nhưng Uyênly xin gởi đến độc giả
như một “Lời Tựa” giới thiệu chủ đề “Mẹ”
cho “Tâm Linh & Đời sống II”.
Cuốn sách mang tên “GÕ CỬA TÂM HỒN”.
Hãy kể cho anh nghe về Mẹ, như một lần em hứa. Huyền có còn nhớ hôm chúng mình đi hành hương Thánh địa La Vang không ? Hôm ấy dưới chân tượng Đức Mẹ, em có đùa anh:
– Vũ! Đừng có sắp sửa bảo “Lậy Chúa, con là người ngoại đạo” đâu đấy! Rồi anh trả lời:
– Ngoại đạo thì không! Nhưng khô đạo thì có. Đó là câu trả lời thành thật nhất của anh. Thế mà trên đường về em cứ nhất định ép anh tranh luận về chuyện đó:
– Anh tưởng nhận mình khô đạo thì đỡ hơn sao ?
– Tất nhiên! Dù sao cũng ở cái “li-vồ” cao hơn những người chưa rửa tội! … Không biết ít hay nhiều, nhưng thế nào cũng có hơn!
Hôm ấy, em cười và kể cho anh nghe một câu chuyện:
Có một anh chàng người Ấn , tổ tiên đã bao đời sùng đạo (Ấn giáo). Anh ta từng hãnh diện, về sự uyên bác, hiểu hết các bài Thánh ca trong Kinh Vệ Đà(1), thông biết hết mọi lý lẽ trên đời, nhưng vẫn không “biểu diễn” (làm) được pháp thuật. Anh ta đã lê gót khắp bảy thành Thánh, hành hương trên suốt Thất Linh Giang(2) (bảy con sông thiêng), để tìm kiếm xem còn có ai được người đời ca tụng là siêu nhân đạo cốt. Cuối cùng chàng cũng tìm được một vị Đạo-sư còn sót lại trong phái Thần sư Gandharva (phái được gọi là Thần Trời). Nghe nói vị này làm ra được Soma(3) (hoan thần dược), giúp con người đạt được sự “xuất thần”.
Đêm ấy, trên đỉnh núi kia, vị đạo sĩ chắp đôi tay, nhắm mắt nghe người hành hương, cũng là nhà trí thức trẻ tuổi kể hết những gì mình đã học, đã biết. Chàng lại giảng giải Vệ Đà cách thao thao bất tuyệt. Cho đến khi anh ta cắt nghĩa xong “Thần Khải” Upanishad(4), thì rạng đông cũng vừa xuất hiện bên sườn núi.
Vị đạo sĩ đứng dậy, khom lưng chui vào lều , bưng ra một bình nước với ly nước đầy. Ông đặt trên phiến đá làm bàn, rồi lại chắp tay nhắm mắt tịnh thiền như trước. Chờ một lát, không thấy vị đạo sĩ nói gì, người thanh niên mới lên tiếng: “Những điều hiểu biết, con đã trình bày với thầy suốt đêm qua. Với trình độ như thế, liệu con xứng đáng làm môn đệ của thầy được chưa?”. Vị đạo sĩ không nói, ông chỉ cầm bình nước lên, đổ vào cái ly nước trước mặt nhà trí thức trẻ. Nước tràn lênh láng ra mặt bàn đá, mà đạo sĩ vẫn không ngừng rót, cho đến khi nước trong bình cạn. Bấy giờ ông mới bảo người thanh niên: “Anh thấy rồi đó! Ta không thể làm được gì cho anh đâu! Ngay cả bình nước của ta cũng đã cạn. Trời sáng rồi! Anh hãy xuống núi cho kịp! Nói xong, ông đứng dậy, vào lều khép cửa … Chàng thanh niên chần chừ một chút, ngẫm nghĩ: Lão đạo sĩ dị hợm này, suốt đêm chỉ biết ngồi nghe, chắc cũng chẳng có gì cao siêu hơn! Có khi chỉ là lời đồn đãi! Nghĩ vậy rồi, chàng đứng dậy, lần đường xuống núi … Kể xong, Huyền ngưng lại một chút để người nghe lắng đọng cho ý nhập vô tâm, mới lại tiếp:
– Anh ạ, không ít người có đạo nghĩ mình đã có một quá trình theo đạo, sống với cộng đoàn (trong họ đạo) từ nhỏ đến lớn, hiểu biết về đạo, tưởng đã quá đủ. Thậm chí đi lễ chỉ là để giữ luật thôi, chứ nghe giảng cũng chẳng cần phải nhập tâm! Cadao Việt Nam bảo họ là những người “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Những người này cũng ví như một ly nước đầy. Khi ly nước đã đầy, thì rót thêm bao nhiêu, nước cũng tràn ly. Nhưng người ngoại đạo lại khác, chỉ cần một lúc nào đó, họ “ngộ” được đạo” rồi. Nói cho thơ mộng một chút là khi tâm hồn người ta cảm nhận và thốt ra được: “Lậy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao”, thì dù đang là một chiếc ly rỗng không nước. Tâm hồn người ta sẽ có thể lãnh nhận được ngay cả thứ nước “hằng sống”, mà Chúa hứa ban cho người phụ nữ thành Samari (Ga 4, 7-26) (Nơi được coi là dân ngoại). Huyền nhìn anh mỉm cười một cách hóm hỉnh, nàng lại tiếp:
– Ơn Chúa đổ xuống cho con người cũng giống như vậy đó! Có người lãnh nhận được, có kẻ không! Bây giờ thì anh có muốn nhận mình là người khô đạo nữa hay thôi ? … Nhưng khô đạo là gì … anh hả ? Vũ nhún vai, cười:
– Cũng khó mà cắt nghĩa! Vì nó giống như hai chữ “đạo đức”, làm sao cụ thể hóa tâm linh để mà vẽ được lằn mức xác định: rằng hễ bước thêm một bước nữa là thành nhà đạo đức, hay lùi lại một bước thôi, thì lại thành trẻ thơ bên giáo dường rồi ? Thêm hay bớt đi một nhà thờ, hay một kinh … là cộng vào hay trừ đi cái gì, hoặc bao nhiêu … thuộc về Tâm Linh ? Trong xã hội, chúng ta đã từng nghe có những nhà Tâm lý học, những Học giả, Khoa học gia v.v … Nhưng anh chưa nhìn thấy tấm danh thiếp nào, của ai đề là “Đạo đức Gia” cả! Mặc dù có các môn Thần học, Đạo đức học (một bộ môn thuộc Triết). Chàng cũng ngưng một chút, rồi mới lại tiếp:
– Chuyện anh nói với em, mình khô đạo chỉ là mượn chữ, để nói lên một tâm trạng chính mình cũng chưa biết mìnhra sao nữa! Em có nghe Trang Tử(5) hỏi mình “Tôi là Bướm, hay Bướm là Tôi”(6) ?
– Anh nói cũng trúng! Nhưng nếu ta mượn Lời Chúa là ánh sáng để soi rọi vào chỗ tối, thì cũng không hẳn là không nhìn thấy vấn đề. Đây nhé! Trong Tin Mừng, chữ “KHÔ” có liên quan tới sự kiện cây vả. Em xin kể lại câu chuyện … khi Thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giêsu cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có cây vả xanh lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi. Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” Các môn đệ đã nghe Người nói thế (Mc 11, 12-14)…
… Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. Ông Phêrô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: “Kìa Thầy xem: Cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!” (Mc 11, 20-21).
Anh nhận xét thế nào về chuyện cây vả khô héo ?
– Cây vả này trải qua bốn giai đoạn em ạ ! Trước hết là nó vốn xanh tươi (tốt lá), nhưng vì nó không đáp ứng nhu cầu Thiên Chúa – vì đã không sinh hoa trái – nên nó bị “nguyền rủa” – Cuối cùng nó bị khô héo. Cây vả là một loại cây cổ thụ, không dễ chết, nó được biểu tượng cho sự dồi dào sinh lực. Ở đây Đức Giêsu muốn ví nó như “Nhà thờ” Do Thái, xét về thời gian thì cũng y như một cây cổ thụ. Cành lá xum xuê, tươi tốt. Chỉ vì đã không chấp nhận Chúa Cứu Thế của một “Giao ước mới”. Đó là hiện tượng “không sinh trái”, và bị Chúa nguyền rủa là vì thế! Nhưng bài học của Chúa không bao giờ chỉ giới hạn trong một thời điểm của lịch sử. Nó luôn luôn phản ánh trong kiến thức của mọi thời, và đem lại giá trị ngàn vàng cho hậu lai … em nghĩ có đúng không ?
Huyền đưa mắt liếc ngang Vũ một cái, rồi mỉm cười:
– Em đang muốn hỏi xem anh nghĩ thế nào, về hai chữ Khô đạo mà anh dùng … đó!
– Thì anh đã nói rồi !
– Anh đừng có giả vờ triết lý với em! Anh tưởng anh mượn câu nói “Tôi là Bướm hay Bướm là Tôi” của Trang Tử là có thể đánh bùn sang ao được … sao ?
– Em đừng có nghĩ xấu cho người ta. Làm sao anh có thể qua mặt em được chứ ! Chẳng có triết lý gì cả! … Anh chỉ diễn tả xác thực lòng mình … có sao thì nói vậy thôi, chứ chẳng biết “đánh bùn sang ao” là gì hết!
– Đồng ý là anh thành thật! Nhưng lối lập luận của anh là cái cách “lửng lơ con cá vàng”. Thôi được! Vậy cái gì gọi là giá trị ngàn vàng cho hậu lai ?
– Anh nghĩ cách đơn giản, Lời Chúa bất cứ chỗ nào trong Kinh Thánh cũng mang một “giá trị” tuyệt đối … phải vậy không ?
– Bực với anh ghê vậy đó … Anh lại nói lảng rồi! Thôi được, em hỏi anh: Anh nhận mình “khô đạo” nghĩa là “đạo” trong lòng anh đã chết rồi có phải không ? Tựa hồ như “Cây Vả Khô héo” đó!
– Không! … vẫn còn đó!
– Phải! Cây vả chết khô, nếu người ta không đốn đi, quăng vào lửa … thì nó vẫn còn đó mà!
– Thì cũng … đúng! Nhưng, em có thấy con người khác với cây không ? … Cây chết, nhựa sống không còn! Người khô đạo, nhưng đức tin của họ còn chứ! Đâu phải anh không tin Chúa!
– Em đồng ý với anh rằng: “Con người khác với cây”, nhưng theo em thì khác ở chỗ: Nhiều khi mình đã chết rồi, mà vẫn không biết mình chết. Trong Kinh Thánh có kể một lần kia, “Một môn đệ thưa với Người: Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã. Đức Giêsu bảo: Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” (Mt 8, 21-22). Xưa thành ngữ VN cũng có câu: “Người chết cãi người khiêng”. Bây giờ nghiệm ra mới thấy đúng: Thì ra kẻ chết với người khiêng đều ở trong tình huống như nhau cả! Ông bà mình hay thiệt! … Người ta vẫn tin có Chúa, mà người ta vẫn cứ làm điều gian ác, lòng vẫn cứ muốn làm chuyện tà dâm. Trí vẫn cứ muốn hại người, đoạt của. Thánh Phao Lô bảo: Người sống đức tin thì lãnh nhận Thần Khí, trong khi tính xác thịt thì chống lại Thần khí, nó gây ra: Dâm bôn, ô-uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy (Galat 5, 16-24). Chắc anh không phủ nhận việc Đức Kitô lấy cái chết của mình, để chuộc lại cái chết của nhân loại? Nhưng trong nhân loại có biết bao người không biết mình đã chết … Em xin tóm tắt bằng câu trong thư của Thánh Giacôbê gởi mười hai chi tộc sống tản mát khắp nơi: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức Tin mà không có hành động thì quả là đức tin chết” (Giacôbê 2, 26). Vậy kẻ không có đức tin, hay đức tin trong kẻ ấy đã chết, thì có khác nào như một thân xác tuy còn sống nhưng đã bị Đức Kitô bảo là kẻ đã chết … rồi đó ư ?
Còn nữa, trong Tin Mừng, Chúa từng lấy người Ngoại đạo làm gương cho những người mệnh danh là “Dân Chúa”, tức có đạo, chẳng hạn như: Viên đại đội trưởng (người ngoại quốc) tự nhận mình không xứng đáng được rước Chúa vào nhà, và tin rằng Chúa chỉ nói một lời, thì đầy tớ ông sẽ khỏi bệnh. Ông được Chúa khen: “Ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7,1-10). Dụ ngôn người Samari tốt lành (dân ngoại) săn sóc cho người bị cướp đánh (Lc 10, 29-37); Mười người phong cùi được chữa, chỉ duy nhất có người cùi Samari biết trở lại cám ơn Chúa (Lc 17, 11-19); và trong cuộc Tử nạn của Chúa, duy nhất chỉ có ông Xi-mong cũng người dân ngoại vác Thánh giá đỡ Đức Giêsu … Cho nên, coi chừng khi mình cảm nhận được mình khô đạo thì đức tin của mình không chừng … đã chết rồi … đó anh à! Và khi đó, có lẽ còn thua người ngoại giáonữa đấy, chứ anh đừng tưởng là đã có cái “li-vồ” hơn họ! Nhưng có điểm này: Cái mà con người tuyệt đối không làm được, thì Thiên Chúa lại làm được, vì Ngài là Đấng “Tuyệt đối”. Vị đạo sĩ Gandharva kia không thể cho thêm một giọt nước vào cái ly đã đầy, chứ Thiên Chúa thì lại khác! Vì Ngài có thể làm cho kẻ chết sống lại được …
Em yêu quí,
Đó chỉ là chuyện cũ nhắc lại. Anh muốn chứng minh điều mình đã viết ở đầu lá thư là do tấm lòng thành thật, nếu không em lại cho là anh khách sáo, hay lại nghĩ là anh sắp sửa châm biếm, mà đem lòng hờn giận! Thật sự nếu anh có thú nhận thích nghe em kể chuyện về Đức Mẹ, cũng chỉ là điều dễ hiểu thôi. Hồi đó (cũng lại chuyện cũ), có lần anh nói với em:
– Vì mẹ mất sớm, nên anh luôn khao khát một tấm lòng mẹ hiền được biểu lộ qua một khuôn mặt từ ái, với giọng nói dịu dàng, và vòng tay âu yếm, trìu mến. Anh cũng cảm thấy như mình cần có một người chị để được săn sóc, một đứa em gái cho mình có cơ hội thể hiện cái tâm, thích bao bọc, chiều chuộng ai đó, và yêu thích sự bé bỏng.
Nhưng anh nhớ hôm ấy, em cũng lại chế diễu anh:
– Bộ “ba” như thế thì chưa đủ đâu! Để em giới thiệu cho anh bộ “Tứ sắc”. Sắc đây không phải là màu, không phải bộ bài bốn màu, Sắc đây là nhan sắc, tức bốn người đàn bà.
Đàn ông, con trai ai cũng muốn có một bộ “tứ sắc” trong nhà gồm: bà mẹ, chị, em gái, và thêm một đứa “con gái nhỏ” nữa – Mẹ để nấu ăn cho ngon – Chị để giặt giũ, quét dọn nhà cửa, thoả mãn tật làm biếng của mấy ông – Em để sai vặt (em gái chứ em trai thì chưa chắc) – và cũng cần có đứa con gái, để khi đời dằn vặt về nhà có chỗ xả hơi, rầy la, quát mắng – Con gái khi còn nhỏ thì dễ lắm! Dẫu có bị mắng oan, nó cũng chỉ chảy nước mắt thôi! Nhưng đời đâu có dễ kiếm được bộ tứ “tuyệt” như thế! Vì vậy, có nhiều người con gái đi lấy chồng, bỗng nhiên có một ngày thấy mình đã trở thành cỗ bài “tứ sắc” trong tay người “đàn ông”, suốt ngày đêm … không phải, suốt cuộc đời, một mình đóng đủ bốn vai trò!!… Sau này, chắc anh cũng muốn có một bộ tứ sắc như vậy chứ ?
Em yêu, Chẳng phải ngẫu nhiên mà anh nhắc lại chuyện cũ, ngay cả “bộ Tứ sắc” của em cũng vậy, tuy hơi có vẻ châm biếm đàn ông, con trai (trong đó có anh). Nhưng cũng vẫn nói lên “Cái Gì” rất cơ bản, rất thiết yếu, rất sống động trong cuộc sống. “Cái gì” ấy, những nhà tư tưởng, những triết gia gọi là “Nguyên lý mẹ”. Cho dù Adam có trước, Eva có sau, triết học nhất định chỉ có “Nguyên lý mẹ”, dứt khoát không có danh từ “Nguyên lý cha”! Vắng Nguyên lý mẹ triết học sẽ èo uột. Thiên Chúa đã nhìn ngắm Adam sống một mình, rồi mới phán: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2, 18), rồi Ngài đã làm ra “đàn bà”. Con người Chúa nói là “đàn ông” Adam. Cho nên về phương diện thần học, “đàn bà” cũng vẫn thật là quan trọng! Anh không sợ nói một cách quá đáng: Nền văn hóa nào thiếu bóng đàn bà, sẽ chỉ là văn hóa rừng rú, văn hóa du mục, “Mạnh được yếu thua”. Học thuyết nào không có Nguyên lý Mẹ, chỉ là học thuyết của bạo tàn, của đấu tranh, của máu lửa, của gươm đao, của chết chóc, của hận thù và sẽ không thể tồn tại. Dân tộc Việt Nam may mắn tồn tại được qua bao vết giầy xâm lược, là nhờ trong “Văn Hóa Tiên Rồng” có truyền thuyết “Trăm con Một Mẹ”. Đó là nguyên lý Mẹ trong triết Việt. Cho dù có “Bố Rồng” đứng cạnh “Mẹ Tiên”, Mẹ vẫn trổi vượt. Cho dù Bố được chia phần “năm mươi” như Mẹ(7), được bình đẳng với mẹ, Mẹ vẫn trổi vượt! Vì Mẹ là hình ảnh của “Nữ-Oa” – Đội Đá Vá Trời – Vì Mẹ trổi vượt, nên Quê Mẹ bao gồm: “Đất Mẹ”, “Sông Mẹ”, “Núi Mẹ”, tất cả gọi chung là “Mẹ Việt Nam”, chứ không ai gọi “Bố Việt Nam”. Đó là nét độc đáo nhất của nền văn hóa Việt, mà không nền văn hóa nào có được! Và cũng vì văn hóa Việt là văn hóa yêu thương, nên dẫu mất tên(8) Bố không buồn, vì Mẹ Yêu Bố. Yêu đến ngàn năm bồng con đứng đợi thân Mẹ đã hóa đá (Tích Hòn Vọng Phu). Chúa cũng đã phán: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình” (Mt 19,5). Lìa cha mẹ còn được huống hồ mất tên.
Em yêu quí,
Nhiều dân tộc không có may mắn có một nền văn hóa như văn hóa Việt của Cha ông ta thủa trước, là có nguyên lý “thân thương tột cùng” (Trăm con một mẹ), nguyên lý “Bình đẳng tương liên” (bố năm mươi, mẹ năm mươi, khi cần thì gọi nhau). Thời đại càng ngày càng phân chia quyền lực (TQ đang tự cho mình cái quyền lực “làm cá kình” ở Biển đông ). Vì hoặc là nhân loại đang xây dựng xã hội trên những học thuyết bạo tàn (không có nguyên lý mẹ), hoặc họ cố tình gạt “yếu tố” mẹ ra khỏi các triết thuyết (ngay như VN, hiện cũng đang áp dụng lý thuyết Mác-Lê, chứ không phải Tiên rồng). Vì thế, để cứu vãn nhân loại, và cũng vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã cho Mẹ Maria trở lại với con cái loài người bằng “Thân Xác đã về Trời”, nên Mẹ vẫn thường xuyên hiện ra khắp nơi trên địa cầu, để dạy dỗ, nhắc nhở con cái Mẹ, bằng những “Thông điệp Từ Trời”. Chính Thiên Chúa đang làm sống lại “nguyên lý Mẹ” trên thế gian, bằng vai trò của Đức Maria, Mẹ của các dân tộc, Mẹ của toàn thể nhân loại. Tức phải đặt lại nguyên lý của Yêu Thương trên tất cả mọi học thuyết, của mọi nền văn hóa. Văn hóa phải có trái tim, tức văn hóa của sự sống, chứ không phải văn hóa của sự chết. Tiếc thay dân tộc của chúng ta hôm nay đang sống trong văn hóa độc hại của sự chết! Vô cảm trước những đau khổ của đồng bào, của nhân loại.
Để kết thúc lá thư, anh mong em sẽ kể nhiều về Mẹ, mặc dù người ta viết về Đức Mẹ đã nhiều không biết bao nhiêu mà kể, nhưng những đứa con của chúng ta sau này, anh thích chúng đọc những lá thư do chính tay mẹ chúng viết, hoặc được nghe chính mẹ chúng nó kể chuyện Đức Mẹ mỗi tối trước khi đi ngủ. Đã đến lúc những “Cây Vả Khô Héo” trên trái đất, cần phải được làm sống lại bằng “Sông Mẹ”, “Suối Mẹ”, và ngay cả bằng “Nước Mắt Mẹ” như đã có lần em nói với anh: “Cái mà con người tuyệt đối không làm được, thì đối với Thiên Chúa lúc nào cũng vẫn được!
Lạy Mẹ Maria,
Hơn 20 thế kỷ đã qua, cũng như dân tộc Do Thái, dân tộc VN chịu bao ách thống trị của những kẻ xâm lược. Mất nước rồi lấy lại. Lấy lại rồi cũng lại mất, rồi cũng lưu vong, cũng tản mát khắp nơi trên địa cầu. Cũng có những người VN lưu vong tại chỗ như người Do Thái xưa, là sống ngay trên mảnh đất của mình, nhưng lại mang thân phận những con thú lạc loài. Khi kẻ xâm lược không đồng hóa được, thì chỉ còn cách là phải tiêu diệt giống dân mà họ xem là bất thuần. Dân tộc VN hôm nay bị lùa vào kế hoạch diệt chủng lần lừa trong lò thuốc độc của cả nước … đang mất dần sinh lực, tương tựa như nạn diệt chủng Holocaust của Đức Quốc Xã áp đặt lên người Do Thái hồi Đệ Nhị Thế chiến. Nhìn lại định mệnh của một dân tộc, chúng con cũng nghiệm ra rằng:Một dân tộc mất bình yên là do hậu quả của một sự bội phản, bất trung, thất tín, rồi gian dối, lừa lọc. Tất cả những thứ đó đưa đến nạn chia rẽ, mất đoàn kết, không còn ai tin tưởng vào ai. Đó mới chính là nguy cơ của một dân tộc sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới, như Chúa đã nói “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia”(Lc 11,17), chứ không phải thế lực nào đó có thể làm cho nước này mất, quốc gia kia tồn tại.
Lậy Mẹ,
Là Mẹ các dân tộc, cũng là Mẹ Việt Nam của chúng con. Lẽ nào chúng con lại không níu tay Mẹ mà thưa với Mẹ như ông Môi-se xưa từng năn nỉ Chúa: “Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ, và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài” (Xh 32, 12). Lạy Mẹ La-vang, trên tay Mẹ bồng Vua Thơ Bé – Đấng có thể giải phóng cho dân tộc đang làm nô lệ được tự do khỏi tội lỗi, thoát khỏi sự gian dối mà đứng về phía sự thật (Ga 8,34-36) – Ngày ấy “loài bạo chúa sẽ không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ” (Is 29,20). Ngày ấy phát xuất từ cung lòng Mẹ – Cung ấm êm ấp ủ Vua nhân ái – một giòng sông xanh, một suối nước ngọt sẽ trào ra, tưới đẫm trên mảnh đất khô cằn trên quê hương chúng con, gột sạch độc tố, làm thoáng mát môi trường: “Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; Sông này chảy tới đâu, thì ở đó có sự sống”(Ed 47,9). Vì trên tay Mẹ ãm Chúa Phục Sinh, xin cho dân tộc Việt Nam con được sống lại một thời Thanh Bình xưa đã mất, và được phục hồi lại một dân tộc Nhân bản, mọi người sống trong yêu thương và hiền hòa.
Mẹ Việt Nam ơi! chiều nay trên quê hương chúng con mây giăng, phủ kín đầy trời, những tia chớp báo hiệu một đêm giông tố, bão bùng rất là kinh khủng … nhưng chúng con vững tin vào Mẹ Yêu và thế nào rồi … ngày mai trời cũng sẽ lại sáng. Chúng con Yêu Mẹ!
GHI-CHÚ: (1). Kinh Vệ-Đà: Cuốn Kinh thánh của đạo Hindu. Nói về truyền khẩu thì đã có từ rất lâu, nói về văn bản thì xuất hiện khoảng 1400 tr. T.C. (B.C). Kinh Vệ-Đà gồm 4 quyển: Reg Veda, Sama Veda, Yajur Veda, và Atharva Veda. Mỗi quyển lại chia làm 4 phần: Sambitas (Thánh ca), Brahmanas (Nghi thức), Aranyaka (Ca tụng Thiên nhiên), và Upanishad (Thần khải).
(2). Ấn Độ có 7 thành thánh là: Beraras, Agodha, Mathura, Hardvar, Kanci, Ujjain, Dvaraka. Và 7 giòng sông thiêng là: Ganga (sông Hằng), Sindhu (Indus), Saravati, Yamuna (Juma), Narmada, Gedavari, Kaveri. Ấn giáo (Hindu) là tôn giáo gốc, chính, chiếm đa số, và lâu đời nhất, được phối hợp bởi 2 nền văn minh: Châu thổ sông Indus (Sindhu – 2500-1500 B.C) & văn hóa của giống dân Aryan (1500 B.C. từ Đông-Nam Châu Âu đến, họ là giống dân thông minh, da trắng. Adolf Hitler từng nhận mình thuộc giống dân này).
(3). Soma (Hoan thần dược): Một thứ rượu Tiên gây say, truyền thuyết bảo là thứ rượu cúng lễ, nhưng đã bị thất truyền từ 700 năm B.C. và chỉ có các Đạo sĩ thuộc phái Gandharva mới làm ra được.
(4). Upanishad là bộ phận cuối của mỗi cuốn trong kinh Vệ-Đà. Giầu tính triết học, nói cách khác, đó là thần học Ấn Độ giáo, cơ bản của toàn bộ hệ thống triết học Ấn Độ. Upanishad được sáng tác vào khoảng từ thế kỷ VIII-V B.C. Tâm điểm của triết lý này là sự đồng nhất của atman (linh hồn cá thể) với Brahman (Thượng đế hay linh hồn Vũ trụ).
(5). Trang-Tử (369-286 B.C), học trò sáng giá nhất của Lão Tử. Trang tử đề cao cuộc sống giản dị, chê danh vọng, quyền bính mặc dù được thái tử nước Chu mời. Ông bảo: “Tôi không thích làm chuyện con bò tế thần, người ta muốn mổ thịt lúc nào thì mổ. Tôi thà làm con chạch vẫy đuôi trong bùn, còn tự do, thoải mái hơn!” Tác phẩm lớn nhất của ông mang chính tên tác giả: “Trang Tử”. Chỉ quan tâm về đời sống tinh thần: “Đạo là sinh lực tối thượng, chỉ có thể truyền đạt, chứ không thể chiếm hữu. Nó có trước đất trời và trường tồn”.
(6). Tôi là bướm hay bướm là tôi: Một câu nói nổi tiếng của Trang tử, người đời sau hễ nhắc đến ông, người ta đều nhớ tới câu này. Chuyện chỉ đơn giản là vào một đêm kia trong giấc ngủ, Trang tử mơ thấy mình là bướm bay, rong chơi … đến khi thức giấc thấy lại mình là Trang tử. Rồi ông tự hỏi: Hay biết đâu Bướm lại chẳng phải là Trang tử trong giấc ngủ ngàn năm của nó, khi nó mơ thành người. Nghĩa biểu tượng của Bướm là vong linh phiêu lãng, chúng báo hiệu sẽ gặp người thân tình, cũng có khi báo hiệu một người thân vừa qua đời (Bướm đêm). Một vài tôn giáo dùng hình ảnh con bướm, tượng trưng cho Linh Hồn đã trút bỏ được cái vỏ xác thịt của mình (từ loài sâu), và trở thành sự đã lãnh nhận ân sủng, hay chân phúc. Nó cũng mang ý nghĩa của sự “lột xác” bỏ xấu nên tốt.
(7). Theo truyền thuyết: 50 con theo mẹ lên núi (Mẹ phát triển xã hội, mở mang bờ cõi ở các miền cao nguyên, rừng núi – Vậy công mẹ khó hơn), 50 con theo cha xuống biển (Tổ chức an sinh các vùng châu thổ ven biển, ven sông). Trăm con tức trăm họ của dòng Bách Việt. Cha năm mươi, mẹ năm mươi: Nghĩa là 5.000 năm trước, từ khởi thủy, trên lý thuyết cũng như thực tế, Tổ tiên chúng ta đã xây dựng một xã hội theo nguyên tắc Nam, Nữ Bình Quyền. Chỉ sau này, bị Hán tộc đô hộ, họ mới áp đặt chế độ “Trọng nam, khinh nữ” trên quê hương Mẹ Việt Nam. Cũng từ đó, Mẹ biểu hiện đức tính “cam chịu tủi nhục”, hơn bất cứ phụ nữ nào đối với các dân tộc trên thế giới. Thật là một đức tính cao cả!
(8). Bố mất tên (tức mất họ): Trước khi bị “ngàn năm giặc Tàu đô hộ”, VN không theo chế độ “trọng nam khinh nữ”. Lịch sử VN đầu Công nguyên đã minh chứng: Toàn thể các môn phái các dòng họ đã nhất tề đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, tôn đức Trưng nữ vương lên làm Hoàng đế” (tức Vua Trưng – x. đọc Anh Hùng Lĩnh Nam của Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ). Dấu vết họ mẹ làm trọng vẫn còn tới ngày nay, như chúng ta thấy: Chỉ có nữ mới có họ (Thị = họ, như trong chữ “Hồng Bàng Thị” tức Họ Hồng Bàng). Thí dụ: Nguyễn Thị Hạnh ngụ ý người phụ nữ tên Hạnh thuộc giòng họ Nguyễn. Tên các nam nhân như Nguyễn Văn Xung, Trần Đình Thế … đều không có họ (không chữ thị), nên họ đó xưa lấy họ mẹ. Tất nhiên, từ hồi đầu lịch sử, VN theo chế độ Mẫu hệ, vì là nước Nông nghiệp. Trong khi cha ra ngoài săn thú, thì ở nhà mẹ quán xuyến việc đồng áng, dạy dỗ và nuôi nấng con cái, nên trong nhà mẹ vừa làm chủ, vừa quản lý kho nẫm thóc gạo. Trong khi người nữ Tàu không đưọc đi học, không được làm quan, thì xã hội Việt tộc, người nữ không chỉ làm quan, còn làm tướng: Lịch sử VN các nữ tướng rất nhiều, nhất là thời Trưng nữ vương. Không chỉ làm tướng, mà còn có công dựng nước như Ấu Cơ, ngang hàng và bình quyền với Lạc Long Quân như đã nói ở trên số (7). Các dân tộc vùng cao nguyên tới nay vẫn còn chế độ Mẫu hệ, vì những thời kỳ Bắc Thuộc không ảnh hưởng tới họ.