TRINH NỮ TUYỆT VỜI

Vyvy giơ một ngón tay lên. Trần Luân nắm nhẹ ngón tay nàng bẻ gụp xuống, bảo:
– Làm gì mà phải giơ tay lên, cứ y như là đang ngồi trong giảng đường ấy ?
– Nãy giờ ai cũng được nói hết … Chỉ có em là chưa được phát biểu!
Huyền mỉm cười nhìn Vyvy, nàng bảo:
– Ðược rồi, tới phiên em! … Các bạn xem kìa, Vyvy sẽ cho chúng ta một điều gì khác lạ so với những gì chúng ta vừa nói!
– Em muốn một lúc nói tới hai khía cạnh của một vấn đề, là: Không chỉ trên vấn đề thần học biện giải, hoặc nói về “Mầu Nhiệm” Thiên Chúa trong việc Ngôi Lời Nhập Thể đã ban cho Ðức Maria “Hồng ân” sinh Con mà còn Ðồng Trinh. Nơi đây, em muốn nói tới vấn đề lịch sử nữa. Có phải vấn đề chúng ta đã đặt ra là: “Mẹ trong giòng lịch sử” phải vậy không ?
Mọi người lên tiếng đồng ý với Vyvy, rồi nàng tiếp:
– Có phải khi một con người đi trong giòng lịch sử, thì tiên quyết người ấy phải có một lai lịch, lai lịch ấy cũng phải liên hệ với một giòng họ, mà chúng ta gọi là “gia phả” ? Thì nơi đây, rõ ràng Ðức Giêsu có một gia phả được Thánh sử Matthêu ghi ngay trang đầu Phúc Ấm Thư của ngài. Một gia phả được ghi chép đầy đủ từ Tổ phụ Ap-ra-ham đến vua Ða-vít, là mười bốn đời; Từ vua Ða-vít tới thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; Và từ thời lưu đầy ở Ba-by-lon đến Ðức KiTô, cũng là mười bốn đời (Mt 1,1-17). Còn Thánh sử Luca thì lại chép từ Chúa Giêsu mà ngược lên, không chỉ tới Tổ phụ Ap-ra-ham, mà còn dọc dài lên tới Adam con Thiên Chúa (Lc 3,23-38).
Nhưng điều mà Vyvy xin nhấn mạnh ở đây là: Lịch sử cũng khẳng định Ðức Maria sinh Chúa Giêsu trong sự đồng trinh. (Nàng đứng lên, tới tủ sách với tay lấy cuốn Kinh Thánh, mở rất nhanh tới gia phả Ðức Giêsu, và đọc liên tiếp cứ ông nọ sanh ông kia, cho tới Thánh Giuse thì nàng đọc chậm lại và xin mọi người chú ý) … Matthêu không còn nói ông Giuse sinh Chúa Giêsu nữa, mà viết rằng: “Gia-cóp sinh Giuse, bạn của bà Maria, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Ki-tô” (Mt 1,16). Chúng ta cần để ý một ngã rẽ rất nhỏ này, nhưng nó lại nói lên việc Ðức Maria mẹ Chúa Giêsu, không có liên hệ trong việc ăn ở vợ chồng với Thánh Giuse! Còn như nếu có liên hệ, “gia phả” đã phải viết: “ông Giuse sinh ông Giêsu” mà không nêu tên bà Maria, vì phong tục Do Thái thời xưa không tính đàn bà. Kế đến mới tới câu 18 khẳng định hơn, và là bằng phép mầu: “Bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18+).
Duy Trân gật đầu, đồng ý với Vyvy:
– Duy Trân đồng ý với các bạn rằng: Thánh Giuse không phải là cha đẻ của Đức Giêsu. Dĩ nhiên, Trân cũng chấp nhận việc Ðức Trinh Nữ Maria sinh Chúa Cứu Thế vẫn còn đồng trinh trước cũng như sau, nhưng cũng còn có nhiều người nêu lên việc Tân Ước đã nói đến các anh chị em của Đức Giêsu. Nhờ Vyvy mở Kinh Thánh các câu: “Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Có kẻ nói với Người rằng: Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !” (Mc 3,31-32) hoặc: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xép, Giuđa và Simôn sao ?” (Mc 6,3) v.v…
Huyền gật đầu với Trân, mỉm cười và nói:
– Giáo Hội biết chứ, vì vậy Giáo hội tuyên tín và khẳng định Đức Maria trọn đời đồng trinh. Là vì từ những thế hệ đầu tiên, ngay khi những người quen biết Đức Giêsu vẫn còn sống, các tín hữu kitô đã không ngừng tin nhận và tuyên xưng như vậy. Trong phụng vụ, Giáo hội dùng từ aeiparthenos trong tiếng Hy lạp, và từ semper virgo trong tiếng Latinh, để xướng danh Đức Mẹ; cả hai từ ấy đều có nghĩa là trọn đời đồng trinh (xem Vaticanô II, LG 52). Rồi công đồng Constantinople II chuẩn nhận năm 552 và công đồng La-tê-ra-nô năm 649 cũng nhấn mạnh điểm đó. Anh chị em mà Tân Ước nói tới, là anh chị em họ, như có thể thấy rõ trong trường hợp của Giacobê (hậu) và Giuse là hai người con của Maria khác: “Trong số đó, có bà Maria Mác-đa-la, bà Maria mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xép, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê” (Gia-cô-bê và Gio-an) (Mt 27,56).
Diễmly đột nhiên xen vào:
– Anh à … Nếu Mẹ Maria đã có những người con khác, thì Đức Giêsu đã không phó thác Mẹ mình cho Thánh Gioan, là một người không phải anh em ruột thịt trong gia đình mình. Cho dù sự phó thác mang một ý nghĩa và tầm vóc lớn lao hơn! Anh không nhận ra được … điểm đó sao ?
Duy Trân nhìn người yêu và đọc được trong ánh mắt nàng có chút gì “hơi” trách móc, chàng vội phân định:
– Không, anh nói người ta mà! … những người có thành kiến í chứ! Nhưng đây nè! … Ðây mới là vấn đề anh đặt ra … Nhưng cũng chỉ để các bạn góp ý và bàn cãi cho vui thôi! Thế này nhé:
Ai trong chúng ta cũng biết rằng cả Ðức Mẹ lẫn Thánh Giuse đều “Khấn hứa giữ mình đồng trinh” nên xem ra cuộc hôn nhân của các Ðấng chỉ là làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi! chứ chưa chắc hai người đã “Yêu” nhau. Các bạn nghĩ sao ? Tất nhiên các bạn phải hiểu chữ “Yêu” theo ý Trân nói, không phải như “bọn mình” yêu mến, quí trọng nhau thế này đâu!
Uyểnmy se sẽ cười, nàng nhìn Duy Trân với Diễmly bằng một ánh mắt khám phá:
– Chắc Duy Trân muốn nói về một thứ tình yêu như Trân dành cho Diễmly, cũng như Diễmly dâng hiến cho Duy Trân phải không ?
Diễmly giẫy nẩy lên:
– Làm gì có ! Cái gì mà dâng với hiến! … Họa chăng phải hỏi anh Vũ với chị Huyền! … Eo-ơi, Uyểnmy … nói cái gì mà … ghê quá! Hai đứa tui không có gì đâu à .. nghen!
Thấy Diễmly làm rối mù lên, Huyền cũng phải cười, nàng bảo:
– Diễmly em làm sao thế ? Tại em hiểu chữ “dâng hiến” một cách “Eros” quá! … “bạo” quá đấy thôi! Chứ cho nhau tình yêu chân thành, thì có gì mà phải giẫy nẩy lên như bị “phỏng” ấy ?
Diễmly điềm tĩnh, gật đầu, nàng hỏi:
– Thế chị vừa nói cái gì là eros … đấy ? Em không hiểu !
– Huyền quay sang Trần Luân, nàng cầu cạnh:
– Lại phải nhờ đến Trần Luân thôi! Trần Luân mà kể chuyện “điển tích” thì không ai bằng. Luân giúp Huyền được không ?
– Dạ được … chị!

(Số tới, chúng tôi mời độc giả đón xem “Eros”, câu chuyện tình lãng mạn giữa một nam thần với một đệ nhất mỹ nhân, nàng đẹp đến nỗi nữ thần nhan sắc cũng phát ghen … tương, và tạo ra một cuộc tình sóng gió, bão bùng, nổ khắp gầm trời thế nhân lên tới tận đỉnh non thần)./.

Tg: Uyênly