“Mình ơi có xuống vườn nho(*)

Xem chồi mới nhú, ngắm hoa trên ngàn.

Bấy giờ em sẽ tặng chàng

Muôn ngàn âu yếm, muôn ngàn yêu thương”

(theo Dc 7,13)

Huyền tươi cười nói với Trần Luân:

– Cám ơn em đã kể cho mọi người nghe chuyện tình Eros trong thần thoại Hy-lạp. Qua câu chuyện, chúng ta đã thấy rất rõ bản chất của Eros trong tình yêu. Một thứ tình yêu có vẻ “không tôn giáo” và rất say đắm. Rồi chúng ta sẽ bàn sau. Bây giờ trở lại với Vyvy … Hôm trước em nói về hai từ Eros và Agape** rất rõ nghĩa. Chị nhớ là hôm đó ai cũng vỗ tay, khen ngợi cách lý luận sắc bén của cô bé, và bé của chị có nhắc tới một cuốn sách trong Kinh Thánh Cựu ước, như một tiêu biểu cho khái niệm về Tình yêu trong Kinh Thánh. Một thứ tình yêu vừa có đầy đủ đặc tính của Eros, nhưng cũng đồng thời hoàn toàn là Agape. Một khi nói tới KT là ta nghĩ ngay tới Thiên Chúa. Sao vậy ? … vì Lời trong KT chính là Lời Chúa được diễn tả qua ngôn ngữ loài người, được đồng hóa với tiếng nói loài người. Cũng như Đức Kitô là Lời Chúa đã thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (HC 13) Vậy cuốn sách mà Vyvy nói là cuốn gì nhỉ ?

– Là cuốn “Diễm ca” đó chị ! Diễmly mau mắn giơ tay chiếm đài: Thú thật em có đọc một lần, nhưng không hiểu lắm! Nhân dịp này, mong các anh chị chia sẻ những hiểu biết về “Diễm ca” cho tụi em được không? Nàng nhìn  Duy Trân ngầm hỏi. Anh chàng cười gật đầu, đồng ý với người yêu:

– Trân là người ngoại đạo đang tìm hiểu … mà!

Mọi người phát “phì cười”. Huyền dịu dàng bảo:

– Một khi Duy Trân đã tin có Chúa, thì ngay từ giây phút ấy, Duy Trân đã là người có đạo. Có ai tin vào Thượng Đế, mà còn “nhận” mình là vô thần bao giờ ? Chỉ còn chờ ngày Chịu phép rửa, ngày đó là ngày Duy Trân chính thức gia nhập Hội Thánh Chúa Kitô thiết lập trên trần gian. Thôi bây giờ trở lại vấn đề. Ai sẽ là người tình nguyện tóm lược câu chuyện tình trong sách Diễm Ca ? Vyvy nhé !

– Dạ, kể chuyện thì em kể được! Nhưng dẫn giải thì e rằng em chưa đủ trình độ! Vì thế em mong rằng tất cả mọi người đều đóng góp cho phong phú. Thí dụ bất cứ ai đọc “Diễm Ca” đều phải công nhận đây là một câu chuyện tình – Một chuyện tình rất lãng mạn – Thế tại sao lại được xếp vào hàng “Kinh điển” ? Tức được Chúa Thánh Thần soi sáng để Hội Thánh quy điển đó là một trong 73 cuốn thuộc bộ Kinh Thánh).

I.Tính Kinh điển trong tác phẩm

Vũ như một người anh cả, chàng đáp ứng ngay thắc mắc của một cô em gái:

– Anh nghĩ phần đông những người đọc “Diễm Ca” đều có thắc mắc giống em. Vì đọc suốt từ đầu đến cuối không có một chữ Chúa, hay Đức Chúa, như những cuốn sách khác trong Kinh Thánh. Ngay tên của cuốn sách thôi, thoáng đọc lên đã thấy không giống cuốn nào trong 46 cuốn Cựu-ước và 27 cuốn Tân-ước. Không giống không phải về từ, về ngữ, mà là về tính chất, hay nội dung. Sách có kể một câu chuyện tình, nhưng chẳng thuộc về một nhân vật nào hết. Và cũng không thuộc về lịch sử của một nhân vật nào cả, cho dù có tên vua Salomon, nhưng cũng chỉ là nhân vật vay mượn để dệt nên tác phẩm. Tên sách là “Diễm ca”, ý nói cả cuốn sách là một bài ca diễm tuyệt. Không còn bài ca nào hay bằng. Và chúng ta nên biết rằng Diễm ca là cuộn sách thứ nhất, trong năm cuộn sách được đọc trong các ngày lễ Vượt qua của người Do Thái giáo. Nhiều Rabbi như Judah, Akiba … khẳng định tính kinh điển của Diễm ca là tuyệt đối.

Uyểnmy nhè nhẹ giơ một ngón út đòi ngắt ngang:

– Em nghĩ không có dễ dàng được thừa nhận như vậy đâu! Ắt là cũng gặp nhiều chống đối. Sự chống đối bắt nguồn từ tính gợi tình của tác phẩm. Không ai có thể phủ

nhận được sức mạnh của những bài thơ trong đó có những từ ngữ gợi hình về mọi nơi, mọi chỗ trong thân thể người yêu, của cả nhân vật nam cũng như nữ. Em thử ngâm vài đoạn cho các bạn nghe xem ướt át tới cỡ nào nhé!

 “Em xinh đẹp biết bao,

Kiều diễm biết chừng nào,

Tình yêu ơi, em làm anh say đắm!

Dáng em, thân chà là,

Bộ ngực em, chùm quả.

Anh nhủ thầm:

Thân chà là, mình sẽ trèo lên,

Trái thơm ngon, mình sẽ tận hưởng.

Ước chi bộ ngực em là chùm nho chín mọng,

Hơi thở em thoang thoảng mùi táo thơm,

Và miệng em phảng phất men rượu nồng.”

(Dc 7,7-10)

Đó là chàng “nịnh” nàng, còn đây là nàng nói về chàng, e rằng cũng không kém:

“Người yêu của tôi:

Khuôn mặt tươi sáng,

Nước da hồng hào,

Nổi bật giữa muôn ngàn trai tráng.

Mắt chàng nằm gọn giữa bờ mi,

Như đôi bồ câu tắm bên giòng suối sữa.

Cặp môi chàng là đóa huệ em ưa,

Chan chứa tựa mộc dược.

Thân mình chàng

Tựa ngọc ngà khôi nguyên

nạm đá quí thanh tuyền…

Miệng chàng êm ái ngọt ngào,

Cả con người những dạt dào hương yêu.”

(Dc 5,10-16)

Và nhất là những hình ảnh phong phú, thấm đẫm qua những lời bộc lộ không kềm hãm, về khát vọng tình yêu đầy tính chất lãng mạn của Eros:

Chàng vừa ca:

“Hơi thở em thoang thoảng mùi táo thơm,

Và miệng em phảng phất men rượu nồng”.

Nàng đáp ứng liền:

“Rượu nồng thỏa mãn người tôi yêu,

Êm êm chảy tới tìm đôi môi thiếp ngủ.

Tôi thuộc trọn về chàng,

Cho lòng chàng cháy rực lửa thèm muốn”.

(Dc 7,9-11)

Vũ mỉm cười ra hiệu cho Uyểnmy ngưng đi! đủ rồi! chàng nói:

người thiếu nữ thành Suy-la-mi-tê là thế. Anh xin đọc lên vài câu, các em sẽ nhận ra liền:- Anh hiểu ý em! Chắc chắn rất nhiều bàn cãi, chưa kể tới các Rabbi thời Cựu-ước, các giáo phụ của chúng ta thế nào cũng phải tranh luận và cầu nguyện rất nhiều khi chọn lọc các tác phẩm được xem là kinh điển (quy điển). Chúng ta hãy tin rằng: Bằng cách nào đó, Chúa Thánh Thần dùng các giáo phụ giúp cộng đoàn Hội Thánh dần dần xác định những sách nào là Sách Thánh (ngay từ thế kỷ thứ IV) và 73 cuốn trong bộ KT như chúng ta biết, là những cuốn Kinh điển được Thánh Thần linh hứng, để Hội Thánh quy chiếu vào đó mà biết những gì phải tin, cũng như những gì phải thực hành trong đời sống (KT “DNTQ”). Nhưng không phải là không có lý do hợp tình, thuận lý để các Rabbi cũng như các giáo phụ đưa “Diễm ca” vào hàng kinh điển. Các ngài giải thích theo tính “Biểu tượng” (allegorical). Ở đây, Diễm ca trở nên một câu truyện tình trong một bức tranh trong sáng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel, xuyên suốt lịch sử của họ. Rabbi Akiba mạnh mẽ nói rằng: “Cả thế giới cũng không giá trị bằng ngày mà “Diễm ca” được ban cho Israel. Nếu như người ta xếp “văn, thơ” vào hàng thánh, thì “Diễm ca” là thánh của những điều thánh”(1). Còn hơn thế, các giáo phụ và nhiều nhà diễn giải Thiên Chúa giáo đã “rửa tội” cho “Diễm ca” trong Chúa Cứu Thế, vì các ngài đã tìm thấy biểu tượng về  “Tình yêu của Chúa Cứu Thế” đối với Hội Thánh của Người. Các nhà thần bí lại hiểu một cách sâu sắc về tình yêu giữa Chúa Kitô với mỗi tâm hồn (Các Thánh từng cảm nghiệm được điều này). Nhiều tác giả khác, lại bắt chước Thánh Ambrose (Am-brô-xi-ô)(2a) trong việc tìm thấy hình bóng Đức Trinh nữ Maria trong vai người con gái Sulamit (Suy-la-mi-tê), nhân vật nữ trong câu truyện. Có một số đoạn văn chương thời trung cổ, các ngài từng ví Đức Mẹ đẹp như

“Bạn tình của anh hỡi, nàng đẹp tựa Tia-xa(2b),

Duyên dáng tựa Giê-ru-sa-lem,

Oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ”.

(Dc 6,4)

Các em có nghe xôn xao tiếng gió rít chung quanh đâu đây không ?

Mọi người im lặng lắng nghe, rồi lắc đầu. Vũ mỉm cười tiếp:

– Đọc ba câu đó, các em không hình dung ra Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta – Bạn thanh sạch của Chúa Thánh Thần – đang duyên dáng đứng lắng nghe “Người Tình Linh Thánh”(Chúa Thánh Thần) ngợi khen mình đó sao? Để anh đọc cho các em nghe bản đồng ca, hợp xướng, của cả Triều Thần Thiên Quốc, với thái độ xửng sốt, khi Mẹ xuất hiện:

“Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông,

Diễm kiều như vầng nguyệt,

Lộng lẫy tựa thái dương,

Oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận”.

(Dc 6,10)

Xem ra Thánh Ambrose đã đi đầu trong việc khám phá sách Diễm Ca qua hình ảnh Chúa Thánh Thần âu yếm Người bạn Thanh sạch của mình là Đức Nữ Trinh Maria vậy.

– Huyền cũng xin đóng góp một chút ý tưởng của mình với các bạn nhé! Nàng hắng giọng như một dự lịnh để khởi đầu

 một vấn đề quan trọng:

– Có một phương pháp gần gũi với tính “biểu tượng”, đó là phương pháp “Tiêu biểu” (Typical). Phương pháp này vẫn giữ nghĩa đen của các bài thơ trong Diễm ca, nhưng cũng nhận thức về một ý nghĩa thâm thúy và mang tính “thuộc-linh” hơn. Nó nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối hơn hết mọi sự trên thế gian: Đó là Tình yêu và sự tận hiến cho tình yêu. Không phải chết đi chẳng ai mang theo được gì, ngoại trừ “tình yêu” sao ? Và cho dù trong yêu thương vợ chồng với nhau, người ta có thể hiện bất cứ hành động

lãng mạn thế nào cũng vẫn được Thiên Chúa thánh hóa và chúc phúc, nếu họ hướng về Thiên Chúa ? Nếu không, Rabbi Akiba đã chẳng nói “Cả thế gian cũng chẳng bằng  ngày mà Diễm ca được ban cho Israel”. Phải chăng nó hàm ý “ngày mà con người được Thượng đế ban cho có tình yêu”. Không phải những mệnh đề mang tính cách “tiêu biểu” cho nhau đó sao ? Nhưng mà trên hết vẫn là sự kiện: Thiên Chúa xuống làm người, và Người trải rộng tình yêu của Người trên nhân loại.

Những nhà chú thích Kinh Thánh, khi chú giải sách Diễm ca, đã viết: “Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo thành và thánh hiến sự kết hợp nam nữ. Sự kết hợp chính đáng đó có một giá trị tôn giáo sâu xa. Người ta có lý để hiểu rằng, ngoài nghĩa đen của sách Diễm ca, còn có thể tìm thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người, như hôn ước của Đức Kitô với Hội Thánh” (Chú thích Kinh Thánh “phần Diễm Ca” tr.1640).

– Cám ơn anh Vũ đã chia sẻ rất hữu ích! Huyền tiếp: Chắc có lẽ mọi người đang nôn nóng muốn nghe “câu chuyện tình trong sách Diễm Ca”, Vyvy bắt đầu giùm chị nhé!

II . Các vấn đề liên quan đến nội dung và tác giả

– Vâng, nhưng em chỉ tóm lược câu chuyện mà thôi! Vyvy lên tiếng, Trước hết bố cục của sách “Diễm Ca” gồm: 5 bài ca, một lời tựa, một lời bạt, và một phụ trương.

Bài ca Thứ Nhất và Thứ Hai: Sulamit, người thôn nữ tự giới thiệu mình và gia đình nàng. Nàng yêu chàng mục tử (chàng chăn chiên. Chúa Giêsu cũng mang hình ảnh Người mục tử và Giáo hội là một bầy chiên). Trong thể đối thoại, hai người âu yếm, ca tụng vẻ đẹp của nhau. Chàng thì mời gọi, nàng thì khát mong, thiên nhiên thì ủng hộ, chỗ nào cũng tràn ngợp bông hoa, nơi nào có họ, đều là thế giới của mùa Xuân … Thế cho nên giữa thanh thiên bạch nhật, họ đã trọn vẹn thuộc về nhau, cuốn quít bên nhau cho đến khi ngày tàn, nàng mới giục chàng trở về. Vậy mà suốt đêm nàng không sao chợp mắt được. Nàng chỗi dậy đi tìm chàng khắp nơi. Hỏi thăm cả những anh lính tuần, nhưng kìa, sự thôi thúc của tình yêu khiến chàng cũng không ngủ được và đi tìm nàng! Thế là họ gặp lại nhau. Rồi nàng đưa chàng về gặp mẹ mình. Kể đến đây, Vyvy ngâm lên vài câu thơ tiêu biểu:

“Người tôi yêu thuộc trọn về tôi

Và tôi trọn vẹn thuộc về chàng

Giữa những khóm huệ thơm …

Trước khi bóng chiều buông xuống,

Hãy quay về, hỡi người yêu của em …

(Dc 2,16-17)

Suốt đêm trên giường ngủ,

Tôi tìm người lòng tôi yêu dấu.

Vậy tôi đứng lên, rảo quanh khắp thành,

… bọn lính gác gặp tôi.

Tôi hỏi họ: “Các anh có thấy chăng

Người lòng tôi yêu dấu?”

Vừa rời họ mà đi, tôi đã gặp …

Tôi vội níu lấy chàng

Và chẳng chịu buông ra

Cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu,”

(Dc 3,1-4)

Bài ca Thứ Ba: Sự xuất hiện của vua Salomon. Ngài xa giá trong cảnh phú quí, lộng lẫy và quyền uy. Sau đó, là đoạn chàng ca tụng nàng (có phái cho đây là lời của Salomon). Nhưng phái đối lập vẫn cho là lời của người tình mục tử, vì lời của nàng và của chàng trong đoạn kết của bài ca thứ ba, rõ ràng xác định là hai người đã thuộc về nhau từ trước.

“Vườn của anh, anh đã vào rồi,

Đã hái mộc dược, lại hái cỏ thơm,

Anh đã ăn mật, cả tảng mật ngọt,

Và uống sữa, uống rượu, dành cho anh”.

(Dc 5,1)

Bài ca Thứ Tư: Nàng ngủ mà lòng hằng thao thức, nên nghe được tiếng gõ cửa của người yêu, rồi tiếng chàng yêu cầu mở cửa. Nhưng nàng không kịp mặc xiêm y, chân sợ lấm đất, làm chàng ra đi vì tưởng nàng đã ngủ. Nàng lại một phen đi tìm chàng giữa đêm khuya, lần này gặp bọn lính xấu, chúng đánh nàng gây thương tích, lại cướp đi cả áo choàng. Nàng về nàng ốm tương tư.

Khúc đồng ca, các nàng thiếu nữ Sion hỏi: chàng có gì hơn những người con trai khác mà phải đau khổ như thế ? Nàng lại phải mô tả người mình yêu bằng tất cả những từ, so sánh những gì quí giá và đẹp đẽ nhất trên đời. Các thiếu nữ Sion (Giêrusalem) hỏi, vậy chàng đã đi đâu, để các nàng tìm giúp ? Sulamit bảo chàng thường cho chiên gặm cỏ ở cánh đồng phương thảo, nơi ngào ngạt huệ thơm. Vyvy lại ngâm tiếp mấy câu thơ điển hình cho bài ca thứ Tư:

“Em đã cởi xiêm y, lại mặc vào sao được?

Em đã rửa chân rồi, lại để lấm hay sao?

Người tôi yêu luồn tay qua khe cửa,

Khiến lòng tôi rạo rực biết là bao!”.

(Dc 5,3&4)

Mọi người đang ngắm nhìn và lắng nghe Vyvy ngâm thơ, bỗng rú lên một tiếng “Oh!” có tiếng “sít-soa” nho nhỏ thoát ra từ vành môi của ai “sao mà sexy quá đi thôi!”. Vyvy kể tiếp:

Bài ca Thứ Năm: Hai đoạn đầu mang tên “Chàng” là của vua Salomon hết lòng ca tụng Sulamit, vì rõ ràng đối với vua, “Nàng” trổi vượt hơn cả sáu mươi hoàng hậu, tám chục phi tần và hằng hà cung nữ. Đoạn đầu có những câu 4, câu 10 được Phụng vụ coi là hình ảnh “biểu tượng” Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng đoạn hai thì đầy rẫy những hình ảnh chinh phục của dục vọng, của thèm khát. Nhưng nàng dứt khoát là mình đã hoàn toàn thuộc về người nàng yêu. Một tình yêu không vương giả, nhưng rất đậm đà màu sắc quê hương, và chân tình. Ở câu 11 thuộc Phụ Trương, Sulamit khẳng khái tâu với vua cái gì của vua là của vua, vườn nho của tôi là của tôi. Hai chữ “vườn nho” trong Diễm Ca, luôn luôn là hình ảnh nói về vẻ đẹp quyến rũ của người con gái. Ý nói vua không thể chiếm đoạt được! Rồi số 14 “Phần thêm cuối cùng” nàng rủ chàng (người tình chăn chiên) mau chạy trốn về sống dưới vùng đất thân yêu có đồi cỏ xanh thơm bát ngát, và chàng: chú nai nhỏ tung tăng của đồi núi thân yêu. Câu chuyện tình kết thúc ở đó!

“Chạy trốn mau đi, người em yêu hỡi,

Anh hãy là nai nhỏ của em!

Tung tăng trên khắp núi đồi,

Cỏ xanh, xanh mướt, thơm hơi bạt ngàn”.

(Dc 8,14)

Lời Bạt : Phác họa cho khán giả thấy: chàng gặp nàng nằm ngủ dưới gốc cây táo. Chính nơi đây nhà của nàng, nơi nàng sinh ra. Rồi cuộc tình “sấm sét” trổ hoa đăng, y như trên màn ảnh của cuốn phim, hình bóng hai đứa nép vào nhau, dắt dìu đi, nổi bật trên nền sa mạc cát bụi: Hình ảnh Thiên Chúa và dân Người đi trong hoang địa về miền đất hứa, cũng là hình ảnh Đức Kitô vai kề vai, sát cánh với mỗi người chúng ta trong suốt cuộc lữ hành dương thế.

Nhưng khi các bạn đọc “Lời Tựa” ở đầu truyện, thì rõ ràng Salomon mượn lời nàng để viết cho vua những giòng mật ngọt, dịu dàng và ra như Salomon giới thiệu chuyện tình của vua với nàng con gái Sulamit. Chính vì thế mà một trường phái khác, cho tất cả nhân vật “chàng” trong câu chuyện, đều là Salomon cả. Nhưng sẽ khó giải thích về sự hiện hữu của “chàng chăn chiên”.

Tới đây, Vyvy nở một nụ cười thật tươi, hơi nhún vai, nàng nói: “Thưa các anh chị, câu chuyện đến đây là hết!”. Có những tiếng vỗ tay, và những lời khen tụng.

—————

Huyền thay mặt các bạn cám ơn Vyvy, rồi nàng nêu lên vấn đề tác giả của sách Diễm Ca, thì Trần Luân xin góp ý:

– Truyền thống cho rằng tác giả sách Diễm ca là Salomon, vì trong câu chuyện, có tên của vua. Nhiều học giả cho rằng Salomon có khả năng viết Diễm ca, như ông đã từng viết Thánh vịnh 72 và 127, cùng Châm ngôn 25 (Cn 25,1). Ông lại là người được Thiên Chúa ban cho sự khôn ngoan và trí thông minh tuyệt vời không ai bằng. Nhưng không phải là không có những phái khác phủ nhận. Quan điểm trình bày trong Baba Bathra 15a cho rằng Ê-dê-ki-en và các thư ký của ông đã viết Diễm ca. S.R.Driver trong Literature of the Old Testament đã đưa ra giả thuyết cho rằng lần biên soạn cuối cùng của sách chỉ khoảng 300 năm trước TC, hay thế kỷ thứ IV trước công nguyên theo dẫn giải KT (Trong khi Salomon hiện diện trong lịch sử khoảng 700 năm trước TC). Tuy nhiên đa số vẫn dựa vào truyền thống. Uyểnmy xin được bổ túc:

– Em thấy mình nên rút tỉa kinh nghiệm xuyên qua bộ Ngũ Thư của Môi-se. Rất có thể Salomon sáng tác ra “Diễm Ca” thực. Nhưng cũng như “Ngũ Thư”, Những trước tác của Salomon đã bị thiêu rụi trong cuộc xâm lăng của Babylone. Nê-bu-cat-nết-sa đã tàn phá Đền thờ Giê-ru-sa-lem (khoảng năm 587 trước TC), toàn bộ thư tịch bị thiêu rụi và dân Do-thái bị lưu đày, cho tới khi vua Cyrus của đế quốc Ba-Tư chiếm Babylone, cho người Do-thái trở về cố quốc và giúp họ dựng lại đền thờ, thì bấy giờ trong số những kinh sư thuộc lòng KT. đã có vị chép lại sách Diễm Ca (như trường hợp của Ngũ Thư). Tuy nhiên cũng như Ngũ Thư, các nhà nghiên cứu thấy rằng sự nguyên vẹn của tác phẩm không còn nữa! Và lần biên soạn cuối cùng đúng như Trần Luân vừa trình bày.

– Cám ơn Trần Luân cùng Uyểnmy! Huyền đứng lên bằng một tư thế trịnh trọng để kết thúc vấn đề:

– Căn cứ vào hiện thư, xét về mặt nhân vật, Diễm Ca trình bầy câu truyện  Có thể là một mối tình tay ba giữa một Cô gái quê, tạm gọi nàng là Sulamit(3), với người tình chăn chiên và vua Salomon. Trường phái chấp nhận mối tình tay ba có H. Ewald(4) đại diện. Ngoài ra có thêm giọng hợp ca của nhóm người vô danh được hiểu ngầm là các thiếu nữ Si-on. Nếu là chuyện tình tay ba thì Sulamit chỉ yêu và dâng hiến trọn vẹn mình cho người tình mục tử, bất chấp sự chinh phục rất mạnh mẽ của vua Salomon.

Nhưng một trường phái khác đại diện là F. Delitzsch(4) chỉ kể có hai nhân vật. Phái này cho rằng: Vua bắt gặp người đẹp Sulamit ở một làng quê, rồi đưa nàng về Giê-ru-sa-lem. Salomon học cách yêu thương nàng như vợ mình, với một tình yêu vượt cao hơn cả sự hấp dẫn của thể xác.

Kết Luận: Cuối cùng thì đa số các nhà phê bình đều cho rằng: Nghĩa đen của câu chuyện không quan trọng. Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu! Điều quan trọng là nghĩa biểu tượng về Tình yêu Thiên Chúa với dân Người, hay cuộc “hôn nhân” giữa Đức Kitô với Hội Thánh, mà Các Rabbi Do Thái cũng như các Giáo Phụ của Hội Thánh ban đầu quyết định đặt “Diễm Ca” vào trong bộ Kinh Thánh. Như đã nói, Sách Thánh được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, thì khi đọc chúng ta cũng phải hiểu theo ý Chúa Thánh Thần, nghĩa là phải lưu ý đến sự thống nhất toàn bộ Kinh Thánh, dựa trên truyền thống sống động tương hợp với toàn bộ đức tin (KT “DNTQ”). Vì vậy trường phái thứ hai không phải là không có lý khi người ta nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa ưu ái dân riêng của Ngài. Người chăn giắt họ từ Ai-cập đi qua sa mạc mà về Ca-na-an vùng đất đầy sữa và mật ong. Như Salomon, Thiên Chúa học cách yêu thương con người như vua yêu “người tình trăm năm”, với một tình yêu vượt cao hơn cả sự hấp dẫn của thể xác. Xuyên qua sự thống hợp giữa Cựu ước và Tân ước, Chúa Cha thế nào thì Đức Kitô cũng vậy, Người yêu Hội Thánh như chàng rể yêu tân nương đêm tân hôn, tha thiết và dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu (xin nhớ phong tục Do-Thái, chàng rể rời bỏ cha mẹ mà về sống với vợ mình)./.

UyênLy

 ————–

Chú-thích:

(*).Hai chữ “vườn nho” trong Diễm Ca, luôn luôn là hình ảnh cơ thể, vẻ đẹp quyến rũ của người con gái.

(**). Eros & Agape xc. Chân Lý 83, tr.7+

(1). J.C.Rylaarsdam “Proverbs to song of Solomon, 1964”.

(2a). St. Ambrose (340-397), ngài sinh tại xứ Gaul nước Ý thuộc giòng quí tộc. Làm Giám mục lúc mới 34 tuổi. Là nhà thơ, nhà hùng biện, từng là Thống đốc thành phố Milan. Ngài cũng là nhà nghiên cứu Thánh Kinh, từng bảo vệ Hội Thánh chống lại bè rối Ariô. Chính Thánh Augustino đã nghe Thánh Am-brô-xi-ô giảng mà được ơn hoán cải.

(2b). Tia-xa: Xin nhắc lại, Tia-xa là tên của kinh đô đầu tiên, miền Bắc. Nhớ rằng Giêrusalem ở miền Nam.

(3). Sulamit: nhân vật chính trong Diễm ca này, từng là một vấn đề gay go đối với các học giả. Một số cho đó là tên của một thành phố: Shunem (Shunammite), có thể là Solem ngày nay. Thành phố này nằm trong lãnh thổ Y-sa-ca, gần Gít-rê-ên (Giô-suê 19,18), là vị trí đóng trại của quân Phi-li-tinh trước trận chiến Ghinh-bô-a (1Sm 28,4). Từ thành phố Shunem (Su-nem), người của Đa-vít đưa về cho vua người đẹp A-vi-sac để an ủi vua trong tuổi già (1v 1,3). Một số người vin vào đó (như: L. Waterman hay H. Torczyner) đồng nhất Sulamit với A-vi-sac và coi là “người đàn bà của Salomon” (?). Sau khi vua Đa-vit chết A-đô-ni-gia-hu (là anh) thỉnh cầu được lấy cô, nên phải trả giá bằng chính cái chết (1v 2,17+). Nhưng thực ra Sulamit có phải là A-vi-sac không? không có gì xác thực, chỉ là giả thuyết. Vì trong Diễm Ca, Sulamit không có một tương quan nào với vua Đa-vít hết.

(4). Theo những nhà nghiên cứu: F. Delitzsch,  I. Howard Marshall, A. R. Millard, J.I.Wiseman… thuộc nhóm Union University of California.