Chiều nay mưa vẫn mưa,
Lang thang cơn gió thoảng.
Gợi hồn giấc mơ xưa,
Trên giòng sông dĩ vãng,
Có nghe lòng vui chưa?

Anh rất đáng mến!
Đúng như thủa xưa em đã nói: “Sau này dẫu mất em, chỉ cần anh nghĩ tới, là em đã đến bên anh.” Anh có biết không, sau thời thanh luyện, em được Chúa và Đ. Mẹ cho lên vùng ánh sáng vĩnh cửu. Nơi đây, ngoài sự được chiêm ngưỡng một Thiên Chúa toàn năng và người Mẹ tuyệt vời của nhân loại, trong luồng ánh sáng lung linh kỳ diệu, của hết mọi linh hồn hàng mơ ước. Em cảm nhận  ngay, mình đang được sống trong một thế giới yêu thương tràn đầy. Có thể gọi được đây là cõi Tâm-Linh vì là nơi của Thần linh với những con tim. Dù sao thì ngôn ngữ loài người cũng không thể nào diễn tả một cách chính xác được! Nơi đây, đấng Chí-Nhân ban phát tự do yêu thương vô giới hạn cho hết mọi tâm hồn –- Niềm yêu thương tinh khiết, không chút vẩn đục mùi tục lụy –- Nhờ thế, khi mà anh đang nghĩ về một quá khứ bên giòng sông Hạ, thì nơi đây mọi cảnh vật, cả không gian lẫn thời gian trong đó có anh, với tuổi ấu thơ của chúng mình, đều hiện hữu bên em một cách rõ ràng. Dù tin hay không, chết rồi anh sẽ biết! Anh sẽ biết nhiều hơn những gì em muốn nói. Vì khi nói với anh, em vẫn phải dùng thứ ngôn ngữ nghèo nàn của nhân loại.
Trong cõi hằng sống, bên đấng Chí Công, em cũng được Chúa cho phép đáp trả lại cho cân, những giòng tâm tư anh đã viết cho em. Biết anh đang tiếp tục đi trong giòng sinh mệnh, mà anh bóng bảy ví giòng đời cũng như giòng nước. Hôm nay em gởi đến anh giòng tâm tư của một người, đã từng một lần, Chúa bảo phải “dừng lại”. Em phải định nghĩa thế nào về hai chữ này ? Xin cho em được thí dụ như mình vẫn còn sống trên cõi đời:
– Khi em đang sống, có phải là em đang làm việc. Tâm hồn chìm ngợp trong những ưu tư, suy nghĩ. Đứng bên bờ của những đợi mong mà tương lai đang từ từ bước tới. Có thể mình đợi chờ một người. Có thể là đợi mong những điều mình mơ ước.
– Cuộc sống hiện hữu có thể đang bị che bởi những áng mây buồn. Lớn hơn nữa là những cơn giông tố,bão táp, đè nặng trên tinh thần, hoặc thể xác.
– Cuộc đời em, chắc cũng có những ngày rực lên màu nắng của yêu thương, hạnh phúc. Nhưng trong màu nắng pha chút ráng hồng ấy, đâu phải lúc nào cũng là những tấm áo the che mặt trời buổi sáng, hay lụa là trải lên vạn vật những hoàng hôn. Chắc chắn phải có những trưa nồng oi ả, những xế chiều trộn lộn vài đám mây đen, báo hiệu những âu lo vốn tiềm tàng trong tâm khảm. Vì tình yêu hay hạnh phúc bao giờ cũng cần phải được nuôi dưỡng.
Bất cứ cái gì cần nuôi dưỡng cũng dẫn đến sự vất vả, lắng lo. Đàng sau những vất vả, lo lắng, nhiều khi không phải là hạnh phúc, mà lại là một thương đau!
Tóm lại, sống là một sự dong duổi, đuổi theo. Đuổi theo dù mang ý nghĩa cụ thể hay trừu tượng, đều đem đến mỏi mệt. Sự mỏi mệt đến một lúc nào đó khiến ta phải dừng lại – Dù là tự ý hay là bị bó buộc.
Em đã có kinh nghiệm của một sự nằm xuống. Nằm xuống là cuộc đời đang đi tới bỗng nhiên “DỪNG LẠI”. Lúc ấy:
Tất cả những lo toan, tất cả những tính toán. Tất cả mọi kế hoạch. Tất cả chuyện bán mua. Tất cả mọi ước mơ hay xây dựng. Tất cả yêu thương và giận hờn. Tất cả mọi nhu cầu hay ban phát … Hết thảy đều dừng lại ! Kể cả những công phúc đang làm, hay những bước chân hoang, đi rong trong tội lỗi…
Anh rất đáng mến!
Trong giòng đời, Chúa biết con người thường hay mỏi mệt, hay gục ngã. Nên Người yêu thương luôn luôn mời gọi ta dừng lại, nghỉ mệt, lắng nghe và bồi dưỡng, để khi con người chỗi dậy, lại đủ sức cho cuộc hành trình được tiếp nối.
Ngày xưa còn bé, mỗi lần nghe tiếng anh gọi. Em đều dừng lại ngoảnh mặt về phía anh, để xem anh bảo gì. Đó là vì em yêu anh, thường nghe anh, để được anh chiều chuộng … Từ ngày ở bên Chúa, biết Chúa luôn mời gọi, nhưng rất  ít người ngoảnh mặt nhìn Chúa. Có lẽ vì thiếu lòng yêu Chúa, người ta chẳng cần lắng nghe, cũng chẳng tha thiết năn nỉ, để được Chúa chiều chuộng.
Ngày còn sống trên dương thế, em đã được nghe nhiều về hai chữ “Ơn gọi”. Khác với người đời gọi nhau. Khi Chúa gọi, bất cứ trong trường hợp nào, cũng đều là Hồng ân cả. Do đó  “ơn  gọi” chính là tiếng nói của Thượng đế truyền đạt đến con người, và con người là đối tượng của “ơn gọi”. Có đúng thế không anh ? —  Khi đối tượng không đáp trả, thì theo em: Một là, đối tượng mang tật bẩm sinh. Nếu là vậy, thì họ phải cần được chữa trị. Hiện tượng câm điếc này, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng không thể chữa được! Tật nhân cần phải được Chúa chữa qua bí tích giải tội. Cũng ngày xửa ngày xưa, trên giòng sông Hạ. Có lần anh nhéo tai em, vì anh gọi mãi ở bên kia bờ giòng nước, mà bên này em đang mải chơi cùng lũ bạn. Nên đã không nghe được tiếng gọi của anh. Đó là trường hợp thứ hai: Mặc dù không bị điếc, chỉ vì vui chơi hay mê mải trong cuộc đời, như: Công danh, sự nghiệp, tiền tài, danh vọng… Khi ta đắm chìm vào một đam mê trong cuộc sống, ta cũng sẽ không nghe được tiếng Chúa.  Hơn thế nữa, anh có nghĩ là Chúa không gọi bằng tiếng loài người? — Ngài gọi bằng tiếng nói của Tâm-Linh — Ngôn ngữ của tâm linh là ngôn ngữ phát ra trong thinh lặng. “Xin cho con biết lắng nghe lời Người gọi con trong đêm tối”. Ở đây, đêm tối là biểu tượng của không gian và thời gian thinh vắng – Thinh lặng và vắng vẻ —  Ban ngày là biểu tượng của sinh động, ồn ào, náo nhiệt. Con người thức dậy từ ban mai đến chiều tối, là con người sống trong tất bật, bởi muôn ngàn thứ quay cuồng của khát vọng, vật chất vây quanh… Lậy Chúa, Chúa không gọi con trong những thứ hào quang của cuộc đời, như  Chúa đã từng bảo người thanh niên giàu có: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi. Người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mt 19,21-22).
Anh thân mến ! Có một buổi chiều tàn Thu, hai đứa ngồi bên song cửa, nhìn những giọt mưa bay. Em bắt gặp một cánh chim lạc lõng, đứng sướt mướt trên cành cây khô. Nghe tiếng kêu của nó xót xa, như tiếng than của một đứa trẻ con mất mẹ. Em chợt động lòng ngâm sẽ bài thơ mới học ở trường:
Con chim non không tổ,
Trẻ mồ côi không nhà.
Hai bên cùng đau khổ,
Cùng vơ vất bê tha.
Anh cãi em và bảo: “Đó không phải là con chim non không tổ, mà nó là kẻ bị người tình phụ, nên tiếng kêu của nó nghe ai oán não nùng.”  Em mỉm cười khẽ nói: “Ở đây mới chỉ có một thanh âm phát ra, với hai đứa chúng mình thôi! Mà hai tâm hồn đã nghe như hai cung đàn lạc điệu! … Mai đây trên vạn nẻo đường đời, trong nhân loại, không biết còn tìm đâu ra hai tâm hồn “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Mượn chuyện chúng mình ngày xưa, em muốn nói đến trường hợp thứ Ba của ơn gọi: Đó là Chúa nhật cuối cùng của bài Tin mừng “Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt” (Mt 9,37) trong đời em. Hôm ấy vừa bước chân ra khỏi ngưỡng cửa giáo đường, một người bạn của em nói: “Bài Phúc Am mời gọi đời sống tu trì. Mình không thích hợp với đời sống ấy, nên cũng chẳng liên quan gì tới mình, vì mình đã trót yêu rồi!” –  Thì ra cũng có những người nghe thấy tiếng gọi, nhưng nghĩ tiếng ấy gọi ai khác, chứ không phải mình. Do đó tiếng Chúa gọi đối với họ, chỉ còn là tiếng kêu trong sa-mạc ! Anh nghĩ Chúa có đáng thương không? Chính vì vậy mà ở đây – bên Chúa – nhiều khi em thấy: Chúa Buồn Nhiều!
Lậy Chúa, xin hãy ghé mắt cùng con, nhìn xuống giòng sông Hạ. Chiều nay mưa vẫn mưa, như  ngày nào con còn bé, nhưng cánh chim lạc đàn không còn đó nữa, chỉ có một con thuyền đang bềnh bồng trong mưa, chơ vơ giữa giòng. Xin Chúa hãy gọi và chỉ đường cho thuyền tìm vào bến đậu.Trên bước đường luân lưu của giòng đời, xin cho mỗi người lữ hành biết dừng chân đứng lại ở mỗi đoạn đường , biết lắng nghe và đón nhận Tình Yêu cùng Hồng Ân của Chúa, để mai này cùng được thanh thản bước vào cõi Tâm Linh./.

Tg. Uyên Ly