– Anh ơi! … Mai này khi anh đi rồi, đối với em cuộc sống này không còn là gì nữa cả.
– Không phải chúng ta đã mất nó từ lâu rồi sao ?
– Em hiểu! Nhưng bấy lâu nay, em vẫn còn có anh … Còn anh là còn tất cả!
Người con trai nhíu mày trong một thoáng ưu tư, rồi dứt khoát:
– Không, chúng ta đừng tự đánh lừa mình nữa!
Người con gái chớp chớp mắt, ngước nhìn người tình:
– Em không tin rằng: Anh đã hết yêu em! … Dù anh có nói gì em cũng không tin!
… Hoàng hôn đã lẩn trốn từ lúc nào. Thời gian như một cơn bão “sa mạc”, vụt đến rồi cuốn hút, để lại sự hoang tàn, đổ vỡ … trong tâm hồn con người của một thời chưa kịp bước hết tuổi thanh xuân của mình … đã vội cội cằn. Thật là oi nồng và nghẹt thở! Trong bóng tối hôm nay, ngoài kia những tàng cây đứng im lìm như hàng cổ mộ. Còn một chút ánh sáng mờ xuyên qua kẽ lá, vẽ thành từng vũng đen bất động dọc dài theo con phố.
Duy vẫn ngồi yên như một pho tượng! …
Tôi chợt nhớ tới bức tĩnh cảnh “Người phụ nữ bên bờ suối”(2); hay cảnh tịch mịch chết người bên “Sông Sen ở Sa-Tu” (3), treo trong phòng đọc sách của ông nội, cùng với sự im lặng cặm cụi làm việc của ông trong những năm tháng cuối cùng của một đời người. Kế đến là một ngày của chiếc quan tài, rồi căn phòng trở nên lạnh lùng ghê sợ. Tôi đang là một hình tượng của bức tranh tĩnh vật đêm nay. Nhưng lại không biết ai đã vẽ nên hình tượng thảm não này! Tôi là tranh hay tranh là tôi (4) ? Tôi đang nghĩ tới những ngày hoang liêu sắp đến. Tự nhiên trái tim tôi buốt lạnh như chưa từng bao giờ băng giá đến như vậy.
Tôi cố bám víu lấy chút ánh sáng trong đốm lửa sắp tàn:
– Anh, thế còn tình yêu của chúng ta … thì sao ?
– Lẽ tất nhiên, mọi thứ trong đó, bao gồm cả “tình yêu” … mà anh phải ra đi.
Duy quay hẳn mặt về phía tôi. Tôi lại ngẩng đầu nhìn chàng trong cái nhìn chập chờn hoen lệ. Duy như sợ hãi, vụt quay đi trong tiếng thở dài.
– Chúng ta cần phải can đảm lên! Đàng nào thì cũng đã phải đến lúc rồi! … Anh sẽ không để sự yếu mềm khỏa lấp tiếng còi tầu đêm khuya.
Suốt bao lâu nay, chàng tiếp … Anh không còn là mình của ngày xưa nữa ! Mình đã sống như một loài sên, hay là loài giun, dế … Chỉ cần một tiếng động nhỏ, hay tiếng xào xạc của lá cây, cũng đã vội lẩn tránh, thu mình vào trong hang. Thực là tồi tệ hơn loài cú vọ, vò võ trong đêm … hằng losợ. Còn em, em thấy không, có còn đâu sự hồn nhiên, hăng say ngày nào tuổi mới lớn, rong ruổi trên những con đường dưới lá me xanh, đón bắt tương lai trong những ánh nắng vàng nhuộm tà áo mới … Thế rồi, để đến hôm nay, em đã bị bắt buộc phải cắt đi vạt áo đời mình(5). Khi phố xá bị thay tên thì những mảnh đời của mỗi con người như chúng ta, có khác nào những chiếc bong bóng nước trong những trận mưa dài, vỡ tan trên hè phố. Ngày tháng vây quanh chúng ta bằng âu lo, sợ hãi. Tuổi trẻ chưa dám nghĩ đến tương lai, thì bút nghiên đã xếp lại … Còn gì đâu em ? Chúng ta làm sao nuôi lớn nổi tình yêu trước một khung trời thu hẹp trong ngưỡng cửa tù đày ? …
Tiếng Duy vẫn thản nhiên như bước đi của tử thần, mặc cho tôi run sợ theo từng cơn nấc!
Tôi biết tình yêu tôi đang lần đi đến ngưỡng đoạn đầu đài. Chiếc thòng lọng đã thả xuống. Qua đêm nay … Chỉ qua đêm nay thôi ! Tôi không dám nghĩ tiếp !
… Chợt trong tiềm thức tôi, những bước chân thầm lầy lội trong vũng nhớ … của một buổi chiều xám mênh mông … Tôi thấy bóng hình tôi đi nghiêng ngả giữa hai hàng cây khuynh diệp lá rủ, của một con đường ra khỏi nghĩa trang Quân đội. Trước đó, tôi đã ngất đi khi viên đất cuối cùng thẩy xuống mộ người anh đáng kính suốt cả đời tôi …
Tôi muốn la lên, muốn Duy ngưng tiếng kinh cầu cho một cuộc tình sắp mất. Đôi môi tôi đã run lên: “Duy ơi! … Rồi đây, ai sẽ đưa em đi đến cuối cuộc đời ? còn anh đang phong kín hồn em bằng những lời tạ từ băng giá ?”. Duy đã chẳng nghe thấy tiếng tôi rung theo bờ môi. Tiếng Duy vẫn lạnh lùng như hồn ma đi trong đêm vắng.
Tôi không còn đủ nghị lực để ngồi yên đó nữa! Bước chân tôi vụt trốn chạy cơn hấp hối của trái tim. Tôi lao đi thật nhanh, đi vào căn nhà đầy ắp bóng tối. Ngọn điện chiều chưa kịp lên. Tôi gục xuống bên mép giường. Hình như tôi đang thương hại tôi, thương những giọt nước mắt di tản trong đêm này!
… Cho đến lúc, tôi chợt nhận ra bàn tay chàng đặt trên đôi vai mình, nhưng tôi muốn quên đi tất cả. Vậy mà đầu tôi vẫn chỗi dậy. Tôi còn yêu! Tôi vẫn yêu! Tôi cứ yêu … Duy đã rời tôi lại bên bàn, bật cho ngọn điện sáng lên, xua đuổi bóng tối ra ngoài, nhưng bóng tối trong lòng tôi thì vẫn vậy, không ai có thể khêu cho đốm lửa sắp tàn trong hồn tôi bùng lên được, vì tôi cũng đã vừa làm xong một quyết định: Tôi đành niệm tình yêu của tôi vào trong bóng tối miên viễn đời mình, cho một bình yên vĩnh cửu, vì tôi đã quá mỏi mệt lắm rồi! Tôi không khước từ mọi người bỏ tôi … đi! Nước mắt đã khô, môi tôi cũng ráo hoảnh:
– Duy … Khuya rồi! Anh về đi! Chúc anh … khi đến chân trời ấy, có trái cây thơm lành, có tiếng chim xanh ca hát!
Duy mỉm cười nhìn tôi. Tôi phá lên cười theo. Tôi chỗi dậy, chầm chậm bước tới bên Duy … chìa tay cho anh bắt, tiếng cười vẫn chưa dứt. Tôi nhìn trong ánh mắt phản chiếu nỗi ngạc nhiên … càng khiến trận cười thành điên dại … cho đến khi hơi thở trở nên hụt hẫng, thần trí rã rời, tôi không còn cười nổi nữa! Chàng vừa mới ôm lấy tôi. Người tôi buông thõng, đầu tôi gục lên vai chàng. Trong cơn sốt của tình yêu … tôi thấy tôi đang nghiêng ngả đi trong mưa tuyết bão bùng. Tôi như người té sấp xuống giữa vũng lầy băng giá, rồi lịm chết! Nhưng không lâu, thần trí tôi vụt thắp sáng lên như một đốm lửa sắp tàn. Tôi đẩy Duy sang một bên … mà nghe bên tai vang vọng tiếng cười của chính mình … vi vút trong đêm.
– Ly … Em điên rồi sao ?
– Còn anh ? Sao lại … không điên ?
Duy im lặng, dìu tôi tới thành ghế, chàng ấn nhẹ bờ vai, bảo tôi ngồi xuống, nhưng tôi nhất định:
– Đã bắt tay rồi! Anh về đi!
Tôi buột miệng ngâm:
“ Người đi như cánh hạc vàng,
Ngàn năm mây trắng ngỡ ngàng còn trôi”.
(Lời thơ của Nhạc sĩ Nguyễn Hiền)
Anh yên tâm, ngày mai khi anh đi rồi! Nơi đây, cả một khung trời miên viễn kéo khăn tang! Phải! Ngàn năm mây trắng. Sẽ là “Ngàn năm mây trắng” không sai!
– Đáng lẽ em phải chúc lành cho anh … mới phải chứ!
– Chúc lành à ? … Người ta có thể chúc lành cho nhau được sao ? Lần trước tới đây, anh gấp cho em một con chim bằng giấy. Anh nhớ không ? Thoạt đầu, em thích lắm! Còn bảo anh dậy em gấp. Em sẽ gấp thật nhiều, để mỗi ngày xa vắng, em sẽ sai chim đi báo tin cho anh biết “mình” đang nhớ! Nhưng chỉ ít phút sau, em đã rùng mình kinh khiếp, vì không biết tại sao trên mình chim đầy những chữ “Tragique”. Em hỏi: Sao lại là Tragique ? Sao lại là những chữ này ? Sao không là những chữ khác ? Có phải đêm qua, ngồi một mình anh đã chỉ viết toàn là Tragique đầy lên trang giấy ? Và hôm đó anh đã thú tội, vì chẳng còn chữ nào khác! Em thật không hiểu cho đến lúc nghe tiếng anh thở dài, nhìn xuyên thấu bóng tối ngoài sân qua khung cửa sổ:
– Còn thế giới nào “Bi-đát” hơn thế giới ta đang sống ? Còn có loài nào hẩm hiu hơn loài Việt Nam ?
– Sao anh lại gọi là loài Việt Nam ?
– Vì ta chẳng giống ai cả ! Ta giống loài … sâu bọ, chỉ biết cắn đuôi nhau mà lầm lũi đi vào “tanh hôi”. Đứa đi trước chưa kịp chết, đứa đến sau bò lên, tranh nhau rúc rỉa. Kẻ chết trước mồ mả chưa xanh, lũ đến sau lôi dậy, giành đất sống (6) ! Xưa nói “chết mỗi người một mồ”, nay sống phải mỗi người một nơi! Em có còn thấy bao giờ, dưới khung trời này còn có màu xanh “hạnh phúc” ? Nếu không thì chẳng toàn là “Bi đát” hết hay sao ? Hôm ấy, em lắc đầu “cười khó hiểu”, bị anh nghiêm sắc mặt, lạnh lùng vặn hỏi:
– Ba em đâu rồi ?
– Anh có điên không … mà lại hỏi ?
– Sống giữa lũ người điên … chẳng lẽ mình còn không điên ? Ba em vì xây dựng quốc gia mà thân chịu tù đầy. Mẹ em phải bon chen tần tảo, thờ chồng nuôi con … đến giờ này còn lặn lội xa xôi ngàn dặm. Anh em một đời đem xương máu tô bồi non sông, bảo vệ dân lành, cho họ những thuở thanh bình nuôi đồng lúa vàng. Vậy mà tên ghi trên mộ bia, bị chúng kêu là “thằng phản quốc”.
– Em van anh, xin anh đừng nhắc đến nữa! Em đã cố quên đi hết cả rồi!
– Em quên đi thật ư ? Em có thể quên đi … ngay cả chuyện mới xảy ra hôm qua … đứa em của mình bị bắt lính sang Miên, để rũ xác ở một nơi chúng ta chưa bao giờ đặt chân tới ?
Hôm ấy tôi đã chịu thua và thầm im lặng. Nhưng hôm nay, vì anh hỏi tôi “Sao không chúc lành cho sự ra đi … từ bỏ tôi, giã từ mối tình đã ‘chín mùi’ những tháng năm … của anh”. Nên tôi không im lặng nữa!
– Vâng, tôi đã quên hết! … và bây giờ, một lần cuối xin được quên anh!
Giọng Duy buồn trầm, buông lơi … như xám hối:
– Nhưng … chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên được gì cả!
Tôi im lặng, cúi đầu và thầm thỉ trong tim:
– Vâng, không bao giờ quên được! không bao giờ quên được! …
Niệm khúc cuối trong tâm tôi nhỏ dần rồi mất hút … trong hơi thở đứt khoảng của Duy và bên tai tôi có tiếng thì thầm:
– Ly ơi! Anh sẽ chẳng bao giờ quên em được! … nhưng, em hãy nhìn xuống dưới chân … Mảnh đất này đã nứt lở … thì không có lâu đài nào xây trên đó được!
Duy nắm lấy hai bàn tay tôi, bằng cả hai bàn tay chàng, dường như tất cả đều là những bàn tay băng giá … Rồi chàng nhìn tôi thành khẩn:
– Anh không giữ trong tay một kho tàng, hay danh vọng nào cả! Anh chỉ giữ trong anh một hình ảnh của buổi chiều nắng vàng nhuộm mái tóc em! (7).
Thật là lạ lùng! Nước mắt tôi bỗng nhiên nhỏ xuống … ướt đẫm đôi bàn tay Duy. Tôi vừa chợt hiểu: Tôi phải hy sinh … cũng như chàng chấp nhận hy sinh. Dù sự hy sinh ấy phải trả giá bằng nỗi vô cùng đớn đau! Tôi để yên cho Duy khêu lên ngọn lửa sắp tàn trong tâm hồn … và trong tôi, dường như đã có chút hơi nóng sưởi ấm con tim. Nhưng rồi nó lại tắt ngủm liền trong hình ảnh của chia ly … Anh đi rồi (trong nghẹn ngào, tôi thầm nghĩ) … em cũng tàn tạ thôi ! … Mảnh đất nứt lở này, đã không dung chứa mầm mống của yêu thương … thì nó cũng sẽ chỉ còn là mảnh đất người ta dùng để xây mộ cho những con tim rướm máu.
… Ôi “Đêm Việt Nam!” – Xin loài người hãy nhận Danh Từ mới này vào các Tân Từ điển như La Rousse của Thế kỷ hôm nay để định nghĩa: Đêm Việt Nam là “đêm của tất cả mọi đêm không nhân quyền trên thế giới” – Đêm tiêu diệt hàng triệu con tim. Đêm thế giới trở mình chợt tỉnh ăn năn, vì đã nhúng máu chiên lành, hiến tế thần hung bạo(8)! Tôi đã nghe Duy đau đớn thốt ra lời trần tình đó vào chính đêm trước lúc chàng giã từ mọi thứ để ra đi.
… Tôi đã có hàng đêm thao thức, lo sợ cho tình yêu và hạnh phúc của đời mình, nhưng đêm nay mới đích thực là đêm lùa tôi vào vực thẳm – Đêm gọi đến tên tôi đi vào ngục thất của những trái tim bị tù đầy – Từ nay, giữa tôi và Duy đã có một biên giới xa thẳm dựng lên ngăn cách, và tôi suốt đời ôm song sắt chờ đợi tin nuôi …
Duy đã đi bặt cánh nhạn. Tôi cũng đã đi hỏi cùng khắp mà chẳng có chút tăm hơi. Không một cánh thư. Không một giòng điện tín! Khóe mắt tôi đã trở thành con suối cạn, vì phải chăng “lâu rồi đời mình cũng qua(9)”! Không còn giọt nước mắt nào xót thương cho người tù cô đơn nữa!
… Cánh cửa nhà nguyện của Dòng Kín đã khép lại. Soeur Agnès – người dẫn tôi vô đây – như một người mẹ, một người chị rất dễ thương. Bàn tay mềm mại, êm ái của chị (sơ) vuốt ve trên vai tôi, như một sự thoa nắn các vết thương. Giữa lúc lòng trí tôi như nồng nặc cơn nắng hạn của một buổi trưa hè, chị rót nhẹ vào tai tôi những lời ngọt ngào, dễ thương như cơn gió thoảng đầu hồi.
– Sơ có thể cảm thông được tất cả những đau khổ của em, nhưng sơ không thể làm gì để giúp em được! Một cách dễ hiểu là vì … Sơ đã không đau khổ bằng em ! Một khi sơ chưa có cảm nghiệm về một sự đau khổ hơn em thì nói gì cũng chỉ là một sự ve vuốt ngoài da. Nhưng sơ có thể giới thiệu với em một người “triệu lần” đau khổ hơn em. Người ấy yêu rất nhiều, mà lại chẳng được đáp lại bao nhiêu! Người ấy sẵn sàng cho đi, mà người tình quay lưng không nhận.
Sơ vừa nói vừa nắm bàn tay tôi, giắt tôi vô đây, rồi chỉ cho tôi nhìn lên Thập giá:
– Người ấy là … Chúa Giêsu ! Đấng bị đóng đinh, treo lên Thập giá. Em có tin rằng Người chịu đau khổ hơn tất cả mọi đau khổ của chúng ta chịu ở trần gian không ?
– Cho dù em tin điều sơ nói, thì Ngài cũng vẫn là Thiên Chúa. Còn em, em chỉ Là phàm nhân! Chị biết rằng sức con người có hạn!
– Đúng đấy! đừng gọi chị bằng “Sơ” nữa! Chúng ta xưng hô chị em cho thân mật! Dù rằng chị là “sơ” thật, nhưng danh từ ấy vẫn có vẻ như đứng về phía thuyết phục. Ở đây chị hoàn toàn không muốn thuyết phục em! Chị chỉ muốn làm sao chia sẻ được những đau khổ tận cùng trong cõi lòng em. Em hiểu chị chứ ?
– Dạ, em hiểu chị !
– Em ạ, Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, nhưng Người cũng hoàn toàn là một phàm nhân. Chính biến cố “Tin vào Chúa” của em giúp em khám phá ra Ngài là Thiên Chúa, qua dung mạo phàm nhân Giêsu. Một con người như chúng ta và đã từng lớn lên ở Nadarét. Ý em cho rằng những đau khổ ở trần gian, đối với Chúa không là gì sao ?
– Đã có lúc em nghĩ như vậy! Vì Ngài là Thiên Chúa mà !
– Em ơi! … khi người ta muốn ném đá hay tìm cách bắt Ngài, Ngài vẫn phải nhờ đám đông để lẩn mà đi! Đứng trước cuộc tử nạn, biết mình sẽ phải chịu vô vàn đớn đau, chịu chết cách nhục nhã, ê chề … Như chúng ta, Người đã vô cùng lo lắng, đến toát mồ hôi máu ! Vì cũng là con người – Một con người hoàn toàn đích thực – nên Người cũng yếu đuối như chúng ta, khi cất tiếng than thở với Cha mình: “ … Nếu có thể được, xin cất chén đắng này cho con …”. Chính vì những đau đớn quá, những sầu khổ, nhục nhã quá thê thảm trong tâm hồn, sự cô đơn bi thiết, não nề quá trong trái tim, mà trước khi gục đầu tắt thở, Ngài mới phải biểu lộ một sự đớn đau cùng cực trong tâm hồn: “Sao Cha nỡ bỏ con !”. Em cứ ngẫm nghĩ, và suy niệm đi ! Một Người thốt ra những điều như vậy không lẽ lại phát xuất từ một con tim gian dối ? Chỉ có những bọn đối nghịch với Đức Giêsu, mới đưa ra tà thuyết bảo Người là “Bán Thần Nhân”, tức “nửa Chúa, nửa người” như một số thần nhân trong huyền thoại Hy Lạp, xuất thân từ những cuộc tình vụng trộm giữa thần linh với phàm nhân. Luận thuyết đó nhằm đồng hóa Đức Giêsu với các “thần nhân” Hy lạp, hòng xóa bỏ Ơn Cứu Chuộc, hoặc biến Ơn Cứu Chuộc của Chúa Giêsu thành ra “Không” (10). Có thể chị nên dành thời gian cho em ngồi đây, em hãy kể hết từ đầu tới cuối, chuyện tình của em cho Chúa nghe! Kể những tai nạn xảy ra trong gia đình của em, những đau đớn của con tim, kể hết những phiền não, cô đơn, hiu quạnh đời mình, và … nói với Chúa: “Chẳng phải mình Chúa đau khổ và cô đơn đâu! Trên trần gian này … cũng đang có một cô bé rất cô đơn, sầu khổ giống Chúa đấy !”. Để Chúa thấy Chúa được an ủi. Biết đâu Chúa sẽ mỉm cười, và Ngài sẽ chia sẻ nụ cười được ủi an đó với em ? Em cứ ở đây nói chuyện với Chúa, chị đi làm công tác của nhà Dòng một lát, sẽ trở lại với em …
… Tôi sống như một chiếc lục bình cổ của ông tôi, đầy vết nứt theo năm tháng trong căn phòng lạnh lẽo, với tất cả những bức tranh tĩnh vật mà tôi cố duy trì, để chiêm ngưỡng đời mình. Mẹ tôi không chịu, bảo đem bán bớt, kẻo chính quyền lui tới đánh giá “gia đình giai cấp”. Rồi cuối cùng, khi tất cả đồ đạc trong nhà đã ra đi sạch sẽ, thì đến một ngày tới phiên tôi. Tối hôm ấy, cơm nước vừa xong, mẹ tôi ngồi xích lại gần tôi, vuốt tóc tôi. Người ôm tôi vào lòng. Tôi có linh tính như đã có chuyện gì lại xảy đến trong đời mình. Tự nhiên tôi run lên, toàn thân lạnh giá. Tôi thầm van vái, không phải tin về cha tôi. Nhưng nếu không phải là người, thì có còn gì liên hệ đến chúng tôi nữa đâu! Những giọt nước mắt nóng hổi của mẹ nhỏ xuống trên da mặt tôi lạnh như tiền. Tôi thu hết can đảm, lấy lại sự mạnh dạn cho tinh thần. Rồi đắm đuối nhìn vào mắt mẹ, như ngầm nói với người: Bình tĩnh đi mẹ! Khi nỗi đau khổ đã tận cùng, thì chẳng còn gì phải sợ hãi! Mẹ cứ nói đi! Chẳng phải riêng con, cả mẹ nữa … Chẳng phải là chúng ta đã sẵn sàng cả rồi ư ? Hãy đồng lõa với con đi! Con đã đồng lõa với bóng tối ngục tù này lâu rồi! Mặt trời đã không chỉ không mọc lên trên vùng đất quê hương này, nó cũng đã tắt lịm trong tâm hồn mỗi người chúng ta nữa!
… Sự chai sạn đã giết lần, giết mòn cảm xúc. Mẹ tôi tuy nghẹn lời … nhưng cuối cùng người cũng nói được một cách khẳng khái:
– Cha con bị nhà nước khép vào tội lớn lắm! Mẹ đi thăm, chứ không chắc có ngày đoàn tụ. Gia đình mình cùng chung số phận với cảnh “nước mất nhà tan”. Tuy vậy, mẹ không lo cho mình lắm! Mẹ già rồi! Bất quá cũng chẳng sống là mấy nữa. Mẹ chỉ còn nghĩ đến tương lai của con. Mẹ không muốn trước giờ nhắm mắt, thấy suốt kiếp đời con, đời cháu phận bạc tù đầy. Từ lâu, mẹ vẫn tìm chỗ gởi gấm cho con sớm ra nước ngoài. Sau này, thế nào vận nước cũng đổi thay. Trong cõi nhân gian này, chẳng có cái gì là vĩnh cửu. Mọi sự chỉ là phù vân, nay còn mai mất. Khi con cháu còn sống mà trở về, thì mảnh đất này hãy nhớ là mảnh đất của tổ tiên, bao đời dầy công xây dựng, bồi đắp. Phải giữ lấy quê hương, đừng để người khác giày xéo. Người xưa thường bảo: Con cháu phải nối tiếp nhau mà hương khói cha ông. Con đừng hiểu theo nghĩa hạn hẹp, tầm thường chỉ là “nhang khói”. Người chết chẳng ăn uống hay thưởng thức gì mấy thứ đó đâu! Mà phải hiểu theo cái ý thâm thúy của tổ tiên muốn chỉ dậy, là muôn đời phải giữ lửa cho quê hương. “Có lửa mới có khói”, “Lửa” đem lại hơi ấm cho con người. “Hương” là làng, là mảnh đất nuôi nhau. Đó là xây dựng tình người, và bảo vệ cho đất đai ngày thêm màu mỡ! Có như thế thì người chết mới thực sự được “ngậm cười nơi chín suối”, Và hai chữ “hương khói” mới đạt được đích điểm của tư duy dân tộc có Văn Hiến … Thôi, mẹ chỉ nói thế. Con đã khôn lớn rồi, đem sự hiểu biết ra mà thực hành, đừng cãi mẹ! Chiều mai sẽ có người đến đón con đi. Mẹ ở nhà nguyện cầu cho thuyền “thuận buồm xuôi gió” …
Đêm hôm ấy lại một đêm tôi thao thức trằn trọc mãi, với bao nhiêu kỷ niệm trong đời: Từ thuở còn ấu thơ cho tới ngày khôn lớn. Những kỷ niệm với cha tôi, mẹ tôi, anh tôi, em tôi, bạn bè tôi rồi người yêu tôi … Cả căn phòng mà lâu nay lúc nào tôi cũng thấy khó chịu, vì cô đơn lạnh lẽo. Bây giờ, nó đang hiện hữu trong tôi một cái gì ấm cúng; Gắn liền ruột thịt, khi tôi nghĩ đến ngày mai, trong đời mình. Ngày mai tôi phải từ giã người thân thương kính yêu đầu đời và cũng là người cuối cùng trong đời – Mẹ tôi – Còn Cha nữa! Rõ ràng người còn sống, mà tôi không được gặp mặt lần cuối! Không được nói lời giã biệt! Sao số phận lại khắc nghiệt với tôi như vậy? Ngày mai, nếu chuyến đi của tôi xuông sẻ như lời nguyện chúc của mẹ, thì tôi bắt đầu đích thực một cuộc sống đơn côi của một người con gái trong gió bạt, mây ngàn. Tôi cố thu lại hết những ảnh hình quen thuộc của căn phòng vào tiềm thức. Từ bốn bức vách tường vôi, dăm ba vết loang lổ thành hình bà tiên áo dài, ngày đêm đứng chúc phúc cho đời tôi. Trên trần, thẳng chỗ tôi nằm, nhìn lên, cái hình giống như một chàng kỵ mã giương cung bắn “ruồi”. Thỉnh thoảng vào những ngày Hạ nóng, có đôi ba chú ruồi đậu phía trước cung tên. Tôi vẫn thầm lẩm nhẩm lời chọc ghẹo thích thú: “Suốt đời ta chẳng thấy chú bắn được con mồi nào cả! Thế nào … săn mãi có mệt không?”. Tôi lại nghĩ tới những con mồi trong cuộc đời của mỗi người. Chẳng lẽ trong đời của mỗi người lại chẳng có lấy một mục tiêu, hay một cái đích để theo đuổi. Thế còn tôi ? Sao tôi lại chẳng thấy có một mục tiêu, hay cái đích nào rõ ràng trong cuộc đời của mình cả ? Lẽ nào tôi lại giống anh chàng kỵ mã kia – Một cái vết loang lổ tình cờ tạo nên hình ở trên trần, mang hình ảnh hay thân phận người xạ thủ – Một xạ thủ không mục tiêu, suốt đời đợi chờ những mục tiêu tình cờ xuất hiện. Đời tôi buồn đến thế ư ? Ngay cả tương lai khởi sự từ ngày mai của tôi, cũng chưa lần nào tôi mong đợi! Thế mà nó cứ đến. Tôi đang miên man ôn lại những gì sắp mất. Những gì từ mai đi miên viễn chỉ còn là những ảnh hình vương vấn trong tôi của “Một Thời Đã Qua” … Chắc chắn … chẳng bao giờ gặp lại!
… Bỗng tai tôi chợt nghe tiếng “lắt-chắt” trên trần nhà. Một con thạch sùng đang đập đuôi ngoái đầu lại. Một lát sau, quả nhiên như tôi dự đoán, một con khác chạy tới rượt theo. Một trò chơi cút bắt ? Không, dường như một cuộc tình đang săn đuổi. Tôi chợt nhớ tới Duy … Duy ơi, anh đang ở nơi đâu trong cái trái đất nhỏ bé này ? Anh có vẫn thường gọi đến tên em, như loài thằn lằn “chắt” lưỡi gọi nhau ? Duy ơi! Ngày mai, bắt đầu từ ngày mai … Em sẽ đuổi theo anh đây!
Tôi lại thường hay bắt đầu từ những ước mơ. Từ những lâu đài bao lần xóa đi rồi vẽ lại trong tiềm thức … Nhớ thuở nào, còn là cô nữ sinh mơ mộng, tà áo lụa là bay trong nắng chiều tan học. Tôi đã bao lần mỉm cười ngắm bóng mình chạy dài trên vỉa hè thành phố. Thỏa mãn và kiêu sa với tà áo tiểu thư, khi đàng sau tôi, dăm ba chàng trai trẻ trông vời mỏi mắt … Dạo ấy, tôi cứ tưởng đời mình sẽ đẹp như một bài thơ … Có những tiếng réo gọi “Ly ơi! Ly ơi!” của bạn bè những buổi sáng tinh mơ, dòn tan như những cánh sao thủy tinh bể … tung đi muôn hướng. Tôi thấy đời ngọc ngà vẫy gọi, tưởng như cô thiếu nữ nào vào đời cũng sẽ lắm đón đưa. Sống giữa Sài Gòn, tôi không nghĩ đến cuộc chiến một ngày. Cho đến khi cuộc chiến gần tàn … và anh tôi chết trận. Tôi mới chợt nhận ra sự tàn bạo của chiến tranh, nhưng dạo ấy, tôi vẫn chưa hiểu ai là những kẻ gây nên cuộc chiến ? Rồi chiến cuộc ngưng tiếng súng … Tôi ngơ ngác không biết vì sao quân ta đầu hàng, buông vũ khí … cho đến khi tôi nghe Duy cắt nghĩa tận tường thế nào là một con cờ thí. Những cánh chim bị cột, bắt buộc bỏ đường bay! Các tướng lãnh bị cột tay không cho cầm cự. Quân đội bị ra lệnh di tản lui binh. Đất đai màu mỡ, cùng với non sông gấm vóc lùi dần vào tay địch. Đến cuối tháng Tư … Tôi khóc như chưa từng bao giờ … được khóc! Khóc cho anh tôi, khóc cho tất cả những người đã nằm xuống. Khóc cho những người sống cũng như đã chết, phí một đời bảo vệ non sông! Khóc tiếc thương vũ khí mình trong tay địch ngạo nghễ, nhưng vẫn chưa thể ngờ rằng mình sẽ phải khóc cho cả mảnh đất dưới chân, sẽ từ từ bị lừa vào tay địch! … Rồi từ đó, mỗi ngày tôi mở mắt thêm sâu … Cuộc đời không còn như tôi tưởng. Đời đón đưa tôi bằng những cơn lốc, bão táp chứ không phải của những cơn gió ấm áp của tình yêu thương. Lâu đài trong mộng từ từ xụp đổ …
Một ngày của mùa Đông, năm 198… Anh sẽ chẳng lạ khi tháng Sáu trời mưa, nhưng tiết trời ở đây lạnh lắm! Có những ngày mưa tầm tã, không muốn ra ngoài. Bên ngoài khung cửa kiếng nơi em đang ngồi, là thảm cỏ xanh ướt sũng đến chân rào. Trời vẫn một màu xám tối. Những cây thông bút chì, đứng buồn và thẳng tắp, thu mình, chịu lạnh như những anh chàng lính Nga trong bộ đồng phục mùa đông, lặng lẽ vùng biên giới. Em còn nhớ “Mùa Đông ở Mốt-cô-va”, cuốn phim anh đã đưa em đi xem ở REX năm nào. Nhắc đến cuốn phim này, em lại nhớ cô nàng Mi-nô-va có mái tóc vàng óng, trông rất dễ thương. Tội nghiệp nàng đi tìm người yêu khắp nẻo! Nàng đi từ mùa Xuân, xuyên qua mùa Hạ, chạy dài suốt mùa Đông, chứng kiến cảnh thành phố xụp đổ. Khắp các chiến trường in dấu vết chân son. Đến đoạn nàng gục ngã trên băng tuyết, nhìn những cánh tuyết tuy mỏng manh, nhưng cứ tới tấp phủ lên mình nàng … rồi che khuất. Tự nhiên em thấy tim đau nhói. Anh có biết không, lúc ấy em cứ thầm van vái: “Chúa ơi! Sao cô gái bé bỏng này … lại phải chịu đọa đầy, gian truân cùng cực đến như thế … chỉ vì nàng “yêu” thôi? Chẳng lẽ Chúa nỡ để nàng chết không gặp được người yêu hay sao ? Không, con thì con vẫn năn nỉ Chúa ráng cho nàng sống, để nàng gặp lại được người yêu”. Anh có còn nhớ khi xe hồng thập tự tìm được xác nàng đưa về bệnh viện hồi sinh, em đã mừng quýnh lên và bảo: “Cám ơn Chúa, có thế chứ!” Rồi anh đập vào tay em, bảo: “Phim mà, hơi sức đâu mà bận tâm!”. Vậy mà lúc ngồi trong quán Hương Lan, chúng mình còn cãi vả:
– Nếu là Thượng đế, anh có sẵn sàng giúp nàng tìm lại được người yêu không ?
– Anh sẽ thôi, không để nàng phải khổ ở trần gian này nữa! Cho nàng về với các Thiên Thần.
– Em không chịu! Nàng cần tình yêu hơn … Hãy để cho nàng được yêu!
Anh ngụy biện:
– Yêu là đau khổ! Trên đời này, không có tình yêu nào mà không nhuốm mùi vị của khổ đau!
Nhưng rồi cuối cùng anh cũng nhượng bộ cái cách lý luận ngộ nghĩnh của em:
– Anh phải biết … Chúa là tình yêu, nên Ngài luôn luôn đứng về phía những kẻ đang yêu. Ngài cho mỗi người một con tim biết rung động, những người không biết rung động như anh, thì thiên về lý trí. Lý trí có gì hạnh phúc chứ? Chẳng qua là chịu khó làm việc, lắm ưu tư và nhiều suy nghĩ! Nhưng nếu nghĩ được điều hay, làm được sự phải, thì Chúa có thưởng cho chút ít bình an để mà ngủ ngon! Còn nếu chỉ suy nghĩ những sự xấu xa, làm những việc thương luân, bại lý, thì Chúa phạt cho bị nhức đầu!
Hôm đó anh cười, đưa tay vuốt tóc em rồi ma-le:
– Còn hễ não ướt thì tóc nhiều, não khô thì đầu hói. Tóc nhiều để cho anh vuốt.
– Chúa sẽ đốt bàn tay của anh đi! Coi chừng cứ nghĩ bậy. Thế nào cũng bị nhức đầu đó!
Thế mà hôm sau, anh bị nhức đầu thật. Lúc em đến thăm anh, anh hỏi:
– Nếu là Thượng đế, em có tha cho anh không ?
– Còn tuỳ!
– Tùy là thế nào ?
– Hãy nói yêu thượng đế đi, thượng đế sẽ tha!
Anh lạm dụng cấu vào má em:
– Thì em lúc nào chả là thượng đế của anh.
… Duy ơi, em có ngờ đâu, chỉ ít năm sau những ngày tháng đó, Mi-nô-va lại là ta! Nhưng Mi-nô-va gặp lại được người yêu. Còn em, em vẫn ở giữa mùa đông Mốt-cô-va. Vẫn một mình lang thang trên những phố lạ. Hôm đầu tiên em đến đảo tự do, em đã ngã xuống dưới con dốc đảo giữa mùa mưa lầy lội, vì mình đã kiệt sức trong những ngày lênh đênh trên biển cả. Nhưng em cũng gượng chỗi dậy được ngay, vì mừng khi chắc mình còn sống. Mừng vì hình ảnh anh, khuôn mặt anh chợt hiện ra trong ánh sáng của tự do.
Chín tháng trôi qua. Em nuôi em bằng ảo mộng, vẫn không ngờ rằng chín tháng ấy trên bờ “biển nhớ”, em đã thành Dã-tràng xe cát bể đông … Mãi đến hôm qua, gặp Hiển – người bạn thân nhất của anh – Hiển mới nói thật cho em biết: “Anh không ra nước ngoài. Anh đã vô rừng, đi theo một tổ chức làm kháng chiến”. Em tưởng đã ngã xuống trên vùng tuyết lạnh và lịm đi như Mi-nô-va xưa! Em tưởng … mình có thể gào thi cùng gió bão, trốc nã cành cây. Em tưởng mình sẽ khóc suốt mùa mưa miền Tây Úc … Thế mà không, Duy ơi! Em chỉ sững sờ như một xác chết bước ra khỏi nhà mồ, dửng dưng nhìn Hiển như một người xa lạ. Khuôn mặt Hiển từa tựa như một kẻ từ chiến trường trở về báo tin … tang!
Em đã thức suốt đêm qua trong căn phòng này để hỏi Thượng đế: “Tâm hồn con đã đủ tái tê chưa ? Hay suốt đời con sẽ phải như anh chàng Soroyan trong “Farewell to arms” của Hemingway: “Đi trong mưa và chết trong mưa”.
Hôm nay, khởi đầu những trang hồi ký, em không viết một chuỗi dài những chữ “tragique”, như ngày xưa anh đã viết. Có thể vì lúc nào em cũng muốn được sống trong một thế giới không có những con người đau khổ, không còn gì gọi là bất hạnh, bi đát hay tang thương! Cũng có thể vì trái tim em nhỏ bé và yếu đuối quá, không thể sánh được với chí anh cao cả. Anh sống để nuôi chí lớn, còn em đến bây giờ cũng chỉ mới vượt qua khỏi sự mềm yếu của con tim. Lời anh nói năm xưa “yêu là đau khổ”, bây giờ em không còn cho là ngụy biện nữa! Nó đã thật sự đánh thức trái tim em và đưa em ra khỏi mộng, giúp em hồi sinh. Nó cũng vừa chỉ cho em cách nào để đem con tim nhỏ bé ra mà yêu chí lớn. Vì trong vũng tối của màn đêm, hình ảnh cha, tiếng nói mẹ, cái chết của đứa em … không chỉ có thế, anh đã thắp sáng lên cho em một ngọn đèn, cho thấy triệu triệu con tim đang bị tù đầy. Em lại thấy hiện lên con đường anh đã đi, chính là con đường về nối lại tình thương và đem lại sự giải thoát … Thế nghĩa là muốn cho “tình yêu không là đau khổ”, thì chỉ có một cách là biến đổi thứ tình yêu mong được nhận về, thành thứ tình yêu cho đi. Khi cho đi thì sẽ không chỉ cho một người, mà là cho tất cả mọi tha nhân, và quên đi những gì gọi là tìm kiếm hạnh phúc riêng cho đời mình. Đó chính là cuộc sống “dâng hiến”, như anh đang hiến dâng đời mình cho tổ quốc, cho quê hương…
——————–
Anh yêu quí, bây giờ ở đây vừa mới bắt đầu mùa Xuân Melbourne của năm Hai ngàn lẻ mười… Kể từ ngày anh ra đi đến nay, mọi sự đã thay đổi nhiều! Đúng như lời mẹ nói thuở trước: “Chẳng có gì là vĩnh cửu trong cái thế giới này!”. Cái chế độ được xây lên bằng những ngục tù: Từ ngục tù lương tâm, đến ngục tù tư tưởng, và ngay cả những trại giam xây bằng bê-tông cốt sắt, đều đã và đang mục dần! Từ những đầu óc của những con người xưa kia được mệnh danh là thành trì chủ nghĩa, nay cũng chỉ còn một bàn chân bên này, bàn chân bên kia đã bước khỏi lằn ranh phân chia hai màu xanh, đỏ. Như vậy cuộc chiến đấu tranh tư tưởng, đấu tranh giành chính nghĩa, rõ ràng đang nghiêng về phía anh, phía mình, phía dân tộc chúng ta. Người dân trong nước hôm nay, đã không còn sợ chế độ như ngày nào! Những ngục tù bê-tông cốt sắt đã không đủ cứng để giam hãm ý chí và những con tim của một dân tộc. Trong nước bây giờ, mọi người đều như anh, đang lần lượt công khai đứng lên đòi lại Tự do, Nhân quyền, Công lý và Tình thương.
Anh yêu,
Hôm ở trong nhà nguyện của Dòng Kín, sau khi em kể cho Chúa nghe chuyện tình “bi đát” của chúng mình, cùng với hoàn cảnh đau thương của quê hương, em đã nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn: “Hỡi con gái bé nhỏ của Cha! Hãy cho Cha chén nước “Tình yêu” của con, như đã có lần Cha xin nước của người phụ nữ Sa-ma-ri bên thành giếng. Rồi Cha sẽ ban cho con suối nước Tình yêu ngọt ngào, êm dịu và thỏa thuê miên viễn, không bao giờ con còn phải khao khát, ước mong. Suối nước ấy bao trùm lên con, và làm cho cuộc đời con trở nên đáng sống. Con sẽ tìm được ý nghĩa của tình yêu là Cha – là Chúa của con – Là cả vũ trụ trong đó có nhân loại, có dân tộc con, có cả những người con yêu … Cha chính là đối tác của con, Đấng sẵn sàng cưu mang, nâng đỡ con trong mọi hoàn cảnh và làm cho con nên giống Cha, là mở rộng trái tim của mình ra cho tất cả mọi người”. Hôm nay viết cho anh, em muốn lưu lại ở đây “Một Thời Đã Qua” – Một thời từ những đám mây mù che phủ trên quê hương. Một thời từ những bầu trời u ám trong tâm hồn của mọi người, và cũng của riêng con tim nhỏ bé này. Bây giờ đang mở ra một chân trời mới, một hy vọng mới: Không phải cái hy vọng ngày em vừa đặt chân lên đảo, nhưng là hy vọng về một Chân trời của Vương quốc Tình thương đang cận kề. Bây giờ dù anh đang ở đâu, từ nay cho đến suốt đời em, mỗi ngày, anh vẫn là của lễ hiến dâng của em lên Thiên Chúa. Của lễ đầu mùa trong trái tim em dâng Chúa cho Quê hương mình, dân tộc mình, và cho tất cả mọi người thân thương./.
Uyênly
Ghi-chú:
(1). Các nhân vật trong truyện đã sống trong thời kỳ có một LM. vì nêu cao bổn phận và nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc, ngài đã đứng ra thành lập một tổ chức bí mật để cứu dân, cứu nước, tiếc rằng tổ chức của ngài đã không thành công (Cha Vàng DccT).
(2). Tranh sơn dầu “Young Woman Bathing Her Feet in a Brook” của Camille Pissarro vẽ năm 1895.
(3). “La Seine à Chatou” tranh lập thể của Maurice De Vlaminck năm 1912.
(4). Ý mượn từ câu nói của Trang Tử: “Tôi là bướm hay bướm là tôi”.
(5). Khi trường học mở cửa lại, từ nữ sinh tới các cô giáo, từ tiểu học lên đến đại học, lệnh cấm mặc áo dài tới trường, được xem là một nét điển hình của cách mạng (hay giải phóng).
(6). Chuyện này đã xảy ra ngay trong thành phố đã thay tên.
(7). Câu này, tác giả mượn trong lời bạt của nhạc phẩm “Hình ảnh một buổi chiều” của Nhạc sĩ Lâm Tuyền lời Dạ Chung.
(8). Cả thế giới đã chấp nhận đánh đổi cho Việt Nam một thứ “Hòa bình vô nhân đạo”, chứ không phải là cuộc chiến được kết thúc bởi kẻ thắng người thua.
(9). Ai cũng biết câu này mượn của Ns. Vũ Thành An.
(10). Theo “Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay” sách của ĐGH. Biển-đức XVI Joseph Ratzinger.