“Lạc đà từng đàn che rợp đất,
Lạc đà Ma-đi-an và Êpha:
Tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
Đều mang theo vàng với trầm hương,
Và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa”.
(Isaia 60,6)
Phố xá ở Sơ-va bỗng nhiên trở nên nhộn nhịp. Kẻ mua, người bán tấp nập. Ngay cả những trẻ em, chẳng mua bán gì, cũng ra khỏi nhà. Chúng rủ nhau đi xem những đoàn người từ phương xa tới. Những cô thiếu nữ nghe bạn bè rủ rê, cũng choàng vội tấm khăn lên đầu, kéo nhau ra đường, như đi xem người ta trình diễn áo quần. Những tiếng cười đùa khúc khích, xen lẫn với những lời bình phẩm, đàm tiếu:
– Chị em ơi! Coi kìa, giống như những mệnh phụ ấy nhỉ ?
– Nhưng mà già rồi, còn khoác những tấm voan sặc sỡ, mày không thấy dị sao ?
– Như vậy mà bảo người ta già! Tao nghĩ họ chỉ ngoài bốn mươi thôi!
– Nhưng phải công nhận mấy cô gái kia đẹp thật! Cứ y-như là những thiếu nữ thành Suy-la-mi-tê (1).
– Chuyện! Sang trọng thế kia lại chẳng đẹp!
– Thôi đi bà ơi! Bộ cứ hễ sang trọng là đẹp hết sao ? Nhưng mà có nghe nói họ từ đâu đến không ? Họ thuộc thành phần gì vậy ? Vương tôn, công tử ? Không chừng kén vợ ở đây đấy! Tao nói thực cho mày biết, gái Sơ-va chúng mình cũng nổi tiếng “mỹ nhân” cả đấy!
– Thôi đừng có tự đưa mình lên! Cứ để họ nói về mình cái đã! … Nghe đồn họ là mấy ông vua từ Ma-đi-an và Êpha kéo tới.
– Có người bảo họ là đoàn tùy tùng của các nhà Bác vật!
– Bác vật là gì ?
– Mày “quê” quá! Bác vật là những nhà thông thiên văn, thạo địa lý, họ chẳng khác gì những học giả nghiên cứu đủ mọi thứ trên đời. Coi kìa, mày đi về thay cái “củng” (váy) giùm tao đi! Không khéo mày lại để họ chê cười gái Sơ-va chúng mình hết đấy! Bảo đi học thì làm biếng không chịu đi, cứ ở không, chui hết nhà này sang nhà nọ “khiếu” đủ mọi chuyện, rút cuộc chẳng biết chuyện gì hết!
– “sí”! Bà thì giỏi rồi! … chỉ được cái lẻo mép!
… Trong thành, những cây Trắc Bá Hương đã bắt đầu tỏa mùi thơm dìu dịu. Bên trong cổng lâu đài là những hàng Thiên tuế xứ Cadès, xum xuê một vùng, tựa hồ như thể cây Quỳnh, cây Dao ở nước ta. Một dãy hàng hiên trồng những cây Hương Lan mà chủ nhân đã tốn công sưu tầm đủ loại, mang về từ núi Li-ba-nô. Lâu đài Sơ-va (Shevar) chưa bao giờ nhộn nhịp như hôm nay. Giai nhân, tài tử dập dìu. Họ súng sính trong những bộ lễ phục có, thời trang có, và đủ mọi thứ màu sắc, lụa là. Trong một tiền đường rộng lớn được dùng làm nơi tiếp tân, chiếc ghế chủ tọa gắn những viên hồng ngọc lóng lánh, được dành cho chủ nhân của ngôi lâu đài. Chính là một ông Hoàng, trông hơi quá tuổi trung niên một tí, nhưng dáng dấp còn mạnh mẽ, đẹp đẽ, và phúc hậu. Nước da của ông màu hồng mặn, đỏ đắn, gần giống như người Gia-nã-đại, hay người Indian. Bộ râu tóc bạch kim mượt mà, làm tăng thêm vẻ quyền quí. Người ngồi bên cánh trái là một tráng niên khoảng chừng ba mươi lăm, ba mươi sáu, “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Da màu nâu xậm. Có bộ râu quai nón như hai lọn tóc xanh mướt, chẻ làm đôi ngay giữa cằm, và xoắn tròn vào giữa, đẹp như những vị thần trong những truyện cổ tích xứ Ba-Tư. Người này và đoàn tùy tùng của ông từ Ma-đi-an tới. Phía bên phải ông Hoàng, một người đang trải rộng cuộn giấy da chằng chịt những chữ, xem chừng còn rất trẻ, là trưởng phái đoàn tới từ Êpha. Anh chàng có nước da trắng như con gái, mắt xanh, mày rậm, nhưng dáng dấp vừa thông minh vừa nhanh nhẹn. Ngồi bên cạnh chàng, lại là một nàng Công chúa, nhan sắc tuyệt vời, chim sa cá lặn, ái nữ của ông Hoàng xứ Sơ-va. Dọc dài hai bên trái phải, nếu không là hoàng tôn, quốc thích, thì cũng toàn là khách quí từ hai phái đoàn mới đến.
Chủ tòa nhà thành Sơ-va nhấc chiếc bình pha-lê, trong chứa loại rượu nho thượng hạng làm từ Ai-cập, đích thân rót thêm vào ba chiếc ly chạm trổ bằng vàng cho chính mình, và hai vị thượng khách. Những chiếc ly mà tổ tiên ông đã mua lại của Babylon sau thời bị luận phạt vì kiêu căng. Sử sách đã ghi chép những lời nguyền rủa nặng nề này:
“Hỡi trinh nữ, con gái Babylon, xuống đi, ngồi trên cát bụi;
Hỡi con gái Can-đê, ngồi phệt xuống đất, không ngai, không bệ,
Vì người ta sẽ không bao giờ gọi ngươi
Là cô gái yêu kiều đài các nữa.
Hãy lấy cối xay bột, phơi trần bím tóc,
Vén vạt áo dài, phơi đùi lội qua sông,
Để chỗ kín ngươi bị lột trần, cho nỗi nhục ngươi bị lộ ra!
… Ngươi đã nói: “Mãi mãi ta sẽ là nữ hoàng”.
Những điều ấy, có bao giờ ngươi để lòng nghiền ngẫm,
Suy nghĩ xem kết cục sẽ ra sao!”
(Is 47,1-3 & 7 – Ai ca khóc Babylon).
Ông nâng ly, mời những vị khách quí, rồi nói:
– Tôi đã chuẩn bị các thứ rượu ngon, thức lạ để chờ các ngài đến, vì đã đến thời điểm ứng nghiệm lời Tiên tri Isaia rằng: các Ngài sẽ ngồi trên lưng những lặc đà đến từ Ma-đi-an, Êpha, và rồi chúng ta sẽ chẳng phải từ Sơ-va này mà kéo đi tìm “Vị Cứu Tinh”, Vua trên các vua, Chúa trên các chúa đó ư ? (xem đoạn trích mở đầu, Is 60,6).
– Ngài Sơ-va (Họ gọi nhau bằng tên thành sở ngụ), thế ra ngài đã biết trước chúng tôi sẽ đến à ? Giọng của nhà Đạo-sĩ Ma-đi-an, người có màu da nâu xậm. Ông ta chỉ về phía ông Êpha mà nói tiếp: Chúng tôi đã nhìn thấy điềm lạ trên trời, và căn cứ vào sách sử đã ghi chép rằng:
“Ngươi sẽ biết rằng: Ta là Đức Chúa, là Đấng Cứu Độ ngươi,
Và Đấng Cứu Chuộc ngươi chính là Đấng Toàn Năng của Giacóp.”
(Is 60,16)
Nhưng chúng tôi đã truy cứu mãi mà vẫn chưa biết “Đấng ấy sinh ra ở đâu, trong nhà Gia-cóp ? Cho nên chúng tôi đã quyết định, phải cần đến sự khôn ngoan của ngài, và mời ngài đi cùng. Đến lúc ấy, nhà Bác vật học của Êpha (chàng thanh niên da trắng) mới ngửng đầu lên, chỉ vào cuộn giấy da mà nói:
– Trong đây có nói tới một cái thành, nhưng không biết tên gọi thành đó là gì, và ở đâu. Tôi đọc cho các ngài nghe nhé:
“Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
Và mây mù phủ lấp chư dân;
Còn trên ngươi (chỉ thành đó)
Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa,
Vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
Vua chúa hướng về ánh bình minh mà tiến bước.”
(Is 60,2-3)
– Thưa ngài Sơ-va, còn ngài, ngài căn cứ vào đâu mà xác quyết rằng có một vì vua, một Đấng Cứu Tinh sẽ Sinh ra ?
Ông vua của thành Sơ-va vuốt chòm râu, nở nụ cười nhân hậu, một tay nhẹ đẩy cuộn giấy da cho trải dài dọc theo bàn. Ông hơi cúi đầu đáp lễ:
– Các ngài hãy nhìn vào đoạn này trong cuốn sách của Tiên tri Giê-rê-mi-a xem có cùng một ý nghĩ như tôi không:
“Trong những ngày ấy, vào thời đó,
Ta sẽ cho mọc lên một mầm non,
Một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít;
… Giu-đa sẽ được cứu thoát …
Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành:
“Đức Chúa là sự công chính của chúng ta”
(Gr 33, 15-16)
Tôi lại dám qủa quyết: Bây giờ chính là “Ngày”, là “Thời” cho “Mầm non” ấy mọc lên: Vị Vua chúng ta từng mong đợi. Ông lấy cuốn “Dân số” thẩy xuống bàn, rồi tiếp: Các ngài nhìn vào chỗ ngón tay tôi đặt vào:
“Một vì Sao xuất hiện từ Gia-cóp,
Một vương trượng trỗi dậy từ Israel”
(Ds 24,17).
Thế các ngài thấy điềm lạ nào xuất hiện trong mấy ngày qua ?
– Chúng tôi đã thấy trên bầu trời xuất hiện một vì sao lạ. Nhà Bác vật học Ê-pha (2) trả lời và tiếp: Hai ngài thấy vì sao đó thế nào ?
Vị tráng niên có nước da màu nâu xậm, ăn mặc theo lối các kinh-sư Do-thái: Một chiếc áo dài trắng có thắt lưng, choàng bên ngoài một chiếc áo khoác tay rộng, và ngắn đến khuỷu. Thân áo chỉ đến đầu gối. Nhưng các ông là dân ngoại, không phải người Do-thái, ở Phương Đông người ta quen gọi các ngài là Đạo sĩ. Đạo sĩ Ma-đi-an nhấp chút rượu rồi nói:
– Chưa từng có ngôi sao nào sáng như vậy, nhưng lại có tua giống như một ngôi sao chổi.
Tuy vậy, tôi quả quyết không phải sao chổi!
– Tôi đồng ý với ngài Ma-đi-an. Êpha nhà bác vật học tiếp: Không phải riêng tôi, từ xưa các giáo sĩ, những nhà chiêm tinh Đông cũng như Tây, và ngay cả trong sách của người Mêhicô (3) cổ đại, có ghi chép rất kỹ: Sao chổi là điềm không lành, luôn báo hiệu những tai họa quốc gia, như: Chiến bại (4), nạn đói kém (5), vua sắp băng hà (6) v.v… Nói chung Sao chổi xuất hiện là điềm bất hạnh lớn, báo trước một biến cố nghiêm trọng mang tính cách đe dọa, chứ không phải niềm vui, niềm Hy vọng. Thế còn ý của ngài Sơ-va thì thế nào ?
– Các ngài có để ý kỹ ngôi sao đó không, vì nó sáng quá, nên bắn ra chùm tia chiếu thẳng vào mắt mình, chứ không phải là một ngôi sao có dải đuôi nằm dính trên bầu trời. Nó khác sao chổi ở điểm đó! Một điểm nữa, khi dùng kính viễn vọng, và che bằng tấm kính màu (làm cản bớt ánh sáng), các vị đếm được mấy cánh ?
Nghe tới đó, Ma-đi-an bỗng phá ra một tràng cười, rung chuyển cả mấy tấm màn cửa:
– Tôi đã bảo với Ê-pha rồi mà, mình phải đến với cái ông vua tóc bạc này mới được! Lão nghĩ nhiều quá nên trắng cả tóc, chứ lão đâu có già! Cả hai người kia cùng cười theo. Không khí đã bắt đầu trở nên thân tình cởi mở, chứ không còn khách sáo như ban đầu. Ma-đi-an tiếp: Chỉ có lão mới nghĩ ra được sao mấy cánh, này nhà thông thái trẻ Êpha của ta, bạn để ý ngôi sao lạ đó mấy cánh nhỉ ? chứ ta thì không!
– Các ông để ta đoán thử xem nhé! Êpha lẩm nhẩm trong miệng một lát rồi nói: Theo Kinh Thánh của người Do-thái, thì các vì sao tuân theo ý muốn của Đức Chúa Trời và có nhiệm vụ loan báo các ý muốn đó (Is 40,26 & Ps 19,2). Bởi vậy để diễn đạt các ý muốn khác biệt, Thượng đế cho biểu lộ ra bằng số cánh của mỗi vì sao. Thí dụ như Sao sáu cánh người ta thấy trên tấm vải phủ mộ vua Đa-vít, khắc nổi trên tấm khiên của ông xử dụng lúc sinh thời, hay xem dấu ấn của vua Salomon. Tất cả đều là hình ghép của hai hình tam giác đảo ngược, đan vào nhau. Nó biểu tượng cho sự hòa hợp giữa “Tinh thần” với “Vật chất”; giữa bản nguyên hướng Thượng với bản năng thoái hóa của con người. Nó biểu hiện đúng lề luật của đạo Do thái, là có kính tôn Thượng đế, nhưng cũng uốn nắn lề luật xu phụ theo ý muốn của con người. Sao bảy cánh được kết hợp giữa hình vuông với hình tam giác, là hình tượng của cây đàn Lia (7) “Vũ trụ”, tiếng nhạc của thiên cầu, sự hài hòa của thế giới, và ý nghĩa con số bẩy nói lên sự toàn vẹn của vũ trụ (đại vũ trụ).
Riêng về Sao năm cánh, biểu tượng cho “tiểu vũ trụ” tức là con người. Bất cứ khi nào một ngôi sao năm cánh xuất hiện, cũng là sự báo cho biết một vĩ nhân ra đời. Nếu sao năm cánh mà lại sáng chói, thì biểu hiện cho Anh sáng từ trung tâm quyền lực huyền bí, chiếu vào giữa khoảng tối tăm của thế giới phàm tục. Biểu tượng này nói lên sự xuất phàm của Thần thánh, hay Người Con của Thượng đế giáng trần. Vừa nói đến đó, Êpha bỗng giật mình, nhìn thẳng vào tận mắt của ông vua tóc bạc:
Sơ-va! Chắc ngài đã đếm đúng năm cánh rồi, mới quả quyết việc chúng tôi sẽ phải tới đây, đúng thế không ?
– Luận rất chính xác, ông bạn trẻ của tôi! Tôi đã đếm kỹ rồi! Đúng là Ngôi sao năm cánh(8). Lại chiếu theo lời Tiên tri trong sách “Dân số”, thì quả ứng nghiệm về Đấng Cứu Thế. Người lại thuộc về giòng giõi vua Đa-vít, thì chúng ta đã có thể có chút tia sáng để đi tìm rồi! Ngay đêm nay chúng ta sẽ khởi hành, nếu không sẽ không còn kịp! À còn một vấn đề nữa, không thể không bàn. Như tôi đã nói: Đấng mà chúng ta đi tìm là Vua trên các vua, Chúa trên các chúa, vậy thì lễ vật để ra mắt Người, cũng phải có một ý nghĩa tuyệt đối. Tôi muốn biết các bạn đã chuẩn bị những gì, để phần tôi sẽ không bị trùng hợp với các bạn. Nào nhà thông thái trẻ của chúng ta, bạn đã mang theo gì nào ?
– Tôi mới nghiên cứu xong một tổng hợp các loại thảo mộc có dược tính làm cho xác ướp được nguyên vẹn và tươi đẹp, dĩ nhiên tốt hơn thuốc ướp xác các vua Chéop bên Ai-cập. Đây là loại “Mộc Dược” tốt nhất. Chàng mới chỉ vừa nói tới đó, thì nàng Công chúa ngồi bên cạnh đã lay vội tay chàng và nói nhỏ, nhưng những người ngồi quanh đó vẫn có thể nghe được, vì quá gần:
– Sao anh lại đem chuyện đó ra đây! Không phải là chúng ta mừng lễ vật cho vì Vua mới sanh sao. Không khéo mọi người sẽ hiểu lầm rằng anh lại có ý mong cho vị Vua ấy sớm băng hà ?
Hầu hết những người có mặt trong Đại sảnh đều biết mối tình “thơ mộng” giữa Công chúa thành Sơ-va với chàng bác học xứ Ê-pha. Ba giòng họ hôm nay hiện diện ở nơi này, tuy không cùng một lãnh địa, nhưng họ rất gần gũi với nhau, vì đều nổi tiếng là những nhà thông thái (9). Cho nên khi một chàng trai “Thông minh vốn sẵn tính trời”. Danh tiếng chàng vang rộng khắp cả vùng Tiểu-Á, nơi có hai giòng sông Ti-gre và Euphrate, tạo nên một nền Văn minh Lưỡng-hà (Mésopotamie)(10). Không quốc gia nào, không lãnh thổ nào ở đó người ta không biết tiếng chàng, và người thanh niên ấy yêu con gái của một hoàng tộc, nói đúng ra của một ông vua, kết bạn với mình, thì điều đó không phải là chuyện không thể xẩy ra.
Mùa Thu năm ngoái, họ gặp nhau bên bờ sông Babylon, dưới những tàng cây Liễu rủ, người con gái có giọng ca ngọt ngào, đã cất lên những cung điệu sầu thảm hát cho người tình quân nhớ lại thời nào: Có những cô gái Sion cũng ngồi đây, bên giòng sông này. Họ đã từng cất lên những điệu ai-ca nhớ nước, nhớ non, nhớ quê hương yêu dấu trong thân phận lưu đầy. Người con trai cũng kể lại cho người yêu của mình nghe những chuyện tình buồn như những giòng sông chia hai, đã xảy ra khi Babylon thất thủ. Đó là những cuộc tình của những chàng trai Babylon yêu những người thiếu nữ Sion. Khi chiến tranh kết thúc, những cô gái Sion phải theo cha mẹ, giòng tộc trở về quê hương. Còn những người tình Babylon của các nàng thì bị bắt đi lưu đầy ở một nơi xa lạ! Bấy giờ lại có những bài ca thảm sầu khác cất lên bên bờ sông này, trước khi giã biệt. Nhưng không còn những lời: “Ta ngồi, ta nhớ Sion” nữa! Mà thay vào đó là: “Ta buồn, ta nhớ Babylon, những người tình yêu dấu!”. Hôm ấy, trong một chiều Thu vàng, bên bờ sông dưới hàng liễu rủ, có một cặp nhân tình đã thả lỏng linh hồn, trong giòng sông lịch sử trôi về dĩ vãng. Họ đã nhỏ xuống những giọt nước mắt ngà, xót xa, hòa nhập vào những giòng lệ thảm, của hàng hàng lớp lớp những người xưa, đã đổ xuống trên con sông này. Vì chiến tranh đã hủy diệt, đã làm dang dở không biết bao nhiêu những cuộc tình, đáng lý ra đó là những món quà ân sủng Thượng Đế vì ưu ái mà dành cho nhân loại. Công chúa lau vội nước mắt, ngẩng mặt nhìn người tình quân:
– Anh ạ! Sau này, bất cứ làm được cái gì, chúng mình cũng phải cố gắng hết sức, để ngăn cản hiểm họa của chiến tranh … anh nhé!
… Căn phòng hơi ồn ào khi mọi người nghe được tiếng nói nhỏ của công chúa, xem ra nàng có chút không đồng ý với người yêu, nhưng Êpha đã kịp thời giải thích:
– Các ngài đừng hiểu lầm ý tốt của tôi! Bất cứ con người nào thoạt sinh ra cũng khởi sự bước lần tới cõi chết, ít nhất là về phương diện thể xác. Hơn nữa, Đấng mà chúng ta trông đợi, trong sách Isaia đã chép:
“Chính Người sẽ bị đâm vì chúng ta phạm tội,
Bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
… … …
Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu,
… … …
Người đã bị chôn cất … Bị mai táng
… … …
Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội
Người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn.
Nhờ Người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu”.
(Is 53,5-10)
Bởi vậy, tôi muốn Thân Xác của Người không thể bị hư hại, và được bảo toàn nguyên vẹn. Mộc-dược chính là biểu tượng của “sự Trong Sạch và sự Bất Tử” (11). Chính trong đặc tính nhờ nó mà thân xác không bị hư nát, nên một cách sâu xa, “Mộc dược” là biểu tượng cho nhân đức “Cậy trông”. Thì đây, là lễ vật của tôi mang đến dâng cho Đấng mà tôi chắc chắn phải tìm được, qua chính sự trông cậy, phát suất tự nội tâm này. Nhà Đạo sĩ Ma-đi-an chầm chậm mở chiếc khăn phủ một chiếc bình hương bằng bạc, chạm trổ tỉ-mỉ, theo nghệ thuật cổ của người Hy-lạp. Ông cũng nói năng một cách từ tốn:
– Đây là chiếc bình trong đựng “Nhũ Hương”. Khi nhũ hương được đốt cháy, nó tỏa khói. Khói đưa mùi thơm của chất nhựa cây có hương thơm chọn lọc, nhưng không biến chất. Những loại cây sản xuất ra chất nhựa thơm này, đôi khi được người ta coi là biểu tượng của Thần linh. Như vậy, nhũ hương có nhiệm vụ đưa lời cầu nguyện của con người lên thiên đình. Bằng vào ý nghĩa đó, nó biểu hiện cho chức năng Tăng-lữ. Đây chính là biểu tượng về sự liên hệ con người với thần linh, cái hữu hạn với cái vô hạn. Cái phải chết với cái bất tử. Một số dân trên địa cầu (điển hình như Trung Mỹ) quan niệm khói hương giống như mây, là từ khí thiêng của thần linh bốc ra. Vì thế, người Maya Quiché, mỗi lần xông nhũ hương, họ tin có thể xua đuổi tà ma, quỉ thần. Riêng tôi, khói thơm của nhũ hương bay lên trời cao, sẽ đưa theo lòng cảm mến (Đức Mến) của tôi tới Đức Vua Cứu tinh.
Ông vua đầu bạc, nghe sự trình bày của hai vị thì lòng ông cũng cảm thấy sảng khoái. Khác với sự từ tốn và trịnh trọng của hai người, ông cười ha hả và nói:
– Tôi còn phải tìm kiếm ở đâu cho xa nữa! Các bạn đã biết “vua” và “vàng”, vốn có liên hệ mật thiết với nhau (tiếng cười lại xen vào rộn ràng). Tôi dâng vàng cho Người, cũng là dâng chính tôi. Vàng được coi là quí nhất trong các kim loại, và là kim loại hoàn hảo nhất, có ánh sáng rực rỡ nhất, phản chiếu ánh sáng của trời. Ở Ấn-độ, người ta bảo vàng là ánh sáng khoáng chất, có tính chất lửa, thuộc về mặt trời và đế vương, thậm chí thần thánh. Anh sáng vàng biểu tượng cho tri thức. Các tu sĩ Bàlamôn cho “vàng” là sự bất tử, vì mang tính chất của một kim loại quí, nó được xưng tụng là điều bí ẩn sâu kín nhất của đất. Ông lại cười cợt : Mà đúng vậy, đi kiếm nó đâu phải dễ! Vàng không han rỉ, không vấy bẩn, vừa tinh khiết, lại không biến chất, nên nó tượng trưng cho cái đức của người Hiền Minh. Màu vàng kim biểu hiệu uy quyền vương đế, và thần thánh. Như chính bản chất kim loại của vàng, màu vàng biểu thị cho sự vĩnh hằng, cho niềm “TIN” không lay chuyển. Như các ngài, tôi mang lễ vật của tôi dâng cho Đấng cứu thế, lễ vật của tôi chính là vàng, là “niềm tin” sắt son, không bao giờ phai! Và cũng vì Đấng mà tôi tìm kiếm, Ngài thật sự là Vua, cũng như vàng, vàng không bao giơ biến chất (12).
Công chúa khẽ khều tay bạn mình, rồi ra dấu cho chàng cùng đi với mình ra một góc vườn, vì cuộc họp của mọi người đã kể như xong. Nàng cười và bảo:
– Hồi nãy, mới đầu nghe anh nói, em lo sợ cho anh.
– Anh hiểu!
– Anh à! Khi cha em rời khỏi hoàng thành, thế nào ông cũng muốn em phải ở nhà!
– Em cứ làm theo ý của cha! Hãy an tâm, công chúa của lòng anh! Chúng ta sẽ trở về sớm mà!
– Nhưng bất cứ giá nào, anh cũng phải tìm cho bằng được Đấng chúng ta thờ đấy nhé! Ngài chính là đấng đem An Hòa đến cho nhân loại. Anh nhớ năm ngoái em nói gì với anh bên giòng sông Babylon không? Chúng ta phải cầu xin Ngài ban cho “Hòa Bình”. Có Hòa Bình sẽ không có “Chiến Tranh”. Em sẽ nghe anh và cha … em … không đi! Nhưng anh phải mang giùm em một món quà cho ông “Vua Hài Nhi” đó, và nói với Ngài: “Em yêu Ngài lắm!” … “Em yêu Vua Hài Đồng của em suốt đời”. Món quà của nàng nhờ trao là một chiếc lồng bằng vàng, xinh sắn, trong có một cặp bồ câu trắng. Sau này trở về mọi người đều kể lại như một câu chuyện lạ, rằng: Có một cặp bồ câu trắng, không biết từ đâu bay lại bên Hài Nhi, và cứ đậu mãi bên vành nôi, không bay đi đâu cả. Công chúa nghe thấy thế thì biết, và nàng sung sướng thầm trong lòng. Suốt đời cám ơn “Vua Hài Nhi” đã nhận lời.
… Như dự trù, đêm hôm ấy, đoàn lạc đà do ba vị dẫn đầu đã khởi hành từ Sơ-va đi tìm vì Vua mới sinh. Qua bao nhiêu thử thách, cuối cùng họ đã tới Bethléem (13), và gặp được Chúa Cứu thế như sử sách đã ghi chép. Chỉ tiếc là, lịch sử đã bỏ quên một câu chuyện tình và đôi chim bồ câu (14) của nàng Công chúa xinh đẹp, có tâm hồn yêu thương, hằng mơ ước hòa bình cho nhân loại./.
Tg. Uyên Ly
GHI-CHÚ:
(1). Suy-la-mi-tê (Sulamité) ở Trung đông thời xưa là một thành nổi tiếng con gái đẹp, cũng giống như ngày xưa ở nước ta, nói tới gái đẹp, phải nói gái Hà-thành, hay gái Bắc ninh.
(2). Vì chưa truy cứu ra được tên của ba nhà Thông thái (ba vua, hay ba nhà Đạo sĩ) trong bất cứ sử sách nào. Nên chúng tôi mượn tạm tên địa danh để gọi các ngài cho dễ. Cũng như tên của những địa danh trong bài này, tuy Kinh Thánh có nói tới, như đã đề cập trong câu chuyện. Nhưng cũng không lấy gì làm chắc chắn rằng đó là địa danh chính xác mà ba vị cư ngụ vào thời Chúa Giêsu sinh ra, nên xin độc giả hãy coi như là một gỉa thuyết.
(3). Mảnh đất thuộc người Mêhicô cổ đại nằm gần phía Tây nam Bắc Mỹ.
(4). Một, hai năm trước khi miền Nam Việt Nam bị mất, Sao Chổi cũng xuất hiện.
(5). Nạn đói năm At Dậu (1945) không biết có sao chổi xuất hiện không, lúc đó tác giả không biết, không biết những vị cao niên bây giờ sống thời đó có ai biết không ?
(6). Một sao chổi cũng đã xuất hiện ở La-mã báo trước cái chết của Cézar. Cũng như trước năm cố Tổng Thống Ngô-đình-Diệm chết, sao chổi đã xuất hiện hai lần. Dân tộc Aztèque và Inca vẫn truyền khẩu và luôn nhắc tới sự kiện “sao chổi” đã báo trước cho Montezuma và người Inca Huaina Capare về sự xụp đổ vương quốc của họ trước cuộc xâm lăng của đế quốc Tây-ban-nha.
(7). Đàn Lia (Lyre): Do Hermès sáng chế, hay truyền thuyết bảo là của Polymnie, một trong chín nữ thần nghệ thuật. Là nhạc khí chính của Apollon và Orphée, với những âm sắc tuyệt vời (xin đừng lẫn lộn với đàn Hạc (Harpe) của vua Davit, hay của thần linh xử dụng và chiến thắng con dã thú trong sách Khải Huyền của Thánh Gio-an viết về ngày cánh chung). Đây là biểu tượng của sự hài hòa vũ trụ. Trong tiếng đàn Lia, Amphion đã xây dựng những bức tường thành ở Thèbes (Thành có 7 cổng). Đàn Lia có bảy giây (con số 7 liên kết với sự hoàn hảo của vũ trụ); Nhưng cũng có loại đàn Lia mười hai giây, lúc đó người ta nói nó tương ứng với 12 cung Hoàng đạo.
(8). Thực ra Ngôi sao Bethléem chỉ là truyền thuyết. Nghĩ rằng Chiêm tinh hay khoa Thiên văn có thể xác định được ngày Chúa Giáng Sinh, sẽ là một sai lầm. Từ trước tới nay, mọi cuộc khảo sát thiên văn nhằm tìm ra ngôi sao Bethléem đều vô hiệu. Có thể chỉ là một hiện tượng siêu nhiên. Y như phép lạ, Thiên Chúa cho ai thị kiến thì được thấy. Đi tìm dấu vết bằng khoa học đối với những phép lạ do miệng các thị nhân kể lại, tưởng không bao giờ làm được! Ba người được thị kiến Đ.Mẹ ở Fatima, không có máy ảnh, máy quay phim nào ghi lại được hình ảnh Đ.Mẹ, mặc dù là phép lạ tỏ tường, và được Giáo hội công nhận. Ba vị (vua, hay đạo sĩ, hoặc nhà thông thái gì cũng vậy) được thị kiến một ngôi sao lạ, Chúa cho để dẫn đường tới Bethléem, không có nghĩa là ngôi sao ấy phải là một thiên thể vật chất xuất hiện trong lịch sử vũ trụ. Nhất là trên đường đi, có lúc sao đã không xuất hiện. Vậy nó chỉ có thể là một ngôi sao tâm linh. Ở thời đại Chúa Kitô ra đời, công việc quan sát thiên văn học rất phổ cập tới mức nếu có một hiện tượng đáng chú ý, thì ắt là các tác giả phương Đông, hoặc La-mã đã nhận thấy và ghi chép lại. Ngoài ra các vật chất lại mang tính biểu tượng (ý nghĩa tượng trưng). Thí dụ: Đức Mẹ được ví như ngôi sao Bắc Đẩu, soi đường dẫn lối, hay một số tôn giáo cổ sơ quan niêm Sao Bắc Đẩu là ngai ngự của Chúa Trời, thì cũng giống như Đ. Mẹ là Tòa của Thiên Chúa ngự. Những điều đó không có nghĩa là sao Bắc đẩu là sao chiêm tinh của Đ.Mẹ để rồi đi tìm Ngày Sinh của Người.
(9). Chính vì thế sau này có nơi gọi chung họ là ba nhà thông thái, lại có khi gọi họ là ba vua phương đông, cũng có nơi gọi họ là ba nhà Đạo sĩ phương đông. Thực ra mỗi người họ đích thực là một biểu tượng cho cả ba, và mỗi người đều có sự liên hệ với lễ phẩm của họ: Vua và vàng; Đạo sĩ với Nhũ hương, vì đạo sĩ thuộc giới Tăng lữ; Nhà bác vật học thì chuyên về nghiên cứu, ông có thể chế ra “mộc dược”, một loại thuốc ướp xác. Nhưng cần hiểu chiều sâu của những lễ vật, hơn là nghĩa đen của chính nó.
(10). Lưỡng Hà: Vùng đất nằm giữa hai con sông Tigre và Euphrate. Là tâm điểm con đường Đông – Tây, Nam – Bắc, giữa Phương Đông và thế giới Địa trung Hải. Nên dân cư tụ lại đông đúc. Nơi hình thành cơ cấu quốc gia và nền văn minh cổ đại vào loại sớm nhất của loài người (khoảng 3.500 năm trước T.Ch). Lưỡng Hà cũng là nơi ghi dấu vết tích của các thành thị cổ, như Sumer, Akkat (4.000-2.000 t. T.Ch), là địa bàn của quốc gia Babylon nổi tiếng (t.k. 18 t. T.Ch), của đế quốc Asyrie (t.k.13-7 t. T.Ch). Sau đó là vùng đất tranh chấp của các cường quốc: Batư, Hy-lạp, Maxédonia, Arapbie …
(11). Sau này nó còn được coi là biểu tượng của Đức Kitô vì tính trong sạch và bất tử.
(12). Vậy, “vàng”, “mộc dược”, “nhũ hương” là ba biểu tượng của ba nhân đức chính (đối thần): TIN, CẬY, MẾN.
(13). Bethléem: Thành phố nằm phía nam Giê-ru-sa-lem, quê hương vua David. Vì vậy, có lúc ta đã nghe vua Sơ-va đoán biết Thành đó ở đâu, nên ông bảo “Phải đi ngay đêm nay, sợ không kịp (vì đường xa)”.
(14). Chính đôi chim bồ câu này đã theo và ở mãi với Thánh Gia cho tới khi Đ. Mẹ dâng Chúa Hài nhi vào đền Thánh, thì Người mang theo cặp bồ câu này làm của lễ dâng hiến như luật định (luật Do thái giáo).