“… Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi,
 vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ Người vào 
ở lại với họ…” (Lc 24, 29).

TÔI ĐI GIỮA HOÀNG HÔN, lúc Thế Gian được bảo:  
“… Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này
 chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận 
động đất nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là 
khởi đầu các cơn đau đớn… và bấy giờ sẽ là tận cùng” (Mt 24,7-14)

TÔI ĐI GIỮA HOÀNG HÔN, Khi ánh chiều buông, khi
nắng còn vương. Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài, 
mà lòng mình thấy u-hoài! (Nhạc & lời: Văn Phụng)
*

Nắng chiều như một giải lụa nhạt mong manh, đu đưa trong gió thoảng, trải trên thảm cỏ dưới chân đồi, làm tăng vẻ mộng mơ cho một cuộc tình. Dẫu vậy, cũng chẳng được bao lâu! Dù chiều xuống dần, nhưng thời gian vội đi, kéo theo những vạt nắng lụa … Người con gái nghiêng nghiêng mái tóc, thả nhẹ trên vai người yêu, đôi mắt nhìn lên bầu trời, một cõi xa xăm. Nàng cố đem cái vui hồn nhiên của tâm hồn, để níu kéo thời gian, biết rằng sẽ mất. Chỉ còn lại khoảnh khắc của vùng đất dưới chân, xa xa trời tím đã loang dần…
–  Anh, Em đố anh điều này nhé!
– Em đố anh ? … được! Nếu anh trả lời trúng thì sao ?
– Nếu anh trả lời trúng thì tối nay, … Em sẽ đưa anh về!
Người con trai cười:
– Được! … em đố đi!
– Hoàng hôn đã xuống dần rồi! Trong “Không Gian”, Hoàng Hôn trở nên biểu tượng của những bến bờ. Tiêu biểu như những con thuyền, ngày mãi thì không sao, nhưng cứ chiều xuống, dù ở nơi đâu, thuyền cũng tìm vào bến đậu. Trong “Tình yêu”, Hoàng Hôn  trở thành bến mê. Không hiểu sao, khi yêu nhau cứ chiều tới là người ta bắt đầu hẹn hò. Không quán kem thì tiệm ăn, không rạp hát thì cũng ở một chân trời góc biển nào đó.
– Nói vậy thì … chúng mình đang ngồi đây, cũng là đang ngồi trên Bến Mê sao ?
– Anh còn phải hỏi ? … Đối với màn đêm, Hoàng Hôn có phải là “Bờ” của bóng tối ? (mà) Bóng Tối thì dầy đặc “Hiểm Nguy”. Anh thì em không dám nói, chứ em … nếu mình không ở trong cơn mê, thì sao lại cứ thích lao đầu vào “nguy hiểm” ? Nhưng em cũng nói cho anh biết: Một người biết mình đang “Mê”, thì không chừng lại là “Tỉnh”!
Người con trai giơ tay lên, định phất nhẹ một cái trên má người yêu, nhưng nàng đã lách nhanh sang một bên, nắm giữ bàn tay của chàng lại:
– Anh đừng làm thế! … Bây giờ em mới đố anh đây: Đối với “Thời Gian”, Hoàng Hôn được gọi là bến gì ?
– Bến Mơ !
– Trật lấc! … mới chiều thôi, chưa ngủ mà đã “mơ” cái gì!
– Cho anh nghĩ một đêm, chiều mai anh sẽ có câu trả lời cho em!
– Không được! … Phải trả lời ngay bây giờ! Chiều mai, em “Đã qua cơn Mê” rồi, đâu còn hẹn hò gì với anh nữa! Người con gái cười một cách thích thú.
– Được rồi! Anh thua, em nói đi! … Anh đang thích nghe em nói đây!
– Đây nhé! … đối với thời gian, có phải chỉ còn một khoảnh thời gian ngắn cách Hoàng Hôn nữa thôi, là Trăng lên, sao trời xuất hiện ? Từ ngàn xưa, đã có biết bao nhiêu cặp tình đứng ở bến này, chờ trăng lên, để gọi tên từng vì sao. Văn chương Pháp có câu: Mỗi người đều sinh ra dưới một ngôi sao.  Lát nữa đây, chúng ta cũng sẽ tìm vì sao của mỗi đứa mình. Như vậy, mỗi khi xa nhau, hằng đêm chúng ta chỉ cần ngửa mặt lên trời, là có thể tìm được ánh mắt của nhau trên hai vì sao ấy.
– Cám ơn Thượng Đế, đã cho anh gặp được một Thiên thần của mộng mơ! … Nhưng như thế thì… với “Thời gian”, em định gọi tên cho Hoàng Hôn là bến gì ?
Người con gái tựa hẳn đầu trên vai người yêu, và se sẽ hát:
“ … Nhớ nhớ nhớ đêm nào trên bến tìm sao,
 hai đứa nhìn nhau, không nói một câu. 
Thì thầm mơ ước, ước mơ dạt dào,
 thì thầm hẹn nhau mùa sau” (Văn Phụng)
– À, thì ra là “Bến Tìm Sao” … Anh nhớ rồi, Người Mehico cổ, đã từng đứng ở “Bến” này mà tìm ra chòm sao thứ mười ba, chòm sao cuối cùng của vòng Hoàng Đạo(*). Tuy nó gợi nên những ý niệm về sự chết, sự cáo chung của thế giới loài người, nhưng đồng thời cũng là sự khởi đầu, sự đổi mới… Anh xin trưng dẫn câu thơ của Nerval: “Chòm Mười Ba trở lại … vẫn là chòm Thứ Nhất”. Nên đứng về phương diện đặc trưng, nó cũng tiêu biểu cho Hoàng Hôn.
– Như vậy nghĩa là anh đã chấp nhận thua, và không còn gì để khiếu nại nữa chứ! … Thua thì phải làm gì đây ?
– Anh thua, vậy thì … tối nay, … Anh sẽ đưa em về!
Người con gái “xì” ra tiếng:
– anh chỉ được cái dành phần “khôn …” cho mình! … Ghét anh ghê! …
Anh yêu quí,
Tiếp theo những lá thư anh viết cho em, cũng như em cũng đã từng gởi anh. Hôm nay em xin bàn với anh về hai chữ “Hoàng Hôn”. Hôm ấy trên con đường đi về Làng Emmau “Trời đã xế chiều //  và ngày sắp tàn”. Tuy là hai mệnh đề mang cùng một ý nghĩa, nhưng mà không dư! Nếu thiếu mệnh đề sau thì mệnh đề trước mất phần thê lương, vì đã không được báo hiệu là “Sắp Tàn”. Khi nói “ông ấy đã già” thì nó hoàn toàn khác với việc loan báo: “ông ấy sắp chết”. Tác giả bài Tin Mừng, cũng không chỉ dùng mệnh đề sau không thôi, vì như thế, nó thiếu hẳn bề dài và bề sâu của một buổi chiều. Nếu chiều nào cũng như chiều nào, thì trong đời ta có rất nhiều ngày, không có buổi chiều! Có những ngày quá bận rộn, cho tới khi công việc hoàn tất, thì ngoài kia trời đã tối. Những ngày ấy chiều vắng mặt! Nói cách khác “Chiều đã không hiện hữu”. Nhưng buổi chiều trong lòng hai môn đệ trên đường Emmau là một buổi chiều thật dài, không phải nó được đo bằng chiều dài của mười một cây số cách Giêrusalem (Lc 24,13). Mà có lẽ nó đã được kéo dài suốt từ ba giờ chiều ngày Chúa chết. Giờ mà tất cả niềm hy vọng Thầy mình sẽ làm phép lạ để không chết … đã hết! Tuy vậy các ông cũng vẫn nán lại Giêrusalem ba ngày qua, trong niềm hy vọng mong manh, may ra sẽ nhìn thấy được chút ánh sáng ở cuối con đường hầm. Tia sáng nào ở cuối con đường hầm ? Ngày xưa đó, các ông đã từng được nghe nói Tiên tri Giôna ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm mà không chết, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy (Mt 12,40).  Nhưng chỉ là nghe nói! Cuộc tử nạn đã quá thảm thiết! Nếu Thầy mình tránh được thì đã tránh rồi! Cần gì phải chịu đau đớn quá như vậy, chết tức tưởi quá như vậy rồi mới sống lại! Ích lợi gì chứ ? Phải chiến thắng ngay lúc bọn chúng đang hành hạ bắt bớ mình, thì bọn chúng mới sợ, dân chúng mới suy phục chứ ? – Không cứ gì các Tông đồ hay Môn đệ. Là con người ai cũng nghĩ theo kiểu đó! Một khi điều nghĩ đó đã không xẩy ra được, thì tất cả niềm tin, niềm hy vọng muốn xụp đổ hết rồi! Hoàng Hôn trong lòng các môn đệ đã dài lắm rồi! “Trời đã xế chiều”!
“Hơn nữa, những việc ấy xẩy ra đến nay là ngày thứ ba rồi” (Lc 24,21). sáng hôm nay lại nghe mấy bà đi ra mộ, rồi trong bọn họ, có mấy người nghe chuyện rồi cũng đi ra, nhưng chính “Người” thì chẳng ai thấy (Lc 24,24). Cũng lại chỉ là chuyện nghe nói thôi! Còn gì nữa đâu! Thôi thì giải tán về quê, lo chuyện làm ăn, chứ hy vọng gì ? “Ngày sắp tàn”! Thê lương là ở chỗ đó!  Bẩy mươi hai môn đệ có lẽ đã tản mát nhiều rồi. Cũng có thể hai ông đi về Emmau chiều nay, là hai môn đệ về làng đầu tiên, hoặc là cuối cùng! Nhưng tất cả các ông đều có chung một tâm trạng: Chán nản, buồn rầu, và thất vọng. Tại sao dám nghĩ là tất cả ? Vì nếu chỉ có hai người thôi, thì Thánh Luca đã nêu tên cả hai. Không nêu tên, vì là tâm trạng chung của tất cả, chứ không phải là không biết tên người kia (Các Tông đồ sống cận kề với Chúa, thì không những biết tên các môn đệ của Chúa, mà còn thân thiết nữa là khác). Sở dĩ Thánh Luca chỉ cần thiết phải nêu tên một người là Clêopat, vì Ngài là Thánh Sử (chắc chắn do Chúa Thánh Thần soi sáng, chứ Ngài có học “Phương pháp Sử” bao giờ!). Nhà viết sử không thể viết cách mông lung, dữ kiện luôn đòi hỏi phải có nhân chứng (1). Nhưng rồi chính lúc “Trời đã xế chiều, ngày sắp tàn”, chính lúc các ông tuyệt vọng, thì Chúa hiện diện! …
Anh thân mến,
Em mượn hình ảnh câu chuyện “Trên đường về Emmau” để có một khái niệm về Hoàng Hôn Tâm lý. Cái gì mang tính chất tâm lý thì không có số đo thời gian một cách chính chuẩn. Lại nữa, “Hoàng hôn” của không gian, của thời gian, còn mang lại sự lãng mạn, sự đam mê, sự níu kéo hay nuối tiếc, vì nó phảng phất bóng dáng của nghệ thuật, và nó có vẻ đẹp hay sự lôi cuốn riêng của nó. Biểu tượng của chiều hôm trong lãnh vực tâm lý nặng về sự kết thúc của một chu trình. Trong văn hóa La- Hy, Crépuscule (Hoàng hôn) luôn là một biểu tượng gắn liền với ý niệm “về Phương Tây” – Nơi mặt trời xế bóng, Lặn và Chết (2) – Hoàng hôn trong khi là khoảnh khắc lơ lửng của không gian và thời gian cuối cùng của một ngày, nhưng lại mang tính biểu tượng của một trạng thái  mang ý nghĩa của những gì sắp nhào lộn vào một thế giới khác (có thể hiểu như là thế giới Tâm Linh ngoài nghĩa đen là Đêm). Cũng như Hoàng hôn của một đời người, Thánh Matthiêu tiên báo về buổi Hoàng hôn Nhân loại: “… Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn … Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng.” (Mt 24, 7-14).
Anh yêu quí,
Dường như thế hệ này đang mang nhiều dấu hiệu đã được loan báo: Những cơn đói kém đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhân loại đang sững sờ, và đã thất kinh về những trận động đất cùng những thiên tai xảy ra liên tiếp trong những năm qua: Nào sóng thần, nào bão tố… rồi như trận động đất mới nhất ở Nam Dương. Những cuộc sát hại hàng loạt từng lên tới hàng chục ngàn người bị chết, hàng trăm ngàn gia đình bỗng nhiên rơi vào cảnh ly biệt đầy tang thương, nhà cửa đang êm ấm, trong phút chốc, lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.  Nhiều dân tộc đã mệnh danh “lý tưởng này, lý tưởng nọ”, mà nổi dậy chống nhau. Chiến tranh, khủng bố giữa nước này với nước khác, dân này với dân kia. Thế giới đang được khoanh vùng. Nhiều ngôn sứ giả đã xuất hiện. Mới nhất, phải kể là sự kiện “The Da Vinci Code” (Mật mã của Da Vinci (3), đã lôi cuốn hàng triệu người trong một thời gian kỷ lục. Tội ác gia tăng đến cùng cực: Phá thai từng giây, từng phút, sát sinh trẻ thơ vô tội, buôn bán đàn bà phụ nữ có tổ chức mang tầm vóc quốc tế. Cứ nhìn xem “hiện chứng” những bệnh lạ tràn lan khắp nơi trên thế giới, đủ rõ con người tội lỗi đến dường nào! Nếu như người ta còn ngụy biện cho rằng những sự kiện như vậy cũng đã từng xảy ra trong quá khứ các thời đại, thì em cũng xin mượn hai chữ “mật mã” nhưng không phải của Leonardo da Vinci, mà là của Thánh Matthêu chương 24, câu 14 rằng: Tin Mừng đã được “loan báo trên khắp thế giới” rồi, và cùng với những hiện tượng trên, chính là dấu chỉ  nhân loại đã đi vào Hoàng Hôn. Thánh Gioan, trong sách Khải Huyền (nói về thời cánh chung) cũng đã viết: “Nó bắt mọi người không phân biệt lớn nhỏ, giầu nghèo, tự do hay nô lệ, phải thích dấu trên tay hữu hoặc trên trán. Không ai có thể mua bán, nếu không mang dấu thích đó, tức là tên con thú … vì đó là số của tên một người, và số của tên người ấy là sáu trăm sáu mươi sáu.” (Kh 13,16-18) . Thế giới hôm nay, bất kể quốc gia lớn nhỏ, nước giầu hay nghèo, tự do hay không có tự do (các nước mệnh danh là tự do,độc tài hay Cộng sản) đang liên hệ, mua bán với nhau bằng điện toán (Computer). Nhân loại đang tiến dần đến việc bán buôn không bằng tiền: Từ việc xử dụng mạng lưới điện toán (internet), đến một tương lai chỉ cần gắn một con “chip” trên tay hay trên trán là có thể trao đổi được tất cả mọi dịch vụ đời sống: “Không ai có thể mua bán, nếu không mang dấu thích đó”. Dấu thích đó được mở đầu bằng ba chữ “www” (4), nó cũng đồng nghĩa với 666 theo nghĩa chữ Hebrew (5). người ta cũng gọi nó là “con” chip, y như tên một con thú, và máy Computer tối tân nhất hiện nay, cũng được gọi là “Siêu người máy”, vì nó có thể tự học hỏi để tiến bộ, tự rút kinh nghiệm để giải quyết. Nó có thể trả lời mọi câu hỏi thuộc về thế gian (6a). Và nó đã có thể cho lời giải đáp về từng số phận của mỗi quốc gia trên thế giới (bộ óc siêu điện tử thời nay).
Anh thân mến, con người đang hãnh diện về những phát minh. Tốc độ sáng chế trong các nhà máy được tính bằng thời gian của giây, của phút, chứ không phải theo ngày, tháng. Vì thế nó thúc đẩy con người phải chạy đua vì nhu cầu. Có những món hàng người tiêu thụ chưa kịp dùng đã trở nên lỗi thời! Đời sống vì thế trở nên chụp giật. Anh thử nhìn xem trên khuôn mặt nhân loại ngày nay, có phải ai ai cũng hằn lên sự mỏi mệt ? Thật là mỉa mai nếu có thời gian để người ta nhìn lại nền văn minh này. Những phát minh tưởng làm cho con người được hưởng thụ, được sung sướng và trẻ lâu, thì nó lại khiến cho con người già nua nhanh, bệnh tật nhiều. Thay vì làm chủ những phát minh, nhân loại trở thành nô lệ cho những cái họ làm ra. Không cần nói tới chiến tranh và thiên tai do việc xử dụng các nguồn năng lượng con người gây ra (6b), chỉ nghĩ tới việc con người phải suốt đời đấu trí với cuộc sống, cũng đủ mất đi sự bình an trong tâm hồn. Trong bóng “Hoàng hôn” văn minh nhân loại, tuổi trẻ hôm nay, rất nhiều lạc lõng, bơ vơ. Khi mặt trời chân lý ngả về phương Tây, cũng là lúc, những ảo ảnh của muôn màu, muôn sắc ánh lên chiều hôm, tạo sức quyến rũ, đam mê, lôi cuốn con người ra khỏi mái nhà yên tịnh, nhưng rồi nó sẽ đưa con người vào bóng tối của đêm đen mịt mùng. Nhưng em cũng cần nhắc lại lời của người con trai trong đôi tình nhân em vừa kể:
“Chòm sao cuối cùng của vòng Hoàng Đạo mà người Mehico đã tìm ra, tuy mang ý niệm về sự chết, sự cáo chung của loài người, nhưng đồng thời cũng là sự khởi đầu, sự đổi mới”. Trong hành trình về Emmau cũng vậy, chính lúc “Trời đã xế chiều, ngày sắp tàn”, chính lúc các ông tuyệt vọng, thì Chúa “Phục sinh” hiện hữu giữa các ông! Và các ông đã được đổi mới! Tin Mừng Thánh Matthêu cũng nói như thế: Chính lúc được loan báo là “Tận Cùng” (Hoàng hôn), thì: “…Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực ở trên trời bị lay chuyển (Đêm đen). Bấy giờ dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện (Bình minh mới) … Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến” (Mt 24, 29-30).
Anh, hồi em còn sinh thời (7), em từng được nghe anh hát khúc hát “Tôi đi giữa Hoàng hôn” của Nhạc sĩ Văn Phụng. Bây giờ em xin hát lại nho nhỏ để anh nghe nhé:
“Tôi đi giữa Hoàng hôn,
khi ánh chiều buông,
khi nắng còn vương.
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài,
mà lòng mình thấy u-hoài…”.
Ngày hôm nay, trong thế giới Tâm Linh em đã nhìn thấy rất nhiều cánh chim lạc loài, chính là giới trẻ đang sống trong “Hoàng hôn trần thế”. Họ không còn biết đâu để định hướng đường bay trong bão táp. Trời đang tối dần. Thỉnh thoảng những tia chớp loé lên, chỉ đủ để họ nhìn thấy những hào quang của một nền văn minh được mệnh danh là khoa học và hiện đại. Họ không còn nhìn thấy được ánh sao trời, một thời được coi là chân lý! Thế nên trong nỗi u-hoài của lòng mình, em chỉ còn biết nói với Đức Mẹ:
Mẹ ơi! Xin ban cho những Ngôn sứ (8) của Mẹ, ơn can đảm, dám “ra khơi” trong đêm tối bão bùng, để thắp lên trong thế gian những ngọn đuốc soi đường, hầu cho những cánh chim lạc loài, nhờ đó mà tìm về tổ ấm./.

Ghi chú:
(*) Hoàng Đạo (Zodiaque): Tự nó là một biểu tượng của một chu kỳ, y như một vòng tròn chia thành 12 cung, mỗi cung mang một tên. Hầu hết các Quốc gia, cũng như tất cả các thời đại được khảo cứu qua khoa học và lịch sử đều công nhận như vậy, mặc dù Đông hay Tây, từ Babylone, Ai cập, Judea, Ba tư, Trung quốc, Ấn độ, Tây tạng, các nước Tây, Đông Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, các quốc gia Hồi giáo, và ngay cả Việt nam v.v… đều biết vòng Hoàng Đạo, và biết nó trong khoa Chiêm tinh, Tử vi. Chỉ khác nhau về tên của mỗi cung, nhưng nó là những cung động Vật. Trung Hoa thì thuần túy Động vật như: Tý, sửu, dần, Mão …, còn Tây phương thì có xen hình người, như: Xử-nữ (H. ảnh phụ nữ); Bảo Bình (H. đàn ông); Song nam (hai đứa trẻ) … Chiêm tinh học quan niệm Hoàng Đạo là tập hợp những chòm sao của những sinh thể. Nó ảnh hưởng tới 12 cung trong một ngày, 12 tháng trong một năm, và cũng phân chia các thời đại ra thành 12 chu trình với 12 chòm sao. Người Mehico cổ tìm ra chòm sao thứ 13, là một chòm sao mà họ gọi là cuối của một chu trình: vì nó rất mờ và mang biểu tượng Hoàng hôn hay báo hiệu của sự chết chóc v.v…
(1): Ngay như Bộ Xuân Thu của Khổng Tử, viết về nước Lỗ và các sự kiện liên hệ với các nước xung quanh, vẫn không được coi là cuốn sử, và chính Khổng Tử cũng không được coi là sử gia, chỉ Tư mã Thiên (viết đúng như khoa sử học)  mới được công nhận.
(2): Câu chuyện con thú Sphinx (Sư tử đầu người – Tượng của nó còn nằm trong sa mạc Ai cập) đã sát hại rất nhiều người về câu đố: “Con vật buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa hai chân, buổi chiều đi ba chân”; Thần thoại Hy lạp kể câu chuyện Persée (con của thần Jeus với nữ thần xinh đẹp Danaée) muốn giết 3 nữ quỉ dữ (Trên đầu họ, cứ mỗi sợi tóc là một con rắn) có tên chung là Gorgone, chàng phải đến một nơi thuộc phương Tây, quanh năm lúc nào cũng mờ mờ xám (Biểu tượng của cõi chết), như buổi Hoàng hôn của mùa Đông rét mướt. Héraclès (Hercules của Lamã) phải lấy 3 trái táo vàng của những tiên nữ Hespérides (mệnh danh là những nàng tiên “Chiều hôm”) nên đã phải đánh nhau với con rồng vàng trăm đầu canh giữ trong vườn của Héra. Á đông có chuyện vườn đào của bà Tây vương Mẫu.
(3): The Da Vinci Code ( Mật mã của Da Vinci): Cuốn tiểu thuyết của Dan Brown, xuất bản năm 2003, thuộc loại sách bán chạy nhất Thế giới trong năm (best seller): Trên 60 triệu ấn bản, dịch sang 42 thứ tiếng, được đóng thành phim. Cuốn phim ra mắt tại Washington ngày 19.5.2006.  Dan Brown dựa vào bức danh họa “The last Supper” (Bữa Tiệc ly), để viết nên cuốn tiểu thuyết luận đề: Chúa Giêsu có vợ – Maria Magdalene – Tác giả cho rằng “Mật mã của Da Vinci” để lại qua hình ảnh Tông đồ Gioan, người đang tựa vào ngực Chúa, là người có khuôn mặt “Nữ giới”. Kiệt tác “The last Supper” là của nhà Họa sĩ đại tài Leonardo da Vinci cuối thế kỷ xv – đầu thế kỷ xvi .
(4): Chú thích sách Khải huyền (Kinh Thánh do nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ -1998- ) chương 13 số 18 có ghi: “Xưa có thói quen viết tên bằng số.  Mỗi chữ cái trong mẫu tự tương đương với một con số.”
(5): Hébrew: ngôn ngữ của người Ibrim (Tiền thân của người Do thái), dân đến từ bên kia sông Euphrat, Tổ tiên của họ là người Semites ở Tây – Á thời cổ đại, là những bộ tộc du mục hàng chục thế kỷ trước Th.Ch. Đến t.k. 17 trước T.C một số thị tộc Hébrew – trong đó có thị tộc Giacop – đến cư ngụ ở Ai-Cập, nhưng không chịu nổi sự ngược đãi của người Ai cập, T.k. 13 trước T.C. Dưới sự lãnh đạo của Moise, họ thoát khỏi Ai cập  đi về “Miền Đất Hứa”, sống bên cạnh người Palestine. T.k. 10 trước T.C, họ mới thành lập nước Israel. Trong “Thời Điểm Hồng Ân” của L.M. Tiến sĩ Nguyễn quốc Hải (1999) cũng nói chữ W trong tiếng Hébrew là con số 6.
(6a): Theo chương trình The Documents trên truyền hình Mỹ. Trong quá khứ, hành động quân sự nằm trong tay những kẻ cầm đầu “vô ý thức”. Ngày nay, hoàn toàn trông cậy vào “bộ óc siêu điện tử”, “điện toán”. Loại tri thức này, là một hệ thống giám thị và trang bị phân phối vũ khí: Từ vệ tinh đến tiềm thủy đĩnh. Ngày nay ai cũng biết “máy điện toán” là một bộ óc cực kỳ thông minh. Bộ phận DARPA (Trung tâm nghiên cứu kế hoạch cao cấp quốc phòng của bộ quốc phòng Mỹ) xử dụng một hệ thống điện toán có khả năng mỗi giây tạo ra hàng triệu suy luận. Phác thảo ra những kế hoạch, những chương trình dài hạn, có khả năng quyết định các vấn đề then chốt về quyền lực cũng như các vấn đề lớn nhỏ của mỗi nước. (6b): Việc xử dụng những lò hơi đốt, những vụ thử bom nguyên tử, vụ nổ lò vũ khí hạt nhân ở Chernobyl năm 1986 v.v… đã làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề.
(7): Người con gái trong thế giới Tâm linh này, độc giả hẳn đã từng gặp trong các Tâm tư I, Tâm tư 2 … nghĩ không có gì xa lạ!
(8) Ngôn sứ: Không phải chỉ là các Giám mục, các Linh mục. Trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được sức dầu, tức được thông phần với Đức Kitô trong sứ vụ: Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả, vì là con Thiên Chúa, em của Đức Giêsu Kitô. Nên tất cả mọi người Công giáo đều là Ngôn sứ thật, có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Chúa. Cũng vậy, là “Tư tế”, các Tín hữu đi “Dâng lễ” chứ không phải “xem lễ”, nên phải ăn mặc cho thật đẹp (xứng với vai trò Tư tế và Vương giả), và Trang trọng (khác với cái “đẹp” khi đi Dạ hội).

Tg. Uyên Ly