“Một niềm phó thác đời con trong tay Ngài,
Dù rằng đêm dài, dù là tương lai.
Một niềm phó thác đời con cho Ngài,
Đừng bỏ con mồ côi, gục ngã trên nẻo đời…”
(Trích Ca khúc “Một niềm phó thác”
của L.M. Nhạc sĩ Nguyễn mộng Huỳnh)

Đức Duy và Giáng Kiều gặp nhau trong ngưỡng cửa đại học Harvard (Một trường Đại học ở Mỹ khét tiếng về tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên theo học). Từ sự ngộ nhận buổi ban đầu, họ trở nên quen biết. Trong khi đeo đuổi ngành Y, một lần Giáng Kiều vì lòng nhân, nàng không thể đứng trước cái chết của một người mà không cứu, đành chấp nhận vi phạm luật lệ y-khoa. Nàng bị đưa ra hội đồng kỷ luật và bị sa thải khỏi trường. Không có gì đau khổ cho nàng hơn là giấc mộng làm bác sĩ để giúp đời bị tan thành mây khói! May nhờ Đức Duy theo ngành luật, một người bạn nàng mới quen, đã vận dụng hết sở học của mình đứng ra bênh vực. Chàng đề cao đức Ái và cuối cùng đã chiến thắng luật lệ phi nhân bản do con người đặt ra. Sau vụ này, hai người thành đôi bạn thân thiết. Họ hẹn hò đi ăn tối những chiều cuối tuần. Gặp gỡ nhau thường xuyên sau những giờ học mỏi mệt. Hẹn hò và gặp gỡ, tạo cho nhau những kỷ niệm. Kỷ niệm sống dậy những lúc giận hờn mà xa vắng, mở lối cho con tim cuộc  hành trình vào thương nhớ. Thương thương, nhớ nhớ chính là biểu hiện của tình yêu. Nhưng tình yêu của Duy và Kiều khó tìm được đoạn kết. Một tình yêu không đoạn kết, sẽ âm u như những cánh chim Hải Âu ra khơi trong một chiều biển động, không tìm được ánh mặt trời. Càng yêu nhau, họ càng cảm thấy “đường vào tình yêu” ngày thêm rắc rối và bế tắc, không tìm được nẻo về! Một phần vì bố Duy không chấp nhận gia thế người con gái. Ông đã chọn sẵn cho chàng một người vợ tương lai trong giới thượng lưu, mà cha mẹ nàng có vai vế tương đương với địa vị của ông trong xã hội. Mặc dù Giáng Kiều là một cô gái đẹp nhu nhã, thông minh, vị tha, giầu lòng từ thiện, thương người và hay giúp đỡ. Nàng cũng là một thành viên “Lương tâm” của một cơ quan từ thiện quốc tế.  Thêm nữa, thời đại họ đang sống, sự dữ đang lấn át sự thiện, ngay cả cơ quan từ thiện (mà nàng đang phục vụ với tất cả chí nguyện của mình), cũng đang bị những bàn tay nham nhúa xen vào, họ dùng nó như một tấm bình phong, để che dấu những âm mưu đen tối. Nói khác đi, bốn chữ “Cơ quan từ Thiện” đã bị bọn người này, xử dụng như một tấm áo giáp, hầu bảo vệ quyền lực và những hoạt động của “thần ác”. Là một Luật sư, chàng quyết đem ánh sáng công lý soi rọi vào những ngõ ngách hiểm độc, vạch trần những âm mưu đen tối này. Tình yêu của Đức Duy và Giáng Kiều thì trong sáng, nhưng mỗi người lại đang phục vụ với tất cả tâm huyết của mình ở hai chiến tuyến khác nhau…  Thế rồi … Một buổi chiều … Mưa … Chàng đến thăm Nàng …
Chuyện phim nên dừng lại tại đây(1), vì biết đâu có những độc giả đang coi hoặc sắp coi bộ phim này, sẽ vì sự tiết lộ của tác giả mà mất đi cảm hứng lúc đang coi, hay sẽ coi. Vì thế người viết đành giữ bí mật kết cấu câu chuyện.
Hán nho từ lâu đã có câu: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (Mưa có đâu là hàng rào bao vây, mà vẫn có khả năng giữ khách ở lại). Tuy biết vậy, nhưng trong một đời người “ba vạn sáu ngàn ngày”, không phải lần nào thăm em chiều cũng mưa. Cũng không ai cố ý đến thăm em chiều mưa! Nhất là ở những xứ xe hơi chưa phải là phương tiện phổ thông. Đạp xe qua mấy dặm đường giữa cơn mưa, hay cỡi xe gắn máy chạy qua vài khu phố đến nhà nàng trong cơn mưa tầm tã, thì không phải là thượng sách! Ai yêu mà không nhớ. Nhưng nhớ mà để cho đối phương nắm được yếu điểm của mình,  là giao tất cả “bí quyết lòng mình” vào tay đối tượng. Luật yêu giống như “mình với bóng”. Hễ mình đuổi thì bóng chạy, còn hễ mình chạy thì bóng đuổi. Chạy thì được theo ý mình, chạy kiểu gì, chạy đi đâu, “cái đuổi” cứ phải theo sau. Còn nữa, anh đến thăm em, mà ướt như “chuột lột”, ngồi phát run lên một chỗ, thì tha hồ cho em nhìn anh mà cười! Lúc đó anh có muốn quờ quạng, thì nàng cũng có cớ đưa tay ra mà chận lai, xua đuổi cho nhanh. Nhưng đây chỉ là phiếm luận! Bàn cho vui thôi! Bạn đừng mất thời giờ bình luận đúng, sai! Nhưng có điều này: Các nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, ngay cả những nhà làm phim, thường có lối áp đặt lên những tình huống. Thí dụ như chia ly mà không có mưa thì cuộc chia ly giảm màu ảm đạm! Làm sao mà mua được sự rung động của khán giả với độc giả. Nhất là thời nay, tâm hồn con người khó rung động lắm! Chẳng hạn có những câu trong những khúc hát rất “ướt” lòng người như sau:

“Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế.
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly.”

Mùa đông không có mưa cũng có tuyết, nhất là mùa đông ở Paris. Đứng trong mưa mà đưa tay vẫy giã từ thì “thi vị” hơn đứng trong nắng! (Chỉ nên nắng khi giơ tay phất ở sân ga đón người yêu trở về) Hoặc như câu:

“Tôi đưa em sang sông
Chiều xưa mưa rơi âm thầm”

Trên thực tế, người ta ít chọn mùa mưa để làm đám cưới. Thường là hai họ đều muốn tổ chức ngày cưới cho con em mình trong mùa khô ráo. Chẳng ai lại quan tâm tới cái anh chàng nào đó, đang đứng ở một góc trời nhìn về, mà tiếc rằng trời không mưa, để cho cô dâu lên xe hoa, có thêm “màu” ly biệt. Để cho mối tình “sang ngang” thêm phần lãng mạn!
Vậy: “Anh đến thăm em một chiều mưa” là thật hay giả ? Có khi chỉ là văn chương hóa một thảm trạng tâm lý. Nhưng nếu có thật trên cõi đời này thì sao ? Cũng có khi trời đất làm cho bi đát hơn thảm kịch “YÊU” của nhà đạo diễn “Định mệnh”. Thượng Đế đã vẽ nên những con đường tình khúc khuỷu cho một số cặp trai gái yêu nhau. Ngài bắt họ phải đóng trọn những vở kịch “tình yêu dang dở” trên sân khấu nhân loại ?
Định mệnh có hay không ? Tại sao lại vẽ ra những con “đường đi không đến” như vậy, để hãm con người vào đau khổ ? Có hay không có định mệnh, vẫn còn là một trong số những “nan đề” của triết học. Giả dụ như có, thì định mệnh đúng là cha đẻ của nghệ thuật. Nếu không thì tại sao lại phải là “chiều mưa” trong một lần “anh đến thăm em”, để nói câu giã từ ? Phải chăng “lòng buồn” thì “cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du) ? Định luật tự nhiên ư ? Hay mối tương giao giữa Trời và người (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu)? Hay chỉ là một thứ “mặc cảm tương liên” ?
Người Kitô hữu không tin vào thuyết định mệnh. Nói theo cách nói bình dân là: không phải “số mệnh đã an bài”! Nếu số mệnh đã an bài thì còn ai là người có công, kẻ có tội ? Nếu số mệnh đã an bài đến ngày giờ “x” đó, Adam, Eva phải đưa tay hái trái cấm ăn, thì “Tội”, đâu còn là “Tội Adam, Eva” nữa! Mà là tội của “số mệnh đã an bài”. Tội của người làm nên tác phẩm. Người Công Giáo lại còn tin rằng: Con người được Thiên Chúa ban cho sự “tự do” hoàn toàn. Khi đã cho tự do, thì không có áp đặt. Nếu Thiên Chúa vừa cho tự do, lại vừa áp đặt, thì Thiên Chúa đã tự mâu thuẫn! – Vậy đã không áp đặt thì không “an bài”. Nhưng người Kitô hữu có tin vào việc “Chúa quan phòng”. Một Thiên Chúa “Quan Phòng” là một Thiên Chúa đã thấy trước những sự việc sẽ xẩy ra, và Người đã có kế hoạch để ngăn ngừa (quan = thấy, phòng = ngừa). Nói một cách tổng thể là: Thiên Chúa biết việc con người yếu đuối, dễ sa ngã, sa ngã thì phạm tội. Phạm tội theo luật công bằng của Thượng đế là mất sự sống. Để ngăn ngừa sự tội, Thiên Chúa đặt để nơi mỗi con người, có một lương tâm. “Lương tâm” là tiếng nói của “Thần Thiện”. “Thần Thiện” không phải là một “ý niệm” thầm lặng, hay một “lý tưởng” ở trên cao, nhưng thực sự có khả năng thúc dục, hay đánh động. Tuy nhiên con người có nghe tiếng nói của “Lương Tâm” hay không, lại là quyền tự do của mỗi con người mà Thượng đế đã ban cho.
Cũng vậy, khi Thiên Chúa đặt giao ước rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” (stk 2, 16-17), thì Người đã thấy trước sự yếu đuối của Adam, Eva và biết họ sẽ vi phạm giao ước. Ngài không “an định và sắp xếp hay bày vẽ” ra con đường “định mệnh”, để một ngày nào đó, khiến Adam, Eva đến trước cây trái cấm, đưa tay hái ăn. Chắc chắn là không! Hoàn toàn không có!
Nhưng từ ngày con người vi phạm giao ước (và vẫn cứ còn vi phạm mãi mãi, chứ không chỉ hai nguyên tổ), thì “tội lỗi” bắt đầu đi vào thế gian! Chính “tội lỗi” là nguyên nhân của tất cả mọi đau khổ, mọi bệnh tật, mọi xui xẻo, mọi khốn cùng, mọi thiên tai, mọi tai nạn (tưởng là bất ngờ), mọi tình huống lẫn trạng huống gây nên bất trắc … và trên tất cả là chính sự chết. Chứ không phải định mệnh đã an bài, không phải “Chúa gởi sự khó”! Vì khi tạo dựng nên vũ trụ và con người, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (stk 1, 31). Chỉ có con người mới làm ra những gì không tốt đẹp (cho mình hoặc tha nhân) trong cuộc sống mà thôi! Chính bởi Thiên Chúa là Tình Yêu, con người mới được cứu sống. Cũng chính trong sự “Quan Phòng” của Thiên Chúa (về sự loài người sống tội lỗi và đáng phải chết), mà từ trước muôn đời, Thiên Chúa đã có ý tạo dựng Đức Mẹ, để Ngôi Lời mặc xác phàm, xuống thế, lấy “cái chết” của mình, mà chuộc lại “sự sống” cho nhân loại.
Vậy không có việc định mệnh đã đưa đẩy, cũng không có sự kiện “Thiên Chúa đã an bài” cho thành cái buổi “Anh đến thăm em một chiều mưa, để nói câu giã từ…”. Không có định mệnh nào vẽ ra những “con đường đi không đến”. Không có số mệnh nào “hãm” con người vào khổ đau. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là loại bỏ các trường hợp loài người bị Thiên Chúa trừng phạt vì quá ư tội lỗi. Điển hình như sau khi Adam, Eva phạm tội. Tập thể thì như thành Ninivê, Sodoma… trong Cựu ước. Còn biết bao nhiêu lần, Đ. Mẹ hiện ra cảnh báo nhân loại trong suốt vài thế kỷ nay. Đối với những hành trình trong cuộc sống, có nhiều khúc quanh của cuộc đời. Trong sự trầm lắng tâm tư, con người đôi lúc cảm nghiệm được có bàn tay của Thiên Chúa, Đức Mẹ gìn giữ, sắp xếp, dẫn đưa, ra khỏi những nguy nan, hoặc ngõ bí của cuộc đời… Đó là hồng ân của một niềm trông cậy và phó thác. Sự thưởng phạt theo ý nghĩa của tâm linh cũng vẫn thường xảy ra, như sự can thiệp của cha mẹ trong sinh hoạt con cái. Nhưng không phải là một sự sắp xếp trong khuôn khổ, áp đặt lên con người ngay từ khi mới chào đời. Kể cả chuyện “Tình duyên”, mà người đời vẫn thường bảo: Vợ chồng lấy nhau là do số mệnh (2).
*
Lậy Chúa Giêsu! khi mặc lấy xác phàm, Chúa đã làm con Mẹ Maria, và trong “Tình Yêu quá đỗi”, Chúa đã cho nhân loại được chung phần làm con Mẹ với Chúa (Ga 19, 26-27). Chúa đã cho chúng con ngồi đồng bàn với Chúa trong tình “Anh em” (Lc 22, 30). Trước ngày chịu nạn, trong bữa Tiệc Ly, chiều ấy không có mưa Chúa ạ! Chúa cũng không nói câu giã từ. Trái lại Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể, để ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Trước khi đến Thế gian, Chúa đã biết thế gian tội lỗi, bởi đó Chúa đã nói cho chúng con biết rằng: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16, 33). Vậy mà lắm khi chúng con, vẫn cứ tưởng rằng: “Sự khó Chúa gởi tới”. Vậy sự khó Chúa chịu, ai gởi tới cho Chúa ? Không lẽ lại là Chúa Cha ? Nếu là Chúa Cha, thì  Chúa phải  nói: Thày đã thắng Cha Thày chứ!
Lậy Chúa Giêsu con đã hiểu rồi! Chúa là “Đấng gánh tội trần gian”. Những gian nan khốn khó Chúa chịu do chính tội trần gian sinh ra, đè nặng lên vai Chúa. Và đỉnh chiến thắng thế gian của Chúa là cuộc Tử Nạn trên Thánh Gía đồi calve.
Lậy Chúa, Con thực biết Chúa không muốn chúng con bị đau khổ (chứ đừng nói đau khổ Chúa gởi đến). Nhưng tội đời chúng con thật đã nên nhiều khổ đau như Chúa biết. Do đó có hoài  những chiều mưa –  mưa ngoài trời cũng có, mưa trong lòng cũng nhiều –  và không thiếu  những bạn trẻ yêu nhau mà phải “đi trong mưa”. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào, xin cho mọi người chúng con biết Tín Thác vào Chúa. Tin vào Hồng ân của Chúa ban, để nhờ Chúa mà chiến thắng tội lỗi của chính mình, cũng là chiến thắng  mọi khổ đau trên đường đời.
Lậy Chúa, Xin hãy đến thăm chúng con những chiều mưa. Những giọt mưa sầu rơi rơi lạnh buốt hồn lữ thứ. Xin cho những ai đang đi trong mưa gió cuộc đời, tìm được sự ấm áp trong tâm tư, của “MỘT NIỀM PHÓ THÁC”.

Tg. Uyên Ly

CHÚTHÍCH:
(1) Câu chuyện trong đề tài được mô phỏng theo phim “Chuyện Tình ở Harvard”, bộ phim của Đại Hàn. Độc giả nào chưa xem, tìm xem!
(2) “… Tình yêu giữa một người nam và một người nữ , thứ tình không bị an bài trước và cũng chẳng bị bắt buộc, nhưng cách nào đó tự xảy đến trên con người, được gọi là Eros (Tình Ái) trong tiếng Hylạp cổ…” (Trích Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của Đức Thánh Cha Benedicto xvi, chương 3)