“Hai ngàn năm qua, Hội Thánh là chiếc nôi
Mà Đức Mẹ đặt Chúa Giêsu, và trao phó Ngài
Cho muôn dân tôn thờ và chiêm ngắm”
(Sắc chỉ Mầu nhiệm Nhập Thể
ấn định Năm Toàn Xá, số 11)
Sau khi rời Hànội, Huyền và Vũ vội vã vô Trung, vì đã sắp tới ngày Đại Hội La-vang. Chiều tối ngày mười hai, họ đặt chân tới cố đô Huế (1). Hai người mướn ở một khách sạn nằm ngay trong một con đường chạy thẳng ra bờ sông Hương. Thứ nhất, những khách sạn nằm trên con phố này khá sạch sẽ, đủ tiện nghi, và gía cả tương đối. Kế đến, những khi chiều hôm rảnh rỗi, đôi bạn trẻ có dịp đi dạo mát, chiêm ngưỡng một giòng sông êm ả trong trái tim Việt-Nam. Bởi hễ nói tới Huế, là nói “sông Hương, núi Ngự”. Vũ mang hành trang của Huyền vào phòng nàng, rồi mới kéo va-li vào phòng mình (bất tương phòng). Xong đâu đấy, họ xuống phố đi kiếm tiệm ăn. Vũ vui vẻ nói với nàng:
– Ngày mai thì em muốn dẫn anh vào thiên đàng lúc nào cũng được, nhưng tối nay anh phải đưa em xuống địa ngục trước đã!
Huyền liếc xéo chàng một cái, rồi nghiêm giọng nói:
– Sắp gặp Đ.Mẹ Lavang rồi đấy! Anh không lo rửa sạch cái bộ óc nhơ bẩn của anh đi, thì ngày mai … (Nàng nhấn mạnh) đừng hòng em đi với anh tới chỗ gặp Đức Mẹ!
Vũ vờ không hiểu, ngẩn (ngơ) nhìn khuôn mặt bực bội của Huyền, chàng tỉnh bơ:
– Anh chẳng đùa đâu! … nói là làm đó! Đã gọi là đất “THẦN KINH” mà! “THÁNH” còn phải “SỢ”. Thần thánh còn nhắm mắt làm ngơ, tội gì mình không thử ?
Huyền đang đi, bỗng giựt ngược người lại, trong ngẫm nghĩ có chút bực dọc, nàng trở hướng, quay về khách sạn. Vũ vội vã đuổi theo, chặn ngay phía trước nàng:
– Em làm sao thế ?
– Anh tránh ra! Em về phòng ngủ, lấy đồ, đi kiếm khách sạn khác! … Buông em ra! Anh đừng có đi theo!
– Nhưng chuyện gì mới được chứ! … Em phải cho anh biết … lý do ? Chẳng lẽ khi không … muốn hờn thì hờn, muốn giận là giận ? (Huyền cau mày, sảng giọng:)
– Lý do ? Lòng anh đang toan tính chuyện gì … chẳng lẽ anh không biết? Huyền né qua một bên, tính đi tiếp, nhưng Vũ cũng bước sang một bước, chận nàng lại:
– Khoan đã! Nghe anh nói đây … Anh không có toan tính chuyện gì cả! Chúng mình đang đi kiếm tiệm ăn đây mà … Anh định đưa em đi “thử” … cơm “Âm Phủ”. Ai đã đặt chân tới Huế, lại chẳng ghé ăn thử cái quán cơm nổi tiếng này! (Độc giả nào ở Huế hẳn đã từng biết quán cơm Âm-Phủ, nổi tiếng trước 75, nay cũng đã “xuống cấp” – Từ dùng trong nước – phải không?)
Lần này thì tới phiên nàng “ngẩn” … ra thật! Chứ chẳng phải vờ … Nhưng chỉ khựng lại vài giây … Rồi nàng vung cả hai tay lên … đấm “thùm thụp” vào ngực Vũ:
– Em ghét anh lắm! … ghét anh ghê đi! … Cứ chọc quê người ta không à! Sao không nói thẳng … là đi ăn cơm “Âm phủ”, bày đặt … “dẫn em vào địa ngục”!
Người con trai cười “Hả hê” hơi khom lưng xuống một chút, nói với người con gái:
– Đền em cái “cú” đầu … đó! Rồi chàng ngẩng lên, tiếp: Chứ em nghĩ anh “dẫn em xuống địa ngục” là dẫn đi đâu, … làm cái gì ? Lột “trần truồng” ý nghĩ trong đầu của em ra … cho anh nghe coi!
– Em không muốn nói chuyện đó nữa!
– Cô bé khờ! … Từ nay đừng nghĩ vớ vẩn nữa!
– Anh đó! … lớn rồi mà cứ giỡn hoài! Nhất là … đã làm cái nghề đi dạy người ta … mà cứ i-như-là … con nít… ấy!
– dạy người ta … chứ đâu phải … dạy em! Làm học trò anh đi! Muốn đứng đắn, anh sẽ đứng đắn! Muốn nghiêm nghị … Bảo cái gì, thì phải làm cái đó! Hễ “hư”… là bị phạt!
– Còn lâu … ạ! Em đánh đòn anh thì có … Em muốn đánh cho anh chết luôn … để khỏi phải lấy …
– Em chịu lấy anh rồi ha! … Chuyến này về lo may đồ cưới!
– (sic!!) … Anh biết em lấy … cái gì không mà ham ? … Em nói khỏi phải lấy … nghĩa là … Anh mà chết đó ! thì từ nay đi đâu, em khỏi phải “lấy” thêm phòng ngủ! … Khờ!!… Chưa từng thấy người con trai nào … ham lấy vợ như anh vậy!
– Đừng tưởng … anh ham lấy vợ ! … Lấy vợ thì có gì mà thích chứ ? Chiều chuộng! Cãi cọ! Hờn mát! Dỗ dành, năn nỉ, dắt đi chơi! Chở đi chợ … bộ em tưởng không mệt lắm sao ? Chẳng qua chỉ là sợ người ta lấy mất … người yêu … của mình thôi!
– “Người yêu”!! (Huyền bỉu môi) Anh mà có người yêu ? Ai là người yêu của anh ?
– Cô bé khờ đó! (chàng dí ngón tay vào trán nàng) Cô bé “khờ” này này! … (Rồi hai người túm lấy nhau như bất cứ đôi bạn trẻ nào của thời bé thơ. Khi ngôn ngữ đã bất phân thắng bại, là cuộc chiến giữa những bàn tay “năm ngón kiêu sa” với những ngón tay “Ru em vào mộng”. Một thứ “Trò chơi của Tình yêu” (2).
… Sáng sớm hôm sau, đôi bạn trẻ gọi nhau dậy sớm chuẩn bị sơ sài, để còn có giờ đi mướn xe, vậy mà cũng gần trưa họ mới vào được Trung tâm hành hương Thánh địa La Vang (3). Từ quốc lộ đi vào phải bốn, năm cây số đông nghẹt người, lúc này công an, cảnh sát không cho xe chở hành khách đi vào nữa. Mọi người phải xuống xe đi bộ, hoặc đi honda “ôm”. Suốt ba ngày này, là dịp may kiếm tiền của những bác tài xế xe ôm. Hàng quán cũng mọc lên như nấm. Gần tới khu vực trung ương, cờ xí đã rợp trời. Ngoài cổng ban Tổ chức đã có những người đứng phát huy hiệu Đại hội cho khách thập phương tới tham dự, gắn lên ngực áo. Đôi bạn trẻ như hai chiếc lá trôi giữa giòng người. Huyền ngẫu hứng hát theo những bài hát nàng biết, đang phát ra trên các loa phóng thanh. Đến một bài quá quen thuộc, Vũ cũng hát lớn lên nhưng chàng đổi lời:
– Lậy Chúa, có em khờ về đến đây rồi! Á … i! Chàng bị véo một cái thật đau, nên vội đổi lại: “Lậy Chúa, chúng con về từ khắp thôn làng” …
– Nhờ quá đông người, chứ Chúa mà thấy anh về, là … Chúa … chết xỉu luôn đó!
Vũ nhe răng cười, hỏi:
– Sao vậy ?
– Tại tội lỗi quá, nên Chúa phải chết thế cho … chứ còn sao nữa!
– Vậy chứ em ?
– Chúa thấy em … là Chúa sống lại! Sống một cách vui vẻ!
Vũ giang hai tay ra, chụp lẹ vào “eo” nàng một cách bất ngờ, khiến Huyền la lên: Ah … a a! Cảnh sát! Anh đừng có lạm dụng chỗ đông người … nha!
– Ai biểu em tự thị! … Đừng có “hợm” mình … à nha!
– Có gì mà hợm ? Chẳng phải phụ nữ là những người được Chúa cho gặp mặt trước nhất, sau khi Chúa Sống Lại? Phụ nữ không phải là những người … đi loan báo Tin Mừng Chúa Sống lại … trước tiên hay sao? … Đàn ông, con trai Chúa chả thích !! … Nào là bán Chúa, nào là mê ngủ trong lúc Chúa phiền não. Phải nói là “ngu” mới đúng! Không biết an ủi Chúa khi Chúa buồn rầu. Nếu phụ nữ có mặt trong vườn cây dầu đêm ấy, thế nào cũng quì cầu nguyện với Chúa, an ủi Chúa để Chúa bớt cô liêu! Còn nữa … Nào là chối Chúa, nào là trốn chạy, sợ vãi … đ … (nàng vội bụm miệng vì lỡ) Nhát ơi là nhát! Trong khi phụ nữ … không sợ gì hết! Bất chấp quân lính, dám lại gần, đưa khăn cho Chúa thấm máu. Cũng chỉ có đàn bà con nít, dám đứng hai bên đường khóc thương Chúa. Còn nữa! Lên án Chúa, đóng đinh Chúa … toàn là đàn ông hết! Trong khi có người phụ nữ bảo chồng “đừng có nhúng tay vào máu Người này”, đã không nghe … còn làm bộ “rửa tay” trao cho quân dữ mang đi giết! Chưa hết đâu! Lúc người ta bảo “Chúa đã sống lại”, còn không chịu tin! Đòi phải thọc ngón tay vào…
Cứ xem hành động, đủ chứng minh “phe mày râu” với “phe kẹp tóc”, phe nào yêu Chúa ? Em nhớ trong Pháp ngôn đâu đó có câu: “Tình yêu chỉ có thể đo lường được bằng hành động”. Thánh Gregory cũng viết: “Công việc là chứng cứ của ái tình”. Vậy mà khi Chúa hỏi: “Con có yêu Ta không ?” (Huyền ôm bụng cười) “Lạy Chúa con yêu Chúa”. Hỏi nữa cũng vậy! Hỏi nữa, “Lậy Chúa, Chúa quá rõ lòng con mà!”. Phải chi Chúa hỏi: “Con có nhớ … con đã chối Ta mấy lần không?”(nàng cười thú vị)
– Em chết là … khốn nạn cho em! … Chừng đến trước cửa Thiên đàng … Thánh Phêrô thấy cái bản mặt em, là ông ấy … đóng cửa … cái rầm!
– Em không … ke! Em đã có Chúa và Đức Mẹ! (Rồi nàng quay qua Vũ, hỏi) Anh có biết trên thế giới … mỏ gì nhiều nhất không ?
– Sao khi không lại hỏi mỏ gì ? … Mỏ than!
– Trật lấc! … Mỏ vẹt! … Hễ có bao nhiêu đàn ông trên đời, là có bấy nhiêu cái “mỏ vẹt”. Cái miệng lúc nào cũng … Anh “yêu” em … Anh yêu em nhất … trên đời! Bao nhiêu … Sông sâu cũng lội, núi đèo bao nhiêu cái … anh thề … vượt qua! (sic) … Đụng chuyện là … chối bai-bải, gặp khó khăn một chút là … trốn chạy dài dài!! … mà nếu có sờ vô chuyện gì, hễ không đánh con, la vợ, cũng sưng mày, nặng mặt. Cáu kỉnh, gắt gỏng, la lối, khó chịu! Nhưng mà khi tán gái thì ngon lành lắm! Miệng cứ leo lẻo !
Vũ cười ngặt nghẽo:
– Anh có cảm tưởng … làm như em đã… kinh nghiệm … mấy đời chồng ?
– Cần gì phải lấy chồng … mới biết! Hàng xóm em, lối phố em … hàng ngày nhan-nhản những hình ảnh cụ thể như vậy … có bao giờ dứt ? Có ông còn xách dao rượt vợ nữa! … Tồi tệ gì đâu!! … Cho nên … làm bạn với anh thì làm, chứ … lấy chồng … thì chưa chắc … có ngày đó!
Vũ xỏ hai tay vào túi quần, nghênh ngáo theo kiểu nói chuyện của mấy tay anh chị, chàng nhìn nàng bằng cặp mắt lim dim liếc xéo, vừa gật gù vừa nói:
– Em có biết cái anh chàng nhà số 35 ở đường Cao Thắng (nhà Vũ)? … Anh nói cho em biết chuyện gì khó đến đâu, hắn cũng làm được đó!
Huyền cũng giả bộ “hừ” một cái, vênh mặt lên, đảo một vòng cặp mắt chim ưng làm ra cái vẻ ba-gai của những cô bé bụi đời:
– Thế … Anh có biết cái cô bé xuất thân ở chợ Cầu ông Lãnh … không? (4)
Vũ ngắm nhìn cái vẻ mặt vênh váo, ba gai của Huyền, phát phì cười:
– Thua! Đầu hàng trăm phần trăm! Chàng choàng tay qua vai nàng, tiếp tục bước và xuống nước: Anh phải làm sao bây giờ ? Cho anh một cơ hội đi!
Huyền mỉm cười, giã-lả:
– Để em cho anh một cơ hội … nhe! … Anh có biết bài thơ khiến Thi sĩ Hoàng Cầm bị vô tù chín năm trời không ?
– Anh biết khá nhiều thơ của ông ta, nhưng không rõ bài thơ nào khiến thi sĩ phải đi tù lâu như vậy!
– Em đọc một câu thôi là anh nhớ liền:
“Đứa nào tìm được lá Diêu Bông,
Từ nay chị sẽ gọi bằng chồng.” (5)
– Có nghe người ta lấy ý của bài thơ đó, sáng tác ra bài hát “Lá Diêu Bông” (Chàng mỉm cười, gật, gật, thán phục) Bây giờ bắt anh đi tìm cái “không có” … phải không? Cơ hội này … ngặt nghẽo quá!… Bà “Chị con nít” này gớm thiệt! … Nhưng mà anh biết cái lá Diêu Bông … ở đâu rồi!
– Ở đâu ?
– Ở đây chứ ở đâu! (Chàng bất ngờ đưa tay “bẹo” một cái vào má nàng,day đi day lại) Ở đây nè … cô hai!
– Người ta đang nhìn kìa! (Huyền đưa tay lên, gỡ tay chàng ra) Anh làm đỏ hết má em lên rồi đấy! (Vũ cười, mở to đôi mắt, đưa cái mặt sát lại, và nhìn vào đôi mắt đang cau có của nàng)
– Lá Diêu Bông màu đỏ mà! … Không đỏ … không phải lá diêu bông! Vì vậy, bình thường nó không đỏ lên, có ai biết mà kiếm! (Chàng cười … và tiếp) Có phải đàn bà con gái thích Đánh Má Hồng, là ngụ ý ngầm bảo cho đàn ông con trai biết “Lá Diêu Bông … đây nè … lại mà “lấy” đi! … Có đúng không ?
– Cái mặt … sao mà nham nhở quá đi! … Nhìn thấy ghét!
… Mặc dù rừng người khít khịt, khó mà chen vào gần lễ đài, nhưng hai người cũng tới được, nhờ ma-le, họ đi ngay giữa lối ngăn dành cho các hội đoàn, sẽ diễn hành chiều nay, cho tới khi gần chạm lễ đài, mới bị ban trật tự lễ phép mời ra ngoài hàng rào cản. Thế là họ đứng sát với trung tâm hành lễ. Nhưng Huyền liếc nhìn vào tờ chương trình thấy hai giờ chiều mới bắt đầu khai mạc Đại hội. Nàng bảo Vũ:
– Còn lâu mới khai mạc, mình không thể đứng im một chỗ được! Vả lại, chúng mình tới đây mà chưa đi gặp và chào hỏi Đức Mẹ La Vang, Mẹ đâu biết chúng mình có đi dự Đại Hội !
– Biết chỗ nào mà tới bây giờ ?
– Anh cứ đứng yên đây, em chui rào, lên khán đài, nhìn bốn chung quanh là thấy liền!
– Người ta đuổi xuống đó … em!
– Đừng lo! Bộ họ tưởng … em lên làm lễ trên đó … hay sao mà đuổi. Em sẽ nói em cần tìm “Nhân vật” quan trọng nhất Đại hội, họ đuổi em thế nào được! Cùng lắm là … (nàng hơi nghiêng đầu, tạo vẻ duyên dáng) “Xin mời tiểu thư bước xuống giùm” … Chừng đó đủ thời gian cho em nhìn thấy “Đ.Mẹ” đứng đâu rồi!
Huyền nói là làm liền, lát sau nàng đã chui trở lại hàng rào cản, đến bên Vũ:
– Ngoẹo trái, rồi cứ thẳng mà len tới, nhìn lên cao thấy cái tàn “cây đa” làm bằng ximăng, Mẹ Lavang đứng chờ ở đó! … giao cho anh mở đường.
Vũ nắm lấy bàn tay Huyền, sợ lạc mất nàng, chàng lách giữa đám đông, không mấy vất vả … Huyền biết ý, mỉm cười, nàng bỗng cảm thấy có một luồng sinh khí lạ, từ bàn tay nơi Vũ nắm chặt, len lỏi cùng người, tạo nên một cảm giác khó tả, chưa bao giờ gặp. Cảm giác ấy, khi lên tới đôi gò má thì nóng bừng lan dần tới hai vành tai, làm nàng chợt nhớ đến bài hát “… Ở Tuổi Hai Mươi, nghe gió nóng bên vành tai …” Rồi lại nhớ lời Vũ vừa bảo, nàng hỏi thầm: “Hay là Vũ nói thật, biết đâu “Lá Diêu Bông”chẳng là … đây!”. Huyền thẹn thùng vừa muốn rút bàn tay về, lại cũng vừa muốn để yên trong lòng bàn tay của Vũ.
… Chưa đầy năm phút, họ đã bước lên những thềm gạch dẫn tới đài Đức Mẹ. Mẹ bồng Chúa đứng trên cao, lưng chừng thân cây đắp bằng ximăng nghệ thuật. Vũ cười bảo:
– Cây này mà em nói là cây đa đây hả ? Cây nấm !
– Nấm … cái đầu anh! Nhìn cái đầu anh cũng giống cái nấm lắm chứ! … Cây nấm chỉ có một “lọng” thôi! Anh xem cây của người ta có biết mấy cành, bao nhiêu “tán” ? … Khờ! … Chả có con mắt nghệ thuật tí nào ! (Vũ cười:)
– Nghệ thuật trong đôi mắt anh bây giờ … chỉ có mình “EM” thôi! (Huyền nhún vai)
– Em thì khác! … Đứng đây, bây giờ … em thấy … chỉ có mình MẸ thôi!
Mọi người đang chen chúc nhau, tới gần hàng rào sắt cản ngăn trước bàn thờ dưới chân Đức Mẹ. Bên trong hàng rào thấp ngang bụng, lúc nào cũng có một Linh mục (thay phiên nhau) đứng làm phép tượng ảnh, hay nước. Vũ nói nhỏ vào tai Huyền:
– Mình quên không mua một món quà gì … ra mắt Đức Mẹ!
– Em cũng đã nghĩ tới, nhưng … quá nghẹt người, chưa tìm ra chỗ bán hoa! Mình còn ở đây mà! … Em sẽ nói với Đức Mẹ, mình sẽ trở lại sau!
– Không sao! … Chúng ta cũng đang có một món quà đặc biệt … Anh nghĩ Đ.Mẹ sẽ thích nhất! … Ngay giây phút đầu tiên này … chúng mình … dâng “Tình yêu lứa đôi” của chúng mình cho Đức Mẹ!
Huyền hơi nhếch miệng cười, quay nhìn Vũ trong ánh mắt Bồ Câu dịu dàng, và bằng một cử chỉ thầm kín, nàng khe khẽ gật đầu… Rời Tượng Đài Đ.Mẹ, Hai người đi “tham quan” khắp nơi, bây giờ họ mới thấy khu vực Linh địa Lavang không phải là nhỏ. Sau này, có cơ hội, việc trùng tu, xây cất, biết đâu lại chẳng “hùng vĩ” như ở Lộ Đức ? Thu hút nhân loại, đủ mọi sắc dân, không phân biệt màu da … như ở Fatima ? Lavang ngày nay, đã tạo được một dãy nhà lầu, khang trang, “Hoành tráng” (Từ này mới chỉ phổ thông lúc sau này, trong nước dùng nhiều. Thực sự “nghĩa” của nó có khác với từ “hùng tráng” hay đồ sộ trên phương diện “Hình Dung Từ”). Nhưng nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn thương tích của chiến tranh. Dưới bóng Mẹ Từ bi Lavang, hàng chục ngàn con cái của Mẹ từ Bắc chí Nam, như đàn gà con được mẹ ấp ủ dưới cánh. Mặt trời mùa Hạ gay gắt trên quê hương, không đủ sức làm nản lòng, chùn bước những đoàn lữ hành đã về đây dưới cánh tay dang rộng của Mẹ hiền. Cả Huyền lẫn Vũ đều không khỏi ngạc nhiên khi lân la thăm hỏi và được biết, có những xứ đoàn từ miền Bắc, cũng như trong Nam, đã mang theo nồi niêu, soong chảo, gạo, mắm … tới căng bạt, nằm đây chờ ngày Đại hội cả tuần, trong một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, nhưng rất vui vẻ và chan chứa tình thương. Chính những hình ảnh đó đã khắc sâu vào tâm hồn Vũ, Huyền về lòng sùng kính Đức Mẹ hơn bất cứ bài thuyết giảng nào trong ba ngày Đại Hội. Vì thực ra, chẳng bao lâu người ta sẽ quên hết! Thời tiết quá nóng, ban tổ chức phải hoãn giờ khai mạc tới bốn giờ chiều. Đại hội Lavang lần thứ 27 (6), đã tưng bừng khai mạc bằng cuộc diễn hành của các phái đoàn đại diện các giáo hạt. Nào là cờ xí, biểu ngữ mang tên từng địa phận. Nào trống, nhạc, từng đội kèn, cùng nhiều vũ khúc Kinh, Thượng, được vỗ tay chào mừng nồng nhiệt. Cuối cùng của đoàn rước, là các Linh mục, Giám mục nhiều chưa từng thấy, tiến lên lễ đài. Đức Tổng G.M. (Huế) Step. Nguyễn Như Thể, thay mặt Đ.Hồng Y Phaolô G. Phạm Đình Tụng (già yếu không thể vô), Đ. Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn (đang công tác nước ngoài) Chủ tế Thánh lễ Khai mạc Đại hội … Chiều ngày hôm sau, Đ.G.M. Phụ tá G. Vũ Duy Thống (G.Ph. Sàigòn) Chủ tế Thánh lễ đồng tế, và bài giảng của Ngài nói về: Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể…
Tối nào Huyền và Vũ cũng trở lại khách sạn khi thành phố đã lên đèn.
… Đêm nay, hai người đi dạo bên bờ sông Hương. Suốt ngày, gió trốn nắng đi tìm giấc ngủ, đợi tối xuống, chúng mới rủ nhau về dàn hàng, bày ra những vũ khúc trên sông. Phải là những khách tìm trăng (xin đừng hiểu theo nghĩa trần tục), yêu trăng, mới có tâm hồn thưởng thức những điệu vũ “Nghê thường” của gió. Chuyện Gió Trăng Thề bên giòng nước, cứ hay dẫn dụ con người vào những lời ước hẹn. Nhưng với đôi bạn trẻ này thì không, bởi họ đã Dâng Tình Yêu của họ cho Đ. Mẹ Lavang, và họ tin chắc vào lời hứa ban ơn theo ý nguyện, và chở che cho bất cứ ai, dù lương hay giáo, đến cầu xin với Mẹ ở chốn này (Lời Mẹ hứa xưa khi hiện ra ở Lavang). Vũ bất chợt hỏi Huyền:
– Em có thấy gì khác lạ trong bài giảng chiều nay của Đức cha không ?
– Không! … Anh nói sao ?
– Lần đầu tiên anh mới nghe danh hiệu Đức Mẹ: “Người Nữ Thánh Thể”. Hồi nào tới giờ em có nghe nói như vậy không? Nói đến “Thánh Thể”, anh chỉ nghĩ đến Chúa Giêsu thôi! Huyền mỉm cười:
– Anh đừng sắp sửa nhận mình là: “Lậy Chúa, con là người ngoại đạo”!
– Ngoại đạo thì không, nhưng “khô đạo” thì có!
– Thế sao anh lại hỏi em ? Em thì cũng như anh thôi!
– Khác chứ! … Em dĩ nhiên là “ướt át” hơn anh nhiều, cho nên anh mới hỏi.
– Đừng có sắp nói bậy nữa đi!
– Anh không nói bậy! Hai ngày qua, sống với Đức Mẹ Lavang, đôi lúc ngắm nhìn em cầu nguyện, anh bắt gặp trong đôi mắt em là cả một hồ nước lung linh, trong đó chứa đựng cả một chiều sâu thăm thẳm của một tấm linh hồn xinh đẹp. Huyền nhăn mũi:
– Coi mặt mũi như vậy … mà cũng “nịnh đầm”! Em mà biết trước, đã chẳng thèm quen! … Vậy chứ khi cầu nguyện, anh thấy tâm hồn mình thế nào ?
– Thú thực với em … Tâm hồn anh chưa cảm nghiệm được … sự gì cả! Có thể linh hồn mình tựa hồ như một mảnh đất khô cằn trong cơn nắng hạn. Anh cũng mong muốn có một trận mưa rào chứ! Nhưng … không thể nào! Vũ gượng cười:
– Nói ra chỉ sợ … em cười, nhưng thật sự là … anh chỉ có thể cảm nhận được sự rúng động, đôi khi là một “ảo tưởng có thực” cho thấy sự “hiện diện đong đầy” của một linh hồn vẫn thường hay xa cách với chính mình trong cuộc sống! Có thể đúng như lời mẹ anh vẫn thường mắng: “Mày sống như một người không có linh hồn!” Huyền mỉm cười:
– Vậy thì … cái cảm giác như anh nói đó, chỉ khi nào mới có được ?
– Nó chỉ trở về, hay cũng có thể gọi là sự “chỗi dậy của tâm hồn”… “Sự đê mê, tê tái của con tim” … ở mỗi lần được dìu em bước đi trên sàn nhẩy. Anh quả thực là một con người … Tội Lỗi quá … phải không em ?
– Anh nghĩ em là … con người mụ đạo lắm … hay sao mà hỏi ? Có lẽ đôi lúc em đã làm khó anh ? Chính những lúc ấy, em cũng biết là em đang tự làm khó mình! Nhưng không vậy, một cô gái sẽ chẳng còn gì để lôi cuốn, và hấp dẫn người con trai nữa … Anh nghĩ có đúng không? Ai lại chẳng thích một búp hồng, hơn là một bông hoa đã nở “tòe loe”, khi mà những cánh hoa không còn khép kín để giữ lại cho mình hương thơm thoang thoảng, của bí mật những chiếc nhụy hàm chứa ở bên trong… Nhưng em không cho những cảm giác tự nhiên của tâm hồn, như là … một tội lỗi! Em đọc trên sách vở, thấy bảo rằng: Ái tình làm con tim đang ngủ yên phải thức giấc.
Anh! … Anh đã nhận mình không phải là “người ngoại đạo”, tức là anh cũng đã biết Thiên Chúa. Thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là Tình yêu”. Nhớ có lần em cũng đã nói với anh “Biểu tượng của tình yêu là Thánh giá”. Thánh gía có hai chiều: Chiều ngang là chiều con người yêu thụ tạo tức Người yêu Người, cũng như là chúng ta yêu nhau. Yêu nhau không thôi, mới chỉ là tình yêu một chiều! Tình yêu trọn vẹn đòi buộc phải có chiều dọc nữa! Đó là tình yêu đối với Thiên Chúa! Chính Tình yêu Thiên Chúa là thế: Không chỉ là một thứ tình yêu thần thánh — Tình yêu Ba ngôi Thiên Chúa — với nhau, nhưng đã thể hiện trên các loài thụ tạo, đặc biệt là nhân loại. Con người lại được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Bởi thế khi tình yêu chỉ có một chiều, thì biểu tượng của nó cũng không còn nữa! (không còn gọi được là Thánh giá). “Thánh giá” lại còn mang ý nghĩa của ơn Cứu Độ. Khi mất ơn cứu độ, thì tình yêu nếu được gọi là, cũng chỉ thuần là tình yêu trong sự chết. Thánh Louis Grignon de Montford nói: Per Maria ad Jesus — Qua Mẹ để được đến với Chúa – Ngày mai trước tượng Đức Mẹ Lavang (Huyền cười se sẽ), em sẽ giới thiệu với Đ.Mẹ có một mảnh đất hạn hán, đang cần trận mưa rào … được chứ ? (Vũ nhéo nàng một cái, chàng bảo:)
– Dù sao chuyến đi dự Đại hội Đức Mẹ Lavang, đối với anh, cũng có nhiều ý nghĩa!
– Có chứ! … Ít nhất anh cũng còn để ý và nhớ được một Danh hiệu của Đ.Mẹ qua bài giảng của Đức cha. Thoạt tiên nghe Đ. Cha gọi Đức “Maria, Người Nữ Thánh Thể”, em cũng có cảm giác là lạ giống như anh, nhưng rồi em hoàn toàn đồng ý với sự giải thích của Đ. Cha. Và em cũng liên tưởng ra rằng:
* Công đồng Trento xác tín rằng: Chúa Giêsu ngự trong bí tích Thánh Thể, trọn vẹn là Giêsu được tạo dựng do máu huyết Mẹ Maria.
* Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng vẫn là con của Đức Mẹ. Vì là thịt máu do Đức Mẹ mà có. “Hai ngàn năm qua, Hội Thánh là chiếc nôi mà Đức Mẹ đặt Chúa Giêsu, và trao phó Ngài cho muôn dân tôn thờ và chiêm ngắm”Trong phép Thánh Thể.
* Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể cũng là Đấng đã được nuôi dưỡng bằng sữa Đức Mẹ. Chính giòng sữa ấy, thịt máu ấy, đã đổ ra và hiến dâng cho công cuộc cứu độ.
* Dưới chân Thập gía khi Chúa Giêsu dâng mình làm lễ tế lên Đức Chúa Cha, thì Đức Mẹ không những dâng con mình làm của lễ, Người cũng hiến dâng cả Trái Tim lẫn Tâm hồn nát tan của mình, làm một của lễ với con.
* Ngày xưa, trên bàn thờ, bên Phương Đông, người ta đặt tấm bánh thứ hai bên cạnh tấm bánh chính, như là tấm bánh của Đức Mẹ. (Tr. 75. “Maria, Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” L.M. Canut Nguyễn Thái Hoạch, Xb. tại Uc-châu 2006).
* Vậy nếu tin rằng tấm bánh Thánh ta rước vào lòng, là chính “Thịt Máu Chúa Kitô”, thì cũng chính là “Thịt Máu Đức Trinh Nữ Maria” và cùng lúc, ta vừa có Chúa Giêsu Thánh Thể, vừa có Mẹ Maria, Người Nữ Thánh Thể trong ta vậy! (Huyền ngưng lại một chút, rồi tiếp:) Vừa rồi anh nói là còn có nhiều ý nghĩa khác nữa, anh có thể nói cho em nghe được không ?
– Được chứ! Có gì đâu mà phải dấu diếm em. Này nhé: Thứ Nhất là mình đã có cơ hội dâng “Tình Yêu” của mình cho Đ. Mẹ Lavang và tin rằng “Tình yêu của chúng mình” đã được Người Chúc Lành.
Thứ Hai là được chứng kiến tận mắt “lòng tôn sùng Đ.Mẹ” của mọi người, để nhận ra mình còn thua, và cách xa vời vợi! Điều này giúp mình phải cố gắng!
Thứ Ba là dưới trời nắng “chang chang” như vậy, ở một nơi từ môi trường đến phương tiện hoàn toàn hạn hẹp, mà mọi người được bình yên, thì quả là phép lạ Đức Mẹ đã chở che và gìn giữ. Chỉ nếu như có một người xỉu thôi, đã khó có thể đem người đó ra khỏi đám đông dầy đặc, để xe chở đi cứu cấp, nhưng mọi chuyện đã không xẩy ra.
Thứ Bốn là để cảm nghiệm được rằng mình có một người yêu ngoan đạo. Huyền liếc xéo chàng, và hơi nhíu mày như tự hỏi: Anh chàng đang nói cái gì đây, nhưng Vũ vẫn cứ tiếp:
Thứ Năm là … Nhờ thiện chí đi tham dự Đại hội, mà Mẹ Lavang thưởng công cho anh … tìm được lá “Diêu Bông”.
Coi chừng cái cổ của anh đó! Lại sắp sửa … nham nhở! (Một ánh mắt sắc như dao, soẹt qua cổ chàng).
Nàng khẽ lắc đầu, quay đi, rồi ngước nhìn lên màn đêm … vài nụ cười thầm … ẩn khuất trong bóng tối. Trên bầu trời thấp thoáng một vì sao đổi ngôi, báo hiệu đang có sự thay đổi trong tâm linh một người./.
GHI-CHÚ:
(1). Hẳn bạn đọc còn nhớ đã gặp “Đôi bạn” trẻ này khi cùng đi với họ ở Chùa Hương, VănMiếu Hà-nội, rồi lại nghe họ tụng “Kinh Tình yêu” trước cửa một kháchsạn ở cốđô ThăngLong (đọc “Từ Kinh vôtự đến Kinh tìnhyêu”). Cuộc hànhhương của họ tiếp nối về Đạihội Lavang (tổchức trong ba ngày 13, 14, và 15 tháng 8 năm 2005).
(2). Kỳ trước, trong “Trò Chơi Của Quỉ”, Uly có giớithiệu với độcgiả đềtài “Mêcung huyềnbí của những lá bài Tarot”, sẽ đến với quívị trong số báo này. Nhưng một “Tâmthức” bấtngờ chỗidậy, được đánhthức bởi “Tháng Năm” – Tháng Đức Mẹ – gợi lên trong nỗi nhớ về Người Mẹ “Dấu yêu” của nhânloại. Nên Uly cũng mong BạnĐọc tạm quên đi những “Mêcung huyềnbí” gì đó … một kỳ! Thêm nữa, nhânvật “Vũ” trong “Tròchơi của quỉ” cũng cần được giớithiêu thêm trong bài này, như một chuẩnbị chuđáo hơn!
(3). Lavang ngày nay thuộc xã Hảiphú, huyện Hảilăng, tỉnh QuảngTrị, xa Cốđô Huế khoảng 60 km về phía Bắc, và cách thị xã QuảngTrị gần 6 km, nằm gần bên quốclộ xuyên Việt. Nơi đây, trong địabộ xưa Làng Cổvưu có ghi “Phường Lávằng”. Vì ngày xưa vốn là ngọn đồi có rất nhiều cây lá vằng (Thân leo, hoa trắng, hạt đen, vị đắng). Sự tích kể: Tháng 8 năm 1798, từ PhúXuân, vua TâySơn CảnhThịnh (Nguyễn Nhạc) ra sắcchỉ cấm đạo rất nghiêmngặt. Rừng đồi Lávằng trở thành nơi ẩnnáu lính vua, cướpbóc, đạotặc, của người dân quanh vùng. Họ tụtập cầunguyện, ẩn trốn. Một hôm, ĐứcMẹ hiện ra, bồng Chúa HàiĐồng, trên đám cỏ gần gốc cây đa, nơi mọi người đang đọc kinh, Mẹ nhântừ, âuyếm, anủi các tínhữu, và dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ còn hiện ra nhiều lần hứa ban ơn theo ýnguyện, và chở che cho bất cứ ai, dù lương hay giáo, đến cầu xin với Mẹ ở chốn này.
(4). Dân ở đường CaoThắng, khu Tônđản và khu chợ CầuÔngLãnh, một thời được coi là sảnsinh ra những tay anhchị và daobúa. Nhưng không có nghĩa là tất cả.
(5). Ông ở tù về bài thơ này, vì bị cho là đã ámchỉ “Thiênđường CS” cũng tựa như thứ lá “Không bao giờ có”.
(6). Đại Hội hành hương Đ.Mẹ Lavang lần thứ I vào năm 1901, năm đó Đức Giám mục (Huế) Maria Antoine Caspar quy định cứ 3 năm mở đại hội tam nhật một lần. Do đó Đại hội Lavang lần thứ 28, sẽ diễn ra vào năm 2008.
Tg. Uyên Ly