QUYỂN 2: MẸ VÀ TÌNH YÊU
Thần Thoại & Nhiệm Mầu
Tháng Ba liễu thắm đào tươi,
Xe loan bay xuống cạnh nơi cửa Già(1)
Cầu Lam đông khách đi qua,
Tiên ngay trước mắt, người đà biết chưa?
(Thơ Đoàn Thị Điểm)(2)
Hà Nội, những ngày rực thắm màu Phượng Vỹ,
Các bạn thân yêu của Vyvy và Trần Luân thương nhớ!
Được đi giữa thành phố màu hoa Phượng, tâm hồn mình thấy nao nao thật! Ảnh hưởng của sách vở, ảnh hưởng của những áng thơ văn do các văn, thi sĩ xưa, làm mình nhiễm khá nhiều! Ở đây, đi trong nắng hè rực rỡ, mà lòng cứ cảm thấy trống vắng về sự xa cách bạn bè! Thì ra mùa hoa Phượng là mùa của chia ly, xa cách! Nhưng chia ly mà không ảm đạm! Cách xa mà không bi lụy, không sầu đau! … Khác với màu tím hoa Sim, hoa Pensé hay Forget Me Not, Phượng Vỹ quả là một thứ “Sắc hoa màu nhớ”. Một khung trời tươi sáng mang mang những kỷ niệm êm đềm, và như rót nhẹ vào tâm hồn ai đó, hương rượu nồng của sự ngóng đợi, trông mong ngày tái ngộ. Trời đất thật là muôn vẻ, muôn sắc thái nhiệm màu. Trong tâm tình ấy, Vyvy cứ nhắc hoài về chị Huyền, anh Vũ, rồi lại nhớ câu chuyện dí dỏm về Đức Mẹ với Thánh cả Giuse, mà Diễmly trao đổi với Duy Trân, xong lại được cô nàng viết lại cho bọn này thưởng thức … Thật là tuyệt vời! Trần Luân thì cứ luân miệng xót xa cho cuộc tình đoản mệnh của Uyểnmy.
Mới vừa gặp gỡ sớm mai,
Chiều chưa xuống vội, đã đành chia phôi.
Thảo nào có ông nhạc sĩ ví von cái cảnh tình yêu “fast food” này như con Chích chòe, như con chuồn chuồn, hay con bươm bướm đậu rồi lại bay. Đã biết sớm không hạp, thì đường ai nấy đi … để khỏi vấn vương, dẫu chỉ là một “mún” khăn tay kỷ niệm … chỉ làm khổ đời nhau! Mình nghe chị Huyền bảo: Hai “cậu” chia tay vui vẻ! Chẳng đứa nào tốn một giọt nước mắt! Mình uống với cậu một ly … trong sân ga định mệnh, đợi chuyến tàu kế tiếp. Một chuyến tàu thật ấm áp! Thật comfortable, chưa đủ, phải thật Happy … cho Uyểnmy nhé! … Thương nhớ nhiều!
Một Chút Huyền Sử.
… Hai đứa đang lênh đênh trên chiếc thuyền nan do Trần Luân chèo, còn mình thì vừa được ngồi ngắm cảnh Hồ Tây, vừa gõ Ipad, chuyển đi những “bức phóng xạ cảm nghĩ” của tụi này, gởi về cho các bạn.
Bình minh trên Hồ Tây đẹp tuyệt vời! Những con sóng lăn tăn bạc như tên gọi khác của nó theo truyền thuyết (Sau được ghi lại trong Tây Hồ chí) rằng sau cuộc khởi nghĩa bi hùng của Vua Trưng, Mã Viện đã gọi Hồ Tây là hồ Lãng Bạc, bởi tuy là hồ nhưng lúc nào cũng đầy sóng vỗ. Cũng tương truyền, Vị trí của Hồ Tây xưa xửa xừa xưa, nguyên là một hòn núi nhỏ. Lúc Trăng hãy còn thơ ấu, nước sông Hồng chảy miết xoáy vào trong động, biến núi thành hồ, làm cho khu vực Hồ Tây trở thành linh địa. Chẳng thế mà nơi đây, mọc lên biết bao đền đài, điện thờ … Các bạn biết không, ngồi trong lòng thuyền hôm nay, mà Vyvy như thấy thấp thoáng trên mặt hồ những cánh thuyền rồng của vua Lê, hành cung của chúa Trịnh. Lại như nghe được âm vang tiếng quân la ó, cờ xí rợp trời, tưởng chừng như doanh trại vua Trưng đóng quân kình chống Mã Viện hôm nào sống dậy.
Từ khách sạn Sofitel ngã ba Yên Phụ nối với đầu đê Cổ Ngư (nay thấy gắn bảng tên đường là Thanh Niên và rộng hơn đê xưa), chạy xuống phía Nam gặp Quan Thánh, cắt Hồ Tây ra một miếng nhỏ làm thành Hồ Trúc Bạch. Tên “Trúc Bạch” liên hệ với làng Trúc Yên ngay kế cận, chuyên nghề làm mành, nên cả làng trồng Trúc. Trúc mọc như rừng. Ven hồ có nhiều di tích lịch sử và kiến trúc đặc biệt đông phương như Đền Quan Thánh. Gần Cửa Bắc có chùa Châu Long xây từ thời nhà Trần, tương truyền là nơi tu hành của Công Chúa con vua Trần Nhân Tông. Lại có đền An Trì thờ anh hùng Uy Đô, một trong những tướng chống quân nguyên. Thời chúa Trịnh Giang, ở đây có xây một cung điện gọi là Viện Trúc Lâm có thời là nơi giam cầm các cung nữ phạm lỗi. Các nàng phải tự dệt lụa để mưu sinh. Lụa của các nàng rất đẹp và bóng bẩy, nổi tiếng khắp kinh thành, nên được đặt tên là “Lụa Làng Trúc”. Bên trong Hồ Tây, về phía Đông Nam kế cận đê Cổ Ngư, có một hòn đảo nhỏ, trên có cung Thúy Hoa đời nhà Lý dựng lên làm nơi vua nghỉ mát, Đến đời Trần đổi là Điện Hàm Nguyên, nay là khu chùa Trấn Quốc (1.500 năm trơ gan cùng tuế nguyệt) . Cung Từ Hoa đời Lý nay là chùa Kim Liên (nằm trên bán đảo phía đông Hồ Tây, gần bến Nghi Tàm, sát cạnh Hotel Sheraton mới xây). Điện Thụy Chương đời Lê phía Nam Tây Hồ bây giờ đã trở thành khu trường Chu Văn An, nằm giữa hai đường Tình Yêu và Thụy Khuê (Đường Quan Thánh nối dài về hướng Tây)…
Nói tóm lại, Hồ Tây là một hồ nước Thiên nhiên (không do người đào), do sông Hồng tạo ra. Nhìn từ máy bay, nó như một trái tim nhỏ bé của một giòng sông. Với diện tích năm trăm mẫu, chu vi dài mười tám cây số, vừa là một linh địa, vừa là nơi tích tụ những danh lam thắng cảnh. Trong tương lai rất có thể nó sẽ trở thành một trung tâm Hà Nội Mới, thay thế cho vị thế hôm nay của Hồ Hoàn Kiếm, một nơi quá chật hẹp, và quá nhiều đường phố cổ, không mấy thích hợp cho một Thủ đô tân tiến mai sau. Nhưng với điều kiện, người ta không được để cho kế hoạch làm đường xe điện cao tốc của người Tàu chạy từ Vân nam xuyên thẳng qua Hồ Tây, như một mũi tên bắn thẳng vào trái tim nước Việt. Như thế thì Khí thế nước non, địa linh nhân kiệt sẽ mai một, và cũng sẽ chẳng còn đâu giang sơn gấm vóc hàng ngàn năm cha ông xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương!
Một câu chuyện Thần Thoại.
Hay Công Chúa Liễu Hạnh, một trong bốn vị thần bất tử (Tứ bất tử) của nền Văn hóa Việt.
Rời khỏi Sofitel ở đầu đê Cổ Ngư, Trường Luân hướng thẳng mũi thuyền lao ngay tới mỏm của một bán đảo lớn nhất Tây Hồ. Rời thuyền, hai đứa vừa đặt chân lên đảo, đã nghe tiếng ai ngân nga khúc hát:
“Tháng ba liễu thắm đào tươi,
Xe loan bay xuống cạnh nơi cửa Già.
Cầu Lam đông khách đi qua,
Tiên ngay trước mắt, người đà biết chưa?”
Nhìn lại thì là một cụ bà mình hạc cốt mai, mái tóc sương trắng như tuyết. Cụ mỉm cười chúc hai đứa: “Trăm Năm đẹp như một ngày”. Vyvy biếu bà cụ tờ năm chục ngàn, bỏ vào chiếc bị bà để trước mặt, rồi men theo con đường nhỏ rợp bóng mát. Hà Nội mùa này nóng cháy da người, nhưng ở quanh đây, trời vẫn mát. Gió Hồ Tây thổi lồng lộng. Trước mặt Vyvy trên cổng đề ba chữ Phủ Tây Hồ. nàng quay sang hỏi bạn:
– Bà cụ nói “Tiên ngay trước mặt” không lẽ là đây?
– Đúng thế … em ạ! Vì trong Phủ có đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh.
– Tại sao lại thờ Công chúa hả anh? Mà nàng là con của vua thời nào? Công trạng ra sao? Anh nói cho em biết đi!
– Công chúa chỉ là một sắc phong. Trần Luân cười và tiếp: Liễu Hạnh công chúa là một vị tiên nữ, không phải người phàm.
– Em không tin có tiên!
– Đây là một trong những truyện thần thoại Việt Nam. Để anh kể cho em nghe!
– Khoan đã! … Em cứ nghĩ đã là thần thoại thì không thực, tại sao người ta lại thờ? Anh có thể làm sáng tỏ hai chữ “Thần thoại” cho em nghe được không? Nhưng rồi anh cũng phải kể sự tích “Công chúa Liễu Hạnh” cho em biết với nhé!
Qua khỏi cổng Phủ Tây Hồ, con đường uốn lượn quanh co như đưa chúng tôi vào chốn “Thiên thai”. Hai bên đường trồng thảo hoa đủ loại, mùi hương thơm tổng hợp lan tỏa như của một loài hoa dị thảo ướp đẫm không gian. Bên trái chúng tôi sừng sững một cây đa cổ thụ, vẽ ra trước mắt một bức tranh cổ thật cổ, nhưng là bức tranh thiên nhiên hoàn toàn sống động. Phía bên kia là hồ sen thơ mộng, trên bờ liễu rủ lê thê. Đàng trước mấy cây trà vối lớn, dáng đẹp lạ lùng. Xa xa một cây si ngàn năm thả rễ buông mành, nghiêng mình soi bóng nước, trước cửa Động Sơn Trang. Đâu đấy tiếng chim ca ríu rít … Giọng của Trần Luân trầm trầm, trổi lên giữa một không gian trầm mạc, lắng đọng:
– Một cách khái quát, “Thần thoại” là kho tàng truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật mang tính cách văn hóa, sáng tạo, phản ảnh quan niệm loài người cổ sơ về nguồn gốc sáng thế, hay tư duy đời sống con người.
Vyvy nhíu mày, ngẩng mặt, bất ngờ hỏi:
– Thế những câu chuyện có tính cách “truyền thuyết”, hay “huyền thoại”, nói chung là được xây dựng bằng những hình ảnh hư ảo, hoặc những tiết tấu không thực, thì đều là “thần thoại” cả … phải không anh?
– Đúng đấy! … nhưng mới chỉ phản ảnh phần nào những câu chuyện dân gian truyền miệng, mà nội dung của chúng ngày nay chúng ta coi là hoang đường, huyền hoặc. Nhưng hiểu như vậy thì không được trúng lắm! và đôi khi làm giảm giá trị tinh thần của thần thoại, hay huyền thoại về phương diện triết học! Bởi chữ “Thần thoại” trong tiếng Hy Lạp cổ là “Mythoslogos” mà “Mythos” là ngôn ngữ của thi ca, của truyền thuyết. Tuy có sự hoang đường, nhưng “Logos” lại là lời nói của lý trí, của sự khôn ngoan về mọi bản chất, và cũng là lời nói của “chân lý”, tức bề dầy, chiều sâu của “Triết học”. Bởi vậy mới có vấn đề là rất nhiều những vị thần, những nhân vật mang nguồn gốc thần thánh rất hoang đường xuất hiện từ thủa hồng hoang, trong thời kỳ chưa có lịch sử, nhưng vẫn được quan niệm là có tham gia trực tiếp, hay gián tiếp vào việc tạo lập thế giới, thiên nhiên, hoặc văn hóa … Và trong ý nghĩa đó (Trần Luân nhấn mạnh) … Người ta đã tôn sùng! Không cứ gì dân tộc Việt, bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có những vị thần thánh như vậy hết!
(còn tiếp)
Ghi Chú:
(1). Già đây là “Già La Động”. Xung quanh bờ hồ có sự xuất hiện của các hang động vừa và nhỏ, bờ phía Tây có Già La Động (nay là Quán La thuộc phường Xuân La), bờ phía Đông có Nha Lâm Động (nay là phố Yên Ninh, Hòe Nhai), bờ phía Nam có Bình Sa Động (thời Lý đổi là Giáp Cơ Xá nay thuộc quận Hoàn Kiếm).
(2). Đoàn Thị Điểm 1705-1748), hiệu: Hồng Hà Nữ Sĩ, là nữ sĩ Việt Nam thời Lê trung hưng. Bà là tác giả tập truyện Truyền kỳ tân phả, và là dịch giả bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Bà là người được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp lẫn tài thi văn trong những nữ sĩ danh tiếng nhất, bên cạnh là Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Anh.
Tg. Uyênly