Ánh nắng chênh chếch trên những ngọn cây, tạo thành những bóng râm trên một khoảng đồi cỏ xanh, nằm êm ả sau khu nhà nàng. Nắng mới có sức quyến rũ tuổi thanh xuân như một đám cỏ non với bầy hoa Bươm Bướm dưới chân đồi. Đúng là một sáng Chủ nhật tươi hồng như Diễmly vừa nói. Cả bọn năm người rủ nhau ra khỏi nhà làm một cuộc picnic nhỏ. Đứng trên đỉnh đồi, Huyền ngửa mặt giang cả hai tay lên trời, như muốn ôm hôn, hay đón nhận tất cả hạnh phúc của vũ trụ, mà nàng có cảm nghiệm như mình đang chìm ngợp trong khoảng giao thoa nồng ấm của đất trời. Bỗng Vyvy cười lên sằng sặc, nàng chỉ tay về phía Huyền, bảo Vũ:
– Coi kìa! … Nữ thần A-tê-mi của anh đấy, trông đẹp não nùng chưa!
– Nói thế chẳng hóa ra chúng ta là bầy thú hoang của “Nữ thần Săn bắn” ? Vũ nói, làm Uyểnmy phải phát nhẹ một cái vào lưng chàng:
– Nịnh đầm người yêu vừa thôi chứ! Anh coi tụi này là cái gì đây ?
Diễmly tiếp lời:
– Thì ảnh vừa nói bọn mình là bầy thú hoang, còn hỏi gì nữa!
Thế là mấy đứa xúm lại đánh trả thù, làm Vũ vừa né, vừa chạy lên phía Huyền. Cả bọn cùng đuổi theo… Huyền bao giờ cũng tỏ vẻ đàn chị, nàng có tác phong nghiêm nghị cách tự nhiên, làm mọi người không dám đùa nhiều. Huyền quay lại hỏi:
– Mấy người làm gì thế ? … Vyvy, em tiếp tục lá thư đi nhé! Chúng ta ngồi đây, dưới bóng mát này … Hãy xem như đây là tà áo của mặt trời! … Vũ này, em nghe nói, phía đông Địa Trung Hải, nơi các hòn đảo của biển Egéne có nhiều dấu vết của nữ thần A-tê-mi. Nhất là tại Ế-phe-sô (địa bàn hoạt động của Thánh Phao-lô), đền thờ của vị nữ thần này, có thời được xem là một trong bẩy kỳ quan của thế giới đấy! Như vậy bà ta là một nhân vật có thực sao ?
– Dĩ nhiên là không thực! Văn hóa cổ đại của Hy Lạp sản xuất ra cả ngàn vị thần là để đáp ứng cho sự bất toàn, yếu đuối, sự khao khát, và lòng ham muốn cùng cực của nhân loại. Cũng như những chuyện thần tiên của Á đông mình, phát xuất từ những ước mơ của cuộc sống nghèo nàn, đau khổ, khốn khó. Trong một giai đoạn nào đó, tất nhiên vào thuở hồng hoang của nhân loại, những thần thoại đó được con người thêu dệt như là thực, làm cho giữa mộng và thực, cái nào cũng huyền huyền, ảo ảo, khó mà phân biệt. Nên các đền đài mới mọc lên theo trí tưởng tượng. Bây giờ tất cả đã đi vào quá khứ, và chỉ còn là biểu tượng của những nền văn hóa đã xuất hiện, nhưng rồi cũng đã biến mất trên địa cầu, y như những buổi chiều đã qua đi trong cuộc đời chúng ta vậy.
Vũ quay sang hỏi Uyểnmy:
– Em đồng ý không ?
– Dạ, dĩ nhiên là em đồng ý! Bởi hễ là một nhân vật lịch sử, thì lịch sử không chối bỏ được! tỷ dụ như Chúa Giêsu, dù là vô thần đi nữa, người ta cũng không thể phủ nhận Ngài – một Nhân Vật lịch sử – Một thực thể trong nhân loại. Cũng thế, Mẹ Người tất nhiên là một nhân vật lịch sử .., ý kiến của Diễmly thế nào?
– Mình í hả ? Mình cho rằng Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta không chỉ là một nhân vật sống trong lịch sử, mà Mẹ còn vượt lên trên cả lịch sử nhân loại.
Vyvy ngừng viết, nàng hăm hở góp ý:
– Em đồng ý! Mẹ Maria trong tiền định của Đức Chúa Cha, Người chỉ đứng sau Đức Kitô trong lịch sử ơn Cứu độ. Mà Lịch sử ơn cứu độ, bao trùm lên lịch sử nhân loại, và có trước từ muôn thuở.
– Anh không ngờ Vyvy nói rất hay! Nếu anh là Duy Trân (Duy Trân là người ngoại giáo, bạn của Diễmly; xem ChânLý số 75&76), anh sẽ hỏi em: Tại sao lịch sử ơn cứu độ lại có từ muôn muôn trước ?
– Tại sao em lại phải trả lời. Cái đó phải hỏi Diễmly mới đúng!
Diễmly liếc xéo nàng, rồi tủm tỉm cười:
-Thôi được rồi, cô ba! Để tôi trả lời cho “bồ” tôi: “Thiên Chúa trước khi dựng nên các Thiên Thần, trước khi Ngài tạo thành vũ trụ, rồi … loài người. Thiên Chúa đã biết trước loài người sẽ phạm tội. Con cái loài người mọi thời không giữ được giao ước vì bất trung, và đáng phải chết theo sự công bằng của Thiên Chúa. Nhưng vì Thiên Chúa quá yêu thương nhân loại, là thụ tạo đã được dựng nên theo hình ảnh Ngài (St 1,27a+b). Nên ngay trong tiền định, Ngài đã sắp đặt việc Ngôi Lời mặc xác phàm, xuống trần để cứu chuộc nhân loại. Cũng trong giai đoạn này, Thiên Chúa Cha đã tiền định Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, để từ vô hình mà nên hữu hình. Người đã cưu mang trong trí một Đức Nữ Trinh Maria cực kỳ tinh tuyền, thánh đức. Một Người Mẹ của Chúa Cứu Thế huyền nhiệm vô song, giống Thiên Chúa, và xinh đẹp tuyệt vời. Hơn mọi loài, Mẹ đã được lãnh nhận suối nguồn ân sủng của Thiên Chúa, để trở nên địa vị cao cả là Mẹ Thiên Chúa, Ái Nữ của Chúa Cha, Người Yêu của Chúa Thánh Thần. Lịch sử ơn cứu độ đã khởi đi từ đó…”. Chị Huyền, em nói có trúng không?
– Đúng vậy! … Chị bổ xung bằng Thánh Kinh dẫn chứng, để những điều em vừa nói được xác minh cách vững vàng: Trong sách các Tiên Tri, Tiên tri Mi-kha đã chép: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ep-ra-tha(1) ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.Vì thế Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời một phụ nữ sinh con.”(Mk 5,1-2). Mikha đã nhớ lại lời Tiên tri Isaia: “Này đây người thiếu nữ(2) mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.” (Is 7, 14). Lời ghi trong Tân ước sau đây là một sự ứng nghiệm so với Cựu ước: “ Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Mt 1,23).
Vũ chợt nhìn Diễmly, và hỏi:
– Em chỉ đoán thôi, hay nhờ đâu mà biết Đức Mẹ xinh đẹp tuyệt vời ?
– Anh biết là Thế kỷ 19, 20, Mẹ đã hiện ra nhiều nơi, và các thị nhân như Thánh nữ Bernadette ở Lộ-đức (1858), hai vị Thánh mới được Giáo hội tuyên phong là: Phanxicô và Giaxinta cũng như sơ Lucia thánh thiện, mới qua đời cách đây vài năm (11.02.2005) là những vị được thấy Đức Mẹ ở Fatima (1917) … Rồi từ năm 1987, cả nửa triệu người Ukrana đã quả quyết thấy Đức Trinh Nữ Hồng Phúc Maria. Tại Ruanda bên Phi Châu, Mẹ cũng đã hiện ra nhiều lần trong khoảng những năm của thập niên 80 v.v… và người ta vẫn còn đang nói hoặc viết về những sự kiện đã và đang còn xảy ra cho các thị nhân trẻ ở Medjugorje (từ 1981 tới nay) là: Mirjana Dragicevic Soldo (16 tuổi), Ivanka Ivankovic Elez (15 tuổi), Ivan Dragicevic (16 tuổi), Marija Pavlovic (16 tuổi), Jacov Colo (10 tuổi), và Vicka Ivankovic (17 tuổi). Tất cả các thị nhân từ trước đến nay, khi được người ta hỏi, hay báo chí phỏng vấn, đều mô tả, và quả quyết Đức Mẹ rất xinh đẹp.
Phần em, dù không thấy, em vẫn tin là Maria, Mẹ của chúng ta là Đức Nữ Trinh Tuyệt Vời, về tất cả mọi phương diện, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa!
Huyền nhìn nàng, mỉm cười gật đầu:
– Các Thánh vịnh cũng đều mô tả như em nói vậy! Này nhé khi Mẹ được mô tả là “Công Chúa Thiên Đàng”, Nữ Tử của Thiên Chúa Cha, thì Thánh Vịnh viết:
“Đẹp lộng lẫy, này đây công chúa,
mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng,
phục sức huy hoàng,
được dẫn tới Quân Vương,
cùng các trinh nữ theo sau hầu cận” (Tv 44,14-15)
Khi tuyên dương Người là Mẹ Chúa Cứu Thế, Thánh vịnh chép:
“… Bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai,
trang điểm vàng ô-phia lộng lẫy.”(Tv 44,10)
Còn như khi biểu hiện Tình Yêu của Chúa Thánh Thần dành cho “Người Bạn Chí ái” là Mẹ Maria, thì thi ca cựu ước hết lời khen ngợi:
“Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ
có khác gì cánh huệ giữa bụi gai.” (Dc 2,2)
hoặc: “Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp,
nơi nàng chẳng một chút bợn nhơ.” (Dc 4,7)
(Phụng vụ áp dụng câu này cho đức Maria vô nhiễm.)
Vũ nổi hứng, tiếp lời. Chàng cũng bắt chước Huyền, dùng các Ca-vịnh trong Cựu ước. Chàng nói với các nàng:
– Anh nghe như phảng phất trong Diễm ca chương 4, lời âu yếm, ngọt ngào của Thánh Thần Thiên Chúa nói với Công Chúa Thiên đàng – Người Yêu của Mình rằng:
“Nàng là công viên, suối nước đã niêm phong”
Các em có biết những nhà diễn giải Thánh Kinh, cắt nghĩa hai chữ “niêm phong” ở đây là gì không ? Anh xin nói ngay là: Tội lỗi thế gian không bén mảng. Tất nhiên chỉ một mình Đức Mẹ là thụ tạo duy nhất xứng đáng được diễn tả theo cung cách này. Chàng ngâm tiếp:
“Là Địa đàng hương hoa, trái chín mọng.
Đây đinh hương, nhục quế, kỳ hương dị thảo,
Kia suối nguồn phát xuất tự Li-băng.
Mình em hương tỏa vĩnh hằng,
Như trăng vằng vặc, chẳng vương bụi trần.”(Dc 4)
*
“Bạn tình của anh hỡi, nàng đẹp tựa Tia-xa,
duyên dáng tựa Giê-ru-sa-lem,
oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ.”(Dc 6,4)
Vyvy ngắt lời:
– Khoan đã! Em không hiểu “đẹp tựa Tia-xa” là đẹp như thế nào ?
– Tia-xa là tên của kinh đô đầu tiên thuộc miền Bắc Do Thái. Điều này cũng dễ hiểu thôi! Vì thường những cô gái ở thủ đô, hay những thành phố lớn được quan niệm là đẹp, có nét thông minh theo cái văn minh của thành phố, hơn những cô gái tỉnh, hay ở thôn dã. Dĩ nhiên không thể coi là tuyệt đối! Chẳng hạn ở Việt Nam ta, những cuộc thi tuyển người đẹp, luôn luôn cứ là Hoa hậu Sài-Gòn, chứ có ai mệnh danh hoa hậu lục tỉnh bao giờ. Các nhà thơ, nhà văn thời tiền chiến quen nói tới cái đẹp, và tư chất thông minh của những cô gái Hà-thành, tức “Thiếu nữ Hà-Nội”, hoặc miền Trung thì phải kể gái Huế, em nhớ không ? Các tác giả Kinh Thánh cũng không đi ra ngoài ước lệ. Về sau Kinh đô của Israel là Giê-ru-sa-lem – Một nơi vừa là Thành Thánh, vừa là thủ đô chính trị – Thuộc miền Nam. Giê-ru-sa-lem “từng được gọi là tuyệt thế giai nhân, là niềm vui cho toàn cõi địa cầu”. Trong Kinh Thánh cũng có chỗ các Thánh Sử (Cựu ước) nói tới cái đẹp của người thiếu nữ thành Suy-la-mi-tê (Sulamite), cho nên Đức Mẹ cũng từng được các Thánh ví như vậy. Tiện đây anh cũng giải thích luôn, khi ví Đức Mẹ “oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận” chỉ là một cách diễn tả sự uy-nghi, và cực kỳ trang trọng của Người.
Sau này Giáo hội còn ví Đức Mẹ như một Giê-ru-sa-lem Mới. Các em hãy nghe sách Khải Huyền mô tả như thế này đây:
“Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới … Tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ.”(Kh 21,1-3).
Khi Thiên thần nói với Thánh Gio-an: “Thiên Chúa ở cùng họ” là giới thiệu với Thánh Gio-an Đấng Em-ma-nu-entức “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Mà Đức Mẹ là “Nhà Tạm Thiên Chúa”, có khác nào câu “Đức Bà là Hòm Bia Thiên Chúa”, cho nên Người chính là Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem Mới vậy. Các em nghe anh nói tiếp những câu trong sách Khải Huyền đây, xem Thánh Gio-an trong lúc xuất thần, được Chúa cho thị kiến “thấy” Đức Mẹ đẹp đẽ và vinh quang như thế nào:
“Bấy giờ, trong số bảy thiên thần mang bảy chén đầy bảy tai ương cuối cùng, một vị đến bảo tôi: “Lại đây, tôi chỉ cho ông thấy Tân Nương Hiền thê của Con Chiên.” Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch, trong suốt tựa pha-lê… Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.” (Kh 21, 9-11;23).
Chưa hết đâu! Khi khác Ngài còn được xem thấy tỏ tường một phụ nữ, mà truyền thống Giáo hội coi là hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria:
“Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời:
Một người Phụ Nữ,
mình khoác áo mặt trời,chân đạp mặt trăng,
và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.”(Kh 12,1).
– Anh Vũ này!
Uyểnmy chăm chú lắng nghe từ nãy, bây giờ nàng mới lại lên tiếng:
– Hồi em còn nhỏ … Anh Vũ, chị Huyền, và các bạn hẳn biết Uyểnmy mồ côi mẹ ngay từ khi mới chào đời (Nàng chớp chớp mắt để ép chặt trong lòng, những giòng dư lệ muốn trào ra vì xúc động), bố mình lại rất sùng kính và yêu mến Đức Mẹ. Lúc mình đủ trí khôn để hiểu biết, thì đã thấy “người” siêng năng hoạt động trong Legio Mariae rồi. Như mình đã kể chuyện đời mình thời thơ ấu(3) , đó là một khoảng thời gian hết sức tĩnh mịch, cô đơn và buồn thảm. Để giết thời gian, mình âm thầm, lặng lẽ đọc những sách viết về Đức Mẹ, do bố mua về, rồi mình trở nên gần gũi Đức Mẹ. Trong tâm tưởng, Người đã dần dần thay thế người mẹ trần gian đã khuất. Có dạo, thú thật là mình cứ mơ có ngày được nhìn thấy Đức Mẹ y-hệt như hình ảnh anh Vũ vừa nói. Những chiều buồn, bách bộ trong vườn, mình cứ hay nhìn về đám mây cuối trời, để mơ ước có lần nào trong đời bỗng nhiên bắt gặp được hình ảnh tựa như lời kinh, bố mình hay hát:
“Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông
diễm kiều như vầng nguyệt,
lộng lẫy tựa thái dương,
oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ” (Dc 6,10)
Huyền ôm vai Uyểnmy, ghé sát mặt vào má nàng, với niềm cảm thông vô ngần, tưởng chừng như có một sợi giây vô hình, nối kết hai con tim làm một. Nàng thốt lời an ủi:
– Tội nghiệp cô em gái của chị!
Huyền mỉm cười nhìn thẳng vào cặp mắt Uyểnmy, nàng hỏi:
– Cho đến bây giờ, hình ảnh ấy em vẫn chưa lần nào bắt gặp ?
– Tuy là chưa. Nhưng em biết em có Mẹ trong lòng, và chính Người đã thay đổi cuộc đời em. Thay đổi một cách hoàn toàn!
Vyvy ra dáng băn khoăn, nàng thắc mắc:
– Làm sao biết được những thay đổi phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa và Mẹ Maria dành cho mình Uyểnmy ?
– Một cảm nghiệm sâu xa và lâu ngày Vyvy ạ! Trong thinh lặng và cầu nguyện. Cầu nguyện đây là mình nói chuyện và tâm sự với Đức Mẹ. Có lẽ vì mình thiếu tình mẫu tử ngay từ khi mới lọt lòng, nên mình đến với Đức Mẹ và gần gũi Người một cách nhanh chóng và dễ dàng. Cũng có thể một sự bù đắp nào đó của Mẹ dành cho mình. Nhưng đó chỉ là tư kiến của mình thôi, Biết đâu ai chẳng vậy!
– Ế, “cậu” nói cách cụ thể có được không ? Chẳng hạn như cảm nghiệm của “cậu” thế nào về sự xoay vần và sắp xếp của Đức Mẹ cho cuộc sống của “cậu”. Diễmly hỏi.
– Nói ra thì cũng dài dòng, mình xin tóm tắt thế này nhé: Từ bé, mình mắc chứng bệnh “Tự kỷ ám thị” rồi sinh ra “trầm cảm”, nhưng mình không hề biết, cho đến khi bố phân tách hơn thiệt rõ ràng mình mới hiểu. Nhưng không phải tự nhiên hai bố con ngồi nói lý lẽ mà được. Sự chuyển hướng và sắp xếp từ những tờ thư của mẹ ngày xưa viết cho bố. Nhưng ngay cả bố mình cũng không để ý, không nhận ra … suốt mười sáu năm trời ròng rã! Cuối cùng người đã phải tự thú rằng: “Có nhiều lúc,bố nghe như mẹ vẫn thường len lén đi về trái tim, như muốn nhắc nhở bố điều gì…” Rồi có một cái gì thôi thúc khiến bố mình tìm ra được “cái ý” của mẹ trong chồng thư cũ. Ngay cả bối cảnh của một buổi chiều Thu, với hình ảnh của một cuộc hỏa táng những lá thư tình. Tất cả mọi chi tiết của từng sự kiện, từng nhân vật … tưởng như tình cờ, nhưng khi mình để thời giờ chú tâm và liên kết chúng lại, thì lại là một sự sắp xếp rất tinh vi, một sự quan phòng do bàn tay nhân ái của Mẹ hiền đã vẽ lại và chuyển hướng cuộc đời mình … Chị Huyền à, em có nói điều gì sai, hay là quá huyênh hoang về mình không chị ?
– Không gì đâu em! Cám ơn em đã chia sẻ! (Rồi nàng thay đổi đề tài, để không khí bớt trầm mạc) Các em biết là sau khi Thiên Chúa đã tiền định việc Ngôi lời Nhập Thể, cũng như việc Đức Trinh Nữ Maria rất thánh được tạo dựng, bẩm thai trong trí Thiên Chúa từ thuở đời đời, thì Ngài bắt đầu tạo dựng các Thiên Thần. Họ được tạo dựng cách tuyệt mỹ so với tất cả mọi loài thụ tạo, vì giống hình ảnh Thiên Chúa. Trong mục đích thờ phụng, tôn vinh và yêu mến Thiên Chúa, Các Thiên thần cũng được hưởng hạnh phúc vinh quang với Ngài. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu các Thiên thần chưa được chiêm ngưỡng nhan Thánh Chúa cách tường tận, cho tới khi đại hồng phúc của Chúa ban cho những Thiên thần xứng đáng, qua việc tuân phục Thánh ý Thiên Chúa cách trọn hảo.
– Tức là các Thiên thần phải trải qua một thời kỳ thử thách ? Vyvy hỏi.
– Chị không giám quả quyết có phải là một cuộc thử thách không ? Vì đây là một sự kiện thật – Hết sức tỏ tường – Thiên Chúa muốn tỏ lộ cho các Thiên thần biết Ngôi Hai – Con Một Người – Sẽ nhập thể, mang lấy xác phàm là loài người Thiên Chúa sẽ tạo thành. Các Thiên thần do sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho, cũng biết loài người – Một loài thụ tạo có xác thể – không sánh bằng các ngài. Thế nhưng, khi Ngôi Lời Nhập Thể, thì lại là Thủ lãnh các Thiên thần. Thiên Chúa lại phán: Người Phụ Nữ Ngôi Lời Nhập Thể trong lòng dạ đó, sẽ là Nữ Vương Thiên Thần và hết mọi loài thụ tạo. Bấy giờ các Thiên thần trung tín thì khiêm tốn, vâng phục, hoan hỉ chúc tụng quyền năng và các mầu nhiệm của Đấng Tối Cao. Trong khi Luxiphe (thiên thần ánh sáng) và bè lũ với nó, lại cao ngạo, bất tuân phục. Nó đòi việc đó phải hoàn thành trong chính nó, rồi nó tự xưng là thủ lãnh các thiên thần và toàn thể nhân loại. Nó lộng ngôn xúc phạm, mà cãi lại với Thiên Chúa rằng: “Tôi sẽ đàn áp, tiêu diệt nhân loại! Tôi sẽ kéo người Phụ Nữ ấy và Ngôi Lời nhập thể xuống khỏi địa vị Ngài muốn. Trong tay tôi, kế hoạch Ngài dự trù sẽ bất thành.”(4)
Bấy giờ Thiên Chúa Toàn Năng đã phán cùng nó: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15). Từ đó tên của Người Đàn Bà là Maria, là “Người sẽ đạp dập đầu con rắn là ma quỉ”, là Công Chúa Thiên Đàng của Đức Chúa Cha. (Bạn đọc đón xem kỳ tới: Mẹ trong giòng Lịch sử).
Chú thích:
(1). Ep-ra-tha có nghĩa là phong phú, phì nhiêu. Bê-lem Ep-ra-tha là sinh quán vua Đavit. Các tác giả sách Tin Mừng nhìn nhận là sinh quán Đấng Mê-si-a.
(2). Bản dịch LXX (bản dịch có tên là 70) dịch từ Almâh của tiếng Híp-ri là “trinh nữ” thay vì “thiếu nữ”. (Mt 1,23) cũng theo bản dịch LXX này.
(3). Bạn đọc muốn rõ thuở ấu thơ của Uyểnmy, xin tìm đọc Chân Lý số 77 trang 16 “Thuyền tình một lá ra khơi”.
(4). Các sự kiện “Thiên thần” do Huyền kể trên, tác giả viết phỏng theo: Những mặc khải của Chúa Giêsu & Mẹ Maria cho Mẹ Bề Trên khả kính Maria d’Agreda (Trong tác phẩm Mistica ciudad de Dios).
Tg. Uyên Ly