“Đường mòn tràn ngập hoa may,

Gió heo báo trước một ngày thu sang.

Dừng chân trước cửa nhà nàng.

Thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau.

Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu.

Lá rơi lả tả bên lầu như mưa …”

Bữa ăn chiều vừa xong, Duy Trân ra đứng ngoài “ban-công” ngắm cảnh sinh tình, chàng nổi hứng ngâm lên mấy vần thơ, khiến mấy cô bạn gái đang bận dọn dẹp, cũng dừng tay, lắng nghe. Uyểnmy khúc khích  cười, nhìn Diễmly, nàng ghẹo:

– Khiếp quá! Mới vắng nhau chút xíu thôi, mà đã “Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu”. Rồi vọng ra ngoài “ban-công”: Nàng ấy đang ở trong này nè! … Duy Trân! … Coi chừng kẻo lại hồn rơi lả tả như mưa trên lầu.

Vyvy cũng góp vui:

– Không ngờ, anh Trân cũng có một tâm hồn đầy thơ … Diễmly nhỉ ?

– Thơ thẩn thì có … chị! Diễmly đáp. Nàng tiếp: Thơ của người ta chứ chẳng phải của anh ấy đâu!

– Đúng vậy! … Trân thong thả vừa đi vào vừa nói: Trân có diễm phúc được là thi sĩ đâu! Thơ của Nguyễn Bính đó Vyvy ạ! … Hay không ?

– Em thích thơ Nguyễn Bính lắm! Vyvy tiếp: Nhưng mấy câu anh vừa ngâm đó thì thật sự mình không biết!

Trân ngửa mặt lên trần nhà, lim dim đôi mắt mơ màng, ngâm tiếp:

“Cho tôi ép nốt dòng dư lệ

nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên”

 

Bấy giờ ai cũng la lên: “Thơ của T.T.KH”. Duy Trân mỉm cười, gật đầu:

– Đúng! … Ở đây các bạn đều là độc giả của Chân Lý, nên ai cũng biết giai thoại về T.T.KH cả … Dạo ấy, sau khi cả năm bài thơ của T.T.KH. được đăng lên rồi, thì Nguyễn Bính lấy ba chữ “Dòng Dư Lệ” của T.T.KH. làm đầu đề cho một bài thơ khá dài viết tặng người con gái ấy. Bài thơ của Nguyễn Bính cũng là một câu chuyện tình bi đát, không kém phần lâm ly như chuyện đời T.T.KH.

– Anh kể cho  bọn này nghe đi! Vyvy yêu cầu.

– Tiếc là Trân không thể nhớ hết, nhưng chỉ nghe một đoạn người bõ già nuôi tiểu thư kể lại, tưởng cũng đã có thể nắm được nội dung câu chuyện. Để Trân đọc cho các bạn nghe nhé! Đây là lời của ông bõ già:

“Cô tôi nhạt cả môi hồng,

Cô tôi chết cả tấm lòng ngây thơ.

Đâu còn sống lại ngày mơ,

Đâu còn sống lại bên bờ sông yêu?

Buồng the sầu sớm thương chiều.

Khóc thầm biết có bao nhiêu lệ rồi.

Tơ duyên đến thế thì thôi!

Thế là uổng cả một đời tài hoa.”

 

Uyểnmy hơi rơm rớm nước mắt … lát sau, nàng vừa ngẩng mặt, vừa nói:

– Tình yêu! Tại sao tình yêu lại cứ luôn mâu thuẫn thế nhỉ ? Nó vừa cho người ta niềm vui, cũng vừa mang lại những tháng ngày khắc khoải. Hạnh phúc vừa nắng lên, đã lại mưa tràn đau khổ.

Huyền  ôm vai Uyểnmy:

– Em cứ làm như một người yêu đương từng trải không bằng! … Thôi nha! … Đừng có trở thành như … một nữ hoàng sầu muộn! Huyền vừa liên tưởng tới khoảng đời thơ ấu của Uyểnmy mà nàng đã có lần được nghe kể (Trong “Thuyền tình một lá ra khơi”, đã đăng trong Ch.Lý).

– Tuy là em chưa có kinh nghiệm về tình yêu, Uyểnmy tiếp: Nhưng đã nghe biết bao nhiêu chuyện tình rồi. Em nhớ hôm trước anh Trần Luân bảo: “Tình yêu Làm cho các đối tượng của nó phải bồn chồn, bứt rứt, có khi bỏ ăn, mất ngủ. Trái tim lúc xót như muối, lúc mềm như dưa. Lúc nóng như lửa đốt, lúc cuồn cuộn như nước thủy triều dâng. Trái tim này đi tìm kiếm trái tim kia cách điên dại. Có khi nhức nhối, lạnh buốt như bị dìm trong băng tuyết, khiến cho tâm hồn giá lạnh. Có những trái tim đau đớn khôn cùng, tưởng như nửa hồn đã chết, nửa hồn còn lại ngu ngơ dại khờ”. Ngay trong “Diễm ca”, Tình yêu của nàng Sulamit và chàng mục tử cũng không ngoại lệ. Đã bao lần nàng trằn trọc chẳng sao ngủ được, đến phải tung cửa, lang thang trong đêm lạnh, gió lùa, đến nỗi có lần còn bị lính tuần ức hiếp … Trần Luân! Anh đồng ý với em không?

– Anh đồng ý chứ! Chàng tiếp:

– Câu chuyện “thần thoại Hy-Lạp” cho thấy: Eros, vị thần đẹp nhất trong các thần, có sức làm tê liệt tứ chi, xâm chiếm con tim mọi thần linh và người trần. Luân còn nhớ câu“Tình yêu có sức chế ngự mọi lý trí và con tim” trong Scivias của Hildegard xứ Bingen(1). Và sở dĩ em thấy Tình yêu có những mâu thuẫn vì theo Platon trong tác phẩm “Bữa Tiệc”, Eros có hai bản chất: Chàng vừa là con của Aphrodite Pandemos, nữ thần của nhục dục thô bạo, vừa là con của Aphrodite Ourania nữ thần của tình yêu thanh khiết. Theo Alexandre trong “Aphrodiasis”, các biểu tượng về Eros như: cung, tên, băng bịt mắt, bó đuốc và là một thiếu niên hay cậu bé có cánh khỏa thân, đã nói lên cái ý-nghĩa của tình yêu là xung lực cơ bản của sinh tồn, là cái libido dục năng, hiện thân cho một dục vọng không cần môi giới, và không biết che giấu mình, thúc đẩy mọi tiềm năng của bản thể, tự thể hiện qua hành động. Nhưng đồng thời cũng theo nguyên lý: libido tự sáng lên trong ý thức, để có thể trở nên một sức mạnh tinh thần và làm thăng tiến cái gọi là đạo đức hay thần bí trong tâm hồn, để tìm kiếm một trung tâm hòa hợp chứ không chỉ là sự chiếm hữu (xin xem lại câu chuyện tình yêu giữa Eros & Psyche đã được tường thuật trong báo Chân-Lý, để thấy rõ điểm này). Hai sinh linh hiến mình cho nhau và quên mình vì nhau, mỗi người tìm thấy lại mình ở người khác.

Nhưng khi ở tình yêu bị suy đồi, nó trở thành nguyên lý của sự ly khai và sự chết. Một tình yêu của sự suy đồi biểu hiện lên đặc tính triệt hạ giá trị của người khác, hòng bắt nó làm nô lệ cho mình một cách ích kỷ.

Qua câu chuyện thần thoại nổi tiếng về Psyché (nàng công chúa của tâm hồn) và Eros (thần tình yêu), Các anh chị! Chúng ta thử đóng góp với nhau xem có thể rút ra được những điểm giá trị nào ?

DiễmLy phát biểu trước:

– Eros lúc đầu là biểu tượng của thứ tình yêu ham muốn khoái lạc. Psyché hiện thân cho tâm hồn (cũng là bản chất của nàng) muốn tìm hiểu tình yêu ấy. Cha mẹ nàng tượng trưng cho lý trí, xếp đặt theo sự tất yếu thường tình thế gian.

– Lâu đài được Eros dựng lên để nhốt Psyché ở trong đó, là một sự trình diễn những hình ảnh cám dỗ của xa hoa, dâm đãng, sản phẩm của mộng mị. Nhận xét của Vũ, chàng tiếp: Mỗi người khi yêu, trong lòng mình cũng dựng lên một lâu đài, nhằm nhốt người mình yêu vào trong đó. Trước hết, là muốn dành cho người mình yêu tất cả những gì mình có, cả những gì mình thích … và sau nữa là người ấy chỉ là của riêng mình, không ai có quyền xâm phạm. Không muốn chia sẻ cho ai về bất cứ phương diện nào, hoàn cảnh nào, trạng thái nào … thuộc về người mình yêu. Bất cứ người nào khi yêu, cũng muốn dựng lên một “lâu đài tình ái”, nhưng là loại lâu đài chỉ riêng cho hai người. Một thứ lâu đài không bao giờ muốn có khách bước vô.

Mọi người đều vỗ tay, khen Vũ nói hay quá! Huyền tiếp nối ý tưởng của Vũ:

– Đêm tối và sự chấp nhận không nhìn thấy người tình của Psyché là sự bãi miễn tinh thần và chấp nhận một sự lôi cuốn vào sa ngã. Đó là sự giao mình mù quáng cho cái mình không biết.

– Sự về thăm cha mẹ là sự tỉnh giấc của lý trí, một đôi khi. Phát biểu của Vyvy.

– Những câu hỏi đặt ra của các chị là những câu hỏi của trí tò mò. Nó không phải là một ý thức trong sự sáng suốt, nhưng là của hồ nghi. Sự tò mò và hồ nghi khiến con người dễ vượt qua sự cấm đoán. Khám phá của Duy Trân (Anh chàng đang học Kinh Thánh để nhập đạo). Chính con rắn trong vườn địa đàng đã gợi dậy trong tâm hồn Eva sự tò mò và hồ nghi, để Eva bị lôi cuốn vào cám dỗ và nàng đã vượt qua sự cấm đoán của Thiên Chúa.

– Khi Psyché bị cám dỗ bởi sự muốn nhìn thấy hình tượng thân xác người yêu, nàng đã lỗi giao ước với Eros. Sáng kiến của Uyểnmy … và nàng thắp lên ngọn đèn dầu (Độc giả nào chưa đọc Psyché và Eros thì phải đọc, nếu không sẽ không hiểu. Đã đăng trong Chân Lý trước đây). Khi ngọn đèn dầu được thắp lên, việc trước hết là “tâm hồn” khám phá ra cái đẹp quyến rũ của thể xác giữa một bóng tối dầy đặc. Bất cứ sự khám phá đầu tiên nào giống vậy, cũng gây cái đê mê huyền ảo của một “tri thức không phải là tri thức”, nghĩa là một cái biết trong ánh sáng mờ mờ giữa cái đen đen – một đặc tính – của bóng tối. Và kinh khủng nhất là bóng tối của tri thức. Chính cái cảm giác đó đem lại sự gây mê về tinh thần. Khi giao ước bị phá vỡ thì thiên đường ngay tức thời mất đi: xin các anh chị nhớ lại câu chuyện ở vườn địa đàng trong Sáng Thế Ký . Cũng vậy, ngay trong giây phút tưởng như đắm say nhất, tưởng như thỏa mãn nhất của trí tò mò và lòng hồ nghi, thì Eros “bị” biến mất – tình yêu biến mất – Tình yêu biến mất, thì thiên đường tình yêu không còn! Và tức thời, Psyché khổ não trong sự thức tỉnh phiêu bạt khắp thế gian. Thì ra từ nguyên thủy Tình yêu đã là đau khổ.

Mọi người đều vỗ tay khen ngợi phát kiến của Uyểnmy.

– Aphrodite truy kích Psyché khắp nơi. Đây là hiện tượng nữ giới “ghen” sắc đẹp với nữ giới. Góp ý của Trần Luân: Đó cũng (gần) như là một định luật! Tục ngữ Việt nam có câu: “Mẹ cũng còn không muốn con trắng đùi”. Người mẹ ghen tình yêu của Eros – con trai mình – khi phát hiện một nhan sắc khác đối đầu với nàng. Câu chuyện này cũng nói lên một nguyên lý phụ, nhưng lại chiếm một khoảng dài thời gian, đến nỗi người thuật chuyện phải cắt đi, vì nếu không sẽ dài quá, đó là: Cái ghen của đàn bà là kinh khủng nhất trên cõi đời. Psyché đã phải nếm trải biết bao nhiêu tra tấn, cực hình nơi địa ngục do Aphrodite áp đặt lên nàng, đến nỗi Perséphone(2) cũng phải cảm động mà ban cho nàng một hộp khí “Trường Xuân Sắc”. Vũ tiếp nối:

-Rồi một nguyên tắc (xuất hiện trên cõi đời, và chỉ trong thế gian này thôi) có thể coi như định luật rằng: Hết “xui” thì dồn “hên”. Sau những cam go, khổ cực đến “chết” đi, thì tới hồi “phục lai” hay được cho sống lại. Eros sau khi phá được cánh cửa sổ mà mẹ chàng đã nhốt chàng, chàng liền bay đi khắp nơi để kiếm người yêu. Điều này nói lên từ nguyên thủy, tình yêu đã có cánh, và không có gì có thể trói buộc được nó. Nhưng điều này lại nói lên một bí ẩn khác: Đó là hình ảnh “tình dục” đeo đuổi “tâm hồn”. Khi mũi tên của Eros đánh thức Psyché và làm cho nàng chỗi dậy, rồi chàng bảo: “Từ nay anh sẽ mãi mãi ở bên em”, rồi chàng chạy đến Zeus, vị thần của các thần để yêu cầu ngài can thiệp. Lần này cuộc hôn phối được thần Zeus tác thành, nghĩa là không như cuộc hôn nhân trước kia trong lâu đài giữa hai người. Đây là một sự giao hòa giữa ái tình và tâm hồn không chỉ ở cấp độ nhục dục mà còn ở cấp độ tinh thần.

Huyền kết thúc:

– Tình yêu đã thực sự được thánh hóa: Ở đây ta thấy hai bình diện vừa tâm hồn vừa thể xác, của “lương tri” và “dục vọng” hòa giải và hòa hiệp với nhau. Eros từ nay không còn là một ám ảnh “quái vật” (tức con rắn thần, hay con vương mãng xà) như nàng từng lo sợ trước kia nữa, nhưng là một tình yêu đã hòa nhập vào cuộc sống. Diễn tả theo cách khác: Psyché hay “Tâm Hồn” kết duyên với hình ảnh thăng hoa của tình yêu xác thịt; Nàng trở thành “vợ” của Eros trong tương quan của hai thành một: Đó chính là sự kiện “Tâm hồn” tìm lại được khả năng liên kết. Đến đây thì ta hiểu cách sâu sắc hơn thế nào là “hai trở nên một” trong Hôn nhân của người Công giáo.

Chính trong tinh thần mức độ “thăng hoa” của tình yêu xác thịt hòa nhập với tâm hồn, chúng ta mới quen thuộc được ý nghĩa tượng trưng (typical) của tình yêu trong sách “Diễm ca”, và khi đọc “Diễm ca”, tâm hồn chúng ta mới hòa nhập được làm một với tâm hồn các nhà thần bí học Kitô giáo, chẳng hạn như Thánh Bernard, Thánh Jean  de la Croix (Gioan Thánh giá), Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu … và các giáo phụ, cũng như những người đã quan niệm tình yêu giữa người chồng và người vợ “yêu dấu”, được giải thích như tình yêu của Yaveh với Israel, giữa Chúa Kitô và giáo hội, hoặc của Thiên Chúa với các linh hồn.

Uyênly  

Ghi-chú: (1). Hildegard of Bingen (German) (1098-1179): Thuộc dòng nữ Biển Đức, một nhà tiên tri, nhà thần học, nhà văn, nhà thơ, nhà sáng tác nhạc, và được quần chúng thời đó ca ngợi vì tranh đấu cho nữ quyền. Năm 38 tuổi làm Bề trên, năm 40 tuổi được đặc biệt có nhãn giới về tâm linh, được Chúa nói cho nghe và hướng dẫn cho biết nhiều điều phi thường (mặc khải tư) về bản tính Thiên Chúa, về linh hồn… Bà ca ngợi quan hệ giới tính nơi con người như sự hiệp thông tinh thần, đẹp đẽ, chứ không phải chỉ là phương tiện sinh sản. Bà viết các vở kịch đạo đức, sáng tác 77 ca khúc, 37 bài thơ, 300 lá thư và 9 quyển sách. Ngoài Scivias, hai cuốn: De Operatione Dei và Liber Vitae Meritorium là những tác phẩm quan trọng về thần học.

(2). Perséphone: Con gái của thần Zeus và Stysse. Nàng là nữ thần của con sông dưới địa phủ. Chồng nàng là Hadès, chính là ông thần Địa phủ. Thực ra Hadès là chú và là người cưỡng đoạt nàng, và Perséphone chính là tù nhân của chồng, khi ông này xúi nàng ăn một hột lựu, vi phạm quy tắc nhịn ăn của địa phủ, nên phải vĩnh viễn chịu tội.

(3). Psyché (và Eros) là từ của Hy-lạp, nghĩa chữ psyché là “Tâm hồn” và cũng là “con bướm”. Thoạt đầu, thần thoại cổ xưa thể hiện “tâm hồn” bằng hình ảnh con chim, khói bay, hay hơi nước. cho đến thế kỷ thứ V – IV tr.c.n. mới xuất hiện biểu tượng mới là “con bướm”, hoặc người thiếu nữ xinh đẹp có đôi cánh bướm. Nhưng có điều lạ này là: trong cuộc sống, có nhiều người nhận được thần giao cách cảm, về người mình yêu, qua việc con bướm xuất hiện và quanh quẩn bên mình, để báo cho một tin vui (nếu là bướm ngày), hoặc một tin buồn (nếu là bướm đêm). Tuy nhiên cũng chẳng lấy gì để mà cắt nghĩa được hiện tượng! Còn việc chim Bồ câu biểu hiện của Thánh Linh lại là việc khác.