“Đêm nay thu sang cùng heo may.
Đêm nay sương lam mờ chân mây.
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi giòng”
Đặng thế Phong (1)

Lê-Văn là một phóng viên rất nhạy cảm, năng nổ, và làm việc không biết mệt. Một phần vì anh chàng còn trẻ, nhưng phần còn lại quan trọng hơn! Đó là “cô người tình” của chàng, là một giai nhân. “Người hùng gặp giai nhân”, là chuyện muôn thuở từng xẩy ra trên trái đất. Trước khi lọt được vào cặp mắt giai nhân, anh chàng đã phải trổ hết tài năng của mình. Càng gặp khó khăn, chàng càng thích lăn xả. Lâu ngày, trở thành thứ bản năng cố hữu. Mấy tháng trước, chàng “chốp” được cái “truy-ô” của hai vị Chủ nhiệm với chủ bút, về một chuyến đi làm phóng sự cho đề tài “Niềm tin tuổi trẻ”. Thế là xách máy đi biền biệt mấy tháng trời, không một lời giã từ người đẹp. Lần này thì “mỏi mắt giai nhân” chứ không phải như cái thuở ban đầu, chàng là nạn nhân của những buổi chiều tan lễ (2) “Mỏi mắt trông vời áo tiểu thư”

… Hôm nay, đứng trên chiếc du thuyền, hai người tựa sát vào lan can, bốn mắt nhìn vào bóng đêm. Thành phố đầy những hoa đăng và ánh sáng đã biến dạng. Bóng tối trĩu nặng như hai cõi lòng của những kẻ yêu nhau trong giận hờn. Một lát sau, chịu không nổi, Mỹ-Lan mới lên tiếng:
– Chừng nào tầu cập bến ?
– Tầu ra khơi mới được một giờ, phải hai tiếng nữa, mới trở lại bến cũ! … Sao chưa gì em đã muốn về ?
– Em không được vui! … vả lại, em chỉ tính gặp anh lần này là lần chót! Chúng mình … nên chia tay! Lúc nãy, em tưởng chỉ gặp anh chút xíu thôi … đến nơi thì anh đã chìa hai tấm vé ra!, Buộc lòng em phải xuống tầu … Ai ngờ lại đi lâu như vậy!
– Anh thấy đâu có gì … mà em phải thốt ra những lời thê lương dữ dzậy ? Anh biết tội của mình, nên có nói ra điều gì trong lúc này … cũng đều không phải. Hơn nữa anh đã từng có kinh nghiệm “xót xa” về sự bị “leo cây”. Dạo ấy, “em cứ hẹn nhưng em đừng đến … nhé”, đã làm ruột anh nát ra thành từng mảng. Nhưng lần này, đâu phải anh cố ý … trả đũa! Chỉ là accident! “tai nạn nghề nghiệp” thôi mà!
– Anh còn nói là tai nạn nghề nghiệp! Đi … có “phone” cho em tiếng nào không ?
– Hôm ấy, đang đứng với ông Chủ nhiệm, không biết có chuyện gì, “mô bao” của ông ấy hết “pin”, anh đưa “mô bao” của anh cho ông ấy. Một lát … nghĩ tới chuyến bay đã cận kề, vội vã đi, quên cầm lại. Chợt khi nhớ đến em, thì anh đã ở chân trời góc biển nào rồi ! … Em à! Chúng mình không dễ chia tay đâu! Hai đứa có tới bốn cái tay đặng! … Dầu có chia tay này, cũng vẫn còn tay khác mà!
… Lê Văn choàng cánh tay qua vai người yêu, kéo sát lại gần mình. Chàng rót nhẹ… vào tai người yêu: “Cho anh xin lỗi … được không?”, rồi bằng một giọng vui vẻ:
– Anh sẽ thêm vào trong thiên phóng sự “câu chuyện chúng mình”  và kết luận: Đừng ai dại dột đi làm phóng sự “Niềm Tin”, vì sẽ đánh mất niềm tin ở nhà … nơi bạn mình!
*
… Tôi đã đi khắp chân trời góc biển, và cũng đã gặp được rất nhiều tư tưởng lạ lùng về “Niềm Tin của những Người trẻ” hôm nay.
Một cô bé Do Thái 15 tuổi gặp được ở phi trường Tel-Avis, cô bảo tôi: “Anh định đi Giêrusalem phải không? Nơi đó được gọi là Thánh Địa thật đấy, nhưng nếu không cảnh giác, anh sẽ không còn một đồng xu dính túi để trở về! Tôi hỏi: Tại sao ? Cô bé chỉ nói: “Anh không tin tôi, thì cứ thử đi, rồi sẽ biết! Nói vắn gọn … đứng ở đây, anh còn có thể “tin” tôi được! Nhưng về tới đó, thì “tôi”… anh cũng đừng tin(3) !” Quả vậy, về tới Giêrusalem, du khách người nào cũng đeo “balô” ngược. Không ai đeo balô ở sau lưng, mà phải ôm trước ngực.
Lúc đứng trong con phố chợ nhỏ hẹp giống như con đường làng, chạy ngoằn- ngoèo lên “Đồi Thánh”. Thực ra không còn là đồi theo trí tưởng nữa, vì hai bên san sát những cửa hàng nhỏ, đứng “xít lại” với nhau, đua mời du khách rao chào hàng kỷ niệm. Tôi vì né tránh một đám đông, đang vừa đi vừa hát những bài Thánh ca thuộc về một ngôn ngữ lạ. Họ đang thay phiên nhau vác Thánh giá. Chính vì vậy tôi mới đụng phải một thanh niên không rõ quốc tịch. Tôi chỉ có thể đoán anh ta là người Âu. Chúng tôi đều mỗi người đi một mình, nên dễ bắt chuyện với nhau. Chỉ vài câu trao đổi, tôi nhận ra anh là một ký giả chiến trường. Ngày nào anh cũng lên viếng mộ Chúa một chút rồi lại tiếp tục phận sự của mình. Tôi nói:
– Không biết anh đạo nào, nhưng Niềm Tin của anh vào Chúa cũng tốt đấy chứ!
– Bình thường không phải vậy! Nhưng ở đây cận kề cái chết, tin một chút vẫn hơn không! Thấy anh, tôi biết ngay lần đầu tiên anh đặt chân đến nơi này, và là người Châu Á. Nếu không, tôi đã chẳng nói chuyện với anh!
– Tại sao ?
– Ở đây không thể tin tưởng vào bất cứ cái gì! Con người với con người lại càng không thể tin tưởng vào nhau. Ngay cả mạng sống anh, mạng sống tôi, chưa chắc chúng ta đã bình yên để mà trở về nhà. Nơi đây, chiến tranh và chết chóc, có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, và bất cứ lúc nào! Không ai có thể nói trước cho chúng ta biết chỗ nào có mìn bẫy, nơi nào có đặt bom hay khủng bố. Anh ký giả nào cũng có thể bị chộp một cách bất ngờ. Họ không cần biết là người của nước nào, cứ giữ làm con tin trước, biết đâu có thể “đổi chác”!
Nghe anh ta nói: Không thể tin tưởng vào bất cứ cái gì, khiến tôi nhớ lại những cuốn hồi ký chiến tranh VN, những thiên phóng sự trong thời kỳ bom, đạn trên quê hương, mà tôi đã đọc. Lúc ấy tuổi trẻ bị đẩy vào chiến trường, người ta không biết sống chết ra sao, cũng giống như anh bạn ký giả này vừa nói. Thuở ấy tuổi trẻ bị đánh mất Niềm Tin gây nên trào lưu Yêu cuồng sống vội…
Sylvie Martinerelle, một cô gái Pháp, 24 tuổi, tôi làm quen được trong một công viên ở Paris, trong lúc chúng tôi ngồi nghỉ trưa ở một ghế đá, và ai nấy đang dùng bữa ăn trưa của mình theo dạng “tây cầm”. Thấy tôi làm dấu trước khi ăn, cô ta nhấp nháy đôi mắt, cười “mỉm chi” nhìn mình. Tội vội vã quay đi, rút mouchoir lau mặt, rồi bình tĩnh ăn tiếp. Nhưng giác quan thứ sáu cho tôi biết, khuôn mặt tôi vẫn bị chiếu đèn. Lòng tôi có chút bực bội, nghĩ … Tại sao cô gái tây phương này bất lịch sự như vậy. Kinh nghiệm dạy cho tôi biết: Phải lì mới được! Con gái thời nay mà! Mình nhút nhát chỉ “tổ” người ta bắt nạt. Nghĩ vậy, tôi cắn một miếng thật bự, vừa phùng miệng nhai, vừa trực diện với cô ta, vừa nói: Trên mặt tôi … có dấu vết nhơ bẩn ? Người con gái tròn xoe đôi mắt với nụ cười hết sức tự nhiên, nàng bảo:
– Vết bẩn thì không! Nhưng dấu Thánh giá trên mặt anh thì vẫn còn!
Đáng lẽ tôi phải ngạc nhiên về câu nói đó, nhưng chính trong giây phút trực diện, tâm hồn tôi đã bị hút mất trong đôi mắt long lanh, xanh màu tình ái. Khiến bao nhiêu bực dọc trong tôi, đã bay đi như cơn gió thoảng. Hình như có một mẫu số chung nào đó, giữa chúng tôi, hai người không cùng một chủng tộc. Tôi hỏi nàng: Nếu tôi không lầm thì cô cũng theo đạo Thiên Chúa ?  Cười một cách nhẹ nhàng, nàng trả lời:
– Tổ tiên chúng tôi đạo gốc. Chúng tôi bây giờ cũng vẫn còn trên danh nghĩa, nhưng đi đạo mà phải đến nhà thờ thì không còn nữa! Người Mỹ gọi là “Catholic no Practice”. Thấy anh làm dấu ở ngoài đường, tôi nhớ thỉnh thoảng mình còn gặp lại những nhân vật ở trong một vài cuốn phim nói về thời trung cổ!
Người Tây phương rất thích nói chuyện khôi hài, nên tôi làm ra vẻ rất tự nhiên và bảo:
– Thì tôi cũng vừa ở trong viện bảo tàng chui ra đây mà! Cô không thấy Bảo tàng viện Pháp quốc thuộc vào hàng nổi tiếng trên thế giới sao ?
– Lúc rảnh rỗi, tôi cũng thường hay vào để chiêm ngưỡng! Hoặc nghiên cứu thêm về một vài lãnh vực.
– Thảo nào nhìn cô tôi thấy quen lắm! Cô nói là thường hay vào, vậy cô có nhớ là người ta trưng bày tôi ở góc nào không?
– Anh nói chuyện nghe vui đấy! Ngừng một giây, nàng hỏi tiếp: Anh thuộc giáo phái nào?
– Tôi … Công giáo!
– Điều đó tôi biết rồi! … Ý tôi muốn nói là anh thuộc Giáo Hội Roma hay Giáo Hội thuộc quyền cai quản của Giám mục Bernard Fellay ?
– Tôi không hiểu cô muốn nói gì ?
– Anh có nghe tên Tổng Giám mục Marcel Lefebvre bao giờ không ?
– À … tên ông ấy thì tôi biết! (4) Cô theo phái này có phải không ?
– Tôi đã nói với anh là tôi không còn đi nhà thờ, thì tôi còn thuộc về phía nào nữa! Không phải chỉ mình tôi đâu! Những người trẻ ở nước tôi, anh cứ đi gặp họ đi! Đa số như tôi cả! Chỉ còn phân nửa những người lớn tuổi, thế hệ cha, ông chúng tôi, những người không còn việc gì để làm. Nếu rảnh, tôi sẽ dẫn anh đi một vòng nước Pháp: Một vài nơi, nhà thờ tạm đóng cửa, hoặc vì thiếu người đi tu, làm linh mục. Hoặc vì không còn người đi lễ. Một số cơ sở, thuộc dòng tu, bây giờ không còn đủ người, đủ tiền bảo quản, phải thu hẹp. Một là bán bớt đi, hai là cho mướn để lấy tiền tu bổ chỗ còn lại.
– Tôi không đồng ý với cô, khi bảo là những người đến nhà thờ là những người không còn việc gì để làm! Cách nói đó không khác gì những người Cộng sản ở nước tôi trước kia họ từng nói là chúng tôi làm biếng lao động. Nhưng thời gian đã chứng minh cho họ thấy bên nào làm ra của cải nhiều hơn. Bằng chứng là nước C.S nào cũng nghèo hết, Giáo hội và các cơ quan từ thiện Công giáo, nếu chỉ bao gồm những thành phần lười biếng, không sản xuất, thì lấy gì để cho đi, và giúp đỡ các dân tộc nghèo đói … Nhưng thôi, chúng ta bỏ qua vấn đề này đi! Tôi không muốn tình bạn gặp gỡ lúc ban đầu, biến thành đối thủ của nhau sau khi bàn cãi!
Chỉ thoáng một cái, Lê Văn trở lại giọng khôi hài của mình:
– Tôi đang tưởng tượng ra hình ảnh mỗi sáng có bốn cái chân đều bước, đến nhà thờ, còn bốn cái tay thì ở nhà đang pha cà phê, làm “ốp lết”, phết bơ, chuẩn bị đồ ăn sáng, của ông “Bô”, bà “Bô” cô. Nhưng mà cứ một nửa đi, một nửa không như vậy, thì cái nửa “lơ lửng” ở nhà cô thử tưởng tượng xem có buồn cười không ? ngồi không được, mà lết cũng không xong!
Sylvie đánh nhẹ vào người tôi một cái, nàng phá ra cười và nói:
– Anh “diễu” thiệt đó! Cái hình ảnh do anh tưởng tượng ra như vậy, làm sao không tức cười được! … Nhưng cha mẹ tôi đâu còn sống chung với nhau nữa, để nửa đi, nửa ở!
– Xin lỗi cô, tôi thật vô ý! … Đáng lẽ tôi không nên …
– Có gì mà anh phải xin lỗi! Đến lúc cha mẹ tôi không còn cảm thấy hạnh phúc khi phải chung sống với nhau nữa, thì họ tách ra để mỗi người được tự do tìm kiếm người bạn thích hợp với mình, như vậy chả hơn là cứ cố duy trì mãi tình trạng gắn bó trong hậm hực, gây gổ, cãi vã mỗi ngày. Chính tôi đã khuyên ông bà ấy nên làm như vậy để cho căn nhà không còn là cái “địa ngục” nữa!
Tôi bậm môi suy nghĩ: Những người trẻ như cô gái này đã không còn Niềm Tin vào gia đình nữa, thì nuôi dưỡng thế nào được Niềm Tin Tôn giáo. Nói cách khác, quan niệm về gia đình đã như vậy, thì quan niệm về tôn giáo tồn tại thế nào được! Sự khủng hoảng trong đời sống gia đình tại các nước Tây phương đã thật đáng sợ, và Đông phương cũng đang ảnh hưởng theo. Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng: Môi trường tôi hấp thụ được lúc ấu thơ, và đời sống đạo đức của cha mẹ tôi trong mái ấm gia đình nhỏ bé của mình, đã ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống Tâm Linh của tôi khi lớn lên …
– Anh đang suy nghĩ … cái gì đó ?
– Tuổi trẻ chúng ta rõ ràng không khác biệt, đồng hành trong cùng một thế hệ. Chỉ cách nhau có một đại dương, thế nhưng hai quan niệm hoàn toàn xa lạ. Ở xứ tôi, những cha mẹ ly thân, hay ly dị rất hiếm. Trong những trường hợp đó, con cái thường mang nhiều mặc cảm, họ rất ngại ngùng, hay cố né tránh khi phải đề cập tới các ngài. Nhưng ở phương Tây, hình như chuyện của cha mẹ, không dính dáng gì với con cái ?
– Anh thấy quan niệm nào thoải mái hơn ? Con cái không làm cản trở sự tự do của mẹ hay của cha. Ngược lại, cha mẹ không xâm phạm vào đời tư của con cái. Nếu anh không thích cách sống như vậy mới làm tôi ngạc nhiên đó! Anh có biết bốn chữ Cá Nhân Chủ Nghĩa là gì không ? Không lẽ anh không thích … có một cuộc sống “tự do”?
– Bàn về chữ thích thật là khó nói. Lại thêm định nghĩa hai chữ “tự do” trong cuộc sống quá phức tạp này, không dễ có một sự thỏa hiệp trên quan điểm!
– Anh cứ thử một lần xem tôi có thể dễ dàng chấp nhận hay không ?
– Vâng, tôi thí dụ: Nếu như tất cả các chàng trai, trong đó có tôi nữa, đều “thích” cô, và ai nấy quyết tâm phải chiếm đoạt. Này Sylvie à! Tôi không phải là người đàn ông hay nịnh đầm đâu, nhưng nói rằng cô rất đẹp, thì không phải là điều nói dối! Lúc đó cô trở thành mục tiêu của một trường huyết đấu. Nếu như không có luật pháp ngăn ngừa, để cho con người “tự do” theo kiểu “mạnh được yếu thua”, thì sự tự do lựa chọn mẫu người theo ước nguyện của cô, có bị xâm phạm hay không ? Nhưng rất may, cái “thích” của mỗi người, không thật sự giống nhau. Cùng bước vào vườn hoa, ai cũng thấy đẹp. Nhưng rồi mỗi người sẽ thích một loại hoa và màu sắc khác nhau … Người Ý thích Pagetti, cô chắc thích Pâtéchaud, tôi cũng thích cả hai thứ đó lắm! Nhưng tôi sẽ chọn tô Phở. Ở xứ tôi “nước mắm” rất là quan trọng trong việc ăn uống. Nhưng nếu cho cô, cô sẽ không lấy, đừng nói bỏ tiền mua, đúng vậy không? Cũng vậy, trong quan niệm Á đông, hạnh phúc của con cái có một mấu cứ vô hình dựa trên hạnh phúc của cha mẹ. Chỉ khi nào, cô học về Triết Đông, cô mới thực sự hiểu được thế nào là “trên thuận dưới hòa”.
– Chưa hẳn là tôi đã đồng ý trên quan điểm của anh! Nhưng tôi chấp nhận xem anh là một người bạn. Đã tới giờ tôi phải đi làm việc. Tôi sẽ tặng anh thời gian cuối tuần này của tôi. Điểm hẹn ngay tại chỗ này, 9 giờ sáng thứ Bảy. Tôi sẽ lái xe đưa anh đi bất cứ chỗ nào trên nước Pháp, nếu anh muốn.
– Tôi còn nhiều việc phải làm, nên không hứa hẹn trước với cô được! Tuy nhiên, nếu cô không ngại thì cứ thử tới đây vào thời gian đó xem sao. Biết đâu …
Buổi chiều hôm đó tôi đáp chuyến xe lửa đi Bồ đào Nha, Khi xe lửa ngừng tại một ga ở Spain, số lượng hành khách có thay đổi. Trong số những người lên xuống, có một phụ nữ trẻ, đẹp (lại là người đẹp! Nhưng lớn tuổi hơn tôi). Dĩ nhiên chị này là người Tây ban nha, đến ngồi sát bên tôi, chuyến hành trình khá dài này, đã đem lại cho chúng tôi sự quen biết thật lý thú. Hồi tôi còn nhỏ, ở cạnh nhà có một bà đồng bóng, bà này thường hay nói với cha mẹ tôi là thằng bé này lớn lên có số đào hoa. Dĩ nhiên tôi chẳng tin ba cái chuyện nhảm nhí đó! Số đào hoa thì sao chứ ? Đến khi sớm khôn, tôi đã biết nhiều người “chết lên chết xuống” vì đàn bà con gái. Tôi không thích cuộc đời bị “bầm dập”, hay bị “chết đi chết lại” nhiều lần. Tôi chỉ có một giấc mộng duy nhất là “đời hải hồ”. Bởi vậy, tôi đâu dám hẹn hò bừa bãi…
– Li-Wang ạ! (Chị cứ đọc sai tên tôi) Từ nãy tới giờ, tôi cố gắng làm cho bạn hiểu hơn về thế giới chúng ta đang sống, nhưng dường như bạn khó chấp nhận “Một làn sóng vô hình đang cuốn hết thẩy mọi người chúng ta vào đại dương”. Hôm nay, giòng tư tưởng của chúng ta còn gặp nhau, chính vì tôi còn đang đứng ở cuối giòng, nơi những giòng sông đổ vào cửa biển (5). Còn Li Wang, thế nào, tôi lại đọc sai tên bạn rồi à! Sửa lại đi! … ừ, … Lê văn! Bạn vẫn còn là giọt nước ở trong lạch. Không, …Có thể đã là một giòng sông đang trôi qua những cánh đồng, những làng mạc thân yêu (6), hoặc là những giòng nước bắt đầu đi qua thành phố (7)… Nhưng không lâu nữa, khi tôi đã là giọt nước của Đại dương, thì chúng ta đã hoàn toàn khác biệt! Lúc ấy, cái suy nghĩ, lề lối làm việc, phong tục tập quán của đại dương không còn giống như cách suy nghĩ, văn phong, tập tục của giòng sông đi qua lục địa nữa! Nhưng … sẽ không lâu, giòng sông nào rồi cũng phải đổ ra biển. Bạn cũng chẳng có cách nào khác đâu!
Chị có tên là Mariella Scarlot, tốt nghiệp Đại học Havard về môn Tương lai học.  Một ngành học mới xuất hiện, chỉ trong một vài trường đại học danh tiếng trên thế giới. Lúc đầu chị là môn đệ của những Paul Samuelson; William Nordhaus – Những ông thầy phù thủy của ngành kinh tế học – Nhưng người mà chị cảm phục là J.K. Galbraith, người viết ra lý thuyết Kinh Tế Siêu quyền lực. Mariella nói với tôi, chị được chính Alvin Toffler (8) – Giáo sư, và là  nhà Tương lai học – đỡ đầu. Chị nói chuyện bằng biểu tượng nhiều hơn, để không phải “diễn thuyết” dài dòng về các vấn đề mà chị đã nói với tôi: “Chúng ta làm gì có thời gian cả một năm trời để ngồi nói chuyện với nhau, có phải không?”. Làm như chị rất thích tôi, nhưng tôi có chút nghi ngờ là “chị thích nói” thì đúng hơn! Vì câu hỏi của tôi thật ra rất đơn giản, và ngắn gọn: “Chị nghĩ  người trẻ hôm nay, họ đặt Niềm Tin vào những gì ?”. Bạn biết chị ta bảo tôi thế nào không?
– Người bạn trẻ à! Vấn đề bạn đặt ra có phải là gấp rút quá không? Bạn tưởng một chuyến tầu đêm là có thể giải quyết được chuyện này à ? Còn có những vấn đề cụ thể và nhỏ hơn, vẫn từng được xem là nguyên nhân làm cho nan giải các lãnh vực tinh thần. Thí dụ: Tương lai, sự cai trị thế giới sẽ ra sao ? hay nền kinh tế thế giới sẽ đi về đâu ? Mỗi người sẽ thật sự phải làm bao nhiêu giờ một ngày ? Hoặc cái gì sẽ thay thế cho những “năng lượng” cũ, đang từ từ biến mất ? Ở tuổi bạn, câu hỏi “Người tương lai” quan niệm thế nào về “Tình yêu, Gia đình, và hạnh phúc”? dù sao cũng thực tế hơn, nhưng không phải là không phức tạp. “Mọi cái hôm nay, tương lai sẽ thay đổi hết”. Nếu tôi nói vậy, bạn có “tin” không ? Tôi biết bạn chẳng bao giờ “tin”, vì nó thuộc loại những câu nói đã bứt hết gốc, rễ, mà chỉ có ngọn ngành. Cũng vậy, khi đụng vào Niềm Tin là đụng vào lãnh vực siêu hình. Chúng ta không thể bước một bước mà vào ngay trong đó được! Còn nhiều lãnh vực bao bọc xung quanh, mà lại là những bộ phận rất cụ thể, rất tất yếu.  Thí dụ Niềm Tin vào Thiên Chúa nơi bạn, thì không dễ lay chuyển chứ gì. Nhưng Giáo Hội lại có những mặt hữu hình, có thể thay đổi theo thời đại. Tôi thí dụ: Nếu tương lai, phụ nữ được làm lễ, Linh mục có thể lấy vợ. Chuyện đó thời trước quan niệm “không thể nào được!”, nhưng bây giờ thì đã “manh nha” ý tưởng: “Có thể xẩy ra trong tương lai chứ”. Ở thời đại nông nghiệp, phụ nữ ở trong nhà, quan niệm về người phụ nữ dù Đông hay Tây, đều thấp hèn. Thời đó, không ai cho phép phụ nữ được đụng vào những “của Thánh”, “vật Thánh” (khăn Thánh, chén Thánh, và ngay cả gian Cung Thánh cũng không được bước vào). Sang đến thời đại công nghiệp, khi người phụ nữ đã ra ngoài xã hội, thì quan niệm cũ đã đổi thay. Bây giờ thời đại công nghiệp đang bị thời đại tin học (hay tín liệu) đẩy lui. Những quan niệm mới đang hình thành. Chúng ta đang sống trong thời kỳ bao gồm cả ba lớp người: Những con người của thời đại nông nghiệp vẫn còn tồn tại, bên cạnh lớp người của thời đại công nghiệp, và đồng thời cũng đang xuất hiện lớp người thứ Ba. Tạo thành ra nhiều quan niệm khác biệt trong cùng một thời đại. Một lúc nào đó, những quan niệm va chạm sẽ tạo ra sự bùng nổ (Big Bang), và có nhiều mảnh vụn sẽ văng ra. Sự kiện này đã từng xẩy ra trong quá khứ lịch sử tôn giáo, cũng như lịch sử nhân loại! Chúng ta thử đưa ra một biểu tượng “Niềm tin” là một cái vòng tròn. Vòng tròn có bề mỏng, dầy, và chất cấu tạo về độ bền khác nhau. Tôi sẽ nói cho bạn biết tốc độ những sự thay đổi hôm nay, chuẩn bị vào tương lai đang diễn ra rất mau. Mau không thể tưởng tượng được! Sự chuyển biến quá nhanh về tốc độ, thông tin, kéo theo sự đổi thay những quan niệm về: Tình yêu, gia đình, xã hội, kinh tế, năng lượng, chính trị, quyền lực, văn hóa, nếp sinh hoạt, đời sống, những gía trị tinh thần v.v… Tạo ra những “rung động” mãnh liệt. Khiến cho những vòng tròn “niềm tin” nơi mỗi con người, không thể không rung động theo. Khi ấy  những vòng tròn “mỏng”, và thiếu “độ bền” sẽ không còn là “vòng tròn” nữa! Lúc đó thể dạng của nó thế nào, khó mà tưởng tượng ra được! Tất nhiên sẽ vẫn còn những vòng tròn “dầy”, với những chất liệu “bền”. Nhưng có được bao nhiêu chiếc vòng tròn như vậy, còn tùy thuộc bàn tay của các “nhà luyện kim” thời đại. Khi ngồi ở bộ môn tương lai học, tôi cũng đã gặp các nhà luyện kim(9), họ là những nhà thần học các tôn giáo, những triết gia, hay những nhà tư tưởng, những nhà xã hội học, kinh tế chính trị học, có đủ mọi thành phần, có cả những “Phác thảo viên”, những nhà “Diễn Tập” (Đạo diễn sân khấu xã hội thuộc nhiều lãnh vực Thông tin đại chúng như: Các chương trình Truyền hình, truyền thanh, mạng lưới “vi tính”, các loại phim ảnh v.v… hướng dẫn, hoặc dẫn dụ, tạo ảnh hưởng lên đời sống con người. Những nếp sống mới hiện lên sự khác biệt hoàn toàn với các quan niệm cũ về “Tình yêu”, hạnh phúc. Phương thức kiếm lợi nhuận v.v…) … Bất cứ phía nào cũng đang tạo sự lôi cuốn nhắm vào những người trẻ. Hết thảy đều đang cố gắng vẽ nên bức chân dung của một thời đại mới. Nhưng thật sự chưa rõ nét! Có những bàn tay quyền lực đã ló ra với những tham vọng sắp xếp lại một thế giới mới. Nhưng không chắc gì là họ có thể thực hiện được, vì cơn lốc của nền văn minh mới, đang thổi tới … Lê Văn chợt nghĩ: Hay chính họ lại là một trong những “nhân tố” của cái gọi là “Văn minh đang tới” (?).
“Đêm nay thu sang cùng heo may,
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền(10) ai lờ lững trôi theo giòng…”
*
Câu chuyện xem ra như mới chỉ bắt đầu, nhưng con tầu đã cập bến cũ (11). Mọi người đang dập dìu bước lên bờ. Dù muốn tiếp tục cũng chẳng được! Vì ngay trong cuộc sống, chúng tôi cũng chỉ là Gợn sóng nằm giữa Trường Lưu, Cuốn theo Giòng  sông thời đại, để rồi cũng sẽ trôi vào đại dương tương lai. Lê văn nắm tay người yêu bước lên bờ. Phố xá rực ánh đèn trải rộng trước mặt. Vừa đi chàng vừa sẽ nói:
– Anh không hẹn hò gì với ai cả! Tất cả mọi hẹn hò trong đời … Anh chỉ dành cho một mình em thôi! … Về ngủ ngon đi … cuối tuần, tìm đến em, anh xin kể tiếp. Nhưng mà Mỹ Lan ạ! Suốt hành trình mấy tháng trời, anh cũng đã có linh tính này … là gặp em, thế nào cũng …
– Anh đã biết trước à ? … Thế sao không tìm lấy con đường tự giải thoát cho chính mình đi!
– Có chuyện gì mà lớn lao quá vậy ? Xa nhau có vài tháng mà em … đã thay đổi đến độ … anh không thể nào tưởng tượng nổi! Anh nghĩ … Có những sự giải thoát mà “ai” đó đang tìm kiếm, có khi lại là nỗi bất hạnh đang chực chờ, ẩn khuất bên bờ vực … Chàng nói trong sự băn khoăn tột cùng, cùng lúc cô gái chặn lại câu nói dở dang:
– Anh đừng có nói bậy đi!  Tội của anh … em chưa tính đó … Mai mốt gặp lại mới nói. Anh về đi!
– Anh đưa em về!
– Không cần đâu! …

Tg. Uyên Ly

Ghi chú:
(1) Đặng thế Phong (1918-1942): Ông là một Nhạc sĩ sáng tác rất ít, nhưng những bài hát của ông không ai không thích. Có thể “người đời” sẽ còn được thưởng thức thêm nhiều với “thiên tài” này, nếu “đời người” của ông không quá ngắn (!) mất năm 24 tuổi, sanh trưởng trong một gia đình nghèo khó, ở Nam Định. Mẹ mất sớm, anh em gồm 6 người con (2 trai, 4 gái). Nhạc phẩm được ưa thích nhất: “Giọt mưa Thu”, rồi đến “Con thuyền không bến” … Mấy câu trên trích trong “Con thuyền không bến”.
(2) Tan lễ: Xin được hiểu theo nghĩa tượng hình: Hình ảnh của đám đông “ùa” ra khỏi ngưỡng cửa Giáo đường sau Thánh lễ. Trong ý nghĩa “Tâm Linh” Lễ không bao giờ “tan”.
(3) Sự kiện này khiến tôi lại nhớ tới VN, quê hương tôi chinh chiến dứt đã lâu, mà cũng vẫn còn cảnh này, huống gì những nước đang chiến tranh.
(4) Tổng Giám mục Marcel Lefebvre sáng lập “Nhóm Pio x”, ly khai khỏi G.H. Lamã năm 1988, đặt giáo triều tại Thụy sĩ, nhưng hoạt động mạnh nhất là tại Pháp. Đã bành trướng được trên 59 quốc gia. Đang có hy vọng “hòa giải”. Chỉ là vấn đề bảo thủ, không chấp nhận những cải cách về phụng vụ của G.H. Lamã. Giám mục Bernard Fellay là người kế vị.
(5) Tượng trưng cho những người hay thế hệ đang đứng trước làn sóng “Văn minh mới”: Nền văn minh “Tin học” hay “Điện toán”.
(6) Tượng trưng cho những dân tộc còn đang ở trong thời đại “Nông Nghiệp”. Ngay như dân tộc Việt Nam cũng vậy. Lịch sử nhân loại tạm phân làm 4 thời kỳ: Hàng triệu năm trước Thời đại “Văn minh Nông nghiệp” là thời kỳ “Du mục”, hay “Săn hái”. Mười ngàn năm về trước, nhân loại bước vào nền “Văn minh Nông nghiệp”. Chỉ mới Ba trăm năm cách đây, khởi sự nền “Văn minh Cơ khí” hay gọi là “V.M. Công nghiệp” cũng vậy.
(7) Thành phố Tượng trưng cho nền “Văn minh Công nghiệp”.
(8) Alvin  Toffler: Nhà Tương lai học, vừa là Giảng Sư, vừa là nhà văn. Những tác phẩm nổi tiếng dự báo tương lai của ông đã làm rung động thế giới: Future Shock (Cú Sốc Tương Lai); The Third Wave (Làn Sóng Thứ Ba); Power Shift (Thăng Trầm Quyền Lực) … Tổng Thống Bill Clinton đã từng mời ông vào Tòa Nhà Trắng để thuyết giảng cho toàn thể những nhân vật trong Nội Các về “Những Sự Thay đổi toàn bộ mặt Thế giới của làn sóng Thứ Ba”. Ông tuyên báo: Bất cứ Dân Tộc nào, Quốc gia nào chậm thích nghi, không nhanh chóng thay đổi, sẽ phải lãnh nhận cái giá mà họ phải trả. Điều này khiến cho Trung Quốc đã phải triệu tập một Hội Nghị Đặc biệt, để nghiên cứu.
(9) Thuật luyện kim (Alchemi): nghĩa đen là thuật biến đổi thời cổ, tiền thân của môn hóa học và luyện kim thời đại. Nghĩa bóng là: Thuật làm thay đổi “ý-thức”. Theo định nghĩa của nhà Tâm thần học Carl G. Jung: Là thuật làm cho thay đổi tâm lý hoặc tâm linh.
(10) “Thuyền”. Bài này biểu tượng xem ra là một thứ “ngữ học” được xử dụng nhiều, do đó cũng theo lối nhìn biểu tượng, Đạo học Đông phương thường nói đến con “Thuyền chở Đạo” là nói tới “Niềm Tin” nằm trong con người. Cái hữu hình nó luôn luôn chở “đeo, mang” cái vô hình. Nó là nghĩa “Dương, Âm” trong vũ trụ, gắn liền với nhau. Cho nên khi “thuyên đắm” thì tránh sao khỏi “đạo chìm”. Chính vì vậy mới phải giữ mình, luyện tập cốt cách. Rồi cũng chính vì vậy, nó bị ảnh hưởng “giòng đời”, cuốn theo “thời đại”.
(11) “Tầu cập bến” cũng như một hình ảnh biểu tượng “Giới hạn của đời người”. Trên tầu, có nhiều cuộc vui có khi còn đang diễn ra: Có người còn đang say sưa ăn uống, có kẻ còn đang nhảy đầm, có những câu chuyện còn dang dở như Lê Văn đang kể…  Nhưng cũng có những người trước đó đã ý thức được “Gần tới bến bờ”, để chuẩn bị hành trang cho một sự trở về. Ở đây, nó còn là sự dừng lại: “Tự giới hạn của ngòi viết, trong khuôn khổ một bài báo”. Mong độc giả thông cảm! Nhưng không phải là đã chấm dứt. Rồi có một ngày …