Tình Yêu & Hôn Nhân Thần Diệu của Đức Mẹ với Thánh Giuse
Duy Trân vui vẻ nhìn Diễmly cười hỏi:
– Không biết hồi đó Đức Mẹ với Thánh Giuse có đùa giỡn như tụi mình không nhỉ ? (Xin đọc số trước).
– Anh đọc Thánh Kinh không thấy nói tới chuyện đó sao ?
– Ồ … hoàn toàn không! Đừng nói đến Tình Yêu hay Hôn nhân của hai Đấng, ngay cả sự gặp gỡ cũng không! Bốn Phúc Âm thư, hai Thánh Mat-thêu và Luca chỉ đề cập đến hai chữ “Thành Hôn” của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse một cách “thoáng qua” (Mt1:18; Lc1:27). Mác-cô và Gio-an thì không, đừng nói là sinh hoạt hay giao tiếp về mặt tình cảm!
– Như vậy là mình phải viện đến trực giác tâm lý tiếp cận mà suy diễn rồi! Diễmly xoay qua chàng, thì đúng lúc Duy Trân quay lại, thế là bốn mắt gặp nhau. Trong lúc Duy Trân mỉm cười trong tâm hồn, thầm bảo: “Đây mới đúng là tâm lý trực giác tiếp cận. Sao mà nhậy cảm thế không biết!”, thì Diễmly đã vừa cười vừa đặt ra cho chàng câu hỏi:
– Thế theo anh thì sao ? Em muốn nói là về mặt tâm lý ?
– Xét về mặt tâm lý thì cho dù hai nghìn năm, chứ bốn nghìn năm tình cảm nam nữ lúc nào cũng giống nhau thôi! Chỉ có cách diễn đạt với biểu lộ thì mỗi thời một khác! Tóm lại bất cứ thời nào, bất cứ không gian nào, dù Đông phương hay Tây phương; Dù văn minh thời thượng, hoặc nhân loại đang đi giữa thời kỳ văn hóa lãng mạn (đặc điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20)
Hình: “Lễ Đính Hôn của Đức Mẹ với Thánh Giuse”
Tuyệt tác của Raphael(1)).
hay đang sống trong kỷ nguyên thực dụng (cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21); Dù da trắng, da vàng, hay da đen; Bất kỳ đẳng cấp: Từ thứ dân hạ cấp, hay nô lệ, đến tiểu thư khuê các, vương tôn, công tử … Tình yêu lúc nào cũng có nét đẹp riêng, ngôn ngữ riêng dành cho tuổi trẻ. Sự đùa giỡn vui vẻ chỉ là một trong những cách biểu hiện của ngôn ngữ tình yêu.
– Thế nghĩa là anh cho rằng các Ngài cũng yêu nhau, cũng đùa giỡn như chúng ta bây giờ ?
– Nếu những điều anh nói kia … nó thuộc về nguyên lý, thuộc về những định luật tự nhiên trong vũ trụ, chẳng hạn như mùa Xuân cây cối đâm chồi, nẩy lộc. Ngày nay, người ta dùng máy quay phim, thâu lại hình ảnh sự nứt lở của những cành cây cho chồi, lộc chui ra, những nụ nở tung ra thành hoa, rồi cho phát hình thật nhanh, khiến người xem thấy được hình ảnh hoạt động của mùa Xuân thật là náo nhiệt và nhộn nhịp. Những hình ảnh ấy đã thực sự gây ra trong tâm hồn chúng ta sự tiếp cận cái gọi là tâm lý trực giác. Hoặc hễ gió lay, tức thì cành cây xao xác, chỗ nào hoa nở thì ong bướm lại gần. Tóm lại, sự hiện hữu của bốn mùa, thay đổi nắng mưa … thế nào, thì cuộc sống của con người cũng nằm trong những định luật vũ trụ, những nguyên lý của thiên nhiên là thế!
Duy Trân ngừng một chút, như để cho những tư tưởng mà chàng vừa trình bầy đi vào sự tiếp cận của lý trí nàng có đủ thời gian tiêu hóa, rồi chàng mới lại tiếp:
– Khó khăn như gia thế nàng Kiều: “Tường đông ong bướm đi về mặc ai”, mà rồi một sáng Thanh minh, đối diện với Kim Trọng, cũng không ngoại lệ, để rồi “Người đâu gặp gỡ làm chi” … Nhân linh vạn vật, tương sinh tương lý. Anh không cần phải dài dòng văn tự thêm nữa … đấy chứ ?
– Vâng, nhân linh ư vạn vật! Em hết sức đồng ý với những lập luận của anh! … Nhưng anh quên rằng trong thế gian còn “xuất hiện” hai chữ “luật trừ”! Đó là em chưa nói sự khác biệt trong phong cách “biểu hiện” của ngôn ngữ tình yêu.
Nàng “chúm chím” cười, rồi tiếp: Em cũng thí dụ một chút xíu cho anh vui: Chẳng hạn như tự nhiên vô duyên đi bẹo má người ta như anh … ý, thì chắc chắn Thánh cả Giuse không làm chuyện đó! Hoặc như vừa rồi, em “cú” lên đầu anh, là “chuyện” không bao giờ có nơi Đức Mẹ với Thánh cả Giuse! … Anh cứ suy nghĩ kỹ đi!
– Có lẽ anh chịu … thua em! Nhưng mà … em! Sao Tân Ước nói rất ít về Thánh Giuse với Đức Mẹ thế … chứ ?
Diễmly “nhéo yêu” Trân một cái, rồi vừa cười, nàng hỏi:
– Anh hỏi em … rồi em biết hỏi ai ? … Anh cứ cầu xin đi! Nếu Chúa cho anh về Thiên Đàng sớm … thì anh mặc sức hỏi Chúa! Hi-hi! …
– Thôi được! Thế còn chuyện này … Rất nhiều ảnh tượng vẽ hay tạc Thánh Giuse, người ta cho Ngài cầm cành Huệ. Ông trùm dạy đạo cho anh bảo: Một là biểu tượng cho sự thanh khiết của Thánh Giuse, hai là khi Chúa chọn Ngài làm phu quân cho Đức Nữ Trinh giữa những chàng trai, thì chiếc gậy của Ngài cầm tay bỗng nở hoa, ra như dấu chỉ của sự chọn lựa. Câu chuyện này căn cứ vào đâu ? vì Phúc Âm không nói tới!
– Trước hết, anh cần phải biết chuyện này đã! Giáo hội phân ra hai loại mặc khải: Những gì Đức Kitô khi xuống thế Ngài nói cho chúng ta biết, qua sự ghi chép lại của các Thánh sử, được gọi là “Mặc khải công”. Còn những gì Chúa hay Đức Mẹ cho người ta biết xuyên qua một vị nhân đức, thánh thiện nào đó, sau khi các Ngài đã về Trời, đều là những “Mặc khải tư”. Những mặc khải tư không bó buộc phải tin, ngoại trừ khi đã trở thành “Tín Điều” được Đức Giáo Hoàng công bố như Tín điều “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” chẳng hạn. Tuy nhiên, các mặc khải tư, cho dù không buộc tin, vẫn rất hữu ích cho chúng ta trong đời sống tâm linh. Có rất nhiều mặc khải tư, chẳng hạn như với Thánh Brigitta, Thánh Bernadette, Chân Phước Benigna, Magarita, Nacosta, Berthe Petit, Barbara Rues, Ba Trẻ Fatima (2 trong ba đã được phong chân Phước, Lu-xi-a mới qua đời) … gần gũi với thời đại chúng ta nhất như Á Thánh Faustina về việc sùng kính “Lòng Thương Xót của Chúa” và với các thị kiến nhân được Đ.Mẹ hiện ra ở Medjugorje, Nam Tư v.v…
Học cách của Duy Trân, Diễmly cũng ngừng lại chút xíu, để những giòng tư tưởng có thời gian thẩm thấu, rồi nàng tiếp:
– Vì anh bảo là “mới chỉ học Thánh Kinh tới chỗ Đức Mẹ và Thánh Giuse đính hôn”, nên em mới phải nói với anh điều này, vì xem như anh chưa đọc tới, là: Trong bữa tối sau cùng, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Nhiều điều Thầy cần phải nói cho anh em biết, nhưng anh em chưa sẵn sàng đón nhận”(Ga 16:12). Lần đầu đọc qua câu nói này của Chúa, thú thực em cũng không hiểu. Còn những gì nữa cần phải nói, mà Chúa lại chẳng nói ? Tại sao và tại sao ? … Cho đến khi em nhận được điều này, qua sự mặc khải của Chúa cho Chân Phước Maria d’Agreda(2): “Cha muốn cho nhân loại biết những điều kỳ diệu mà theo Thánh ý tối cao của Cha, những điều liên quan đến Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa tới nay vẫn còn được giấu kín”. Lúc khác Chúa nói với Thánh nhân: “Cha không tiết lộ những huyền nhiệm này (về Đức Nữ Trinh Maria Mẹ Ngài) trong Giáo Hội sơ khai, vì những huyền nhiệm này quá sức vĩ đại … trong khi việc thiết lập luật Ân sủng và Phúc Âm vững chắc, thì cần thiết hơn … Nhưng bây giờ điều cần thiết này thúc đẩy Cha bỏ qua khuynh hướng tội lỗi của họ. Lúc này nhân loại cần phải làm hài lòng Cha bằng việc kính mến, tin tưởng, học hỏi những điều lạ lùng về những mặc khải có liên quan trực tiếp đến Mẹ Cha – Đấng hay thương xót – Cha không thể giấu nhân loại “Thành Thánh” (3) nơi nương náu huyền nhiệm này nữa! Nếu mọi người, từ trái tim họ, xin người cầu bầu, thì không gì mà họ không được cứu giúp”. Đây chính là câu trả lời “thực” thay cho câu “nói đùa” lúc nãy của em.
Còn về việc Bông Huệ trên cây gậy của Thánh Giuse thì em cũng xin kể cho anh nghe câu chuyện theo mặc khải của Chúa Giêsu & Mẹ Maria cho Chân phước Maria d’Agreda như thế này đây:
“Vào ngày Mẹ Maria tròn mười bốn tuổi, các thanh niên trong chi họ Juda, thuộc dòng tộc David, lúc đó đang ở Jerusalem, tụ họp trong đền thờ. Công Chúa Tối Cao Maria cũng thuộc dòng dõi thánh vương David. Trong số các thanh niên này, Thánh Giuse một thanh niên 33 tuổi, tầm thước cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, trong nét nghiêm nghị có phảng phất sự vui tươi, khiêm tốn. Ngài là miêu duệ vua David. Thánh Giuse đặc biệt trinh khiết tột bậc trong tư tưởng và phẩm hạnh, thánh thiện trong mọi khuynh hướng. Từ 12 tuổi, Thánh Giuse đã khấn giữ đức khiết tịnh. Ngài có họ ba đời với Ðức Trinh Nữ Maria – Một thiếu nữ nổi tiếng thánh thiện – Đã vâng lời Thiên Chúa dâng mình vào đền thờ ngay từ khi mới chỉ là hài nhi ba tuổi, và ở đó sống đời tận hiến, phụng sự Chúa. Cha mẹ Người là Thánh An-na và Thánh Joakim không phải là không buồn, nhưng các Ngài được thị kiến Thiên Chúa và vâng theo lệnh truyền mà làm như vậy.
Tất cả các thanh niên chưa lập gia đình này tụ tập trong đền thờ, liên kết với các tư tế, cầu xin để được Chúa Thánh Thần chỉ dẫn trong việc họ sắp sửa thi hành. Thiên Chúa soi sáng cho thầy cả Thượng phẩm đặt vào tay mỗi thanh niên một khúc cây khô. Ngài chỉ dậy mọi người bằng đức tin sống động, cầu xin Th.Chúa quyền uy chỉ cho thấy người được Th.Chúa chọn làm phu quân của Trinh Nữ Maria. Vì hương thơm ngạt ngào nhân đức, sự cao sang cùng nhan sắc tuyệt vời của Mẹ Maria. Hết mọi thanh niên, trừ một người, ai nấy ao ước niềm hạnh phúc được đón nhận Trinh Nữ Maria làm hiền thê của mình. Người thanh niên duy nhất không mơ ước điều đó chính là Thánh Giuse. Vì không những ngài đã khấn hứa giữ mình đồng trinh, mà còn tự nghĩ mình không xứng đáng được hồng ân vĩ đại này. Khi mọi người đang cầu nguyện, người ta thấy cây gậy trong tay Thánh Giuse nở hoa, đồng thời một chim bồ câu trắng tinh tuyền, rực rỡ lạ lùng đậu trên đầu Ngài. Trong khi đó, Th.Chúa nói trong lòng Thánh Giuse: “Giuse tôi tớ của Ta, Maria sẽ là hiền thê của con. Con hãy chấp nhận Người với lòng kính trọng ân cần, vì Người được chấp nhận trước mặt Ta. Linh hồn, thân xác Người tinh tuyền tột đỉnh. Con sẽ phải làm tất cả những điều Maria sẽ nói cho con biết.” Do dấu hiệu từ trời đến, các thầy cả tuyên bố Thánh Giuse là phu quân của Mẹ Maria, mà chính Th.Chúa đã chọn. Ðấng được tuyển chọn tiến ra như mặt trời, rực rỡ hơn mặt trăng, đến trước mặt mọi người với dung mạo đẹp hơn các Thiên thần. Không có một sắc đẹp, sự duyên dáng, vẻ cao sang hay kiều diễm nào có thể so sánh được với Người. Các thầy cả làm lễ “đính hôn” Người với Thánh Giuse, người trinh khiết, thánh thiện nhất trong các nam nhân”. (còn tiếp)
Chú-Thích: 1) Raphael: Thiên tài hội họa của nhân loại trong thời văn nghệ “Phục Hưng” (thế kỷ 15, 16). Ông cũng là Kiến Trúc Sư lỗi lạc. Sanh tại Urbino (nước Ý) năm 1483, mất năm 1520. Năm 1508, tiên sinh được mời về La-Mã, hai Đ.Giáo Hoàng Jules II và Léon X giao cho tiên sinh trang hoàng điện Vatican. Chính tay Raphael tiếp tục công trình xây cất Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, và sửa chữa lại nhiều bộ phận làm cho thêm nguy nga, lộng lẫy. Tiên sinh cũng được trao cho trọng trách xây cất nhiều Thánh Đường khác cũng như nhiều Cung điện, mà cung điện Pandolfini ở Florence được ca tụng là đẹp nhất trong thời Phục Hưng. Tuy chỉ sống có 37 năm tại thế, nhưng Raphael được người đương thời tôn sùng như một vĩ nhân, vì có nhiều biệt tài. Nét họa của Raphael tao nhã mà vẫn vĩ đại. Cấu tạo tranh về màu sắc và ánh sáng rất độc đáo. Hình ảnh vẽ người phụ nữ luôn duyên dáng và thanh tao. Các nhà phê bình nghệ thuật cho rằng Raphael đã đạt được sự tận mỹ đến nỗi sau ông, không có ai hơn nữa! Raphael đã cho đời 250 tác phẩm hội họa. Tiên sinh mất vì bịnh và được mai táng trong điện Panthéon ở La-mã.
(2). Chân phước Maria D’Agreda: Tác giả cuốn “The Mistical City of God” (Thành Thánh Huyền Nhiệm của Thiên Chúa), do chính Chúa Giêsu & Mẹ Maria mặc khải cho Ngài viết. Đã được Ngưỡng Nhân Lưu Ấu Nhi chuyển dịch sang Việt ngữ, nên có trong tủ sách gia đình.
(3). Đức Mẹ là “Thành thánh Giêrusalem” mới; là “Hòm Bia Thiên Chúa”; là “Nhà Tạm” của Chúa Giêsu Thánh Thể v.v…
Tg. Uyênly