Em thân mến!
Ngày xưa ngồi bên giòng sông Hạ, ngắm nhìn ánh trăng lung linh trên mặt nước. Em đã linh ứng được chuyện sau, mà bảo rằng: “Anh xem kìa! Trăng cao vời vợi như vậy, mà vẫn xuống chơi được vơi nước. Sau này dẫu mất em, chỉ cần anh nghĩ tới là em đã đến bên anh. Thế giới tâm linh tưởng xa mà lại gần. Chỉ tại con người không biết nó rất gần, nên nghĩ là xa. Một lần đi, cứ cho là vĩnh biệt. Thực ra không phải vậy!… Anh nghĩ xem có phải không?”
Dạo ấy tôi không tin lời em nói! Nên cứ lặng yên nhìn giòng nước đùa giỡn với ánh trăng. Tôi cũng chẳng nghĩ mình sẽ đi đâu cả!
… Bên giòng sông Hạ thủa thiếu thời, chúng ta nô đùa bên nhau. Những trận đuổi bắt dưới lùm cây. Những cuộc chơi đua thuyền bằng lá. Những trưa hè nóng nực, oi ả. Bọn mình dăm bảy đứa chơi trò “Tay trắng, tay đen”. Đứa nào thua, phải lặn đuổi dưới nước, cho tới khi bắt được đứa khác…
Em có nhớ khúc tắm của chúng mình trong giòng sông Hạ, không hơn một con suối lớn. Nước soi ánh mặt trời thấy từng viên đá cuội. Mực nước chỉ ngang tầm ngực của một cô gái nhỏ.
Nếu mỗi độ hè về, người ra sông tắm mỗi lúc một đông, thì mưa về, đông lạnh, sông thưa dần. Có những chiều thu, hai đứa ngồi bên song cửa, nhìn mưa bay từng đợt trên sông. Tưởng chừng như sông buồn, sông khóc, nên mặt nước hắt hiu…
Nước là một cái gì rất gần gũi và thân thiện với con người. Nhưng hầu như chẳng mấy ai xem nước như một người bạn. Họ chỉ đặt nước vào hàng một nhu cầu. Con người đâu biết rằng, nước cũng rất mến người. Nước sẽ buồn ở những nơi tĩnh mịch, khi chảy qua những vùng rừng núi, hay lau lách, không nhà cửa, không thấy bóng người. Ở những nơi ấy, nước buồn tối mặt. Tâm hồn của nó âu sầu, khép kín. Đố ai nhìn thấy tận đáy lòng của nước. Nước chảy qua nơi mình tắm, nước đã trở nên vui. Mặt nước tự nhiên sáng rực, trong vắt, trắng ngần. Tâm hồn nước cũng vì thế mà rộng mở cho ta nhìn thấy tự đáy lòng. Khi nước vui, nước quyện quanh người. Nước mơn man trên gò má những cô gái. Nước đùa nghịch với lũ trẻ thơ. Khi ta lấy tay đập vào nước, nước cũng đùa giỡn xông xáo, nhảy chờm hợp lên mặt, lên mũi. Có lúc tinh quái, nước nhảy vào họng mấy cô, mấy cậu, làm họ sặc sụa. Rồi những tiếng cười đùa cả người lẫn nước, vang lên như một khúc nhạc Thiên đường. Những lúc ấy, chắc nước cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.
Có những giòng sông buồn. Có những bãi tắm vui. Có những bến nước rộn rã câu hò, tiếng hát. Cứ xem như thế, thì giòng nước cũng như giòng đời: Nước có khúc quanh của nước. Đời người có khúc quanh của đời người. Khi giòng nước trôi vào ngã rẽ, là lúc giòng đời đang du dương tiếng nhạc, bỗng lạc khúc sang ngang.
Ngày xưa tôi với em, chúng mình còn nhỏ lắm! Không dám đi xa, nên chỉ biết có một bến nước bên giòng sông Hạ. Lấy trí khôn nhỏ bé làm sao tưởng tượng được, nước rời xa mình nước sẽ trôi về đâu? Bao năm trời cách biệt, không biết những giòng nước trên sông Hạ bây giờ đã ra sao? Bao nhiêu lớp trẻ như bọn mình xuống tắm, rồi bao nhiêu lớp người như vậy đã ra đi? Nước có buồn vì chia lìa cách biệt? Hay cái tính thay cũ đổi mới, làm nước quên người, như người vẫn thường hay quên nhau.
Những buổi chiều tàn Thu, Khi bóng người đã khuất, có ai hay nước cau mày, gợn mặt, nhớ thương từng lớp người. Chắc những đêm về, lòng nước lạnh băng, nước cũng mang niềm đau ấp ủ, tự hỏi với lòng mình: “Những giòng người đi qua đời ta, nay họ đã đi về đâu?”
Mà thực vậy, phải không em? Người còn chưa biết, làm sao nước biết ngừơi! Nước có giòng của nước, người có giòng đời của người. Không biết những người ngày xưa ấy, cùng tắm với mình trong một giòng sông, bây giờ ai còn, ai mất, ai đang ở nơi đâu?… Cả những tiếng cười đùa như thủy tinh bể, của lứa tuổi thần tiên. Bây giờ đang lưu lạc ở phương trời nào, trong một vũ trụ mênh mông, không biết đâu là bến bờ?
Cả bến tắm của chúng mình trong giòng sông Hạ, biết bây giờ có còn nữa hay không? Hay cũng theo định luật của thời gian, đã thay hình đổi dạng? Hoặc đã bị người ta lấp đầy đất cát lên trên, với những căn nhà nối liền khu phố? – Nếu là như vậy, thì con nước cũng đã chết. Mang theo tấm linh hồn chứa đầy hình ảnh, của từng lớp người như em, như tôi, như tất cả bọn mình của thời xưa cũ!
Lậy Chúa, giòng nước cũng như giòng đời. Không có nước đời không sống nổi. Không có đời nước không còn cần thiết. Nếu như trong nước đã có hình bóng người, trong người lại luôn cần có nước. Thì cũng vậy! Sống giữa đời, con phải có Chúa! Nhưng Chúa biết con chưa yêu nổi Chúa, nên Chúa dạy con yêu người, vì trong mỗi người đều đã có Chúa.
Tg. Uyên Ly