Tình Yêu & Hôn Nhân Lý Tưởng nơi Đức Mẹ với Thánh Giuse
Giáo đường nơi Diễmly thường lui tới trong những sinh hoạt của đời sống KiTô hữu, không phải là một đại giáo đường, với kiến trúc đồ sộ. Cũng không mang nét nghệ thuật kinh điển của những nhà điêu khắc, để có thể lôi cuốn khách hành hương phương xa phải tìm đến chiêm bái. Diễmly cũng chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình phải tìm hiểu về lịch sử xây dựng Thánh đường, cũng như tiến trình trưởng thành của giáo xứ nơi mình sinh sống. Bởi một lẽ đơn giản là: Chẳng có động cơ nào thúc đẩy nàng phải làm chuyện đó.
Nhưng có một điều là Diễmly rất yêu thích giáo xứ của mình. Từ khung cảnh của một ngôi giáo đường xinh xinh nhỏ bé, nằm trên một ngọn đồi cũng bé nhỏ, bên cạnh một giòng sông xanh, quanh năm nước chảy lững lờ, với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa nào cũng có nét riêng của mùa ấy.
Mùa Xuân cây cỏ xanh tươi, hoa lá khoe sắc chạy quanh đồi.
Mùa Hạ gió sông thổi hiu hiu, rủ rê chim trời về tụ lại dưới bóng mát của những tàng cây, làm nên những bài ca, bản nhạc sinh động chung quanh giáo đường.
Mùa Thu ngồi trong nhà thờ mà “chia trí” (Có ai không từng chia trí bao giờ ?), nhìn qua khung cửa sổ, nghe gió Thu đùa giỡn với những hàng cây, rủ rê những chiếc lá vàng đi bụi đời. Những cánh lá vàng, đỏ, tíu tít bay tung tăng khắp nẻo, chờn vờn trước mắt, làm cho Diễmly đôi lúc bị lôi cuốn, thấy hồn mình bay phơi phới qua cửa sổ, trốn Chúa đi hoang … Nhớ lại tuổi ấu thơ, nhiều hôm lén mẹ, nháy mắt rủ bạn bè ra ngoài đùa giỡn, nhất là những hôm lễ dài, cha cố giảng lâu, thì thật là thú vị!
Thời trang mùa Đông làm cho con gái lên giá. Đứa nào đứa nấy xúng xính trong chiếc “măng-tô” đắt tiền màu rượu chát, hoặc áo choàng thời trang, màu đen, bốn túi, cổ bẻ số ba lớn, với sáu hàng nút chạy dài, bỏ lửng trên đầu gối. Chiếc khăn “Phu-la” mềm mại, cuốn quanh cổ một cách hững hờ, bay lất phất trong gió, phía sau mái tóc huyền, như khiêu khích những chàng trai đang mỏi mắt trông vời … những nàng công chúa kiêu sa của vùng đất lạnh. Những lúc ấy, cứ mỗi lần bắt gặp một cặp mắt hươu ngơ ngác đứng nhìn, thì Diễmly lại giả bộ ngó lơ, mỉm cười một cách thú vị. Ấy vậy mà từ ngày có Duy Trân, cái dáng kiêu sa giả bộ, đáng yêu trong lòng cô tiểu thư, tự nhiên biến mất lúc nào không biết (một thứ vũ khí tự vệ trời cho con gái đấy … chứ không phải cái thái độ kiêu kỳ, huênh hoang, đáng ghét của một số ít những người có chút tiền dư bạc thừa, hay quyền thế đâu nhé!).
Nhưng đó chỉ là vài cánh sao rơi … lóng lánh lên chút đỉnh của thời kỳ mới lớn. Cái mà tâm hồn Diễmly được ươm màu tơ vàng óng ánh, chính là những sinh hoạt Giáo xứ. Ngay từ nhỏ, Diễmly đã được ba, mẹ nắm tay âu yếm, dẫn đến nhà thờ, thả vào các hội đoàn trong giáo xứ. Ở đây nàng đã được nuôi lớn lên bằng những kỷ niệm lung linh tuyệt vời. Đâu là những Đêm Thánh Vô cùng choáng ngợp những màu sắc, những thinh không vang vọng những tiếng ca chập chùng, những Thánh lễ uy linh của hàng hàng lớp lớp người sốt mến dâng lên, trong những hồi chuông âm vang từ trời đổ xuống … rót vào lòng cô bé biết bao nhiêu ước mơ Thiên Thần. Đâu là những đêm không ngủ của tuổi thần tiên trong những chiếc lều trại. Thật họa hiếm lắm mới được phép xa nhà, để nằm cùng lũ bạn, nói hết chuyện này sang chuyện khác, cho tới khi môi miệng rã rời, mắt đóng sao trời, rơi vào giấc ngủ. Để êm đềm ru hồn vào cơn mộng, cho một loài hoa đêm khẽ mở, chớp cánh trên vành môi … Riêng tặng Thiên Thần bản mệnh, vì yêu “Ai” mà ngài hằng canh thức… Cuốn Nhật ký đã hơn một lần Diễmly viết “… không thể nào diễn tả hết được những vẻ đẹp của tuổi Thiên Thần … Vì đó là “Thiên Đường Tuổi Trẻ”.
—————–
… Lúc này Diễmly đang lúi húi bên bờ sông, nàng vừa phát giác ra những bông hoa tím thật đẹp của mùa Thu, nhưng là những bông hoa nở muộn. Ly định bụng hái một cành, lát nữa ghé qua nhà Trân để tặng chàng, như một lời trách khéo “Em buồn vì …tại sao anh lỡ hẹn ?”. Hôm nay chàng không đến giáo đường, làm cho Diễmly “lo-ra” cả một buổi lễ. May mà nàng đã kịp xin lỗi Chúa và còn nhân tiện “bắt đền” Chúa nữa, vì “Con đã chẳng dâng hiến tình yêu của hai đứa cho Chúa bảo quản … rồi đấy ư ? Chúa có vẻ lơ là quá đấy!”. Dòng tư tưởng đang phiêu du, mà cánh tay thì đang cố với cho được cành hoa đẹp nhất … Bỗng có đứa nào chơi dại xô Ly xuống giòng nước … còn đang hoảng hồn thì may quá, có bàn tay … níu áo kéo lại.
– Ô … cô bé này té sông!
Thực tình Ly đang định quay lại cám ơn người ta … nhưng nhận ra giọng nói quen quen, nàng quay ngay lại:
– Thì ra là “you” ! Duy Trân! Anh chơi cái gì kỳ zdậy ?
Ly giận dỗi quay phắt ngay đi, trong khi Trân vừa xin lỗi vừa làm hòa:
– May quá! Thiên thần bản mệnh này tới kịp!
– Thiên thần cái đầu anh … í! … Làm “người ta” hết hồn!
– Anh đã nói … cho anh xin lỗi mà ! … Làm gì mà …
Anh chàng còn đang “hả” miệng nói, thì bị ngay một sô nước sông hắt ngược vô mặt, ướt hết từ đầu xuống tới chân. Mắt mở chưa kịp, tay còn đang vuốt tóc, Trân đã nghe cái giọng “lanh lảnh” con gái vừa cười, vừa nói:
– Ô … Thiên thần này không biết bơi … ướt như chuột dưới cống chui lên, bà con ơi!
Trân vừa bậm môi, vừa trợn mắt, vung tay ra, cố bắt cho được cô bé, phen này nhất định thả xuống sông cho ướt chơi … Nhưng mà “Chúa ơi!” nàng lanh quá! Cánh tay chưa với tới, thì thoắt cái, nàng đã chạy tới gốc cây rồi, cái giọng thách thức vừa cười, vừa nói kìa:
– Bắt đi! … Bắt đi! … chú bé kia! … mau chạy tới đây! … Hễ bắt được, chị sẽ gọi bằng …
Trân nhìn cái bản mặt … dễ ghét, mà phát cười:
– Nói lớn lên cho mọi người nghe! Hễ “người ta” bắt được, thì “mình” gọi bằng gì ?
Diễmly đứng núp sau cái cây, ló mặt ra trêu chọc:
– Lại đây, lại đây! … thì cứ lại đây! Hám lắm! Gọi bằng gì hả ? … thì chị sẽ gọi bằng … “chú cừu non”! … Chu-choa … Mấy chú cừu non mới mọc sừng, mẹ bảo nó hay ngứa ngáy … ưa húc càn, húc bậy, sợ lắm! … Thôi chị về đây!
Thế là nàng co giò, chạy một mạch … Chừng tới khi Duy Trân bắt kịp thì đã về tới nhà nàng. Chàng chợt nhớ ra áo quần mình ướt át quá, không giám đùa nữa .., nên đã để mất nàng phía bên kia cánh cửa … vừa khép lại!
… Nhưng rồi cánh cửa lại mở ra, mặt cô bé nghiêm nghị, nàng “suỵt” khẽ, giơ một ngón tay lên trước miệng, bước xuống thềm, nắm tay Trân, bảo nhỏ:
– Cả nhà đang trong phòng ăn sáng. Tụi mình ra vườn sau ngồi phơi nắng chút xíu là khô liền!
Hai người nắm tay nhau đi vòng ra sau vườn. Diễmly đặt tay lên ghế đá thấy lạnh, bảo:
– Tụi mình ngồi chung cái xích đu đi!
Rồi nàng trao cho chàng cây bông. Trân cầm cành hoa lên ngắm nghía, cười:
– Hoa đẹp đấy! nhưng tặng hoa màu tím à ? lần này giận mau hay lâu đây ? Nhưng mà đây là hoa Păng-sê (Pensé: Tưởng nhớ) đấy … nha! … Cũng được! Mình cứ bỏ cái nghĩa tiêu cực đi, lấy nghĩa tích cực là được rồi! Anh sẽ cắm hoa này trên bàn làm việc. Lần hẹn tới, mình cứ ngồi nhà ngắm hoa mà vui, vì biết có người đang tưởng, nhớ tới mình!
– Còn lâu mới tới phiên anh! Lần tới người được cho phép kẻ khác leo cây … là em đó! … chớ không phải anh đâu! Nếu kỳ tới mà “chàng” không đến, thì “nàng” sẽ tiếp tục cho “chàng” leo cây …dài dài! … để coi ai “sợ” thì biết … à!
Duy Trân nhìn bản mặt nàng làm ra bộ nghiêm mà không nín cười được:
– Thôi, anh chào thua! … Anh xin … em! Anh xin em cất cái bộ mặt … “táo bón” …
Câu nói chưa kịp dứt … thì … cái đầu chàng đã “u” lên một cục! … Không, xin lỗi, tác giả đùa đấy! Cô nàng không đến nỗi dữ dằn như vậy đâu! Nàng chỉ khe khẽ “ký yêu” cách nhẹ nhàng lên đầu chàng, để có cớ cho chàng nắm lấy bàn tay của mình … làm hòa thôi!
– Nhưng mà em hỏi thật, chúng mình đã hẹn rồi … sao sáng nay anh không tới nhà thờ với em ?
– Sáng nay anh kẹt … đi lễ trên giường! Tại tối hôm qua, mấy cha con vừa uống vừa nói chuyện khuya quá, nên mới ngủ … lỡ đấy! Anh xin lỗi em!
– Anh này … bậy bạ quá! … Mai mốt rửa tội rồi mà như vậy … là không phải em giận đâu! Chúa giận … mới khốn khổ cho anh đấy!
– Chúa nhân từ lắm! … Anh nghĩ có khi em còn khó hơn Chúa cơ đấy!
– Thì anh đang học giáo lý, anh biết! Còn không nữa thì … chết rồi, gặp Chúa sẽ biết!
– Thực ra thì … (Trân cười cười) … lúc đó anh chỉ sợ … cái người đứng bên Chúa … là em thôi!
Nhưng mà này, Anh đang học Thánh Kinh tới chỗ Đức Mẹ và Thánh Giuse đính hôn. Ơ … Không biết hồi đó Đức Mẹ với Thánh Giuse có giỡn như tụi mình không nhỉ ? (xem tiếp kỳ tới)
Uyênly