Thường thì kiểu đánh bạc tại tư gia, được coi là loại sòng bài bỏ túi. Kiểu chơi bài như Vũ, Trang, và Giáng Ngọc thì không phải. Họ không chủ ý kiếm tiền của nhau bằng cách này. Họ cũng không thường hẹn hò rủ nhau vào “Trò Chơi” sát phạt, đỏ đen. Hai người con gái ở lại đánh bài với Vũ, chỉ là một sự chia sẻ niềm cô đơn, trống trải với chàng, trong cái gọi là sự căng thẳng tinh thần trong cơn nhiễu loạn tâm tư. Đã gọi là “chia sẻ” thì không lâu. Chỉ sau vài “ván” là cả Trang lẫn Ngọc đều rút. Vả lại, hai nàng cũng không đạt được mục đích họ đến Vũ. Nhất là Trang, một cô nữ sinh sống đời gái nhảy . Hoàn cảnh đưa đẩy nàng vào một mảnh đời vừa đen tối, vừa bi đát lẫn cay cú. Trang không dám “yêu” Vũ, nàng chỉ muốn mượn Vũ, để có dịp trả thù “ĐỜI”. Chỉ có Giáng Ngọc còn có thể nói là nàng muốn “giúp” Vũ, để gần gũi Vũ, và hy vọng Vũ sẽ đền ơn nàng bằng sự đáp trả “Tình Yêu”. Nhưng Vũ lại không giống một số người khác. Chàng không mảy may “căm thù” kẻ làm hại mình. Cuối cùng, họ tạm lui để trả lại Vũ trong hoang vắng. Mặc chàng với những nỗi sầu buồn giày vò, bần thần, nhức nhối, có thêm thời gian gậm nhấm. Biết đâu sau này … chàng lại chẳng phải cầu cứu với các nàng! Trong căn nhà đã lâu lắm, Vũ mới có cảm giác sao hoang lạnh – ra vào một bóng hình ai – Cái bóng đã nhiều đêm ngày ám ảnh tâm trí chàng. Bóng ấy không phải là cô tiểu thư con nhà giầu – Thiên Kim – Người đã gây ra vụ rắc rối trong sân trường, trên sàn nhảy cũng như trên sân khấu đời chàng. Bóng ấy chính là Huyền, người con gái Vũ thường hay gọi đùa là “Người yêu ngoan đạo”. Từ ngày xảy ra vụ lộn xộn với Thiên Kim tiểu thư, Vũ bị dư luận gán cho cái tội dụ dỗ gái tơ con nhà giàu, thì Huyền cũng bặt vô âm tín! Đường giây “phone” không những gián đoạn, mà lần nào chàng tới kiếm nàng, người nhà cũng bảo “nàng đi vắng”. Vũ biết Huyền cố ý tránh mặt, chứ chẳng phải vô tình không gặp, hay nàng đã đi xa. Trong dằn vặt, chàng vẫn tự nhủ: Mình không xứng đáng với tình yêu của nàng! Tại sao những gì nàng không muốn mình lại cứ làm ? Chẳng hạn như việc chàng tới vũ trường, chuyện trò hay tán tỉnh “Mèo hoang” … Ít nhất cũng qua cái nhìn khách quan của mọi người. Mặc dù Vũ có con đường riêng của chàng.

Vài ba năm trước, từ lúc Vũ quen thân với một Linh mục dạy cùng trường, thường xem nhau như bạn. Bên ly cà-phê đen, trong một đêm không ngủ, người Mục tử trẻ tuổi đã trăn trở nỗi lòng “Mình không phải là Mục tử can đảm của Đức Kitô. Có lẽ suốt đời, mình chỉ lụi hụi với bầy chiên “ngoan đạo”. Mình không dám xa chín mươi chín con, để đi tìm kiếm một con chiên lạc! Cậu có hiểu mình không?  Phải chăng nó là nỗi cô đơn “triết học” trong rừng tư tưởng (vị này dạy môn Triết), Hay cảm giác yếu đuối của một đời người Linh mục (Cảm nghiệm tâm linh) ? Vị Mục tử tiếp: Con chiên lạc nằm giữa bụi gai. Muốn kéo chiên lạc ra khỏi bụi gai, không tránh khỏi trày da, chảy máu, sưng mày, sướt mặt! Nhưng mình không sợ bụi gai, mà lại “sợ chết” giữa trận mưa đá ném ra, từ phía bầy chiên “ngoan đạo”! Trong vũng lầy, và bóng đêm rợn rùng của xã hội hôm nay, người Mục tử như mình, thấy rõ ràng có rất nhiều con chiên lạc! Trên mình mẩy chúng, ghẻ, lác do những vết cắt của bụi gai lâu ngày, đang mâng mủ và lan cùng. Nhưng … Như có tiếng nói âm thầm chỗi dậy trong tâm tư: Sống giữa bầy chiên “lành”, dù không cần được tôn vinh, hay danh vọng không mơ tưởng, thì tối thiểu cũng được sống trong yên hàn. Ra khỏi bầy chiên đi vào vũng lầy, bóng tối, thì chưa biết có cứu được chiên lạc, hay dọc đường đã gục ngã trước những hòn đá “búa rìu của dư luận”. Từ đó mình nghĩ chuyện “Xây thành trì vững bền cho chính mình và chung quanh bầy chiên, biết đâu những con chiên lạc thấy được, mà tìm đường trở về…”Đã bao năm, tưởng sống trong bình yên, nhưng điều trăn trở trong tận cùng của cõi lòng vẫn còn nguyên vẹn: Đức Kitô không làm theo kiểu này! Ngài bỏ chín mươi chín con mà đi tìm con chiên lạc”, vì chúng không chỉ lạc lõng bơ vơ, mà còn là hiện thân của sự đói khổ, nghèo nàn, và cùng khốn cả tinh thần lẫn thể chất” (1) … Đêm đã dài, mà ly càphê đắng, hai người uống mãi … vẫn không cạn!
Đã đôi ba lần, Vũ giải thích với Huyền:
– Anh có nói với vị Linh mục ấy rằng: “Có thể khó trong vai trò của cha, nhưng mình thì hy vọng làm được! Dẫu mình không phải là Mục tử, nhưng cũng là một “kỹ sư tâm hồn” của thế hệ trẻ. Giữa họ, nếu có mình đồng hành, sự cảm thông từ mọi phía cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều! Vậy thì để cho sự trăn trở được nhẹ bớt, mình sẽ thế vào công việc mà cha muốn thực hiện. Đổi lại, chỉ cần cha cầu nguyện cho mình!”
Huyền bỉu môi, cười khỉnh:
– Mục tử là mục tử, con chiên là con chiên! Em chỉ sợ lại là hình ảnh “chiên què đi tìm chiên lạc”. Em thấy cái viễn tượng một ngày nào đó, những con chiên này bám víu vào nhau, nhấp nhô trong vũng lầy, không cách nào thoát được! Chiên què muốn mang  chiên lạc trở về, nhưng chiên lạc đè nặng lên thân xác chiên què, cuối cùng không những cả hai không lết về nổi! Mà lại cùng nhau ngụp lặn trong vũng lầy!  Chứ nếu một mai:
“Sợ khi ong bướm đãi đằng
Đến điều sống đục, sao bằng thác trong!”
(Kiều của Nguyễn Du)
Thì anh cứ việc! Em cũng chẳng dám cản!
Vũ cười trừ:
“Tử sinh, liều giữa trận tiền,
Dạn dày cho biết gan liền tướng quân”
(Ng.Du)
Sao em vẫn cứ nhìn đời bằng cặp mắt của người xưa ? Chúng ta đang sống ở ngàn năm thứ ba, thời đại của những cái “game” mới. Không chơi thì làm sao biết được! Anh chỉ cầu xin em, đừng làm “con chiên ngoan đạo” liêng đá vào mình anh … con người ô-trược này là được! Những người khác, anh không ngại!
– Em không bao giờ ném đá ai cả! Có thế nào, em cũng chỉ là người … âm thầm, lặng lẽ, rời bước, rút lui trước những trái ngang của cuộc đời.
Vũ biết, có thể Huyền nói thật. Nàng đã bỏ rơi chàng, trong cơn “dâu bể” của đời mình. Hình ảnh Huyền luôn hiện về, cùng với những kỷ niệm đẹp … Chàng uể oải đứng dậy, pha một ly càphê đậm đặc, trở về chỗ ngồi, lựa ra hai mươi hai lá bài trưởng trong bộ bài Tarot (2) còn trước mặt. Trong căn phòng nhỏ này, của một buổi chiều, y như một sân khấu đã diễn ra những trận chiến: Trận chiến thứ nhất đã chấm dứt gồm các nhân vật: Vũ, Trang, Giáng Ngọc, Thần dữ (satan, hay Quỉ), thần lành (Thiên thần bản mệnh, Hai linh hồn: Một nam, một nữ: Những liên hệ tâm linh). Trận chiến thứ Nhì: Là cuộc chiến đấu nội tâm. Nhân vật duy nhất vẫn là Vũ. Những cuộc chiến tranh lạnh này, luôn luôn báo hiệu một trận chiến mới sôi động hơn (trận chiến thứ Ba) … Vũ xào hai mươi hai lá bài thật kỹ (3). Chàng xòe một lượt thành hình cánh quạt bằng tay phải, dùng tay trái (phía trái tim) rút ra một lá, lật lên, trúng Lá bài thứ Sáu: “Chàng đa tình”.
Lại nói về thế giới Tâm linh, khi Vũ xào và rút bài, những ngón tay của chàng đã bị “thần dữ” lèo lái thật khéo. Nói cách khác, Quỉ đã nhiệt tình điều khiển “trò chơi” này, bằng cách sắp xếp những lá bài trong tay Vũ một cách thần diệu. Những thần lành hiện diện: Biết! Nhưng chỉ đóng vai trò giám sát. Họ buộc phải để cho con người quyền Tự-Do chọn lựa hay quyết định (4). Linh hồn người con gái mỉm cười nói với anh trai mình:
– Không riêng gì Vũ, hồi sinh thời em biết anh cũng có nghiên cứu những con bài này … phải vậy không ?
(Trong khi hai nhân vật tâm linh nói chuyện với nhau, Vũ kẹp lá bài định mệnh của mình “Chàng Đa Tình” vào giữa hai mươi mốt lá bài (bí mật) kia, xào lại ba lần, rồi chia bài ngửa thành Bẩy Tam phân hoặc Ba Thất phân (Ba hàng bẩy lá, hoặc Bẩy hàng ba lá: 3×7=21) (5). Lá bài mờ để qua một bên.) Người anh trai đáp:
– Đang khi học Triết Tây, thì anh, chắc Vũ cũng vậy, chúng tôi có nghiên cứu bộ bài này, như là một sự giải trí, giống như ta đi xem triển lãm hội họa. Về mặt này nó quả là một tập tranh màu, mang khá rõ dấu ấn thời trung cổ, lại có những biểu tượng liên quan đến Triết lý Kitô giáo, cũng như học thuyết Kabbale. Đi sâu hơn nữa, nó là một cuốn sách ẩn chứa những con số cùng với hình ảnh, màu sắc, bao hàm những bí mật về vũ trụ vật chất, lẫn tinh thần. Ẩn chứa phần nào giải đáp cách sâu sắc tư duy con người. Tóm lại, đây là một học thuyết bằng hình, bao gồm cả “vũ trụ lẫn nhân sinh”. Nhưng vì vậy, người ta thường dùng nó vào “trò chơi” luận đoán định mệnh … Anh cũng nhớ lúc sinh thời, em học Triết Đông, em cũng có nghiên cứu qua môn Tử vi đông Phương?
– Có, không những Tử vi đông phương, mà cả về thiên văn, địa lý mà người ta thường gọi là xem “Phong thủy”. Sở dĩ em nghiên cứu thêm về mấy cái nhánh này, vì chúng có liên hệ với triết học Trung Quốc. Nói cách khác, nó thoát thai từ thuyết “Âm Dương, Ngũ Hành” (6), một học thuyết dựa vào đó, người ta có thể giải thích “Kinh Dịch” dễ dàng hơn. Linh hồn người con gái ngưng một chút, rồi tiếp:
– Em biết tại sao anh hỏi rồi … Em xin xác định điều này: Nghiên cứu để biết, và để cắt nghĩa hiện tượng là chuyện khác với việc tin tưởng, cũng như hoàn toàn trông cậy, tín thác vào Tử-vi, lý số, hay Phong thủy. Người ta phải hiểu hai vấn đề hoàn toàn khác nhau!
– Em nói đúng! Nghiên cứu để biết hiện tượng, để giúp đời phòng ngừa (thiên tai, bão lụt …), biết mình, biết người để xử lý “cho cân”, sống cho thật tốt, đó là biết sử dụng trí óc, sự khôn ngoan Thiên Chúa ban cho con người. Nhưng cẩn thận, “Quỉ” rất khôn khéo và tinh tế, nó giỏi lèo lái “niềm tin” của con người vào bất cứ sự gì ngoài Thiên Chúa, để nắm bắt linh hồn người ta. Chúa đã dạy: “Người ta không được làm tôi hai chủ”. Nhưng “Quỉ” thì đủ mọi phù phép, và xảo quyệt, khiến người ta ngày càng tin tưởng vào những chuyện nó bày ra, mà xa dần Thượng Đế. Nếu không muốn nói là bất trung, vì đã thay thế niềm tin Chúa bằng tin vào vưu vật, hay ngẫu hình, ngẫu tượng, hoặc tin kiêng những sự dối trá (rất nhiều do những “ông thày Phong thủy”, hay thày bói bày ra).
– Hơn nữa, tư tưởng hay học thuật, sự gì cũng chỉ có giới hạn! Ngay như khoa học hiện đại, cũng chỉ mới khám phá được phần nào rất nhỏ trong toàn bộ bí mật Vũ trụ. Nhưng Quỉ cũng đang dùng khoa học để lôi kéo con người xa rời Thiên Chúa. Nó khéo gợi lòng tự kiêu để con người trở nên ngạo mạn cùng Thượng Đế, chống lại những định luật thiên nhiên … Ngay như khoa Tử vi lý số mà em đã  nghiên cứu, khả năng giải đáp bí ẩn đời người rất hạn hẹp! Theo cách lấy lá số của Hi-Di Trần Đoàn (Giờ và ngày tháng năm sinh mỗi người), thì tối đa chỉ có 512.640 lá số khác nhau mà thôi! (như vậy, thế giới chỉ nên giới hạn bấy nhiêu người), trong khi nhân loại đang sống có đến trên dưới bốn tỷ người (chưa kể hàng tỷ người đã khuất của các thời đại trước). Trên thực tế đã biết, không có lấy hai người đời sống tinh thần và vật chất giống hệt nhau. Hơn nữa, khoa Tử vi xét về phương diện khoa học, nó bao gồm những hàm số bách biến, và đa cấp. Tức là phụ thuộc nhiều ẩn số, mà mỗi ẩn số lại là một biến số, biến thiên không chừng mực, nên trở thành mơ hồ, và tùy theo cách mỗi người diễn giải, chứ không phụ thuộc gía trị các quy luật như một vài khoa học khác! Chỉ cần đưa ra “cung Phúc đức” làm thí dụ điển hình cũng đủ. Thực ra, Hi Di tiên sinh chỉ mong khoa “Tử vi lý số” của ông, có thể đóng góp một phần nhỏ cho khoa xã hội nhân văn học, mà đối tượng của nó là lãnh vực nghiên cứu con người. Ở thời đại của ông, nó giúp cho môn chính trị học, những nhà lãnh đạo (vua, quan) có cơ sở dùng người vào những công việc thích đáng. Trong một số lãnh vực khác của xã hội cũng vậy, chứ không thuần túy phục vụ những “ông vua” bói toán, để làm nghề sinh sống… (vì lượng lá số rất hạn hẹp, làm cho việc lý giải thành ra mơ hồ).
– Vậy anh cũng không cần biện minh cho sự nghiên cứu những lá bài Tarot chứ hả ? (Có nụ cười cảm thông) Nhưng chúng ta đã thấy rõ điều này: Phàm những gì trở thành khát vọng hay mưu cầu cho đời sống vật chất nơi con người, đều biến thành “Trò chơi của Quỉ”, và chúng mê hoặc con người cách diệu kỳ. Chúng ta hãy quan sát “Mê Cung Huyền Bí” của nó đang diễn ra trong những lá bài Tarot trước mặt Vũ …
Vũ chia thành ba hàng bẩy lá, chàng để mắt tới con bài “định mệnh” mang số “6”, nằm hàng thứ hai, và cũng là lá bài thứ hai của hàng này. Rồi chàng nhìn như thôi miên vào những lá bài có liên hệ ở chung quanh. Mắt chàng đưa tới đâu, thì “linh hồn” người thanh niên giải thích ý nghĩa cho người em gái tới đó. Nói thì có thể là lâu, nhưng sự đối thoại bằng “tư tưởng”, hay sự chuyển đạt bằng “ý” của Tâm linh, thì nhanh như “ánh sáng”. Người “anh” bắt đầu:
6- CHÀNG ĐA TÌNH (Amoureux): Tượng trưng sự thử thách trong việc chọn lựa của người thanh niên, và là bí mật thứ sáu của Tarot: số sáu quan hệ trên bình diện tình dục (Điều răn thứ sáu của Chúa). Người trai trẻ được vẽ ở giữa con bài, có hai phụ nữ đứng hai bên: Đàn bà bên phải chìa tay trái về phía ngực chàng. Đàn bà bên trái, đặt tay trái lên vai người thanh niên. Người bên phải là người quyến rũ (Trong trí của Vũ nghĩ tới Thiên Kim), người bên trái có vẻ mặt nghiêm nghị (Chàng nghĩ tới Huyền). Bên trên có một thiên thần hoặc một Eros (7) – Cupidon, ở giữa mặt trời, tay cầm cung và tên đang nhắm vào người thanh niên. Người thanh niên phải lựa chọn giữa tội lỗi và đức hạnh. Lá bài biểu trưng cả những giá trị tình cảm, lẫn hình ảnh hai mặt của người phụ nữ mà người đàn ông có thể chọn lựa cho mình: Thiên thần hay ác quỉ: Kẻ khiêu gợi dục vọng xác thịt, hay tình yêu thuần túy tinh thần. Nó nói lên một xung đột trước những mâu thuẫn, những sức mạnh thần bí đang xâu xé nội tâm. Ở đây có một quy luật anh phải nói cho em rõ (dĩ nhiên từ bao thế kỷ nay): lá đứng trước luôn chủ động và mang biểu tượng “Tinh thần”, lá “Định mệnh” giữa, biểu tượng “Linh hồn”, lá kế “thụ động” và mang biểu tượng “Thể xác”. Ở đây, lá “Chủ động”là “Cỗ Xe”, đứng trước lá số “6”:
7- CỖ XE (Chariot): lá bài vẽ hình chàng đa tình ngồi trong xe ngựa, nói lên rằng y đã chế ngự được những lực đối nghịch trong mình, đã giải quyết được xung đột nội tâm, làm chủ được những mâu thuẫn, và trở thành kẻ chiến thắng, đương tiến lên phía trước, bằng cỗ xe. Tức là đi về phía “thụ động”, lá này mang số “3”: Nữ hoàng (Luôn tính từ trái qua phải).
3- NỮ HOÀNG (Impératrice): Tượng trưng cho trí tuệ cao vời đem lại quyền lực (cho động lực làm sống tất cả những gì đang sống) Tượng trưng các “sức mạnh tinh thần đã an bài”thế giới mà bà trị vì. Trên đầu cây vương trượng bà cầm trong tay, có trái cầu và hình chữ thập biểu tượng cho tinh thần tách rời khỏi vật chất: Một thăng hoa của linh hồn để được chuộc lại những lỗi lầm. Nhưng cũng đừng quên Nữ hoàng tượng trưng cho mọi vẻ phong phú trong nữ tính: nét lý tưởng, vẻ dịu dàng, khả năng thuyết phục, nhưng cũng tượng trưng cho tính tình thất thường, dễ biến đổi. Hành động thường do những quyết định bằng cảm xúc hơn là bằng lý trí. Nếu như lá bài này nằm ở vị trí “Tinh thần”thì ý nghĩa trên đây được thể hiện đúng cách. Nhưng vì nằm ở vị trí “Thể xác”, nó lại tượng trưng cho mọi vẻ “phong phú” về xác thịt, giàu sang, quyền quí và danh vọng. Nó xác định rõ ràng định mệnh có xu hướng phải đón nhận “Người đàn bà đứng phía bên phải” trong lá bài “Chàng Đa Tình”. Tức là người “quyến rũ”.
Ba lá bài ở hàng dưới của ba lá bài trên, cho biết tương lai mà “hiện tại” đang chuyển vận. Thứ tự từ trái sang phải là các lá số “10”, “4”, và “12”:
10- BÁNH XE VẬN MỆNH (Roue de fortune) : Bí pháp thứ mười của trò chơi là dìm chúng ta vào cõi nhân thế với những thăng trầm của nó. Nó biểu thị sự luân chuyển của số phận: May rủi, biến động, thăng hoa hay sa ngã. Thời Trung cổ, còn có bức tranh vẽ thần thiện Hermanibus, và thần ác Typhone sẵn sàng đứng bên cạnh bánh xe định mệnh, để lăm le điều khiển. “Bánh xe vận mệnh” rõ ràng trong vị trí “Chủ động”đưa cỗ xe số 7 chở chàng đa tình, do “Tinh thần” (thần thiện hoặc thần ác) điều khiển.
4- HOÀNG ĐẾ (Empereur): Biểu tượng cho: Quyền lực, sự thống trị, quyền điều khiển, sức mạnh, sự thàng công, quyền bá chủ. Tính ưu việt của trí tuệ trong trật tự thời gian và vật chất.
Đối với hoàng đế, hành động và đức hiền minh sẽ không hữu ích gì nếu không đi đôi với sức mạnh (quỉ Lucifer cũng là hoàng đế trong bóng tối, kẻ trước kia mang ánh sáng tới, thì nay đã chỉ gieo rắc bóng đen hắc ám. Nắm quyền chúa tể trong cái ác. Trong bóng đêm và sự chết. Do đó nghĩa bất lợi của “hoàng đế” là sự đối kháng dai dẳng, một định kiến thù địch, chuyên chế và độc tài. Trên bình diện tâm lý, lá bài Hoàng đế muốn khuyên “Chàng thanh niên” ở trên tự làm chủ bản thân, sắp xếp mọi cái theo ý chí về quyền lực, thích tạo ra những con người theo ý mình, và một thế giới do mình cai trị).
12- NGƯỜI BỊ TREO NGƯỢC (Le pendu) :  Người bị treo ngược ở đây là nạn nhân của một kiểu nô dịch hóa bằng ma thuật. Cái giây thừng có hai đầu hơi giống hai cánh nhỏ, thực ra không buộc quanh cổ chân của y. Như vậy làm sao giữ được thân hình y treo lơ lửng ? Vì vậy, nó sẽ nói lên ý nghĩa biểu tượng rằng: Khi tất cả mọi con người đã bị thu hút vào một nỗi đam mê, thì cả xác và hồn đều bị một ý nghĩ, hay bị một cảm xúc hành hạ, mà không ý thức được tình trạng nô lệ của mình. Chính “đam mê” đã treo ngược con người cả hồn lẫn xác. (Quỉ Satan rất rành về chuyện này, nên trong bất cứ môi trường sống nào, nó cũng cám dỗ (gợi ý) cho con người đi vào một đam mê. Có nhiều thứ đam mê mà người ta khó nhận diện, vì nó gần như là sự vận chuyển tự nhiên của cuộc sống. Chứ không như mấy thứ quá rõ rệt trong “ tứ đổ tường”. Người ta hay kết án những kẻ bài bạc, trai gái, hút sách, rượu chè. Nhưng không biết mình cũng đang bị cuốn hút vào vòng đam mê tiền bạc, của cải, vì cho rằng “đầu tư” tiền bạc vào các công việc làm ăn là mục đích chính đáng của cuộc sống, nhưng kỳ thực đó cũng là một hình thức của sự bị cuốn hút vào đam mê vật chất, và cứ phải đeo đuổi, nghiệt ngã, mệt mã cho đến khi nằm xuống. Một nhà đạo sĩ tưởng rằng mình đã khước từ tất cả, cho công cuộc tu thân, tích đức. Nhưng rồi địa vị, chức phận, quyền thế (Một người trên mọi người) … lại lôi cuốn ông vào đam mê, có khi kéo theo cả lợi lộc mà không biết. Thành ra cuối cùng nhà đạo sĩ đã thu hồi về được nhiều hơn những gì trước đó đã từ bỏ. Thì ra cái ý niệm trong con người khó từ bỏ được, và nó khiến người ta trở thành “nô lệ” một cách vô thức. Nhưng đấu tranh để được thành “nô lệ”, thì lại là một sự biến “vô thức” thành “ý thức”. Ở đây, không ai biết trước Vũ có sẽ bị “Ma thuật” nô dịch hóa hay không?
Đến đây, bỗng nhiên linh hồn người thiếu nữ bắn một tia sáng cực nhỏ vào bộ trí của Vũ, khiến mắt chàng “hoa” đi một chút, Khi định thần trở lại, mắt chàng dán chặt vào lá bài số “13”, nghĩa là không còn đi theo thứ tự, như những quân bài nằm trước mặt.  Nàng nói với anh mình:
– Bẫy Thứ Nhì: Khát vọng trên đời (8). Thường thì con người khó cưỡng lại sự cám dỗ về mặt vinh hoa, lợi lộc, phú quí. Người anh gật đầu:
– Cũng chính trong hoang địa, Chúa Giêsu còn bị Satan đưa lên cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với lợi lộc các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lậy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4, 5-8). Nhưng Quỉ đã thất bại! Anh sợ Vũ  sẽ rơi vào cái bẫy Qủi đang “dàn trận” và ra sức chinh phục, vì anh ta đang bị bỏ rơi về mọi mặt: Huyền (tình yêu chân chính) lánh mặt, Xã hội lên án, nhà trường cho nghỉ việc, tình trạng túng quẫn theo sau. Sự xấu đang áp đảo và tấn công: Xúi dục “trả thù”, và nhu cầu phục hồi danh dự (những gì đã mất). Bên cạnh lại là người đàn bà quyến rũ, đầy đủ uy lực của tiền tài và địa vị. Lá bài tương lai lại báo hiệu trước “quyền lực của ma thuật” sẽ cột chân chàng vào “đam mê” của những thứ quyến rũ này. Hiện tại là một thứ Hoang Địa rợn rùng áp đảo tâm lý, và hành hạ lương tri. Vì Vũ đã cảm nghiệm được sự “thất bại” trong nghĩa vụ mà chàng đã mệnh danh là “Kỹ Sư Tâm Hồn” của một thế hệ. Nhưng con bài “Nữ hoàng” thì thực Chưa biết Thiên Kim hay Giáng Ngọc có sức chi phối.
– Anh đừng quá lo lắng cho bạn mình! … Vũ thực ra được “Tâm linh” trợ lực! … Chàng có niềm tin yêu, và cậy trông vào Đức Mẹ. Anh ta đang đọc ý-nghĩa trên con số “13” kìa … và điều em dự đoán về một sự đột xuất tất rồi cũng sẽ đến.
– Anh cũng đang lấy làm lạ, vì đáng lý Vũ phải đọc theo thứ tự các khuôn hình trên những lá bài, mới nắm bắt được ý nghĩa của nó chứ!
– Nếu thế thì đã nằm trong sự lèo lái, và dụ dẫm của Quỉ … (Một chút im lặng, rồi đột nhiên người con gái báo động với anh mình:) Đã tới rồi kìa!
Có tiếng gõ cửa … Dường như Vũ không nghe được tiếng động. Nắm quả đấm xoay, cửa mở nhẹ … Những bước chân đi vào cũng rất nhẹ nhàng. Vũ vẫn không cử động. Chàng vẫn nhìn như thôi miên vào lá bài số “13”. Bước chân đến sau lưng Vũ thì dừng lại. Chàng vẫn không biết! Miệng lẩm nhẩm như người tụng kinh: Số mười ba, số mười ba … số mười ba. Bất chợt người mới tới nghe thấy thế, liền cúi xuống đưa tay nhặt con bài số “13” lên, làm Vũ giật mình quay lại. Chàng há miệng, ngạc nhiên. Sự kiện xẩy ra quá đột ngột, khiến trái tim chàng đập thình thịch. Nhất thời không nói gì được, lát sau, môi chàng mới mấp máy:
– Huyền … Huyền … Huyền đấy ư ? … Có phải là Huyền … thực đấy không?
Huyền ngắm nhìn chàng … thấy Vũ thiểu não quá! Tinh thần sa sút làm con người ta có thể  xuống lẹ như vậy sao ? Nàng nhìn lá bài số “13” mà không hiểu gì hết! Bấy giờ mới lên tiếng:
– Mười ba thì có  gì chứ ? … Bộ anh bị con số “mười Ba” hớp hồn hay sao ?
Nàng đang chuẩn bị xé lá bài, thì Vũ hốt hoảng la to:
– Không được xé! Đừng làm hư lá bài! … (Chàng xuống giọng): Đây là bộ bài cổ, rất quí, hồi đi Pháp, anh tìm được nó ở Marseille!
– Có gì mà quí chứ ? Vẽ cái gì em chẳng hiểu! … Cái gì là Bộ xương cầm hái, đạp chân lên đầu một người đàn bà; ở góc bên kia của lá bài có một đầu đàn ông đội vương miện; ba bàn tay từ dưới đất giơ lên, một bàn chân. Nhìn kỹ lại còn thấy hai cái đầu vẫn còn sống! Đầu người đàn bà lại còn tươi tỉnh, và rất duyên dáng nữa chứ! Đồ điên! … Chỉ người điên mới vẽ thế này!
– Em không hiểu được đâu! Ngồi xuống đây! … Anh phải cắt nghĩa em mới có thể hiểu được! Huyền lặng lẽ ngồi xuống, trong lòng vẫn còn xót xa về sự tiều tụy của Vũ. Chàng cầm lá bài còn trong tay Huyền và giảng giải như một giáo sư lên lớp:
– Tên của lá bài số “13” là: BÍ MẬT KHÔNG TÊN: THẦN CHẾT (Mort) : Cái chết rõ ràng có nhiều ý nghĩa. Nó giải thoát khỏi những khổ nhọc và lo buồn, nhưng đồng thời nó cũng mở lối vào vương quốc của thần trí, vào cuộc đời đích thực (Thế giới Tâm linh): Cái chết, cánh cửa của sự sống. Đặc biệt là: Thần chết nằm trong lá bài số 13. theo Jean Vassel biểu thị một sự chuyển hóa quan trọng, không phải là tiêu vong mà là sự biến thái của sinh linh. Cả sự giã từ mọi ảo tưởng, chán nản, hay bi quan, và cả những gì tưởng như ngược lại (10). “Chiếc đầu đàn ông bên phải đội vương miện, biểu tượng vương quyền của trí tuệ và ý chí mà cái chết không làm cho linh hồn bị mất mát chúng (Sự hiểu biết tích tụ trong cuộc sống mỗi người, sẽ đi cùng linh hồn về thế giới tâm linh, trong khi những cái khác theo xác trở về lòng đất). Các nét trên khuôn mặt đàn bà không hề mất vẻ duyên dáng nữ tính, bởi vì những niềm trìu mến không hề chết, và linh hồn vẫn yêu ở phía bên kia mộ. Những bàn tay thò ra khỏi đất cho hay rằng những gì làm lúc sống (công phúc hay tội lỗi), không phải là hoàn toàn chấm dứt! Chúng vẫn còn nguyên những ảnh hưởng đối với linh hồn sau cái chết. Còn bàn chân … thì ngụ ý rằng không gì ngừng, tất cả vẫn tiếp tục! (Chết không phải là hết)” (Wirth Oswald tác giả “Le Tarot des Imagiers du Moyen Age”- Paris 1966). (Nói tới đây, Vũ chợt giật mình, tỉnh trí, chàng lấy tay xóa đi trận chiến do những quân bài dàn ra, rồi tự nhủ): Chút xíu nữa mình bị chúng dẫn dụ rồi: Trả thù hay không trả thù, đều là những vấn đề sẽ tồn đọng và ảnh hưởng tới linh hồn trong cõi tâm linh. Nữ hoàng của danh vọng, tiền bạc, của cải, lạc thú ư ? sẽ còn lại gì trong tay “Thần chết” ? Có chăng chỉ còn là vương miện của trí tuệ, ý chí và tình cảm con người (yêu thương, hận thù, hay ganh ghét) đi theo linh hồn về bên kia thế giới … Nhưng thế nào là vương miện của trí tuệ và ý chí ? ? .
Vũ xoay qua, nhìn lại Huyền:
– Đã lâu lắm … không gặp em!
Huyền đưa tay nhặt từng lá bài … nén cơn đau co thắt tận cõi lòng, đang dồn lên ngực … mãi một lúc, nàng mới bật thành lời, bằng vào ánh mắt nghiêm nghị lẫn trách móc:
– Anh bói bài … phải không? Em thật không ngờ! Anh càng ngày càng … không giống anh ngày xưa nữa!
Nàng muốn nói thật nhiều, nhưng nghẹn lời … không sao tiếp được. Hai bờ môi run run, như những cánh hoa hồng trong cơn gió loạn. Nhưng cũng chẳng cần phải đợi cho qua cơn cảm xúc, vì chàng đã tiếp lời:
– Anh biết em đến để nhắc cho anh … hình ảnh “chiên què” đi tìm “chiên lạc”. Anh biết em giữ lời hứa “Không làm con chiên ngoan đạo … ném đá vào mình anh”. Anh biết những ngày qua, em tránh né … không muốn gặp anh, để khỏi nói với anh lời nào.  Nhưng anh cần phải nói ra những điều … khiến em khó nói: “Đó là lời thú nhận của một con người … biết mình đã gục ngã … trong vũng lầy … khó mà ngóc lên được!”. (Huyền mím chặt môi lại, cố kiềm chế một nỗi niềm cảm xúc “vỡ bờ” đang “tuông trào”. Nhưng khi ngăn lại ở nơi này, thì nó lại có sức phá vỡ sự dồn nén ở một nơi kia, làm cho những hàng mi khép chặt, không ngăn nổi  giòng nước mắt. Vũ tiếp): Em nói đúng! Anh đã không còn là anh … của ngày xưa nữa! Anh đúng là một con người đốn mạt! (Chàng ngừng lại một phút để áp đảo tâm tư, mới lại tiếp): Mới chỉ nửa giờ trước đây, cũng chính bộ bài này, anh đã tiếp một cô gái đẹp con nhà giàu. Trên chiếc nệm còn nằm kia, vẫn còn hơi hám của một cô vũ nữ mà chính anh đã ép nàng phải ngồi đánh bài với mình! … Nhưng Huyền ạ! … Đây không phải là lời thú tội để cầu xin em tha thứ! … Trong lòng anh, Em lúc nào cũng là một cô gái có tâm hồn cao thượng. Sự cao thượng ấy, làm anh cảm thấy … mình không còn xứng đáng ở  gần em, ở bên em! Chính vì biết vậy, và cũng vì lòng tôn trọng, anh không để từ miệng em phải nói ra câu “Chia tay, hay giã từ”. Anh biết từ nay, mình phải đi con đường của mình … con đường không nên ép buộc em phải đi cùng! (Vũ đứng dậy, xỏ vội chân vào đôi dép, bước nhanh ra cửa. Chàng chỉ kịp nói với lại một câu cuối cùng): Xin lỗi, anh đi trước! Khi nào về, xin khép cửa lại giùm anh.
Sự kiện xảy ra quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng của Huyền. Đến khi kíp thời phản ứng, nàng mới vội đuổi theo, nhưng chỉ ra tới cửa thì hình ảnh người yêu đang trốn chạy, đã khuất nẻo trong phố đông người của Sài gòn buổi chiều.
… Bên ngoài trời bỗng đổ mưa sau cái oi ả của một ngày “Tháng Sáu” (10). Người con gái run rẩy cố bám lấy cây cột bên hàng hiên. Không chỉ mưa ngoài trời, mưa trong mắt em, mà chính những giọt mưa trong tâm hồn, mới làm nàng buốt lạnh. Huyền cảm thấy tự dưng sức đuối dần, đôi mắt nàng hoen mờ rồi tối tăm mặt mày. Mới đầu nàng còn cố gượng, sau rồi sức chống chõi mất hẳn. Người con gái rũ xuống chân cột … và lịm ngất. Gió bỗng thổi mạnh, mưa tạt ướt hết hàng hiên … Hai linh hồn bên thế giới tâm linh đang định trao đổi với nhau về “cái bẫy thứ ba” của quỉ, thấy tình cảnh đột ngột xẩy ra như vậy, cũng phải ngưng lại. Cả hai đều cảm thấy một nỗi niềm xót xa, dâng trào, thương cho phận người … Bóng tối buông dần. Xa xa, từ song cửa sổ nhà ai, tiếng hát Khánh Ly thoang thoảng trong tiếng mưa rơi “Vì tôi là Linh Mục … chưa rửa tội bao giờ, nên âm thầm qua đời, tội ác còn trong tôi (11) ” ./.

GHI-CHÚ:
*  “Mê Cung Huyền Bí” là một đề tài có sự liên hệ hay tiếp nối với một loạt bài như  đã  ghi ở trên (từ 24-28)
(1). Đây chỉ là niềm “trăn trở” cá nhân của một  Linh mục trong sự Tự Do của tâm hồn. Cốt truyện không hoàn toàn là hư-cấu. Có “giả, cũng có “chân”.
(2). Bộ bài Tarot gồm 78 lá (Cũng cần chú ý tới con số 78, tổng của toàn bộ xấp bài Tarot, cũng là tổng số của 12 số đầu đem cộng lại (1+2+3+4+5+6+7+8+9+10+11+12=78). Theo những nhà nghiên cứu về Huyền bí học, con số 12 cũng là một con số Huyền bí (như 12 Tông đồ của Chúa, 12 ngôi sao kết thành Triều thiên Đ. Mẹ, 12 tháng một năm, 12 lá số tử vi chiêm tinh Đông cũng như Tây …): 22 lá bài Trưởng, và 56 lá phụ chia làm 4 nhóm (Rô, Cơ, Bích, Chuần). Mỗi nhóm nguyên thủy có 14 quân: Vua (K); Hoàng hậu (Q); Kỵ mã (-) lá này ngày nay đã biến mất (nên 56 chỉ còn 52); Đầy tớ hay Bồi (J); và 10 con bài, chỉ số từ Ach đến mười. Nó mang ý nghĩa biểu tượng tư tưởng triết lý của các Hiền Nhân – có thể là Ai-cập, có thể là Hermès, hay những trí tuệ của lớp người Bohémiens, nhiều giả thuyết cho là cha đẻ của học thuyết Kabbale (đã bày ra trò chơi trí thức này, một trường phái tư tưởng của Do-Thái thời cổ đại). Người ta chú ý tới 22 lá bài chính là số lượng những “Chữ Cái Do Thái” cổ, tượng trưng cho tổng thể hoàn vũ. Riêng 4 nhóm phụ này, tượng trưng cho 4 nguyên tố hay 4 thành phần cơ bản của cuộc  sống: “Rô” là Lửa hành động, nguyên tố xuất phát của mọi diễn tiến, là sự thống trị của đàn ông, quyền lực của người cha. “Cơ” là Nước tạo màu mỡ, là nguyên lý của sự nối liền tạo vật với thần thánh. Biểu tượng của đời sống tâm lý, là tính thụ cảm của Nữ giới, là tượng trưng cho Nguyên lý Mẹ. “Bích” là Khí làm nên tinh thần, nguyên lý phức tạp nơi con người. Là sự hội hợp của nhị nguyên: Âm dương; nam nữ; trống mái. Cũng là biểu tượng tính “xuyên suốt” của Trời hay Thượng đế. Jung (nhà tâm lý học nổi tiếng) gọi nó (những con bài Bich) là tượng trưng cho sự nối kết giữa “tính sáng suốt của trí tuệ” với “sự chết”. “Chuần” là Đất  biểu tượng cho sự thụ pháp (tu thân), xưa sự tu trì diễn ra trong hang động, hoặc ít ra cũng trong những bức tường kín. Mặt khác, nó cũng tượng trưng cho sự quy hợp 3 thế giới: Ý chí, vật chất, tinh thần (Triết lý tam phân trở về đơn nhất, Tam vị nhất thể, hay tam nhất).
(3). 22 lá bài chính (danh từ nhà nghề gọi là những lá bài Trưởng) hình ảnh khác nhau, màu sắc rực rỡ, gồm: I. Người làm xiếc, II. Nữ Giáo Chủ, III. Nữ Hoàng, IV. Hoàng đế, V. Giáo Chủ, VI. Chàng Đa tình, VII. Cỗ xe, VIII. Công lý, IX. Hiền nhân, X. Bánh xe vận mệnh, XI. Sức mạnh, XII. Người bị Treo ngược, XIII. Bí mật không Tên (còn gọi là Tử thần), XIV. Tiết độ, XV. Quỉ dữ, XVI. Nhà Trời, XVII. Ngôi sao, XVIII. Mặt Trăng, XIX. Mặt trời, XX. Ngày phán xét, XXI. Thế Giới, và Một lá bài không số (có thể coi là 0 hay 22), danh từ nhà nghề gọi là “Lá bài Mờ”.
(4). Người Hấp Hối cũng vậy: Trong lúc Quỉ đưa ra tất cả mọi hình ảnh cám dỗ, lôi cuốn người “sắp chết” theo nó, thì Thần, Thánh tuy cũng có mặt chung quanh họ, nhưng chỉ ở thế “Đợi chờ” quyết định hay chọn lựa cuối cùng của người Hấp hối. Nhưng người “sống” có thể yểm trợ hay giúp đỡ cho “người sắp chết” ở trận chiến cuối cùng này của họ, bằng cách “đọc Kinh”, đọc những bài “Suy niệm” giúp kẻ liệt, hoặc sự khuyên bảo của Linh mục, và các Bí tích sau hết cho họ, với hy vọng Linh hồn họ chấp nhận (nếu người này về phương diện thể lý đã mê man, bất tỉnh). Sự đọc kinh và cầu nguyện rất cần thiết, nhất là kẻ hấp hối còn đủ tỉnh để đọc theo, hay thông công bằng tri giác, vì có mãnh lực xua đuổi thần ác xa khỏi mình. Độc giả nào không tin cũng chả sao, khi nào gần chết sẽ biết. Theo truyền thuyết Tâm linh, khi linh hồn người chết chọn Chúa, Thần Thánh sẽ đón linh hồn họ đi.
(5). (3×7) là con số thể hiện sự hoàn thiện con người và vũ trụ: 3 đã là con số hoàn chỉnh giữa Người, Trời và Đất (Tam tài); Một Thiên Chúa ba ngôi (Tam nhất); Tam Bảo trong đạo Phật (Phật, Pháp, Tăng); Ba độ của thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai); Ba thành phần của thế giới (đất, khí, trời); Ba Thần linh tối thượng của đạo Hindu (Brahma, Vishnu, Civa); Ba anh em Chủ thể vũ trụ trong thần thoại Hylạp: Zeus (Trời và Đất), Poséidon (Biển), Hadès (Âm phủ); Tôn chỉ của tôn giáo Ba-Tư cổ đại (Nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt) v.v… 7 là con số của sự hoàn thành; là tượng trưng cho tổng thể không gian và thời gian. Chúa dựng thế giới 6 ngày và ngày thứ Bảy nghỉ ngơi và thánh hóa nó: Sabbat không thực sự là nghỉ ngơi ở bên ngoài sự sáng tạo, mà là hoàn thành công việc sáng tạo, kết thúc nó trong hoàn thiện. Đó là ý niệm của Tuần lễ; Bảy hệ thứ bậc các Thiên thần; Bảy đầu con rắn đền Angkor; Bảy Hespérides; Bảy cửa thành Thèbes; Bảy con trai và bảy con gái của Niobé; Bảy giây đàn Lia; Bảy khướu của đầu (2 con mắt, 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai, 1 miệng); Bảy màu của cầu vồng; Bảy nốt nhạc của gam; Bộ Bảy trong đời sống tinh thần: Ba nhân đức đối thần (Tin, cậy, mến) + Bốn Đức tính căn bản (Thận trọng, tiết độ, công bằng, can đảm); Bảy ngôi sao của chòm Đại hùng Tinh; Bảy ý nghĩa bí hiểm của kinh Coran; Bảy Luân-xa (Huyệt đạo) quan trọng trong con người; Chìa khóa của sách Khải huyền: 7 Hội thánh, 7 Ngôi sao, 7 Thiên thần, 7 Dấu ấn, 7 kèn trompet, 7 tiếng sấm, 7 đầu, 7 tai họa, 7 cốc, 7 vua .v.v…
(6). Lý thuyết “Âm dương, Ngũ hành” có từ trước đời nhàTần. Tác giả nguyên thủy là Trâu Diễn, sinh khoảng giữa thế kỷ thứ Ba trước Thiên Chúa Giáng Sinh. Đến đời Hán, Đổng Trọng Thư một triết gia nổi danh, đã khai triển học thuyết này cách sâu rộng, nó cắt nghĩa toàn bộ sự sinh tồn, biến hóa của cả vũ trụ lẫn Nhân sinh, và chú thích “Kinh Dịch” một cách phong phú. Thời đó các tư tưởng gia áp dụng lý thuyết này vào công cuộc “Trị quốc, Bình thiên hạ”. Nhiều vị trở thành Quân sư cho vua, chúa. Phân tích và đoán giải các sự việc trước sau, hình thành phái “Tượng số”. Phái học “Tượng số” đến đời Tống, thì được một vị đạo sĩ tên là Trần Đoàn, hiệu là Hi-di. Tiên sinh nghiên cứu tỉ mỉ, lập ra khoa “Tử vi đẩu số”.
(7). Trong thần thoại Hylạp, một giả thuyết cho rằng Thần Eros là con trai của nữ thần Aphrodite (Thần tình yêu), nên Eros thừa hưởng sự nghiệp “thần ái tình” của mẹ mình. Dáng dấp bề ngoài của thần Eros được mô tả là rất dịu dàng, với đôi cánh (Do đó có đôi khi người ta vẽ một trái tim nằm giữa hai cánh, để biểu tượng cho Tình yêu), trẻ trung, xinh đẹp, và đặc biệt vai mang cung tên (nên thường khi người ta cũng vẽ một trái tim có mũi tên xuyên qua, với những ý nghĩa đôi khi mâu thuẫn như: Con tim rướm máu, để chỉ sự “đau khổ vì tình”hoặc ngược lại là “kẻ đi chinh phục tình yêu” v.v…), rồi người ta bắt đầu kể nhiều về các “Trò Chơi” khăm của vị thần này. Trong Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” của Đ. Th. Cha Bênêđictô XVI, cũng đã từng giải thích chữ Eros (tình ái) trong tiếng Hylạp cổ.
(8). Xin nhắc bạn đọc: BẫythứNhất “Nhucầu Bảnnăng” trong đề tài “Trò chơi Của Qủi”
(9). Tập san “Nghiên cứu Truyền Thuyết”, số 278, tháng 9 năm 1949.
(10). Trong bản nhạc “Tháng Sáu trời mưa” Nhạc của Hoàng Thanh Tâm, Thơ Nguyên Sa.
(11). Thường thì văn chương, nghệ thuật không ít thì nhiều, cũng phản ảnh phần nào bộ mặt đời sống xã hội, nhưng trong trường hợp này “Nhân vật tự xưng” trong nhạc phẩm “Vì tôi là Linh mục” của nhạc sĩ Nguyễn đức Quang (Chỉ nghe thoáng qua cũng biết) “không phải là Linh mục”. Linh mục thực, dù có yếu đuối, cũng đã có một lần là Linh mục. Trong bài hát này, nhân vật tự xưng, chưa một lần được là Linh mục (chưa rửa tội bao giờ). Nhà sáng tác dĩ nhiên không cần phải là chính “nhân vật” đẻ ra, nhưng cũng cần phải nghiên cứu “tính xác thực” của nó, để ít nhất “cái này” không phải là “cái kia”, hoặc mang tiếng là “cố ý bôi lọ, hay xuyên tạc”. Uly cũng cần khẳng định rằng: Vào thời kỳ bản nhạc này ra đời, tại Miền Nam VN chưa có loại “Linh mục quốc doanh”.

Tg. Uyên Ly