đốt tờ thư quên đi
niềm ân ái ngàn xưa.
Ai ân theo tháng năm tàn.
Ai ân theo tháng năm vàng.
(Đoàn Chuẩn Từ Linh)
*
Ngày tôi chào đời, cũng là ngày mẹ tôi mất. Thuở ấy nào tôi có biết gì! Nhưng chỉ lớn lên một chút thôi, cứ thấy đứa nhỏ nào bằng tôi mà có mẹ ãm, mẹ bồng, là tôi đứng nhìn mãi … trong cái cảm giác thèm thuồng! Ước gì tôi cũng có mẹ, để ôm chặt lấy cổ mẹ tôi, và gục đầu lên vai mẹ … cho đến khi cái hình ảnh yêu kiều ấy biến khỏi tầm mắt tôi, tôi mới lầm lũi trở về thực tại của một đứa trẻ không có mẹ … và tôi buồn nhiều! Bố biết tôi hay buồn, nên người yêu tôi lắm! Người thường hay vuốt tóc tôi, thở dài và bảo: “Con gái của bố rất giống mẹ … xinh đẹp lắm!”. Đến năm tôi lên sáu, cũng câu nói ấy của bố, đã làm cho tôi nhận ra khuôn mặt mẹ mình trong tấm ảnh. Quả thật mẹ rất xinh đẹp! Nhưng đồng thời cũng xảy ra trong tâm trí tôi một nỗi ám ảnh khôn nguôi, ý nghĩ dìm tôi vào những chuỗi ngày ảm đạm, không thể nào vui được. Đó là vì sự có mặt của tôi trong cuộc đời, mà mẹ tôi phải vĩnh viễn ra đi. Lúc đầu tôi còn khóc được! nhưng dần dà nước mắt tôi khô cạn, rồi sau đó là những năm tháng tâm hồn tôi bị đông lạnh và biến thành băng tuyết. Trong ánh mắt của bố, tôi biết bố tôi không thể nào hiểu được căn nguyên sâu xa của một lý do nằm kẹt trong xó tối của tâm trí tôi. Có thể người chỉ nghĩ rằng tôi sinh ra đời với một tâm hồn vốn dĩ là thế, hoặc hơn nữa, có chăng là vì thiếu vắng một tấm lòng mẹ hiền, một giọng nói dịu dàng, một ánh mắt nhân từ, âu yếm và một đôi tay êm ái, trong cuộc đời một đứa trẻ … Nên bố tôi lại càng quan tâm đến tôi nhiều hơn, nghĩa là hết mua cho tôi cái này, lại sắm cho tôi cái khác, nào là nơ áo đầm, nơ cánh tay trên những chiếc áo vai bồng, và đủ loại nơ cài tóc. Những loại đồ chơi khác cũng thế! Nhưng không có gì có thể thay thế chỗ mẹ tôi trong cuộc đời tôi được!
Cũng năm ấy, bố tôi cho tôi đi học dương cầm, nhờ thế tôi bớt thời giờ nghĩ ngợi vẩn vơ. Bây giờ đã lớn khôn nhiều, tôi lại càng thương cảm cho những em bé bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới mở mắt chào đời. Chúng đã mất tình mẫu tử, lại thiếu luôn cả tình cha! … Ngay cả bố tôi cũng vậy. Vì thỉnh thoảng tôi cũng thấy bố buồn thẫn thờ, ngồi một mình ngắm mây bay bên bờ sông sau nhà. Những lúc như vậy, lòng tôi xe thắt và tự hỏi: Tại sao tôi lại sinh ra đời trong một hoàn cảnh trớ trêu như thế ? Tôi không có mẹ đã vậy, sự có mặt của tôi trong cuộc đời, lại còn không đủ khả năng trám nổi một góc nhỏ, nơi khoảng trống lớn lao trong tâm hồn bố. Mẹ ơi! Mẹ có biết rằng sự ra đi của mẹ làm cho hai người phải đau khổ ? Còn con, trước khi chào đời, con đâu biết rằng sự ra đời của mình đã làm cho bố mẹ phải phân ly, chia cách ? … Thời gian như những bóng mây đem mưa đi phủ kín cuộc đời.
*
Rõ ràng bố tôi đốt từng phong thư, một cách chầm chậm. Ra như người muốn níu kéo từng dĩ vãng yêu kiều nằm ngủ trong mớ kỷ niệm của tháng năm, nay đã đến kỳ hạn phải vĩnh viễn ra đi! Tại sao bố phải làm vậy, tôi nghĩ. Có ai bắt bố phải làm vậy đâu ? Chính tôi còn muốn giữ lại kia mà, cho dù chúng không hoàn toàn thuộc về tôi, thì ít ra, tôi cũng còn được nhìn ngắm những nét chữ ngoài bao thư, vì chúng thuộc về mẹ tôi! Tôi phải ngăn hành động “dại dột” kia lại, để cứu chúng!
Những bước chân trần đi trên lá, báo động cho bố tôi biết có người phát hiện ra việc làm của mình, nên người chỉ quay lại một chút, để yên trí rằng, những bước chân đó là của tôi, rồi vội vàng, người bỏ luôn cả mấy lá thư còn lại trong tay vào đống lửa. Tôi vội la lớn lên:“Đừng, bố!” Nhưng người làm như chẳng nghe. Chiếc que củi trong tay người khều cho lửa bùng cháy lên, bất chợt cái giọng ấm áp của bố tôi ngân nga đưa vào không gian một khúc hát như khỏa lấp hành động vừa sai sót, bị con gái bắt gặp:
“Nhớ tới mùa Thu năm xưa
gởi nhau phong thư ngào ngạt hương,
nét bút đa tình lả lơi.
– Sao bố lại đốt thư của mẹ ?
Vẫn giọng hát nghêu ngao của bố, thay thế câu trả lời:
…
Anh quay về đây
đốt tờ thư quên đi
niềm ân ái ngàn xưa.
Ai ân theo tháng năm tàn.
Ai ân theo tháng năm vàng.
Bố tôi cố làm ra vẻ tự nhiên để che dấu cảm xúc, chứ thực ra tôi đã bắt gặp một giọt lệ trào ra khỏi khóe mắt của người. Tôi ngồi xuống bên cạnh, cầm lấy chiếc que, khều nhẹ đống tro tàn, vẫn còn ánh lên nét chữ của mẹ tôi trên trang giấy đã thành tro. Bất giác tôi có sự so sánh giữa nét chữ trên đống tro, với giọt lệ trên khóe mắt, có gì giống nhau ? Một bên là những nét chữ của mẹ tôi đã một thời biểu hiện tiếng nói thổn thức của con tim. Một bên là giọt nước mắt của con tim thổn thức lâu ngày, chịu không nổi vừa chạy trốn ra khỏi cửa sổ của tâm hồn. Cả hai đều là kết quả của một ân tình. Bố đã ngừng hát! Thời gian như ngưng đọng, làm tăng vẻ lặng lẽ, miên man, cô tịch. Đợi một lúc, không nghe bố tôi nói gì, tôi mới hỏi:
– Ngày xưa, thư mẹ viết cho bố thế nào ?
– Không đa tình như nét bút lả lơi, nhưng nhẹ nhàng, kín đáo, làm cho tình yêu của mẹ con thêm phần diễm lệ, như được trau truất bởi tấm áo thêu chân, thiện, mỹ.
– Nhìn nét chữ, con cũng đoán được phần nào tâm hồn của mẹ đẹp như vậy! … Đã mười sáu năm qua, hôm nay, bố lại tiễn đưa mẹ một lần nữa! Lần này có con. Bố con mình sẽ làm lễ tiễn đưa một cách long trọng! Trước khi mình rải mớ tro tàn chứa đựng những tâm tình của mẹ xuống giòng sông, đưa mẹ vào đại dương vô tận, con muốn bố trả lời cho con một điều là: Tại sao bố không giữ lại những phong thư đầy ắp những kỷ niệm của mẹ trao về bố nữa ? Con không nghĩ rằng đã có hình bóng nào thay thế chỗ của mẹ trong trái tim bố.
– Mười sáu năm qua bố đã làm cái điều con đang nghĩ. Mười sáu năm sống trong sự thoi thóp của nhớ nhung. Có nhiều lúc, bố nghe như mẹ vẫn thường len lén đi về trái tim, như muốn nhắc nhở mình điều gì. Hôm qua tìm được trong chồng thư, ý của mẹ muốn bố luôn sống vui. Người không muốn ta vì người mà sống những năm tháng sầu buồn, hay đau khổ. Mẹ còn dặn bố: Bất cứ trong hoàn cảnh nào, ở nơi đâu, hễ bố vui, thì tâm hồn mẹ cũng được vui cùng bố. Và con cũng vậy! Trong thế giới Tâm Linh, chắc mẹ con muốn bố con mình sống vui, để linh hồn mẹ được thanh thỏa. Mười sáu năm đã quá lâu, để chờ đợi một nụ cười. Suốt từ sáng tới giờ, bố đã phải suy nghĩ kỹ để làm một quyết định.
Người choàng cánh tay qua vai tôi, như muốn ôm tôi vào lòng, mắt người dán chặt vào một chân trời xa xăm:
– Nhất định bố không sai đâu, con gái của bố ạ! Bố tin chắc hôm nay mẹ con đã có thể mỉm cười. Cả con nữa, chớ để mẹ con cứ mãi ân hận là đã sinh ra con, mà không thể săn sóc và nuôi nấng con thành người. Cả bố lẫn mẹ đều biết điều này: Thiên Chúa làm nên con người để cho nó được vui, và sống hạnh phúc. Bố thì đỡ hơn, dù gì bố cũng tự an ủi lấy mình rằng: Mình cũng đã làm hết bổn phận của mình để lo cho con! Nhưng nếu mỗi ngày mà con không có được một nụ cười, thì mẹ sẽ mang nặng mặc cảm và ân hận biết bao!
– Không phải mẹ! Người mang nặng mặc cảm chính là con!
– Bố hiểu! Con tự gánh lấy trách nhiệm về sự ra đi của mẹ. Nhưng đó không phải là một ý nghĩ đúng đắn, hay một mặc cảm chính xác! Trong cuộc sống, có một số không ít những người trẻ, rơi vào một thứ bệnh trầm cảm, do sự yên trí về một vài lỗi lầm không thực! Có thể do sự yếu ớt của lương tâm, để một áp lực vô hình lẻn đi vào nội tâm, tạo ra cái trạng huống bi đát là tự mình lừa dối mình, mà cứ nghĩ rằng thực! chứng bệnh này thường xảy ra nơi những tâm hồn khép kín. Bởi những ai cởi mở, họ sẽ gặp được sự giải tỏa hợp lý. Bố thí dụ: Một người bị trầm cảm về sự thi rớt, là tự yên trí rằng việc thi rớt nó đã loại mình ra khỏi nấc thang danh dự của cuộc đời. Bố cho đó là mặc cảm không chính xác! Có thiếu gì kẻ bằng cấp đầy mình, mà đánh mất danh dự vì những lẽ khác, nhất là về luân lý. Lại có những con người cần lao, không một mảnh bằng trong tay, mà vẫn được mọi người chung quanh yêu quí, mến phục, vì họ có tư cách và biết sống một cuộc sống nhân bản.
Nếu còn sống, chắc mẹ đã dạy con điều này: Có những người làm điều lầm lỗi lại không biết mình lầm lỗi, trong khi lại có những người bi quan đến ngộ nhận về một nguyên nhân nào đó, để tự biến mình thành nạn nhân của một lỗi lầm vô cớ. Loại người này không nhiều, nhưng có đấy!
-Bố ạ, thế nào là nạn nhân của một lỗi lầm vô cớ ?
-Lúc này bố chỉ nói với con về trường hợp tự kỷ ám thị thôi nhé! Một người tự chuốc lấy lỗi lầm, mà thực ra là không có, để rồi trở thành nạn nhân, là cứ tự ray rứt lấy mình cách phi lý, rồi sống trong sự bất an! Trong khi Chúa là Đấng ban sự Bình An và Ngài muốn mọi người sống trong bình an.
-Hồi nãy bố có nói, Chúa làm nên con người để họ được sống vui, sống hạnh phúc. Nhưng thực ra có mấy ai có được cuộc sống hạnh phúc, mà nếu đã bất hạnh thì làm sao vui được ?
-Bất hạnh là do con người tạo ra thôi … con ạ! Thuở ban đầu Thiên Chúa tạo ra mọi sự đều tốt đẹp (St 1,31), đọc sách Sáng thế rồi, con nhớ không ? Bố mẹ đây còn muốn con sống vui, huống hồ Chúa là người Cha nhân lành, là Chúa của Tình Yêu , Người còn muốn con sống vui, sống hạnh phúc tới cỡ nào ? Chẳng thế mà Ngài ban cho con người, và chỉ con người mới có thể biểu lộ và diễn tả được nguồn vui, niềm hạnh phúc một cách rõ rệt nhất, không những bằng tiếng nói, bằng cử chỉ, và còn bằng cả ánh mắt. Hơn thế nữa, bằng cả sự rung động của tâm hồn, mà mọi loài không thể có được! Những con người trong cuộc sống đánh mất cả niềm vui, niềm hạnh phúc, lúc nào cũng chỉ âu sầu, buồn rầu, thảm não … thì làm sao hoàn bị được thiên chức làm người ? Chúng ta phải trưởng thành trong tâm hồn để thành nhân trong ý hướng của Thiên Chúa! Đêm qua, Chúa đã soi sáng cho bố, qua lời lẽ của mẹ con viết trong thư cho bố. Bố đã nhận ra ngôn ngữ của Thánh Thần trong tiếng nói của tâm linh. Nhất định hôm nay, bố con mình đào huyệt chôn vùi quá khứ, để sống cho hiện tại, sống thực với hiện tại, và vui cái vui mình đang có. Đối với Thiên Chúa, không có quá khứ, và cũng không cả tương lai, vậy mà sao con người lại ôm đồm nhiều thế ? Nào là nắm chặt quá khứ không chịu buông ra, nào là lo lắng, ôm ấp tương lai vào cả trong mộng mị … trong khi sức con người nhỏ bé! Như thế có phải con người quá tham lam không … hả con ?
-Dạ, hình như vậy! Từ bé tới giờ, bố lo cho con đủ thứ, có thể còn hơn nhiều đứa trẻ khác trên thế giới này. Nhưng con vẫn cứ cho là chưa đủ, vì thiếu mẹ!
-Thực ra thì con không thiếu mẹ! Cũng như bố không mất mẹ! Nếu ta thực sự hiểu “chết” chỉ là một sự biến dạng của sự sống không hề dừng lại. Chúng ta lại nghĩ thêm điểm này: Nếu đem so sánh vài chục năm trong cuộc đời, với hằng triệu năm từ khi có nhân loại, thì tựa hồ như một giấc ngủ trưa rất ngắn độ mươi, mười lăm phút thôi, con thấy không ? Còn nếu so với cuộc sống miên viễn, không tận cùng sau cái chết … thì sự vắng mặt của mẹ đối với chúng mình, chỉ là một chốc lát thôi … con nghĩ có phải không ?
*
Nhân vật xưng “tôi” trong câu chuyện, chính là đoạn đời thơ ấu của cô bé UyểnMy, một trong những nhân vật độc giả đã quen. Cô bé chớp chớp mắt cảm động, nàng hôn lên trán bố một cái để biểu lộ một sự biết ơn rồi hứa:
-Từ nay con sẽ sống vui. Nhất định con sẽ không buồn nữa! Và trong bất cứ trường hợp nào khó khăn trong cuộc sống, con sẽ hỏi bố. Bố vừa là người cha, vừa là vị cố vấn của con trong cuộc đời … nữa đấy, bố nhớ không ?
-Con yêu! … Không những thế, bố còn là Người Bạn của con nữa đấy! Con có đồng ý không ?
-Nếu thế thì bố chìa ngón út ra! (Nàng móc ngoéo ngón út của mình với ngón út của bố, rồi ấn hai ngón cái vào nhau, miệng nóiJ): Ký tên … đóng dấu! … Đã là bạn rồi, bố kể chuyện tình của bố với mẹ ngày xưa cho con nghe đi !
ông bố cười … rồi lấy giọng ngân nga khúc hát:
cùng bước đến cầu,
ngồi xõa tóc thề
hẹn lời ân ái,
trôi tới bến nào,
hình dáng thuyền yêu.
-Thấy chứ! … và bố quả quyết, mẹ rất vui với chúng mình. Chỉ là tạm thời … chúng mình chưa được nhìn thấy mẹ của con mà thôi!