(Trò Chơi của Quỉ được nối kết từ
Tâm tư 24 tới Tâm tư 28)

“… Trong thế giới văn minh hiện đại,
Nhiều người có thể không tin có Satan…
Nhưng tôi quả quyết Satan có thực.
Nó rất khôn khéo gây ảnh hưởng, và luôn
Quyến rũ chúng ta bằng hứa hẹn
Những điều đẹp đẽ nhất trên đời”.
Mirjana(*)

Nàng là một linh hồn đã trải qua một quá trình thanh luyện nhiều đợt. Nói nhiều là bao nhiêu, thanh luyện cách nào, chỉ có Chúa biết, Đ.Mẹ biết, nàng biết, Thiên thần của nàng biết, và các Thánh liên hệ.  Bây giờ thì linh hồn nàng đã như viên ngọc quí, không còn hoen ố gì nữa cả. Nếu không thì đã chẳng được ở bên Chúa và Đ.Mẹ. Nhưng không phải “thanh luyện” là một sự làm  mất đi hoàn toàn cá tính nơi mỗi linh hồn (con người) (1). Lâu lâu Chúa Giêsu nhìn ngắm nàng, thầm cười… Mới đây, Người nói với Đ.Mẹ:
– Cái con bé này nó tinh nghịch lắm! Nhưng cái nghịch của nó không hại gì cho ai thì cũng chẳng sao! … nhiều lúc lại thấy vui vui!
Đức Mẹ mỉm cười nói với Chúa:
– Con cũng để ý đến chuyện đó nữa à ?
Thì ra dẫu bận việc, Chúa Giêsu cũng vẫn nghe câu chuyện của nàng vừa nũng nịu với Đ. Mẹ:
– Mẹ à, con vừa mới đi an ủi mấy linh hồn còn bịn rịn với người thân ở cõi trần đấy Mẹ ạ! Có những tâm hồn quá yếu đuối, nói sao cũng không chịu dứt bỏ thế gian. Con đã bảo họ tất cả bây giờ chỉ còn là ảo ảnh thôi! … “Sáu mươi năm cuộc đời”, hay có hơn thế nữa, bây giờ không thấy chỉ là một cơn mê thôi sao ? Họ không chịu, còn nói là vẫn nghe được những âm thanh của những giọt lệ chảy, và những tiếng nói bi ai thắm thiết, những tiếng thở than, phàn nàn vì chia cách của người thân ở dưới trần … Con bảo nếu cứ như vậy, sẽ đau khổ mãi, thời gian thanh luyện vì vậy sẽ dài lâu không biết bao giờ dứt được!
Cũng tại mấy thằng quỉ sứ đó Mẹ! Nó cứ nhái đi, nhái lại y hệt cái luận điệu bi ai thảm khốc, lúc kẻ chết giã từ người thân. Chúng lại còn tạo ra cả âm thanh những giọt lệ chảy. Bọn chúng cứ muốn níu kéo người ta vào trong cơn mê của những cảm giác lưu luyến mùi tục lụy, để linh hồn con người tự trầm mình vào khổ đau, mà không ly thoát được!
– Mẹ biết! … Vì vậy, Mẹ mới cần các con đi ủi an, khuyên bảo những đứa con khác của Mẹ
– những tâm linh còn trầm luân trong u tối – Mẹ thương họ như thương con vậy! Dù khi sống ở cõi trần, có những đứa chưa biết Chúa, và ngay cả những đứa không chịu chấp nhận Chúa, Mẹ cũng đều thương như nhau hết! Mẹ không muốn bất cứ một đứa con nào của Mẹ phải chịu đau khổ! Nhất là đã về bên thế giới Tâm linh này, mà lại còn phải xa Chúa, xa Mẹ.
Mẹ tiếp:
– Khi những lời nói của con chưa được các linh hồn này chấp nhận, thì một là chính họ khước từ, vì lòng còn yếu đuối hay chai đá! Hai là người thân của họ thay vì cầu nguyện cho họ, để họ được ơn Chúa mà sẵn sàng đón nhận sứ giả của mẹ gởi tới giúp họ, là các con … thì họ lại chỉ buồn phiền, rầu rĩ, có khi còn trách Chúa, rủa trời, sao để cho họ phải mất mát tình thân. Và ba là ma quỉ lợi dụng sự yếu mềm tình cảm, mà lôi kéo các linh hồn xa Chúa, để về với chúng.  Đ.Mẹ ngưng vì cảm xúc, rồi lại tiếp:
– Con yêu, Mẹ muốn nhân loại hiểu rõ điều này: Lòng thương xót của Chúa vô biên, tình yêu của Mẹ đối với tất cả con cái không cùng, nhưng lòng thương xót và tình yêu sẽ mất tác dụng khi đối tượng không màng. Vì thế Thiên Chúa mới thiết lập một Hội Thánh thông công, một giáo hội “Hiệp thông” giữa hai thế giới tâm linh và thế trần. Nghĩa là người đời phải có bổn phận dâng lễ cầu nguyện cho thân nhân của mình biết tiếp nhận ơn thanh luyện (2).
Nàng chớp chớp đôi mắt, cản ngăn vài giọt lệ “muốn” sắp trào ra … vì cảm động, nhưng chỉ thoáng một cái, cô bé đã tươi tỉnh, ngước nhìn Đ. Mẹ và nói:
– Con phải đi chỗ này một chút mới được! Con xin lỗi Mẹ nha! … Chút xíu thôi! Rồi Mẹ con mình lại trò chuyện tiếp.
Mẹ đưa ánh mắt nhìn vào mắt nàng, như muốn ngăn chận, và bằng một giọng nói hiền từ, dịu dàng pha chút trách mắng :
– Mẹ biết con định làm gì rồi! … Con lại đi phá người ta, chọc ghẹo chúng nó đấy phải không (ý nói bọn quỉ)?
Nàng nũng nịu … vì biết Mẹ rất từ tâm, nhu nhã, và âu yếm mình:
– Bọn chúng đi phá người ta mới đúng … phá một cách độc hại nữa! Từ lúc Chúa cho phép Satan đem hết lực lượng lên tấn công thế gian, chưa từng có kỷ nguyên nào như kỷ nguyên này: Bọn quỉ hỏa ngục bu đầy địa cầu, bao phủ một màu tối ám! Nực mùi tanh hôi của tội lỗi, còn tệ hơn mùi xác chết thối xình nữa! … Mẹ …à! (giọng năn nỉ, ỉ ôi) Con không có chọc ghẹo bọn chúng đâu! … Con chỉ đùa chút xíu cho vui … thôi mà! Thôi con đi nha … Mẹ !
Thoáng một cái, nàng đã bay ra khỏi “Lâu Đài” (chỉ là chữ tạm dùng, như một “hình dung từ”. Khi về thế giới Tâm Linh, sẽ có từ khác) làm bằng các thanh “ánh sáng diệu kỳ, màu sắc diễm ảo, thoang thoảng hương vị của một thứ tình yêu tinh ròng và thuần túy”. Nàng dừng lại ở một “ Báchhoa Dịthảo ThiênViên” (3), rồi phát đi một tia sáng “tìm” và “gọi” người anh của mình. Cũng chỉ thoáng cái, người anh đã ở ngay bên cạnh cô bé.
– Mình tới “hồ xuyên suất” chơi đi!
Chỉ không tròn một cái chớp mắt, hai anh em đã đến bên một cái hồ, nước trong vắt cho người ta cảm giác mát rượi. Mặt nước lung linh diễm ảo, nhìn xuyên thấu xuống tận đáy là cả một thế giới đang sinh hoạt tất bật. Có chỗ băng tuyết bốc lên từng đợt khói lạnh, lại có nơi hừng hực như khói nóng sa mạc vùng nhiệt đới. Thấy vậy thôi, chứ không gì ảnh hưởng tới hai linh hồn. Bỗng người anh ghé sát lại đầu cô bé, chỉ xuống bên dưới một mái nhà:
– Ông bạn của anh khi trước đây mà! Khi không anh ta lại nghĩ tới mình (4).
– Anh chàng đang buồn rầu, chán nản … Anh ta đang nghĩ … anh chết đi, vậy mà lại  hay … đỡ phải “trầy trụa” cuộc đời như anh ta bây giờ ! Anh có thấy ông ta nghĩ … vớ vẩn không? Cuộc sống trên dương gian có mấy thuở, tất cả đều chỉ là … một thoáng Mây Bay … có gì mà phải ưu sầu, ảo não đến thế chứ ?
– Nói như em … thì đã chẳng phải là … kiếp trần … Dạo ấy mình có biết  được như bây giờ không ? Mà giả như biết, liệu có chống chõi được … cái mềm yếu của tâm hồn không ?
– Được chứ anh!
– Anh đồng ý! Nhưng cũng có rất nhiều người không thể … như anh đây chẳng hạn!
Người con gái mỉm cười, chợt ra dấu cho người anh im lặng.
*
… Đúng là một chiều Chủ nhật buồn. “… nằm trong căn gác đìu hiu, nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều…”. Người thanh niên tên Vũ, với tay tắt chiếc máy hát, đang phát ra tiếng ca nhừa nhựa của một cô ca sĩ, rót từng khúc nhạc sầu, như cơn mưa mây, thoáng rơi trên mảnh đất nắng hạn, làm bốc lên mùi ẩm mốc khó chịu. Chàng cũng không chịu nổi mùi “thiu thỉu” của cuộc đời, và cơn “nắng hạn” đời mình, đang bốc lên “ngai ngái” trong tâm hồn. Rồi như để trốn chạy nỗi buồn “nhức nhối” đang hành hạ thân xác, Vũ xỏ vội chiếc quần “dzin”, kéo theo đôi dép “loẹt quẹt” xuống phố. Đứng trên hè phố, chàng ngao ngán nhìn những khuôn mặt qua lại, đã hơn một lần được mô tả trong những tác phẩm của Saint Exupéry (5). Quá chán nản, Vũ lại lững thững lên gác, tụt quần dài ra, với tay, lấy bộ bài, ngồi khoanh chân trên giường, chơi một mình. Chàng là một giáo sư việt văn, gàn-gàn như một triết nhân, bạn bè và đám trẻ đều bảo vậy! Đám nữ sinh rất thích nghe thầy nói chuyện, mặc dù thầy đã nói trước: Tụi mày nghe xong rồi bỏ, đừng có đứa nào “mê thày”, toàn là chuyện “tán dóc” không… thôi đấy! Làm bọn con gái lại cười ồ, đứa nào đứa nấy “nguýt” dài con mắt có đuôi, như ngầm bảo: Thầy là cái “thá” gì, mà bọn em phải mê! … Ấy thế mà tai nạn nghề nghiệp vẫn xẩy ra.
Chàng bị một “thế-gia” thưa về tội dụ dỗ gái vị thành niên – Một thiên kim tiểu thư – của nhà viên ngoại  “Hội trưởng” một công ty, tiếng tăm lừng lẫy trong thành phố. Trước hội đồng kỷ luật của nhà trường, Vũ thành thật nói:
– Tôi chưa hề rủ “nữ sinh” đi nhảy đầm! Nhưng nếu giáp mặt “học trò” ở Phòng-Trà, thì chuyện “dìu” một nữ sinh ra sàn nhảy, có chết chóc gì ai đâu! Nhưng cũng như đến lớp, xong rồi thì mạnh trò, trò về. Mạnh thày, thày ra xe.
Chàng đưa một cánh tay lên như người tuyên thệ, nhưng là để dứt khoát:
– Tôi chưa hề bao giờ, và cũng không việc gì phải dụ dỗ ai hết! Chỉ có những kẻ không đủ tài năng, và thiếu tư cách, mới phải dùng đến “bỉ ổi” cách , là đi dụ dỗ kẻ khác!
Nhưng trớ trêu thay, chính vì Vũ không có tình ý dụ dỗ gì với cô nữ sinh tiểu thư nên mới thành chuyện! Vì nàng thực sự đã “mê” thày, mà thày vẫn cứ “phớt tỉnh ăng lê” như không biết. Tấm hình chụp chàng với tiểu thư trên sàn nhảy, đã trở thành “công tố viên” đầy đủ tính chất áp đảo, trong phiên tòa của hội đồng kỷ luật nhà trường. Nhà trường không muốn bị mang tiếng, khi nguyên cáo “dọa” sẽ đưa lên mặt báo với tất cả hình ảnh … Nên Vũ bị sa thải!!.
Vũ không buồn nhiều vì bị “mất” dậy. Chàng cho đó cũng chỉ là một trong những tai nạn con người phải đối diện trong cuộc sống, y như một người vừa mới hôn vợ, hôn con trước khi ra khỏi cửa, lòng còn đang tràn đầy niềm vui hạnh phúc, bỗng nhiên tai nạn xe cộ xảy ra trên xa lộ cuộc đời! … Đời là thế! Có những ngày đang nắng đẹp, bỗng đổ cơn mưa! Chỉ thế thôi! … Chỉ cần biết chấp nhận Đông tàn, thì rồi Xuân về, Hè lại đến. Nhưng chàng không tránh nổi cơn ray rứt, phiền muộn trong lòng, vì bị hàm oan là “dụ dỗ nữ sinh”. Thế nào cũng lại là chuyện “Tiếng để đời”. Vũ lại tự nhủ với lòng mình: Trong lịch sử tự cổ chí kim, thiếu gì những nhân vật, những anh hùng bị hàm oan, đâu phải chỉ mình mình ! “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, hay như “Chữ tài cùng với chữ tai một vần”. Cụ Nguyễn Du từng bảo thế mà! Nhưng trong tận cùng của não trạng, chàng vẫn cảm thấy có một cái gì bị “hụt hẫng”, như một tòa lâu đài tráng lệ trong tâm hồn bỗng nhiên bị xụp đổ, tạo thành hố sâu thăm thẳm, không cách nào vá được! Đó là hình ảnh những Thiên thần áo trắng về những cô nữ sinh trong cuộc đời: Từ nay, biết ai là Thiên thần, ai là ác quỉ ?
– Ôi Đàn bà! Đàn bà vừa là ngọn mía lau ngọt lịm bờ môi rót nhẹ vào hồn, vừa là lưỡi dao bất ngờ đâm nhẹ vào lưng, rạch nát trái tim!
Vũ thở dài sườn sượt … Bỗng thoáng một cái, hai linh hồn đã đáp xuống cạnh chàng. Linh hồn cô gái lên tiếng:
– Vũ ạ! … Nào nhẫn nại  và can đảm lên! Đừng để sa vào cái bẫy Trò Chơi của Quỉ !
Nàng mỉm cười ranh mãnh, nhìn Thiên thần Bản mệnh của Vũ đang đứng một bên, như ra ý biểu đồng tình … cứu khổ cho chàng, nhưng chỉ thấy thiên thần khẽ lắc đầu với ánh mắt băn khoăn, và nói nhỏ:
– Anh ta chẳng nghe được đâu!
– Ừ nhỉ! … Mình quên khuấy đi mất đấy! Đúng là âm dương cách biệt!
Rồi nàng chợt nghĩ ra điều gì, phóng một tia sáng cực nhỏ vào tiềm thức chàng, làm cho Vũ đang chia bài, phải khựng lại … Vũ đã chơi đến ván bài thứ ba rồi mà vẫn thua. Lần nào con bài “tẩy” của cô nữ sinh tiểu thư  lật lên, cũng làm chàng cụt hứng. Cụt hứng tức là thua! Kẻ thua, dù thua thật hay thua giả, cũng đều mang tâm trạng “cay cú”: “Thật là xui tận mạng! Vừa nghĩ tới đó, thì tiềm thức chàng “bị đánh thức” chỗi dậy hình ảnh của một buổi chiều.

… Một buổi chiều trong lớp học, chàng “thao thao” giảng cho học trò về ý nghĩa của hai chữ “Trò Chơi” : Trò chơi là biểu tượng của “đấu tranh”. Người Bắc Phi chơi “Trò chơi trong Tang lễ” là để chống lại cái chết. Ngày xưa các phụ nữ duy nhất được tham dự các trò chơi Olympic, là các Nữ Tư-tế của đền thờ Déméter (vị Nữ-thần sinh sản). Điều đó nói lên biểu tượng của đấu tranh giữa sự sống và sự chết. Trò chơi đánh trận là chống lại các lực lượng thù địch. Trò chơi Leo cột mỡ gắn liền với các huyền thoại “chinh phục trời”. Trò chơi Bóng đá là tranh giành quả cầu “Mặt trời” giữa các dân tộc. Trò chơi Kéo co do các nhóm xã hội, mang biểu tượng tương ứng với các mùa, để các vị chức sắc trong lễ hội tiên đoán về ưu thế cho mùa màng, chống lại sự mất mùa. Trò chơi Nhảy lò-cò lúc đầu biểu hiện chốn Mê-cung của các nhà Đạo sĩ, mà người chơi là những kẻ “nhập đạo” đang lạc vào. Những nhà tâm-lý cho Trò chơi vợ chồng là sự chuyển giao năng lượng tâm thần. Ngay như những đứa bé đóng vai trò “Vợ chồng” để chơi trò này cũng vậy. Lúc đó nó làm y như người lớn: “Ông đi làm đi! Tôi ở nhà nấu cơm tới trưa thì về ăn … nha!”. Cứ lén coi bọn trẻ, sẽ thấy chúng thể hiện tinh thần nghĩa vụ cách say sưa với tất cả tâm hồn! Trò chơi “Búp-bê” của các bé gái, cho thấy chúng truyền sự sống vào các vật vô tri: “Con tôi nó đang đói rồi đây nè! Bà dọn dẹp giùm cái đi, để tôi cho nó bú cái đã!” – Vô tình, cho thấy tuổi ấu thơ có những “đấu tranh ngấm ngầm” trong nội tâm, để mau trở thành người lớn. Heidegger gọi đó là “Cái hữu thể khai mở như một sự bộc lộ tự nhiên, nhưng lại là cái chuyển động ngấm ngầm, hay âm thầm xuất phát của tâm hồn”. Gross đã gọi rất đúng các trò chơi của trẻ con là một hành vi phát triển nhân-cách vô-thức. Vì trong trò chơi có phản ảnh các mối quan hệ giữa đứa trẻ không chỉ với thế giới bên trong của nó, mà cả với những con người và các sự kiện của thế giới bên ngoài. Trò chơi “Thả diều” thể hiện linh hồn đã chuyển ra bên ngoài, của người chơi diều (thả hồn mình lên cao). Điều này đã được nói tới trong pháp thuật của các Lạt-ma Tây tạng, khi họ luyện tập thả hồn trong giấc ngủ, để hồn có thể đi đến được những nơi họ mong muốn (Sự đấu tranh của tinh thần với khả năng hạn hẹp của thể xác). Nhưng theo những Lạt-ma cao cấp, hồn của họ vẫn gắn bó với thân xác bằng một sợi giây vô hình, để khi tỉnh dậy, hồn không lạc lối (y-như con diều). Tóm lại, trò chơi này mang tính chất của một hoạt động ma thuật, đánh thức dậy sự sống, bác một cây cầu, nối cái “ảo” với cái “thực”, bằng công hiệu màu nhiệm (?) của cái gọi là dục năng trong chính mình.
Vũ ngừng lại một chút, rồi tiếp:
– Người ta bảo rằng (Rosemary Ellen Guiley trong “Các Thể nghiệm Siêu-việt”): Trò chơi tinh vi (hay tinh xảo) nhất, là Trò Chơi Của Quỉ. Nhưng thử hỏi các em: “Ma quỉ có thực hay không?”.
Cả lớp nhao nhao lên: “Có”; “Không” … Có! … Không! …
Vũ cười ồ, và tiếp:
– Lớp học này … giống như nhân loại thu hẹp! Đám “có”, đám “không” là biểu hiện của một cuộc chơi chia làm hai phe. Giống như quan niệm “sinh, tử” từ ngàn xưa đến giờ. Trò chơi “huyền bí” của loài người vẫn cứ là một cuôc chiến giữa hữu thần và vô thần. Khi rõ rệt, khi mờ ảo. Nếu trận chiến giữa hữu thần và vô thần là thực, thì sao lại không có những trận chiến giữa Thần Linh và ma quỉ ?
Nhìn ở một cấp độ cao hơn, tất cả mọi trận chiến, mọi đấu tranh, đều chỉ là những trò chơi. Vì trò chơi khởi thủy và trên căn bản đã là biểu tượng của đấu tranh. Ngay cả khi chỉ thuần túy là trò vui, thì cũng có tiếng cười vang chiến thắng, ít ra cũng là bên phía thắng. Đấu sức, chơi may rủi, gỉa vờ hay làm rối trí nhau … thì trò chơi, riêng nó cũng là cả một thế giới, trong đó con người, có thể may mắn, mà cũng có thể mạo hiểm, cần tìm ra vị trí của mình …
Vũ tự bày ra những ván bài “Chơi một mình”, cũng là đang cố tìm ra vị trí thực của mình ít nhất cũng là trong sự may rủi. “Chơi một mình”, cũng là một hành động vô tình đang chiến đấu với nội tâm. Chiến đấu với tâm trạng ngao ngán, chưa tìm được lối thoát! Chiến đấu với thời gian khắc khoải “Đợi Chờ” – Dù là chàng không biết mình đang đợi chờ cái gì – Nhưng, dù là đợi chờ “không cái gì”, cũng khiến con người mỏi  mệt. Vũ nhớ, mình vẫn còn đang “thao thao” với bọn trẻ:
… Cũng như mọi hoạt động của con người, gọi là “Trò chơi” nhiều khi nó gắn liền với cái “thiêng liêng”, hẳn các em đã từng thấy những giây phút khai mạc đại hội Olympic ? Có nhiều tâm hồn xúc động đến phát khóc trong giờ phút linh thiêng nhất của nó! Các lễ hội hay cúng tế thần linh của người Hy-lạp và La-mã tự ngàn xưa, đều mang tính cách vừa linh thiêng, vừa biểu diễn những khát vọng đầy dục tính của con người. Các vũ điệu vừa mang tính cách thần bí, vừa uốn-oéo gợi cảm của những thân xác phô bày nhục dục của một sự hiến dâng.
Hình ảnh các vũ nữ Apsara chạm nổi, trong nghệ thuật phù điêu của người Khmer cũng vậy, nhất là tại đền Angkor Vat. Họ là những kỹ nữ trên Thiên đình, là công cụ của Ái – Tình có sức khuyến dụ loài người yêu thần thánh. Cũng giống như các nàng Houris trên Thiên đường Hồi giáo vậy…
Linh hồn người anh, bỗng xoay qua nói chuyện với linh hồn em gái:
– Nghe Vũ nói đến cuộc chiến đấu giữa thần linh và ma quỉ, anh lại nhớ tới một cuộc chiến trong hoang địa, được Thánh Luca (4, 1-13) tường thuật trong Tin Mừng. Khi ấy, Chúa Giêsu đi vào hoang địa, ở đó bốn mươi đêm ngày, Người ăn chay và cầu nguyện trước khi bắt đầu cuộc đời công vụ. Ở đó Satan đã cám dỗ Ngài.
– Anh cho là một cuộc chiến đấu giữa Thần linh và ma quỉ cũng được! Nhưng trong bối cảnh của bài Tin mừng: Lúc ấy Satan thực sự không biết Ngài là Con Thiên Chúa. Và chính Chúa Giêsu, trong những ngày ấy Ngài thật sự mang thân phận yếu đuối của con người. Nghĩa là: Cái đói, khát; nỗi cô đơn, đã thực sự hành hạ thân xác Đức Kitô.
– Nhưng nếu đã là một con người, sao lại có thể nhịn ăn, nhất là nhịn uống suốt bốn mươi đêm ngày mà sống được ?
– May quá! Có Thiên thần của Vũ đứng đây … Em xin để Thiên thần trả lời anh.
Bằng vào thái độ rất khiêm tốn, vị Thiên thần nhỏ nhẹ:
– Đức Chúa Cha không bỏ mặc Con của mình, Người đã sai các Thiên thần đến giúp sức và trợ lực! Nhưng đó chỉ là về phương diện thể chất! Cũng như trong cuộc chịu Tử nạn của Chúa Giêsu, Ngài cũng được các Thiên thần trợ lực. Nhưng về phương diện ý-chí, Chúa Giêsu hoàn toàn tự do quyết định lấy, cũng trên bản chất con người, chứ không bằng vào bản tính Thiên Chúa! … Điều này không có gì là khó hiểu! Tất cả mọi con người ở trần gian, khi dám thi hành sứ mạng Thiên Chúa trao phó, đều được Thiên sứ là các Thần Thánh do Chúa sai đến trợ lực hết! Trợ lực đây có nghĩa là giúp sức chịu đựng (người ta thường gọi là có ơn Chúa giúp), chứ không phải là không còn cảm giác đói, khát, đau đớn, hay nỗi giày vò, thống khổ của cô đơn … xâm chiếm. Từ đó người ta có thể hiểu rõ hơn về Hội Thánh của Chúa, là sự “Hiệp thông” của cả Tâm Linh và Đời sống theo nghĩa hẹp cũng như nghĩa rộng (nên cần có sự cầu nguyện lẫn cho nhau).
– Mình hiểu rồi! Như vậy điều quan trọng ở chỗ là: Người ta có dám đương đầu để “bẻ gẫy” những “mê cung” do những Trò Chơi Của Quỉ bày ra hay không ? hay như Người Thanh niên nọ (chàng thanh niên giàu có), sau khi nghe Chúa nói thì đã “buồn rầu bỏ đi”. Tức là “đầu hàng” trước khi chấp nhận cuộc chơi.
Người con gái lại tiếp:
– Anh có nghĩ trò chơi của Quỉ bày ra trong “Hoang Địa”, vốn dĩ là những thứ trò chơi “nguy hiểm” chúng bày ra trên thế gian? Trong đó có ba thứ trò chơi chính: Ba cái bẫy, con người thường dễ bị “xập”.
Bẫy thứ Nhất: Nhu cầu bản năng. Biểu tượng của nó là sự Đói, Khát. Khi con người còn hoang dã, thật sự cái “đói khát” đơn thuần là của ăn, thức uống. Sự tiến hóa của con người nâng nhu cầu bản năng cao bao nhiêu, thì nghĩa của sự “đói khát” phức tạp lên bấy nhiêu. Đáp ứng cho “đói khát”, có phải là lời cầu  xin cho được Hàng ngày dùng đủ không? (lương thực hàng ngày cũng vậy! Chỉ là sự đổi từ để đừng khéo lạm dụng. Thí dụ người say cứ đòi cần đủ uống (!!!) ). Ngày nay, người ta hiểu mệnh đề “Hàng ngày dùng đủ” như là “tình trạng kinh tế tương đối”. Trong một gia đình “kinh tế tương đối”, không thuần chỉ là vấn đề cơm bánh, mà còn phải đủ tiền trang trải các “bill”. Phương tiện đi lại … sinh sống. “Kinh tế tương đối” của các dân tộc trong các quốc gia văn minh tiến bộ, lại cũng khác với “kinh tế tương đối” ở các nước thứ ba. Cái khó của con người là làm sao tự vẽ cho mình được lằn ranh giới chính xác giữa “Đủ” với “Thừa”. Chính trên “Giới Tuyến” này, “Quỉ” đã bày ra lắm thứ trò chơi, nhiều kiểu bẫy, dựa trên bản năng con người. Nho giáo bảo trong bản năng tiềm ẩn những khát vọng, thôi thúc bởi bảy thứ tình (thất tình): Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Nhưng mà, anh ạ! Phân tách cho lắm cũng vậy thôi! Em chỉ đưa ra một thí dụ cho vui, vui thôi đấy nhé! Là khi “vui” người ta mở tiệc mừng. Khi buồn người ta cũng bày ra ăn nhậu, cho qua cơn sầu. Tình yêu định nghĩa là cho đi, nên người ta “vẽ” ra đủ mọi thứ “quà” để tặng nhau. Vì vậy, tiền bạc trong túi người ta chẳng bao giờ đủ cả! Càng giàu lại càng thiếu! Vì câu “phú quí sinh lễ nghĩa” cụ Khổng đã nói, thì đâu có sai được … phải không anh ?
– Em phải cho anh thêm vào một tí nữa chứ! … Từ ngày có định nghĩa: “Người là con vật có kinh tế”, đại khái cũng giống như em vừa phân tích, thì người ta đã quên đi định nghĩa thời “các triết gia kinh điển”: “Người là loài động vật có linh hồn”. Ngày nay, “Quỉ” vận dụng trí thông minh của con người có kinh tế, để chơi những cái “game” đánh lận Tâm linh loài “Động vật có Linh hồn”. Khiến cũng có người thuộc kinh “Lậy Cha” (tức có Tin vào Thiên Chúa), cũng cứ chỉ nghĩ đến “lương thực nuôi thân”, chứ không nghĩ đến “lương nuôi linh hồn hàng ngày” ! “Trò chơi của Quỉ” đã mê hoặc người ta chọn lựa giữa hồn và xác, cái nào quan trọng hơn! Cũng thế, có người đọc kinh “Lậy Cha” theo quen miệng, vì thực ra họ cảm nhận được đời sống ở các nước Tây phương, không còn cần thiết phải “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày”, vì họ thực sự là “con vật” đã có kinh tế. Anh hỏi em: nếu như có ai ngoài miêng thì nói như muốn nhờ vả em điều gì, nhưng em lại biết là họ thực ra chỉ nói cho qua chuyện thôi, Thì em nghĩ sao ?
… Câu chuyện giữa hai linh hồn phải tạm ngưng, vì chuông cửa reo. Hai nhân vật mới xuất hiện là Trang và Giáng Ngọc. Trang trước kia cũng là học trò của Vũ, nhưng bây giờ nàng đã là vũ nữ của một hộp đêm … thỉnh thoảng Vũ có mặt. Thày trò gặp nhau trên sàn nhảy, bao giờ cũng cởi mở hơn là “gặp” nhau trong lớp học. Giáng Ngọc là một nữ sinh con nhà giàu, có nét đẹp sắc sảo, bạn của Trang, nhưng nàng không học Vũ. Qua vài lần gặp gỡ tình cờ Trang giới thiệu, Giáng Ngọc không còn ngại ngùng khi gặp chàng. Nhất là anh chàng giáo sư còn rất trẻ, lại chịu chơi. Vừa gặp mặt, Trang đã “phát” vào lưng Vũ một cái, giục:
– Thày đi mặc quần dài vào, rồi ra ngoài này, bọn em cố vấn cho thầy!
Vũ nhìn hai nàng, mỉm cười … lững thững đi vào phòng … Lát sau chàng trở ra, hất hàm, hỏi:
– Các cô định “cố vấn” cho tôi về … chuyện gì ?
– Chuyện con nhỏ … “chơi” thầy đó! Giáng Ngọc cũng chêm vào:
– Thày cứ để Trang trình bày kế hoạch trước đã! Nó quyết định trả đòn thù con nhỏ đó cho thày. Bộ họ tưởng … con Tổng Giám đốc  là “ngon” lắm hả ? Vũ khoa tay:
– Có gì đâu mà “đòn” với “thù” ? Tôi nói cho các em biết, tôi không để tâm nhiều về  chuyện đó! Trang với tay mở bóp, lấy gói thuốc, chìa cho Vũ một điếu, một điếu cho nàng:
– Em nói thật! Thày đừng có nhu nhược! Em với Giáng Ngọc giờ này tới đây gặp thày,  là đại diện cho một số đông người đã sẵn sàng đứng sau lưng thày. Em và Giáng Ngọc cam đoan với thày: Đối phương muốn chơi kiểu gì, mình chơi kiểu đó! Tiền bạc “chơi” theo tiền bạc! Quyền lực “chơi” theo quyền lực! Và … nếu cần, phải chơi bằng kiểu “vũ phu”, bọn này cũng có người để “dậy” cho chúng nó một bài học. Nếu thày muốn, bọn em sẽ cho người đi “lột da đầu” con nhỏ!
Vũ vội vàng lắc đầu, đưa cả hai tay lên khỏa lấp trong không gian, như vẽ lên một bức tường ngăn cách, chận đứng những con sóng bốc đồng, đang trỗi dậy tự trong lòng đại dương tâm hồn của những con người đang bị “Cám dỗ” vào vòng tranh đua  thanh thế.
– Các em đừng làm vậy! Nếu các em xưng hô với tôi bằng tình thày trò, mặc dù xưa nay tôi sống với học trò như tình bằng hữu, thì các em hãy nghe tôi: Cá nhân tôi không là gì cả! Hơn nữa, oán thù mang mang sẽ không bao giờ trả dứt được! Rồi sẽ dây dưa hết kiếp này sang kiếp khác. Thế hệ nọ bị lôi cuốn vào vòng “oan oan tương báo” của thế hệ kia, nợ thù trả hoài không bao giờ hết! Trang cắt ngang:
– Thày đừng lo sợ chuyện đó! Chúng em bảo đảm với thày là mọi chuyện sẽ gọn ghẽ! Chỉ cần thày đồng ý, là mọi chuyện đâu sẽ vào đó! Xã hội này đã thối tha bẩn thỉu lắm rồi! … Biết bao kẻ cậy quyền, cậy thế, lấy sức mạnh đè người. Kẻ sang giàu dùng tiền bạc “cả vú lấp miệng em”. Xin lỗi Ngọc, cậu đừng buồn, tớ không vơ đũa cả nắm! Chúng ta cần phải làm một cuộc “Cách mạng xã hội”! Thiên hạ đã từng “thay trắng đổi đen” nhiều rồi! Đã đến lúc chúng ta cần đứng dậy “thay đen đổi trắng”. Ngọc đồng ý chứ ? Nhưng chúng em cần thày! Cần một “Tôn sư”, để cuộc cách mạng có ý nghĩa!
Vũ trố mắt nhìn Trang, nhìn Giáng Ngọc, mà trong lòng cảm thấy lo lắng. Lo lắng một cách sửng sốt. Những con người thế này đây mà cũng dùng tới hai chữ “Cách mạng”. Thì ra ai cũng có thể tự cho mình làm “Cách mạng”! Một tia sáng vụt chạy qua đầu Vũ, làm chàng bừng tỉnh. Khiến chàng phải cấp tốc thay đổi thái độ. Vũ sửa thế ngồi ngay ngắn lại, và chàng đổi cách xưng hô:
– Ngọc thì chưa, nhưng Trang đã có lần nghe thày nói: Tất cả mọi đấu tranh đều nằm dưới dạng “Trò chơi”. Trò chơi có sức lôi cuốn con người rời chỗ đứng của mình, lôi mình ra khỏi thế giới mình đang sống, để du nhập vào một thế giới khác, luôn được coi là thế giới mới! Biến đổi con người mình, thành con người khác! Tốt hay xấu, chưa cần biết, nhưng trước hết Mình đã không còn là mình nữa! Trong thế gian, có rất nhiều trò chơi càng mang tính đấu tranh mạnh, càng mang lại sự hủy diệt nhiều. Ít nhất cũng là sự bắt đầu hủy diệt con người tự nhiên của mình. Nếu chúng ta không tỉnh thức, chúng ta sẽ tham gia một thứ trò chơi tự hại mình, “Trò chơi” luôn có sức quyến dũ, và nó sẽ lây lan sang những người khác trong xã hội. Xã hội ngày nay càng ngày càng xấu đi đúng như Trang vừa nói. Vì càng ngày càng “đẻ” ra nhiều thứ trò chơi, mà đa phần chúng phát xuất từ một “âm mưu xấu xa” đen tối, sắp xếp có hồi, có lớp, y như vở kịch trên sân khấu, nhằm hủy diệt địa cầu, mà nhân loại không biết, hoặc biết mà vì sức lôi cuốn của nó khiến người ta không thể không nhập cuộc! Coi chừng chúng ta đang diễn một vở tuồng, cũng đã bị “sắp xếp”!
Vũ quay sang Giáng Ngọc, chìa tay về phía nàng, hỏi:
– Em cho thày mượn một tờ giấy bạc, tờ nào cũng được!
Giáng Ngọc rút trong bóp tờ một trăm:
– Bất cứ khi nào cần tiêu, thầy cứ hỏi, không cần trả, cho đến lúc thày có việc làm!
– Không, thày chỉ mượn em vài phút thôi! Chàng lật qua, lật lại tờ giấy bạc, nhìn vào nó rồi tiếp: Đồng tiền nào cũng có hai mặt: Mặt tốt và mặt xấu. Xấu hay tốt tùy theo cách người xử dụng! Cũng như xử dụng “Danh từ”. Tùy theo việc làm của người xử dụng mà ý nghĩa của nó nên tốt, hay thành xấu! Giáng Ngọc! Trên thế giới có rất nhiều người cần tờ giấy này để sống, vì họ không có đủ cơm ăn, và cũng không đủ áo mặc! Bệnh hoạn, ốm đau, không chạy được thuốc men! …  Em là một người rất có may mắn! Em có thể trở thành Nàng Tiên Giáng Ngọc của Những Người Khốn Cùng.
Vũ đưa trả nàng tờ giấy bạc:
– Thày chưa phải là người cần đến đồng tiền này của em. Nhất là đồng tiền đưa thày trò chúng ta vào một thứ trò chơi nguy hiểm, trò chơi hủy diệt con người, và cũng tự hủy mình nữa!
– Nhưng …
– Thôi! Các em đừng để những sự kiện khách quan làm căng thẳng thần kinh của chính mình! Không khéo lại tăng huyết áp, héo gan, khô phổi, hoặc ung thư dạ dày … Vũ với tay lấy bộ bài, lại tiếp: Hồi nãy không có các em, tôi phải chơi một mình, may quá có hai cô tới đây, bây giờ mình nên tiếp tục cuộc chơi chứ! (mau chóng, chàng lại coi họ như những người bạn). Câu chuyện vừa rồi, nếu các em nghe tôi … thì bỏ! Nếu không … để mai mốt bàn lại! Lấy tiền ra đi! … Ngồi thế này hay muốn khiêng nệm xuống đất đánh cho thoải mái? …
Kỳ tới UyênLy mời Bạn đọc đi vào “mê cung huyền bí” của những lá bài Tarot đang nằm trong bàn tay của Vũ. Một thứ Trò Chơi từ ngàn năm trước tới nay … người ta vẫn cứ cho là “Định mạng” của từng con người trong Nhân loại.

Tg. Uyên Ly

GHI-CHÚ:
*. Mirjana : Một trong sáu thịnhân được thịkiến Đ.Mẹ tại Mễdu.
(1). Tính duynhất và đa dạng không đối kháng nhau: “…Khi hiệpthông với Thânthể Chúa Kitô qua bítích, nhờ Chúa Thánhthần, để hìnhthành một thânthể mầunhiệm, duynhất của Chúa Kitô là giáohội, con người không trở thành những cáthể giống nhau mà là những con người cábiệt khác nhau” (Hiệpthông – luậnán tiếnsĩ Thầnhọc – của L.M. NguyễnthanhQuang, tr. 26). Các Thánh trên Thiênđàng cũng vậy, đều là những L.H. thánhthiện, nhưng vẫn hoàntoàn cábiệt & khác nhau.
(2). “Giáohội là nơi các tínhữu cùng thôngphần vào những thiệních, những điều thánhthiện, là các nhiệmtích, đặc biệt là bitích Thánhthể, và là nơi họ hiệpthông với các thành phần khác của giáohội trên trầngian, trong luyệnngục, và trên thiênđàng”; “Thánhlễ là thamdự trước vào phụngvụ trên trời nơi giáohội trầngian, giáohội trong luyệnngục, giáohội trên Trời và toàn nhânloại, được liênkết cách mầunhiệm qua sự hiệpthông phổquát, làm nên một thực tại duynhất là Thânthể Chúa Kitô Phụcsinh, vinhhiển bên cạnh Chúa Cha trong Chúa Thánhthần” (HiệpThông s.đ.d. trang 17 và 252).
(3). Vườn Trời cỏ lạ trăm hoa: Sáu thanhniên namnữ được thịkiến Đ. Mẹ ở Medjugorje (từ 24.6.1981), đều được Đ.Mẹ cho thấy Thiênđàng, Luyệnngục, Hỏangục. Vicka được hỏi: “Cô đã có mặt trên Thiênđàng, vậy Thiênđàng như thế nào ? Cô đã có lần môtả nào là hoatươi, câycối, nào là những người mặc áodài màu vàng, màu hồng, màu xám …”, và Vicka đã trả lời: “Đ.Mẹ đem Jacov và tôi vào Thiênđàng. Chốn đó là vươngquốc của tìnhyêu, hoanlạc, anbình. ThiênChúa đã dựng nên, để mọi concái của Người được sống trong Vươngquốc ấy. Chính tộilỗi ngăncản chúngta không được vào (tr. 196 “Mẹ đến lần cuối”). Hỏi: “Một số người khi nghe cô tả … đã nói: thế thì chánngắt!”, cô đáp: “Khi ThiênChúa đã lấp tràn Tìnhyêu của Chúa vào trong ta, chánngắt  là một câu chẳng có nghĩa gì. Các người trên Thiênđàng biết rõ một thụsinh được nođầy tràn trề vôhạn nghĩa là thế nào” (tr. 223. sđd). Uly nghĩ: Hình ảnh về thiênđàng, luyệntội, hỏangục mà các thịnhân, các linhhồn, và ngay cả các Thánh đôi khi được phép môtả thế này hay thế khác, chỉ là những hình ảnh biểutượng để loài người hiểu rằng các chốn ấy là có thực, chứ không phải là sảnphẩm tưởngtượng. Vì là những hình ảnh mang tính biểutượng, nên phải hiểu là rất đơn thuần. Nhiều lần Uly đã nhắc tới Ngônngữ loài người là thứ phươngtiện rất hạn hẹp. Những gì được diễnđạt bằng ngônngữ, chưa phải là “thực”. Những nơi chốn ấy, thật sự ra sao, chỉ khi nào chết rồi mới biết rõ!
(4). Trước đây, trong bài “Giòng nước hay giòng đời” trên DCUC. Tháng 8/2005, đã có nói: Người ta chỉ cần thoáng nghĩ tới thôi, thì L.H. ở thế giới TâmLinh đã biết và có mặt.
(5). “ Tôi đã đi khắp nơi, nhưng chưa tìm thấy con người nào mà trên khuôn mặt của họ, lại không hằn lên dấu vết của một sự khắckhoải, mỏimệt.”  Antoine de Saint – Exupéry (1900 – 1944. Một trong số những nhà văn thuộc trườngphái “Biđát” – Philosophie de Tragique). Được giảithưởng Fémina năm 1931. Thuộc giòngdõi quítộc không tàisản, Mồcôi cha từ năm lên 4. Phicông chiếnđấu, nhưng bị liệt một phần cơ thể sau tai nạn máy bay ở Guatémala năm 1938. Trốn sang Mỹ năm 1942 sau khi Pháp thua trận. Ngày 30.7.1944 mấttích đang khi làm nhiệm vụ chụp ảnh từ máy bay Lightning khi bay qua rặng núi Alpes, phicơ bị rơt xuống biển gần Province.