đãi Thiên Nga để trả ơn. Tôi muốn mời Thiên Nga một ly nước! Hay là chúng mình đi ăn “Dinner” với nhau bây giờ có được không? Tôi nghĩ Nga giờ này cũng đói bụng  … lắm rồi!

Nghe mấy chữ chúng mình và với nhau , Thiên Nga hơi mỉm cười, khẽ lắc đầu, trong lúc Lê Văn không để ý. Nhưng rồi nàng cũng cảm thông cho mấy từ ngữ đó, nên vừa gật đầu vừa nghĩ: Anh chàng tự nhiên quá, bảo sao Mỹ Lan không ghen cho được!
– Vậy thì đi! … Nhưng đây mới chỉ là chuyện anh “thù tiếp” Nga thay cho Mỹ Lan! Còn “nợ” giữa anh với Nga … Thế nào anh cũng phải trả! Ngưng lại một chút, nàng tiếp: Anh  đã biết vì sao Mỹ Lan giận anh chưa ?
– Mỹ Lan bảo, mai mốt mới nói, bây giờ không có thời gian. Nhưng mà Nga có thể nói sơ sơ cho biết được không ?
Hai người phải đi bộ hết cây cầu, qua bên kia mới có nhà hàng bên bờ sông. Vừa đi, Thiên Nga vừa kể: “Theo Mỹ Lan kể, thì trong “tòa báo” có một cô gái tên là Mai Liên, đúng không? … Nàng đẹp cỡ nào thì chỉ Mỹ Lan với anh biết. Nga chưa từng gặp mặt! Mỹ Lan lại không làm việc chung với anh, vì nó thú nhận không có tài viết lách như mấy người. Đúng vào thời điểm anh đi làm phóng sự, mà không báo cho nó biết, nó cuống cuồng đi kiếm anh khắp nơi. Phôn cho anh cũng không được! Chỉ có một địa chỉ duy nhất mà nó có thể hỏi han về anh là Mai Liên. Liên lạc với nàng cũng không xong, đầu giây đã “cúp” luôn. Mỹ Lan đã tới nhà Mai Liên, mấy lần cửa đóng, then cài. Lần cuối cùng, Mỹ Lan liều lục thùng thư, trước cửa nhà nàng. Phát hiện một xấp dầy cộm, nằm chờ chủ nhân, thì ra chủ nhà đã vắng mặt từ lâu! Vài ngày sau, anh có phôn về cho Mỹ Lan biết là đã đi được vài Quốc gia, và hiện đang ở Mỹ. Nàng vốn đã bực bội với anh, lại không nghe anh đả động gì tới Mai Liên… Nên cho rằng hai người đã đi với nhau, mà “dấu” mình!

– Trời! … Tại sao Mỹ Lan không hỏi tôi về chuyện đó! Tôi thật không hiểu “Đàn Bà”  … nghĩ cái gì ?
– Em cũng là “Đàn Bà” đây … Anh Văn ạ! Anh đừng có sắp sửa …
– Xin lỗi cô! … Mong cô thông cảm cho … Mấy tuần nay tôi đã đau khổ lắm rồi!
– Mấy tháng trước Mỹ Lan cũng đau khổ như anh thôi! … Như vậy, anh có thấy “tâm hồn” đàn ông, đàn bà, về điểm này, có khác nhau … chỗ nào không? Đừng bao giờ nghĩ rằng trên đời này, chỉ có một mình mình đau khổ! Sau này, đi đâu, nhớ phải nói rõ với nhau trước! … Cho dù dạo ấy, Mỹ Lan có hỏi anh về người con gái đó, để được nghe anh trả lời là: “Không biết!” … Nếu là anh, trong trường hợp “Hai người cùng viết báo với nhau” biến cùng một thời điểm với nhau khỏi cái nước Úc này … liệu anh có tin không?

… Hai người đã bước vào bên trong nhà hàng, và đang chọn lựa món ăn … Một lát sau, Lê Văn lên tiếng:
– Nga ạ! … Thực ra Mai Liên không có đi cùng với tôi! … Tôi xin thề, đây là sự thực!
Người thiếu nữ buông một tiếng cười “lạt lẽo”, đôi mắt bồ câu “đảo” một vòng lên trần nhà, y hệt như đường bay của chim Ô-Thước, rồi mới đậu lại trong đôi mắt đáng thương hại của chàng. Nàng vừa nói, vừa nhịp đầu để gằn từng tiếng một:
– Đáng lẽ anh nên ThanhMinh ThanhNga với cô ấy từ khuya rồi mới phải! Bây giờ ngồi đây, anh còn đang tưởng là … đối diện với Mỹ Lan à ? Nga đã bảo với anh là chuyện ấy đã xong rồi.
Nàng dịu giọng lại, và đôi mắt cũng giảm cường độ lạnh lùng như ve vuốt:
– “Con nhỏ” cũng ráng điều tra cho bằng được. Cuối cùng mới “vỡ lẽ” ra là: Đúng vào thời điểm anh đi, thì Mai liên về Việt Nam thăm mẹ. Thôi! … Nếu anh còn muốn tiếp tục thì đợi ngày nào Mỹ Lan trở lại, hai người nói chuyện ấy với nhau … Bây giờ tới phiên Nga đòi nợ anh đây.
– Tôi phải … làm sao?
– Cũng dễ thôi! Em cũng là độc giả của tờ báo các anh. Bộ vì chuyện tình cảm của hai người “mí” nhau, mà Thiên Phóng Sự của anh đành để đứt đoạn sao ? Đêm hôm ấy, anh với người đẹp Tây ban Nha “ngủ” với nhau trên xe lửa … rồi sao nữa (1b)?

Lê Văn buông tiếng thở dài, chàng lắc đầu:
– đã sống dở, chết dở với Mỹ Lan rồi, bây giờ lại gặp … Thiên Nga nữa! Làm gì có chuyện ngủ trên xe lửa!
– Ô hay … ai thì rồi khi mệt, cũng phải thiếp đi thôi! … Không lẽ anh và cô ấy nói chuyện suốt cả đêm ?
– Thưa … đúng vậy! Chưa cần phải gặp Alvin Toffler (2). Chỉ Scarlot thôi, cô ta đủ đưa mình lên “Chiếc Xe Thời Gian” (3) (The Time Machine), để “du lịch” vào Tương Lai. Ở thời đại công nghiệp, Marx – Engels (4) đã vẽ ra một thế giới đại đồng, nhưng rồi lý thuyết CS kể như đã xụp đổ ở cuối thế kỷ 20. Chúng ta tưởng như không còn ai nghĩ tới, và coi như một chủ thuyết không tưởng. Nhưng tương lai, kẻ thù của Cộng sản là Tư bản mới thực sự đóng vai của kẻ “không nói mà làm”. Một đường lối Tư bản duy vật sẽ (hay đang) chống lại Thượng đế một cách mãnh liệt, cũng như bọn trẻ “tương lai” sẽ hãnh diện (hay điên cuồng) tháo bỏ mọi xiềng xích của tư duy hay đạo lý, (đến lúc đó) được họ cho là cổ điển hay lỗi thời. Trước kia người CS đã nắm kinh tế để thắt chặt hầu bao, hầu điều khiển và sai khiến con người thế nào, thì sắp tới đây, Tư bản cũng nắm trọn quyền kiểm soát kinh tế, để điều khiển cả nhân loại cùng một cách thế. Nhưng sự xụp đổ của CS, đã tạo cho TB trở nên khôn ngoan hơn. Một trật tự thế giới mới của thế kỷ 21, sẽ không phải vẽ bằng bom đạn như thời Đệ Nhất, Đệ Nhị thế chiến của tiền bán thế kỷ 20 (Khi ông Phó Tổng thốngNixon kiêm Tổng Giám đốc Coca cola qua VN đầu thập niên 60 của Thế kỷ trước, ông ta đã tiên báo: “25 năm sau, người ta sẽ không dùng vũ khí để làm phương tiện chinh phục nữa! Ai nắm kinh tế trong tay, mới là kẻ chiến thắng”. Đó là ước muốn của Tư bản, mặc dầu hôm nay, nhiều nơi chiến tranh vẫn còn đe dọa). Y như sự sắp xếp về “Chính trị toàn cầu”, người ta mệnh danh là những cuộc cách mạng nhung. Chính trong sự êm ái đó, con người mới bị ngủ mê (hay đảo điên) trên những “giá trị vật chất”, và người ta tự nguyện chối bỏ Thần linh, chứ không ai bị bắt buộc hết. Ở thế kỷ 21, lúc mà danh từ Thế Giới Đại Đồng bị coi là đã được khai tử từ lâu, thì danh từ Quốc Gia không biên giới (chỉ là chuyện đổi cách dùng từ) được âu yếm mời gọi. Cả hai đều chủ trương xóa bỏ Tinh thần Dân tộc, và Tình yêu Tổ quốc vốn đã tiềm tàng trong tâm hồn con người tự hàng ngàn năm. Song song với việc xóa bỏ căn tính nền tảng đó, nó từ từ đưa con người thoát ly khỏi những ràng buộc Gia-Tộc, Giòng họ. Trong một gia đình, khi ông cha, bà mẹ đã trở thành thân phụ mẫu của những đứa con Hiệp Chủng, thì những ràng buộc theo đạo đức, luân lý cổ truyền bắt đầu băng rã. Cho dù rất nhiều ông cha, bà mẹ không muốn như vậy, nhưng đã là hiện tượng “Cuốn Theo Giòng”, thì cũng phải chấp nhận. Nhưng trước hết là một Thế Giới Được Khoanh Vùng cái đã! Trước khi Nguồn Năng Lượng Mới thay thế Năng Lượng Cũ, thì thế giới phải trải qua một cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế cao độ. Giả như “Nho học” còn tồn tại sẽ gọi là “Bí tắc thông, thông tắc biến ”. Nhưng thực ra đó là một trận cuồng phong về kinh tế để Xóa bàn làm lại. Scarlot chỉ ra rằng: Toffler đã căn cứ vào những dấu chỉ để phác họa cho thấy: Khi nào, giờ giấc làm việc được thay đổi, để đường phố không còn kẹt xe vào những giờ “cao điểm”. Thì lúc đó chính là sự xuất hiện của “Làn sóng thứ ba” (5) (Third wave). Kinh tế khủng hoảng khiến cho Những Người Trẻ Tương Lai đầu tiên là họ không thể mua nổi một căn nhà biệt lập, như những thế hệ cha, anh! Khởi đầu thì họ “có ưu tư  và lo lắng”. Nhưng một nếp sống mới sẽ làm họ quen đi, và họ sẽ “thích thú” sống trong một lối kiến trúc mới. Nhiều nhà theo kiểu chúng ta đang ở hôm nay (cho dù tân thời, hay tiện nghi mấy đi nữa), cũng vẫn phá bỏ (dĩ nhiên không phá bỏ hết, ở thời đại nào cũng sẽ vẫn còn vết tích của những thời đại đã qua) để thay thế bằng những Khu dân Sinh Thời đại hay khu gia cư Thế kỷ 21 (tương lai sẽ có danh từ thích hợp với nó). Trong đó có hồ bơi công cộng. Có phòng sinh hoạt tập thể. Phòng giải trí chung. Ngay cả phòng ăn cũng là phòng ăn cộng đồng, có vườn hoa chung, và chi phí chung cho những người phục vụ… Đầu tiên là những thanh, thiếu niên độc thân, những cặp tình nhân, hay những vợ chồng trẻ, có thể giải quyết dễ dàng sự tách rời khỏi cha mẹ, hay thế hệ cũ nói chung, mà không phải lo lắng tới sự khủng hoảng về giá cả nhà cửa leo thang. Một cặp vợ chồng trẻ, hay trai gái độc thân, đi làm là có thể mua, hoặc mướn một căn phòng để sống chung trong đó – Một khu đã có sẵn đầy đủ mọi tiện nghi – Không ai phải lo đến vệ sinh nhà cửa, săn sóc vườn tược. Cứ tới giờ thì đi làm, hết giờ làm là ăn chơi, nghỉ ngơi, vui thú … và thanh toán “bưu phí”. Kế tiếp là lối sinh hoạt thế kỷ: Sự chung đụng giữa một đám thanh niên nam nữ, trong một khu “nhà tổ ong”, sẽ biến đổi quan niệm, và đánh đổ mọi thành kiến đã có ở lớp người thuộc kỷ nguyên Hai-Mươi. Toàn cầu sẽ dội lên tiếng nói của một “Thế Giới Mới, Nhân Loại Mới”. Đó cũng là “dấu chỉ” để nhận diện Làn sóng thứ Ba” thật sự đã có mặt. Tới lúc ấy, quan niệm về Tình yêu, Hôn Nhân, Gia đình, Tôn giáo cũng thay đổi theo. Tất nhiên nó đảo ngược lại với những quan niệm truyền thống, hay đạo đức.

Thiên Nga có một giọng cười nghe rất du dương tựa như tiếng nhạc thiên thần, nàng nói:
– Chắc lúc đó cái bài hát “Yêu em dài lâu”, sẽ bị coi là lỗi thời rồi, phải không anh ? Còn cái chuyện bây giờ thỉnh thoảng mình nghe nói tụi Tây, có những cặp vợ chồng cứ thích sống tráo đổi ân ái  cả một bọn với nhau. Y như những loài thú nhốt chung trong một chuồng trại. Đến thời ấy, chắc không còn là chuyện vướng bận tâm tư, của bất cứ ai nữa, và nó công khai trở thành cái “mốt”. Ai không làm giống vậy, sẽ bị coi là quê mùa, lỗi thời … anh nhỉ ? Y như trong một buổi dạ vũ, người ta có thể mời bất cứ ai nhẩy với mình một bản, mà nhân danh Lịch sự, văn minh, tiến bộ, vợ hay chồng, không còn cảm giác “xốn xao” con mắt của thời sáu, bảy thập niên về trước, theo quan niệm Đông-Á. Nga bỗng cảm thấy “rùng mình”!

– Đêm đó, Scarlot có hỏi tôi câu này:
– Lê văn, bạn có đọc cuốn “The secret of Paul VI” của Jean Guitton chưa?
– Rất tiếc, tôi chưa có hân hạnh! Sao … có gì  đáng phải quan tâm?
– Trong cuốn sách đó, tác giả có nhắc lại một câu nói của Đức Giáo hoàng Phaolồ đệ lục: “Có một mối lo ngại lớn lao, liên quan đến Đức Tin trong Giáo hội, và trên Thế giới ngày nay, đến nỗi Ta thường băn khoăn tự nhắc lại câu nói khó hiểu của Chúa Giêsu, trong Phúc Âm thánh Luca: “Khi Con Người trở lại, liệu Người còn thấy Đức Tin trên trái đất này không?”( năm 1977, một năm trước khi Đ. Giáo hoàng Phaolô đệ Lục qua đời). (6).
Thiên Nga tỏ vẻ rất ngạc nhiên:
– Cô ta cũng đọc cả những sách viết về Giáo hội nữa à?
– Có lẽ cô ta là một con mọt sách! Không loại nào mà cô ấy không đọc. Cô ta cũng đọc những sách chống lại Giáo hội. Và tôi cũng đã nói với cô ta rằng: “Chị đừng có tin vào những “ngụy thư” đó!”, nhưng nàng thách thức, biểu tôi có ngon thì viết sách chống lại họ đi! Scarlot tiếp: “Tôi nói cho anh biết, tôi đang đứng ngay trong hàng “tiền đạo”. Âu châu hôm nay, không còn là Âu châu của thời Phục-hưng nữa! mà là “địa đầu giới tuyến” của các sự kiện trái ngược, cũng như thiện ác đang diễn ra mỗi ngày. Và tôi đã thấy  ngay cả những người được coi là “Những nhà đạo đức” cũng phải giữ thái độ im lặng, trước những sai trái đang mạnh mẽ tấn công trong thế giới này! Tôi có nghe nói ở các xứ sở phương Đông nơi bạn sinh trưởng, có câu: “Dĩ độc trị độc”, nhưng ở Tây phương người ta không làm như vậy. Người ta “dùng phương tiện đạo đức chống lại đạo đức!”. Và nó mang lại nhiều hiệu quả hơn!”.

Thiên Nga lắc đầu tỏ vẻ không hiểu:
– Đầu óc em bắt đầu rối mù lên rồi đấy! Nhưng anh không tấn công lại cô ta điểm nào sao ? Vậy chứ thực ra cô ta tin vào cái gì ?
– Nga ạ! Cô ấy tin vào những cái con cháu chúng ta cũng sẽ tin! Đừng nói tới con cháu, phần đông bạn bè của chúng ta hôm nay, cũng đang đi vào con đường như vậy! Con đường ấy mệnh danh là Chủ nghĩa Tự Nhiên (7). Rồi tiếp nối là các triết thuyết “hiện sinh” (8). Lấy lý lẽ khoa học thực nghiệm mà phủ nhận “mặc khải” (9). Chính những tư tưởng này đã và đang chỉ đạo. Nhưng tương lai, nó sẽ còn mãnh liệt hơn nữa, vì những phát minh của khoa học càng ngày càng tiến bộ (cho dù sự khám phá của khoa học đối với vũ trụ, còn rất nhỏ bé), khiến che bớt thần trí con người để đi ngược lại chiều “Chân lý”.
– Nói theo cái kiểu: “Lấy bàn tay che ánh mặt trời” phải không anh ?
– Em dùng cái hình ảnh đó rất cụ thể! Bốn khả năng “thấu thị” của con người theo thứ tự là: thần nhỡn, tâm nhỡn, trí nhỡn, và thấp nhất là nhục nhỡn. Thần nhỡn là cao nhất vì con người phát xuất tự thần linh (nhân linh ư vạn vật). Phật giáo gọi là “huệ nhỡn”, văn hóa đông phương gọi là “Tuệ nhỡn”. Người Công giáo chúng ta có thể gọi là cảm nghiệm của Tâm linh. Xuống một chút nữa, con người thường dễ nhận ra, đó là cảm xúc của Tâm hồn (Tâm nhỡn). Nơi hai tâm hồn gặp nhau. Anh thí dụ như có hai người yêu nhau, mà bố mẹ không chấp nhận, còn họ hàng thì chê trách hay phản đối.
– Anh cho Nga phân tích thử nha! Người ta yêu nhau là do Tâm tri “ngộ” – Đi một đám với nhau, hay sinh hoạt, chơi chung cả đám với nhau, mà chỉ có hai người họ “nhìn” thấy cái “tâm” của nhau, và “ngộ” được nhau!
– Cũng giống như nhị Kiều… em nhớ không ? Thúy Vân gặp Kim Trọng thì chẳng “thấy” gì, nhưng Thúy Kiều vừa gặp là “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”:

“Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Nên câu tuyệt diệu, ngụ trong tính tình.”
(Nguyễn Du)

– Cho nên làm cha mẹ, nhiều khi cũng nên nghĩ lại, anh đồng ý … với em không? cái lúc mình không chấp nhận chuyện hôn nhân của con cái, vì mình chỉ nhìn bằng “trí”. Lấy lý này, lẽ nọ mà xét, rồi phủ quyết! Chứ có khi nào “nhìn” bằng “tâm” đâu! Ngược lại, con cái cũng nên thông cảm cho cha mẹ, vì là cái nhìn của cha mẹ (trí) với cái nhìn của hai đứa (tâm), hoàn toàn không giống nhau. Đó là chưa kể, nhiều khi cả hai cái nhìn (tâm nhỡn, hay trí nhỡn) cùng sai, hay lầm lẫn! Thế còn bà con, họ hàng phản đối, thì cũng vẫn do cái “nhìn” của “trí”, phải không anh?
– Chút ít thôi! Vì thường không phải ruột thịt, họ chẳng cần xét điều hơn, lẽ thiệt làm chi cho nhiều! Đa phần họ nhìn theo cái kiểu “nhãn nhục”.
– Cái gì … nhãn nhục là cái thứ bọn em vẫn ăn ở ngoài đường, mỗi khi về Việt Nam í hả ?
Lê Văn cười, đùa vui:
– Không phải, anh đùa ! … Cái nhìn bằng nhục thể, là cái nhìn theo “mắt trần”. Người đời phần đông đánh giá theo cái nhìn bề ngoài! Đó là cái nhìn “thấp nhất”… em ạ! Cho nên ai lấy nhau mà chỉ nhìn theo cái “mã” (mã = giả) bên ngoài, ví như “công tử”, nhan sắc, tiền bạc, địa vị, giàu sang … thì Hạnh-phúc thật làm sao có được!
Trở lại trọng tâm của vấn đề. Bàn tay có che nổi mặt trời hay không? Nếu có, chỉ là che được cái nhìn thấp nhất của con người. Ba “quan giới” kia (thần nhỡn, tâm nhỡn, trí nhỡn), khó mà che được! Sự lừa dối không thể dài lâu! Trên lãnh vực tư duy, nhân loại trải qua rất nhiều thời kỳ: Duy linh, duy tâm, duy lý, và duy vật. Thời đại hôm nay là thời đại “duy vật” đang chiếm ưu thế. Bằng con mắt thường, người ta chỉ có thể nhờ vả vào khoa học thực nghiệm để làm biện chứng.  Nó đang áp chế, đè nén mọi lãnh vực thuộc tinh thần, trong đó có tôn giáo. Nó đã châm ngòi từ “thuyết Phi đạo đức” của Nietzsche (10), kẻ đã dám tuyên bố rằng “Thượng đế đã chết”. Nhưng cũng giống Karl-Marx, sự chống lại đạo đức hay tôn giáo kiểu vô thần, thật sự không còn ăn khách! Bất cứ sự o-ép nào, cũng tạo thành sức bật, khiến cho tôn giáo càng ngày càng mạnh thêm!
– Bởi vậy, Scarlot mới nói “Ngày nay người ta dùng phương tiện đạo đức để chống lại đạo đức”, nhưng nói như vậy, những nhà đạo đức làm sao có thể chấp nhận đây ?
– Họ chấp nhận được em ạ! Bởi vậy, có nhiều khi ta thấy các ngài làm thinh, chưa đến lúc để phản kháng! (Hy vọng vậy). Cũng như Nga bảo tôi phải tấn công cô ta à ? Rồi sau này, mình cũng tấn công con cái mình ư ? Đó không phải là cách chúng ta làm! Kẻ thù bây giờ là kẻ thù muôn mặt. Kẻ thù là ta! Trong “TA” có con, cháu, có thân hữu, có bạn bè.  Thực ra Scarlot cũng chẳng tin vào cái gì cả! Rất nhiều trong giới trẻ đang sống giữa cái gọi là “Văn minh hiện đại” bây giờ là vậy! Nàng cũng như phần đông nhân loại, ai cũng muốn biết tương lai sẽ ra sao. Thấp nhất là muốn biết tương lai đời mình. Trí giả thì muốn biết tương lai nhân loại. Cỡ trung-bình thì cũng muốn biết xã hội sẽ diễn tiến kiểu gì, để còn tính chuyện đầu tư (Có rất nhiều loại đầu tư: Đầu tư tài vật, Đầu tư quyền lực … và ngay cả đầu tư sở thích). Scarlot là loại người hiểu và biết những điều mình đang nói! Trên thực tế có những nhà đạo đức, không nói gì được, trước những điều xấu đang được cổ võ, bởi chính những người đã từng, và vẫn còn đang từng “đầu tư những ý đồ đen tối” qua việc vay mượn những hành động đạo đức, hay những vỏ bọc mang nhãn hiệu “Từ tâm, từ thiện”. Những người này lại rất có thế lực! Câu nói “bứt giây động rừng”, chưa bao giờ hữu hiệu cho bằng trước những vấn đề gai góc, trong thế giới tư bản vật chất ngày nay!..

– Anh nói rõ ra một chút có được không ?
– Nga có tin rằng Scarlot cũng đọc Kinh Thánh không?
– Anh đã bảo cô ta là con mọt sách, thì đương nhiên là có rồi!
– Đúng vậy! Cô ta đáng kể là một trong số những môn đệ của Alvin Toffler. Nghe cô ta nói chuyện về viễn tượng con người, và “khuôn mặt thế giới” trong tương lai, chẳng khác nào ở thời cổ đại, những tư-tưởng triết học của Socrate đã được Platon, hay Apollodore (11) … minh họa cho nhân loại biết rằng từ nay: Triết học sẽ ngự trị và hướng dẫn mọi sinh hoạt trên địa cầu. Thời đại này thì không phải vậy, con người chỉ là công cụ, phục vụ cho một guồng máy siêu hình, đang sắp xếp một thứ trò chơi (game) nguy hiểm, mà trong đó nhân loại sẽ trở nên “những người máy”! Thời nào thì họ sẽ phải thích màu gì. Lúc nào thì con người sẽ phải ăn cái gì, mặc ra sao, chơi thế nào … Nói chung, nhân loại sẽ tuân theo một thứ mệnh lệnh vô hình, nhưng không hề biết! Và cũng chẳng ai cưỡng lại được! Lê văn ngừng lại một chút, rồi mới tiếp:

– Đây là một tổ chức toàn cầu, mà kẻ điều khiển không thuộc về thế giới này! Những kẻ đang tưởng là mình điều khiển cả thế giới, thực ra cũng chỉ là tay sai, và cũng chỉ như là những con người máy! Nó mờ mờ xuất hiện trong những cuốn sách mà nhậy cảm lắm, mới nhận ra họ thuộc về một thứ tôn giáo bí mật (Freemasonry – Secret cult). Tôn giáo này núp dưới những cái bong bóng màu, muôn sắc như  là những cơ quan từ thiện, phát triển phúc lợi khắp nơi trên thế giới. Chăm sóc cho những kẻ bần cùng. Bảo trợ các cô nhi, góa phụ, giúp đỡ những đất nước bị chiến tranh tàn phá, hỗ trợ các chương trình nghiên cứu y-khoa. Tổ chức các ngân hàng hiến máu v.v… Về nhân sự, họ là những người đầy tiếng tăm, khó ai có thể đụng tới được! Có khi là những nhà lãnh đạo một số quốc gia trên thế giới. Đầy mãnh lực và quyền uy của những Tổng công ty, Công ty … bá quyền trên hết mọi quốc gia.
– Nếu anh bảo rằng kẻ điều khiển không thuộc về thế giới này, không lẽ lại là người của hành tinh khác ?
– Không phải, nhân vật ấy sách khải huyền (Kh 12,9 & 13,1) đã nói tới rồi! (12) … Chuyến tầu đêm ấy, trước khi trời sáng, tôi đã nói với Scarlot: “Tất cả những điều chị nói, tôi không phủ nhận! Nhưng Alvin Toffler vẫn chỉ là người có cái nhìn bằng một con mắt rất khoa học, còn có những người nhìn cao hơn ông ấy, họ có cái nhìn của tâm linh, mà người đời gọi là những nhà tiên tri, như Trạng Trình (Nguyễn bỉnh Khiêm 1491-1585) của nước tôi. Thế giới có những người như Nostradamus (1503-1566), Edgar Cayce, (1877-1945), Wolf Messing (1899-1972) v.v… Nhưng tôi nói cho chị biết, có một “Người Đàn Bà” có thể làm thay đổi vận mạng cả thế giới, chuyện ấy đã xẩy ra rồi! Và sẽ còn xẩy ra nữa … Bà ấy đã làm cho ngay cả những lời tiên tri cũng không còn hiệu nghiệm, đừng nói là những dự đoán của Alvin Toffler. Nhưng “Bà ấy” có nói tới những “điều kiện phải thi hành”.
Scarlot hỏi:

– Tôi chưa nghe nói về người đàn bà này !
– Có thể chị đã nghe, nhưng “bàn tay che ánh mặt trời” của khoa học hiện đại trong lòng chị, đã làm chị không thấy đó thôi!
– Bà ấy là ai ?
– Bà là người được mọi người xưng tụng bằng danh hiệu của một nơi nghèo nàn và bé nhỏ, nhưng đã trở thành địa danh không ai không biết, nằm trong chính quốc gia mà chúng ta sắp đặt chân tới (đêm hôm ấy, từ Pháp, tôi đã đáp xe lửa, khi qua nhà ga ở Tây ban Nha thì Scarlot lên, và chúng tôi cùng đến Bồ đào Nha): Người Đàn BÀ CỦA FATIMA! Chị còn thiếu những cuốn sách viết về “Bà”! Nhưng không cần, nếu ngày hôm nay, chị tới đó, chỉ cần ở trước mặt “Người” và thành tâm hỏi “Bà là ai ?”, chị sẽ được biết tất cả những gì chị cần phải biết!

Tg. Uyên Ly

GHI-CHÚ:
*Cây Vả (Figuier): Cùng với cây Ô-liu, cây Nho, cây Vả là một trong những cây biểu tượng sự dồi dào sinh lực. Nhưng về mặt tiêu cực, nó biểu tượng cho sự khô héo, và trở thành cây xấu. Nó thể hiện nhà thờ Do thái, đã không công nhận Chúa Cứu Thế của một Giao Ước Mới. Nên không còn đơm quả: Nó thể hiện khá đúng một giáo hội biệt lập, mà sự dị giáo làm khô héo cành nhánh. Ta từng gặp “Cây Vả” được nói tới nhiều lần trong Kinh Thánh: Sách Sáng Thế (3,7) Adam và Eva thấy mình trần truồng, đã kết lá vả làm khố che thân. Tân Ước: Mt (21,19) và Mc (11,12-14); Mc ( 11, 20-21) Cây Vả bị Chúa Giêsu nguyền rủa, đã ra khô héo. Ga (1,48) Chúa thấy Nathanaen dưới gốc cây vả. Đây là loại cây to (tên và ý nghĩa, cùng tầm vóc của nó được sánh như cây Đa của Đông phương), cây vả có trái, trái có thể ăn. Viết theo Jean Chevalier  (Symboles trang 975).
(1a),(1b). Xem bài “Cuốn theo giòng” cũng của Uyênly. Bài này nối tiếp những ưu-tư về “niềm tin tuổi trẻ”.
(2). Đã được chú giải trong bài “Cuốn theo Giòng”.
(3). The Time Machine: Một tác phẩm của H.G. Wells xuất bản năm 1895. Cuốn tiểu thuyết này đã được đóng thành phim và khởi chiếu từ Thập niên 60 của thế kỷ trước. Wells viết theo cảm hứng phát xuất từ Thuyết không gian bốn chiều của Einstein, trong đó chiều thứ Tư là “Thời gian”. Theo Bác học Einstein, thời gian “co dãn” tùy thuộc tốc độ ánh sáng (300.000 km/sec). Khi đạt được tốc độ ánh sáng, chúng ta có thể đi du lịch về “quá khứ” – nhìn lại quá trình lịch sử, hay xem lại thuở ấu thơ của mình – hoặc “du hành” vào “tương lai” – để thấy những gì sẽ xẩy ra. Lý thuyết là vậy, thực tế vẫn còn thuộc về lãnh vực “Khoa học Giả tưởng”. Tuy nhiên, cũng không phải là không có chứng cứ: Thí dụ như các thánh, các linh hồn … “đi” bằng vận tốc của “Ý”, tức là chỉ cần “nghĩ” tới cái gì, chỗ nào, thì các Ngài đã có mặt ngay tại chỗ ấy rồi. Vận tốc của “Nghĩ” hay của “ý”, nhanh gấp bội lần vận tốc của “ánh sáng”. Chính vì thế, các Ngài thấy được “dĩ vãng” đời mình, mà cũng thấy được “vị lai” của người trần. Có điều “thiên cơ bất khả lậu”, nên các Ngài không được Chúa cho phép tiết lộ. Nhưng không phải là không có. Những mặc khải, kể cả những mặc khải tư, hay khải huyền đều là sự báo trước, hay nói lên cái sự “nhìn thấy được” trình tự tương lai nhân loại. ( Chết rồi, sang thế giới bên kia, sướng vậy đó! Sau thời Thanh Luyện, muốn thấy gì là thấy liền, muốn đi tới đâu, chỉ nghĩ một cái là đã đến! Đây là Uly nói, Chúa không có nhờ quảng cáo đâu nha! Ai tin thì tin, không tin chả sao, chết rồi ai chẳng biết !).
(4). Marx – Engels: Karl Marx (1818-1883); Friedrich Engels (1820-1895): Hai nhà lý luận chính trị & triết học CS, sáng lập chủ nghĩa Mác-xít. Cả hai đều là người Đức. Gặp gỡ nhau lần đầu tại Paris (1884). Mác-xít là một chủ thuyết “Duy vật biện chứng”, Duy vật sử quan và là Chủ nghĩa Xã hội không tưởng. Cả hai đều viết riêng những cuốn sách về những lãnh vực tư tưởng và đưa ra một quan niệm mới về triết học vào thế kỷ 19 chống lại triết học cổ điển Đức. Đặt mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và tư tưởng. Viết chung cuốn “Gia đình Thần thánh” (1845-46) chống lại hệ tư tưởng cũ của nhóm Hégel trẻ (Đức). Nhưng bộ sách lớn nhất là “Tư bản luận” do Marx khởi sự và Engels bổ túc, cả hai đều dùng luận chứng duy vật sử quan. (Khi Karl Marx qua đời thì “Tư bản luận” chưa viết xong, Engels hoàn tất nó).
(5). Third wave : Làn sóng thứ ba là tên của một cuốn sách của Alvin Toffler (Xin coi: “Cuốn Theo Giòng”, DCUC tháng 10/06). Chỉ nền văn minh thứ ba của nhân loại: Văn minh tin học (hay văn minh Điện toán), sau hai nền văn minh: Nông nghiệp và Công nghiệp.
(6). Không cứ gì nỗi băn khoăn của Đ. Giáo Hoàng. Ngày 21-1-1982, trả lời câu hỏi của sáu thiếu niên thị kiến Đ.Mẹ hàng ngày tại “Mễ-Du”: “Tại sao có những dấu lạ và hiện tượng lạ mà vô số người đã thấy ở nhiều nơi trên thế giới ?” Chính Đ.Mẹ đã trả lời: “Chính Thiên Chúa đã ban các sự ấy. Hỡi các con, các con không nhận thấy Đức Tin đang tàn lụi sao? Nhiều người không còn tới nhà thờ để thờ phượng nữa, trừ phi vì thói quen. Bởi đó, cần các dấu chỉ để đánh thức lòng tin… Đó là Hồng Ân của Thiên Chúa.”
(7). Chủ nghĩa Tự Nhiên (Naturalisme): Ra đời 1880. Zola (1840-1902) khởi xướng. Theo đó có những nhà: G. de Maupassant (1850-93); Anh em Goncourd (1830-70 và 1822-96); Paul Alexis (1847-1901); Huysmans (1848-1907);  Octave Mirbeau (1848-1917) … Chủ nghĩa này cho các khoa học tự nhiên là nền tảng của đạo đức. Sự thờ phụng các hiện tượng thiên nhiên là nguồn gốc các tôn giáo. (Ngã ba đường của nó là: Sự tôn thờ ngẫu tượng, rồi đồng hóa các tôn giáo, sau đó là chối bỏ hết mọi tôn giáo. Rất nguy hiểm! Uly nghĩ vậy, Độc giả cao kiến nghĩ sao?)
(8). Thuyết Hiện Sinh (Existentialisme): Còn gọi là thuyết Sinh tồn, do sự tự tạo và tự lựa chọn trong lúc hành động. Ra đời sau Đệ nhất thế chiến (1917- 19). Cao trào của chủ thuyết này vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ 20. Có Hiện sinh vô thần, cũng có Hiện Sinh hữu thần. Hiện sinh cho: Cái ở ngoài tri thức, ở ngoài tư tưởng con người, là “Vũ trụ tự nó”, tức là “không ý thức”. Vậy hiện hữu của tạo vật là hiện hữu tự nó. Hiện hữu của con người là hiện hữu “Vị” nó. Vũ trụ là “vũ trụ vị tôi”. Ở con người: Hiện hữu có trước bản chất. Có bản chất mới có sự “tự do lựa chọn”, để trở thành cái mà con người muốn trở thành. Có thể coi Kierkegaard (1813-1855 – Đan mạch) là người khởi xướng. Ông cho ý-thức về sự tồn tại của mình là “vô lý”, vì số phận mình là hư vô, kèm theo nỗi kinh hoàng (Vô thần ?). Grabriel Marcel (1889-1973), Jean Paul Sartre (1905-1980), Albert Camus (1913-1960), Simone de Bauvoir (1908-86) … Họ chủ trương: “Phải lao vào hành động, phải sống thực với gì mình thích, bất kể mọi thứ ràng buộc, luật lệ, để thoát khỏi nỗi ám ảnh và kinh hoàng”.
(9). Xin đọc “Giờ Cuối” (The final Hour) của Michael H. Brown.
(10). Thuyết phi đạo đức (Immoralisme) của Nietzsche (1844-1900). Nhà ngữ thuật và triết gia người Đức, đề cao triết lý “sức mạnh và quyền lực”. Đạo đức không phải là chân lý, không thừa nhận một gía trị nào đạt được, đòi hỏi thường xuyên phải chinh phục, chỉ “chinh phục” mới là mục đích.
(11). Socrate (470-390) – Nhà Hiền triết Hy Lạp. Ông không viết một tác phẩm nào hết, giống như Chúa Giêsu, Phật, Mohammed. Ông chỉ giảng dậy, rồi các đệ tử  Platon, Criton, Apollodore, và các người đồng thời với ông như  Aristophane, Xénophon  viết và nói về ông. Thời đó, tư tưởng của ông quá mới mẻ, nên bị nhà cầm quyền Hy Lạp khép vào tội: Đầu độc giới trẻ. Do đó Socrate bị kết án tử hình, buộc phải uống thuốc độc chết.
(12). Ngày 25-8-1991, Đ.Mẹ nói với thế giới qua cô Marija Pavlovic (một trong sáu thiếu niên thường xuyên được thị kiến Đ.Mẹ tại Medjugorje) rằng: “… Satan rất mạnh và nó muốn phá hủy kế hoạch bình an, phúc lạc …”.