Hôm đi chơi với em ở Chùa Hương, lên tới động Hương Tích thì em bảo:
– Đáng lẽ ở đây người ta không nên lập chùa thờ Phật, mà nên xây miếu thờ Lão tử”.
Tôi hỏi em vì sao, em đáp:
– Ở đây non nước hữu tình! Sinh thời nếu Đức Phật có đi qua chốn này, Ngài cũng không ở lâu được! Vì Ngài bận tâm Cứu nhân Độ thế, giờ đâu mà thưởng ngoạn. Còn Lão Tử thì vô-ưu.
– Em nói như vậy, không sợ đắc tội với Đức Phật sao ?
– Nếu em nói đúng thì Ngài giận sao được! Phật đã chẳng nói: “Người ta muốn được sống đời giải thoát, thì phải tránh hai cái cực đoan: Một là đừng lấy lạc thú xác thịt làm mục đích. Hai là đừng sống một đời khổ hạnh, ép xác… chỉ thêm đau khổ, vất vả vô ích!” (1). Nếu Phật mà biết người ta phải chèo đò năm, bẩy dặm, rồi lại phải leo núi hàng trăm bậc trơn trượt như thế này, nhất là đối với các cụ già lão thế kia, rồi mới gặp được Ngài để cầu lộc, cầu lợi (chùa Hương là nơi cầu tự), thì Ngài nhất định không vui! Học thuyết của Ngài vốn là Vô Ngã nhưng lâu ngày thì người ta làm cho thành Hữu Ngã. Người ta lặn lội cơ cầu, mà phần nhiều tìm Ngài cũng chỉ vì nhu cầu bản ngã mà quên đi cái Vô thường.
– Còn Lão tử thì sao ? Em vin vào lý gì mà bảo rằng Ngài vô ưu ?
– Đó là em nói! Thực ra học thuyết của Ngài tóm gọn trong Đạo đức Kinh là một thái độ hoàn toàn Vô Vi (2) . Đối lập hẳn với Hữu Vi như Khổng tử và nhiều Triết gia Trung Hoa khác. Lão Tử muốn người ta phải Vô vi, hợp với tự nhiên thì vạn năng. Đó là lý lẽ của ông về Thiên Nhân Hợp Nhất . Ở đây, nhìn xuống dưới thấy cỏ cây chen lá, sông nước hữu tình. Trong núi lại có thạch động, lên tới đỉnh con người tiếp cận được với trời. Lão Tử mà tới đây, thế nào cũng cất ba gian nhà cỏ! Thái độ sống của ông bỏ ngoài chuyện ly loạn do con người tạo ra (ông sống thời Chiến Quốc), như vậy chẳng là vô ưu ư ?
– Thế còn sáng sớm hôm nay, ở Văn Miếu (2b), lúc đứng trước tượng thờ Thánh Khổng, lý do nào mà em lại bảo nên dời Ngài đi mà dựng bàn thờ Phật ? Văn Miếu thủa xưa, thực ra là trường Đại học đầu tiên của nước ta. Văn tự lúc ấy là chữ nho, sách nho học ngày xưa, cổ nhân gọi là sách Thánh Hiền. Đạo Thánh Hiền là do Đức Khổng Tử lập  thì dựng tượng thờ Ngài có gì là sai ?
–  Em có nói với anh là sai đâu! Từ đầu tới giờ, em chỉ bảo nên thế này, hoặc không nên thế khác. Ngày xưa chốn ấy là nơi tập hợp các sĩ tử, đa phần là con quan. Họ học cũng chỉ có mục đích để ra làm quan. Họ chưa biết được cái khổ khi làm quan! Khom lưng với kẻ trên, ưỡn ngực với người dưới.  Họ chưa thấy được cái vòng danh lợi. Hồi còn nhỏ chúng mình đã chẳng học: kẻ bên ngoài thì muốn nhảy vô, mà kẻ đã ở trong thì chỉ muốn thoát ra cho khỏi. Từ Nguyễn Du đến Nguyễn công Trứ đều bảo vậy. Nhưng người thấy rõ nhất là Đức Phật. Ngài đã từ chốn ấy mà thoát ra được! … Các sĩ tử ngày xưa, khi đọc sách Thánh Hiền là đã có Khổng Tử ở trong tâm, cần gì phải nhìn thấy Ngài bằng mắt! Cái … mắt cần phải thấy là thấy Phật, thì mới thấy được danh lợi, bon chen vật chất, cố sức thu gom cho nhiều là phù phiếm! Là những cái Phật coi là đồ bỏ! Không những thế, lại còn là nguyên ủy gây nên đau khổ cho tha nhân, và chính bản thân nữa. Cái học mà được như vậy, thì nhân sĩ nước ta thời xưa đã khá hơn, và nước ta ngày nay không đến nỗi thế này!
– Em nói cũng có phần đúng! Nhưng thực ra thì đứng ở bất cứ nơi nào, cái nhìn của người mình cũng thấy được cả ba. Người Việt mình không chỉ nhìn bằng mắt, mà bằng cả tâm. Đứng trước cửa Phật, mà lòng vẫn vô vi thanh tịnh (Lão), mắt vẫn như thấy bóng dáng người quân tử  ở trước mặt (Nho). Thế cho nên mới gọi là Tam giáo đồng Nguyên (3).
Khi lên tới đỉnh núi, trong lúc tôi đang bận rộn thu hình quang cảnh hang động với những phiến thạch nhũ, thiên nhiên đã khéo tạc ra thành muôn hình “kỳ thú”, người người đang thi nhau lụp xụp nhang khói niệm Phật, thì nàng đã biến mất… Tìm mãi mới gặp được cô nàng đang đứng thả hồn ngoài cửa động, nơi đối diện với thiên nhiên, trời mây, non nước. Tôi hỏi em:
– Làm gì mà đứng đây ?
– Trong kia nhang khói nặng nề, muốn cầu kinh, ra ngoài này không tốt hơn ư ?
Tôi buồn cười, nhưng cũng cố mở to đôi mắt nhìn vào khuôn mặt của nàng. Bỗng tôi ngạc nhiên, vì dưới đôi rèm mi cong vút, đôi cánh chim “bồ câu” của nàng dường như đã bay vào vút tận trong vũng sâu của không gian ba chiều (sau lưng nàng là vách núi)… Một lúc sau, tôi mới cất tiếng hỏi:
– Đọc kinh sao môi miệng không mấp máy ?
– Đọc kinh … phải bắt môi miệng mấp máy mới được sao ?
– Ai đọc chả thế! Em vào kia xem có nghe lời kinh đang rền rĩ không? Những âm thanh ấy
chẳng phải đã phát ra tự bờ môi?
– Kinh không lời lấy đâu mà thành tiếng ? Kinh em đọc là Kinh Vô Tự .
– Kinh sách là phải có chữ. Không chữ còn được gọi là kinh sao ? Em thử in cho tôi một ngàn cuốn kinh vô tự của em được không ? Nhưng khi tôi đưa cuốn Kinh không chữ của em đi hỏi bất cứ ai, họ cũng phải công nhận đó là cuốn kinh thì mới được!
Nàng mỉm cười không nói…  Dáng chiều nhạt dần, hai đứa chúng tôi là những người cuối cùng đang rời khỏi anh linh thần núi mà trở về thế gian. Cảnh sắc hai bên nhòa dần… từng bậc, từng bậc “suối tiễn, oanh đưa luống ngậm ngùi” (4). Chúng tôi “…Dìu nhau đi trong ánh sáng … dắt dìu vào cõi thiên đường, dìu nhau đi chung một niềm tin (5) … Đưa nhau vào cõi vô biên, có chim uyên (6), tìm quên… đưa nhau vào chốn không tên, có ru êm tình duyên …” Bạn đọc có còn nhớ bài hát này không nhỉ ? Hình như của Lê hựu Hà ?  Xin hãy hát tiếp! Đừng bắt tôi phải tìm lời cho bạn trong lúc này! đừng bảo tôi đã sai lời! Bài hát trong lúc này đã không còn là lời của một người nữa! Mà đã biến thành một tình khúc không tên. Có ai gọi tên được Tình Yêu bao giờ!
… Cho đến lúc chúng tôi nhìn lên, đỉnh núi đã chìm dần trong sương chiều… Nàng mới lên tiếng:
– Bây giờ anh có còn nghe vang vọng lời kinh trên núi ?
– Không! Bây giờ chỉ có tiếng gió thì thầm, như hai đứa mình đang tâm tình với nhau.
– Đừng để cho kinh kệ làm vẩn đục tâm trí! Em muốn nói với anh rằng: Chính lúc này lời kinh mới rền rĩ trong tâm hồn con người… Cảm xúc của Bàn Tiệc không bao giờ là … khi không khí của buổi tiệc đang ồn ào, náo nhiệt! Cảm xúc của bàn tiệc chỉ bắt đầu khi tiệc tàn, ai về nhà nấy. Nhưng nếu anh muốn đi tìm cảm giác trong khi bữa tiệc đang còn, thì anh nên trốn ra ngoài trong một khoảnh khắc để tâm tư mình lắng đọng… Hồi nãy em đặt mình vào tâm hồn của Lão Tử của mấy ngàn năm về trước, để thấy mình không còn là mình trong mối tương quan Thiên nhân hợp nhất. Trong cái mà ngay cả Khổng Tử cũng bảo là Thiên địa vạn vật đồng nhất thể. Còn Công giáo chúng ta được chính Thiên Chúa mặc khải cho biết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Stk 1, 27). Chính trong sự đồng dạng ấy, em mới nghe được tiếng nói của Thiên nhiên, của vũ trụ. Vạn vật lúc nào cũng vang vọng những lời Kinh Nguyện Cầu. Những lời ca tụng đối với Hóa Công, cũng là những lời ngợi khen Thiên Chúa trong vẻ đẹp tuyệt mỹ của chúng. Nhưng khi con người không nghe được, vì không biết rằng những lời kinh của chúng toàn là Kinh Vô Tự. Em sẽ không cần phải in cho anh ngàn bản “Kinh không lời”, vì chung quanh anh, lúc nào cũng đã sẵn có hàng triệu triệu cuốn “Kinh Vô Tự” Thượng Đế đã sắp sẵn trước khi con người được dựng nên (Ngài đã tạo dựng nên muôn loài trước khi tạo dựng con người và đặt để vào đó (Đọc Stk) . Ngay như những lề luật, những giao ước, những nguyên tắc sống, Thượng Đế cũng đã ghi chép sẵn để đi đến bất cứ nơi đâu, trong thời đại nào, con người cũng có thể lắng tâm mà nghe được lời Chúa vậy.
– Lấy gì để làm sáng tỏ những điều em nói ?
– Em biết anh chỉ thiên về khoa học thực nghiệm, nên bất chấp ngay cả những nguyên lý(7), cái gì cũng đòi hỏi phải có chứng minh. O.K. Anh có nhớ Chúa Giêsu chỉ con chim đang nhởn nhơ ngoài trời, bông Huệ mọc trong đồng nội, để nói về cái gì và với ai không? “… Hãy nhìn những con quạ mà suy, chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng … ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài thêm đời mình được một gang không? … Hãy nhìn hoa Huệ mà suy: Làm sao chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bực, cũng không mặc đẹp bằng bông hoa ấy…” (Lc 12, 22-32). Anh có nghĩ, thực ra đó là những bài học, những chú giải Thượng Đế đã viết sẵn trên mặt đất, trong không gian, ngoài vũ trụ, chỉ tại con người không suy, không biết, nên cứ lo tìm kiếm những cái không đáng tìm. Tích lũy những cái không nên tích lũy. Vì thế, Chúa mới phải nói rõ ra là cái mà con người cần phải tìm: Là Nước Trời. Nho giáo cũng đặt nền tảng từ cái “học làm người hoàn thiện, tiến tới chỗ minh triết. Hễ đạt đến Minh triết rồi, thì con người hợp được làm một với Trời. Đó là tuyệt đỉnh cái học của đạo Nho. Lúc ấy, con người xuất Thánh nhân (8)”. Lại nữa, Trung quốc từ thời Nghiêu, Thuấn đều đã chủ trương: “Kính Trời cốt là để yêu người, mà yêu người cốt là để kính trời (9)”.
– Cứ như em nói thì  đạo Khổng cũng không xa cách Công giáo là mấy! Trong “Thập điều Giới Luật” của Thượng Đế, cũng chỉ quy về hai điều là “Kính Chúa và yêu người”. Chúa Giêsu khi xuống Thế gian, Chúa cũng đã dạy: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau  như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Còn như Thiên nhân hợp nhất, thì trong cuốn Sagesse chinoise et philosophie chrétienne (trang 108), có ghi điều cha Ricci (8b) viết: “… Trào  lưu tư tưởng mà nhiều người Á đông quan niệm là Thiên địa vạn vật nhất thể. Hóa công cùng với trời đất, vạn vật cỏ cây, tứ tượng đều hợp thành như một cơ thể duy nhất mà vạn vật như là những phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy, họ rút ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và cũng giống như chúng ta mọi người đều có thể trở nên giống Thiên Chúa”. Thánh Augustino chỉ rõ hơn: “ … Lương tâm chính là nơi tâm hồn gặp gỡ Thiên Chúa, là nơi huyền nhiệm của lòng người, nơi mà tâm hồn nhận chân được sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng mình” (10a). Bởi vậy, bất cứ ai sống, mà biết giữ cho lương tâm được an bình, lại năng thao luyện nó trong thinh lặng, người ấy sẽ gặp được Thượng Đế! Thánh Phaolo cũng nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi” (1 Cor, 40) . Vì Ngài thường xuyên kết hợp với Chúa trong thinh lặng. Nhà đại hiền Triết Ramakrishna, cũng là Thánh sống của Ấn độ viết: “Uổng thay cho những kẻ đã được diễm phúc sinh ra làm người, mà không thực hiện nổi được Thiên Chúa trong đời mình! Họ sinh ra như thế thực uổng phí, vô ích” (10b).  Chúa Giêsu còn đưa ra một hình ảnh rất cụ thể về hiệp nhất nên một là cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).
– Vâng, và gần với chúng ta nhất là Linh Mục Teilhard de Chardin (11) sau khi nghiên cứu Kinh Dịch (12), Kinh thi, Kinh thư, Luận Ngữ  của Khổng Tử (13), đã cho rằng Đông Tây có thể gặp gỡ nhau ở chỗ cùng quan niệm Con người có thể phối hiệp cùng Thượng đế và Nho giáo thực sự đã có một niềm tin, một tín ngưỡng sâu xa, hết sức lớn lao đối với Thượng đế (14).
– Em có cho rằng chính vì thế Dân Tộc Ta  trước khi được phúc đón nhận Tin Mừng của Chúa, thì đã biết kính thờ Thượng đế tự ngàn xưa ? Chẳng hạn như Đàn Nam Giao, nơi thờ Trời và giao tiếp với Thượng Đế của các triều đại vua chúa. Có lẽ chúng ta nên tiếp nối cuộc hành trình về cố đô Huế, nhân tiện đi tìm lại vết tích Đàn Nam Giao ?
– Ảnh hưởng Nho Giáo chỉ có một phần thôi anh ạ! Khi nho giáo chưa “đi” vào nước ta, dân ta đã biết thờ trời (Thượng Đế). Điển hình là Trống đồng Ngọc Lũ, một biểu tượng cho nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc. Trên Trống đồng Ngọc lũ, tổ tiên chúng ta đã khắc ghi tín ngưỡng thờ Trời, tức Mặt trời mười bốn tia (thập tứ nhất tâm). Trước đây (khi chủ nghĩa Mác-xit chưa tới), trong sân trước cửa mọi nhà, thường thấy có bàn thờ lộ thiên (15) – bàn thờ Trời – của người dân. Tám mươi lăm phần trăm dân ta đâu có điều kiện học chữ nho, nhưng cũng đã thờ trời, thì anh nghĩ đi, không phải hoàn toàn ảnh hưởng Nho giáo. Còn Đàn Nam Giao thì nghe nói đã bị phá rồi, em không chắc! Nhưng mình cũng đi thăm cố đô Huế một phen!
– Chính vì sự gặp gỡ giữa Đông Tây kim cổ, mà có nhiều người quan niệm Đạo nào cũng là Đạo. Đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành và “Trời” là “trời” chung của mọi dân tộc, chẳng của riêng ai (16). Em nghĩ sao về tư tưởng này ?
– Cũng chỉ đúng phần nào! Chẳng hạn quan niệm về Thượng Đế của Nho giáo, chỉ khi nào con người đạt đến “Minh Triết”, thì mới “hợp nhất” được với “Trời”, còn ngoài ra Khổng Tử chỉ dạy cách sống làm người. Khổng Tử cũng chẳng biết Trời là gì! Lý do rất đơn giản là Khổng Tử, Lão Tử, Phật đều là con người. Còn Chúa Giêsu, bởi trời mà xuống, vì yêu thương con người mà nhập thể. Nói cho có vẻ hiện thực một chút, Ngài “xé” Trời mà xuống, nên Ngài đem theo những bí mật trên trời Mặc Khải cho nhân loại, từ một Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đó Ngài là ai. Chỉ rõ cho nhân loại biết tỏ tường về đời sau (Thiên đường, hỏa ngục, và nơi mà chúng ta sẽ phải đền tới đồng bạc cuối cùng – tức Luyện hình). Nói theo Nho giáo, có minh triết mới thấu hiểu lẽ “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể”. Rồi từ đó suy ra mới thấy mọi vật, mọi người phải yêu thương. Trong khi Chính Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Yn.4,16), và Ngài đã chia sẻ tình yêu cho nhân loại không phân biệt thánh nhân hay người thường, minh triết hay không minh triết. Tất cả mọi người đều được mời gọi “Yêu” và “được Yêu”. Hơn tất cả, Tình yêu Thiên Chúa đã khiến Thiên Chúa Nhập Thể. Khi “Tình yêu” nói với “Tình yêu” thì không cần phải triết lý cao siêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dậy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Yn 15, 12-16). Vậy Thiên Chúa không những đã mặc khải hết về mình, mà còn chứng minh Tình yêu của mình qua cái chết của Đức Giêsu KiTô trên Thập giá. Đã có Giáo Chủ nào chết cho tình yêu và làm bằng chứng cho tình yêu mình đề ra ?
Anh, … Em muốn nói Tình yêu không cần tới minh triết! Cho dù muốn thấu đạt được minh triết thử hỏi có mấy ai (17) ? Ngay cả thế nào thì được coi là hữu minh, hữu triết, lấy tiêu chuẩn nào để phân định, trong khi trí óc con người có giới hạn. Ngay thời Khổng Tử, cũng đã chia ra nhiều hệ phái tư tưởng khắc (nghịch) nhau, sau Khổng Tử lại còn đẻ ra nhiều trường phái hơn (18). Đến như Khổng Tử, vị thánh sau cùng và cũng là vị Thánh được suy tôn, sùng thượng nhất (Khổng Học Tinh Hoa, trang 41), “Cũng ít bàn về Trời” (Đại cương Triết H.Tr.Q. trang 24). Em cho đó là sự khôn ngoan đáng kính phục ở nơi ngài, vì cái gì không biết thì không bàn. Khổng Tử chỉ nói những chuyện của con người khi còn sống, không bàn những chuyện sau khi chết. Nhưng chính cái chết, đã làm bế tắc tất cả những gì con người đang cố sức vươn lên, theo như những gì được gọi là “đạt” trong triết lý Nho Giáo. Trong niềm tin Kitô giáo lại khác hẳn. Cái chết không làm dang dở những gì con người đang làm trong cuộc sống. Vì con người được Phục sinh cùng với Đức KiTô, qua cái chết trong ơn cứu độ của Người. Con người vốn dĩ từ Thiên Chúa, nên tất cả mọi con người (tri thức hay không tri thức) đều có thể trở thành thánh nhân, cho dù cuộc thanh luyện ở đời này chưa đủ, cũng vẫn còn được tiếp tục thanh luyện trong thế giới Tâm Linh, để đến khi trở thành Thánh nhân, con người sẽ được trở về cùng Thượng Đế, hợp nhất và nên một với Ngài thật sự, chứ không còn thuần bằng lý trí hay tư tưởng. Em còn muốn nhấn mạnh một điều nữa, bất chấp những ai không tin, nhưng anh thì phải tin: Thánh Thể là con đường nhanh, ngắn và dễ nhất, để con người và Thiên Chúa hiệp nhất nên một. Vì là hai chiều: Một chiều là chính Thiên Chúa tự nguyện đến với con người, chiều kia, con người được mời gọi đến với Thiên Chúa…
*
… Khi chúng tôi dừng chân trước một khách sạn ở Hànội, thì trời cũng vừa tối. Tôi thong thả bảo nàng:
– Thiên nhân hợp nhất được, không lẽ con người với con người lại không thể hợp nhất?
Tôi bắt gặp ánh mắt sắc như dao cau, cứa lên da mặt mình, rồi một giọng lạnh lùng nghe buốt sương sống:
– Anh nói thế là … ý nghĩa gì ?
– Đâu có, anh chỉ muốn hỏi em là chừng nào … thì chúng mình làm đám cưới ?
Nàng dấu nụ cười mỉm, nhưng giọng nói vẫn còn phảng phất chút “liêu trai” (giọng nữ yêu quái trong những truyện ma-tình – một thứ giọng lạnh băng).
– Anh cứ chờ đi, chừng nào em in xong một ngàn cuốn Kinh vô Tự như lời yêu cầu của anh ban chiều, rồi …  em sẽ báo cho anh biết!
– Bây giờ thì anh không cần “Kinh vô tự” nữa, tại sao chúng mình không cùng đọc Kinh Tình yêu với nhau ?
Nàng nín cười không nổi, nhờ thế tôi mới dám bạo dạn đề nghị:
– Em à! … chuyến đi hành hương còn dài, tại sao chúng ta không tiết kiệm tiền bạc. Mướn chi hai phòng cho phí đi! Anh nghĩ chỉ một cái gối ngăn đôi giữa giường là đủ rồi! Anh lại hứa … sẽ không dám làm phiền gì em hết!
– Chính vì chuyến đi còn dài, cho nên mỗi người chúng ta lại càng cần phải tôn trọng kỷ luật! Nếu như mới chỉ tới đây thôi, mà anh đã muốn phá lệ, thì em xin đề nghị hai đứa nên kết thúc chuyến đi ngay tại đây.
Vừa nói, nàng vừa đưa thẻ cho người Trưởng quầy, để lấy hai phòng ngủ rồi quay lại:
– Anh nghĩ thế nào … về đề nghị của em ?
– Hay là mình mướn một phòng hai giường … được không?
– Anh đừng có làm như tụi mình vẫn còn con nít cứ lấy kẹo ra dụ nữa … có được không?
Tôi làm mặt không vui:
– Về bên kia một mình, ngủ không được … ngày mai đi, thế nào cũng mệt mỏi cho mà coi!
– Anh à, nếu ngủ không được … thì anh có giờ để đọc Kinh Tình Yêu. Anh biết không, đó là “kinh cầu” người ta đọc những khi cô đơn. Còn khi tình yêu đã được phép cận kề, thì chỉ có hai người dại dột mới ngồi mà đọc kinh tình yêu với nhau … Nói vậy chứ anh sẽ ngủ ngon! …  Em chúc anh mà!
Tất nhiên là tôi không còn cách nào khác, nhưng tôi vẫn muốn “gỡ gượng” vài lời cho lòng mình đỡ bị tổn thương:
– Ở thời Khổng tử chỉ phải: Nam nữ thụ thụ bất tương thân. Bởi thời đại cách xa mới thành ra “bất tương phòng”. Chắc chỉ một thế kỷ nữa sẻ “bất tương phố”. Lúc đó mỗi đứa phải thuê một cái khách sạn khác phố của nhau… Tôi xoay mình nhìn lại, hình như nàng đang thầm cười, và cũng vừa chợt nhớ ra, lát nữa tắm rửa xong, hai đứa còn cơ hội đi ăn cơm tối với nhau. Nỗi buồn … cũng mau qua. Về tới phòng nghĩ lại, nói chơi nhưng mà thật: “ Khổng Tử đối với thời đại hôm nay, thật sự đã … xa rồi!”./.

Tg. Uyên Ly

Ghi chú:
(1) : Trích trong “Phật Học Tinh Hoa” trang 45.  Như-Lai đã tránh 2 cực đoan ấy, và tìm ra con đường Trung – đạo đưa Người đến Trí huệ Bát nhã và giải thoát hoàn toàn: Giai đoạn một, Thái tử (Tức Phật Thích ca Mâu ni, tên thật: Siddhârtha, họ Gautama, thế kỷ thứ VI trước Th. C. ở Bắc Ấn độ) đã từ bỏ thú vui khoái lạc trong cung điện. Giai đoạn hai khởi đầu cho việc tìm chân lý, Ngài tu theo khổ hạnh, ròng rã 6 năm khắp vùng thung lũng sông Hằng (Ganga), nhưng chỉ thấy toàn là đau đớn, chẳng lợi ích gì, rồi Ngài từ bỏ lối tu đó, tự mình tìm ra một cách thế khác, như đã nói trên.
(2) : Vô-vi hiểu theo nghĩa không làm gì là sai! Chỉ là không làm trái với tự nhiên. Thí dụ như: Thế của nước chảy từ cao xuống thấp, lúa mọc được vào mùa Xuân, thì đừng ráng mà bắt nước chảy ngược lên trên, cũng đừng bắt lúa mọc vào mùa Đông. Cứ tùy vào cái thế, và phụ thuộc vào thiên nhiên thì vẫn có ăn mà nhàn hạ. Còn ngược lại là Hữu vi. Trong khi Khổng Tử phải bôn tẩu để cứu đời, thì ông thản nhiên bảo: Cái ly nước đang đục, thì đừng có khuấy, cứ để tự cặn lắng xuống, thì nước trong. (Lão Tử tên thật là Lão Đam, nhưng theo sử ký của Tư mã Thiên thì ông họ Lý, tên Nhĩ. Tuy vậy nhưng theo Phùng hữu Lan thì Lý Nhĩ và Lão Đam là hai người khác biệt. Về sinh tử cũng không rõ, theo truyền thuyết thì Ngài cùng thời với Khổng Tử, nhưng theo Vũ Đồng trong “Trung Quốc triết học Đại Cương” thì Lão Tử sinh vào thời Chiến Quốc – Khoảng 430 – đời Khảo Vương, mất năm 340 đời Hiển Vương.
(2b) Văn Miếu: Nơi thờ Khổng Tử, tổ Đạo Nho. Ở đâu thờ Khổng Tử, ở đó có văn miếu. Văn Miếu trong bài này là Văn Miếu Hà nội. Được vua Lý thánh Tông xây dựng năm 1070. đến năm 1076 vua Lý nhân Tông lập thêm Quốc tử Giám, làm thêm chỗ học tập cho các Hoàng tử, và con nhà quan, đến sau mới mở rộng cho dân giả. Do đó, Văn miếu – Quốc tử Giám là trung tâm giáo dục của nước ta thời đó.
(3) Tam giáo đồng nguyên: Ba tôn giáo có mặt tại VN trước tiên là Phật giáo, Nho giáo (Khổng) và Đạo giáo (Lão). Tam giáo xuất hiện ngay vào những thế kỷ đầu sau Thiên Chúa.  Đời nhà Trần, đề thi năm nào, cũng hỏi cả về ba Tôn giáo.
(4) : Trong bài thơ “Tống Biệt” của Tản Đà, Nguyễn khắc Hiếu.
(5) Quan niệm của Nhạc sĩ Lê hựu Hà: Thiên đường của Tình yêu, cũng như của hôn nhân là cùng chung một Niềm Tin. Tôi thì đồng ý, còn bạn thì sao ?
(6) Chim Uyên: Bạn có biết: Trong “Cổ Tích Đông Phương”, có một loài chim lúc nào cũng đi cặp và khắng khít vào nhau, khiến hai mà như một,  mang tên là Uyên-ương. Tuy rằng như một, nhưng là một con Trống, một con Mái, đặc điểm của loài chim này là mỗi con chỉ có một cánh, không cùng bên. Bởi thế, chúng phải rất cận kề với nhau, ép sát vào nhau, thì mới bay lên vùng trời “Hạnh Phúc”, và cùng đến khắp mọi nơi được. Chính vì vậy, loài người sau này mới dùng tên của chúng để gọi hai người yêu nhau hay mới kết hôn, là đôi Uyên-ương vì tính khắng khít và liên đới.
(7) Nguyên lý: Lẽ của Trời đất, đã có từ khởi nguyên.
(8) Tống Nguyên học án, quyển xvii trang 55.
(8b) L.M. Matteo Ricci sinh tại Macerat, ngày 6.10.1552 đến Macao ngày 7.8.1582, mất tại Bắc Kinh ngày 11.5.1610. Dẫn đầu các cha dòng Tên vào Trung Hoa từ năm 1583. Cuốn Sagesse chinoise et philosophie chrétienne tác giả Henri Bernard-Maitre.
(9) “Trung Quốc tự Đường, Ngu dĩ lai: Kính Thiên tức sở dĩ ái nhân, ái dân tức sở dĩ tôn Thiên” (Trung hoa Ngũ thiên niên sử, chương III ).
(10a) Revue des sciences philosophiques et théologiques trang 570.
(10b) Trích trong “L’enseignement de Ramakrishna” trang 5. Ramakrishna (1836-1886) nhà đại thiền gia của đạo Hindu (Một tôn giáo lâu đời và lớn nhất của Người Ấn), ông cũng nổi tiếng là nhà huyền bí học, thậm chí khi ông chết (16.8.1886 – bịnh ung thư) người trong đạo bảo rằng hôm ấy, ông xuất thần trong trạng thái đi vào mahasamadhi, “một giấc ngủ tuyệt vời”. Tức là Ngất trí rồi thăng luôn. KINH VÔ TỰ là một cách gọi của “Thiền”, hay cầu nguyện bằng trạng thái tĩnh tâm “suy niệm” của Công giáo. THIỀN bắt đầu du nhập vào nước ta từ thời “Hai Bà Trưng khởi nghĩa” qua việc nhà sư Tăng-giả nan-đà, bí mật dạy cho Hồ Đề, Trần Năng … những nữ tướng của Trưng Nữ Vương ( Khoảng những năm 38-39 dl). Độc giả muốn biết thêm, xin đọc Anh hùng Lĩnh Nam của Yên Tử Cư Sĩ, Trần đại Sĩ. Đời sống “chiêm niệm” cũng đang được cổ võ trong thế giới quá ồn ào, náo nhiệt hôm nay.
(11) Nổi tiếng với cuốn “Thánh lễ trên Địa cầu” L.M. Teilhard de Chardin dòng Tên (1881-1955) viết nhiều tác phẩm lừng danh về khoa học, thần học lẫn Triết học và tu đức, Ngài cũng là một Khoa học gia; Riêng cuốn sách viết về “Teilhard de Chardin” thì tác giả là George Magloire – Hubert Cuypers.
(12) Kinh Dịch (Kinh: Cuốn sách quí, Dịch: lẽ biến hóa của Trời đất. Các Tư tưởng gia Trung Hoa nhằm chỉ Hóa Công) Hầu hết không còn cho Kinh Dịch là của Khổng Tử. Có giả thuyết cho là Hàn Tí Tử Cung viết.
(13) Khổng Tử: Khổng Khâu tự là Trọng Ni. Sinh năm 551 trước T.C (đời Chu Linh Vương) ở nước Lỗ, mất năm 479 (đời Chu Kinh Vương). Ông san định Kinh Thi, soạn kinh Xuân Thu. Các môn sinh của ông ghi chép lại những lời dạy bảo của ông trong bộ Luận Ngữ. Các sách khác: Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Nhạc không chắc là của ông san định hoặc giải thích. Theo sử thì ông có 72 môn đệ, nhưng những người có đức hay có tài thì không nhiều.
(14) Thượng Đế trong Tứ Thư, Ngũ Kinh có nhiều danh hiệu: Đế, Thượng đế, Thiên, Hoàng Thiên, Thượng Thiên, Hoàng Thượng đế, Thiên Hoàng Thượng Đế, Thượng Thiên Thần Hậu, Hoàng hoàng Hậu Đế v.v…
(15) Bàn thờ lộ Thiên của dân gian, rất đơn sơ chỉ một cây vuông bốn, vuông năm, cao thấp tùy mỗi nhà, nhưng thường không dưới một mét. Trên chỉ cần đóng một miếng gỗ vuông hoặc chữ nhật, miễn sao để được bát nhang, một chén nước lã, một ít gạo. Nhà nào khá một chút thì có nải chuối. Tuy đơn giản nhưng cốt ở lòng thành đối với Trời. Lời cầu của người dân cũng rất đơn sơ, mộc mạc, không tham lam nhiều. Hẳn bạn đọc từng thuộc bài hát này trong dân gian: “Lậy Trời mưa xuống, lấy nước con uống, lấy ruộng con cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp.” Chỉ xin thế thôi, không hơn, không kém! Đời sống chúng ta ngày nay, hiện đại hơn, cầu kỳ hơn, có lẽ vì thế mà chúng ta xin Chúa cũng nhiều hơn!
(16) Kinh Thư (Thái giáp hạ I)
(17) Cả một nước Trung Hoa vĩ đại như vậy, mà cũng chỉ có 14 Thánh nhân (những người đạt Minh Triết). Xin liệt kê sau đây là danh sách các vị Thánh nhân đã được công nhận: Phục Hi (2852-2737), Thần Nông (2737-2697), Hoàng Đế (2697-2497), Nghiêu (2357-2255), Thuấn (2255-2205), Vũ (2205-2197), Thành Thang (1766-1753), Y-Doãn (?- 1713), Tỉ Can (1222), Văn Vương (1231-1135), Vũ Vương (1196-1116), Châu Công (?-1105), Liễu Hạ Huệ (khoảng 600) và vị Thánh thứ 14 cũng là vị Thánh cuối cùng: Khổng Tử (551-479). Trích dẫn từ “Khổng Học Tinh Hoa). Ghi chú riêng của Tác giả: Phục Hi & Thần Nông là mượn của Bách Việt. 3 vị Thần Hoàng, Việt thờ là: Phục Hi, Thần Nông & Nữ Oa. Tộc Hoa trọng nam khinh nữ nên phế Nữ Oa, để thay vào nhân vật Hoàng Đế (Xin đọc Triết lý An-vi của L.M. Triết gia Kim Định).
(18) Khổng Tử: Trời xếp đặt mọi việc; Lão Tử: Không hoàn toàn chủ trương Thiên nhân tương quan; Mặc Tử: Trời là đấng tối cao, quyền uy và công bằng. Mạnh Tử: Trời với người là một: Thiên nhân tương thông; Cuối thời Chiến Quốc, đầu Tần, Hán, các nhà theo Nho lại chủ trương Trung dung (Đứng giữa Hữu vi và vô vi); Trình minh Đạo & Trình Y Xuyên: Trời và người gốc không phải là hai, bất tất phải bảo: Thiên nhân hợp nhất. Nhưng vẫn khác ở chỗ: Minh Đạo chú trọng về Tâm, Y Xuyên chú trọng về Tính. Tới đời Thanh, Vương Thuyền Sơn phản đối thuyết Thiên nhân hợp nhất. ông cho rằng: Ở Trời có âm dương, ở người có nhân nghĩa. Ở Trời có ngũ thần (Kim, mộc, Thủy, Hoả, Thổ); ở người có ngũ quan, hình chất khác nhau, không thể cưỡng ép hợp nhất với nhau được! v.v… (Xin đọc Đại cương Triết học Trung Quốc).