Thần Ái Tình và Công chúa TâmLinh

Tìm hiểu Eros theo Thần thoại HyLạp (tiếp theo)

Em về cốc tuyệt tình xưa
Bỏ con trăng thuở mới vừa lên ngôi
Cành hoa ngọc nữ phai rồi
Tình yêu dưới cổ mộ thôi trả người
(LTN)
                                                                                                                                                                                                
Một buổi tối kia, người chồng vô hình, vô ảnh kể lại với nàng:
– Hai người chị của em lên đỉnh núi lúc em ra đi, để khóc nhớ thương em. Anh thật sự cảm động và thương tâm lắm, nhưng không dám để các nàng gặp em, vì chỉ sợ ngày họ gặp em sẽ là ngày anh mất em! Người đời thường hay xúi bẩy. Họ sẽ bày cách cho em tìm dịp để thấy được mặt anh, nhưng anh nói thật, bất cứ bằng cách nào, cái ngày mà em nhìn được mặt anh là ngày hai đứa chúng ta phải ly biệt. Ðó là quy luật … em nhớ nhé!
Nàng hứa chắc với chàng, nhưng nghĩ tới hai chị đi tìm mình rồi lại nhớ những ngày sống bên cha mẹ, cùng những người thân thì không sao cầm nước mắt được! Những giọt lệ cứ trào ra hết đêm này sang đêm khác, khiến chàng đau lòng không sao chịu đựng nổi, đành hứa với nàng ngay ngày mai, chàng sẽ sai thần gió Dêphia đón hai chị và đem họ tới đây cho chị em gặp mặt, hàn huyên. Nghe nói vậy Tâmlinh vui lắm, nàng ngủ thật ngon giấc. Sáng hôm sau, chẳng phải chờ đợi lâu thì hai người chị bước vào, thấy em đẹp còn hơn xưa, lại ở trong một lâu đài quá sức sang trọng. Cứ mỗi bước, các nàng đều phải dừng lại để chiêm ngưỡng các vật dụng quí giá. Tới bữa ăn, các nàng chỉ việc bước qua phòng ăn thì các ngọn bạch lạp đã chiếu sáng và cho thấy một khung cảnh huy hoàng rực rỡ. Các món ăn bốc lên những mùi vị lôi cuốn, hấp dẫn chưa từng có. Thức ăn được đựng trong những tô, những đĩa, những chén và các vật dụng cần thiết bằng pha-lê, nhưng lại lóng lánh các màu sắc cầu vồng, như thể làm bằng loại kim cương quí giá. Văng vẳng bên tai là âm thanh của một dàn nhạc giao hưởng tựa như xa mà gần … song gần rồi lại xa.

Nhưng chính nếp sống sang trọng quyền quí đó, đã gợi lòng tham và ganh tị nơi hai người chị. Thật là một thứ hạt giống xấu xa không biết vị thần nào đã gieo rắc xuống thế gian, mà con người không mấy ai không bị. Chính sự tị hiềm về lòng ghen tương đã là tiền đề cho cuộc đời khốn khổ của nàng Tâmlinh sau này. Trong mấy ngày vui chơi bên nhau, không có chuyện gì mà ba chị em không kể lại cho nhau nghe, kể cả chuyện đã mấy hôm rồi, mà sao không thấy chồng của em mình xuất hiện, cũng được các người chị đem ra chất vấn, rồi nghi ngờ, mặc dù Tâmlinh chẳng đặng đừng đã phải nói dối rằng chồng mình đang dở cuộc săn bắn chưa về kịp … Sang ngày thứ ba thì hai người chị cũng phải trở về nhà, kẻo chồng con và họ hàng lo lắng, vì lẽ họ cũng chẳng biết đâu mà tìm kiếm, nếu thần gió Dêphia không giúp họ.

Cuộc gặp mặt vui vẻ tình chị em như vậy, cũng chỉ giúp cho Tâmlinh khuây khỏa được ít tuần, rồi nàng cũng lại nhớ các chị. Người chồng thấy vợ mình không vui, nước mắt cứ chảy hoài thì trong lòng cũng đau khổ lắm! Có lúc chàng cứ tự hỏi: Tại sao nước mắt của đàn bà lại có mãnh lực khủng khiếp trên thế gian như thế? Chàng thật sự không biết thần Zeus và các vị thần linh tại sao lại bỏ “hạt giống khóc” vào trong cái hộp Pandore(1) làm gì chứ, để gây phiền não và làm nhụt nhuệ chí khí đàn ông, con trai vậy kìa ? Rốt cuộc là chàng cũng phải chiều theo và cho vợ mình gặp hai chị lần nữa. Lần này, hai bà chị tỏ ra rất băn khoăn và thắc mắc về sự vắng mặt của cậu em rể. Tâmlinh cũng rất lúng túng, nàng không biết biện hộ thế nào cho sự vắng mặt của chồng mình. Một chị ghé vào tai nàng nói nhỏ:
– Có lẽ đúng như lời của thần Apollon đấy ! Cậu ấy chính là một con mãng xà, một thứ yêu quái. Vì thế cậu ấy không dám ra mặt tiếp chúng tôi.
Người chị thứ hai bèn chêm vào:
– Cô không biết gì hết! Sao mà cạn suy nghĩ vậy chứ! Sớm muộn gì, giống yêu quái ấy cũng sẽ hiện nguyên hình nuốt cô vào bụng. Người sao lại có thể sống chung với rắn suốt đời, suốt kiếp được ?
Những lời nói đó làm khơi dậy trong tâm của nàng Tâmlinh một sự hồ nghi lẫn âu lo khôn tả. Bao nhiêu hình ảnh tưởng tượng về một người chồng đẹp trai, lịch thiệp, hào hoa, phong nhã … đều xụp đổ hết ! “…Hình như lời nói của hai chị là đúng đấy! ” Tâmlinh nghĩ thế rồi ngồi thừ ra một hồi. Bỗng dưng nàng khóc nấc lên, vừa khóc vừa nói với hai chị:
– Các chị ơi! Có lẽ đúng như thế đấy! Anh ấy chẳng giáp mặt em ban ngày, ban mặt bao giờ cả. Các chị bảo em phải tính sao bây giờ ? Em đến chết mất thôi!
Hai người chị chỉ chờ đợi có thế, họ làm ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ một lúc chứ kỳ thực câu trả lời, xuí bẩy đã sẵn có từ lâu:
– Này nhé! Cô cứ dấu kỹ trên giường ngủ một cái đèn và một con dao thật sắc. Chờ cho hắn ngủ say, thì thắp đèn lên và thọc cho hắn một dao đúng ngay tim hay cổ ấy, giết cho hắn chết thật đi! thì cô mới sống được và không bị hắn nuốt cô vào bụng. Xong việc, các chị sẽ tới đón cô về ở với các chị. Chị em ta sống chết có nhau.
Dĩ nhiên là sau khi các chị đi khỏi rồi, thì trong lòng Tâmlinh trăm mối tơ vò, rối ren, lộn xộn. Nghe các chị nói cũng phải, song giết chàng thì nàng không nỡ, bởi chàng đối xử với ta chẳng có điều gì đáng chê trách. Trước sau, chàng nhất mực yêu mến ta tha thiết. Chiều chuộng ta hết lòng. Chưa hề có một dấu vết nào của sự thô bạo, hoang dã, thì làm sao kết luận rằng chồng ta là một con quái vật được ? Cuối cùng thì công chúa Tâmlinh không dám làm cái việc tày đình là giết chồng, nhưng nàng cũng sẽ làm một việc, là phải xem cho biết chồng mình là ai ? Người hay quái thú ?

Ðêm hôm ấy, chờ cho tới lúc chàng đã ngủ say, Tâmlinh chỗi dậy, đem hết can đảm cùng nghị lực ra, châm lửa, thắp sáng đèn, nàng rón rén cầm đèn đi tới chỗ chàng đang nằm ngủ. Cô nàng suýt kêu trời lên, không phải vì chàng là con vương mãng xà, mà vì trước mắt nàng là … một chàng trai tuấn tú xinh đẹp khác thường. Chàng đẹp đến nỗi cả trong giấc mơ nàng cũng chưa từng bao giờ hình dung ra được như vậy. Tâmlinh vội qùy xuống bên giường, ghé sát đèn vào mặt chồng, để ngắm cho rõ khuôn mặt người chồng mà bấy lâu nay hằng mong ước được thấy. Song chính vì sự hồi hộp, run rẩy trong sung sướng, mà khiến cho cánh tay nàng chao đảo, làm dầu nóng trong khay đèn đổ xuống vai chồng. Chàng giật mình tỉnh dậy, nhìn thấy ngọn đèn sáng trong tay vợ mình, thì biết rằng Tâmlinh vợ mình đã không tin tưởng nơi mình, không trung thực và giữ lời hứa với chàng, thế là không một lời từ giã, chàng như một luồng gió vút ra đi.

Tâm Linh vứt đèn đuổi theo ngay. Nàng vừa đuổi theo, vừa nức nở gọi chàng, nhưng nào có thấy hình dạng người chồng nữa đâu. Mặc kệ những hiểm nguy trong đêm tối, nàng cứ vừa chạy vừa gào thét. Có lẽ tiếng gào thét của nàng đã làm mềm lòng chàng chăng, vì một lúc sau thì nàng nghe thấy tiếng nói của chàng: “Anh chính là thần “Tình yêu”.  Anh là Eros đây! Anh rất đau buồn khi phải từ giã em! Vì tình yêu không thể nào tồn tại được, khi một trong hai không có lòng tin và sự trung thực”. Chàng chỉ được phép nói với lại mấy lời nhắn nhủ vậy thôi, rồi biến mất. Tâmlinh bàng hoàng suy nghĩ: ” … Chồng ta là vị thần “Tình yêu”! Trời ! … Sao ta lại dại dột đến thế, đến nỗi không tin tưởng ở nơi chàng, lại đi nghe lời xúi bẩy của các chị. Nay chàng đã bỏ ta đi rồi !, chàng có bỏ ta đi mãi không ?” … Em có lỗi rồi! … Em thật là có tội với anh rồi! … Từ trên cao, những tiếng đàn đâu đó nghe vang vọng trong không gian đến não nuột:

“… Thấy tiếc nuối người yêu ơi xin cho một lời.
Tạ từ nhau thôi cho mưa bay ngút ngàn phương trời
Ca theo lời hát đó như theo ngàn mây trôi
Ướt đẫm trên bờ môi.
……….
Còn chờ ngàn kiếp sau một tiếng ca tạ từ tạ từ
Bàn tay đã như xanh xao
Ðan cuộc tình mù loà trọn đời mình.
Ta vẫn thương người yêu dấu cũ
Dù hồn chơi vơi dù nhạc buông lơi tàn rồi.
Người còn mai sau ôi vạn kiếp mãi chờ nhau.
(“Từ giọng hát em” của Ngô Thụy Miên)

– Vì tình yêu của ta đối với chàng, ta sẽ đi khắp cùng trời, cuối đất để tìm chàng. Dù có phải vượt mọi gian truân, thử thách ta cũng không thể mất chàng. Ta muốn nói cho chàng hiểu rằng: “Nếu đời ta thiếu chàng, ta sẽ chết trong cô đơn giá lạnh …”.
Từ đó, khởi điểm cho cuộc hành trình của nàng công chúa Tâmlinh đi tìm kiếm thần “Tình ái”. Nhưng đi đâu mà kiếm, biết chàng nơi đâu mà tìm ? Mặc, nàng cứ đi, và nàng tin vào tiếng nói chân chính của con tim mà tìm.
Lại nói về Eros, thần Tình yêu, sau khi bị vết phỏng ở vai thì chàng phải vội vã bay về mẹ để xin người chữa giùm. Ðúng là “Có cháy nhà mới ra mặt chuột”. Bây giờ thì Aphrodite mới biết là chẳng những con trai mình đã không thi hành lệnh mẹ, mà trái lại, chàng còn yêu si mê con bé Tâmlinh ấy. Bực vô cùng, nữ thần Aphrodite bỏ mặc cậu con đang đau đớn vì vết phỏng. Bà khóa trái cửa nhốt Eros lại, rồi quyết tìm Tâmlinh để trừng phạt cho hả giận.
Tất nhiên khi thần linh đi tìm thì phải thấy. Khi được biết nữ thần Aphrodite là mẹ của chồng mình, thì Tâmlinh (Psychée) liền xụp xuống lạy bà và năn nỉ:
– Lậy nữ thần “Tình yêu và nhan sắc” Bà là người đẹp không ai sánh nổi! Con biết một kẻ phàm tục thế trần đoản mệnh như con, không bao giờ được phép kết duyên với một vị thần bất tử là Eros chồng con. Nhưng con đã lỡ yêu chàng. Vì bà là nữ thần Tình yêu, ngài rõ biết khi hai con tim yêu nhau, thì không thể chịu đựng được sự chia lìa, ngăn cách. Vì vậy, con xin chấp nhận tất cả mọi thử thách gian truân, hay bất cứ hình phạt nào, miễn là bà cho phép con được gặp chàng!
Nữ thần Aphrodite nhìn cô gái với vẻ lạnh lùng, nhưng trong lòng có chút cảm phục, bà gằn giọng:
– Nhà ngươi nói là sẵn sàng chấp nhận mọi gian truân, thử thách ư ? Ðược, nếu vậy ta chờ xem ngươi có thể chịu đựng được những gì mà hòng chuộc lấy cái tội phạm thượng đến các thần linh ?
… Trần Luân kể tới đây thì ngưng lại nhìn mọi người, rồi đổi giọng:
– Tới đây câu chuyện mới bắt đầu đi vào những thử thách, những thương đau. Một bên nghĩ ra đủ cách giáng họa, hành hạ đối phương. Một bên cố gắng chịu đựng, khắc phục gian khổ vì tình yêu và cho tình yêu. Nói như thế đủ biết rằng câu chuyện còn dài lắm! Nhất là từ ngàn xưa người ta vẫn thường nói: Tình yêu ngay từ khi có mặt trên thế gian, Tình yêu đã có cánh, nên khó ai có thể giam hãm được tình yêu. Vậy ông thần “Tình yêu” là Eros liệu có thể thoát ra khỏi vòng kiềm toả của mẹ, để bay đi cứu người yêu “Tâmlinh” của mình được không ?
Huyền đưa tay ra chặn lại:
– Chị thấy em nên ngưng lại tại đây đi! … “Ðời chỉ đẹp khi tình còn dang dở”. Chuyện phải dở dang, chuyện mới hấp dẫn! Chị nghĩ tới đây thôi, đủ để chúng ta bàn tiếp về bản chất của Eros trong thần thoại Hy-lạp.
Mấy cô gái kêu trời!
– Nghe chuyện … đang “phê” … thì bắt ngưng lại! Chị Huyền này … ác ghê á ! Làm thế có khác nào  người ta đang ăn dở miệng bắt đứng lên… Ngủ đang ngon giấc … bảo phải bồng em ?
Còn Vyvy thì vừa cười vừa nêu thắc mắc:
– Anh Trần Luân này … bộ … vào thời xuất hiện các vị thần Hy-lạp, em nhớ ít ra cũng phải trên năm ngàn năm trước ấy chứ nhỉ? Vậy mà đã có nhạc Ngô Thụy Miên thì tài thực … đấy!
Trần Luân cười:
– Anh chỉ phóng tác theo thần thoại Hy-lạp thôi mà! chứ có phải nguyên văn-bản đâu! Một khi phóng tác thì mình có thể cho nhạc Việt, lời Việt vào cho có hồn … có sao đâu! Em nghĩ có được không ? Nếu không thì để anh cho nhạc ngoại quốc, lời Hy-lạp vào vậy… nhé! (Còn tiếp)

Ghi-chú:
1).
 Pandore: Eros gọi Pandore là cái hộp đựng những món quà mà thần Zeus và các thần linh mỗi thần bỏ vào trong đó một món quà tặng cho thế gian, chứ thực ra nó là người đàn bà đầu tiên của nhân loại theo truyền thuyết Hy-lạp. Vì “cái hộp ấy” được thần Héphaistos làm bằng đất nhúng nước, rồi nặn ra một thân thể trinh trắng dễ thương theo hình ảnh của các nữ thần bất tử. Nữ thần Athéna cho vào đó hạt giống của sự thêu dệt nên trăm ngàn sắc màu. Nữ thần Aphrodite tặng cho hạt giống của vẻ yêu kiều thục nữ, và những dục vọng gây đau khổ, những mối lo làm rã rời tứ chi. Thần Hermès bỏ vào đấy hạt giống của sự không biết hổ thẹn, và một mầm mống của sự gian trá, và lừa phỉnh. Còn nhiều thứ khác nữa … trong đó có hạt giống nước mắt chả biết của vị thần nào, nhưng vì sinh sau đẻ muộn, nên Eros chỉ nghe nói và biết được có một ít thôi! Nghe nói Zeus lấy làm thích thú, và cười sảng khoái khi tặng cái hộp này cho thế gian, vì ông nghĩ với món quà tặng này, thế gian sẽ điên đảo và khổ lụy vì nó (“Nó” chính là “đàn bà”, là cái hộp Pandore của các thần tặng nhân loại).

Tg. Uyênly