…Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ,
và khi bắt đầu chìm, ông la lên:
“Thưa Ngài xin cứu con với!”
Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông
và nói: “Người đâu mà kém tin vậy!
Sao lại hoài nghi ?” (Mt14, 30-31).
​Ở thời kỳ sự vận chuyển  của con người chỉ bằng vào đôi chân, thì thế giới thâu hẹp lại. Chữ “thiên-hạ” ngày nay chỉ “bàn dân” – toàn thể nhân loại – thì thời xưa Khổng-Tử dùng để gọi dân Trung Hoa. Chỉ có Hoa tộc mới được coi là “Người” ở dưới trời (thiên hạ). Vua cai trị “người” là con trời, tức Thiên Tử. Các dân tộc ở chung quanh chưa được chữ “người”, chỉ là: Địch, Nhung, Man, Di. Như nước ta ngày xưa ở phương Nam đối với nước Tàu, thì họ gọi  là Nam-man. Hồi tộc ở phương Bắc, bị coi là khuyển nhung, tức bọn chó phương Bắc. Vua của các nước này, không được coi là Thiên tử, tức không phải con Trời. Vì vậy “ông con Trời” nào, cũng tự cho mình như thần nhân thiên hạ. Chữ “Hoa hạ” tức tất cả mọi người hoa, chỉ ở dưới Trời, nhưng ở trên tất cả, đều có bổn phận  góp một bàn tay cùng với thiên tử, để mà “Thế Thiên Hành Đạo” đối với các dân tộc chung quanh. Dĩ nhiên, quan niệm này vừa sai lầm, vừa quá độc tôn, dẫn đến các cuộc chinh phạt, và đưa đẩy con dân các dân tộc vào chiến tranh triền miên. Tuy vậy, Khổng Tử cũng như  những nhà tư tưởng Trung Hoa thời xưa, cũng đã làm được công việc gieo vào đầu óc, từ vua quan cho chí thần dân một niềm tin: Chỉ có mình mới là con Trời. Tin vào Trời cũng là tin vào Thượng đế. Thế nên chính sách cai trị Trung Hoa cổ đại được phác họa trong Hồng-phạm cửu-trù, Tứ-Thư, Ngũ-Kinh, đều là những nét chính yếu của nền Thiên-trị (Théocratie).
Sách Trúc-thư Kỷ-niên có kể câu truyện như sau: “năm thứ 50, Hiên-Viên Hoàng-đế (2647 trước Thiên-Chúa), mùa thu, tháng Bảy, ngày Canh-thân, Phượng hoàng bay đến. Hoàng Đế tế lễ ở sông Lạc. Từ ngày Canh thân, trời sa mù ba ngày, ba đêm. Hoàng Đế hỏi Thiên Lão, Lực Mục, Dong Thành xem sự thể thế nào,Thiên Lão tâu: “Thần nghe khi nước yên thì phượng hoàng tới ở. Lúc nước loạn thì phượng hoàng bay đi. Nay phượng hoàng bay lượn vui vẻ ở bờ cõi Đông, tiếng kêu an hòa tiết tấu, ứng hợp với trời thì biết: Trời đã ban những lời nghiêm giáo cho đức vua, xin đức vua chớ nên bất tuân.” Xem thế đủ biết rằng từ Hoàng đế đến thần dân đã tin kính Trời một cách tự nhiên và quen thuộc.
Chính niềm tin đã làm nên sức mạnh Hoa tộc, và tạo nên một nước Trung-hoa thống nhất, đại cường. Nhìn lại dân tộc Do-thái thời cựu ước, nếu không có niềm tin vào Thiên Chúa, không người Do-thái nào dám xách bị gậy đi vào hoang địa. Gọi là hoang địa đã rõ ràng là đất không có sự sống, chỉ là một vùng sa-mạc hoang vu. Không tin vào Thiên Chúa, dân Do-Thái không bao giờ đặt chân được vào mảnh đất Ca-na-an, nơi gọi là đất hứa – đầy sữa và mật ong – Không có niềm tin vào Thiên Chúa, mãi mãi dân tộc Do thái là nô lệ của Ai-cập, cho đến khi bị đồng hóa và diệt vong.
Niềm tin chính là ánh sáng, là ngọn đuốc trong đêm tối; là lý tưởng, là sức mạnh làm cho kẻ yếu đuối, người cô thế, trẻ hoang mang, biết chỗi dậy, có chỗ nương tựa, có con đường để tiến tới. Niềm tin mang can đảm đến cho người rụt rè, đem thành công vào nơi thất vọng. Khi đức Kitô đến thế gian, kẻ chết được sống lại; Người mù được thấy; Bệnh tật được chữa lành, bởi họ có niềm tin vào Ngài. Có một vị thủ lãnh đến gần Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống”… Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền chỗi dậy.(Mt 9,18&25). Một người đàn bà bị băng huyết mười hai năm đến sờ vào áo Ngài, vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ vào được áo của Người thôi là sẽ được cứu” Đức Giêsu quay lại nói: “Này con, cứ an tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” (Mt 9,20-22). Lại có hai người mù xin Người chữa, Chúa Giêsu hỏi họ: “Các anh có tin tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài chúng tôi tin”. Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy”. Mắt họ liền mở ra. (Mt 9,28-30). v.v…
Trong cuộc sống, hầu như ai cũng phải có một niềm tin để sống. Do đó niềm tin giống như  điểm tựa, nơi vịn, chỗ bám, lý do, cứu cánh, và hơn  nữa là cùng đích để tiến tới. Niềm Tin nếu chỉ như tấm ván, khúc gỗ, hay mảng bông Súng trôi ngoài khơi, cho người sắp chết đuối có chỗ để bám víu, thì chưa chắc người ấy có thể sống mà vào được tới bến yên lành. Giòng nước như giòng đời, lênh đênh giữa giòng đời, có biết bao người mơ tìm hạnh phúc trên những thứ lềnh bềnh trôi theo giòng nước. Tuy vậy, cũng không ít người nhìn ra được của cải, vật chất, tiền tài, danh vọng … vốn chỉ là bèo bọt trôi trong kiếp người.  niềm tin nếu chỉ là điểm tựa, lý do, hoặc cứu cánh, thì không khác gì tấm bình phong, để vin vào đó, người ta thực hiện khát vọng, dã tâm, hay mộng ước của chính mình. Một nước Trung Hoa cổ đại cũng đặt tín ngưỡng ở trời, với biết bao vì vua chúa nghĩ mình là thiên tử, để định đoạt và thi hành theo ý mình, chứ chẳng phải là để tìm biết ý trời (Tri thiên mệnh). Ngày nay, con người lại tin tưởng vào khoa học là cùng đích để giải quyết chuyện nhân sinh. Vậy Niềm Tin là gì ? “Niềm” là cái không hình, không dạng, không sờ, không thấy, tại sao lại tin ? Có ai nhìn thấy hay sờ được “nỗi niềm” của người khác, hay của chính mình bao giờ ? Có ai mô tả được hình dạng bóng sắc niềm vui, hay niềm bất hạnh ? Ngày xưa có chuyện ngụ ngôn  “Người mù đi xem voi”. Ông sờ được cái tai, về bảo con voi giống cái quạt. Ông sờ vào cái chân, nói con voi như cái cột đình. Người sờ phải cái vòi, qủa quyết con voi hình thù như con đỉa. Kẻ nắm lấy cái đuôi, cãi chẳng khác gì con trăn … Người đời, ai cũng đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc lại là tột đỉnh của một nỗi niềm mà ai cũng tin tưởng là mình sẽ với được, bắt được, nắm được. Nhưng vì không sờ được, không thấy được, không biết hình dạng nó ra sao. Nên ai nghĩ  nó thế nào, thì đi tìm nó theo cách ấy. Niềm tin, dẫn đến sự kiếm tìm. Kẻ đi tìm vàng, người nỗ lực kiếm tiền. Lại có không biết bao nhiêu người  mỏi mệt  trong những cuộc chạy đua với quyền lực và danh vọng. Chung cuộc mọi người đều bình đẳng với nhau trong nấm mộ. Có những người phải đợi đến khi nằm dưới mộ sâu, nhìn lại một đời, mới thấy đời chỉ là một giấc mơ đuổi bắt đầy mỏi mệt. Khi “cái biết”, “cái thấy” tách rời khỏi thân xác, thì nó đã chìm sâu vào chốn u-sầu đầy nuối tiếc.
Lạy Chúa, suốt đời con, con cũng đã từng tin rằng con cứ đuổi theo những cái mình thấy được, sờ được mà nhờ chúng, con có thể tìm kiếm được cái mình không thể sờ, không thể thấy. Nhưng hạnh phúc thay, lòng Chúa yêu con, đã cho con đụng vào được gấu áo của Chúa. Là chính cái mắt con không nhìn thấy, để được Chúa chữa lành, như  xưa Chúa đã chữa người đàn bà bị băng huyết. Chúa lại đặt tay lên mắt con, để mở cánh cửa sổ tâm linh cho con thấy được: Hạnh phúc đích thực của con là Chúa, chứ không phải những thứ con từng tìm kiếm…
Và lậy Chúa, sống giữa đời, Chúa đừng tưởng con có thể cứ thẳng đường mà tiến đến với Chúa. Chúa cũng biết rằng biển đời còn rộng hơn biển hồ ti-bê-ri-a, nơi ngày xưa Chúa cho Phê-rô đi trên nước, đến với Chúa. Thực tình nói với Chúa là: Phong ba, bão táp của biển đời còn đáng sợ hơn là gió thổi trên mặt Biển-Hồ.Và đời con sẽ chìm! Nếu con không la lên như Phêrô: “Xin Chúa cứu con với”. Dù Chúa có mắng con ngàn lần: “Người đâu mà kém tin vậy!” con cũng cứ năn nỉ Chúa: Xin Chúa đưa tay ra nắm lấy tay con, và đừng bao giờ buông tay con ra, Chúa nhé!…
Tg. Uyên Ly